Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Sáu, 28 tháng 2, 2014

Hồ Ngọc Nhuận - Cái giáo phái này là giáo phái gì? (bài 2): Vườn địa đàng của "cái giáo phái" (*)

Bây giờ người ta ta ít nói tới “vườn địa đàng”, mà chỉ nói tới thiên đàng hay niết bàn. Theo một vài truyền thuyết thì “vườn địa đàng” là có thật hồi mới tạo thiên lập địa, nhưng đã bị tổ tiên loài người phạm tội đánh mất, nên con người từ đó phải biết lo tu thân để mong sau khi chết được lên thiên đàng mà hưởng phước đời đời, không phải xuống địa ngục.
Vậy thiên đàng là ở đâu?
Người ta có thói quen chỉ lên trời, còn địa ngục thì chỉ xuống đất. Mà quên rằng trái đất sau ông Galilée là không vuông, mà tròn. Bên kia trái đất cũng là trời, nếu chỉ như vậy thì thiên đàng và hỏa ngục cùng ở một nơi sao?
Theo một số người thì điều này là cũng có thể và có lý lắm. Theo họ, thiên đàng không ở một nơi nào hết, mà là một trạng thái hưởng thụ, vật chất hay tinh thần. Người ta không từng nói đã lên thiên đàng, đã gặp thiên đàng khi đạt được một điều gì vui sướng nhất, sảng khoái nhất trần gian đó sao? Không thiếu người trong đời đã khoe là đã từng được dịp lên đến “chín tầng mây”. Mà “chín tầng mây” tức là một thứ thiên đàng rồi. Vậy thiên đàng nó ở ngay trong lòng mình. Đi bộ cả buổi mà gặp một ly trà đá thì đúng là gặp thiên đàng.
Nhưng nếu cứ muốn nó phải ở một nơi cụ thể nào đó, thì ở đâu mà tình trạng hưởng thụ được cho là tuyệt vời lý tưởng nhất thì ở đó là thiên đàng. Một triền đồi, một mái nhà tranh, một doi đất bên bờ biển vắng trên mảnh đất quê hương có thể là một thiên đàng cho ai đó. Có nhiều vùng thiên nhiên tuyệt đẹp trên thế giới cũng được người ta tôn vinh là thiên đường, như thiên đường trắng của các dãy núi tuyết vĩnh cữu. Và Tình Yêu. Và cả những giấc mơ nữa. Có người vì vậy mà suốt đời bị cả những người thân của mình cho là mãi sống trên mây. Kỳ thật là họ đang sống trong những giấc mộng của mình, mà không phải là ác mộng hay mộng ác.
Ngược lại thì hỏa ngục cũng vậy. Ngược lại thì không thiếu người tội nghiệp đã gặp phải hỏa ngục ngay trong nhà mình. Nhân loại cũng không thiếu cảnh một dân tộc phải sống trong chế độ gông kìm của một địa ngục trần thế. Nếu địa ngục thật sự có nhiều tầng, thì chế độ của bọn Khmer Đỏ Pol Pot không biết ở tầng thứ mấy, mà người dân Campuchia, không trừ các vị sư sải của đạo Phật, đã phải kéo lê kiếp sống hãi hùng trong đó suốt 4 năm dài. Cả những chú khỉ hoang ở Angkor Vat cũng đến phải chết đói. Chế độ cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông cũng là một tầng địa ngục, hay tất cả các tầng địa ngục gộp lại cũng nên.
Nhưng xin trở lại chuyện cái thiên đàng của “cái giáo phái”. Nó không giống với thiên đàng trong niềm tin của một giáo phái nào khác.
Như giáo phái Aum Shinrikyo ở Nhật chẳng hạn. Báo chí thế giới đã từng nói đến cái gọi là “giáo phái của giới tinh hoa” này rất nhiều vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước. Giáo phái Aum, nói tóm tắt, cũng rao giảng về việc cứu nhân độ thế, về ngày tận thế. Nhưng cái khác căn bản của nó là khi rao giảng về ngày tận thế, nó lại tin nó có khả năng thúc đẩy ngày tận thế mau đến bằng lợi dụng chiến tranh. Tận thế, nhưng Aum vẫn còn, và ai tin theo nó thì vẫn tồn tại để cùng với nó ngự trị trên thiên hạ đời đời. “Nổi tiếng” nhất là cái lần nó góp phần “thúc đẩy ngày tận thế” tới sớm bằng cuộc tấn công tàu điện ngầm ở Tokyo với chất độc sarin vào sáng ngày 20-3-1995, giết chết 13 người, làm bị thương nặng 54 người và 980 người nhẹ, theo con số chính thức. Cảnh sát còn khám phá ở tổng hành dinh của giáo phái dưới chân núi Phú Sĩ hằng kho chất nổ, vũ khí hóa học, vũ khí vi trùng… ước tính có khả năng giết hại ít nhất 4 triệu người, và các phòng bào chế các chất gây nghiện, như LSD… Sau cùng, giáo chủ của Aum là Shoko Asahara và mấy môn đệ hàng đầu cũng đã bị bắt và bị chung thẩm kết án tử hình vào ngày 15–9-2006.
Khác với Aum, giáo phái Đền Mặt Trời ở Thụy Sĩ và Canada thì lại gởi gắm đức tin vào một thiên đàng ở thế giới khác, ở một hành tinh khác. Và muốn đến đó thật sớm bằng cách tự sát và giúp nhau tự sát tập thể. Trước sau, từ tháng 9-1994 đến tháng 3-1997 có tất cả 4 vụ thảm sát hay tự sát tập thể làm xôn xao dư luận ở châu Âu và Bắc Mỹ, mà vụ có nạn nhân đông nhất là vụ xảy ra ngày 05-10-1994, tại 2 nơi ở Thụy Sĩ, với tổng cộng 53 mạng người, trong đó có cả một giáo chủ sáng lập giáo phái, cùng người bạn đời và con gái… Mọi chuyện rồi cũng chìm vào quên lãng sau phiên tòa năm 2006, trả tự do cho nghi can duy nhất còn lại trong nội vụ…
Hoàn toàn không giống với hai giáo phái điển hình kể trên, “cái giáo phái” nói ở đây nó thừa biết không có ai qua đời mà trở lại để cho biết thiên đàng hay hỏa ngục nó ra làm sao. Nếu có thì chắc tội ác loài người không đến nổi tràn ngập thế gian như xưa nay. Nhất là tội ác đối với con người. Là tội nặng nhất, vì chống lại Tình Yêu.
Cho nên “cái giáo phái” nó không chờ ngày tận thế, cũng không chờ kiếp sau, mà chủ trương xây dựng một thiên đàng ngay ở trái đất này, một vườn địa đàng.
Có thể được không?
Từ trước tới nay, lâu lâu người ta cũng nghe ai đó nói qua về một điều tương tự. Nhưng vừa rồi, qua tin các báo chính thức, có một ông lãnh đạo cao ngất đã chính thức tuyên bố về việc ông cũng đang xây dựng một “cái na ná”, mà ông lo không biết “cái na ná” của ông đến cuối thế kỷ 21 này có xong hay không?!
Trong khi đó thì có một cố tướng lãnh anh hùng, một nhà tình báo thượng thặng vừa là một nhà báo nổi tiếng, lúc sinh tiền đã từng tâm sự với bạn bè, đồng nghiệp làm báo trong ngoài nước, về một “cái na ná” như cái mà ông lãnh đạo cao ngất nói trên tuyên bố đang lo xây dựng. Theo ông tướng nhà báo, cái vườn địa đàng, hay “cái na ná”, nếu có thật, thì phải chờ ít nhất một ngàn năm nữa may ra mới đến đó được. Còn nếu ai sốt ruột, muốn có nó ngay, thì nên vô rừng mà sống như Tarzan, với Tarzan, nếu đâu đó thật sự còn rừng. Ông bạn nhà báo anh hùng này nói vậy là vì ông tham gia hoạt động vì lòng yêu nước yêu dân, như nhiều đồng bào bạn hữu khác của ông, chớ không hề có chút ảo tưởng về cái thiên đàng hay “cái na ná” nào do “cái giáo phái” nào hứa hẹn. Và ngày nay, nếu ông nghe được cái ông lãnh đạo cao ngất tuyên bố như trên kia, và chắc là ông nghe được, thì ông phải đến thét lên là cái ông cao ngất đó lại tiếp tục “nói theo các báo Sự Thật”.
Còn người dân ở đây, đứng trên nhiều góc độ khác nhau, thì mỗi người đều từng chứng kiến mỗi ngày cái vườn địa đàng của “cái giáo phái” đó từ rất lâu rồi. Người dân ở đây đã thấy hàng hàng lớp lớp các đội tiên phong của “cái giáo phái”, rồi toàn bộ “cái phần không nhỏ” của “cái giáo phái”, đã “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc”… vào cái vườn địa đàng của nó từ lâu rồi. Chớ không cần chờ đến cuối thế kỷ để được thấy “cái sự thật thế kỷ” của cái ông lãnh đạo cao ngất trên kia nó ra làm sao.
Vậy cái vườn địa đàng hay thiên đàng dưới thế của “cái giáo phái” nó là cái gì, như thế nào? Và nó ở đâu, theo người dân?
Theo người dân thì nó cũng ở trên cùng mặt đất với dân đen, nhưng mọi thứ của nó đều như trong một hành tinh khác, với cuộc sống, nếp sống, mức sống, với tất cả mọi thứ đều hoàn toàn khác với kiếp sống của người dân. Mà một trời một vực.
Nó là cái thứ được “cái giáo phái” sinh ra để tha hồ hưởng thụ và không hề bị trừng phạt. Thiên đàng thì làm gì có phạt. Chỉ có “điều chuyển” qua lại, lên xuống trong cái hệ thống tổ chức của “cái giáo phái” để mãi mãi tiếp tục hưởng.
Dân đen phải đổ mồ hôi, phải lao động mới có ăn. Dân trong vườn địa đàng của “cái giáo phái” không phải đổ mồ hôi mà có sẵn đủ thứ để ăn. Hằng núi đủ thứ để ăn, bao nhiêu đời con cháu ăn hoài không hết.
Dân trong vườn địa đàng của “cái giáo phái” không cần lao động, chỉ cần biết ký tên. Ký ở góc đường, ký ở lầu cao, ở các ngân hàng, dưới các giấy phép, dưới các dự án, các gói thầu, các hợp đồng; dưới quỹ lương, quỹ vay, quỹ viện trợ; dưới các chính sách, nghị quyết… Hãy nhìn những thứ ngồn ngộn nó thãi ra, và chừa ra, để chôn làm nền cho cái vườn địa đàng của nó trên cả nước thì biết sức ăn của nó khủng khiếp đến nhường nào.
Nó hơn là một thứ ôn dịch, hơn là một đại nạn hay quốc nạn, trăm năm hay ngàn năm. Vì trăm hay ngàn thì cũng qua, mà cái này, ở đây, theo chủ trương của nó, là muôn đời.
Muôn đời trên lưng người dân. Trừ phi tới ngày nó quyết định bán mảo từng gói, hay trọn gói để bỏ đi làm ăn nơi khác…
Cái ông lãnh đạo cao ngất trên kia tuyên bố đang lo xây dựng “cái na ná” của ông trước cuối thế kỷ là tung hỏa mù. Để bao giấu cái vườn địa đàng mà “cái thành phần không nhỏ” của “cái giáo phái” đã làm ổ trong đó từ lâu.
Ông nói vậy là nói xạo, vì không ai đi xây dựng một cái đã sập cách đây chỉ mới hơn 20 năm, ở chính cái nơi mà nó cũng chỉ sống vỏn vẹn có 74 năm. Không ai đi xây dựng những cái đã sập ở nhiều nơi cách đây cũng chỉ mới vài mươi năm, sau khi chỉ sống vỏn vẹn có 44 năm.
Và cái sớm muộn cũng sẽ sập là ở cái xứ nổi tiếng người ăn thịt người, nổi tiếng đốt sách chôn học trò, đập tượng ông Khổng rồi lại bày trò bịp bợm đi dựng lại ở khắp nơi trong ngoài nước. Cái xứ có truyền thống bá quyền chuyên đàn áp các dân tộc thiểu số, luôn âm mưu xâm lấn, thôn tính các nước chúng gọi là man di chung quanh.
Cát sa mạc đang lấn sâu vào nội địa cái xứ đó, bụi cát sa mạc định kỳ phủ trùm thủ đô cái xứ đó, nạn ô nhiễm môi trường kinh niên trên các thành phố đông dân, sóng di dân ồ ạt lòng vòng trong nước và ra ngoài nước… là những điềm báo trước ngày tàn của bọn bành trướng đó.
Vậy thiên đàng của “cái giáo phái” ở đây nó là cái gì, ở đâu?
Chưa nói ra hết, nhưng bà con ở đây ai cũng biết. Nó chính là chế độ tham nhũng, là tham nhũng đã trở thành chế độ.
04-11-2013
H.N.N.

Hồ Ngọc Nhuận - Cái giáo phái này là giáo phái gì? (bài 1): Những cái nhất của “cái giáo phái”

“Cái giáo phái” nầy viết trong ngoặc kép và với chữ “cái” đứng đầu.
Để phân biệt nó với các giáo phái thông thường.
“Cái giáo phái” nầy nó không tự nhận ra mình là một giáo phái. Mà nếu có ai nhận ra thì chắc nó phải lộn gan lên đầu.
Nó lại tự nhận là một tổ chức chánh trị. Nhưng người dân dứt khoát không ai coi nó là một tổ chức chánh trỊ đúng nghĩa. Bởi không có một tổ chức chánh trị nào xứng đáng với tên gọi nầy, trong một nền dân chủ đáng gọi là dân chủ, mà lại vỗ ngực tự phong mình là lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện, vĩnh viễn một nhân dân lẽ ra phải đứng trên đầu mình. Lại bắt người dân ngày đêm phải nuốt những giáo điều do nó tụng, phải hứng những đòn phép ác liệt nó giáng xuống nếu trái mệnh.
Thứ chánh trị của “cái giáo phái” tự nhận là một tổ chức chánh trị nầy là tối kỵ hai chữ “chánh trị”. Các tổ chức chánh trị trước sau, cũ mới, cả những tổ chức một thời làm tay chân cho nó, đều bị nó diệt. Không được tự do có những hoạt động chánh trị, người dân như vậy đã bị nó tước mất ít nhất phân nửa quyền làm dân, làm người. Ngay cả khi các lãnh đạo tối cao nối tiếp của nó giựt mình thấy rằng nó “phải đổi mới hay là chết”, thì nó vẫn dứt khoát không đổi mới về chánh trị, dù biết rằng không đổi mới chánh trị thì người dân sẽ phải chết, đất nước sẽ phải mất. Nhưng dân chết, nước mất, mà nó vẫn hy vọng mãi mãi còn thì nó hý hửng gật ngay!
Người dân từ lâu đã ngán đến tận cổ cái trò hề lố lăng “treo đầu heo bán thịt chó” dưới mấy cái chiêu bài giả hiệu tự do, dân chủ, pháp quyền và nhiều chiêu bài tương tự khác của nó.
Tự nhận là một tổ chức chánh trị mà đi ngăn cấm, không cho bất cứ một tổ chức chánh trị nào hoạt động để cùng chung lo việc nước thì đích thị nó phải là một tổ chức chánh trị mạo danh.
Cướp hết các quyền con người, quyền công dân, áp đặt một chế độ ngu dân chưa từng thấy trong lịch sử thì đích thị nó phải là một tổ chức chánh trị tiếm danh.
Độc quyền nắm hết báo chí, nó kềm cặp không cho người dân có tiếng nói độc lập tự do. Nhưng khi người dân buộc phải tự tìm diễn đàn để nói, kể cả để có kiến nghị thẳng thắn với nó, thì bị nó chụp mũ là cùng phe với các thế lực thù địch, để đưa ra xử tội. Hành động đó cùng nhiều chủ trương hành động tương tự khác của nó dứt khoát không là của một tổ chức chánh trị xứng danh, mà ít nhất cũng là của một thứ “Taliban đột biến”.
Nó tự nhận là một tổ chức chánh trị, mà từ tổ chức, suy nghĩ, rao giảng, hành động, phản ứng, đối xử, sinh hoạt, kỷ luật…nhất nhất đều theo những khuôn mẫu lề luật riêng của một giáo phái thuộc loại quá khích nhất. Cho đến các tập quán hay quan hệ xã hội, như hôn lễ, tang ma, tưởng nhớ tổ tiên ông bà …nó cũng có những nghi thức ràng buộc riêng, thường là bị tổ chức của nó theo dõi kiểm tra rất gắt. Vốn bản tính độc tôn nó rất dị ứng với các tôn giáo và các vấn đề tôn giáo. Đặc biệt các phần tử ở trong các ngành nhạy cảm của bộ máy cầm quyền dưới sự lãnh đạo tuyệt đối toàn diện của nó thì đừng hòng có người yêu, cưới vợ lấy chồng là người có đạo.
Một hệ thống cầm quyền ở một nước dân chủ với nhiều tổ chức chánh trị, văn hóa, xã hội, kinh tế… đa dạng cùng vận hành, ở bất cứ đâu, đều có thể có tốt và có xấu, với nhiều mức độ khác nhau, tùy nhiều góc độ khác nhau. Nhưng cái hệ thống cầm quyền với một tổ chức chính trị duy nhất của “cái giáo phái”, do “cái giáo phái” chủ trương ngu dân đang làm chủ, là chỉ có xấu, và ngày càng xấu xa hơn. Toàn dân ai cũng chán ngán nhận thấy các thế hệ nối tiếp trong cái guồng máy cầm quyền toàn trị do “cái giáo phái” độc tôn áp đặt trong nhiều chục năm qua, là có nhiều đối tượng thiếu học nhất, mà thừa bằng cấp nhất, so với suốt quá trình lịch sử dân tộc. Chỉ riêng cái nhứt kép nầy đã là một mối nguy tiềm tàng không nhỏ đối với đất nước. Huống hồ lại có quá nhiều cái nhất khác trong quá nhiều đối tượng của “cái giáo phái”. Như thiếu lương thiện nhất, mà thừa tham lam nhất. Như “điếc” nhất mà nói láo nhiều nhất. Như thiếu trung thành với dân với nước nhất, và thừa phản bội nhất.
Danh sách những cái thiếu nhất và thừa nhất của nhiều thế hệ nối tiếp trong hệ thống cầm quyền do “cái giáo phái” áp đặt lên dân còn dài, kể hoài không hết. Như thiếu minh bạch nhất mà thừa đen tối nhất. Như thiếu khoan dung độ lương nhất, mà thừa thâm độc gian ác nhất. Hay như đớn hèn nhất mà nhiều tước vị nhất trong nhiều đối tượng nhất, so với suốt quá trình lịch sử dân tộc.
Tất cả các đối tượng nầy thường được các ông bà lãnh đạo của “cái giáo phái” luôn miệng gọi là những phần tử “thoái hóa biến chất”. Và gọi đó là một “thành phần không nhỏ”, chỉ là “không nhỏ” thôi chớ không gọi là lớn, theo đánh giá trước sau như một, trong nhiều chục năm liền, của chính các ông bà nầy. Mặc dầu các ông bà thừa biết, trong tiếng nước ta, có nhiều thứ lúc nhỏ gọi khác, lúc lớn gọi khác. Như con trâu lúc nhỏ gọi là con nghé, con bê khi lớn gọi là con bò. Còn cái “thành phần không nhỏ” nầy của các ông bà là cái thứ gì mà sau nhiều chục năm nó vẫn cứ mãi là cái lùn nhùn “không nhỏ không lớn”?
Như vậy là phải cộng thêm một cái nhất kép nữa cho “cái giáo phái”: giả nai nhất mà cũng trâng tráo nhất. Cứ gọi mãi là “một thành phần không nhỏ” khi nó đã phình to đến độ chiếm hết cả không gian, không có nơi nào cấp nào mà không bị nó chiếm. Cứ “giảng” mãi là biến chất bộ phận, khi đó chính là bản chất toàn phần. Người dân, vì phải triền miên ngạt thở với những thứ thoái hóa biến chất đã trở thành phổ biến, sau cùng cũng nhận ra cái “bản mặt” của chế độ.
Chỉ cần một lần gặp nhau giữa hai cái nhất nêu trên đây, trong một thời gian ngắn, cũng đủ gây tai họa cho đất nước. Huống hồ là nhiều lần gặp giữa nhiều cái “nhất”, triền miên trong nhiều chục năm dài, thì thảm họa diệt vong làm sao tránh khỏi ?
Lịch sử cổ kim đông tây đã từng nêu danh muôn thuở nhiều nhà chép sử ở nhiều nơi đã can đảm nói lên sự thật lịch sử hay chân lý khoa học, dù phải đón nhận cái chết vô cùng tàn nhẫn từ những tên hôn quân bạo chúa vô đạo nhất. Còn ở đây thì ngược lại. Ở đây là sự gặp nhau giữa hai cái nhất, mà một cái là đớn hèn nhất, trong cổ máy cầm quyền có nhiều tước vị nhất của “cái giáo phái” độc tôn toàn trị. Do sự gặp gỡ nầy mà lịch sử dân tộc chẳng những không được trung thực ghi chép, mà còn bị cưỡng ép, vò bóp không thương tiếc, cả với những trang ràng ràng thời đại rạng ngời nhất. Lịch sử mấy ngàn năm của đất nước hầu như đã bị thu tóm lại trong mấy mươi năm lịch sử của “cái giáo phái”, lại còn trắng trợn bỏ đi mấy ngày giỗ lớn của dân tộc tưởng nhớ công lao các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ Tổ Quốc trong mấy cuộc chiến gần đây chống giặc bá quyền bành trướng phương Bắc. Đó chẳng những là âm mưu bịt mắt nhân dân, mà còn là nhẫn tâm đầu độc nhiều thế hệ trẻ, không trừ con cháu họ. Đó là chưa kể đến sự gặp nhau giữa hai cái nhất khác, tự mãn nhất và trơ trẽn nhất, với những bộ mặt nhơn nhơn, với những tiếng cười hềnh hệch, trên cùng một trang sử, trên nhiều trang sử bị đánh cắp.
Đó là chưa kể các loại sách sử của “cái giáo phái”, do “cái giáo phái”viết, dùng làm “sách thánh” bắt buộc cho mọi người, kể cả cho các nạn nhân nhiều đợt, nhiều đời, nhiều loại của nó, thì đành chờ… một ngày nào đó, như các ngày đã diễn ra ở …đâu đó không xa lắm, vào cuối những năm 80, vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi những tấm màn đen u ám che khuất đất nước vạn vật bị xé toạc, để sự thật lịch sử hiện nguyên hình, để các nhà chép sử chân chính trong ngoài nước được trung thực làm nhiệm vụ của họ.
Quyết định xây dựng đường xe điện ngầm (metro) ở Saigon, trong khi vẫn không ngừng ồ ạt biến miền Nam và cả nước thành một “nền văn minh xe gắn máy” lệ thuộc ngày càng chặt vào các nước sản xuất, quyết định thành lập nhà máy điện hạt nhân ở Phan Rang, trong những điều kiện khí hậu môi trường địa lý bất trắc luôn đe dọa cả khu vực với những tai họa khó lường … cũng là kết quả của sự gặp nhau giữa hai cái nhất, mà một là tham lam nhất, trong giới lãnh đạo “cái giáo phái” cầm quyền mà vật tổ là “đồng tiền nặng”. Đăc biệt dự án nhà máy điện hạt nhân ở Phan Rang, trong những năm trước mắt, sẽ là sự sống chung ép uổng giữa các phế tích trăm năm ở địa phương với các phế phẩm độc hại ngàn năm của các nhà máy điện hạt nhân lạc hậu được người của “cái giáo phái” mua mảo đem về từ đâu đó, mà không cần giám định, hay có giám định cũng đố biết. Kế đến sẽ là sự hẹn hò dành sẵn cho các thế hệ tương lai với một cuộc phiêu lưu hạt nhân vô định, lành dữ không ai biết, cũng không cần biết…
Với những cái nhất như nêu trên, cùng với quyền lực độc tôn trùm thiên hạ trong nhiều chục năm qua, “cái giáo phái” ngày càng có những đường lối, chủ trương, chiến lược, quyết sách, hành động, âm mưu, thủ đoạn, dự án… đi ngược lại các quyền lợi của đất nước, dân tộc. Trên tất cả các lãnh vực. Về giáo dục, về văn hóa, về tài chánh, về kinh tế, về y tế xã hội, về môi trường…Đặc biệt về an ninh quốc phòng. Hãy nhìn về thảm cảnh quê hương biên giới phía Bắc đã bị buông tay cho quân thù tha hồ ngoạm nuốt. Hảy nhớ đến nỗi nhục các quần đảo quê hương trên biển đã bị bọn giặc biến thành quận huyện của chúng. Hãy lặng nghe vùng đất Tây Nguyên chiến lược quê ta đang gồng lên nổi giận dưới những nhát cuốc, nhát rìu báng bổ của bọn lính Tàu đội lốt thợ mỏ và vợ con chúng…
Mặc dầu “cái giáo phái” luôn miệng khoe khoang câu thần chú “phê và tự phê” của nó là một thứ phép mầu vạn năng dùng để khống chế “cái thành phần không nhỏ” có nhiều cái nhất của nó. Nhưng kỳ thật ai cũng biết đó chính là cái thứ phù phép đặc truyền quen thuộc mà cả “cái giáo phái”, cả “cái bộ phận không nhỏ” của nó thường dùng chung để cùng hóa giải, hòa giải, dung dưỡng, nuôi dưỡng lẫn nhau.
Người dân từ lâu đã biết tỏng “cái giáo phái” nó không thể, cũng không muốn, làm cho “cái bộ phận không nhỏ” có nhiều cái nhất của nó biến mất. Tại sao ?
Trước hết là vì nó cần âm binh, nên người dân thường xuyên phải chịu cảnh loạn âm binh. Để giữ được và giữ mãi vị trí độc tôn, một mình ngồi trên tất cả, “cái giáo phái” đã không ngừng vận dụng bùa phép, “sái đậu thành binh”. Để tiện sử dụng, sai khiến, làm rào bảo vệ. Không ai là không biết cái giống âm binh chúng phá phách như thế nào.Nhất là những âm binh các pháp sư thả ra mà không thu về.Không thu về vì nhiều lý do: một là quên ; hai là vì để mất “tay ấn” do ăn chơi sa đà quá độ, bị đám âm binh đàn em chúng lờn ; ba là bị chúng nắm thóp “ăn” gấp nhiều lần hơn bọn chúng, hoặc là tiếp tay nối giáo cho một thế lực giấu mặt nào đó; bốn là vì mãi bận lo đấu phép với nhau để tranh giành ảnh hưởng bên trong “cái giáo phái”,khiến đám âm binh được thể đi phá làng phá xóm ; năm là, _ và đây có lẽ là lý do chủ yếu _, do chủ trương để mặc. Bởi nếu diệt hết âm binh thì lấy gì làm tay chân vây cánh, làm bảo vệ ?
Kế đến là vì kẻ muốn làm Trời thường hay làm quỷ…“Cái giáo phái” luôn tự vỗ ngực mình là bực thầy của phép biện chứng, nó thừa biết hễ là con người thì có tốt và có xấu. Chỉ có Trời mới hoàn toàn tốt. Nó không là trời, mà là người. Nhưng thứ người này luôn muốn làm Trời, ngồi trên trị vì thiên hạ cho đến muôn đời, mà nó gọi là lãnh đạo tuyệt đối và toàn diện, và bắt mọi người phải tuân phục như tuân mệnh trời. Như vậy thì nó cũng không phải là người bình thường. Vậy nó là cái thứ gì ? Được biết thế gian xưa nay có một loài thụ sinh có nhiệm vụ phù hộ con người, nhưng không chịu làm, lại muốn làm trời. Theo đức tin của những tín đồ một số tôn giáo lớn trên thế giới thì đó là loài quỷ.
Kế đến nữa, theo sách sử có ghi, thì con người cũng có thể tự biến thành quỷ đối với đồng loại, khi ỷ công cậy quyền. Từng cậy thế một thời góp công loại trừ yêu quỷ cỡi cổ dân lành, kẻ cậy công đắc thời cứ tự tung tự tác rồi tự biến mình thành yêu quỷ hồi nào không hay. Ỷ công càng lớn, cậy quyền càng nhiều thì lộng hành hơn cả quỷ sứ, và hết thuốc chữa.
Không phải là thầy bói, hay thầy pháp, nhưng ai cũng có thể đánh cược được rằng không sớm cắt đứt với đám âm binh, với đám yêu quái là con đẻ của chính mình thì ngày tàn của kẻ “sái đậu thành binh” ắt phải đến sớm.
Chính “cái giáo phái” cũng biết vậy, mà làm sao ? Khi mà tất cả bọn họ trước sau vẫn chỉ là một ? Chính “cái giáo phái” cũng biết vậy nên cơ ngơi các thứ, tương lai các đời…đã được nó lo thủ sẵn các nơi an toàn ở đâu đó, từ lâu./.
26-10-2013
Hồ ngọc Nhuận
(Kỳ sau, Bài 2: Vườn địa đàng của “cái giáo phái”).
—-
* Tác giả từng là dân biểu đối lập thời Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam, nguyên Giám đốc chánh trị – chủ bút nhật báo Tin Sáng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Xem: Hồ Ngọc Nhuận (Wikipedia).

Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2014

Một vệ binh tiết lộ “vấn đề nhạy cảm” trong Vatican

Nhật báo La Repubblica, Italia vừa đăng tải một nguồn tin gây chấn động, cho thấy nạn luyến ái đồng tính đang lan tràn giữa tòa thánh Vatican.
Phóng viên thường trú của tờ La Repubblica, Thụy Sĩ, đã có dịp tiếp xúc với một cư dân ở Basel, đô thị nằm trên đường biên giới phía bắc Thụy Sĩ tiếp giáp với Đức và Pháp. Qua câu chuyện cởi mở, người đối thoại cho biết vốn là một vệ binh Thụy Sĩ mới giải ngũ, sau 3 nhiệm kỳ liên tiếp phục vụ tại Tòa thánh Vatican từ thời cố Giáo hoàng John Paul II (1920-2005).
Đồng thời người này cũng đề nghị với phóng viên không nêu tên thật "để tránh những phiền lụy không đáng có", như nguyên văn lời yêu cầu của viên cựu vệ binh này.

 


"Tôi là một trong những cận vệ hiếm hoi trụ được suốt 15 năm, trọn 3 nhiệm kỳ cũng là thời hạn tối đa theo quy định bao đời nay tại Vatican - người đối thoại mở đầu câu chuyện - Chủ yếu do sức khỏe tốt nên tôi đều vượt qua các dịp kiểm tra định kỳ thường niên. Bởi vậy tôi cũng biết nhiều sự việc động trời giữa chốn Vatican thâm nghiêm".
Người đối thoại kể lại điều khiến ông bức xúc nhất là luôn bị quấy rối tình dục, không phải từ các đồng nghiệp người Thụy Sĩ mà là từ giới chức sắc tôn giáo cai quản Tòa thánh.
"Nhiều khi nửa đêm đang ngon giấc tôi nhận được tin nhắn trên điện thoại từ một số máy lạ, rủ rê quan hệ của một người đồng tính nam - cựu vệ binh kể tiếp - Thoạt tiên tôi cứ ngỡ là ai đó từ bên ngoài đã nhắn nhầm số, nhưng sự việc cứ lặp đi lặp lại nhiều đêm liền... Cáu tiết tôi bấm máy gọi thẳng tới số lạ, té ra người nghe là một giọng nói quen thuộc, một vị chức sắc có vai vế thường xuyên thay mặt Tòa thánh hiện diện trong các buổi điểm danh của đội vệ sĩ chúng tôi".


"Vậy sao anh không tố cáo sự việc tới người có trách nhiệm?", phóng viên nhật báo La Repubblica gặng hỏi. "Có, có chứ - người đối thoại đáp - Nhưng người có trách nhiệm của đội vệ binh liền lấp liếm rằng, chẳng qua tôi không rành tiếng Latinh là ngôn ngữ phổ biến ở Vatican mà thôi”. Rồi người kể chuyện cho biết thêm là nhiều đồng ngũ lâu năm như anh cũng thường bị quấy rối như vậy, bằng những tin nhắn bỉ ổi đại loại như "Có đi qua đêm với anh không?", "Em muốn gì anh cũng chiều"…
Nhưng đó chưa phải là điều tệ hại nhất, nạn nhân trong câu chuyện còn thuật lại những sự việc rùng rợn hơn như từng bị xâm hại tình dục trực tiếp, nhất là trong những ca trực đêm. "Những người vận sắc phục áo choàng trùm kín mặt cậy thế đông, đã dùng sức mạnh lôi tôi vào một căn phòng kề bốt trực, lần lượt bắt tôi làm trò đồng tính đồi bại trong nhiều tiếng đồng hồ", nạn nhân chua chát nhớ lại.

 


Khi được Tổng biên tập Ezio Mauro của tờ La Repubblica đích thân gọi điện chất vấn về sự kiện động trời, phát ngôn viên của Đội vệ binh Thụy Sĩ là Trung úy Urs Moser liền trả lời với vẻ dửng dưng: "Nhiệm vụ chính của các vệ sĩ là canh gác Tòa thánh và thực thi những nghi thức tôn giáo"; hay nói một cách khác là ông ta không mảy may lưu tâm đến vấn đề nhạy cảm trên.
Được biết, Vệ binh Thụy Sĩ Tòa thánh Vatican là đội cận vệ chuyên trách lâu đời nhất trên thế giới. Ngoài trang phục cùng binh khí giáo mác thời cổ mang tính tượng trưng ra, họ còn được trang bị súng lục liên thanh hiệu Beretta-9 có gắn kính ngắm hồng ngoại nhìn xuyên màn đêm do Italia sản xuất. Tuy trong lãnh địa Vatican tiếng Latinh được dùng làm ngôn ngữ chính thức, nhưng các vệ binh Thụy Sĩ lại sử dụng tiếng Đức là 1 trong 4 quốc ngữ của Liên bang Thụy Sĩ. 
Kim Dung
(theo Secret Services)

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Masami Ito – Lực lượng Mĩ ở Nhật: Thật bất ngờ, liên minh với Mĩ lại được hâm mộ

Phạm Nguyên Trường dịch

Mới vài tháng trước đây, liên minh Mĩ-Nhật, được cả hai bên coi là “hòn đá tảng” của hòa bình và an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã lâm vào khủng hoảng.

Nhưng khi tiếng còi báo động – căng thẳng với Bắc Kinh – vang lên ở biển Đông Trung Hoa thì Nhật Bản lại nhìn lực lượng Mĩ đang đồn trú ở nước này với một con mắt mới.

Căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc buộc người dân Nhật phải công nhận tầm quan trọng chiến lược của các lực lượng Mĩ đang đồn trú tại đây, lực lượng này không chỉ bảo vệ lãnh thổ Nhật Bản mà còn giữ ổn định trong toàn bộ vùng Đông Á nữa.



Tháng trước, sau khi Nhật bắt giữ thuyền trưởng một thuyền đánh cá gần mấy hòn đảo không người trên biển Đông Trung Hoa, giữa Tokyo và Bắc Kinh đã xảy ra một trận cãi vã về nhóm đảo Senkaku. Mấy hòn đảo này đều do Nhật kiểm soát, nhưng cả Trung Quốc lẫn Đài Loan đều bảo là mình có chủ quyền. Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản định đưa chiếc thuyền đánh cá lên tàu và đã đụng độ với nó.

Tokyo còn coi việc Trung Quốc ngưng xuất các kim loại đất hiếm, mà nền công nghệ Nhật Bản đang rất cần, là một cuộc chiến tranh kinh tế nữa.

Cơn thịnh nộ của Trung Quốc liên quan đến vụ rắc rối trên biển đã buộc Bộ trưởng ngoại giao Hillary Rodham Clinton khẳng định rằng hiệp ước an ninh Nhật-Mĩ được áp dụng cho cả nhóm đảo Senkaku. Hiệp ước này nói rằng Mĩ có trách nhiệm bảo vệ Nhật nhằm chống lại “cuộc tấn công vũ trang” của các nước khác.

Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Sensaku, Nhật đã gặp nhiều khó khăn trong việc di chuyển lực lượng thủy quân lục chiến Mĩ từ căn cứ không quân Futenma sang các vùng khác trên đảo Okinawa vì gặp phải phản ứng sữ dội của dân chúng địa phương.

"Rạn nứt trong quan hệ giữa Nhật Bản và Mĩ có ảnh hưởng lớn” đối với quá trình ra quyết định ở Trung Quốc, xúi giục họ có thái độ hung hăng đối với Nhật Bản, ông Yoshimitsu Nishikawa, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Trường đại học tổng hợp Tokyo đã nói như thế.

"Trung Quốc tiến hành kiểm tra xem chính phủ Mĩ và Nhật có thể đi xa đến đâu”

Trên thực tế, trước khi xảy ra khủng hoảng, nhiều người, ở cả trong lẫn ngoài nước, đều nghi ngờ sự vững chắc của liên minh quân sự Nhật-Mĩ.

Quan hệ giữa hai nước trong năm qua đã bị cuộc tranh cãi về việc di chuyển căn cứ Futenma ở Okinawa, nơi dân chúng có thái độ phản đối quân đồn trú khá mạnh, làm cho xấu đi. Các chính khách đã lợi dụng tình cảm này nhằm giành được nhiều phiếu bầu.

Nhưng, trái với hi vọng của Bắc Kinh, nhiều nhân vật trong giới lãnh đạo Nhật Bản đã cảm thấy cần phải tái khẳng định sự vững chắc của liên minh với Mĩ, đặc biệt là trong bối cảnh khi mà họ nhận thức được sức mạnh quân sự cũng như tầm với đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc.

Nhiều nhà lãnh đạo ở châu Á đồng ý với quan điểm như thế. Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Asahi Shimbun trong ngày 15 tháng 5, ông Lý Quang Diệu, một chính khách nổi tiếng của Singapore, nhấn mạnh tầm quan trọng về mặt chiến lược của các lực lượng Mĩ đồn trú ở Nhật Bản – đặc biệt là ở Okinawa — đấy là đối trọng nhằm chống lại sức mạnh quân sự đang gia tăng của Trung Quốc.

"Nếu các vị rút tất cả các căn cứ Mĩ, thì tôi nghĩ rằng vị trí của các vị cũng như của châu Á, về mặt chiến lược, sẽ yếu đi rất nhiều”, ông Lý nói như thế.

"Còn nhân dân Nhật Bản – đừng quan tâm tới chính phủ hiện nay – sẽ phải giải quyết vấn đề đâu là quyền lợi lâu dài của họ và cái gì quan trọng hơn: an ninh của các vị hay là quyền lợi của dân chúng Okinawa?”.
Sau thất bại trong Chiến tranh Thế giới II, Nhật Bản đã từ bỏ chiến tranh. Hiến pháp, được soạn thảo trong thời gian bị quân đội Đồng minh chiếm đóng, tuyên bố rằng đất nước sẽ không thành lập quân đội thường trực. Lực lượng phòng vệ thực hiện các chức năng theo đúng tên gọi của nó, trong khi Mĩ có nhiều căn cứ quân sự ở Nhật để giúp nước này phòng thủ và bảo đảm “hòa bình và ổn định ở Viễn Đông”.

Nhưng nội dung của hiệp ước quân sự Nhật-Mĩ đã được mở rộng ra bên ngoài vùng “Viễn Đông”, bao gồm đến cả khu vực Bắc Philippines. Các căn cứ ở Nhật thực hiện công tác hỗ trợ cho hoạt động của lực lượng quân sự Mĩ trên toàn thế giới, trong đó có Iraq, Afghanistan và Ấn Độ Dương.

Liên minh quân sự Nhật-Mĩ mạnh còn có lợi cho các nước khác, trong đó có Việt Nam, Malaysia và Philippines, tức là những nước có tranh chấp về lãnh thổ với Trung Quốc trong vùng biển Nam Trung Hoa, sự có mặt của Mĩ ở Nam Hàn còn giúp chế ngự người láng giềng phương Bắc hung hăng nữa.

"Khả năng phòng thủ của Nhật là có giới hạn (Hiến pháp qui định như thế) vì chỉ nhằm vào việc phòng thủ và đất nước cũng sẽ không sử dụng quyền phòng thủ tập thể”, Takemasa Moriya, cựu thứ trưởng quốc phòng đã nói trong một cuộc phỏng vấn của tờ Japan Times như thế. “Mĩ là nước duy nhất đủ sức đóng vai trò lực lượng ổn định ở trong vùng”.

Bộ chỉ huy lực lượng Mĩ ở Nhật, bao gồm cả hải, lục, không quân, đóng ở căn cứ không quân Yokota.
Theo số liệu Bộ chỉ huy lực lượng Mĩ ở Nhật thì trong tháng 8 năm nay ở đây có 2.800 lính bộ binh, 5.800 lính hải quân, 12.500 lính không quân, và 16.500 thủy quân lục chiến. Tổng cộng, cả quân nhân và gia đình họ là 85.000 người.

Thủy thủ của hạm đội 7, căn cứ tiền tiêu là cảng Yokosuka, tỉnh Kanagawa, không được tính vào số quân nhân Mĩ ở Nhật vì nhiều người trong số họ có thể đi biển bất cứ lúc nào.

Tàu USS Blue Ridge, thuộc hạm đội 7, cũng thả neo ở Yokosuka. Khu vực trách nhiệm của hạm đội trải dài từ quần đảo Kuril ở phía Bắc Nam Cực và từ đường giới tuyến ngày (international date line) đến tận kinh tuyến 68, đi ngang biên giới phía Đông giữa Ấn Độ và Pakistan.

Khu vực này bao gồm 35 nước nắm trên bờ biển và có 5 quân đội mạnh nhất thế giới (không kể Mĩ), bao gồm Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Triều Tiên và Nam Hàn.

Năm trong bảy hiệp ước phòng thủ chung của Mĩ là những hiệp ước kí kết với các nước trong khu vực này, bao gồm Philippines, Australia và New Zealand, Nam Hàn, Nhật Bản và Thái Lan, đấy là theo website chính thức của hạm đội 7.

Hiện ở căn cứ Yokosuka có 11 đơn vị và tầu chiến Mĩ, trong đó có tầu sân bay USS George Washington.
Có ba sư đoàn thủy quân lục chiến viễn chinh thì Sư đoàn I đóng ở California, Sư đoàn II đóng ở North Carolina, còn Sư đoàn III đóng ở Okinawa.

Sư đoàn thủy quân lục chiến III, đóng ở Okinawa, chịu trách nhiệm vùng Châu Á-Thái Bình Dương cho tới Trung Đông.

Satoshi Morimoto, giám đốc Viện nghiên cứu quốc tế thuộc trường đại học Takushoku ở Tokyo cho rằng sự có mặt của lực lượng thủy quân lục chiến là cần thiết đối với việc phòng thủ Nhật Bản.

"Khả năng thích ứng của thủy quân lục chiến, khả năng phản công và sức tấn công làm người ta phải nhụt chí”, ông Morimoto nói. "Họ không thể đóng ở Mĩ. Họ phải đóng ở gần (Nhật Bản) với khả năng ra đòn mạnh mẽ và cơ động đủ sức vượt qua những khoảng cách ngắn ngay tức thời”.

Nhưng dân chúng Okinawa lại phê phán quân nhân Mĩ đồn trú ở đó, họ nói rằng trách nhiệm của quân đồn trú không chỉ là bảo vệ Nhật Bản và vùng Viễn Đông vì nhiều người đã rời khu vực để đến Iraq và Afghanistan.

Căn cứ Mĩ ở Okinawa chiếm đến 18% diện tích lãnh thổ của hòn đảo chính, nơi mà dân chúng vẫn còn nhớ những trận đánh bộ kinh hoàng thời Chiến tranh Thế giới III. Dân chúng cũng bực mình vì tiếng ồn của máy bay, nạn ô nhiễm môi trường và những tội ác mà các quân nhân cũng như thành viên gia đình họ gây ra.

Sự bực bội đạt đến đỉnh điểm vào hồi tháng 5. Đấy là do ông Yukio Hatoyama, lúc đó đang làm thủ tướng, thay đổi nhiều lần quan điểm về việc liệu căn cứ Futenma có chuyển sang khu vực khác ở Okinawa hay, như ông từng hứa trong chiến dịch bầu cử là sẽ chuyển sang tỉnh khác. Cuối cùng ông ta đã phản bội lời hứa và từ chức, nhưng vụ cãi vã đã làm rung chuyển nền tảng của liên minh quân sự Nhật-Mĩ.

Tuy nhiên, ông Morimoto nhấn mạnh rằng vị trí mới cho căn cứ Futenma phải đáp ứng ba điều kiện căn bản: phải có chỗ đỗ cho máy bay trực thăng, phải có chỗ cho thủy quân lục chiến luyện tập và phải có bờ phù hợp với tầu đổ bộ của Mĩ.

"Không thể chia tách các chức năng này", Morimoto nói. “Nếu có một chỗ với những điều kiện như thế thì thủy quân lục chiến không cần ở lại Okinawa. Nhưng đang tiếc là không có chỗ nào như thế cả, đấy là nói về mặt chính trị”.

Hiện thời người dân Okinawa cảm thấy bị chính phủ trung ương đối xử bất công vì không chịu thuyết phục dân chúng khu vực chính của Nhật nhận căn cứ quân sự Futenma.

Tuy nhiên, ông Manabu Sato, giáo sư của Trường đại học quốc tế Okinawa, lại biện luận rằng thủy quân lục chiến đóng ở Okinawa là vì lí do chính trị chứ không phải do nhu cầu quân sự.

"Trước năm 1956, thủy quân lục chiến đóng ở tỉnh Gifu và Yamanashi," ông Sato nói.



Trong những năm 1950, sau những vụ phản đối dữ dội chống lại sự có mặt của lực lượng Mĩ, giới chức quân sự Mĩ mới quyết định chuyển căn cứ của thủy quân lục chiến tới Okinawa. Lúc đó Okinawa còn nằm dưới quyền cai trị của Mĩ, mãi đến năm 1972 hòn đảo này mới được trao cho Nhật.

"Không phải vì lí do quân sự mà thủy quân lục chiến được tái bố trí đến Okinawa”, Sato nói. "Họ được đưa đến Okinawa là vì lí do chính trị”.

Khá nhiều lính thủy đánh bộ ở Okinawa là những thanh niên trẻ và họ phải chịu nhiều áp lực trong thời gian huấn luyện trong rừng rậm, chắc chắn là sẽ xảy ra rắc rối khi họ vào thành phố, Sato nói như thế.
"Đấy hoàn toàn không phải là cơ cấu xã hội lí tưởng”, ông nói. “Quân nhân ngoại quốc lang thang khắp thành phố không thể coi là hiện tượng bình thường được”.

Trường đại học của Sato nằm ngay bên cạnh căn cứ Futenma ở Ginowan. Máy bay trực trực thăng bay ngay trên đầu khu học xá. Năm 2004 một chiếc đã rơi xuống khuôn viên khu học xá.

"Gánh năng lớn nhất của Okinawa là lực lượng thủy quân lục chiến”, Sato nói. “Tôi không hiểu vì sao Nhật không đàm phán với Mĩ từ quan điểm cho rằng chúng không cần thiết về mặt chiến lược quân sự”.

Là một chuyên gia về căn cứ quân sự, Sato cực kì bất mãn về việc liên minh cầm quyền, do Đảng dân chủ Nhật Bản đứng đầu, không thể tìm được vị trí thay thế, ngoài Henoko, nằm ở cực Bắc đảo Okinawa. Đấy thực chất là trở lại với thỏa thuận Nhật-Mĩ hồi năm 2006.

"Mĩ sẽ khó mà có thể tiếp tục đóng vai trò sen đầm quốc tế”, Sato nói.

"Họ phải phân bố các lĩnh vực ưu tiên, rút khỏi những khu vực ít xung đột … và về lâu dài, sự có mặt về quân sự của Mĩ có thể không còn cần thiết – nhưng tất cả phụ thuộc vào chính sách đối ngoại mà Nhật Bản sẽ theo”, ông nói.


Đã đăng trên Bauxitvn

Tổng thống Dmitry Medvedev – Nền dân chủ của chúng ta chưa hòan thiên, chúng ta hiểu rất rõ điều đó. Nhưng chúng ta đang tiến lên phía trước

Phạm Nguyên Trường dịch

Lời ban biên tập Tạp chí Nga (russ.ru). Gần một năm trước, tổng thống Dmitry Medvedev công bố bài báo mang tính cương lĩnh: Nước Nga tiến lên!, trong đó ông trình bày quan điểm của mình về tương lai của đất nước chúng ta. Ông không chỉ nói mà cón kêu gọi nhân dân Nga, kêu gọi những người công dân tích cực, những người quan tâm đến số phận của nước Nga, tiến lên. Hôm qua, ngày 23 tháng 11, qua videoblog Tổng thống lại đưa ra một thông điệp chính trị mới. Ông nói về tình hình dân chủ ở nước Nga, về những vấn đề cấp bách cũng như những việc đã làm được kể từ khi khởi động công cuộc cải cách chính trị. Tạp chí Nga xin đăng lại bản ghi lời phát biểu này.

* * *
Các bạn thân mến!

Trong hai năm vừa qua chúng ta đã lần lượt thực hiện cương lĩnh cải tạo hệ thống chính trị của nước Nga. Mục tiêu là rõ ràng. Tôi đã nói nhiều lần rồi Chúng ta muốn gì? Chúng ta muốn làm cho hệ thống chính trị của chúng ta đơn giản là trở nên công chính hơn. Mềm dẻo hơn, năng động hơn, cởi mở hơn đối với sự cải tiến và phát triển. Phải được cử tri tin cậy hơn. Không phải là bí mật khi nói rằng từ một giai đọan nhất định trong hệ thống chính trị của chúng ta đã xuất hiện triệu chứng trì trệ, xuất hiện nguy cơ biến sự ổn định thành tác nhân của sự đình đốn. Sự trì trệ như thế có hại cho cả đảng cầm quyền lẫn các lực lượng đối lập. Nếu phe đối lập không có một chút hi vọng nào rằng họ sẽ thắng trong cuộc đấu tranh trung thực thì họ sẽ thóai hóa và sẽ trở thành lực lượng đứng bên lề. Nhưng nếu đảng cầm quyền không bao giờ và không thua ở bất kì đâu thì đơn giản là nó cũng “vàng vọt”, và cuối cùng cũng sẽ thóai hóa, tương tự như mọi cơ thể sống mà không vận động vậy.

Vì vậy mà cần phải nâng mức độ cạnh tranh lên.

Nhưng nhiệm vụ chính của chúng ta, nhiệm vụ chính của mọi chế độ dân chủ là nâng cao chất lượng của các cơ quan đại diện của nhân dân. Làm mọi cách để đa số về mặt chính trị không phải chỉ là con số thống kê. Chính xác hơn, để cho nó không trở thành đa số những người chỉ biết thực hiện. Để đảng cầm quyền có quyền và trách nhiệm chứ không chỉ là tổ chức đi kèm bên cạnh chính quyền hành pháp. Để nó có thể tham gia một cách đầy đủ vào việc hình thành chính quyền hành pháp. Và cần làm điều đó không phải là để cho đảng cầm quyền cảm thấy thỏai mái. Đảng là phương tiện, là công cụ chính trị của chế độ đại diện. Đảng đại diện cho các cử tri. Còn trong trường hợp đảng cầm quyền thì là đại diện cho đa số cử tri, và thực hiện quyền của họ, tôn trọng ý kiến của họ - đấy là nguyên tắc nền tảng của chế độ dân chủ.

Đảm bảo quyền của thiểu số là nhiệm vụ không kém phần quan trọng và còn phức tạp hơn. Nhưng đây cũng là nguyên tắc dân chủ căn bản. Hệ thống chính trị phải được xây dựng sao cho nó có thể nghe thấy và tính đến ý kiến của tất cả mọi người, kể cả những nhóm xã hội có ít thành viên nhất. Lí tưởng là nghe được từng người dân một. Hệ thống này phải minh bạch và nhạy cảm đối với mọi người dân. Mỗi người cần phải biết rằng họ có những người có cùng quan điểm trong các cơ quan đại diện. Đấy chính là ý nghĩa của nền dân chủ đại diện – khi có một người nào đó đại diện cho quyền lợi của một nhóm đông người. Có những người có cùng quan điểm, cùng quyền lợi. Có những người không bàng quan với những gì diễn ra xung quanh. Những người đại diện cho thiểu số như thế có cơ hội phê phán đa số cầm quyền, đưa ý kiến và đề nghị của thiểu số lên bộ máy hành chính và đến với dư luận xã hội.

Và cuối cùng, tôi xuất phát từ quan điểm cho rằng cải cách chính trị không được làm cho rối lọan và làm cho tê liệt các định chế dân chủ. Tôi đã nhiều lần nói về vấn đề này: cải cách phải củng cố dân chủ chứ không phải là phá họai nó. Vì vậy mà trong bài báo “Nước Nga tiến lên!”, viết năm ngóai, tôi đã xác định phương pháp và cách thức tiến hành cải cách: cải cách phải được thực hiện từ từ nhưng liên tục.

Hôm nay tôi có thể nói rằng trong hai năm qua chúng ta đã tiến một cách từ từ đồng thời liên tục về phía mục tiêu. Và như tôi thấy, chúng ta đã tiến được khá xa.

Đầu kì họp Duma quốc gia Nga vừa qua, một lọat dự luật đã được thông qua, đấy là những dự luật do tôi đệ trình quốc hội vào năm 2009 và 2010. Tôi đã nói về sự cần thiết phải thông qua những đạo luật này trong thông điệp gửi tới Đại hội Liên Bang. Năm 2009 các đạo luật sửa đổi một cách căn bản hệ thống bầu cử và hệ thống đa đảng trên bình diện quốc gia và liên bang đã có hiệu lực. Năm nay những cải tiến tương tự trên bình diện các chủ thể liên bang cũng sẽ có hiệu lực. Tôi đã nói về điều đó và sẽ không liệt kê tất cả các đạo luật đã được thông qua vì có thể làm các bạn mệt mỏi, mặc dù về mặt chuyên môn thì đấy là điều thú vị. Nhiều đạo luật, tên gọi cũng khá kêu, nhưng mọi cử tri, mọi công dân phải hiểu được bản chất của chúng.

Tôi xin nói những điểm căn bản nhất

Thứ nhất, chúng ta đã làm được những gì. Chúng ta đã đưa nguy cơ bị lèo lái trong quá trình bầu cử đến mức tối thiểu. Không để xảy gian lận trong bầu cử, chúng ta hiểu chuyện đó. Để làm chuyện đó, đã tiến hành sắp xếp lại thủ tục bầu cử sớm và thủ tục ủy quyền rút tên khỏi danh sách ứng cử (đại diện các đảng đối lập đã nhiều lần nói với tôi về chuyện này): những hành động [phi pháp] trong việc ủy quyền rút tên như thế đã được đưa vào luật hình sự. Ở đây đã xảy ra những vụ vi phạm tồi tệ nhất.

Ngòai ra, chúng ta đã giảm vai trò tác nhân của con người trong việc kiểm phiếu. Và chúng ta sẽ tiếp tục làm như thế. Ngay trong năm nay thiết bị điện tử sẽ bảo đảm cho khỏang 5% các khu vực bầu cử. Đây là công việc rất tốn kém: năm 2012 bảo đảm cho 15%, và đến năm 2015 thì 100% các khu vực bầu cử, nhưng nó sẽ làm cho hệ thống bầu cử của chúng ta trở thành hòan thiện hơn. Đáng bỏ ra một số tiền như thế. Hi vọng rằng người đóng thuế đánh giá đúng.

Thứ hai. Các đảng đều bình đẳng trong việc xúc với các phương tiện thông tin đại chúng, cả trên bình diện liên bang lẫn khu vực, đại diện các đảng đối lập đã nói với tôi nhiều lần về chuyện này. Các ủy ban bầu cử phải kiểm tra việc thực hiện. Mà sự bình đẳng không phải trên lời nói (như trước đây) mà là thực chất, tính bằng giờ, bằng phút, thậm chí bằng giây nữa. Các đảng còn có quyền bình đẳng trong việc sử dụng phòng để họp hành và vận động tranh cử. Về vấn đề này cũng đã có rất nhiều chuyện.

Thứ ba. Các đảng nắm đa số trong các hội đồng khu vực có quyền đề nghị với tổng thống các ứng viên thống đốc, nghĩa là những người đứng đầu các tỉnh, các khu và nước cộng hòa. Như vậy là, thông qua các đảng mà cử tri ủng hộ, cử tri có cơ hội tham gia vào việc hình thành chính quyền hành pháp ở khu vực của mình. Đảng mà bạn bỏ phiếu, cuối cùng sẽ là người đề cử với tổng thống ứng viên thống đốc và giao quyền cho ông ta. Bằng cách đó, chúng ta đã đưa nội dung cụ thể vào quyền của đa số: quyền thành lập chính quyền hành pháp tại địa phương.

Thứ tư. Quyền của thiểu số được bảo vệ bằng một lọat biện pháp. Ngòai quyền bình đẳng trong việc tiếp xúc với các phương tiện thông tin đại chúng, như tôi đã nói bên trên, phe đối lập còn dược quyền thay thế chức vụ lãnh đạo trong các hội đồng địa phương. Số lượng chữ kí cần phải thu thập để có thể được đưa vào danh sách ứng viên cũng đã giảm. Thực tế đại diện các đảng chỉ cần thu được 5% phiếu bầu là đã có chân trong các cơ quan dân cử tất cả các cấp. Nhưng chúng ta sẽ không dừng lại ở đấy, chúng ta sẽ tiếp tục hòan thiện định chế này và mở rộng thêm cơ hội.

Thứ năm. Chúng đã đã buộc các chủ thể của đất nước lập lại trật tự số lượng thành viên trong các cơ quan đại diện. Trước đây có khu vực một người đại biểu đại diện cho 10 ngàn người, đấy là khu vực ít người, còn khu vực khác thì một người đại diện cho 300 ngàn người. Thế là không theo tỉ lệ. Ngòai ra, nhiều đại biểu quá thì sẽ khó khăn cho ngân sách. Còn ít quá thì sẽ khó biết được ý kiến khác nhau của cử tri. Tôi hi vọng rằng chúng ta sẽ tìm được sự cân bằng.
Nguyên tắc đại diện trong Hội đồng liên bang cũng đã thay đổi. Bây giờ chỉ có những người đã có chân trong các cơ quan dân cử và tự quản địa phương mới là có thể trở thành đại biểu Thượng viện. Nghĩa là thành viên Hội đồng liên bang phải là người được dân chúng ủng hộ trong các kì bầu cử, dân chúng biết ông ta, và mặt khác, ông ta cũng biết các nhu cầu, biết các vấn đề của họ.
Tôi hi vọng rằng hệ thống chính trị sẽ tốt lên sau những thay đổi như thế. Tôi tuyệt đối tin tưởng rằng hệ thống chính trị sẽ cởi mở hơn và mềm dẻo hơn. Và cuối cùng là công chính hơn. Những cuộc bầu cử vào tháng mười đã cho chúng ta thấy rằng những lời phàn nàn đã ít hơn là cách đây một năm rưỡi. Cả dư luận xã hội lẫn các đảng đối lập đều đưa ra các đánh giá bình tĩnh hơn.
Dĩ nhiên là vẫn còn những lời phê phán, đấy là chuyện bình thường, phải có. Nhưng đã ít hơn. Điều đó tạo cho ta hi vọng.

Và còn một điều nữa, tôi đã nói cách đây chưa lâu. Nền dân chủ của chúng ta chưa hòan thiện, chúng ta biết rõ điều đó. Chúng ta đang ở đọan đầu của con đường. Và cái chính là chúng ta không đứng yên một chỗ. Chúng ta đang tiến lên phía trước.
Nguồn: blog kremlin

Đã đăng trên Bauxitvn

Andrey Zubov - Phi cộng sản hóa chứ không phải là phi Stalin hóa!

Phạm Nguyên Trường dịch

Lời tòa sọan tạp chi Nga (Russ.ru): Ngày 12 tháng 10 Tổng thống Dmitry Medvedev kí sắc lệnh bổ nhiệm Mikhail Fedotov làm cố vấn của Tổng thống Liên bang Nga, cũng như sắc lệnh bổ nhiệm ông này làm chủ tịch Ủy ban trực thuộc Tổng thống chuyên trách vấn đề phát triển các định chế của xã hội công dân và quyền con người. Hôm nay Phòng báo chí của Điện Cẩm Linh đã thông báo như thế. Người lãnh đạo mới của Ủy ban tuyên bố rằng “nhiệm vụ đầu tiên của Ủy ban trực thuộc Tổng thống về quyền con người sẽ là phi Stalin hóa nhận thức xã hội cũng như cải cách tòa án và cảnh sát”. Việc bổ nhiệm Mikhail Fedotov lại làm rúng động đề tài Stalin và chủ nghĩa Stalin, một đề tài tưởng như đã chẳng còn làm mấy ai bận tâm nữa. Phải chăng Iojef Vissarionovich [Stalin] đã chết từ lâu và bây giờ chỉ còn trong những cuốn sách giáo khoa lịch sử chứ không còn là vấn đề chính trị và văn hóa chính trị mà người Nga đang thảo luận nữa? Nếu đúng thế thì cần gì phải đấu tranh với nó? … Bài viết của nhà sử học Andrey Zubov sẽ trả lời những câu hỏi này


* * *

Phi Stalin hóa nhận thức xã hội đúng là vấn đề cấp bách của nước Nga ngày nay. Tất cả các cuộc thăm dò ý kiến đều cho thấy khỏang một nửa dân chúng Nga có thái độ khoan dung với ông ta, khỏang một phần tư, đôi khi đến một phần ba, còn đánh giá ông ta một cách tích cực nữa. Thế mà rõ ràng là Stalin là một nhân vật khủng khiếp, một bạo chúa, chẳng khác gì Hitler, đấy là nói về mức độ dã man và số máu người đã đổ, số tội ác và những vụ bạo hành đầy bất công dưới thời cai trị của ông ta, đương nhiên là phi Stalin hóa là công việc cần làm, không làm thì xã hội sẽ không thể lành mạnh được.

Nhưng chúng ta cần nói về hai vấn đề cực kì quan trọng khác, thiếu chúng thì quá trình phi Stalin hóa không thể nào xảy ra được. Vấn đề thứ nhất và cũng quan trọng nhất: đúng ra là phải thực hiện quá trình phi cộng sản hóa nhận thức xã hội, tương tự như quá trình phi phát xít hóa ở nước Đức thời hậu chiến vậy. Phi Stalin hóa là một thành tố của quá trình phi cộng sản hóa. Nghĩa là chúng ta phải đào tận gốc trốc tận rễ không chỉ những tình cảm tích cực đối với Stalin mà cả thí dụ như đối với Lenin và bộ hạ của ông ta. Đấy không chỉ là vấn đề của xã hội mà còn là vấn đề của nhà nước nữa. Vì vậy mà trong suốt gần hai mươi năm qua, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, ở Nga vẫn còn nguyên những biểu tượng của quá khứ thời Lenin, thế mà chính Lenin mới là người thành lập chế độ cộng sản và không phải vô tình mà trong lúc Stalin cầm quyền người ta đã viết: Stalin là Lenin của ngày hôm nay.

Lenin vẫn còn là biểu tượng dân tộc chính diện của chúng ta. Thành phố nào, khu dân cư nào, thậm chí làng nào cũng có tượng của ông ta. Trên thực tế, trong tất cả các tòa công sở cũ đều có thể tìm thấy hình của ông ta. Hôm qua tôi vừa tới Trụ sở hội nhà báo: một bức tượng bán thân Lenin to đùng bằng đá hoa cương đứng ngay chân cầu thang. Mấy đường phố ở Moskva mang tên Lenin, đại lộ Lenin, đường quốc lộ mang tên Leningrad, quảng trường Ilich. Ở ngọai ô Moskva có nhà ga mang tên Di huấn của Lenin. Thế mà Lenin là nhà độc tài khát máu, là bạo chúa kinh hòang, và theo một số nghĩa nào đó thì còn là người phản quốc hơn cả Stalin. Vì Lenin đã kí hòa ước Brest, Lenin đã tiêu diệt nước Nga lịch sử. Chính Lenin đã phát động cuộc khủng bố đỏ vào tháng 9 năm 1918, với hàng chục ngàn nếu không nói là hàng trăm ngàn nạn nhân, trong đó có phụ nữ, trẻ em, nhà tu hành, đã bị giết và cũng chính Lenin đã kí nghị định về khủng bố đỏ. Lenin viết: treo cổ, nhất định phải treo cổ càng nhiều kulak, nông dân, cha cố, người tu hành, càng tốt – hiện những tài liệu này đã được công bố rồi.

Vì vậy mà việc vi phạm quyền con người một cách tòan diện trong thế kỉ XX ở Nga không chỉ gắn với tên tuổi của Stalin mà còn gắn với tên tuổi của Lenin nữa. Thực ra, Stalin chỉ tiếp tục công việc của Lenin mà thôi. Và câu chuyện không chỉ về Lenin mà còn về tòan bộ nhóm đảng viên cộng sản đầu sỏ nữa. Ở thành phố nào cũng có những đường phố mang tên Quốc tế III, mang tên Volodarsky, mang tên Uritsky, mang tên Klara Setkin, mang tên Voikov, Sverdlov và Dzerzhisky. Ở Moskva có ga xe điện ngầm mang tên Voikovskaia, còn ở Peterburg thì có phố Dybenko ..v..v.. . Đến tận bây giờ mà một số chủ thể của liên bang vẫn còn mang tên những tên tội phạm và sat nhân đó như tỉnh Leningradskaia, tỉnh Svedlovkaia, tỉnh Ulianovskaia, tỉnh Kirovskaia. Ở đâu cũng có thể gặp tượng Kirov, thế mà đấy cũng là một tên lưu manh và tội phạm chẳng khác gì Lein và Stalin. Và mặc dù một tên tội phạm là Stalin đã giết một tên tội phạm khác là Kirov, nhưng chẳng có tên nào tốt hơn tên nào. Tất cả những điều này chính là biểu tượng của đời sống của chúng ta, tất cả cùng góp phần hình thành nhận thức cộng sản trong đầu óc người dân, kể cả việc củng cố chủ nghĩa Stalin và là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa Stalin mới.

Một người trung bình sẽ coi những hình ảnh này là có ý nghĩa tích cực vì không một đất nước bình thường nào lại dùng tên những kẻ tội phạm và sát nhân để đặt cho đường phố và không dựng tượng cho những kẻ như thế. Luzhkov, người vừa bị mất chức thị trưởng Moskva, nói rằng từ ngày ông ta nắm quyền vào năm 1994, chưa có một tên gọi công cộng nào bị thay đổi cả. Ông ta đã kịch liệt phản đối việc đổi tên ga xe điện ngầm Voikovskaia và ngõ Voikovskye, mặc dù đấy là quan điểm cực kì phi lí: Nhà thờ Nga đã phong thánh cho hòang đế Nokolai II, còn Voikov là kẻ lãnh đạo tổ chức đã hành quyết Nikolai II, nhưng không có ga nào mang tên Nikolai II cả, trong khi lại có ga mang tên Voikovskaia.

Dễ hiểu là nhà nước đang đứng cùng ai, chính quyền đang đứng cùng ai – nó tìm hiểu tên của ai, nó chữa tượng của ai thì là nó yêu người ấy. Xã hội bị giày vò và đau khổ vì chuyện đó, đôi khi có thể là vô thức và dĩ nhiên là mất phương hướng nữa. Thanh niên cho rằng cần phải bắt chước những người được dựng tượng trong ga xe điện ngầm, bắt chước những người mà những con đường và thành phố của chúng ta mang tên. Phi Stalin hóa nhận thức xã hội trong tình hình như thế là việc làm bất khả thi. Cần phải bắt đầu bằng việc phi cộng sản hóa, mà trước hết là phi cộng sản hóa nhận thức của chính quyền. Phi cộng sản hóa phải là phi cộng sản hóa bộ máy quyền lực, cả trên bình diện quốc gia, khu vực và công ty. Việc chính quyền tiếp tục kỉ niệm những ngày lễ của Ủy ban đặc biệt tòan Nga (UBĐB), Cơ quan bảo vệ chính trị quốc gia, Dân ủy nội vụ (DUNV) [Đây là những cơ quan chuyên chính thời Liên Xô – ND] và Cơ quan an ninh Liên bang (CQANLB) như một tổng thể là không thể chấp nhận được. Dường như chính quyền sẽ có lợi khi nhấn mạnh rằng Cơ quan an ninh Liên bang hiện nay không có liên quan gì với những tổ chức tội phạm như Ủy ban an ninh nhà nước (UBANNN), Dân ủy nội vụ và Ủy ban đặc biệt tòan nga. Nhưng trên thực tế mọi việc hòan tòan ngược lại – cứ có dịp là người ta lại đúc những huy hiệu mới “80 năm UBĐB – DUNV – UBANNN - CQANLB”, “90 năm UBĐB – DUNV – UBANNN - CQANLB”. Và nhiều quan chức cấp cao tầm cỡ quốc gia, nhiều chính khách hàng đầu lấy làm tự hào khi đeo những chiếc huy hiệu đó. Thế mà ở Nga không có cơ quan nào phạm nhiều tội lỗi và khát máu hơn là cảnh sát chính trị. Vì vậy mà phi cộng sản hóa là một quá trình cực kì nghiêm túc và sâu sắc.

Trong xã hội cũng có một lọat vấn đề rất quan trọng. Không có một đất nước lịch sự và tự trọng nào lại có những cuộc bầu cử như ở nước ta. Ứng viên phải được chính quyền hành pháp đồng ý thì mới được đưa vào danh sách. Những cuộc bầu cử mà sử dụng nguồn lực của nhà nước thì sẽ bị chính quyền làm giả. Thế mà xã hội vẫn yên lặng, xã hội đã quen với chuyện đó rồi. Vì sao? Vì trong thời Xô Viết đã từng diễn ta những cuộc bầu cử hệt như thế: chỉ có một ứng viên được giới thiệu, và bầu cử vẫn diễn ra – thật khôi hài, bây giờ thanh niên không thể nào hiểu được những cuộc bầu cử mà không có lựa chọn như thế. Thế mà đáng lẽ ra chính quyền phải để dân chúng làm quen với cách hành xử khác. Xuyên tạc những cuộc bầu cử lại có thể giáo dục được dân chúng lòng tự trọng hay sao? Mà không có lòng tự trọng thì xã hội sẽ không muốn chia tay với Stalin – sống với “cha già của dân tộc” thì thanh thản hơn, chẳng cần phải bận tâm đến bất cứ chuyện gì hết. Đấy chính là cội rễ của chủ nghĩa Stalin mới.

Ở nước ta người dân vẫn chưa quen với chế độ tự quản, mà cũng chưa có chế độ như thế nữa kia. Chưa quen với báo chí tự do, chưa quen với các phương tiện truyền thông đại chúng tự do, mà cũng không có những phương tiện như thế. Như mọi người đều biết, trên các kênh truyền hình chính, mọi thứ đều được quay từ trước, xem xét trước, rồi sau đó mới đưa lên sóng. Đấy là cách làm của thời Xô Viết, nền kiểm duyệt Xô Viết. Chuyện đó cũng đang diễn ra ở nước Trung Quốc cộng sản. Chả lẽ chúng ta lại coi mình ngang hàng với những chế độ như thế hay sao? Vì vậy mà phi Stalin hóa là một thành tố quan trọng, nhưng chỉ là một trong những thành tố của quá trình phi cộng sản hóa nước Nga mà thôi. Nếu không làm được chuyện đó thì chúng ta sẽ không có tương lai. Chúng ta sẽ mãi mãi là một đất nước dối trá. Ngay cả Liên Xô cũng không dối trá hơn vì nó tuyên bố rằng đấy là những nguyên tắc cộng sản và đưa nmhững nguyên tắc đó vào cuộc sống. Ai thích thì thích, ai không thích thì thôi. Còn chúng ta tự tuyên bố là đất nước dân chủ và tự do, trong Hiến Pháp của chúng ta có những nguyên tắc cao cả, có ai lẽ cũng sẵn sàng kí tên dưới những nguyên tắc đó, nhưng trên thực tế chúng ta vẫn có tượng Lenin, tượng Kirov, các phương tiện thông tin đại chúng và những cuộc bầu cử của chúng ta đều bị kiểm soát. Tất cả những chuyện này dĩ nhiên là đều có nguồn gốc từ thời kì Xô Viết.

Trước cách mạng chỉ những người có một số lượng tài sản nhất định mới được tham gia ứng cử và bầu cử, theo quan điểm hiện nay thì đấy rõ ràng là bất công rồi. Phụ nữ không được tham gia bầu cử. Nhưng đấy là luật và hệ thống họat động trong khuôn khổ của bộ luật đó. Nghĩa là không có chuyện luật nói một đằng nhưng trên thực tế người ta lại làm một nẻo. Nhưng đấy chính là điều đã diễn ra dưới thời Xô Viết. Hiến pháp Liên Xô năm 1936 có tất cả các quyền dân chủ, nhưng tất cả những người nghĩ đến tự do, dù chỉ trong thâm tâm, cũng đếu bị đưa vào Gulag hết. Đáng tiếc là hiện vẫn chưa thanh tóan hết được tính nước đôi, lá mặt lá trái, sự dối trá có từ thời Xô Viết. Vì vậy mà tôi nghĩ rằng sáng kiến của Mikhail Aleksandrovik Fedotov là hòan tòan đúng, nhưng tôi cho rằng phải mở rộng ra hơn nữa. Vì nếu chúng ta không thực hiện quá trình phi cộng sản hóa xã hội một cách rộng khắp, phi cộng sản hóa một cách tòan triệt, thì chúng ta sẽ không thể đánh bại được Stalin trong tâm trí người dân. Người nào tiến hành việc đó, chính quyền nào thực hiện được việc đó sẽ được các thế hệ tương lai – cho đến khi nước Nga còn tồn tại - cám ơn.

Tôi biết Mikhail Fedotov, tôi biết ông là người có tính nguyên tắc, một người chống cộng, một người có quan điểm dân chủ và tự do. Ông biết rõ Stalin là người thế nào, Lenin là người thế nào. Cho nên đương nhiên là ông tuyên bố như thế. Tôi nghĩ rằng chính việc nhà nước bổ nhiệm ông chứng tỏ rằng trong chính quyền hiện nay đang có một tinh thần phi cộng sản hóa nhất định. Tôi có cảm giác rằng trong chính quyền hiện nay đang có hai xu hướng đối địch với nhau: một nhóm trong đó muốn giữ nguyên và bảo tòan đất nước thời hậu Xô Viết, không muốn làm cho nó trở thành nước Nga thực sự; trong khi đó nhóm thứ hai lại muốn đọan tuyệt với di sản của Liên Xô, nhằm chí ít là cũng để lại thanh danh với thế hệ sau, để không mãi xấu hổ với thế giới và xấu hổ ngay với con cháu của mình, tức là xấu hổ với những người từ Thụy Sĩ hay Anh về nước trong những kì nghỉ hè, vì chế độ cộng sản đã sụp đổ hai mươi năm rồi mà vẫn còn giữ người thành lập ra nó – “Bác Lenin” – trong quan tài kính ngay ở trung tâm của nước Nga. Và có lẽ việc bổ nhiệm Mikhail Fedotov là chiến thắng nho nhỏ của nhóm thứ hai. Tôi rất muốn tin như thế.



Dịch từ nguyên bản tiếng Nga. Nguồn Russ.ru

Dmitry Butrin (Russ.ru, 21/03/2011) – Sự cáo chung của nền chuyên chính tâm thần phân liệt

Phạm Nguyên Trường dịch

Lời ban biên tập tạp chí Russ.ru: Đây là bài bình luận của ông Dmitry Butrin, trưởng phòng kinh tế chính trị học tờ Thương gia, về sự khởi đầu của chiến dịch quân sự chống Gaddafi, dành riêng cho Russ.ru

* * *
Tôi cũng xin gọi sự kiện đang diễn ra ở Libya như những người tham gia trong liên minh phương Tây gọi nó. Đây là chiến dịch quân sự, với hai mục tiêu: chính trị (lật đổ chế độ của Gaddafi) và kĩ thuật (không để cho vị đại tá này tấn công và giết hại những người nổi dậy).  Còn gọi thế nào được nữa? Đồng thời cũng có người cho rằng sự kiện ở Libya là sự can thiệp vào công việc nội bộ của một nước có chủ quyền. Đây đúng là sự can thiệp vào công việc nội bộ của một nước có chủ quyền rồi. Nhưng nói cho ngay, tình hình nội bộ của nước có chủ quyền này là nhân dân Libya đứng lên chống lại một con người đã lập nên một cơ cấu nhà nước đặc thù hiếm có trên thế giới: “nền chuyên chính tâm thần phân liệt”.


Trên thực tế nếu tổng thống của các vị đã hóa điên và tiếp tục điên trong suốt 40 năm qua thì trước sau gì dân chúng cũng thử làm thế nào đó để ông ta không còn cai trị họ nữa. Nói chung, khởi nghĩa vũ trang có thể được coi là quyền hợp pháp về phương diện y học của người dân, và không nghi ngờ gì rằng cũng có thể coi đấy là “công việc nội bộ”. Nhưng rõ ràng là có thể dùng một số lí luận nào đó để phản đối thậm chí cả quyền khởi nghĩa vũ trang của người dân thì theo tôi, phủ nhận quyền khởi nghĩa vũ trang nhằm chống lại một kẻ tâm thần phân liệt là việc làm vô nghĩa. Hơn thế nữa, tôi nghĩ rằng hoạt động của lực lượng liên minh là hoàn toàn chính danh chính là vì chính quyền của Gaddafi là một chính quyền điên rồ. Vì, thí dụ như một ông chồng khó tính đánh vợ là một chuyện, nhưng khi ông ta vừa làm thế vừa khắc vào trán ngôi sao vàng năm cánh và mặc áo đính những vòng kim tuyến mà người ta dùng để trang hoàng cho cây thông noel, còn tay thì lăm lăm hai khẩu AK thì lại là chuyện khác rồi. Làm gì với hắn ta đây? Rõ ràng là ở đây sự đe dọa dân thường đã mang tính chất khác, chứ không còn là những trường hợp đơn lẻ nữa. Chỉ có thể tỏ lòng thương hại nhân dân Libya (cũng như người phụ nữ khốn khổ kia), nhưng nếu kẻ tâm thần phân liệt, mặc dù trên người đã quấn đầy bông băng, tiếp tục nã đạn thì phải kêu cảnh sát rồi. Như vậy là, trong trường hợp này quân đội liên minh đang thực hiện nhiệm vụ của cảnh sát, không chỉ duy trì hoạt động của “xe cứu thương” (vì “xe cứu thương” chưa chắc đã giúp được gì) mà đơn giản là đang bảo vệ người dân Libya vô tội. 

Nếu có thể nói thêm rằng Saddam Hussein là một người bình thường về mặt tâm thần (hắn chỉ là một tên vô lại) thì rõ ràng là Gaddafi là một người bất bình thường. Trước hết phải xem xét vấn đề này từ quan điểm y học, như tôi đã nói bên trên. Nghĩa là chính tình trạng bất tương xứng của Gaddafi làm cho sự kiện ở Libya khác hẳn, thí dụ, với chiến dịch ở Nam Tư. Có thể tranh luận về bản chất của chế độ của Miloshevich. Nghĩa là có thể đưa ra những luận cứ nào đó rằng một lúc nào đó nhà cầm quyền có thể sử dụng vũ khí hóa học, có thể giết hại người dân của mình, có thể liên tục phát trên TV đoạn băng nói rằng chúng ta sẽ chiến thắng bọn phát xít.  Nhưng dù có chủ quyền đến mức nào thì ông ta cũng không có quyền khoác lên người những vòng kim tuyến mà người ta dùng để trang hoàng cho cây thông noel.  Nghĩa là tôi muốn nói rằng có thể tranh luận về nền dân chủ có chủ quyền, nhưng luận điểm về bệnh tâm thần phân liệt có chủ quyền thì không thể đem ra tranh luận được. Nói gì thì nói, chính quyền nào thì cũng phải có mức độ chính danh căn bản nào đó, đấy là căn cứ để người cầm quyền không thể muốn làm gì cũng được, ông ta không thể muốn đưa tất cả thần dân của mình lên mặt trăng hay bắt mọi người phải đi bằng hai tay chứ không được đi bằng hai chân. Trong trường hợp này tình trạng cũng gần như thế. 

Tôi nghĩ rằng quyết định can thiệp đã được thông qua một cách nhanh chóng như thế là vì mọi người cũng đã hiểu gần giống như tôi là chúng ta đang phải làm việc với một người như thế nào. Dĩ nhiên là có thể hỏi tại sao châu Âu, Nga và các nước Arab đã quan sát Gaddafi, một người hầu như không hề thay đổi trong suốt 40 năm qua, mà không ra hiệu là hắn đã bị điên? Thật là nhục nhã. Đấy là nỗi nhục của chính quyền Italy, của chính quyền Thụy Sĩ, của chính quyền Nga (cũng như Liên Xô) và chính quyền Mĩ nữa. Rõ ràng là trong suốt những năm đó chúng ta đang nhìn thấy trước mắt mình một thằng tâm thần phân liệt. Ai đã đọc cuốn Sách xanh đều chẳng thể nghi ngờ gì rằng đấy là tác phẩm của một người bị bệnh tâm thần. Nói chung, ai đã từng ở Libya (tôi đã ở đó) đều chẳng hề nghi ngờ gì rằng một thằng điên đang đứng đầu cơ cấu quyền lực ở đây, rằng hắn ta đang “khủng bố” nhân dân nước mình. Thật nhục nhã khi phải sống dưới chế độ mà mọi người đều biết rằng nhà cầm quyền đã hóa dại. 

Nhưng có thể rút ra hai kết luận từ những gì đang xảy ra hiện nay. Chiến dịch vừa khởi sự gần đây chứng tỏ rằng, một mặt, thế giới của chúng ta là một thực thể mà một thằng điên đầy nguy hiểm có thể lãnh đạo đất nước được những bốn mươi năm, nhưng mặt khác – lạy Chúa tôi! – thế giới của chúng ta cũng là thực thể mà sớm muộn gì thì những luận cứ cho rằng những kẻ điên rồ không được chế nhạo dân tộc mình cũng chiến thắng những luận cứ cho rằng tiền là thứ cực kì quí giá. 

Dịch từ nguyên bản tiếng Nga tại địa chỉ: http://russ.ru/Mirovaya-povestka/Konec-diktatury-shizofrenii

John Yemma (Christian Science Monitor, Mĩ, 01.04.2011) – Các nhà độc tài và con đường dẫn tới diệt vong.

Phạm Nguyên Trường dịch

Từ Libya tới Bờ Biển Ngà, từ Bắc Triều Tiên tới Zimbabwe, một người nắm quyền bao giờ cũng dẫn đến những sai lầm khủng khiếp.

Chế độ chuyên chế vừa có sức hấp dẫn vừa có tính phá hoại ghê gớm. Muammar Qaddafi của Libya và Laurent Gbagbo của Bờ Biển Ngà tin rằng mình có quyền cai trị đến mức thà để cho đất nước mình tan hoang chứ không chịu rời bỏ quyền lực. Robert Mugabe của Zimbabwe và Kim Jong-il của Bắc Triều Tiên cũng đẩy đất nước vào tình trạng kinh tế suy sụp chứ không chịu để cho những người khác thách thức niềm tin của mình.

Cho nên rất đáng mừng là nước Nga - sau một thời gian dài nằm dưới ách cai trị sai lầm như thế - có vẻ như đã nhận ra rằng cải cách chính trị sẽ dẫn đến tiến bộ về kinh tế. Nước Nga đã nhận thức được rằng quyền lực trong tay một người có sức tàn phá đến mức nào. Dưới trào Joseph Stalin, hàng triệu người dân đã chết vì đói, đã bị lưu đầy và bị bỏ tù. Cần phải có thời gian thì mới gột rửa hết được tàn dư của chế độ độc tài – từ giai đoạn hậu Stalin qua sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản, từ sự ngóc đầu dậy của bọn đầu sỏ và lũ cướp ngày đến sự trở về của bàn tay sắt của Điện Cẩm Linh hòng bóp chết mọi tiếng nói bất đồng.

Hiện nay các cố vấn của cả tổng thống Dmitry Medvedev lẫn thủ tướng Vladimir Putin – có vẻ như sẽ trở thành kình địch trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm sau – đang kêu gọi thiết lập một hệ thống cởi mở hơn. Có thể đấy chỉ là thủ đoạn chính trị, nhưng khó mà không công nhận mối liên hệ mang tính logic giữa tự do và thịnh vượng.


Johnny Erling (Die Welt, Đức, 01/04/2011) – Tham vọng toàn cầu của quân đội Trung Quốc

Phạm Nguyên Trường dịch

Viết từ Bắc Kinh. Trong thời gian tới đây, 2,3 triệu binh sĩ Trung Quốc không chỉ được tăng lương mà còn được trang bị những loại vũ khí hiện đại, trong đó có những loại vũ khí tấn công thế hệ ba. Họ cũng sẽ được giao nhiệm vụ bảo vệ trên những khu vực khác nhau quyền lợi của đất nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có mạng lưới kinh doanh trải rộng khắp hoàn cầu. Quan niệm về chiến tranh nhân dân và dân quân trước đây chỉ xem xét việc bảo vệ Trung Quốc khỏi họa ngoại xâm và bảo đảm an ninh lãnh thổ, vùng nước nội thủy và mặt biển nằm trong lãnh thổ đã không còn đáp ứng được đòi hỏi hiện nay nữa. Hiện nay, “để có thể thực hiện các cuộc chiến số và cuộc chiến trên mạng, cần phải có lực lượng bộ binh được huấn luyện kĩ lưỡng, lực lượng phòng không-không quân và hải quân hiện đại, vệ tinh và hệ thống định vị, tất cả là để :bảo vệ quyền và lợi ích trên biển của Trung Quốc, cũng như mối quan tâm của họ về an toàn trong vũ trụ, trong không gian điện-từ trường và không gian điều khiển”. Tất cả những điều này đều đã được ghi nhận trong định nghĩa rộng về quốc phòng trong cuốn Sách trắng vừa được Trung Quốc công bố. Nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang, không chỉ trong các thảm họa mà trong lĩnh vực chính trị cũng đã được xác định. Lực lượng vũ trang Trung Quốc phải là thành trì trong cuộc đấu tranh nhằm chống lại những hoạt động chia rẽ, phá hoại và chủ nghĩa khủng bố, bảo vệ “sự hài hòa và ổn định xã hội” và tiến hành cuộc đấu tranh chống lại “nền độc lập” của Đài Loan và Tây Tạng, cũng như chống lại những phần tử li khai, đòi thành lập nhà nước “Đông Hồi”.

Cuốn Sách trắng thứ bảy, xuất bản hai năm một lần, vừa được công bố vào thứ năm tuần qua, hai tuần sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua ngân sách quốc phòng lên đến 601 tỉ nhân dân tệ (khoảng 66 tỉ uero), tức là gia tăng 12,7%. Về giá trị tuyệt đối thì đây là nước có ngân sách quốc phòng đứng thứ hai thế giới và cao hơn tỉ lệ tăng trưởng kinh tế tới 4,7% (tăng trưởng kinh tế năm 2011 của Trung Quốc dự kiến là 8%). Nhưng Sách trắng lại gọi sự gia tăng làm cho các nước láng giềng với Trung quốc phản ứng bằng cách cũng gia tăng ngân sách quốc phòng của mình là “hợp lí và đúng lúc”. Một phần ba ngân sách được dùng để nuôi bộ đội, một phần ba được dùng cho công tác huấn luyện và một phàn ba còn lại thì dùng để mua vũ khí. Chi tiêu cho lĩnh vực thứ ba, trong đó có những hệ thống vũ khí kĩ thuật cao, sẽ gia tăng “với tốc độ cao hơn nữa”. Trung Quốc cũng xem xét các khoản chi cho sứ mệnh giữ gìn hòa bình trên toàn cầu của Liên hiệp quốc và cuộc đấu tranh chống cướp biển. Lực lượng hải quân Trung Quốc đã tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống bọn cướp biển bên bờ biền Somalia và bằng cách đó, nước này đã thu được kinh nghiệm trong việc thực thi các chiến dịch trên vùng biển quốc tế. Từ tháng 12 năm 2010 các đơn vị hải quân Trung Quốc, bao gồm 18 chiến tàu, đã đến vùng này 7 lần và hộ tống tổng cộng 3139 tàu buôn các loại. 



Các cuộc cách mạng Arab tạo điều kiện cho người ta chú ý đến hoạt động trên bình diện toàn cầu của Trung Quốc, cũng như quyền lợi rộng lớn và cần phải bảo vệ của họ trong lĩnh vực cung cấp nhiên liệu và nguyên liệu, xây dựng các công trình công nghiệp, bến cảng và cơ sở hạ tầng giao thông. Bắc Kinh buộc phải sơ tán khỏi Tunisia và Ai Cập mấy ngàn công dân của mình. Trung Quốc cũng vừa thiết lập cầu hàng không và hàng hải lớn nhất trong lịch sử nước mình với Libya, trong đó, lần đầu tiên lực lượng hải quân có một vai trò nào đó. Kết quả là đã đưa được 35.800 người từ Libya về nước, phần lớn trong số họ là những người làm theo hợp đồng. Trung Quốc buộc phải thanh lí các khoản đầu tư và đơn hàng từ Libya trị giá lên đến hơn 20 tỉ dollar.

Theo số liệu của tổ chức Heritage Foundation thì đến cuối năm 2010 Trung Quốc đã đầu tư vào thế giới Arab 37 tỉ dollar (lĩnh vực công nghiệp và tài chính), vào châu Phi 43 tỉ, vào Tây Á (trong đó có Iran) 45 tỉ, vào Đông Á 36 tỉ, vào khu vực Thái Bình Dương 61 tỉ và vào châu Âu 34 tỉ. Bảo vệ các khoản đầu tư đó cũng như bảo vệ những con đường giao thương trong trường hợp khủng hoảng cũng thuộc lĩnh vực quốc phòng.

Khác với những lần xuất bản trước, cuốn Sách trằng này trình bày một bức tranh khá ảm đạm về tình hình an ninh hiện nay. Trong đó có nói đến “sự cạnh tranh quân sự mãnh liệt trên thế giới”, cuộc cạnh tranh lan sang cả các lĩnh vực có tầm chiến lược như vũ trụ, không gian điều khiển và các khu vực ở Bắc và Nam cực. Mặc dù nói chung tình hình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là ổn định, nhưng “các vấn đề an ninh càng ngày càng phức tạp và dễ biến động hơn”. Về nguồn gốc các cuộc xung đột mang tính khu vực, từ Bắc Triều Tiên cho tới Afghanistan thì “hiện chưa xem xét cách thức giải quyết”. “Các hành động khủng bố, li khai và cực đoan càng ngày càng diễn ra trên qui mô rộng lớn hơn”. Sách trắng đã công khai nói đến các vấn đề trong quan hệ với Mĩ, nước này “đã củng cố các liên minh quân sự và khu vực và can thiệp vào các vấn đề an ninh của khu vực”.

Vì vậy mà Trung Quốc đang gia tăng sức mạnh quân sự của mình. “Những loại tàu ngầm mới, tàu khu trục và máy bay mới và tàu chiến mới đã được đưa vào sử dụng. Người đại diện chính chính thức của Bộ quốc phòng, trong buổi họp báo giới thiệu Sách trắng, nói rằng các lực lượng vũ trang đang thiết kế vũ khí thế hệ thứ ba. Theo lời ông này thì chiến lược của Trung Quốc là phòng vệ, nhưng không thể nói về vũ khí như thế được. Không có “vũ khí hoàn toàn mang tính chất phòng vệ”, người đại diện của Bộ quốc phòng nhấn mạnh như thế. Cuốn Sách trắng cũng đưa ra một vài số liệu – thí dụ như lực lượng hải quân được chia làm ba hạm đội độc lập: Bắc, Đông và Nam, còn không quân thì chia làm 7 đơn vị nằm trong các quân khu
Thượng Hải, Bắc Kinh, Lanzhou, Ji'nan, Nam Kinh, Quảng Đông và Thành Đô.Tuy nhiên tài liệu này cũng không nói rõ mục đích của những khoản chi cho quốc phòng đang gia tăng nhanh như vậy là gì. Người đại diện của Bộ quốc phòng cũng không trả lời câu hỏi là Trung Quốc có đóng hàng không mẫu hạm hay không và nếu có thì loại vũ khí này ăn nhập như thế nào với quan điểm phòng vệ của Trung Quốc. Trong phần trình bày về lực lượng hải quân, Sách trắng có nói đến “những biện pháp tiếp tế cho các chiến dịch dài ngày trên biển” cũng như có nhắc tới “các dàn tiếp tế nổi” mà theo mô tả thì người ta có thể nghĩ rằng đấy chính là hàng không mẫu hạm.

Sách trắng cũng không nói bất cứ điều gì cụ thể về chiếc máy bay ném bom J-20, khó bị phát hiện, vừa được đem ra trình làng và tháng 1 vừa qua. Trung Quốc, một nước có vũ khí hạt nhân, cũng không thấy có nhu cầu phải có những biện pháp nào đó nhằm đáp lại sáng kiến giải trừ hạt nhân mà Nga và Mĩ đã thỏa thuận. Đây là những nước có kho vũ khú hạt nhân lớn nhất, “họ có trách nhiệm trong việc tiếp tục giải trừ kho vũ khí của mình. Quá trình này phải được tiến hành một cách công khai, không đảo ngược được và bắt buộc về mặt pháp lí để tạo điều  kiện cho việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí nguyên tử”, tài liệu này nhấn mạnh như thế.

Mặc dù Sách trắng không che dấu tiềm lực quân sự của mình, nhưng Trung Quốc vẫn dùng một số lời giải thích mang tính nguyên tắc nhằm trấn an các nước láng giềng và thế giới bên ngoài. Lần đầu tiên có hẳn một chương, chương I, nói về “thực hiện những biện pháp quân sự tin cậy”. Việc nổi lên của Trung Quốc “không dẫn tới kết quả là Bắc kinh, trong hiện tại hoặc tương lai, ngả hẳn sang chính sách bành trướng về quân sự - dù nền kinh tế có phát triển nhanh đến đâu thì cũng thế”. Nhưng lời hứa hẹn như thế là một cố gắng nhằm đánh tan những hoài nghi của cộng đồng quốc tế về sự kiện là bước tiếp theo của Bắc Kinh có thể sẽ là “nền quốc phòng tiên tiến”, nhằm bảo đảm an ninh cho những căn cứ quân sự nằm bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc.

Dịch từ bản tiếng Nga tại địa chỉ: http://inosmi.ru/fareast/20110401/167972233.html