Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

Có một nước Mỹ nghèo khổ

Dù cho tỷ lệ thất nghiệp đang giảm dần nhưng lượng người đi xin đồ ăn vẫn tăng hàng tháng cho thấy cuộc sống của nhiều người Mỹ vẫn bi đát.


Vừa làm vừa xin mới đủ ăn
Vẫn có tới 46,68 triệu người Mỹ phải xếp hàng xin từ bơ sữa cho tới bánh mì, tính tới tháng 7/2012, trong khi lượng người thất nghiệp đã giảm xuống còn 12,1 triệu người (7,8% trong tháng 9). Tức là dù nhiều người đã có việc làm nhưng lương của họ không đủ để trang trải cuộc sống.
Mike Cunningham mất nửa năm mới tìm được việc bán thời gian, chuyên gói đồ cho một siêu thị thực phẩm Giant ở Thủ đô Washington. Mức lương trung bình vẫn được tính khoảng 40 USD/giờ cho nhiều ngành nghề phổ thông ở Mỹ, nhưng thường thì với những công việc như của Mike hay với những người làm nghề rửa xe, họ thường được trả khoảng 6-10 USD/giờ làm việc. Ở Mỹ, chuyện các ông chủ trả lương thấp hơn mức tối thiểu giờ không còn là chuyện hiếm. Ở Chicago, nơi người ta thống kê được rằng có tới 3/4 số người làm nghề rửa xe hơi phải nhận lương thấp hơn mức tối thiểu 8,25 USD/giờ lao động. Chính vì thế mà Mike một tháng hai lần phải đi xin trợ cấp bánh mì và rau để nuôi gia đình có ba nhân khẩu.
Mike không tiết lộ trị giá số thực phẩm anh nhận hàng tháng là bao nhiêu, nhưng để cấp đủ thực phẩm theo tiêu chuẩn cho gần 47 triệu người nói trên tiêu tốn ngân sách của Chính phủ Mỹ và các bang tới 6,26 tỷ USD. Tính bình quân, mỗi người nhận được số thực phẩm trị giá khoảng 133 USD/tháng. Để dễ hình dung, chúng ta có thể tưởng tượng rằng số tiền ấy đủ mua gần trăm ổ bánh mì và 2kg bơ. Hoặc, nó chỉ đủ để mua một chiếc vé hạng trung vào xem một trận bóng rổ NBA.
Ít như thế, nhưng nước Mỹ không thể gánh thêm tiền trợ cấp. Theo Luật Nông trại mới thông qua, Chính phủ Mỹ sẽ cắt giảm 4,5 tỷ USD tiền trợ cấp thực phẩm trong 10 năm tới. Bởi, tiền trợ cấp thực phẩm cho hơn 45 triệu người nghèo ở Mỹ trong năm 2011 đã ngốn tới hơn 75 tỷ USD.
Năm 2011, Công ty chuyên kinh doanh đồ cũ Goodwill đã thu về 2,3 tỷ USD chỉ riêng cho lĩnh vực bán quần áo “sida”
Mike, chàng thanh niên da màu năm nay 28 tuổi, trong lúc gói thực phẩm cho tôi đã khoe đôi giày thể thao anh mới mua ở một chợ đồ cũ, kiểu bóng rổ cao cổ tới ngang mắt cá của Nike còn khá mới với giá 18USD. Mike không giấu giếm một thực tế là đồ ăn của gia đình anh có một phần không nhỏ từ chế độ tem phiếu và quần áo cũng như các trang thiết bị nội thất hoàn toàn là đồ “hàng thùng”.
Nước Mỹ có rất nhiều những người hầu như không bao giờ tới những trung tâm mua sắm lớn hay các chuỗi cửa hàng thời trang Macy’s như anh chàng Mike. Vào những dịp lễ, có thể những trung tâm mua sắm vẫn vắng người, nhưng người nghèo ở Mỹ ùn ùn kéo nhau tới chợ đồ cũ để săn những món đồ còn giá trị sử dụng mà giá vừa với túi tiền của họ.
Cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài hơn nửa thập kỷ ở Mỹ đã làm cho tầng lớp người nghèo phình to lên, nhưng lại bất ngờ biến việc kinh doanh đồ cũ thành một lĩnh vực béo bở, xuất hiện tràn lan các công ty chuyên kinh doanh đồ cũ lấy lãi chứ không phải vì mục đích từ thiện.
Doanh thu của các công ty, cửa hàng chuyên doanh đồ cũ hiện đã lên tới gần 15 tỷ USD/năm. Goodwill, một công ty hàng đầu trong lĩnh vực này với 2.500 cửa hàng trên toàn nước Mỹ đạt doanh thu tới 2,3 tỷ USD chỉ riêng cho lĩnh vực bán quần áo “sida” trong năm 2011. Mà người Mỹ không chỉ đi chợ đồ cũ mua quần áo giày dép. Họ mua một đầu DVD cũ kỹ, một sợi dây USB mốc meo, một cái búa, một nồi cơm điện, một sợi dây điện thoại... Nói chung là thượng vàng hạ cám, cái gì có mới tất sẽ có ở chợ “second hand”.
Con số thống kê của “America’s Research Group”, một hãng chuyên nghiên cứu người tiêu dùng, trong cùng một thời điểm, tỷ lệ người Mỹ đi mua sắm ở các khu shopping tập trung là 21,3%, ở các cửa hàng ký gửi khoảng 12-15%, ở các khu đại mua sắm gồm các cửa hàng bán trực tiếp của nhà máy là 11,4%, các cửa hàng thời trang bán lẻ là 19,6%, nhưng tỷ lệ ở các chợ đồ cũ lên tới 16-18%.
Không có một con số thống kê chính thức, nhưng người Mỹ da đen đi chợ đồ cũ dường như nhiều hơn người da trắng, và người nhập cư vào Mỹ gần đây đến từ các nước Mỹ Latin xài đồ “second hand” nhiều hơn hẳn so với người gốc Á. Tới mức, tiếng Tây Ban Nha như trở thành ngôn ngữ chính ở phân khúc thị trường này.
Đồ cũ và một nét văn hóa
Thế nhưng, nếu như cho rằng chỉ có người Mỹ nghèo khổ, sống dưới mức thu nhập 22 ngàn USD/năm cho một gia đình 4 thành viên, mới phải ra chợ hàng thùng, xài đồ cũ là một sự nhầm lẫn.
Trên mạng chuyên rao bán đồ cũ, những người chào bán một chiếc túi đựng gậy golf đã cũ mèm với giá 10-20USD có rất nhiều, và cũng không thiếu những người sẵn sàng lái xe hàng chục phút để khuân nó về nhà mình. Golf dù phổ biến hơn cả tennis ở Mỹ, nhưng vẫn là môn thể thao không dành cho người nghèo. Tức là mua và bán những thứ như thế đa phần là những người có tiền.
Ông Charles Hale, sống gần căn hộ tôi ở có cuộc sống sung túc nhờ tiền hưu và tiết kiệm nhưng thỉnh thoảng lại khoe ông mới mua được một món đồ cũ nào đó giá rẻ mà “ngon” từ trên mạng internet. Thứ mới nhất ông khoe là chiếc ti-vi Sony 50 inches có tính năng 3D ông mua chỉ với giá 500USD mà vẫn còn trong thời gian bảo hành. Ông kể người bán là một thanh niên sắp chuyển công tác từ Virginia đi California; anh ta đã phải đắn đo lắm khi thấy có tới chục người đến cùng một lúc để “săn” cái ti-vi giá hời ấy trước khi quyết định trao cơ hội ấy cho ông với lý do ông là người nhiều tuổi nhất và đi chiếc xe hơi nhìn lỗi mốt nhất.
Bánh mì và quần áo chỉ là một phần trong cuộc sống. Điều mà người Mỹ lo lắng nhất là dịch vụ y tế. Chương trình Medicaid ngốn hết hơn 295 tỷ USD trong năm ngoái, hỗ trợ cho khoảng 48 triệu người thuộc diện thu nhập thấp.
Ông bảo người Mỹ đa phần không có thói quen vứt đồ đạc của mình đi mà họ hoặc đem đi từ thiện hoặc bán lại cho người cần nó. Triết lý theo ông giải thích thì rất đơn giản: “Cái gì có thể không còn thích hợp với mình vẫn có thể có giá trị đối với người khác”, và những người dùng đồ cũ như ông “chẳng việc gì phải xấu hổ khi mình mua đồ người khác dùng rồi và để số tiền tiết kiệm được làm việc khác, hoặc như tôi là hàng tháng vẫn gửi tiền từ thiện cho nhà thờ thuộc dòng Mormon hoặc một vài tổ chức nhân đạo khác. Hoặc với nhiều người, bày đồ đạc cũ ra sân bán vào dịp cuối tuần không phải là kiếm vài chục USD mà đấy là một thói quen, nhu cầu giao lưu và trao đổi.
Thế nên có hẳn những website chuyên mua bán trao đổi những thứ đã qua sử dụng cho từng lĩnh vực, từ những thiết bị điện tử cao cấp hi-end cho tới những chiếc máy ảnh kỹ thuật số, từ những chiếc đồng hồ cho tới vật dụng thể thao.
Craiglist, một trang web chuyên mua bán đồ cũ lớn nhất nước Mỹ ra đời năm 1996, khi cường quốc kinh tế số 1 thế giới chưa bị “ốm”, thường có khoảng 50 tỷ lượt người xem cùng với khoảng 60 triệu lượt món đồ (đa phần là) cũ được đưa lên mỗi tháng.
Thành thử, xã hội tiêu dùng ở Mỹ còn là một xã hội “hàng thùng”, nơi mà nó là tính cách văn hóa nhưng cũng có thể là sự nghèo hóa ở nước Mỹ.
PHẠM TẤN (THỂ THAO & VĂN HÓA)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét