Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014
Andrey Zubov - Phi cộng sản hóa chứ không phải là phi Stalin hóa!
09:48
Hoàng Phong Nhã
No comments
Phạm Nguyên Trường dịch
Lời tòa sọan tạp chi Nga
(Russ.ru): Ngày 12 tháng 10 Tổng thống Dmitry Medvedev kí sắc lệnh bổ
nhiệm Mikhail Fedotov làm cố vấn của Tổng thống Liên bang Nga, cũng như
sắc lệnh bổ nhiệm ông này làm chủ tịch Ủy ban trực thuộc Tổng thống
chuyên trách vấn đề phát triển các định chế của xã hội công dân và quyền
con người. Hôm nay Phòng báo chí của Điện Cẩm Linh đã thông báo như
thế. Người lãnh đạo mới của Ủy ban tuyên bố rằng “nhiệm vụ đầu tiên của
Ủy ban trực thuộc Tổng thống về quyền con người sẽ là phi Stalin hóa
nhận thức xã hội cũng như cải cách tòa án và cảnh sát”. Việc bổ nhiệm
Mikhail Fedotov lại làm rúng động đề tài Stalin và chủ nghĩa Stalin, một
đề tài tưởng như đã chẳng còn làm mấy ai bận tâm nữa. Phải chăng Iojef
Vissarionovich [Stalin] đã chết từ lâu và bây giờ chỉ còn trong những
cuốn sách giáo khoa lịch sử chứ không còn là vấn đề chính trị và văn hóa
chính trị mà người Nga đang thảo luận nữa? Nếu đúng thế thì cần gì phải
đấu tranh với nó? … Bài viết của nhà sử học Andrey Zubov sẽ trả lời
những câu hỏi này
* * *
Phi Stalin hóa nhận thức xã hội
đúng là vấn đề cấp bách của nước Nga ngày nay. Tất cả các cuộc thăm dò ý
kiến đều cho thấy khỏang một nửa dân chúng Nga có thái độ khoan dung
với ông ta, khỏang một phần tư, đôi khi đến một phần ba, còn đánh giá
ông ta một cách tích cực nữa. Thế mà rõ ràng là Stalin là một nhân vật
khủng khiếp, một bạo chúa, chẳng khác gì Hitler, đấy là nói về mức độ dã
man và số máu người đã đổ, số tội ác và những vụ bạo hành đầy bất công
dưới thời cai trị của ông ta, đương nhiên là phi Stalin hóa là công việc
cần làm, không làm thì xã hội sẽ không thể lành mạnh được.
Nhưng chúng ta cần nói về hai
vấn đề cực kì quan trọng khác, thiếu chúng thì quá trình phi Stalin hóa
không thể nào xảy ra được. Vấn đề thứ nhất và cũng quan trọng nhất: đúng
ra là phải thực hiện quá trình phi cộng sản hóa nhận thức xã hội, tương
tự như quá trình phi phát xít hóa ở nước Đức thời hậu chiến vậy. Phi
Stalin hóa là một thành tố của quá trình phi cộng sản hóa. Nghĩa là
chúng ta phải đào tận gốc trốc tận rễ không chỉ những tình cảm tích cực
đối với Stalin mà cả thí dụ như đối với Lenin và bộ hạ của ông ta. Đấy
không chỉ là vấn đề của xã hội mà còn là vấn đề của nhà nước nữa. Vì vậy
mà trong suốt gần hai mươi năm qua, sau khi chế độ cộng sản sụp đổ, ở
Nga vẫn còn nguyên những biểu tượng của quá khứ thời Lenin, thế mà chính
Lenin mới là người thành lập chế độ cộng sản và không phải vô tình mà
trong lúc Stalin cầm quyền người ta đã viết: Stalin là Lenin của ngày
hôm nay.
Lenin vẫn còn là biểu tượng dân
tộc chính diện của chúng ta. Thành phố nào, khu dân cư nào, thậm chí
làng nào cũng có tượng của ông ta. Trên thực tế, trong tất cả các tòa
công sở cũ đều có thể tìm thấy hình của ông ta. Hôm qua tôi vừa tới Trụ
sở hội nhà báo: một bức tượng bán thân Lenin to đùng bằng đá hoa cương
đứng ngay chân cầu thang. Mấy đường phố ở Moskva mang tên Lenin, đại lộ
Lenin, đường quốc lộ mang tên Leningrad, quảng trường Ilich. Ở ngọai ô
Moskva có nhà ga mang tên Di huấn của Lenin. Thế mà Lenin là nhà độc tài
khát máu, là bạo chúa kinh hòang, và theo một số nghĩa nào đó thì còn
là người phản quốc hơn cả Stalin. Vì Lenin đã kí hòa ước Brest, Lenin đã
tiêu diệt nước Nga lịch sử. Chính Lenin đã phát động cuộc khủng bố đỏ
vào tháng 9 năm 1918, với hàng chục ngàn nếu không nói là hàng trăm ngàn
nạn nhân, trong đó có phụ nữ, trẻ em, nhà tu hành, đã bị giết và cũng
chính Lenin đã kí nghị định về khủng bố đỏ. Lenin viết: treo cổ, nhất
định phải treo cổ càng nhiều kulak, nông dân, cha cố, người tu hành,
càng tốt – hiện những tài liệu này đã được công bố rồi.
Vì vậy mà việc vi phạm quyền con
người một cách tòan diện trong thế kỉ XX ở Nga không chỉ gắn với tên
tuổi của Stalin mà còn gắn với tên tuổi của Lenin nữa. Thực ra, Stalin
chỉ tiếp tục công việc của Lenin mà thôi. Và câu chuyện không chỉ về
Lenin mà còn về tòan bộ nhóm đảng viên cộng sản đầu sỏ nữa. Ở thành phố
nào cũng có những đường phố mang tên Quốc tế III, mang tên Volodarsky,
mang tên Uritsky, mang tên Klara Setkin, mang tên Voikov, Sverdlov và
Dzerzhisky. Ở Moskva có ga xe điện ngầm mang tên Voikovskaia, còn ở
Peterburg thì có phố Dybenko ..v..v.. . Đến tận bây giờ mà một số chủ
thể của liên bang vẫn còn mang tên những tên tội phạm và sat nhân đó như
tỉnh Leningradskaia, tỉnh Svedlovkaia, tỉnh Ulianovskaia, tỉnh
Kirovskaia. Ở đâu cũng có thể gặp tượng Kirov, thế mà đấy cũng là một
tên lưu manh và tội phạm chẳng khác gì Lein và Stalin. Và mặc dù một tên
tội phạm là Stalin đã giết một tên tội phạm khác là Kirov, nhưng chẳng
có tên nào tốt hơn tên nào. Tất cả những điều này chính là biểu tượng
của đời sống của chúng ta, tất cả cùng góp phần hình thành nhận thức
cộng sản trong đầu óc người dân, kể cả việc củng cố chủ nghĩa Stalin và
là mảnh đất màu mỡ cho chủ nghĩa Stalin mới.
Một người trung bình sẽ coi
những hình ảnh này là có ý nghĩa tích cực vì không một đất nước bình
thường nào lại dùng tên những kẻ tội phạm và sát nhân để đặt cho đường
phố và không dựng tượng cho những kẻ như thế. Luzhkov, người vừa bị mất
chức thị trưởng Moskva, nói rằng từ ngày ông ta nắm quyền vào năm 1994,
chưa có một tên gọi công cộng nào bị thay đổi cả. Ông ta đã kịch liệt
phản đối việc đổi tên ga xe điện ngầm Voikovskaia và ngõ Voikovskye, mặc
dù đấy là quan điểm cực kì phi lí: Nhà thờ Nga đã phong thánh cho hòang
đế Nokolai II, còn Voikov là kẻ lãnh đạo tổ chức đã hành quyết Nikolai
II, nhưng không có ga nào mang tên Nikolai II cả, trong khi lại có ga
mang tên Voikovskaia.
Dễ hiểu là nhà nước đang đứng
cùng ai, chính quyền đang đứng cùng ai – nó tìm hiểu tên của ai, nó chữa
tượng của ai thì là nó yêu người ấy. Xã hội bị giày vò và đau khổ vì
chuyện đó, đôi khi có thể là vô thức và dĩ nhiên là mất phương hướng
nữa. Thanh niên cho rằng cần phải bắt chước những người được dựng tượng
trong ga xe điện ngầm, bắt chước những người mà những con đường và thành
phố của chúng ta mang tên. Phi Stalin hóa nhận thức xã hội trong tình
hình như thế là việc làm bất khả thi. Cần phải bắt đầu bằng việc phi
cộng sản hóa, mà trước hết là phi cộng sản hóa nhận thức của chính
quyền. Phi cộng sản hóa phải là phi cộng sản hóa bộ máy quyền lực, cả
trên bình diện quốc gia, khu vực và công ty. Việc chính quyền tiếp tục
kỉ niệm những ngày lễ của Ủy ban đặc biệt tòan Nga (UBĐB), Cơ quan bảo
vệ chính trị quốc gia, Dân ủy nội vụ (DUNV) [Đây là những cơ quan chuyên
chính thời Liên Xô – ND] và Cơ quan an ninh Liên bang (CQANLB) như một
tổng thể là không thể chấp nhận được. Dường như chính quyền sẽ có lợi
khi nhấn mạnh rằng Cơ quan an ninh Liên bang hiện nay không có liên quan
gì với những tổ chức tội phạm như Ủy ban an ninh nhà nước (UBANNN), Dân
ủy nội vụ và Ủy ban đặc biệt tòan nga. Nhưng trên thực tế mọi việc hòan
tòan ngược lại – cứ có dịp là người ta lại đúc những huy hiệu mới “80
năm UBĐB – DUNV – UBANNN - CQANLB”, “90 năm UBĐB – DUNV – UBANNN -
CQANLB”. Và nhiều quan chức cấp cao tầm cỡ quốc gia, nhiều chính khách
hàng đầu lấy làm tự hào khi đeo những chiếc huy hiệu đó. Thế mà ở Nga
không có cơ quan nào phạm nhiều tội lỗi và khát máu hơn là cảnh sát
chính trị. Vì vậy mà phi cộng sản hóa là một quá trình cực kì nghiêm túc
và sâu sắc.
Trong xã hội cũng có một lọat
vấn đề rất quan trọng. Không có một đất nước lịch sự và tự trọng nào lại
có những cuộc bầu cử như ở nước ta. Ứng viên phải được chính quyền hành
pháp đồng ý thì mới được đưa vào danh sách. Những cuộc bầu cử mà sử
dụng nguồn lực của nhà nước thì sẽ bị chính quyền làm giả. Thế mà xã hội
vẫn yên lặng, xã hội đã quen với chuyện đó rồi. Vì sao? Vì trong thời
Xô Viết đã từng diễn ta những cuộc bầu cử hệt như thế: chỉ có một ứng
viên được giới thiệu, và bầu cử vẫn diễn ra – thật khôi hài, bây giờ
thanh niên không thể nào hiểu được những cuộc bầu cử mà không có lựa
chọn như thế. Thế mà đáng lẽ ra chính quyền phải để dân chúng làm quen
với cách hành xử khác. Xuyên tạc những cuộc bầu cử lại có thể giáo dục
được dân chúng lòng tự trọng hay sao? Mà không có lòng tự trọng thì xã
hội sẽ không muốn chia tay với Stalin – sống với “cha già của dân tộc”
thì thanh thản hơn, chẳng cần phải bận tâm đến bất cứ chuyện gì hết. Đấy
chính là cội rễ của chủ nghĩa Stalin mới.
