Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Có hay không nền triết học Việt Nam?

Mặc dù một số tài liệu cả trong nước và ở nước ngoài đã nói về triết học Việt Nam, song một câu hỏi mà cho đến nay vẫn chưa có sự trả lời thống nhất trong giới lý luận - đó là: Việt Nam có triết học không? Nếu có thì đó là triết học gì? Nguồn gốc ra đời, sự tồn tại và phát triển cũng như vai trò của nó đối với hoạt động nhận thức và hoạt động thực tiễn của dân tộc ta như thế nào?
Trả lời câu hỏi trên có ý nghĩa rất quan trọng: Bởi lẽ, đó là sự hiểu biết những thông điệp quan trọng nhất, hiểu biết cái thuộc về cội nguồn của sức mạnh, về vật chất và tinh thần mà nhờ nó, dân tộc ta trường tồn và phát triển. không phải ngẫu nhiên mà hiện nay, các nước, các đối tác nước ngoài khi quan hệ làm ăn với nước ta lại thường nói nhiều về triết lý trong kinh doanh, triết lý của sự phát triển… Trong quá trình toàn cầu hoá, khu vực hoá hiện nay, cần tìm ra những thông điệp ấy, tìm cái thuộc về "linh hồn" của toàn bộ quá trình phát triển của lịch sử dân tộc để khẳng định mình cũng như tạo nội lực trong hội nhập và phát triển!

Với câu hỏi: Việt Nam có triết học không ? Về cơ bản có hai quan điểm khác nhau:

Thứ nhất, Việt Nam không có triết học.

Ở quan điểm này, các nhà lý luận cho rằng, Việt Nam không có các nhà triết học, không có các trường phái triết học cũng như không có các tác phẩm triết học. Vấn đề cơ bản của triết học, duy vật và duy tâm, biện chứng và siêu hình.... chưa được đặt ra và giải quyết. Nếu có những tư tưởng triết học nào đó, thì nó cũng hoà lẫn trong văn, sử hoặc tôn giáo. Thậm chí có quan điểm còn cho rằng, người Việt Nam chỉ biết tiếp thu, sao chép những tư tưởng từ bên ngoài và sử dụng cho phù hợp với thực tế đất nước, chứ không có sáng tạo gì thêm.

Thứ hai, Việt Nam có triết học.

Chúng tôi đồng ý với quan điểm này. Mặc dù, ở Việt Nam không có các triết gia lỗi lạc, không có các trường phái triết học tiêu biểu. Vấn đề cơ bản của triết học, duy vật, duy tâm, khả tri, bất khả tri hay biện chứng và siêu hình… cũng chưa được đặt ra một cách rõ ràng và sáng tỏ. Song, khi đặt vấn đề rằng, phải có các triết gia, phải đưa ra và giải quyết vấn đề cơ bản của triết học…. mới xét tới một dân tộc nào đó có triết học hay không, thì e rằng đó là cách xem xét không biện chứng. Bởi vì, khi xét nguồn gốc nhận thức và nguồn gốc xã hội về sự ra đời của triết học, cũng như xem xét các chức năng cơ bản của triết học, như chức năng thế giới quan, chức năng phương pháp luận, chức năng nhân sinh quan của triết học thì Việt Nam hoàn toàn có triết học. Vấn đề đặt ra ở đây là, sự xuất hiện, tồn tại và phát triển của triết học Việt Nam thông qua những hình thức đặc thù như thế nào? Trong bài viết này, chúng tôi chỉ bước đầu đi vào tìm hiểu về nguồn gốc ra đời của nền triết học nước ta.

Như chúng ta đã biết, triết học ra đời với hai nguồn gốc: nguồn gốc nhận thức và nguồn gốc xã hội.

1. Về nguồn gốc nhận thức

Triết học với tiêu chí như là một hệ thống những tri thức chung nhất của con người về tự nhiên, xã hội và tư duy chỉ ra đời khi nhận thức của con người đạt tới một giới hạn nhất định. Đó là ở trình độ nhận thức lý luận. Điều đó cũng có nghĩa là khi ngôn ngữ đã phát triển tới giai đoạn có chữ viết.

Ở Việt Nam, theo các nhà khoa học, cách nay bốn nghìn năm, vào thời kỳ Tiền Đông Sơn, thông qua các mối quan hệ với tự nhiên và xã hội, mà trước hết là hoạt động sản xuất, nhận thức của cư dân người Việt đã đạt đến trình độ tư duy trừu tượng. Những nhận thức này được biểu hiện thông qua kỹ thuật chế tác công cụ lao động bằng đá và bằng kim loại. "Do đó, chúng ta phải đánh giá cao hoạt động tư duy trừu tượng của cư dân Tiền Đông Sơn, mà trong một chừng mực nào đó, có thể gọi là tư duy khoa học của họ. Chính thứ tư duy chính xác đó được phát triển nhờ hoạt động sản xuất, nhưng nó lại có tác động ngược lại một cách tích cực với kỹ thuật sản xuất". Theo suy đoán, từ thời kỳ Đông Sơn về sau, đã hình thành các huyền thoại, hơn nữa có quan điểm còn cho rằng thời kỳ này cũng bắt đầu xuất hiện một hệ thống thần thoại khá ổn định. Như vậy, ở thời kỳ Đông Sơn, nước ta đã hình thành và phát triển những mầm mống của triết học, "tiền triết học" hay nói như Nguyễn Đăng Thục là "ngụ ý triết học", "là triết học bình dân". Những mầm mống của triết học ấy chính là nguồn vật liệu phong phú mà con người Việt Nam trực tiếp tích luỹ được từ hoạt động thực tiễn của mình để sau đó, khi có chữ viết, cùng với việc kế thừa có phê phán và chọn lọc những tư tưởng triết học Trung Quốc và triết học Ấn Độ, cũng như triết học phương Tây về sau, nền triết học Việt Nam đã tồn tại và phát triển, gắn với thực tiễn khắc nghiệt dựng nước và giữ nước của dân tộc và do đó, đã tạo nên những sắc thái riêng của mình.

Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng, nền sản xuất nước ta cho tới nay vẫn là một nền sản xuất nhỏ, có nguồn gốc xa xưa từ chế độ công xã nông thôn kéo dài hàng ngàn năm và sự ảnh hưởng tiêu cực của nó tới nhận thức của dân tộc ta là không nhỏ. Những tư tưởng bảo thủ, trì trệ, thói quen cục bộ, địa phương, tư tưởng đẳng cấp, địa vị, vô chính phủ, mê tín dị đoan cùng những phong tục, tập quán lạc hậu khác chính là vật cản đối với nhận thức lý luận. Đúng như C.Mác đã chỉ rõ: "Những công xã ấy đã hạn chế lý trí của con người trong những khuôn khổ chật hẹp nhất, làm cho nó trở thành một công cụ ngoan ngoãn của mê tín, trói buộc nó bằng những xiềng xích nô lệ của cái quy tắc cổ truyền, tước đoạt nó mọi sự vĩ đại, mọi tính chủ động lịch sử”.

2. Về nguồn gốc xã hội

Gắn liền với nguồn gốc nhận thức là nguồn gốc xã hội. Triết học chỉ xuất hiện khi xã hội phân chia thành giai cấp, cũng như có sự xuất hiện đội ngũ trí thức. Tuy nhiên, với quan điểm lịch sử - cụ thể, nguồn gốc xã hội của triết học Việt Nam lại có những nét đặc thù của nó. Quá trình ra đời của triết học Việt Nam không gắn với sự xuất hiện giai cấp và đấu tranh giai cấp ở trong nước một cách rõ nét, mà chủ yếu là gắn với công cuộc chống ngoại xâm để giành và giữ độc lập dân tộc.

Thời kỳ Bắc thuộc bắt đầu bằng sự xâm lược của nhà Hán năm 110 trước công nguyên cho tới khi Ngô Quyền giành được độc lập vào năm 939. Trong thời gian này, kẻ thù đã tìm mọi cách để Hán hoá dân tộc ta, về tư tưởng là truyền bá Nho giáo. Những âm mưu thâm độc này đều bị nhân dân ta kiên quyết chống lại để bảo vệ nền văn hiến của mình. Cùng với Nho giáo còn có Phật giáo và Đạo giáo cũng được truyền vào nước ta. Sự tương tác của tam giáo này trên cơ sở những tư tưởng 'triết học của dân tộc Việt Nam, xuất phát từ thực tiễn quật cường của đất nước, đã từng bước tạo nên tư tưởng triết học Việt Nam. "Cái quý giá” trong di sản ấy là trình độ nhận thức vững chắc về tự nhiên và xã hội, về cuộc sống đấu tranh chống thiên tai địch hoạ và mỗi tâm lý có bản sắc riêng thể hiện trong phong tục, nếp sống và sự ứng xử giữa mọi người. Chủ nghĩa yêu nước, tinh thần chiến đấu dũng cảm để bảo vệ Tổ quốc và lật đổ ách thống trị của ngoại bang nhất giải phóng dân tộc như một ngọn lửa cháy trong di sản ấy".

Thời kỳ xây dựng quốc gia độc lập thịnh vượng (thế kỷ X đến thế kỷ XV) là thời kỳ mà dân tộc ta đã giành được độc lập, tự chủ bằng xương máu của mình. Những thắng lợi vĩ đại của công cuộc dựng nước và giữ nước ấy được phản ánh sinh động và rực rỡ trong đời sống ý thức của dân tộc, trong đó tư tưởng triết học về dân, về con người, về dân tộc… hay nói chung hơn, những tư tưởng triết học về xã hội, về thực tiễn giữ vai trò là trung tâm của nó và xuyên suốt về sau.

Triết học Việt Nam tiếp tục được kế thừa, bổ sung và phát triển gắn liền với hoạt động thực tiễn dựng nước và giữ nước của dân tộc và đỉnh cao của sự phát triển ấy được toả sáng rực rỡ trong tư tưởng triết học của Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Chính những tư tưởng triết học của Hồ Chí Minh là kim chỉ nam chỉ đạo hệ thống những luận điểm cách mạng nổi tiếng của Người. Nó quyết định tính đúng đắn của đường lối chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam do Hồ Chí Minh và Đảng ta đã vạch ra, là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam".

Như vậy, xét về nguồn gốc ra đời, triết học Việt Nam hoàn toàn có cơ sở nhận thức và xã hội của nó. Việc tiếp tục tìm hiểu khái quát để làm rõ những nội dung phong phú, sâu sắc, trong tính chỉnh thể của nó, thiết nghĩ, đó là trách nhiệm cấp bách của các nhà lý luận.

TS. TRẦN VĂN KHÁNH (CHUNGTA.COM)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét