Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014
Nếu có kiếp sau thì kiếp này phải sống thế nào?
17:34
Hoàng Phong Nhã
No comments
Càng thời gian gần đây, càng rộ
lên chuyện có những hiện tượng “tái sinh” và có nhiều trường hợp khoa
học cũng bất lực không thể giải thích! Dưới đây là cuộc đối thoại giữa
nhà báo Nguyễn Như Phong (báo Năng lượng Mới) và Hòa thượng Thích Trí
Quảng về vấn đề này.
Làm thế nào hết khổ?
Nguyễn Như Phong: Trong
“Tứ diệu đế” có nói về Diệt khổ và con đường để Diệt khổ. Hòa thượng có
cho rằng Diệt khổ là rất khó khăn không? Nhất là đối với những người đã
“si” lại “tham”.
Hòa thượng Thích Trí Quảng:
“Tứ diệu đế” là một chân lý, một lẽ sống dành cho tất cả mọi người chứ
không chỉ dành riêng cho Phật giáo và mọi người nên tìm hiểu. Phẩm thứ
nhất “Khổ đế” trong “Tứ diệu đế” mà đức Phật dạy mình là phải biết nhìn
thật vào trong cuộc sống. Nhìn thật vào trong cuộc sống thì ta sẽ thấy
khổ hay là không khổ. Không khổ là thực, còn khổ là ảo. Chính mình tạo
ra ảo giác mà mình rơi vào cái khổ. Do ảo giác và tham vọng mà đẩy mình
vô cái khổ hiện tại chứ cuộc sống này không khổ. Khi theo đạo Phật tôi
thấy cuộc sống này an lạc, cho dù trong lúc khổ nhất tôi cũng thấy an
lạc. Đấy Niết bàn hay Diệt đế trong đạo Phật là ở chỗ đó. Khi mình kiềm
chế được tham vọng thì mình an lạc.
Trong những lúc rơi vào tình trạng đối
mặt với sống và chết thì trong lòng tôi không tham sống nữa thì tôi vẫn
thấy an lạc. Tôi còn nhớ năm 1963 tôi bị bắt giam. Trong nhà biệt giam,
tôi ngồi một mình, tôi tập thiền ngay trong khám nên tôi tìm thấy an
lạc. Tôi nghĩ bây giờ chuyện sống chết đối với mình không cần thiết nữa.
Khi chưa bị bắt thì mình ở ngoài làm việc này làm việc nọ với tổ chức,
còn khi ngồi đây thì không thể làm gì được, đó là sự thật tôi nhìn nhận
được nên tâm hồn tôi thanh thản. Và tôi nhận ra đây là Niết bàn, là Diệt
đế tức là thấy Niết bàn ngay trong lúc cùng cực nhất của cuộc sống.
Mình có trí tuệ để quyết định cuộc sống mình và không có tham vọng chen
vô thì trong hoàn cảnh nào mình cũng an lạc. Vì vậy mà đức Phật dạy mình
đầu tiên là quan sát cái khổ trước. Cuộc đời này không khổ. Khổ là do
tham vọng sinh ra, nên đức Phật khuyên mình nên diệt nguyên nhân đi thì
quả không còn. Từ ý đó mà các thầy tu thường không có tiền bạc mà vẫn
thấy Niết bàn vì tâm đã đoạn diệt được tham.
Một anh làm ăn thất bại đến chùa cầu lạy
xin giúp đỡ. Tôi nói thẳng đây là nguyên nhân sai lầm từ đầu của anh.
Anh thiếu trí tuệ mà anh đi theo tham vọng quá mức nên anh quyết định
không đúng, vì vậy anh thất bại và vỡ nợ mà không cách nào trả được. Anh
đến anh cầu xin Phật trả nợ là hoàn toàn không thể nào có được. Nếu như
ngay từ đầu mà anh không có quyết định sai lầm, không dấn thân vào cái
sai này thì hậu quả không có. Anh phải nhìn nhận thực tế này mà tìm cách
giải quyết và thực tế nhất là phải có trí tuệ để giải quyết vấn đề này.
Nhưng mình không có trí tuệ thì mình phải tìm thầy có trí tuệ hơn mình
để mà giải đáp cho mình và mình nói thật lòng hết tất cả những niềm sầu
nỗi khổ đó.
Cũng nhiều khi có người không may gặp
phải người xấu, họ bắt phải cúng này cúng nọ thì còn bị mất tiền thêm
lần nữa. Từ sai lầm này dẫn đến sai lầm khác nên việc đi cúng đi cầu
nhiều chưa hẳn là tốt. Khi gặp một bậc minh triết thì người ta sẽ chỉ
ra rằng, nên dừng lại mà nhìn vào thực tế. Từ đó dùng trí tuệ mình mà
tháo gỡ. Cái nào nên tiếp tục làm và cái nào nên dừng lại. Trong Phật
giáo thì trí tuệ là phải thấy thực tế và theo thực tế thì mình sẽ sống
yên ổn.
“Nhân” kiếp này, “quả” kiếp sau
Nguyễn Như Phong: Gần
đây, báo chí có phản ánh một số hiện tượng trẻ mới sinh lại nhớ những
chuyện kiếp trước, chuyện tái sinh. Hòa thượng nghĩ thế nào về chuyện
này? Hòa thượng có tin vào kiếp sau không? Và nếu thực có kiếp sau thì
kiếp này mình nên thế nào? Cầu cúng liệu có ích gì không?
Hòa thượng Thích Trí Quảng: Tôi tin vào kiếp sau và cũng tin vào sự tái sinh.
Nói chút chuyện bản thân tôi nhé. Bố mẹ
tôi hiếm con. Ông nội tôi đi chùa cầu khấn. Sư thầy trụ trì bảo về nhà
thờ Phật và tụng kinh Phổ môn thì sinh ra con hiền lành và thông minh.
Thế là ông cụ về thờ Phật và bắt cha mẹ tôi tụng kinh như lời thầy dạy.
Tôi còn nhớ khi tôi 12 tuổi, bấy giờ nhà tôi có một ông chú tụng kinh
niệm Phật. Có một điều lạ là, khi tôi nghe ông tụng thì tôi đã cảm thấy
quen thuộc. Và khi ông tụng xong thì tôi cũng đã thuộc như có tự bao
giờ. Ông chú tôi bảo, tôi có căn tu thế là gia đình cho tôi xuất gia năm
12 tuổi. Tôi nghĩ là kiếp trước mình đã tu rồi cho nên đời này sinh trở
lại. Vì vậy, với kinh Phật tôi học rất là nhanh thuộc, trong chùa không
ai học nhanh bằng tôi cả.
Tôi nhớ, khi mới vô chùa được một tháng
thì tất cả các bài kinh mà các thầy tụng ở trong chùa tôi đã thuộc hết.
Tôi đi tu vậy có khi cả chục năm tôi không về nhà, nhưng cũng chẳng thấy
nhớ. Tôi thấy đời sống trong chùa thân thuộc, gần gũi lắm. Từ đó tôi
tin kiếp trước mình tu rồi nên tái sinh, may mắn lại được đi tu nữa. Sau
đọc thêm sách thấy vị Lạt Ma này tái sinh, Lạt Ma khác tái sinh thì
đương nhiên cũng có một số thật, một số giả.
Thật là ở chỗ, có vị đời trước đi tu rồi
kiếp sau tái sinh thừa hưởng công đức tu kiếp trước. Tức là cái tâm tu
hành của mình có sẵn rồi, nên cái việc làm của mình ở trong chùa dễ dàng
hơn. Còn những người khác họ mới đi tu lần này thôi nên nếp sống bên
ngoài còn nhiều. Tuy họ vào chùa tu nhưng thật tâm họ không có, đến một
lúc nào đó họ cũng hoàn tục.
Nguyễn Như Phong: Nếu
có sự tái sinh, có kiếp sau, thì trong Bát thức của giáo lý nhà Phật,
Thức thứ 7 và thứ 8 là quan trọng nhất. Bởi nó đưa người ta tái sinh
vào kiếp sau. Trong cuộc sống hiện đại và lại xô bồ, gấp gáp thế này,
Hòa thượng thấy làm thế nào để có Thức thứ 8 thật tốt?
Hòa thượng Thích Trí Quảng:
Thức thứ 8 còn gọi là A lại da thức hay gọi là tiềm thức. Tiềm thức
chứa đựng tất cả những hạt nhân trong quá khứ dù là quá khứ gần hay quá
khứ xa nhiều kiếp về trước. Tôi có quan niệm trong tiềm thức của mình
nó chứa đựng những hạt nhân tu hành nhiều kiếp trước. Tái sinh trong
cuộc đời này, tôi cũng như bao nhiêu bọn trẻ. Nhưng mà tôi có cái suy
nghĩ không giống với những đứa trẻ khác mà suy nghĩ đó nó tiềm ẩn Phật
pháp bên trong. Theo thời gian, sự nhận biết này lớn dần và sáng thêm
ra. Cái này trong tiềm thức của mình nó hiện ra cho nên ở trong duy thức
học. Thức này mách bảo rằng, khi mình chết thì đầu tiên các giác quan ở
ngoài chết trước. Lúc ấy, mình không thấy không nghe được vì nó gom về
Thức thứ 7 là Mạt na thức.
Rồi từ Thức thứ 7 này nó lại đưa qua
Thức thứ 8 và nó nằm đó, như đưa vào một cái kho chứa đựng hết tất cả
những cái mà trong đời mình đã làm. Chính vì đó mà nó tạo thêm một linh
hồn. Thức tức là tiềm thức, nói dễ hiểu là như một linh hồn. Linh hồn đó
thoát khỏi xác này nó sẽ tìm tới một chỗ thích hợp với nó. Người đi tu
thì hằng ngày họ tụng kinh niệm Phật thành một tập quán. Sâu trong tiềm
thức thì linh hồn của họ cũng theo tập quán này nó lại trở về chùa.
Trong lúc trở về chùa nó vẫn nhận ra được kiếp trước của mình. Cho nên
tất cả những người bạn bè cùng đi chùa vẫn nhận ra nhau nhưng chỉ có
điều không nói chuyện được với nhau. Người chết thấy được người sống
nhưng người sống không thấy được người chết. Nhưng nếu người sống có một
đời sống về tinh thần thì cảm nhận được cái điều đó. Đó là những nhà
ngoại cảm.
Hai cái đó người ta gọi là thần giao
cách cảm có thể gặp được nhau. Gặp nhau thì cái thần thức này có thể
theo về nhà, nó về nhà thì nó coi như đây là bạn cho nên nó có thể sinh
vô nhà đó. Nó là con cháu trong cái nhà đó. Cho nên tất cả những cái mà
Phật gọi là nghiệp dẫn, thì nghiệp dẫn tức là ở trong đời mình có những
cái thiện nghiệp hay người bạn tốt thì thường mình theo cái nghiệp thiện
này và sinh vô cái nhà hiền lành hơn, tốt hơn. Còn khi mình có cái ác
nghiệp thì chính cái ác nghiệp đó dẫn mình sinh ra trong chỗ có nhiều
oan trái hơn. Đúng theo duy thức học, thì Thức thứ 8 là “đi thì nó đi
sau, tới thì nó tới trước”. Khi mình chết thì tất cả các thức khác mất
hết rồi thì cái thần A lại da thức đi sau cùng. Tới thì nó tới trước,
trước khi các thức khác có thì cái A lại da thức có trước. Nên từ trong
tiềm thức thì dần dần nó hiện ra và mình nhớ được những cái trước.
Cho nên cuộc sống càng hiện đại, nhịp
sống càng gấp gáp, vật chất càng dư thừa thì con người càng phải biết
kiềm chế. Tránh đòi hỏi quá đáng về vật chất, hạn chế lòng tham. Giàu có
thì biết bao nhiêu cho đủ? Đừng thấy việc ác nhỏ như giọt nước mà nhắm
mắt làm bừa. Giọt nước tuy nhỏ nhưng làm đầy bát lớn. Và tất cả việc
thiện hay việc ác mình đã làm thì đó là là nhân của kiếp này, tạo nên
quả ở kiếp sau.
Thà ăn mặn nói ngay, còn hơn ăn chay nói dối!
Nguyễn Như Phong: Gần
đây, ăn chay đã trở thành phong trào. Nhiều chùa, khi làm lễ đều nấu cỗ
chay. Điều đáng bàn là chùa lại làm các món chay giả cá, thịt, giò chả…
Trong khi đó, Phật dạy không được nói dối. Vậy ăn chay như thế, phỏng
có ích gì? Thà “ăn mặn nói ngay, còn hơn ăn chay nói dối”?
Hòa thượng Thích Trí Quảng:
Tôi không đồng tình trong chuyện nấu cỗ chay mà làm giả các món mặn.
Nhưng tôi đồng tình ở mặt khác, việc khác. Ăn chay là nhắm vô rau quả,
không ăn thịt, cá đây là đi theo lời Phật dạy. Nghĩa là không ăn mạng
sống của chúng sinh. Tuy nhiên, đức Phật không hẳn là cấm vậy đâu. Chính
là cấm sát sinh thôi chứ không phải là cấm ăn cá, thịt một cách tuyệt
đối. Ngày xưa, có những thầy đi tu ở những vùng không có thức ăn chay,
nên phải ăn thịt để sống. Và được ăn cái gọi là ngũ tịnh nhục – là thịt
nhưng được coi là thịt thanh tịnh.
Hiểu thế này: Một con vật nó bị một con
vật khác giết chết đi, nó ăn còn dư lại thì các thầy được lượm về ăn
coi như là không phải bị tội. Hay là trường hợp, tôi tới nhà anh, anh
bày món cho tôi ăn trong đó là đồ mặn, tôi vẫn ăn mà không phải tội.
Nhưng tôi tới nhà anh, anh bèn đi giết một con gà để anh đãi tôi, và nếu
tôi ăn thì cái chết của nó là do tôi gây ra… Cái này đức Phật kiêng.
Cái tội là mình không trực tiếp giết, mình bảo người khác giết nhưng
mình sinh lòng hoan hỉ, mình muốn người ta giết để mình được ăn thì cái
đó là tội. Cái chỗ ăn chay mà tôi nói đúng theo cái nghĩa đức Phật dạy
là tránh sát sinh.
Cao hơn một bước nữa là chay của Đại
thừa tức ăn chay như Bồ tát. Người thọ giới Bồ tát thì ăn chay là không
ăn đồ huyết nhục. Tức là chỉ ăn rau quả thôi, ăn chay này nó có 2 trường
hợp: Như tôi không ăn mặn tại tôi không thích ăn, vì tôi ăn rau quả tôi
thấy thích, sức khỏe tôi tốt. Như vậy tôi có cái căn Đại thừa. Tôi tu
theo pháp môn này rất thích hợp. Cái đó là chính bản thân tôi không
thích ăn, ăn không được. Ăn chay mà sức khỏe mình vẫn tốt là do cơ thể
mình tiếp thu được cái này thì tại sao lại không. Cho nên ăn chay để
dưỡng sinh thì cũng đúng. Chính tôi ăn chay tôi có cảm giác đó vì ăn mặn
không được. Nhưng ăn mặn hay ăn chay cũng chưa phải là quyết định.
Người lớn tuổi thì không nên ăn nhiều: không ăn béo nhiều, đạm nhiều,
chất đường nhiều để cho cơ thể vừa đủ thôi thì theo Phật giáo là không
sinh bệnh.
Nhưng với những người mới tập ăn chay,
họ không quen ngay được. Lúc bấy giờ người ta mới cho họ ăn chay bằng
cách tập. Họ làm giả thịt cá, bằng cách cho mùi vô thôi. Cái kiểu chế
biến này xuất xứ từ Đài Loan. Nhưng tôi thì tôi rất sợ cái mùi đó. Những
người họ quen ăn mặn thì người ta ăn nhờ có cái mùi đó người ta mới
chịu ăn. Thì thôi không phản đối cái này, cho những người mới tập ăn
người ta quen dần rồi sau này bỏ cái mùi đi vẫn ăn được.
Tôi thấy những thức ăn giả chay là tôi
không ăn được, nên ở nhà tôi chỉ ăn thức ăn bình thường của mình thôi.
Rau thì ra rau, đậu thì ra đậu. Còn thứ kia không biết làm từ cái gì
cho nên tôi không ăn. Biết nó là chay nhưng mình thấy cá mình không ăn
được. Tại tư duy của mình nó thế. Cho nên thôi thì người ta làm gì thì
người ta làm, mình không phản đối nhưng cũng không cổ xúy.
Nguyễn Như Phong: Xin cảm ơn Hòa thượng. Đúng là, kiếp này hãy cứ sống cho tử tế, may ra kiếp sau có hơn được gì chăng.
Theo NĂNG LƯỢNG MỚI
0 nhận xét:
Đăng nhận xét