Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014
Tư duy phê phán là gì?
17:31
Hoàng Phong Nhã
No comments
Tư duy phê phán là gì, các đặc trưng và sự cần thiết của tư duy phê phán.
Tư duy phê phán là gì
Khi khảo sát khối văn liệu đồ sộ về tư
duy phê phán, người ta thấy có nhiều định nghĩa khác nhau về tư duy phê
phán.Đây là một vài ví dụ:
o Tư duy phê phán là quá trình xây dựng
khái niệm, vận dụng, phân tích, tổng hợp, và/hoặc đánh giá thông tin
được thu thập - hay sinh ra - từ quan sát, kinh nghiệm, phản ánh, lập
luận, hay giao tiếp, một cách tích cực, khéo léo, được thao luyện về mặt
trí tuệ, như là một hướng dẫn cho niềm tin và hành động.” (Scriven,
1996).
o Hầu hết các định nghĩa hình thức mô tả
đặc trưng của tư duy phê phán như là sự vận dụng có chủ ý các kỹ năng
tư duy duy lý, ở bậc cao hơn, như: phân tích, tổng hợp, nhận biết vấn đề
và giải quyết vấn đề, suy luận và đánh giá” (Angelo, 1995, tr. 6).
o Tư duy phê phán là tư duy đang thẩm định chính mình” (Center for Critical Thinking, 1996b).
o “Tư duy phê phán là năng lực suy nghĩ
về tư duy của mình theo cách như sau: 1. nhận ra những mặt mạnh và mặt
yếu của nó, và do đó, 2. tổ chức lại tư duy trong hình thức đã được cải
thiện (Center for Critical Thinking, 1996c).
Có lẽ định nghĩa của Beyer (1995) là đơn
giản nhất: “Tư duy phê phán … nghĩa là tạo ra các phán đoán có cơ sở”
(tr. 8). Về cơ bản, Beyer xem tư duy phê phán là việc sử dụng các tiêu
chí để phán đoán tính chất của điều gì, từ lúc thực hiện đến kết luận
của một bài nghiên cứu. Thực chất, tư duy phê phán là một phương cách
được thao luyện của tư tưởng mà một người dùng để thẩm định tính hiệu
lực của điều gì (các phát biểu, các tình tiết mới, các luận chứng,
nghiên cứu, v.v..)
Các đặc trưng của Tư duy Phê phán
Wade (1995) chỉ ra 8 đặc trưng của tư
duy phê phán. Tư duy phê phán gồm: đặt các câu hỏi, xác định một vấn đề,
khảo sát chứng cứ, phân tích các giả định và các định kiến, tránh lập
luận cảm tính, tránh giản đơn hóa thái quá, suy xét các diễn giải khác,
và chấp nhận sự hàm hồ[1].
Giải quyết sự hàm hồ được Strohm & Baukus (1995) coi là một phần
thiết yếu của tư duy phê phán, “sự hàm hồ và sự hoài nghi đều thực hiện
một chức năng tư duy-phê phán và là một phần cần thiết, thậm chí là một
phần sản sinh, của quá trình” (tr. 56).
Một đặc trưng khác của tư duy phê phán -
được biết đến qua nhiều nguồn - là siêu nhận thức (metacognition). Siêu
nhận thức là tư duy về tư duy của chính mình. Chính xác hơn, “siêu nhận
thức là ý thức về tư duy của mình như là tư duy đang thực thi các nhiệm
vụ riêng biệt, rồi dùng nhận thức này để kiểm soát những gì tư duy đang
diễn ra.” (Jones & Ratclff, 1993,tr. 10).
Trong cuốn sách Tư duy Phê phán, Beyer lý giải tỉ mỉ những gì ông xem là các khía cạnh thiết yếu của tư duy phê phán. Đó là:
o Các tâm thế[2]: Những người tư duy phê phán đều hoài nghi[3],
có óc cởi mở, đánh giá công minh, tôn trọng chứng cứ và lập luận, tôn
trọng tính rõ ràng và chuẩn xác, xem xét các điểm nhìn khác nhau, và sẽ
thay đổi các lập trường khi cơ sơ sở hành động buộc họ phải làm như vậy.
o Các tiêu chí:
Để tư duy một cách phê phán, cần phải áp dụng các tiêu chí. Cần có
những điều kiện, và những điều kiện đó phải đáp ứng cho điều gì được coi
là có thể tin cậy. Cho dù người ta có thể luận chứng rằng mỗi lĩnh vực
bộ môn có những tiêu chí khác nhau, [thì vẫn có] một số tiêu chí nào đó
áp dụng cho tất cả các bộ môn. “… một khẳng định phải … được dựa trên
các sự kiện phù hợp và xác đáng; dựa trên các nguồn đáng tin cậy; chuẩn
xác; không định kiến; tránh các ngụy luận logic; nhất quán về mặt logic
và có cơ sở vững chắc.” (tr. 12).
o Luận chứng: là một phát biểu hay một mệnh đề bảo vệ chứng cứ. Tư duy phê phán bao hàm việc tìm hiểu, đánh giá và xây dựng các luận chứng.
o Lập luận:
năng lực rút ra một kết luận từ một hay nhiều tiền đề. Để làm điều đó
đòi hỏi phải khảo sát các quan hệ lôgic của các phát biểu hay các dữ
liệu.
o Điểm nhìn: Cách chúng
ta nhìn thế giới, định hình sự kiến tạo của mình về ý nghĩa. Trong quá
trình nhận thức, những người tư duy phê phán xem xét các hiện tượng từ
nhiều điểm nhìn khác nhau.
o Các quy trình áp dụng các tiêu chí:
Các kiểu hình tư duy khác đều sử dụng một quy trình chung. Tư duy phê
phán sử dụng nhiều quy trình. Các quy trình này bao gồm việc đặt câu
hỏi, tạo ra các phán đoán, và nhận diện các giả thuyết.
Tại sao lại giảng dạy môn tư duy phê phán?
Olver & Utermohlen (1995) xem các
sinh viên như là những người tiếp nhận thông tin thường quá thụ động.
Nhờ vào công nghệ, khối lượng lớn các thông tin có sẵn hiện nay là vô
kể. Sự bùng nổ thông tin này có lẽ vẫn còn tiếp diễn trong tương lai.
Các sinh viên cần một hướng dẫn để loại bỏ toàn bộ thông tin và không
phải tiếp nhận nó một cách thụ động. Các sinh viên cần “phát triển và
vận dụng có hiệu quả các kỹ năng tư duy phê phán vào các nghiên cứu học
thuật của mình, vào các vấn đề phức tạp mà họ phải đối mặt, và vào các
lựa chọn có phê phán mà họ sẽ buộc phải thực hiện do có sự bùng nổ thông
tin và những biến đổi công nghệ nhanh chóng khác” (Olivier &
Utermohlen, tr. 1).
Như đã được nói đến trong mục Các đặc trưng của tư duy phê phán,
tư duy phê phán bao hàm việc tra vấn. Điều quan trọng là dạy cho sinh
viên làm thế nào để đặt những câu hỏi tốt, để tư duy một cách có phê
phán, nhằm tiếp tục sự tiến bộ của chính các lĩnh vực mà chúng ta đang
dạy. “Mọi lĩnh vực chỉ tồn tại trong chừng mực các câu hỏi được khơi mào
và thực hiện một cách nghiêm túc (Center for Critical Thinking, 1996a).
Beyer xem việc giảng dạy tư duy phê phán
có tầm quan trọng đối với chính tình trạng của dân tộc chúng ta [tức
dân tộc Mỹ - ND]. Ông luận chứng rằng để sống thành công trong một nền
dân chủ, mọi người phải có khả năng tư duy một cách có phê phán để ra
những quyết định có cơ sở về các công việc của bản thân và xã hội. Nếu
sinh viên học cách tư duy một cách có phê phán, thì họ có thể sử dụng tư
duy tốt như là sách cẩm nang cho đời sống của mình.
_______________________________
CHÚ GIẢI
[1] Sự hàm hồ (Ambiguity) ở đây nên hiểu là trạng thái để mở của sự vật cho nhiều cách giải thích khác nhau về nó.
[2] Theo từ điển Wikpedia, chữ “disposition”
là một khái niệm của triết học, sinh lý học và tâm lý học dùng để chỉ
một thói quen, một sự chuẩn bị, một trạng thái sẵn sàng, hay một xu
hướng hành động theo một cách thức xác định. Vì vậy, chúng tôi đề nghị
dịch chữ này là “tâm thế”.
[3] Cần phân biệt hai loại hoài nghi: hoài nghi kiến tạo và hoài nghi huỷ diệt. Hoài nghi kiến tạo
là hoài nghi có phương pháp – là một phương pháp của nhận thức – nhằm
tạo lập cơ sở vững chắc cho niềm tin về một chân lý nào đó; trái lại, hoài nghi huỷ diệt
là một thái độ tiêu cực, mang tính yếm thế về thế giới quan – là một
dạng chủ nghĩa hư vô trong nhận thức – nhằm phủ định mọi chân lý trong
một tâm thế cực đoan. Hoài nghi của một người tư duy phê phán luôn là
hoài nghi tích cực.
ĐINH HỒNG PHÚC (TRIETHOC.EDU.VN)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét