Tháng 2 5, 2014
Trần Ngọc Cư dịch
Dẫn nhập của người dịch
Dân chủ xã
hội đã được giới thiệu nhiều lần trên talawas và pro&contra, nhưng
phần lớn tập trung vào các mô hình dân chủ xã hội Bắc Âu. Trong tiểu
luận sau đây, Lane Kenworthy phác họa một hành trình chậm rãi nhưng vững
chắc của Hoa Kỳ trên con đường tiến tới một tương lai dân chủ xã hội.
Theo tiên đoán của Kenworthy, tương lai này sẽ nằm ngay trong thế kỷ 21
và “không cực kỳ khác xa hiện tại”, mà chỉ “trở thành một phiên bản tốt
hơn của chính mình hiện nay”.
Nền kinh
tế hậu công nghiệp đặt cơ sở trên công nghệ thông tin và toàn cầu hóa đã
tác động mạnh lên xã hội Mỹ. Việc đưa các cơ sở sản xuất ra nước ngoài
và sự chuyển đổi ráo riết từ một nền kinh tế chế tạo sang kinh tế dịch
vụ đã gây xáo trộn chóng mặt cho giai cấp công nhân, kể cả công nhân da
trắng. Khủng hoảng này đòi hỏi một loạt chương trình xã hội nhằm giúp
giới công nhân điều chỉnh lại nghề nghiệp và tái tham gia nền kinh tế
mới.
Một thuộc
tính khác của kinh tế hậu công nghiệp là tình trạng bất bình đẳng ngày
càng trở nên nghiêm trọng. Kể từ thập niên 1970, lợi tức của một thiểu
số rất nhỏ ở những nấc thang kinh tế cao nhất đã tăng lên nhiều lần,
trong khi lợi tức của giai cấp trung lưu và thấp hơn, nhích lên không
đáng kể. Lời than phiền được nghe nhiều nhất gần đây là, một phần trăm
dân số Hoa Kỳ gồm những người giàu nhất đang nắm trong tay 23 phần trăm
của cải cả nước.
Cuộc nổi
dậy của Phong trào Chiếm phố Wall năm 2012 là một cảnh báo về khả năng
một cuộc xung đột giai cấp và khủng hoảng xã hội có thể diễn ra . Để
chặn đứng khả năng này từ trong trứng nước, dân chủ xã hội sẽ là một
đồng thuận tất yếu giữa cánh Hữu và cánh Tả của chính trị Mỹ.
*
________
Từ tháng Ba 2010, khi Tổng thống Mỹ
Barack Obama phê chuẩn Dự luật Cải tổ Y tế, đạo luật này đã nằm ở vị trí
trung tâm của chính trị Mỹ. Các nhà hoạt động trong phong trào Tiệc
Trà [i]
và các đồng minh của họ trong Đảng Cộng hòa đã cố gắng gần như bằng mọi
cách để ngăn chặn luật này. Hạ viện Mỹ do Đảng Cộng hòa kiểm soát đã
biểu quyết hơn 40 lần nhằm hủy bỏ hay cắt giảm ngân sách thực thi nó, và
tháng Mười vừa qua Hạ viện đã cho phép chính phủ liên bang đóng cửa một
phần trong một toan tính nhằm chặn đứng hay trì hoãn việc thực thi luật
này. Cuộc tranh luận xoay quanh Luật cải tổ Y tế chưa có dấu hiệu sớm
chấm dứt.
Obamacare, như luật này thường được gọi,
là cải tổ hệ thống y tế Hoa Kỳ có ý nghĩa nhất trong nửa thế kỷ nay.
Mục đích của nó là gia tăng số người Mỹ có bảo hiểm y tế, cải tiến phẩm
chất các chương trình bảo hiểm y tế, và làm chậm bớt mức gia tăng các
chi phí y tế. Nhưng cuộc tranh cãi về đạo luật không chỉ giới hạn trong
chính sách y tế, và tính cách gay gắt của cuộc xung đột không chỉ do sự
phân cực đảng phái gây ra. Obamacare đã trở thành chiến trường chính
trong một cuộc chiến đang tiếp diễn giữa phe phóng khoáng (liberals) và
phe bảo thủ (conservatives) về tầm vóc và phạm vi hoạt động của chính
phủ Hoa Kỳ, một tranh chấp có gốc rễ từ cuộc Khủng hoảng Kinh tế
1929-1930 và chính sách New Deal (Tái Phân phối).
Những người phản đối các sáng kiến của
Franklin Roosevelt đã phải im tiếng khi các cải tổ của chính sách New
Deal trở thành định chế dưới thời Truman và Eisenhower, và nhà nước phúc
lợi Hoa Kỳ đã tiến thêm một bước nhảy vọt nữa dưới thời Lyndon Johnson,
mà nghị trình Đại Xã hội (Great Society) của ông đã nới rộng trợ cấp
công cho người nghèo và tạo ra các chương trình bảo hiểm y tế do chính
phủ điều hành, đó là Bảo hiểm y tế cho người nghỉ hưu (Medicare [ii]) và Trợ giúp y tế cho người nghèo (Medicaid [iii]).
Nhưng những thập niên sau đó ít thấy những bổ sung quan trọng, mà còn
gặp phải một số thất bại đáng kể, chẳng hạn thất bại của Tổng thống Bill
Clinton trong nỗ lực cải tổ y tế năm 1994.
Việc thông qua Obamacare đã gây nhiều
tranh cãi, một phần vì nó có vẻ báo hiệu một giai đoạn mới trong xu thế
trực tiếp thay đổi xã hội của chính phủ (government activism), khiến một
số nhân vật bảo thủ chống đối nó như một bước ngoặt khuynh tả có tính
quyết định, không gì lay chuyển được. “Chính vì Luật Cải tổ Y tế thể
hiện giấc mơ dài nửa thế kỷ của phe phóng khoáng”, bình luận gia bảo thủ
Peter Wehner gần đây đã viết trong The Weekly Standard, “nếu
luật này thất bại, đó sẽ là một đòn chí mạng không những đánh vào Barack
Obama mà còn đánh vào bản thân chủ nghĩa phóng khoáng Mỹ (American
liberalism). Vì sao? Vì trong nhiều cung cách Obamacare là hiện thân, là
hình mẫu lý tưởng, của chủ nghĩa phóng khoáng hiện đại. Điều này được
phản ánh trong những yếu tố mang tính cưỡng chế, trong sự tin tưởng cực
kỳ cao độ vào các giải pháp kỹ trị (technocratic solutions), trong tham
vọng tập trung hóa tiến trình làm quyết sách, và trong tín lý cho rằng
chính phủ biết hết mọi điều.”
Những tranh luận cơ hồ báo hiệu ngày tận
thế này phần lớn đã cường điệu quá đáng ý nghĩa thực tế của Obamacare.
Nhưng đồng thời chúng cũng làm lu mờ một thực tế đáng chú ý hơn, đó là
luật cải tổ y tế này tiêu biểu thêm một bước nữa trong cuộc hành trình
lâu dài, chậm chạp, nhưng vững chắc, xa dần nhà nước tư bản phóng khoáng
cổ điển (the classical liberal capitalist state) và hướng tới một phiên
bản dân chủ xã hội đặc thù Mỹ. Khác với Bắc Âu chẳng hạn, nơi mà thể
chế dân chủ xã hội đã được thực thi một cách nghiêm chỉnh và toàn diện
bởi các phong trào chính trị có ý thức rõ ràng mình đang theo đuổi một ý
hệ, tại Hoa Kỳ một mạng lưới an toàn xã hội khiêm nhượng và có tính
cách chắp vá hơn được đan kết lại bởi các nhà chính trị và các nhà kỹ
trị thực tiễn (pragmatic politicians and technocrats) trong khi họ tìm
cách giải quyết từng vấn đề riêng lẻ. Các thế lực hùng hậu sẽ tiếp tục
chống lại những nỗ lực này, và do đó các chính sách bảo hiểm xã hội sẽ
xuất hiện từ từ hơn, ít phổ quát hơn, ít hiệu năng và ít hiệu lực hơn so
với trường hợp không gặp sự chống đối vừa nói. Nhưng những người chống
đối này đang tham dự một trận đánh mà họ nắm phần thua và chỉ có thể làm
chậm lại cũng như làm méo mó kết quả sau cùng chứ không chặn đứng được
nó. Nhờ một sự kết hợp gồm đòi hỏi của đại chúng, yểm trợ hậu cần của
giới kỹ trị, và của cải quốc gia tăng dần lên, dân chủ xã hội là tương
lai của Hoa Kỳ.
CÁC MÔ HÌNH BẮC ÂU
Thể chế dân chủ xã hội phát sinh vào đầu
thế kỷ 20 như một chiến lược để cải thiện chủ nghĩa tư bản chứ không
nhằm thay thế nó. Ngày nay, người ta thường liên hệ thể chế dân chủ xã
hội với các đảng dân chủ xã hội và các chính sách mà những đảng này đã
thiết định được, đặc biệt tại các nước Bắc Âu như Đan Mạch và Thụy Điển.
Trong quá trình nửa thế kỷ tới, một loạt chương trình xã hội được chính
phủ liên bang Hoa Kỳ đưa ra sẽ ngày càng giống những chương trình do
các nước đó đưa ra.
Ngày nay, tiên đoán này có một nội hàm
khác hẳn với nội hàm mà nó có thể gợi ra cách đây chừng một thế hệ, khi
nhãn hiệu “dân chủ xã hội” có nghĩa hạn hẹp là những chính sách giúp
người dân sống qua ngày dễ dàng mà ít dựa vào hoặc khỏi cần dựa vào đồng
lương kiếm được. Trong những thập niên 1960 và 1970, việc thực thi dân
chủ xã hội chủ yếu chỉ là duy trì một mạng lưới an toàn công cộng rộng
lớn. Ngày nay, đó là một quan niệm quá hẹp hòi. Trong những thập niên
gần đây, các nước Bắc Âu đã bổ túc các chương trình xã hội hào phóng của
mình bằng các dịch vụ nhằm tạo công ăn việc làm và gia tăng năng suất:
các chương trình được chính phủ tài trợ như nhà giữ trẻ, trường mầm non,
trung tâm dạy nghề và văn phòng tìm việc, các dự án hạ tầng quan trọng,
và hỗ trợ của chính phủ dành cho việc nghiên cứu và phát triển trong
khu vực tư. Đồng thời, các chính phủ Bắc Âu cũng chấp nhận một đường lối
điều tiết kinh tế thân thiện với thị trường. Mặc dù các chính phủ này
vẫn duy trì các luật lệ bảo vệ công nhân, người tiêu thụ, và môi trường,
nhưng họ quân bình được những biện pháp bảo vệ này với một hệ thống có
khả năng khuyến khích óc kinh doanh và tính linh động bằng cách tạo điều
kiện dễ dàng cho việc mở hay đóng một công ty, việc thuê mướn hay đuổi
nhân viên, và việc điều chỉnh số giờ làm việc.
Đi tiên phong tại những nước Bắc Âu, dân
chủ xã hội hiện đại ngụ ý một sự cam kết sử dụng rộng rãi chính sách
chính phủ để thúc đẩy an ninh kinh tế, mở rộng cơ hội, và đảm bảo mức
sống ngày càng cao cho tất cả mọi người. Nhưng nó thực hiện mục tiêu này
trong khi vẫn đảm bảo tự do kinh tế, tính linh hoạt kinh tế, và tính
năng động thị trường, tất cả những điều này từ lâu vốn là thương hiệu
(hallmarks) của nền kinh tế Hoa Kỳ. Kinh nghiệm của các nước Bắc Âu
chứng minh rằng một chính phủ có thể kết hợp thành công tính linh hoạt
kinh tế với an ninh kinh tế và nuôi dưỡng công bằng xã hội mà không gây
trở ngại cho việc cạnh tranh. Dân chủ xã hội hiện đại cống hiến những
điều tốt đẹp nhất của hai thế giới.
Tuy nhiên, những người quan niệm rằng
Hoa Kỳ có thể gia tăng hơn nữa tầm cỡ và phạm vi hoạt động của nhà nước
phúc lợi có lẽ đã không nhận ra thực tế của chính trị Mỹ đương đại.
Nhưng ta thử lùi lại một bước để cân nhắc con đường về lâu về dài. Bài
học của một trăm năm qua cho thấy rằng, khi Hoa Kỳ càng giàu có hơn,
người Mỹ lại càng muốn chi tiêu thêm ngân sách để tạo bảo hiểm chống lại
rủi ro kinh tế và gia tăng công bằng xã hội. Những tiến bộ trong chính
sách xã hội chỉ có thể đến từng đợt thất thường, nhưng chúng vẫn thực sự
diễn ra. Và một khi chúng đến, chúng thường tồn tại lâu dài.
Xu thế này có thể sẽ tiếp diễn. Các nhà
làm chính sách Hoa Kỳ sẽ nhận ra lợi ích của một vai trò chính phủ rộng
lớn hơn trong việc theo đuổi an ninh kinh tế, cơ hội đồng đều, và mức
sống ngày càng đi lên và sẽ cố gắng đưa nước Mỹ đi theo chiều hướng đó.
Thông thường, họ sẽ thất bại. Nhưng đôi khi, họ sẽ thành công. Tiến bộ
sẽ gia tăng, dù xảy đến từng đợt thất thường, như từng diễn ra trong quá
khứ. Các chương trình mới và các dạng triển khai những chương trình
hiện có thường sẽ tồn tại lâu dài, vì những chương trình hoạt động tốt
sẽ trở nên thịnh hành và vì tiến trình hoạch định chính sách của Hoa Kỳ
thường làm cho những kẻ chống đối các chương trình xã hội khó có thể
tháo dỡ chúng. Những bước ngắn và thỉnh thoảng có bước nhảy vọt dài,
cộng với những bước thụt lùi có giới hạn, sẽ mang lại một kết quả tích
lũy làm gia tăng đáng kể diện rộng và tính hào phóng của những chương
trình xã hội do chính phủ điều hành.
Đây không phải là một tiên đoán về thời
điểm hay các điều kiện theo đó các tiến bộ chính sách cụ thể sẽ diễn ra.
Đây chỉ là một giả thuyết về một tiến trình mang tính xác suất (a
probabilistic process). Về lâu về dài, thỉnh thoảng chính phủ sẽ tạo
thêm các chương trình mới và mở rộng các chương trình hiện có, và những
chương trình mới và những dạng triển khai này chắc chắn sẽ không bị đảo
ngược.
NHỮNG BẤT CẬP
Để hiểu lý do tại sao Hoa Kỳ đang ở trên
đường tiến tới dân chủ xã hội, ta phải nhìn nhận thực tế là, mặc dù Mỹ
là một nước giàu – và trong nửa thế kỷ tới, nước này thậm chí sẽ còn
giàu hơn nữa – nhưng nó vẫn chịu những suy yếu kinh tế nghiêm trọng. Đây
là những vấn đề tiềm ẩn; mặc dù những vấn đề này đã trở nên tồi tệ thêm
do cuộc Đại Suy thoái vừa qua và do kinh tế phục hồi yếu ớt, nhưng
chúng vốn đã tồn tại trước khi nước Mỹ gặp phải những khó khăn kinh tế
gần đây.
Một là, Hoa Kỳ không đảm bảo đủ an ninh
kinh tế cho người dân của mình. Quá nhiều người Mỹ có lợi tức thấp đến
nỗi họ phải phấn đấu rất chật vật mới đủ sống qua ngày: 25 triệu hộ gia
đình ở đáy thang lợi tức, chiếm một phần năm dân số, chỉ có lợi tức
trung bình là 18.000 USD một năm. Quá nhiều người Mỹ đang trải qua những
sút giảm lợi tức to lớn: mỗi năm, khoảng một phần bảy số hộ gia đình
tại Hoa Kỳ bị giảm sút từ 25 phần trăm lợi tức hàng năm hay nhiều hơn.
Quá nhiều người Mỹ không có bảo hiểm y tế: ngay cả khi Obamacare được
thực thi đầy đủ, vẫn còn từ năm đến mười phần trăm công dân Hoa Kỳ không
có bảo hiểm, một con số cao hơn khá xa so với bất cứ quốc gia giàu có
nào khác. Sau cùng, quá nhiều người Mỹ gần đến tuổi nghỉ hưu mà tiền
dành dụm thì ít ỏi và lương hưu thiếu hụt: tiền tiết kiệm hộ gia đình
trung bình, như một phần lợi tức hộ gia đình có thể tiêu xài được, đã
rơi từ mười phần trăm trong thập niên 1970 xuống chỉ còn ba phần trăm
trong thập niên đầu thế kỷ này; mặc dù một số công ty có kế hoạch hưu
trí với số tiền nhân viên đóng góp được qui định rõ ràng, nhưng nhiều
người đã đóng góp rất ít hoặc rút tiền ra quá sớm, và vụ vỡ bong bóng
địa ốc vừa qua đã xóa sạch cái tài sản duy nhất của nhiều chủ nhà trung
lưu.
Hai là, nước Mỹ không giữ được lời hứa
về cơ hội đồng đều. Hầu hết phụ nữ và nhiều người Mỹ gốc châu Phi hiện
nay có cơ may tốt đẹp hơn trước nhiều để theo đuổi một trình độ giáo dục
cao và thành công trong thị trường lao động so với các bậc cha anh của
mình một thế hệ trước đây. Nhưng câu chuyện về người Mỹ lớn lên trong
cảnh nghèo nghe ra không được phấn khởi bao nhiêu. Trong số những nước
giàu với dữ liệu thống kê đầy đủ, Hoa Kỳ ở vào một trong những nấc thấp
nhất về sự thăng tiến lợi tức từ thế hệ này sang thế hệ khác. Một người
Mỹ sinh ra trong một gia đình thuộc một phần năm dân số ở đáy thang lợi
tức trong giai đoạn từ giữa thập niên 1960 đến giữa thập niên 1980 có
khoảng 30 phần trăm cơ may vươn tới một phần năm dân số thuộc giai cấp
trung lưu hay cao hơn khi đến tuổi trưởng thành; trong khi đó, một người
Mỹ sinh ra trong một phần năm dân số ở các nấc thang lợi tức cao nhất
có khoảng 80 phần trăm cơ may gia nhập một phần năm dân số thuộc giai
cấp trung lưu hay cao hơn. Ngoài ra, những thập niên gần đây đã chứng
kiến những gia tăng lớn trong khoảng cách giữa điểm thi và tỉ lệ tốt
nghiệp đại học của con cái những gia đình có lợi tức thấp và con cái
những gia đình có lợi tức cao, và khoảng cách này có khả năng sẽ phản
ánh trong doanh lợi hay thu nhập của họ khi đến tuổi trưởng thành.
Ba là, quá ít người Mỹ được chia sẻ sự
phồn vinh mà nước họ đã hưởng trong những thập kỷ gần đây. Trong một xã
hội tốt đẹp, những thành phần ở giữa và ở đáy thang lợi tức phải được
hưởng lợi lộc đáng kể từ tăng trưởng kinh tế quốc gia. Khi đất nước
thịnh vượng, thì mọi người phải được phồn vinh. Nhưng từ thập niên 1970,
mặc dù kinh tế tăng trưởng vững chắc, nhưng thu nhập của những hộ gia
đình trung lưu và thấp hơn đã tăng lên rất chậm so với những hộ gia đình
thuộc giai cấp thượng lưu. Theo những ước tính mà Văn phòng Ngân sách
Quốc hội [một cơ quan độc lập không đảng phái] đưa ra để giải thích mức
lạm phát, mức thu nhập trung bình của các hộ gia đình thuộc một phần
trăm dân số ở chóp bu đã bay bổng từ 350.000 USD năm 1979 lên 1,3 triệu
USD năm 2007. Đối với 60 phần trăm dân số ở phía đáy, mức tăng lợi tức
hoàn toàn khiêm nhượng: từ 30.000 USD lên 37.000 USD [trong khoảng thời
gian 30 năm vừa nói].
Những bất cập này một phần do các thay
đổi trong kinh tế toàn cầu gây ra, đặc biệt là sự cạnh tranh ngày càng
gia tăng mà các hãng của Hoa Kỳ phải đối diện. Các công ty Mỹ bán hàng
hóa hay dịch vụ trên thị trường quốc tế đang đối đầu với những địch thủ
nước ngoài có khả năng hơn trước rất nhiều. Các công nghiệp trong nước
cũng gặp nhiều cạnh tranh với nhau hơn, khi những tiến bộ công nghệ, giá
xây cất và chuyên chở rẻ hơn, và việc nới lỏng các luật lệ điều tiết
kinh tế hạ thấp những rào cản đối với việc tham gia thị trường. Hơn nữa,
các cổ đông ngày nay muốn giá trị cổ phần tăng nhanh. Trong khi một thế
hệ trước đây, người đầu tư vào một công ty có thể hài lòng vì được trả
tiền lời đều đặn và giá cổ phần của công ty tăng lên phần nào trong dài
hạn, thì ngày nay họ đòi hỏi lợi nhuận tăng lên từng quí [ba tháng một]
và giá cổ phần thường xuyên tăng trưởng.
Những thay đổi này có lợi cho người đầu
tư, người tiêu thụ và một số nhân viên. Nhưng chúng khuyến khích các
công ty chống lại việc tăng lương, bỏ các chương trình bảo hiểm y tế,
cắt giảm tiền đóng góp vào quĩ hưu của nhân viên, di dời ra nước ngoài,
cắt giảm nhân sự, và thay thế nhân viên thường trực bằng nhân viên tạm
thời – hay bằng máy điện toán. Những chiến lược cắt giảm chi phí như thế
rốt cuộc làm suy yếu an ninh kinh tế, hạn chế cơ hội đối với giới lao
động thiếu kỹ năng, và giảm mức tăng trưởng lợi tức đối với nhiều người
Mỹ bình thường – những xu thế này chắc chắn còn tiếp tục đi vào một
tương lai có thể thấy trước. Trong những thập niên tới, một số người Mỹ
đông đảo hơn sẽ mất việc, sẽ làm việc qua những thời gian dài mà không
được tăng lương, sẽ làm việc bán thời gian hay vào những giờ giấc thất
thường, sẽ không có chương trình hưu trí do công ty bảo trợ hay bảo hiểm
y tế.
Một số người cho rằng phương cách hay
nhất để đối phó những sức ép và căng thẳng của nền kinh tế mới là củng
cố gia đình, các tổ chức công dân, và các công đoàn. Đó là những tiêu
chí đáng ca ngợi. Nhưng trong nửa thế kỷ qua những định chế này liên tục
trở nên suy yếu. Mặc dù những người chủ trương mang lại sức sống cho
chúng đưa ra nhiều hi vọng, nhưng họ cho thấy quá ít bằng chứng về sự
thành công.
Một thế lực chính trị tạiWashingtonủng
hộ một giải pháp khác: thu nhỏ vai trò của chính phủ liên bang. Theo
quan điểm này, giảm thuế và giảm chi tiêu của chính phủ sẽ cải tiến hiệu
năng, hạn chế lãng phí, và gia tăng các phần thưởng khuyến khích đầu
tư, kinh doanh, và sự hăng hái làm việc, do đó dẫn đến tăng trưởng kinh
tế nhanh chóng hơn. Nhưng đường lối này đặt cơ sở trên ý niệm sai lầm là
sự lớn mạnh của chính phủ sẽ hạn chế sự tăng trưởng của khu vực tư. Qua
quá trình một thế kỷ nay, Hoa Kỳ đã từng bước nới rộng chi tiêu của
chính phủ, từ 12 phần trăm GDP năm 1920 đến 37 phần trăm năm 2007. Suốt
gian đoạn này, đà tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ vẫn bền vững rất ngoạn
mục. Các bằng chứng khác từ nước ngoài cũng cho thấy: trong số những
nước giàu, những nước mà thuế và chi tiêu chính phủ đều cao có xu thế
tăng trưởng nhanh chóng y hệt như những nước mà chính phủ đóng vai trò
nhỏ bé hơn. Hơn nữa, thậm chí nếu việc giảm thuế và giảm chi tiêu của
liên bang có thực sự đưa đến tăng trưởng nhanh hơn chăng nữa, thì lịch
sử của mấy thập niên qua vẫn cho thấy rằng sự tăng trưởng ấy không mang
lại lợi ích bao nhiêu cho người Mỹ trung lưu hay giai cấp kinh tế thấp
hơn.
Một phản ứng khả thể khác đối với tình
trạng này là nhe răng cười chịu đựng. Theo quan điểm này, gần như không
ai có thể làm được gì để cải thiện những hậu quả xấu của nền kinh tế
hiện đại, vì thế hành động khôn ngoan nhất của người Mỹ bình thường là
phải điều chỉnh những kỳ vọng của mình cho phù hợp với thực tế để tiếp
tục sống. Nhưng Hoa Kỳ có thể làm một cái gì tốt đẹp hơn thế – và đường
lối tốt đẹp nhất để đối phó những bất cập kinh tế-xã hội của nước này là
nới rộng bảo hiểm công.
(Còn 1 kì)
LANE KENWORTHY là giáo sư Xã hội học và Chính
trị học tại Đại học Arizona. Bài tiểu luận này dựa vào tác phẩm gần đây
nhất của ông, Social Democratic America [Nước Mỹ dân chủ xã hội] (Oxford
Unversity Press, 2014).
Nguồn: “America’s Social Democratic Future – The Arc of Policy Is Long But Bends Toward Justice”, Foreign Affairs Jan/Feb 2014
Bản tiếng Việt © 2014 Trần Ngọc Cư & pro&contra
[i]Phong
trào Tiệc Trà (the Tea Party movement): một phong trào chính trị Mỹ chủ
trương giảm nợ quốc gia và thâm thủng ngân sách liên bang bằng cách
giảm chi tiêu của chính phủ và giảm thuế. Danh xưng có xuất xứ từ một
biến cố lịch sử được gọi là Tiệc trà Boston (the Boston Tea Party) diễn
ra năm 1773 khi một số dân thuộc địa tổ chức đổ trà từ một thuyền buôn
Anh xuống sông Boston như một hành động chống lại việc Đế quốc Anh đánh
thuế lên các thuộc địa Bắc Mỹ trong khi họ không được đại diện tại Nghị
viện Anh (taxation without representation). Đây là một phong trào vừa
dân túy, vừa bảo thủ, vừa bênh vực các tự do dân sự chống lại các áp đặt
của chính phủ.
[ii]Medicare:
một chương trình bảo hiểm xã hội quốc gia, được chính phủ liên bang Mỹ
quản trị từ năm 1966, nhằm cung cấp bảo hiểm y tế cho những người Mỹ ở
tuổi 65 hoặc già hơn, trước đó đã làm việc và trả phí vào hệ thống này.
[iii]Medicaid: một chương trình y tế xã hội cho các gia đình hoặc cá nhân có lợi tức thấp và nguồn lực yếu kém
Posted in: Chính Trị
Gửi email bài đăng này
BlogThis!
Chia sẻ lên Facebook
0 nhận xét:
Đăng nhận xét