|
Các loại giá cả, như giá xăng dầu, giá điện, giá than, lãi suất... - phạm trù trung tâm của kinh tế thị trường - được điều hành hầu như hoàn toàn theo mệnh lệnh hành chính.
Những tuyên bố về yêu cầu áp dụng cơ chế giá thị trường cho một số ít mặt hàng chiến lược còn lại mà giá cả chưa được “thị trường hóa” đầy đủ được đưa ra nhiều và khá mạnh mẽ, nhưng lại chậm hoặc ít được thực thi.
Xu hướng chung là nền kinh tế càng bất ổn thì cách điều hành hướng vào xử lý tình thế ngắn hạn như vậy càng “áp đảo”. Nhưng do hiệu quả đạt được của cách điều hành này thấp nên chúng càng làm gia tăng tình trạng mất lòng tin của thị trường.
TS. Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam |
Trong số các chính sách điều hành vĩ mô của năm 2012, có thể lấy cách điều hành chính sách tiền tệ, trong đó, nổi bật nhất là chính sách lãi suất, làm “mẫu” để phân tích nhằm rút ra những kinh nghiệm.
Tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân mới được tổ chức vào đầu tháng
4/2013, ông Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho
biết: Hiện nay có nhiều thứ xấu hơn cả nợ xấu. Không có điểm mới đáng kể
nào trong thực tiễn kinh tế từ 2007 đến nay ngoại trừ xu hướng xấu đi
của tình hình.
Trong các bài viết, bài nói về kinh tế trên các diễn đàn, hai từ
được dùng với tần số cao nhất là “nghiêm trọng” và “quyết liệt” - dù
khác nhau về nội dung diễn đạt, hóa ra chỉ phản ánh duy nhất một điều:
tình thế khó khăn hơn của nền kinh tế, đến độ gay gắt mà chưa hề phản
ánh tính chất quyết liệt của hành động cải cách thực tế. Bởi vậy cần có
sự bàn thảo để tìm câu trả lời cho câu hỏi cải cách trong bối cảnh nền
kinh tế ngày càng khó khăn, thậm chí, có nguy cơ khủng hoảng, ở Việt Nam
thực sự có nghĩa là gì? Tại sao suốt mấy năm trời, đã không có một nỗ
lực cải cách thực sự nào được thực thi? Phải chăng động lực và năng lực
cải cách của nền kinh tế đã bị suy yếu nghiêm trọng?
Việc không biết chính xác số nợ xấu, còn xấu hơn cả nợ xấu, bởi
không có số liệu đáng tin cậy thì không thể xây dựng chiến lược đúng để
giải quyết vấn đề.
Vẫn xấu hơn cả nợ xấu, đó là quá nhiều doanh nghiệp - lực lượng
chủ lực của tăng trưởng - đã “chết”. Hiện tượng số doanh nghiệp đóng cửa
của quý một năm nay ngang bằng với số doanh nghiệp đăng ký mới được ông
Thiên cho là sự kiện mang tính lịch sử. Bởi chênh lệch của hai số liệu
này thường ở khoảng 10 nghìn, nghiêng về số doanh nghiệp mới.
Còn nhiều thứ khác, là xấu hơn hoặc ít nhất cũng xấu bằng nợ xấu, trong đó có tồn kho bất động sản - một khái niệm mới.
|