Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014

Vai trò của triết học với công cuộc hiện đại hoá

Triết học, như là tư duy phản tỉnh cao độ, đã và sẽ đóng góp gì vào tiến trình hiện đại hoá văn hoá?
Hiện đại hoá và sự hình thành thời hiện đại khởi đầu ở phương Tây, rồi dần dần lan toả khắp thế giới. Là một bộ phận cơ bản của tiến trình ấy, triết học Tây phương nghiễm nhiên có vai trò đặc biệt cần khảo sát. Nhìn thật khái quát, không thể không thấy rằng triết học, trong lịch sử của nó, đã tham gia vừa tích cực, vừa tiêu cực vào công cuộc hiện đại hoá văn hoá.
Khoa học và khai minh
Hình ảnh Plato, người cha đỡ đầu cho mọi thứ “triết học – hệ thống” về sau, trong tranh Raphael.
Với sự ra đời của triết học cổ đại Hy Lạp, tính chất phản tỉnh của văn hoá lập tức có được một chất lượng mới, đó là vượt qua những hình thức phản tỉnh tiền – hiện đại dựa vào tư duy thần thoại. Với khoảng cách thời gian tương đối ngắn, triết học đã đạt được hai thành tựu quan trọng, hay nói khác đi, đã đồng thời trình diện cả hai khuôn mặt. Một bên là tư duy tư biện về giới tự nhiên (tức là hình thức đầu tiên của “khoa học”), và bên kia là sự phê phán văn hoá của những nhà biện sĩ (hay hình thức đầu tiên của sự “khai minh”). Cả hai đều bắt nguồn từ sự phản tỉnh nói trên. Khi giới tự nhiên (tức không phải văn hoá) được giải phóng khỏi bối cảnh cuộc sống còn tràn ngập tính thần thoại, nó sẽ trở thành một đối tượng khách quan, mà con người có thể tìm hiểu, khảo sát bằng lý thuyết thuần tuý.
Trong khi đó, văn hoá (tức không phải tự nhiên), một khi cũng đã bị lột bỏ lớp áo thần thoại, sẽ nhanh chóng trở thành lĩnh vực mênh mông cho hoạt động tự do của con người. Thế là, trong cả hai lĩnh vực (tự nhiên và văn hoá), quyền lực của thần thoại đã bị bẻ gãy. Điều này cũng có nghĩa: ngay từ đầu, triết học đã xuất hiện trên vũ đài một cách phi – tập trung hoá. Theo đó, triết học phân thành hai loại “diễn ngôn” khác nhau cơ bản: diễn ngôn khoa học – tư biện (lý thuyết) và diễn ngôn phê phán văn hoá gồm đạo đức, chính trị, xã hội (thực hành). Trong mỗi loại diễn ngôn, có rất nhiều ý kiến, quan niệm khác nhau, đa nguyên và đa thanh. Nó khác hẳn với tư duy thần thoại: tuy thần thoại có rất nhiều… thần, nhưng đều tập trung thống nhất trong một “thần hệ” Hy Lạp duy nhất!
Plato xuất hiện như một phản động lực! Với hùng tâm tráng chí của một bậc đại triết gia, Plato tìm cách vãn hồi trật tự. Ông muốn tái hợp nhất hai loại diễn ngôn nói trên thành một toàn khối. Trước hết, tư duy lý thuyết, tư biện về tự nhiên của các triết gia trước Socrates đã bị các biện sĩ đả kích và chế nhạo. Plato tìm cách khôi phục lại, nhưng đổi mới và nâng cấp: thay vì tư biện về giới tự nhiên trần trụi, khả giác theo kiểu cổ nhân, ông đề ra một thế giới siêu – tự nhiên làm nền tảng bất biến và vĩnh hằng, gọi là thế giới của những “ý niệm” hay “linh tượng”, mà so với nó, thế giới khả giác chỉ là bản sao mờ nhạt và vô thường. Plato không tư biện suông, mà chủ yếu nhắm đến mục đích thực hành và phê phán văn hoá.
Thật thế, những câu hỏi về nhân sinh (thế nào là cuộc sống tốt đẹp, thiện hảo?) được thầy của ông là Socrates cố tình bỏ lửng và để mở trong hình thức các nan đề, nay cần có đáp án chung quyết. Plato là người ưu thời mẫn thế. Ông không thể yên tâm khi cái chân và cái thiện bị phó mặc cho sự mạnh được yếu thua và tư kiến tuỳ tiện và đa tạp của con người. Cần đặt cho chúng một cơ sở thật vững chắc làm trung tâm, tuy vượt ra khỏi tầm với của con người, nhưng con người có thể “chiêm ngưỡng” được, nếu biết tu dưỡng và rèn luyện trí tuệ theo sự chỉ đạo của triết học ông!
Nhưng, cao đồ của Plato là Aristoteles lại cho ta một hình ảnh khác. Aristoteles, với những luận cứ nổi tiếng và đến nay vẫn còn tính thời sự, bảo vệ tính đa dạng và phi – tập trung hoá nội tại của triết học, nhất là về sự tự trị và khác biệt giữa triết học lý thuyết và triết học thực hành (xin đừng quên rằng, mãi cho đến thế kỷ 18, triết học có nghĩa rất rộng, hầu như bao trùm hầu hết mọi lĩnh vực tri thức của con người).
Có thể nói, vào thời kỳ cao điểm của triết học cổ đại, triết học Plato là sự phản kháng đầu tiên chống lại xu hướng phi – tập trung hoá của văn hoá, và bản thân Plato là người cha đỡ đầu cho mọi thứ “triết học – hệ thống” về sau. Aristoteles, tuy cũng có óc hệ thống cao độ, nhưng “thoáng” hơn, và đối với nhân sinh, có cái nhìn thanh thản, nhẹ nhàng, cận nhân tình hơn vị tôn sư của mình.
Một hằng số?
Phi – tập trung hoá theo hướng hiện đại và xu hướng ngược lại là tập trung hoá, nhất thể hoá là cuộc đấu tranh giằng co tưởng như một hằng số trong suốt lịch sử triết học Tây phương. Lướt thật nhanh, ta thử kiểm chứng nhận xét ấy.
Khi bản thân cũng được phi tập – trung hoá, triết học tất yếu tự đánh mất vị trí và vai trò trung tâm của mình giữa lòng các ngành khoa học.
Sau Aristoteles, vào hậu kỳ thời cổ đại, là cả một giai đoạn rất đa dạng, phong phú của nhiều viễn tượng triết học khác nhau, nào là phái hoài nghi, phái khắc kỷ v.v., trước khi xu hướng nhất thể hoá lại thắng thế với tham vọng hợp nhất và xây dựng một “khoa học Kitô giáo” bao trùm và thống lĩnh tất cả, suốt thời trung cổ.
Tiếp sau đó vào thịnh kỳ trung cổ, bắt đầu tiến trình phân biệt giữa triết học và thần học, từng bước dẫn đến sự tự trị của triết học như là điều kiện căn bản cho sự khai sinh rực rỡ của nền triết học và khoa học cận đại Âu châu, với công đầu thuộc về R. Descartes bất hủ. Chính trong hình thái tự trị ấy, bản thân triết học sẽ trở thành động lực thúc đẩy và mang lại thắng lợi quyết định cho cao trào hiện đại hoá văn hoá mà về sau được mang danh hiệu lẫy lừng là phong trào khai minh.
Phượng hoàng và đống tro tàn
Do bản tính và bản lĩnh phản tỉnh của mình, triết học không chỉ đồng hành mà còn xung phong làm bà đỡ cho tiến trình hiện đại hoá văn hoá không thể đảo ngược. Nhưng, thật là oái oăm, khi bản thân cũng được phi tập – trung hoá, triết học tất yếu tự đánh mất vị trí và vai trò trung tâm của mình giữa lòng các ngành khoa học. Triết học đã phải trả một giá rất đắt. Immanuel Kant so sánh triết học đương thời với một bà mệnh phụ đang than thở vì bị bỏ rơi, như nhân vật Hercuba của thi hào La Mã Ovid: “Mới vừa là nhân vật trung tâm đầy quyền uy với đông đảo con cái chung quanh, nay ta lại bơ vơ, bất lực, bị lưu đày ra khỏi quê hương!”
Triết học hiện đại có hy vọng trỗi dậy như con phượng hoàng trên đống tro tàn hay không, điều ấy, như ta sẽ thấy, lại tiếp tục tuỳ thuộc vào chính bản tính và bản lĩnh phản tỉnh toàn diện của chính mình.
BÙI VĂN NAM SƠM (SÀI GÒN TIẾP THỊ)

0 nhận xét:

Đăng nhận xét