Ở nước ta người dân vẫn chưa
quen với chế độ tự quản, mà cũng chưa có chế độ như thế nữa kia. Chưa
quen với báo chí tự do, chưa quen với các phương tiện truyền thông đại
chúng tự do, mà cũng không có những phương tiện như thế. Như mọi người
đều biết, trên các kênh truyền hình chính, mọi thứ đều được quay từ
trước, xem xét trước, rồi sau đó mới đưa lên sóng. Đấy là cách làm của
thời Xô Viết, nền kiểm duyệt Xô Viết. Chuyện đó cũng đang diễn ra ở nước
Trung Quốc cộng sản. Chả lẽ chúng ta lại coi mình ngang hàng với những
chế độ như thế hay sao? Vì vậy mà phi Stalin hóa là một thành tố quan
trọng, nhưng chỉ là một trong những thành tố của quá trình phi cộng sản
hóa nước Nga mà thôi. Nếu không làm được chuyện đó thì chúng ta sẽ không
có tương lai. Chúng ta sẽ mãi mãi là một đất nước dối trá. Ngay cả Liên
Xô cũng không dối trá hơn vì nó tuyên bố rằng đấy là những nguyên tắc
cộng sản và đưa nmhững nguyên tắc đó vào cuộc sống. Ai thích thì thích,
ai không thích thì thôi. Còn chúng ta tự tuyên bố là đất nước dân chủ và
tự do, trong Hiến Pháp của chúng ta có những nguyên tắc cao cả, có ai
lẽ cũng sẵn sàng kí tên dưới những nguyên tắc đó, nhưng trên thực tế
chúng ta vẫn có tượng Lenin, tượng Kirov, các phương tiện thông tin đại
chúng và những cuộc bầu cử của chúng ta đều bị kiểm soát. Tất cả những
chuyện này dĩ nhiên là đều có nguồn gốc từ thời kì Xô Viết.
Trước cách mạng chỉ những người
có một số lượng tài sản nhất định mới được tham gia ứng cử và bầu cử,
theo quan điểm hiện nay thì đấy rõ ràng là bất công rồi. Phụ nữ không
được tham gia bầu cử. Nhưng đấy là luật và hệ thống họat động trong
khuôn khổ của bộ luật đó. Nghĩa là không có chuyện luật nói một đằng
nhưng trên thực tế người ta lại làm một nẻo. Nhưng đấy chính là điều đã
diễn ra dưới thời Xô Viết. Hiến pháp Liên Xô năm 1936 có tất cả các
quyền dân chủ, nhưng tất cả những người nghĩ đến tự do, dù chỉ trong
thâm tâm, cũng đếu bị đưa vào Gulag hết. Đáng tiếc là hiện vẫn chưa
thanh tóan hết được tính nước đôi, lá mặt lá trái, sự dối trá có từ thời
Xô Viết. Vì vậy mà tôi nghĩ rằng sáng kiến của Mikhail Aleksandrovik
Fedotov là hòan tòan đúng, nhưng tôi cho rằng phải mở rộng ra hơn nữa.
Vì nếu chúng ta không thực hiện quá trình phi cộng sản hóa xã hội một
cách rộng khắp, phi cộng sản hóa một cách tòan triệt, thì chúng ta sẽ
không thể đánh bại được Stalin trong tâm trí người dân. Người nào tiến
hành việc đó, chính quyền nào thực hiện được việc đó sẽ được các thế hệ
tương lai – cho đến khi nước Nga còn tồn tại - cám ơn.
Tôi biết Mikhail Fedotov, tôi
biết ông là người có tính nguyên tắc, một người chống cộng, một người có
quan điểm dân chủ và tự do. Ông biết rõ Stalin là người thế nào, Lenin
là người thế nào. Cho nên đương nhiên là ông tuyên bố như thế. Tôi nghĩ
rằng chính việc nhà nước bổ nhiệm ông chứng tỏ rằng trong chính quyền
hiện nay đang có một tinh thần phi cộng sản hóa nhất định. Tôi có cảm
giác rằng trong chính quyền hiện nay đang có hai xu hướng đối địch với
nhau: một nhóm trong đó muốn giữ nguyên và bảo tòan đất nước thời hậu Xô
Viết, không muốn làm cho nó trở thành nước Nga thực sự; trong khi đó
nhóm thứ hai lại muốn đọan tuyệt với di sản của Liên Xô, nhằm chí ít là
cũng để lại thanh danh với thế hệ sau, để không mãi xấu hổ với thế giới
và xấu hổ ngay với con cháu của mình, tức là xấu hổ với những người từ
Thụy Sĩ hay Anh về nước trong những kì nghỉ hè, vì chế độ cộng sản đã
sụp đổ hai mươi năm rồi mà vẫn còn giữ người thành lập ra nó – “Bác
Lenin” – trong quan tài kính ngay ở trung tâm của nước Nga. Và có lẽ
việc bổ nhiệm Mikhail Fedotov là chiến thắng nho nhỏ của nhóm thứ hai.
Tôi rất muốn tin như thế.
Dịch từ nguyên bản tiếng Nga. Nguồn Russ.ru
0 nhận xét:
Đăng nhận xét