Chủ Nhật, 16 tháng 2, 2014
Xu hướng thể hiện thể chế kinh tế Hiến pháp của các nước châu Âu
09:38
Hoàng Phong Nhã
No comments
Sau
Chiến tranh thế giới thứ hai, hầu hết các Nhà nước ở châu Âu đều bắt
tay vào việc xây dựng một bản Hiến pháp mới – Hiến pháp bảo đảmcho sự
phát triển bền vững về kinh tế và sự ổn định của nền dân chủ. Để giải
quyết mối quan hệ giữa yêu cầu bảo đảm sự ổn định của Hiến pháp và sự
linh hoạt trong chính sách phát triển kinh tế, nhiều quốc gia châu Âu đã
từ bỏ cách thể hiện về thể chế kinh tế hiến pháp theo mô hình của Hiến
pháp Weimar. Vì thế, trong Hiến pháp của các quốc gia này đã không tồn
tại một Chương riêng về chế độ kinh tế.
Từ
Hiến pháp 1949 (Đạo luật cơ bản) của CHLB Đức - bản Hiến pháp có nhiều
ảnh hưởng đến quá trình lập hiến hiện đại ở các nước châu Âu, đến Hiến
pháp Thụy Sỹ, Hiến pháp của Áo, Hiến pháp của Pháp 1958… đã cho thấy
quan điểm của các nhà lập hiến ở châu Âu về “tính trung lập” trong các
quy định về chính sách kinh tế của hiến pháp. Các nhà lập hiến đã không
đưa ra một mô hình kinh tế xác định trong hiến pháp mà trao quyền này
cho các nhà lập pháp tùy thuộc vào hoàn cảnh mà hoạch định các chính
sách kinh tế phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của hiến pháp và các
quyền cơ bản của công dân.
Xu hướng
lập hiến này được hình thành trên cơ sở những kết quả của kinh tế học.
Đến nay chưa có mô hình kinh tế nào tỏ ra chiếm ưu thế vượt trội và hoàn
toàn ưu việt hơn các mô hình kinh tế khác. Hơn thế, một chính sách kinh
tế không có sự can thiệp của Nhà nước theo thuyết “bàn tay vô hình” sẽ
không phù hợp với xu thế của một Nhà nước có trách nhiệm xã hội. Ngược
lại, một chính sách kinh tế hành chính - tập trung sẽ cản trở sức sáng
tạo và việc thực thi các quyền cơ bản của công dân. Để bảo đảm cho “các
quan hệ kinh tế có thể tự mở đường” bằng các chính sách kinh tế nằm giữa
hai thái cực đó, hiến pháp phải thể hiện “tính trung lập” và mở. Theo
đó, một trật tự kinh tế thích hợp là một trật tự kinh tế được xác định
bởi các nhà lập pháp và Chính phủ đương nhiệm. Cách làm này đã giúp cho
các nước châu Âu vẫn đảm bảo sự năng động, linh hoạt trong các quyết
sách lập pháp, các chính sách phát triển kinh tế của Chính phủ trong
điều kiện mới – điều kiện của hội nhập kinh tế quốc tế nhưng vẫn giữ
được sự ổn định của Hiến pháp.
Tuy
nhiên, vẫn có ngoại lệ của xu hướng lập hiến này trong Hiến pháp Tây
Ban Nha và Bồ Đào Nha – những Hiến pháp được ban hành muộn hơn trong
những năm cuối của thập kỷ 70. Để củng cố các giá trị của nền dân chủ
sau cuộc cách mạng lật đổ chế độ độc tài Franco, Hiến pháp Tây Ban Nha
đã dành một chương quy định về những nguyên tắc về chính sách kinh tế xã
hội (Điều 39 đến điều 52). Tương tự như vậy, sau cách mạng “hoa cẩm
chướng” nhằm trao trả độc lập cho các thuộc địa của Bồ Đào Nha, Hiến
pháp Bồ Đào Nha cũng có một chương quy định về tổ chức kinh tế (Điều 80
đến Điều 110). Mặc dù vậy, các quy định trong Hiến pháp của Tây Ban Nha
và Bồ Đào Nha cũng không đi đến một sự khẳng định về một mô hình kinh tế
xác định.
Như vậy, có thể khẳng định
rằng, “thể chế kinh tế hiến pháp” trong các Hiến pháp hiện đại ở đa số
các nước châu Âu không được thể hiện một cách tập trung trong một chương
riêng của Hiến pháp mà nó được xác lập từ các nguyên tắc cơ bản của
Hiến pháp và các quyền cơ bản của công dân (có liên quan đến các quá
trình kinh tế) cụ thể là: nguyên tắc Nhà nước pháp quyền; nguyên tắc
trách nhiệm xã hội của Nhà nước; quyền tự do hành nghề; quyền sở hữu;
quyền tự do lập hội; quyền tham gia các tổ chức nghiệp đoàn; quyền tự do
kinh doanh; quyền bình đẳng trước pháp luật.
Bên
cạnh đó, thuộc về “thể chế kinh tế hiến pháp” còn bao hàm cả những quy
phạm của các đạo luật “đặt nền tảng lâu dài cho tổ chức và vận hành của
các quá trình kinh tế” của mỗi quốc gia như Luật về chống hạn chế cạnh
tranh (kiểm soát độc quyền), Luật về sở hữu trí tuệ…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét