Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014

Biện pháp miễn chấp hành có điều kiện thời hạn còn lại của hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội

Biện pháp miễn chấp hành có điều kiện thời hạn còn lại của hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội


Hình phạt tù có thời hạn là hình phạt nặng nhất trong hệ thống hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội ở nước ta hiện nay.



Hình phạt tù có thời hạn là hình phạt nặng nhất trong hệ thống hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội ở nước ta hiện nay. Với đặc trưng là tước tự do của người chưa thành niên trong một thời gian nhất định, cách ly các em khỏi môi trường sống bình thường để buộc các em phải học tập, lao động, sinh hoạt trong một cơ sở tập trung có kỷ luật chặt chẽ, việc áp dụng hình phạt này đối với người chưa thành niên không chỉ do các em đã thực hiện những tội phạm mang tính nghiêm trọng và vì vậy cần bị xử lý bằng những chế tài nghiêm khắc mà còn xuất phát từ yêu cầu bảo vệ cộng đồng trước khả năng các em tiếp tục gây ra những hành vi nguy hiểm cũng như bảo vệ chính các em trước những yếu tố tiêu cực tại môi trường sống, có thể cản trở quá trình phục hồi, cải tạo của các em.* Trong trại giam, thông qua việc dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục đạo đức, lối sống, người chưa thành niên phạm tội sẽ được trang bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết để khi quay trở về với cộng đồng, các em có thể tái hoà nhập, bắt đầu một cuộc sống mới tốt đẹp hơn, không rơi vào tình trạng “ngựa quen đường cũ”.*
Tuy nhiên, song hành với các ưu điểm nói trên, hình phạt tù có thời hạn cũng chứa đựng những hạn chế nội tại, trong đó phải kể đến những tác động tiêu cực do người chưa thành niên bị cách ly khỏi người thân và môi trường sinh sống bình thường của mình. Việc bị cách ly khỏi xã hội sẽ khiến cho các em có cảm giác mặc cảm, bị bỏ rơi, bị đẩy ra ngoài lề xã hội. Mặc cảm này lại càng nặng nề hơn vì ở độ tuổi này, con người vẫn còn khuynh hướng lệ thuộc, cần sự bao bọc của gia đình và những người xung quanh. Về phía gia đình và cộng đồng, việc đưa người chưa thành niên phạm tội ra khỏi cộng đồng cũng khiến cho nhiều gia đình và thành viên trong cộng đồng có thái độ xa lánh, miệt thị đối với họ. Hơn thế nữa, thời kỳ niên thiếu là khoảng thời gian quan trọng đối với người chưa thành niên để phát triển các kỹ năng xã hội và học hỏi làm thế nào để giao thiệp với những người khác theo cách chín chắn và lễ phép. Tuy nhiên, người chưa thành niên bị phạt tù lại phát triển các kỹ năng xã hội này trong một môi trường rất không tự nhiên, chỉ kết giao với những người phạm tội khác. Đây là những trở ngại rất lớn đối với quá trình phục hồi và tái hoà nhập của người chưa thành niên phạm tội. Chính vì vậy mà Công ước của Liên hiệp quốc về Quyền trẻ em (CƯQTE) và các chuẩn mực quốc tế khác về tư pháp người chưa thành niên đã yêu cầu các quốc gia thành viên* phải bảo đảm rằng chỉ áp dụng hình phạt tù đối với trẻ em như biện pháp cuối cùng và trong thời hạn thích hợp ngắn nhất; trong trường hợp buộc phải áp dụng hình phạt tù thì các cơ quan có thẩm quyền cần áp dụng biện pháp trả tự do có điều kiện trong thời gian sớm nhất có thể để giám sát, giáo dục người chưa thành niên tại cộng đồng[1].*
Chúng tôi đề cập đến biện pháp miễn chấp hành có điều kiện thời hạn còn lại của hình phạt tù - một trong những giải pháp để rút ngắn thời hạn phải chấp hành hình phạt trong trại giam của người chưa thành niên phạm tội bị áp dụng hình phạt tù có thời hạn. Trên cơ sở giới thiệu khái lược về biện pháp miễn chấp hành có điều kiện thời hạn còn lại của hình phạt tù ở một số nước trên thế giới, bài viết này sẽ đưa ra một số phân tích, kiến nghị về việc áp dụng biện pháp này đối với người chưa thành niên phạm tội ở nước ta.
I/ Miễn chấp hành có điều kiện thời hạn còn lại của hình phạt tù trong pháp luật của một số nước
Miễn chấp hành có điều kiện thời hạn còn lại của hình phạt tù là một biện pháp được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới dưới các tên gọi như phóng thích (parole) hay trả tự do có điều kiện (conditional release)[2].* Thực chất, đây là việc trả tự do sớm đối với người đang chấp hành hình phạt tù; sau khi được trả tự do, người đó phải tuân thủ một số điều kiện nhất định do cơ quan có thẩm quyền xác định trong một thời gian tạm gọi là thời gian thử thách. Nếu trong thời gian thử thách mà người phạm tội vi phạm các điều kiện đặt ra thì tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền có thể thay đổi điều kiện thử thách hoặc có thể buộc người đó phải chấp hành nốt thời hạn còn lại của hình phạt tù trong trại giam. Về bản chất, biện pháp này tương tự như án treo (ở các nước khác gọi là probation - buộc phải chịu thử thách), chỉ khác ở thời điểm áp dụng. Tùy theo điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa và truyền thống lập pháp nhất định, mỗi nước quy định tiêu chí áp dụng, điều kiện, thời gian thử thách, cơ chế xét, quyết định trả tự do có điều kiện, cơ chế giám sát người được trả tự do v.v… khác nhau.
1.* Tiêu chí áp dụng***********
Thông thường, để có thể được xét đưa vào diện miễn chấp hành có điều kiện phần còn lại của hình phạt tù (dưới đây, để cho ngắn gọn, xin tạm gọi là “trả tự do sớm có điều kiện”), người phạm tội, phải chấp hành hình phạt thực tế được một thời gian nhất định. Thời hạn này có thể dài, ngắn tùy theo pháp luật của mỗi nước. *Theo pháp luật của Thái Lan, phạm nhân có thể được xét trả tự do sớm có điều kiện nếu đã chấp hành được hai phần ba thời hạn của hình phạt tù[3]. Người bị kết án tù chung thân thì tối thiểu phải chấp hành được 10 năm tù. Còn theo Bộ luật về phạm nhân và người được phóng thích của Mỹ, phạm nhân của Liên bang đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên theo tiết 18Bộ Tổng luật của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Điều 4205(a)có thể được Ủy ban phóng thích xem xét, quyết định trả tự do sớm có điều kiện nếu đã chấp hành được một phần ba thời hạn phạt tù; trong trường hợp bị kết án tù chung thân hoặc tù 30 năm thì phải chấp hành được 10 năm[4].*
Người chưa thành niên phạm tội cũng có thể phải chấp hành hình phạt một thời gian nhất định mới có thể được xét trả tự do có điều kiện. Chẳng hạn, Điều 32 Bộ luật Tư pháp Thanh thiếu niên của Kosovo quy địnhrằng:“Thanh thiếu niên bị kết án tù có thể được trả tự do có điều kiện nếu đã chấp hành được ít nhất một phần ba thời hạn của bản án đã tuyên”. Tuy nhiên, theo Bộ luật về phạm nhân và người được phóng thích của Mỹ, người chưa thành niên phạm tội có thể được trả tự do sớm có điều kiện vào bất cứ thời điểm nào, tùy theo quyết định của Ủy ban phóng thích[5].
Tuy nhiên, không phải phạm nhân nào đủ điều kiện về thời hạn thực tế chấp hành hình phạt cũng có thể được đưa vào diện được xét trả tự do sớm có điều kiện mà thông thường, chỉ những người có thái độ cải tạo tốt mới được hưởng chế độ này. Chẳng hạn, theo Điều 4206 Tiết 18 của Bộ Tổng luật của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Ủy ban Phóng thích chỉ xét phóng thích những phạm nhân về cơ bản tuân thủ tốt quy chế trại giam.
Ngoài ra, pháp luật một số nước có quy định một số trường hợp không được xét trả tự do sớm có điều kiện, chủ yếu do xét thấy có nguy cơ đe dọa sự an toàn của cộng đồng, ví dụ như trường hợp bị kết án về một tội phạm mang tính bạo lực hoặc buôn bán trái phép chất ma túy mà có sử dụng vũ khí, tái phạm nhiều lần v.v..[6]
Người đủ tiêu chuẩn đưa vào diện xét trả tự do sớm có điều kiện sẽ được cơ quan có thẩm quyền cân nhắc, quyết định có cho phép trả tự do sớm hay không. Trong số nhiều vấn đề cần cân nhắc khi ra quyết định, cơ quan có thẩm quyền phải xem xét liệu việc trả tự do sớm cho người phạm tội có gây ra nguy cơ mất an toàn cho cộng đồng hay không và liệu có tác dụng thúc đẩy quá trình phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng của người phạm tội hay không[7].
2. Điều kiện thử thách:
Nhìn chung, điều kiện thử thách là những điều kiện do cơ quan có quyền quyết định việc trả tự do sớm đặt ra nhằm tạo ra một sự ràng buộc đối với người được trả tự do, giúp người đó quyết tâm sửa chữa lỗi lầm, tuân thủ pháp luật và khắc phục những nguyên nhân, điều kiện phạm tội. Những điều kiện này có thể bao gồm hai loại. Thứ nhất là các điều kiện chung (standard conditions). Đây là những điều kiện áp dụng đối với mọi đối tượng được trả tự do sớm, chẳng hạn như (1) trình diện trước cơ quan có thẩm quyền sau khi được trả tự do, (2) định kỳ báo cáo với cán bộ giám sát; (2) không đi khỏi nơi cư trú trừ phi được phép; (4) không làm những việc bị cấm (chẳng hạn như kết giao với những người vi phạm pháp luật, thường xuyên lui tới những địa điểm buôn bán trái phép chất ma túy v.v…)[8].*
Thứ hai là các điều kiện đặc biệt (special conditions). Đây là những điều kiện do cơ quan có thẩm quyền quyết định phù hợp với các đặc điểm về nhân thân và yêu cầu giáo dục, phòng ngừa cụ thể đối với cá nhân người được trả tự do, nhằm giảm thiểu nguy cơ tái phạm và thúc đẩy quá trình phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng của người phạm tội cũng như bảo vệ quyền lợi của nạn nhân. Những điều kiện này có thể liên quan đến nơi cư trú cụ thể của người được trả tự do, yêu cầu tham gia vào một số chương trình nhất định để giảm thiểu nguy cơ tái phạm, thúc đẩy khả năng phục hồi, tái hòa nhập, tuân thủ chế độ điều trị y tế, đeo thiết bị giám sát điện tử v.v..[9]
3. *Thời gian thử thách
Thời gian thử thách có thể ngắn hơn, bằng hoặc dài hơn thời hạn còn lại của hình phạt tù.* Chẳng hạn, ở Úc, thời hạn thử thách có thể bằng thời hạn còn lại của hình phạt tù nhưng không quá 5 năm; riêng đối với người bị kết án tù chung thân thì thời hạn này được ghi trong quyết định phóng thích[10].* Bộ luật Tư pháp Thanh thiếu niên của Kosovo quy định thời gian thử thách bằng đúng thời hạn còn lại của hình phạt tù.
4. Cơ quan có thẩm quyền áp dụng
Ở nhiều quốc gia trên thế giới, cơ quan có thẩm quyền quyết định cho phép hoặc hủy bỏ biện pháp trả tự do sớm có điều kiện có thể là Ủy ban phóng thích hoặc là một cơ quan tư pháp.* Ở Canađa, Ủy ban Phóng thích Quốc gia là cơ quan quản lý hệ thống phóng thích hiện hành của Liên bang, ở một số tiểu bang cũng có Ủy ban phóng thích của tiểu bang. Ủy ban Phóng thích quốc gia có 34 thành viên chuyên trách, được bổ nhiệm theo nhiệm kỳ 10 năm, và một số thành viên tạm thời được bổ nhiệm với nhiệm kỳ 01 năm. Nhiệm vụ chính của Ủy ban là đánh giá xem liệu người phạm tội đã sẵn sàng để quay trở về với cộng đồng hay chưa và quyết định có trả tự do sớm đối với người đó hay không[11].
Ở Nhật Bản, Ủy ban Phóng thích khu vực được đặt tại 8 thành phố nơi có trụ sở của Tòa thượng thẩm, chịu trách nhiệm quyết định việc trả tự do sớm có điều kiện, hủy quyết định cũng như giám sát các cán bộ giám quản. Mỗi quyết định của Ủy ban do một hội đồng gồm ba người bàn bạc và quyết định[12]. Còn ở Thái Lan, Tổng cục trưởng Tổng cục cải tạo có quyền quyết định trả tự do sớm có điều kiện. Tuy nhiên, do số phạm nhân đang ở trong hệ thống cải tạo của Thái Lan hiện nay khá lớn nên mỗi trại giam đều thành lập một Ban xét trả tự do sớm có điều kiện.* Các Ban này có trách nhiệm xem xét và lập danh sách phạm nhân đề nghị được trả tự do sớm có điều kiện[13]. Trong khi đó, theo Bộ luật Tư pháp thanh thiếu niên của Kosovo, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền quyết định trả tự do sớm có điều kiện cho người chưa thành niên phạm tội[14].
Dù là cơ quan nào thì yêu cầu đặt ra cũng là phải làm sao để bảo đảm rằng cơ quan này được cung cấp đầy đủ thông tin có liên quan đến người phạm tội[15] và do vậy, vấn đề mấu chốt là trình tự, thủ tục xem xét, quyết định trả tự do sớm có điều kiện.*
5. Trình tự, thủ tục
Trình tự, thủ tục quyết định trả tự do sớm có thể khác biệt nhau đôi chút trong pháp luật của các nước. Ở Mỹ, trong vòng từ 3 đến 6 tháng trước khi trả tự do, cán bộ quản giáo phải gửi bản kế hoạch tái hòa nhập của người phạm tội cho cơ quan giám quản thích hợp để xem xét.* Nếu cán bộ giám quản thấy cần phải áp dụng một số điều kiện đặc biệt đối với người được xét trả tự do thì sẽ đề nghị Ủy ban phóng thích. Ủy ban phóng thích, tự mình hoặc theo yêu cầu của cán bộ giám quản có thể áp dụng những điều kiện đặc biệt đối với người được trả tự do. Khi trả tự do, cán bộ quản giáo sẽ giao cho người được trả tự do bản hướng dẫn người đó đến trình diện cán bộ giám quản trong vòng 72 giờ kể từ khi được trả tự do và giải thích rõ việc không trình diện bị coi là vi phạm điều kiện trả tự do. Khi người được trả tự do đến trình diện, cán bộ giám quản sẽ giao cho người này chứng chỉ trả tự do trong đó nêu rõ những điều kiện mà người này phải tuân thủ do Ủy ban phóng thích quyết định[16].
Ở Canađa, một trong những thủ tục quan trọng khi quyết định trả tự do sớm là đánh giá nguy cơ gây mất an toàn cho cộng đồng. Trước hết, các thành viên của Ủy ban Phóng thích quốc gia sẽ tiến hành đánh giá sơ bộ nguy cơ, trên cơ sở xem xét tất cả các thông tin sẵn có về người phạm tội, bao gồm, chi tiết về sự việc phạm tội, tiền án, các vấn đề xã hội của người phạm tội, như bạo lực gia đình, lạm dụng ma túy hay đồ uống có cồn, tình trạng tâm thần, quan hệ xã hội, nghề nghiệp. Nếu trước đó, người phạm tội đã từng được trả tự do sớm có điều kiện thì còn phải xem xét thái độ cải tạo khi được trả tự do. Tiếp theo, thành viên Ủy ban sẽ cân nhắc xác suất tái phạm đối với nhóm người phạm tội tương tự. Sau khi hoàn thành việc đánh giá sơ bộ nguy cơ, các thành viên Ủy ban sẽ xem xét những yếu tố cụ thể sau: các báo cáo về tâm lý và tâm thần; ý kiến của một số người có liên quan như thẩm phán, cảnh sát, người có uy tín tại cộng đồng; thông tin từ nạn nhân. Ủy ban cũng cân nhắc xem người phạm tội đã được điều trị tâm lý hay các liệu pháp khác nếu cần thiết hay chưa, và có tiến triển tốt hay không; người phạm tội có hiểu rõ tính chất nguy hiểm và hậu quả của tội phạm nay không; kế hoạch tái hòa nhập của người phạm tội có khả thi hay không. Sau khi cân nhắc tất cả những thông tin này, Ủy ban sẽ mở một phiên điều trần với người phạm tội để quyết định có trả tự do sớm cho người đó hay không, cần áp dụng điều kiện gì[17].
Theo khuyến nghị của Hội đồng châu Âu 2003 về trả tự do có điều kiện, cần bảo đảm đối xử công bằng đối với người phạm tội. Để có thể làm được điều này, cơ quan có thẩm quyền quyết định việc trả tự do sớm phải được cung cấp đầy đủ thông tin về người phạm tội, về thái độ của người đó đối với việc trả tự do sớm cũng như các điều kiện cần áp dụng đối với người đó.* Cần tạo điều kiện để người phạm tội được trình bày quan điểm trong quá trình quyết định trả tự do sớm. Cần quy định cơ chế thay đổi các điều kiện thử thách và khi phát hiện thấy có vi phạm thử thách thì có thủ tục để đánh giá vi phạm một cách khách quan, công bằng. Không nên hủy quyết định trả tự do sớm đối với trường hợp vi phạm nhỏ nhặt. Trường hợp bắt buộc phải hủy quyết định thì nên cân nhắc trừ thời gian mà người được trả tự do đã chịu thử thách. Cuối cùng, cần có thủ tục khiếu nại để xem xét lại các quyết định có liên quan đến trả tự do sớm có điều kiện[18].
7.* Cơ quan giám sát
Để theo dõi, hỗ trợ người được trả tự do sớm có điều kiện cũng như những người phạm tội được xử lý bằng các chế tài giáo dục tại cộng đồng, nhiều quốc gia trên thế giới thành lập ra cơ quan giám quản (probation office). Những cơ quan này sẽ phối hợp với các tổ chức phi chính phủ và các tình nguyện viên để giám sát và hỗ trợ người đang chịu thử thách.
Ở Nhật Bản, văn phòng giám quản (probation office) là những cơ quan chịu trách nhiệm đối với việc xử lý người phạm tội dựa vào cộng đồng, bao gồm cả buộc phải chịu thử thách (tương tự như án treo của ta) và trả tự do sớm có điều kiện. Các văn phòng này được đặt tại 50 thành phố nơi có các tòa án quận và chịu sự chỉ đạo của Bộ Tư pháp. Các cán bộ làm việc cho những văn phòng này gồm có ba loại: (1) các cán bộ giám quản của Chính phủ, (2) các cán bộ giám quản tình nguyện, và (3) các cơ sở hỗ trợ phục hồi (tổ chức xã hội). Cán bộ giám quản của Chính phủ là công chức nhà nước. Tuy nhiên, thông thường những cán bộ này không trực tiếp tiến hành mọi công việc mà giới thiệu người bị buộc phải chịu thử thách hoặc người được trả tự do sớm có điều kiện cho cán bộ giám quản tình nguyện. Cán bộ giám quản tình nguyện có vai trò như trợ lý của cán bộ giám quản của Chính phủ và là người trực tiếp giám sát người phải chịu thử thách hoặc người được trả tự do sớm. Đây là những công dân bình thường, tham gia vào hoạt động phục hồi đối với người phạm tội trên tinh thần nhân đạo và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm[19].*
II/ Áp dụng biện pháp miễn chấp hành có điều kiện thời hạn của hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội ở Việt Nam
Chủ trương giảm hình phạt tù, “đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội” đã được nêu rõ trong Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Đối với người chưa thành niên phạm tội, chủ trương này cần được ưu tiên thực hiện vì hệ thống chế tài áp dụng đối với đối tượng này hiện nay vẫn còn nặng tính giam giữ. Trong số sáu chế tài có thể áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội[20], chỉ có hai chế tài có thể áp dụng đối với người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và cả hai chế tài này đều là chế tài tước tự do, đó là đưa vào trường giáo dưỡng hoặc tù có thời hạn[21]. Biện pháp miễn chấp hành có điều kiện phần còn lại của hình phạt tù chính là một giải pháp cho phép sớm đưa người chưa thành niên phạm tội bị xử phạt tù quay trở về với cộng đồng để phục thiện, sửa chữa lỗi lầm với sự giúp đỡ và giám sát của gia đình, các cơ quan, đoàn thể xã hội.
Miễn chấp hành có điều kiện phần còn lại của hình phạt tù không phải là giải pháp duy nhất nhằm hạn chế áp dụng hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội, nhưng có thể nói là giải pháp khả thi và thích hợp nhất để thực hiện mục tiêu này trong tình hình hiện nay. Việc hạn chế áp dụng hình phạt tù đối với người chưa thành niên phạm tội có thể được thực hiện bằng nhiều cách trong đó việc sửa đổi Điều 74 để rút ngắn mức thời hạn phạt tù áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội; sửa đổi Điều 76 để mở rộng phạm vi miễn chấp hành (vô điều kiện) phần còn lại của hình phạt tù và giảm thời hạn chấp hành hình phạt đối với những đối tượng này. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình phạm tội của người chưa thành niên ngày càng gia tăng với những diễn biến phức tạp, tỷ lệ tái phạm khá cao như hiện nay, bài toán đặt ra là phải làm sao một mặt thể hiện chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong xử lý, giáo dục người chưa thành niên phạm tội, nhưng mặt khác vẫn phải bảo đảm sự an toàn cho cộng đồng và bảo đảm hiệu quả giáo dục, phục hồi đối với những đối tượng này. Việc sửa đổi, bổ sung Điều 74 và Điều 76 của Bộ luật Hình sự (BLHS) mới chỉ giải quyết được một phần của bài toán là chính sách nhân đạo của các đối tượng này, nhưng không có cơ chế ràng buộc, theo dõi sau khi người chưa thành niên được trả tự do, vì vậy khó có thể bảo đảm phòng ngừa tái phạm. Trong khi đó, biện pháp miễn chấp hành có điều kiện thời hạn còn lại của hình phạt tù vừa cho phép người đang chấp hành hình phạt tù được sớm quay trở lại với cộng đồng, vừa đặt ra các điều kiện chặt chẽ để thử thách người phạm tội, có tác dụng giúp đỡ người đó sống có trách nhiệm, có kỷ luật, tăng quyết tâm sửa chữa lỗi lầm, khắc phục nguyên nhân, điều kiện phạm tội.* Do vậy, biện pháp này sẽ có hiệu quả cao trong việc phòng ngừa tái phạm và vì thế có thể nói là một câu trả lời phù hợp cho bài toán này.* Việc áp dụng biện pháp này không chỉ góp phần đạt được mục tiêu của việc xử lý người chưa thành niên phạm tội là “giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội”[22] mà còn thực sự vì lợi ích tốt nhất của người chưa thành niên, phù hợp với nguyên tắc chỉ áp dụng hình phạt giam giữ đối với người chưa thành niên phạm tội như biện pháp sau cùng, trong thời gian thích hợp ngắn nhất mà CƯQTE và các chuẩn mực quốc tế khác đã nêu ra.
Mặc dù theo quy định của BLHS hiện hành, đã có rất nhiều con đường để miễn giảm hình phạt đối với người phạm tội bị áp dụng hình phạt tù như miễn chấp hành toàn bộ hình phạt, miễn chấp hành phần hình phạt còn lại hoặc giảm thời hạn chấp hành hình phạt, việc bổ sung biện pháp này vẫn hết sức cần thiết. Theo quy định tại Điều 57 và Điều 76 BLHS, người chưa thành niên phạm tội có thể được miễn chấp hành toàn bộ hoặc phần còn lại của hình phạt trong ba trường hợp là lập công, mắc bệnh hiểm nghèo và đại xá hoặc đặc xá. Theo các quy định này, phạm vi người chưa thành niên được miễn chấp hành toàn bộ hoặc một phần hình phạt còn hạn chế.* Hơn nữa, việc miễn chấp hành hình phạt không kèm theo điều kiện ràng buộc nào sẽ không thể giải quyết được các nguyên nhân, điều kiện phạm tội và do vậy, khó có hiệu quả trong việc phòng ngừa tái phạm, bảo đảm sự an toàn cho cộng đồng. Còn việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt được áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội có thái độ cải tạo tốt. Người chưa thành niên được giảm thời hạn chấp hành hình phạt vẫn ở trong trại giam. Do vậy, việc bổ sung biện pháp miễn chấp hành có điều kiện thời hạn còn lại của hình phạt tù sẽ cho phép mở rộng phạm vi người chưa thành niên được sớm quay trở về với cộng đồng, đồng thời vẫn bảo đảm hiệu quả giáo dục, phục hồi, phòng ngừa tái phạm với những đối tượng này.
Bên cạnh đó, biện pháp này còn khuyến khích gia đình, các đoàn thể xã hội, cộng đồng tham gia vào việc giáo dục, phục hồi đối với người chưa thành niên bị kết án, do vậy rất phù hợp với chủ trương xã hội hoá công tác thi hành án của Đảng và Nhà nước ta, đồng thời phù hợp với truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc ta. Thực tiễn giáo dục người chưa thành niên phạm tội ở nhiều nước trên thế giới đã cho thấy rằng, người chưa thành niên phạm tội được sửa chữa lỗi lầm trong ngay môi trường sống của mình, với sự quan tâm, giúp đỡ của bà con láng giềng, các đoàn thể xã hội sẽ có khả năng phục hồi tốt hơn, hiệu quả bền vững hơn.**
*Việc bổ sung biện pháp này vào BLHS không gây xáo trộn lớn trong hệ thống pháp luật hiện hành, trước mắt chỉ cần sửa đổi, bổ sung hai điều luật trong Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) là Điều 269 Thủ tục giảm thời hạn hoặc miễn chấp hành hình phạt và Điều 309 *Chấm dứt việc chấp hành biện pháp tư pháp, giảm hoặc miễn chấp hành hình phạt. Hiện nay, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2008 - 2011 của Quốc hội. Trong thời gian BLTTHS chưa được sửa đổi, có thể quy định vấn đề này trong Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS hoặc có thể lùi thời điểm có hiệu lực của điều luật này cho đến khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTHS có hiệu lực.
Cơ chế thi hành biện pháp này về cơ bản tương tự như thi hành án treo và sẽ được quy định chi tiết trong một Nghị định của Chính phủ. Nghị định này sẽ quy định cụ thể về các điều kiện áp dụng, các biện pháp giám sát, hỗ trợ người chưa thành niên trong thời gian thử thách, trình tự, thủ tục đề nghị Tòa án quyết định chấm dứt thời hạn thử thách hoặc buộc phải chấp hành hình phạt tù. Quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan cũng sẽ được quy định cụ thể, rõ ràng hơn. Đồng thời, hiện nay Dự án Luật Thi hành án hình sự cũng đang trong quá trình xây dựng. Cơ chế thi hành biện pháp này cũng sẽ được nghiên cứu và quy định trong Dự án Luật này. Sau một thời gian thực hiện, cùng với việc nhân rộng các mô hình tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật như mô hình tại Hải Phòng, đánh giá, rút kinh nghiệm, biện pháp này có thể được áp dụng đối với cả người bị kết án phạt tù đã thành niên khi sửa đổi cơ bản, toàn diện BLHS. *
*
Bảo vệ trẻ em nói chung và người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng luôn là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm. Mặc dù vậy, thời gian qua, tình hình phạm tội của người chưa thành niên vẫn tiếp tục gia tăng với những diễn biến phức tạp. Làm thế nào để có thể tăng cường hiệu quả và tính bền vững của công tác giáo dục, phục hồi đối với người chưa thành niên phạm tội là một câu hỏi mà không chỉ các nhà hoạch định chính sách mà cả những cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em cũng như những người tbam gia vào hoạt động phòng, chống tội phạm đã trăn trở từ lâu và bài viết này là một trong những gợi ý với mong muốn giải đáp được phần nào câu hỏi đó. Dĩ nhiên, đưa ra giải pháp mới chỉ là một phần của vấn đề, biến giải pháp thành hiện thực mới là mấu chốt. Việc bổ sung biện pháp này sẽ đặt ra những khó khăn không nhỏ về vấn đề kinh phí, nhân sự, khả năng huy động sự tham gia của cộng đồng, của các tổ chức xã hội v.v.. Tuy nhiên, những khó khăn đó đều có thể được khắc phục dần dần thông qua việc lựa chọn một lộ trình cải cách phù hợp, huy động sức mạnh của cộng đồng và xã hội, và đặc biệt cần có sự tin tưởng vào quyết tâm cải tạo của người chưa thành niên./.
*
*
*
******
*
*
******
*

[1] Công ước của Liên hợp quốc về Quyền trẻ em, Điều 37 và Quy tắc chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc về tư pháp người chưa thành niên (Quy tắc Bắc Kinh), Quy tắc 28.

[2] Tuy nhiên, ở một số quốc gia, chẳng hạn như* Canađa, ngoài phóng thích còn có một số biện pháp trả tự do có điều kiện khác như* cho phép vắng mặt tạm thời, giám sát bắt buộc.
Xem http://www.ajic.mb.ca/volumel/chapter12.html#1

[3] Kanokpun Kalyanasuta, Atchara Suriyawong, The Criminal Justice System and community-based Treatment of Offenders in Thailand http://www.unafei.or.jp/english/pdf/PDF_rms/no61/ch17.pdff

[4] Bộ luật về phạm nhân và người được phóng thích của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Điều 2.2.

[5] Sđd, Điều 2.4.

[6] Sđd, Điều 2.2.

[7] Xem Luật Phóng thích 2002 của New Zealand, Điều 28, Luật Cải tạo và Trả tự do có điều kiện của Canađa, Điều 16.

[8] Xem Luật Phóng thích 2002 của New Zealand, Điều 14.

[9] Sđd.* Xem thêm Bộ luật về phạm nhân và người được phóng thích của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, Điều 2.40.
[10] http://www.ag.gov.au/www/agd/agd.nsf/Page/Federaloffenders_Paroleconditions



[11] http://www.ajic.mb.ca/volumel/chapter12.html#1

[12] Ministry of Justice Japan, Criminal Justice in Japan, tr 42.

[13] Sđd, chú dẫn số 3.

[14] Sđd, chú dẫn số 5.

[15] United Nations Office on Drugs and Crime, Handbook of Basic Principles and Promising Practices on Alternatives to Imprisonment, 2007, 54-5.

[16] Sđd, chú dẫn số 4.

[17] http://www.duhaime.org/LegalResources/CriminalLaw/LawArticle-97/Parole-In-Canada.aspx

[18] United Nations Office on Drugs and Crime, Handbook of Basic Principles and Promising Practices on Alternatives to Imprisonment, 2007, 54-5.

[19] Sđd, chú dẫn số 12.

[20] Bao gồm hai biện pháp tư pháp là giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng, cùng bốn hình phạt là cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ và tù có thời hạn.

[21] Lý do là bởi vì đối tượng này chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng, mà đối với những tội phạm này thì luật không quy định các chế tài không tước tự do.* Tuy nhiên, thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên cho thấy, có những trường hợp người chưa thành niên phạm tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý, không nhận thức được đầy đủ hậu quả mà hành vi của mình có thể gây ra, ví dụ như cắt trộm đường dây điện thoại. Cũng có những trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý nhưng lần đầu, do thiếu những kỹ năng sống cần thiết như kỹ năng kiềm chế nóng giận, giải quyết xung đột một cách hoà bình v.v.

[22] Điều 69 Bộ luật Hình sự 1999.


Ths. Nguyễn Thanh Trúc

Nguon: Nghien Cuu Lap Phap - Van Phong Quoc Hoi

0 nhận xét:

Đăng nhận xét