Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2018

Nghĩ về công lý

Những người phụ nữ khóc bên một nấm mộ tập thể tại Huế hôm 14/10/1969.
Những người phụ nữ khóc bên một nấm mộ tập thể tại Huế hôm 14/10/1969.
AP
Cứ mỗi độ đến Tết, dịp Xuân về lòng tôi lại có những bùi ngùi khó tả khi nghĩ về hai sự kiện thảm sát xảy ra trên dải đất miền Trung. Đó là hai sự kiện thảm sát đã được diễn ra vào mùa Xuân năm Mậu Thân (1968) tại Huế và sự kiện thảm sát tại Mỹ Lai (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Nếu những người đã chết ở Mỹ Lai phần nào được nguôi ngoai, vì hung thủ đã được xác định, những kẻ thủ ác đã vài lần phải ra tòa để đối diện tội ác của mình; thì tại Huế, những kẻ giết người vẫn sống nhởn nhơ, họ không chịu bất cứ sự trừng phạt của công lý. Những người đã khuất hay thân nhân còn sống của họ chẳng thể nào tìm được công lý cho dù thời gian đã trôi qua 50 năm.
Từ những con số cho biết, số người đã chết trong vụ càn quét ở Mỹ Lai(3/1968) lên đến 504 người, trong đó đa phần là trẻ con, phụ nữ và người già. Dù đã được giấu nhẹm nhưng chỉ hơn một năm sau (11/1969) vụ thảm sát đã bị vỡ lở, những kẻ đã xuống tay với đồng bào tại Mỹ Lai đã phải ra tòa, đối diện với công luận về những tội ác mà họ đã gây ra. Những người đã chết vì bởi súng đạn của quân đội Hoa Kỳ, một dòng giống ngoại lai không cùng máu mủ với dân tộc Việt Nam.
Trong khi đó, một vụ thảm sát kinh hoàng hơn, số người chết và mất tích lên đến 7,600 người và điều đáng nói hơn, kẻ thủ ác không phải là người ngoại tộc, mà chính là người Việt gây ra. Cuộc thảm sát tàn khốc do quân đội Bắc Việt và Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, những lực lượng mà trước khi chết, những người bị thảm sát ở Huế vẫn gọi là "đồng bào".
Nếu ở Mỹ Lai chỉ hơn một năm sau sự việc vỡ lở, thì cho đến nay, những người chết ở Huế vẫn chưa thể nhắm mắt vì những kẻ thủ ác vẫn chưa trả giá cho những tội ác mà họ gây ra. Hay nói theo cách khác, công lý vẫn chưa được thực thi cho dù đã 50 năm trôi qua.
Chẳng những vậy, nhân 50 năm xảy ra thảm kịch tang thương Mậu Thân, chính quyền còn cho mở đợt tuyên truyền rầm rộ về cái mà họ gọi là chiến thắng "Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968". Hàng loạt tác phẩm thơ văn đã được tung ra trong dịp này nhằm mục đích tuyên truyền, ca ngợi cái mà chính quyền gọi là "chiến thắng". Những việc làm đó chẳng những không đem lại công lý cho người đã khuất, mà nó còn sát muối vào vết thương chưa kịp lành của những người còn sống sót. Đau đớn hơn, việc làm tổn thương ấy còn được thực hiện đều đặn hàng năm.
Trong vụ thảm sát Mỹ Lai, truyền thông, báo chí hàng năm lại rêu rao, kể chi tiết từng cái chết, sự đau thương của những người còn sống nhằm mục đích khơi gợi, nuôi dưỡng sự căm thù đối với chính quyền Hoa Kỳ; thì trong vụ thảm sát tại Huế, chính  quyền dường như câm bặt. Không một tờ báo nào nói đến những mất mát, con số thiệt hại mà người dân Huế phải gánh chịu sau khi bị quân đội Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam tấn công. Những người bị thảm sát đã phải chết một cách đau đớn, như bị chôn sống, dùng cuốc để giết. Bộ máy tuyên truyền coi việc giết chết hàng ngàn người dân bằng những hình thức hết sức man rợ như thời Trung cổ là "chiến thắng vẻ vang", được tung hô như là "thành quả cách mạng" và đều đặn trong vài chục năm đều rêu rao nhắc về chiến thắng vỹ đại ấy.
Thật khó để có thể có công lý cho những người đã khuất, hoặc thân nhân của những người còn sống khi mà nhà nước CSVN vẫn còn tồn tại. Vì chính nhà nước này là kẻ đã gây ra tấn thảm kịch tại Huế. Dù muốn, dù không họ cũng phải che giấu sự thật để bảo vệ sự chính danh của mình. Một khi mất đi sự chính danh, chính quyền này chẳng còn có thể trụ vững để tiếp tục cai trị người dân trong nước.
Đã rất nhiều lần trên các diễn đàn hay trong những lần ngồi nói chuyện với nhau, một số trí thức, văn nghệ sỹ tạm gọi là "cấp tiến" và có nguồn gốc từ miền Bắc nói rằng, họ mong rằng sau khi chế độ độc tài Cộng sản sụp đổ sẽ không có bất cứ cuộc trả thù nào đối với những người đã từng phục vụ cho chính quyền Cộng sản. Công an hay những người từng gây ra các vụ bắt bớ, tống giam, gây hàm oan cho giới đấu tranh dân chủ sẽ không bị trả thù. Tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến ấy. Trong lịch sử chúng ta đã từng chứng kiến sự trả thù dã man của phe chiến thắng đối với phía thua cuộc. Đó là kể từ sau 1975, khi cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm được miền Nam. Họ đã bắt hàng chục, hàng trăm ngàn quân-cán-chính của chính quyền VNCH vào những nhà tù và hành hạ họ ở đó cho đến lúc chết. Tôi mong sao điều đó sẽ không tái diễn.
Tuy nhiên, công lý cần phải được thực thi. Một xã hội chỉ có dân chủ, tự do chỉ khi công lý được coi trọng. Những kẻ thủ ác gây ra cuộc thảm sát kinh hoàng ở Huế, những người đã gây ra cái chết cho anh Nguyễn Hữu Tấn (Vĩnh Long), những kẻ đã giết chết ông Hoàng Văn Ngài (Đắk Nông)...và rất nhiều nạn nhân hoặc thân nhân của họ đều phải được thấy công lý. Nói cách khác, những kẻ thủ ác phải bị đưa ra tòa để đối diện với tội ác và trả giá cho những gì mà họ đã gây ra với đồng loại của mình. Vì không thể nào công lý xuất hiện ở Mỹ Lai, nhưng lại biến mất ở Huế; công lý chỉ có ở với người này nhưng lại biến mất ở gia đình khác được.
Bài viết có sử dụng các con số từ Wikipedia nên khi đối chiếu với những số liệu từ các trang mạng, tài liệu khác sẽ có đôi chút khác biệt.

Tuệ Tâm

Những “con người mới XHCN”

DSQ VN phơi vây cá mập trên mái nhà ở Chi Lê
Sự việc bắt đầu từ một đoạn video clip ngắn xuất hiện vào tháng Bảy, năm 2017. Chiếc canoe chạy với tốc độ cao nhất, nơi chân vịt phía sau sóng nước cuồn cuộn, thỉnh thoảng nhìn thấy đầu con cá mập đầu rìu (hammerhead shark) chợt ẩn chợt hiện vẫy vùng tuyệt vọng vì bị mắc câu, còn ba thanh niên trên canoe cười rất mãn nguyện, đang khoe thành tích một lần đi câu biển mùa hè!
Tưởng đơn giản chỉ có vậy. Nhưng thật bất ngờ, đoạn video clip đó được loan truyền rất nhanh không chỉ riêng tại quận hạt Manatee, một quận nằm ven biển vùng vịnh Mexico, đoạn giữa Tiểu bang Florida về phía Tây. Dư luận phẫn nộ. Hàng ngàn người ký tên yêu cầu phải điều tra hành vi độc ác với thú vật. Thống Đốc Tiểu Bang Rick Scott xem đã thốt lên, đó là một video bệnh hoạn, rất kinh khủng, mất cả nhân tính, “such inhumane acts”. Sau 5 tháng điều tra Hội bảo vệ thú vật hoang dã Tiểu bang đã phổ biến chi tiết. 3 thanh niên tuổi 28, 23 và 21 bị bắt, được tại ngoại với tiền thế chân hơn 4000 đô mỗi người, chờ ngày ra tòa. [1]
Mỹ là một trong số nước tiêu thụ thịt nhiều nhất nhưng cũng có luật lệ khắt khe về hành vi tàn ác với thú vật. Họ cho phép giết một con vật để ăn thịt với điều kiện làm con vật chết một cách êm ái và nhanh nhất có thể, để giảm mức độ phải chịu đau đớn. Sau đó đầu con vật được tiêu hủy, vì thế tại các quầy thịt trong các siêu thị không bao giờ thấy đầu, ngoại trừ cá nguyên con. Trước kia đầu cá loại lớn cũng ít thấy nhưng về sau vì nhu cầu của khách hàng, đặc biệt gốc Á, thì đầu cá thu, cá hồng, cá bass… mới bày bán.
Cụ thể như (lúc đó người gốc Á ở địa phương còn ít) siêu thị Publix sau khi cắt đầu những con cá lớn thay vì quăng vào thùng rác, họ bỏ vào thùng xốp giữ lạnh, lúc trời chưa sáng đem bên ra ngoài tiệm để phía sau, ai cần thì lấy. Đây cũng là nghĩa cử đẹp. Số người biết chuyện nầy đông dần và thường đứng đợi sẵn. Lấy được sau đó đem bán lại cho nhau với giá khá cao, vì nấu canh chua rất ngon!
Ở một đất nước văn minh, các hội bảo vệ thú vật thì địa phương nào cũng có. Một con pelican (chằng bè) bị vướn cước câu họ cũng tìm cách bắt để giải thoát. Một con chim bị gãy cánh, một con rùa biển bị thương họ cũng đem về điều trị cho đến khi lành hẳn mới trả về thiên nhiên. Đánh một con chó hay vứt một con mèo bên vệ đường hoặc một con thú bị bắn trong khu rừng cấm đều được điều tra kỹ. Điển hình là đoạn video vừa kể với 3 thanh niên đang chờ ngày lãnh án.
Nhiều nước văn minh theo dõi rất kỹ chuyện chống buôn bán động vật hoang dã. Việt Nam cũng cam kết nhưng thực tế không có mấy kết quả. Vì mức độ văn minh còn rất thấp và cán bộ phụ trách thì thiếu hiểu biết.
Cá mập bị cắt hết vây, đuôi và ném xuống biển, khiên ch1ung chết từ từ trong đau đớn

Chưa thể trách dân, vì nghèo đói họ phải phạm luật (ví dụ họ biết luật) nhưng với viên chức ngoại giao, trước khi được bổ nhiệm đương nhiên phải là đảng viên gương mẫu, lập trường kiên định, được đào tạo bài bản về luật pháp tại nơi mình sẽ đến. Vì, họ là hình ảnh con người Việt Nam. Là thể diện quốc gia. Ấy thế nhưng nhiều viên chức ngoại giao vẫn liên tục vi phạm luật lệ mà chắc chắn không phải vì thiếu thốn.
Ví dụ, năm 1996, Đại sứ Lê Văn Bàng tại Liên hiệp quốc bị cảnh sát Mỹ bắt về tội bắt trộm sò ở biển New York. Đã thế, khi bị hỏi lại giả vờ không biết Anh ngữ! Hay vụ Bí thư thứ nhất Đại sứ quán tại Nam Phi bị tố cáo mua sừng tê giác được ông Đại sứ bênh vực, phủ nhận, cho đến khi đoạn video (do nhóm người bảo vệ thú vật bí mật ghi hình) cho thấy bà Vũ Mộc Anh nhận sừng tê giác ngay trước sứ quán. Đến lúc đó đương sự mới bị triệu hồi. Đó chỉ là vài vụ điển hình, còn nhiều vụ khác nữa, kể cả ăn cắp vặt ở siêu thị. [2]
Mới nhất là vụ vây cá mập phơi trên nóc nhà trong khuôn viên Đại sứ quán ở Chile do lối xóm không chịu nỗi mùi hôi thối, phát hiện. Chuyện nầy đã được Bộ ngoại giao xác nhận, nói, đó là “mua vây cá mập tại chợ để sử dụng trong gia đình”![3] Trong lúc giới chức Chile cho biết họ không có trung tâm chế biến nào để lấy vây cá. Nước Chile cấm buôn bán và tiêu thụ vây cá mập từ năm 2011. Như vậy trong những ngày tới khi sự thật bị phơi bày thì hình ảnh Việt Nam sẽ ra sao?
Giữa lúc “sự cố hôi thối” tại Đại sứ quán ở Chile đang làm ô uế bầu không khí chung, thì cùng một lúc, fan bóng đá Việt Nam ồ ạt ôm cờ đỏ tràn ra đường. Họ điên cuồng chào mừng đội tuyển Việt Nam thắng U23 Qatar để vào chung kết giải U23 Châu Á với Uzbekistan.
Có cả thanh niên trần truồng cầm cờ khá lớn chạy lông nhông. Trước đó, U23 Việt Nam thắng U23 Iraq, để được vào bán kết, dòng người cũng đã đổ ra đông như vậy. Đêm đó có cả thiếu nữ cởi phăng nịt ngực ngay giữa đám đông, rồi xếp cờ đỏ quấn ngang che lại. Xong, đứng lên yên xe nhún nhẩy. Cô khác thì ở truồng dùng cờ đỏ quấn mông ngồi sau xe máy, đến đó đứng xuống, tạo hớ hênh mặc lại xì líp để được chụp ảnh, quay video… Những thiếu nữ đó trông khá trẻ đẹp, đang học đại học? (vài comments nói thế)
Từ những sự kiện nhục nhã về ngoại giao như vụ Đại sứ quán kết hợp với đặc vụ Việt Nam sang bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức, đến mùi hôi thối trên mái nhà Đại sứ quán ở Chile, rồi đến việc gái trai trần truồng giữa phố, điên cuồng mừng một sự kiện thể thao hoàn toàn không liên hệ gì với nhau. Nhưng, nghĩ kỹ, thì có cùng nguyên nhân. Đó là giáo dục.
Từ lãnh đạo các cấp đến nhân viên các sứ quán, rồi fan cuồng bóng đá đều được đào tạo dưới mái trường XHCN hơn 40 năm qua!
Họ đang thể hiện bản chất “con người mới XHCN” rõ nét hơn bao giờ hết. Đó là tâm lý thoả mãn dục vọng thấp hèn mà không hề có chút liêm sỉ. Họ hành động theo bản năng. Họ không cần biết đến thảm họa độc tài, thảm họa tham nhũng, thảm họa Formosa, thảm họa boxit Tây nguyên hay BOT hút máu dân …
Vì họ vô can với tình hình thời sự đất nước nên đảng mới lộng hành. “Không bàn chính trị”, “không làm chính trị” là phó mặc việc đảng cấu kết với giặc cướp nước phương Bắc để được bảo kê. Còn đảng viên thì chỉ biết “còn đảng còn mình”.
Đó là sự thật.
Đất nước và dân tộc đang đứng trên bờ vực thẳm cũng là sự thật!
(24/01/2018)
Kông Kông
—————-
[1] http://www.bradenton.com/news/local/crime/article189453619.html
[2] https://baotiengdan.com/2018/01/23/khong-chi-co-vay-ca-map/
[3] http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-42784731

Ngày 20/1/1974 Hoàng Sa thất thủ, thác là thể phách còn là tinh anh

ĐCV: Trong vài năm trở lại đây, trận hải chiến Hoàng Sa và việc Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo này không còn là đề tài cấm kị trên các trang báo nhà nước nữa. Tuy chưa thật cởi mở, nhưng từng bước một, nhiều tin bài liên quan tới chủ đề này đã được chính báo chí trong nước đăng tải.
Quỹ hỗ trợ gia đình các quân nhân hy sinh ở Hoàng Sa cũng hoạt động mà không bi nhiều cản trở của chính quyền trong nước. Có lẽ, họ cũng nhận ra rằng, không công nhận chính thể Việt Nam Cộng Hòa là mất đi cơ sở pháp lý trong việc bảo vệ lãnh hải của tổ quốc và chủ quyền với các đảo trên biển Đông.
Bài viết dưới đây nằm trong loạt bài được đăng tải bởi báo Giáo Dục. Chúng tôi xin trích đăng lại. Tờ báo cũng gọi những người đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa là “những người con đất Việt”
————————-

Sáng sớm ngày 20/1/1974, các chiến hạm Trung Quốc đã đến gần và bao vây các đảo do Việt Nam Cộng hoà phòng trú. Các sĩ quan trưởng toán trên đảo đã thiết lập hệ thống phòng thủ và sẵn sàng chiến đấu nếu quân Trung Quốc đổ bộ.
Trên đảo Quang Ảnh, toán đổ bộ thuộc tàu HQ16 do Trung uý Liêm chỉ huy gồm 15 người đã dùng thuyền cao su đào thoát.
Toán này được ngư dân Bình Định cứu sống cách phía đông Quy Nhơn 40 hải lý, sau 10 ngày họ lênh đênh trên biển. Một nhân viên đã chết vì kiệt sức lúc đưa lên ghe, 14 người còn lại được chuyển đến điều trị tại Quân y viện Nguyễn Huệ (Quy Nhơn).
Trong buổi sáng ngày 20/1, các tàu HQ4, HQ5 và HQ16 về đến Đà Nẵng. Tất cả các nhân viên tử trận và bị thương được di chuyển ngay về Quân y viện Duy Tân.
Trung Quốc dùng không quân đánh phá, Hoàng Sa thất thủ
Ngày 20/1, bốn phi cơ MiG-21 và MiG-23 của Trung Quốc oanh tạc các đảo Hưu Nhật, Quang Ảnh và Hoàng Sa… Tiếp đó, binh lính Trung Quốc đổ bộ tấn công các đơn vị đồn trú của Việt Nam Cộng hoà trên các đảo này, chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo Hoàng Sa.
Trưa ngày 20/1 các chiến hạm Trung Quốc chạy quanh các đảo Hữu Nhật và đảo Hoàng Sa (Pattle), bắn súng dữ dội làm gãy cờ Việt Nam Cộng hoà cắm trên nóc nhà Trung đội địa phương quân.
Chiến đấu cơ Trung Quốc tuần tiễu bất hợp pháp sau khi cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa thuộc Đà Nẵng, Việt Nam năm 1974.

Sau 30 phút bắn phá, quân Trung Quốc hạ xuồng đổ bộ với lực lượng rất đông, ước chừng mỗi tiểu đoàn một đảo.
Ngay từ đầu, quân trú phòng Việt Nam Cộng hoà trên 2 đảo chống trả quyết liệt bằng súng M16 và M17, nhưng sau đó đành thúc thủ trước lực lượng đông đảo và hoả lực mạnh của quân xâm lược. Phía Trung Quốc bắt giữ tất cả quân trú phòng, tịch thu vũ khí.
Vào 4 giờ sáng ngày 22/1, một thương thuyền của Hà Lan vớt được 22 nhân viên của tàu HQ10 trên 4 bè cấp cứu tại toạ độ 16o10’ vĩ Bắc – 110o46’ kinh Đông.
Được tin, HQ6 và 2 VPB được điều động đến tiếp nhận và đưa về Đà Nẵng vào sáng ngày 23.1, các thương binh được chuyển ngay đến Quân y viện Duy Tân để điều trị.
Được biết khi đào thoát tất cả 28 nhân viên đi trên 4 xuồng nhưng khi trôi dạt có 6 người đã chết vì vết thương quá nặng, trong đó có Hạm phó tàu HQ10; 22 nhân viên còn lại được cứu thoát, nhưng có 1 sĩ quan chết vì kiệt sức khi được đưa sang tàu HQ6.
Kết thúc cuộc Hải chiến, phía Việt Nam Cộng hoà có 19 nhân viên tử trận, mất tích 55 quân nhân của HQ10, bị thương 35 quân nhân, 44 người bị bắt trên đảo Hoàng Sa (Pattle) và đảo Hữu Nhật (Robert).
Ngay trong ngày 20/1, Bộ tư lệnh Hải quân đã đề nghị Bộ Tổng Tham mưu yêu cầu Hội Chữ thập đỏ Quốc tế can thiệp với Trung Quốc trao trả các tù binh do Trung Quốc bắt giữ.
Kết quả, phía Trung Quốc đã trao trả 48 quân nhân vào 2 đợt: Đợt 1 gồm 5 quân nhân bị thương vào 31/1/1974 và Đợt 2 gồm 43 quân nhân vào ngày 17/2/1974.
Một chiến hạm (HQ10) bị chìm tại vùng giao tranh, 3 chiến hạm hư hại (đã trở về an toàn, trong đó HQ16 hư hại nặng, hai tàu HQ4, HQ5 hư hại nhẹ.
Thiệt hại về người của phía Trung Quốc không xác định được, 2 chiến hạm bị cháy và chìm (Kronstadt 274 và T.43 cải biến 396), 2 chiến hạm hư hại nặng (Kronstadt số 271 và T. 43 cải biến 389), 1 tàu đánh cá vũ trang hư hại nhẹ (Nam Ngư số 402).
Yếu tố vật chất (corpus) đã mất, nhưng yếu tố tinh thần (animus) không mất
Kết thúc trận hải chiến này, toàn bộ các đảo phía tây của quần đảo Hoàng Sa do Việt Nam Cộng hoà quản lý theo Hiệp định Geneva 1954 đã bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép.
Ngay sau khi chiếm đóng, Trung Quốc đã cho đập phá các bia chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa, đào các mộ của người Việt từ xưa đã chôn cất ở đó, xoá đi các di tích lịch sử, văn hóa hàng trăm năm của người Việt để áp đặt chủ quyền của họ trên quần đảo này.
Ngay lập tức, Chính quyền Việt Nam Cộng hoà ra Tuyên cáo về việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm trắng trợn các đảo của quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Ngày 20/01/1974, Ngoại trưởng Chính quyền Việt Nam Cộng hoà cũng đã gọi điện và gửi thư cho Chủ tịch Hội đồng Bảo An cùng Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đề nghị những biện pháp cần thiết trước tình hình khẩn cấp về việc Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm Hoàng Sa.
Ngày 20/01/1974, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra bản Tuyên bố nêu rõ lập trường trước hành động xâm chiếm của Trung Quốc tại Hoàng Sa:
“Chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là một vấn đề thiêng liêng đối với mỗi dân tộc. Vấn đề biên giới và lãnh thổ là vấn đề giữa các nước láng giềng thường có những tranh chấp do lịch sử để lại.
Các nước liên quan cần xem xét vấn đề này trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, hữu nghị và láng giềng tốt và phải giải quyết bằng thương lượng”.
Ngày 05/02/1974, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng hoà ra Tuyên bố bác bỏ Tuyên bố ngày 04/2/1974 của Bắc Kinh vu cáo Quân đội Việt Nam Cộng hoà “ngang nhiên cho tàu chiến xâm chiếm đảo Nam Uy (tức đảo Trường Sa)…”
Ngày 14/02/1974, Chính phủ Việt Nam Cộng hoà ra Tuyên cáo xác định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Theo nguyên tắc của Luật pháp Quốc tế về quyền thụ đắc lãnh thổ thì quyền chiếm hữu được xây dựng bằng hai tố tố cơ bản: corpus (tạm gọi là yếu tố vật chất) và animus (yếu tố tinh thần, ý chí).
Nếu cả 2 yếu tố này bị mất hết thì coi như nhà nước đó đã để mất chủ quyền đối với một vùng lãnh thổ mà mình đã chiếm hữu và thực thi chủ quyền từ trước.
Chính phủ Việt Nam Cộng hòa mặc dù đã để mất chủ quyền trên thực tế do hành động cưỡng chiếm bằng sức mạnh quân sự áp đảo của Trung Quốc, nhưng đã kịp thời lên tiếng phản đối mạnh mẽ, công khai trên trường quốc tế, không chấp nhận sự chiếm đóng bất hợp pháp của quân Trung Quốc.
Tiếp đến là Tuyên bố nêu rõ lập trường nguyên tắc của Chính phủ Cách mạng lâm thời Công hòa niềm Nam Việt Nam, với tư cách là đại diện cho tiếng nói, ý chí của các tầng lớp nhân dân miền Nam Việt Nam, không chấp nhận sự chiếm đóng trái phép của quân đội Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Như vậy, Nhà nước Việt Nam mà chính thể Việt Nam Cộng hòa, kế tiếp là Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, làm đại diện vào thời gian đó, vẫn luôn luôn thể hiện ý chí bảo vệ lãnh thổ của mình; không bao giờ từ bỏ chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa.
Trung Quốc đã vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Hành động dùng vũ lực đánh chiếm các đảo trong quần đảo ở Biển Đông là một sự vi phạm nghiêm trọng Điều 2 Khoản 4 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, nói rõ cấm các quốc gia sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là cấm sử dụng vũ lực để xâm phạm chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác.
Nội dung điều khoản này trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, là một nguyên tắc cơ bản của Luật pháp quốc tế, đòi hỏi tất cả các nước thành viên của Tổ chức Liên Hợp Quốc, trong đó có Trung Quốc, phải tuân thủ.
Nguyên tắc này được phát triển và cụ thể hoá trong Nghị quyết 2625, ngày 24 tháng 10 năm 1970, của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, trong đó quy định:
“Các quốc gia có nghĩa vụ không đe dọa hay sử dụng vũ lực để vi phạm các biên giới quốc gia hiện có của một quốc gia khác, hay (coi đe dọa hay sử dụng vũ lực) như biện pháp giải quyết các tranh chấp quốc tế, kể cả những tranh chấp về đất đai và những vấn đề liên quan đến biên giới của các quốc gia”.
Hai là, hành vi Trung Quốc dùng vũ lực đánh chiếm phần phía Đông của quần đảo Hoàng Sa (năm 1956) và chiếm nốt phần phía Tây của quần đảo này (năm 1974) là hành động xâm lược lãnh thổ Việt Nam theo đúng nghĩa.
Ba là, theo Luật pháp quốc tế, việc Trung Quốc sử dụng vũ lực để chiếm các đảo của quần đảo Hoàng Sa không tạo ra được chứng cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với các đảo, đá mà họ đã dùng vũ lực để chiếm đoạt.
Nghị quyết 2625, ngày 24/10/1970, của Đại Hội Đồng Liên Hợp Quốc được trích dẫn ở trên đã nêu rõ:
“Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc.
Lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi dùng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực.
Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe doạ hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.
Hành động xâm lược nói trên không bổ sung vào bộ hồ sơ pháp lý về yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Những hành động như vậy đã, đang bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ và chắc chắn sẽ bị Toà án Quốc tế bác bỏ một khi chúng được đưa ra nhằm minh chứng cho chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Báo Giaoduc.net

Những kẻ bán nước

Lễ tưởng niệm các tử sĩ Hoàng Sa trong nhiều năm thường bị phá đám. Ảnh RFA
Từ 44 năm nay, ngày 19 tháng một đã đi vào lịch sử là ngày đau đớn của giống nòi Việt Nam, ngày đen tối của lịch sử Việt Nam. 19.1.1974 Tàu Cộng mang hạm đội lớn với số quân và hỏa lực áp đảo đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam do nhà nước Việt Nam Cộng hòa quản lí, giết chết 75 người lính Việt Nam Cộng hòa giữ đảo.
44 năm nay người dân Việt Nam nặng lòng với nước đều mang một vết thương rỉ máu trong tim. Từ nhiều năm nay, đến ngày 19 tháng một, những trái tim đau đó ở Sài Gòn đều tự tìm đến Đức Trần Hưng Đạo uy nghiêm trên đài cao ở bến Bạch Đằng mắt dõi ra sông Sài Gòn, dõi ra biển Đông. Những trái tim đau thành kính thưa với anh linh người anh hùng đã viết lên trang chói lọi nhất trong pho sử vàng chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, thưa về nỗi niềm đinh ninh của những thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau rằng Hoàng Sa, Trường Sa mãi mãi trong trái tim người dân Việt Nam, mãi mãi trong lòng Tổ quốc Việt Nam và giành lại Hoàng Sa, Trường Sa là trách nhiệm công dân, trách nhiệm lịch sử của mọi người dân mang trong tim dòng máu Đại Việt. Thưa với hương hồn những người con yêu của dân tộc Việt Nam đã vùi xác ở Hoàng Sa trong cuộc chiến đấu giữ quần đảo ngày 19.1.1974 rằng những anh linh Việt Nam để lại thân xác ở Hoàng Sa, Trường Sa đã là hồn thiêng của Hoàng Sa, Trường Sa, hồn thiêng của núi sông Việt Nam, những anh linh đó sẽ sống mãi cùng non nước Việt Nam.
Năm nào công an nhà nước cộng sản cũng hung hãn, quyết liệt phá lễ tưởng niệm Hoàng Sa của người dân Sài Gòn. Chặn cửa không cho người dân ra khỏi nhà đến với lễ tưởng niệm. Bắt những người dự lễ về giam giữ trong đồn công an. Lăn xả vào cướp giật và phá nát vòng hoa, băng chữ ngay bên chân tượng đài Trần Hưng Đạo. Chỉ những kẻ vô loài, không quê hương, cội nguồn, không lương tâm con người mới làm được những việc đó. Những kẻ vô loài đó lại trong biên chế công an nhà nước cộng sản Việt Nam.
Năm nay nhà nước cộng sản Việt Nam còn làm những điều ô nhục hơn, tội lỗi hơn những năm trước. Đúng ngày đau lần thứ 44 Tàu Cộng cướp Hoàng Sa của tổ tiên, của lịch sử Việt Nam, 19.1.2018, nhà nước cộng sản Việt Nam đã làm hai việc công khai bán nước, thú nhận việc dâng Hoàng Sa cho Tàu Cộng, xóa tên Hoàng Sa trong trái tim người Việt Nam, công khai chấp nhận là chư hầu, là phiên thuộc của Tàu Cộng.
Sáng 19.1.2018 ở Sài Gòn, cũng như nhiều năm trước, an ninh nhà nước cộng sản Việt Nam bủa vây chặn cửa trước nhà tất cả những người ngày này những năm trước đã tìm về tượng đài Trần Hưng Đạo bến Bạch Đằng, tìm về với lịch sử, khắc ghi món nợ lịch sử Hoàng Sa và làm giỗ 75 hương hồn Hoàng Sa. Trước cửa nhà mỗi người dân mang nỗi đau Hoàng Sa đều có hơn chục an ninh trẻ khỏe, lì lợm và nhâng nháo bủa vây, hung hăng làm cái việc phi pháp với pháp luật, thất đức với tổ tiên và tội đồ với lịch sử, xấc xược với nhân dân, ngăn không cho những trái tim mang nỗi đau Hoàng Sa đến với anh linh Trần Hưng Đạo nhận trách nhiệm với lịch sử, với tổ tiên về món nợ Hoàng Sa. Dùng công cụ bạo lực, nhà nước cộng sản Việt Nam quyết xóa bỏ cái tên Hoàng Sa trong trái tim người dân Việt Nam.
Tối 19.1.2018 ở Hà Nội, bộ Văn hóa, bộ Lễ của một nhà nước, tổ chức linh đình đêm hát xướng, nhảy múa của đoàn nghệ thuật Nội Mông Tàu Cộng!
Đưa đoàn nghệ thuật Nội Mông Tàu Cộng sang Viêt Nam với cớ kỉ niệm 68 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Cộng – Tàu Cộng. Ngày 18.1.1950, Tàu Cộng công nhận nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và ngày đó được lấy làm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Nhưng đoàn nghệ thuật Nội Mông không khai diễn vào ngày 68 năm thiết lập quan hệ ngoại giao mà lại chọn ngày Hoàng Sa, 19. Tháng một, ngày Tàu Cộng cướp được Hoàng Sa của Việt Nam để khai diễn đêm nhạc hội. Đây là một đòn chính trị thâm độc, nham hiểm, một đòn chính trị chí tử đánh vào lòng tự trọng và ý thức dân tộc của đám lãnh đạo nhà nước cộng sản Việt Nam.
Bè lũ Tập Cận Bình lấy cớ kỉ niệm sự kiện chính trị của hai nước, ngày thiết lập quan hệ ngoại giao chỉ để buộc những kẻ tai to mặt lớn, những chính khách của triều đình cộng sản Việt Nam phải có mặt trong đêm chúng tưng bừng nhảy múa ca hát ngay giữa kinh kì Thăng Long – Hà Nội mừng sự kiện chúng cướp được toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Ngày 19 tháng một là ngày đen tối của lịch sử Việt Nam, ngày mất Hoàng Sa của Tổ quốc Việt, ngày quốc tang của giống nòi Việt Nam, ngày đau buồn 75 người con yêu của Mẹ Việt Nam bỏ xác ở Hoàng Sa. Vậy mà những khuôn mặt chóp bu của triều đình cộng sản Việt Nam lại không hề có nỗi đau của nhân dân, của đất nước, vẫn nhơn nhơn tươi cười xem đám nghệ sĩ Nội Mông Tàu Cộng nhảy múa ca hát mừng ngày vui của bọn cướp 19 tháng một, ngày cướp được trọn vẹn quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Không biết đau nỗi đau mất đất đai của tổ tiên mà người dân đang đau, đám tai to mặt lớn của nhà nước cộng sản Việt Nam lại công khai đồng cảm với nỗi hoan hỉ của lũ cướp nước. Đó là sự bán nước trong tâm hồn.
Hoan hỉ cùng Tàu Cộng trong ngày chúng cướp được Hoàng Sa của Việt Nam, đám quan chức cấp cao được cho là đại diện của người dân Việt Nam đã chấp nhận sự ăn cướp đó, đã đứng về phía kẻ cướp, bán linh hồn cho kẻ dùng súng đạn phi pháp cướp dải cát vàng Hoàng Sa của tổ tiên người Việt
Nhưng những lãnh đạo cao cấp của nhà nước cộng sản Việt Nam cũng chỉ được vui vầy hoan hỉ với đám nghệ sĩ Nội Mông mà thôi. Mượn cớ kỉ niệm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Cộng – Tàu Cộng, Lễ kỉ niệm cấp quốc gia giữa hai nhà nước nhưng Tàu Cộng không đưa đoàn nghệ thuật quốc gia tham gia lễ kỉ niệm cấp nhà nước đó mà chỉ đưa đoàn nghệ thuật Nội Mông, một tộc người bị Đại Hán đô hộ, đồng hóa. Vì với Đại Hán Tàu Cộng, thân phận Việt Nam cũng chỉ là thân phận chư hầu như Mãn, Tạng, Hồi, Mông và quan hệ ngoại giao Việt Cộng – Tàu Cộng cũng giống như quan hệ giữa Mãn, Tạng, Hồi, Mông với Đại Hán mà thôi. Bị hạ nhục, bị nói thẳng vào mặt thân phận chư hầu như vậy, những kẻ tai to mặt lớn của nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn hớn hở chấp nhận vì họ đã bán linh hồn cho Tàu Cộng rồi, đã cam phận chư hầu như Mãn, Tạng, Hồi, Mông!
Những kẻ đàm phán kí kết hiệp định biên giới phía Bắc năm 1999 dâng hàng trăm kilomet vuông đất biên cương cho Tàu Cộng là những kẻ bán nước. Bán mảnh đất hương hỏa của cha ông để lại, Bán nước trong không gian.
Những kẻ đàn áp người dân tổ chức lễ tưởng niệm Hoàng Sa ở Sài Gòn sáng 19.1.2018, và những kẻ đón rước đoàn nghệ thuật Nội Mông Tàu Cộng vào Hà Nội hát múa đêm 19.1.2018, ăn mừng ngày chúng cướp được Hoàng Sa của tổ tiên người Việt cũng là những kẻ bán nước. Bán nước trong tâm hồn.
Những thứ trưởng bộ ngoại giao Lê Công Phụng, Vũ Dũng đàm phán với Tàu Cộng dâng đất Việt Nam ở biên cương cho Tàu Cộng. Bộ trưởng bộ Công an Tô Lâm, bộ trưởng bộ Lễ Nguyễn Ngọc Thiện, bán nước trong tâm hồn cho Tàu Cộng. Đó là những cái tên mãi mãi ô nhục trong lịch sử Việt Nam như những cái tên Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống.
Phạm Văn Đồng kí công hàm 14.9.1958 công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của Tàu Cộng. Nguyễn Văn Linh kí biên bản cuộc gặp Thành Đô 4.9.1990 cột Việt Nam vào thân phận chư hầu của Tàu Cộng. Bốn ngàn năm mở nước và giữ nước, lịch sử Việt Nam chỉ có hai kẻ bán nước cho Đại Hán là Trần ích Tắc và Lê Chiêu Thống. Chỉ mấy chục năm dưới chế độ cộng sản đã có quá nhiều kẻ bán đất đai của tổ tiên và bán linh hồn con người cho lòng tham của bành trướng Tàu Cộng.
Phạm Đình Trọng

Toàn cảnh trước biến cố Mậu Thân (1968)

Ảnh YouTube
Năm nay, 2018 là năm Mậu Tuất. Mậu Tuất (2018) cách Mậu Thân (1968) đúng 50 năm. Tuy đã qua nửa thế kỷ, biến cố Mậu Thân vẫn còn đậm nét trong trí nhớ người Việt ở Nam Việt Nam (NVN), nhứt là những người lớn tuổi đã từng trải qua biến cố đau thương nầy. Trong khi đó, nhà cầm quyền cộng sản (CS) trong nước cố tình tìm cách bôi xóa dấu vết tội ác và làm lạc hướng lịch sử, để chạy tội trước dân tộc, nhưng “ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.”
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Mậu Thân đau thương, loạt bài nầy cố gắng mở lại hồ sơ biến cố Tết Mậu Thân để các thế hệ trẻ biết rõ những gì đã xảy ra trong quá khứ, nhằm tránh những lầm lẫn trong tương lai. Xin bắt đầu bằng toàn cảnh tình hình trước biến cố Mậu Thân (1968).
1.- TỔNG QUAN
TÌNH HÌNH QUỐC TẾ: Sự kiện quốc tế ảnh hưởng quan trọng đến chính sách của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa hay Bắc Việt Nam (BVN) vào thập niên 60 thế kỷ trước là việc Nikita Khrushchev, bí thư thứ nhứt đảng CS Liên Xô, bị đảo chánh ngày 15-10-1964.
Nguyên trong đại hội 20 đảng CS Liên Xô tháng 2-1956, Nikita Khrushchev đưa ra chủ trương hòa dịu với các nước tây phương và sống chung hòa bình (peaceful coexistance) giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau. Vào đầu năm 1957, chính phủ Liên Xô bất ngờ đề nghị hai miền BVN và NVN cùng vào Liên Hiệp Quốc như hai nước riêng biệt, nhưng bị nhà cầm quyền BVN quyết liệt phản đối. (William J. Duiker, Ho Chi Minh a Life, New York: Hyperion, 2000, tr. 500.)
Nikita Khrushchev. Ảnh Famous Poeple
Sau khi Nikita Khrushchev bị lật đổ, ban lãnh đạo mới của Liên Xô gồm tam đầu chế Leonid Brezhnev, Alexei Kosygin và Nicolay Podgorny bỏ chính sách của Khrushchev, trở lại chủ trương can thiệp trên thế giới, mà sau nầy các nước Tây phương gọi là chủ thuyết Brezhnev. Tam đầu chế Liên Xô quyết định ủng hộ BVN nhằm lôi kéo BVN về phía mình trong cuộc tranh chấp giữa Liên Xô và Trung Cộng. Sự ủng hộ nầy càng làm cho BVN đẩy mạnh chiến tranh ở NVN.
Trong khi đó, sau biến cố Maddox xảy ra trong vịnh Bắc Việt vào tháng 8-1964, lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ đưa ra “Quyết nghị vịnh Bắc Việt” (The Gulf of Tonkin Resolution) ngày 7-8-1964 hoàn toàn ủng hộ tổng thống Lyndon B. Johnson trong việc mở rộng chiến tranh Việt Nam. Ngày 1-12-1964, tổng thống Johnson công bố kế hoạch dội bom BVN. Như thế là không tuyên chiến, Hoa Kỳ đưa quân tham dự hẳn vào chiến tranh Việt Nam chứ không chỉ giữ vai trò cố vấn cho Quân đội VNCH như trước nữa. Quân số Hoa Kỳ tăng nhanh, từ trên 20,000 cố vấn và chuyên viên cuối năm 1964, lên đến 486,000 quân cuối năm 1967. (Đoàn Thêm, 1967 (việc từng ngày), Sài Gòn: Cơ sở xb. Phạm Quang Khai, 1968, tr. 322.)
Nhằm trấn an BVN sau phản ứng của Hoa Kỳ về biến cố Vịnh Bắc Việt, thủ tướng Liên Xô Alexei Kosygin viếng thăm Hà Nội tháng 2-1965, tuyên bố sẵn sàng giúp đỡ BVN trong trường hợp BVN bị Hoa Kỳ tấn công. Tháng 4-1965, Lê Duẩn, bí thư thứ nhứt đảng Lao Động cầm đầu phái đoàn sang Moscow đáp lễ và tiếp tục cuộc thương thuyết. Một thỏa ước viện trợ được ký kết; đồng thời Liên Xô đồng ý cho Mặt trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN), một tổ chức ngoại vi của cộng sản BVN ở NVN, đặt văn phòng liên lạc tại Moscow. (Robin Edmonds, Soviet Foreign Policy, The Brezhnev Years, New York: Nxb. Oxford University, 1983, tr. 45.)
Từ đó, võ khí Liên Xô được đưa vào chiến trường NVN để trang bị cho lực lượng CS. Nhiều quan sát viên ghi nhận rằng các loại võ khí nầy tối tân hơn các loại võ khí còn sót lại sau thế chiến thứ hai (1939-1945), mà Hoa Kỳ trang bị cho quân lực VNCH cho đến năm 1968.
TÌNH HÌNH VIỆT NAM: Về phía Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) hay NVN, từ cuối năm 1963, tình hình chính trị xáo trộn mạnh sau khi tổng thống Ngô Đình Diệm bị đảo chánh ngày 1-11-1963, cùng với sự hủy bỏ luôn hiến pháp ngày 26-10-1956 do tổng thống Diệm ban hành.
Trung tướng Dương Văn Minh cầm quyền chẳng được bao lâu thì bị trung tướng Nguyễn Khánh thay thế ngày 29-1-1964. Ông Khánh gặp nhiều chống đối, nhất là từ sau khi ông tuyên bố Hiến chương ngày 16-8-1964, thường được gọi là Hiến chương Vũng Tàu.
Tình hình chính trị ổn định lại dần dần vào năm 1965. Ngày 1-4-1966, Quốc hội Lập hiến được bầu lên. Bản hiến pháp mới được ban hành ngày 1-4-1967, hình thành nền Đệ nhị Cộng Hòa. Cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên nền Đệ nhị Cộng Hòa ngày 3-9-1967 đưa đến việc liên danh các tướng Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ đắc cử tổng thống và phó tổng thống, chấm dứt giai đoạn khủng hoảng chính trị kéo dài từ sau ngày tổng thống Diệm bị sát hại.
Lợi dụng sự bất ổn chính trị của VNCH kéo dài từ năm 1963 đến năm 1966, MTDTGPMNVN phát triển mạnh mẽ được một thời gian. Khi VNCH tái ổn định dần dần từ sau cuộc bầu cử Quốc hội Lập hiến năm 1966, MTDTGPMNVN bị suy thoái trở lại.
Một hiện tượng xã hội ít được chú ý là do chiến tranh càng ngày càng gia tăng cường độ, vùng nông thôn xôi đậu bất ổn, nên mỗi năm có khoảng từ 500,000 đến 1 triệu dân nông thôn tránh bom đạn, bỏ ra thành thị tỵ nạn, sinh sống dưới sự kiểm soát của chính quyền VNCH. (Don Oberdorfer, Tet!, New York: Nxb. Da Capo, 1984, tr. 53.)
Điều nầy về lâu về dài gây nhiều thiệt hại cho du kích CS. Cộng sản không có dân chúng để trà trộn trốn tránh, cũng không có dân chúng để tiếp tế nuôi ăn, lại thiếu thanh thiếu niên để bắt lính, và một số cán binh CS bỏ về thành theo gia đình hoặc quy thuận chính phủ Quốc gia theo chính sách chiêu hồi, làm cho bộ đội CS càng ngày càng hao hụt.
2.- CỘNG SẢN QUYẾT ĐỊNH TẤN CÔNG
Lúc đó, giới lãnh đạo BVN nhận định rằng sau ba năm xáo trộn, với nhiều cuộc biểu tình khắp các thành phố NVN, tình hình đủ chín mùi để có thể kêu gọi dân chúng tổng khởi nghĩa như tháng 8-1945 ở Hà Nội. Nếu để chính quyền VNCH ổn định trở lại, thì càng ngày càng bất lợi cho CS, cho nên BVN quyết định tổ chức tổng tấn công, bất ngờ đánh chiếm các thành thị miền Nam, rồi kêu gọi dân chúng nổi lên tổng khởi nghĩa. Cuộc tổng tấn công, tổng khởi nghĩa do CS Hà Nội chủ trương nhắm các mục đích sau:
* Cộng sản dư tính chiếm chính quyền, phá hủy hệ thống chính quyền VNCH, tạo bất ổn khó khăn cho VNCH.
* Trực diện đối đầu với Hoa Kỳ, CSVN ước tính khó có thể thắng được quân đội Hoa Kỳ, trang bị võ khí tối tân và hùng hậu hơn quân đội Pháp trước đây rất nhiều. Do đó, CSVN cần gây tiếng vang lớn trên thế giới và tại Hoa Kỳ, để lung lạc và làm chia rẽ dân chúng Hoa Kỳ. Năm 1968 là năm tranh cử tổng thống Hoa Kỳ, tình hình chính trị Hoa Kỳ rất nhạy cảm. Dân chúng Hoa Kỳ bị kích động vì cuộc tổng tấn công, sẽ đẩy mạnh phong trào hòa bình và phản chiến tại Hoa Kỳ. Một khi hậu phương Hoa Kỳ bất ổn thì quân sĩ Hoa Kỳ ở tiền tuyến sẽ giảm ý chí chiến đấu. Chỉ có thế mới mong Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam.
* Cộng sản sửa soạn một thế mạnh để nói chuyện trên bàn hội nghị, vì lúc đó cuộc hòa đàm giữa các bên lâm chiến sắp sửa diễn ra. (Trên thực tế, cuộc hòa đàm bắt đầu vào tháng 5-1968.)
* Đưa chiến tranh vào thành phố sẽ làm cho dân nông thôn chạy ra thành thị quay trở về nông thôn, vì từ nay thành thị cũng bị tấn công mất an ninh như nông thôn, đồng thời chận đứng làn sóng dân chúng di chuyển từ nông thôn ra thành thị, gỡ rối cho hạ tầng cơ sở ở nông thôn của MTDTGPMNVN;
* Cộng sản muốn chận đứng việc hồi chánh của một số phần tử trong MTDTGPMNVN, vốn không phải là đảng viên CS, mà chỉ là những người bất mãn với chế độ Ngô Đình Diệm, muốn quay trở lại với VNCH khi ông Diệm bị lật đổ
* Nếu cuộc tổng tấn công thất bại, và chủ lực của MTDTGPMNVN bị tiêu diệt, đối với đảng Lao Động ở Hà Nội cũng là điều rất có lợi, vì lý do sau đây: Khi mới thành lập, MTDTGPMNVN gồm đa số là đảng viên CS miền Nam và những người bất mãn chế độ miền Nam bỏ theo Mặt trận. Đảng Lao Động BVN không tin tưởng và không kiểm soát được cả hai thành phần nầy. Nếu chủ lực MTDTGPMNVN bị quân đội VNCH tiêu diệt, thì đây sẽ là cơ hội tốt để đảng Lao Động gởi người từ BVN vào thay thế, nắm gọn và điều khiển hẳn toàn bộ MTDTGPMNVN, mà không bị tranh chấp nội bộ gay go. Sau năm 1975, một số nhân vật trong MTDTGPMNVN công khai tố cáo âm mưu nầy của đảng Lao Đông, trong đó có bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, một trí thức miền Nam trong Mặt trận. (Chính Đạo, Mậu Thân 68: thắng hay bại, Houston: Nxb. Văn Hóa [tái bản lần thứ hai], 1998, tr. 165.)
Với những tính toán trên, dầu cuộc tổng tấn công thắng hay bại, đàng nào đảng LĐ ở Hà Nội cũng đều có lợi, nên họ không ngần ngại hy sinh lá bài MTDTGPMNVN trong mưu đồ thôn tính VNCH. Về sau, ngay khi cưỡng chiếm được NVN năm 1975, Hà Nội liền loại bỏ nhóm lãnh đạo MTDTGPMNVN và giải thể Mặt trận nầy một năm sau đó (1976).
3.- NHỮNG BIẾN CHUYỂN TRƯỚC TẾT MẬU THÂN (1968)
Vào đầu tháng 7-1967, tại Hà Nội, các cuộc họp quan trọng của Bộ chính trị và Quân uỷ Trung ương đảng Lao Động, duyệt y kế hoạch phát động cuộc tổng công kích và tổng khởi nghĩa vào dịp Tết Mậu Thân (1968). (Don Oberdorfer, sđd. tr. 54). Trong thời gian nầy, tướng Nguyễn Chí Thanh chết ngày 6-7-1967 ở Hà Nội. Phạm Hùng được gởi vào Nam để thay thế Nguyễn Chí Thanh, giữ chức bí thư Trung ương cục miền Nam, điều khiển cuộc chiến. (James J. Wirtz, The Tet Offensive, New York: Cornell University Press, 1994, tr. 52.)
Tại BVN, giữa năm 1967, đảng Lao Động ra tay lần chót, bắt giam tất cả những thành phần theo chủ trương hòa dịu giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau của Khrushchev, tức những thành phần không đồng ý với cuộc chiến tranh xâm lăng NVN. Đảng Lao Động lúc đó gán cho họ tội danh là thành phần “xét lại”, âm mưu “chống đảng”. Đó là các ông Hoàng Minh Chính, Vũ Đình Huỳnh, Đặng Kim Giang, và khoảng 40 nhân vật khác, trong đó có cả trí thức, văn nghệ sĩ.
Nhân dịp lễ kỷ niệm 50 năm Cách mạng tháng Mười Liên Xô, Lê Duẩn, bí thư thứ nhứt đảng Lao Động cùng hai uỷ viên Bộ chính trị là Võ Nguyên Giáp, bộ trưởng Quốc phòng và Nguyễn Duy Trinh, bộ trưởng Ngoại giao lên đường vào cuối tháng 10-1967 qua Moscow dự lễ.
Trên đường đi, phái đoàn Lê Duẩn ghé qua Bắc Kinh xin quân viện, trình bày kế hoạch mới theo quyết định của Bộ chính trị VNDCCH vào tháng 7 vừa qua. Trung Cộng hứa gởi qua BVN 300,000 lính phòng không và công binh, cung cấp hoả tiễn 107 ly, 240 ly, quân dụng, lương khô, thuốc men. (Chính Đạo, Mậu Thân 68…, sđd.tr. 32.)
Tại Moscow, Liên Xô chấp thuận cho BVN thêm đại bác 130 ly, chiến xa T54, phản lực cơ Mig 21 và các loại võ khí nặng khác. (Hoàng Lạc, Hà Mai Việt, Nam Việt-Nam, 1954-1975, những sự thật chưa hề nhắc tới, Texas: 1990, tr. 77.) Cũng trong dịp nầy, để chứng tỏ một lần nữa tình thân thiện Xô Việt, những nhà lãnh đạo Xô Viết quyết định tặng Hồ Chí Minh huân chương Lenin. (Ralph Smith, “Thập niên cuối cùng của cuộc đời Hồ Chí Minh”, Lê Đình Thông dịch, đăng trong tuyển tập nhiều tác giả, Hồ Chí Minh, sự thật về thân thế và sự nghiệp, Paris: Nxb. Nam Á, 1990, tr. 125.)
Từ khi chiến tranh Việt Nam mở rộng, Hoa Kỳ vận động nhiều chiến dịch ngoại giao khắp nơi trên thế giới, tìm cách chấm dứt tranh chấp. Vào năm 1967, BVN cho biết chỉ thương thuyết khi Hoa Kỳ ngưng ném bom vô điều kiện BVN. Hoa Kỳ trả lời sẵn sàng ngưng ném bom với điều kiện BVN không được lợi dụng thời gian ngưng ném bom để xâm nhập quân đội vào NVN.
Trong khi việc ngoại giao còn là quả bóng thăm dò qua lại giữa các bên, nhân dịp năm hết Tết đến, đài phát thanh Hà Nội đưa ra lời tuyên bố ngày 19-10-1967 của nhà nước BVN, tự nguyện ngưng bắn từ 01G:00 sáng giờ Hà Nội ngày 27-1-1968 đến 01G:00 sáng giờ Hà Nội ngày 3-2-1968, tức trong 7 ngày.(Wikipedia.org. Chữ khóa: “Sự kiện Tết Mậu Thân.)
Ngày 17-11-1967, mặt trận DTGPMNVN đề nghị hưu chiến 3 ngày trong dịp lễ Giáng Sinh năm 1967, ba ngày lễ Tết dương lịch năm 1968 và 7 ngày Tết âm lịch Mậu Thân. (Don Oberdorfer, sđd. tr. 70.)
Chính phủ VNCH thông báo ngày 15-12-1967 sẽ hưu chiến 24 giờ trong dịp lễ Giáng Sinh và Tết dương lịch, hưu chiến 48 giờ trong dịp Tết âm lịch. (Chính Đạo, Mậu Thân 68 …, sđd. tr.342.)
Như thế là cả hai bên người Việt Nam đang đánh nhau đều đồng ý hưu chiến nhân các ngày lễ Giáng sinh, Tết dương lịch và Tết âm lịch. Tuy nhiên vẫn có kẻ âm thầm mưu mô đánh lén …
Nhằm làm lạc hướng dư luận và sự tính toán của các giới lãnh đạo Hoa Kỳ cũng như VNCH, CS dịu giọng vào đầu năm 1968. Vào dịp Tết dương lịch 1968, bộ trưởng Ngoại giao Bắc Việt là Nguyễn Duy Trinh tuyên bố muốn mở các cuộc hòa đàm và tiếp xúc mật với Hoa Kỳ. Thủ tướng BVN Phạm Văn Đồng cũng ngỏ ý sẵn sàng hòa đàm nếu Mỹ ngưng ném bom, và Đồng còn nhờ một viên đại diện Romania làm trung gian dàn xếp giữa Hoa Kỳ và BVN. (Hoàng Lạc, Hà Mai Việt, Nam Việt-Nam, 1954-1975, những sự thật chưa hề nhắc tới, Texas: 1990, tt. 77-78.) Hà Nội loan báo sẽ thả ba tù binh Hoa Kỳ vì lý do nhân đạo để đáp ứng những nỗ lực của chính phủ Hoa Kỳ trong việc tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Việt Nam. (Chính Đạo, Mậu Thân68 …, sđd. tr. 17.)
Tại NVN, từ ngày 1-11-1967 diễn ra trận đánh đẵm máu kéo dài nhiều ngày tại Lộc Ninh, thuộc tỉnh Phước Long. Đến gần Tết âm lịch, Việt cộng tung quân tấn công các cứ điểm quân sự ở Cao nguyên Trung phần, và đưa ba sư đoàn chính quy là 325C, 304 và 308 bao vây và pháo kích dữ dội Khe Sanh (Quảng Trị), gần vùng giới tuyến giữa hai miền Nam Bắc, từ ngày 20-1-1968. Các nhà lãnh đạo VNCH, Hoa Kỳ, và cả thế giới nữa, rất quan tâm đến tình hình Khe Sanh, và lo lắng một cuộc đọ sức lớn lao sắp bùng nổ tại đây giữa hai bên như một Điện Biên Phủ mới. (Johm S. Bowman, The Vietnam War: Day by Day, New York: Mallard Press, 1989, tr. 118.)
Trong khi đó, CS âm thầm tiếp tục chuẩn bị các cuộc tấn công vào thành phố. Ngày 2-1-1968, tại cao nguyên Trung phần, quân đội Hoa Kỳ tịch thu được một tài liệu có đầy đủ kế hoạch CS tấn công Pleiku và Kontum. Ngày 15-1, tại Khe Sanh, một sĩ quan CS hồi chánh cho biết sẽ có chiến dịch lớn tại vùng giới tuyến.
Với nhiều tin tức tình báo khác, Bộ tư lệnh quân đội Hoa Kỳ tại Việt Nam ra lệnh báo động và thông báo cho phía VNCH biết, đồng thời yêu cầu VNCH hủy bỏ lệnh hưu chiến nhân dịp Tết nguyên đán, nhưng tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và đại tướng Cao Văn Viên, tổng tham mưu trưởng quân đội VNCH, chỉ đồng ý bãi bỏ hưu chiến tại Vùng 1 chiến thuật, và rút bớt 24 tiếng đồng hồ hưu chiến trên toàn quốc. (Chính Đạo, Mậu Thân 68…, sđd. tt. 31-32, 344. Trước năm 1975, VNCH được chia thành 4 vùng chiến thuật (CT): Vùng 1 CT: từ Quảng Trị vào đến Quảng Ngãi; Vùng 2 CT: từ Bình Định đến Bình Thuận và Cao nguyên từ Kontum xuống tới Di Linh; Vùng 3 CT: từ Biên Hòa tới phiá Bắc sông Tiền; Vùng 4 CT: từ Mỹ Tho tới Cà Mau.}
Một dấu hiệu nữa về việc CS sẽ tổng tấn công trong dịp Tết Mậu Thân là tại Bình Định (thuộc Quân đoàn 2 và Vùng 2 CT), chính quyền VNCH bắt được trước sau 10 cán bộ CS với những tài liệu quan trọng ngày 29-1-1968 (30 Tết), trong đó có cả máy ghi âm sẵn lời phát thanh kêu gọi dân chúng tổng khởi nghĩa. Tỉnh trưởng Bình Định đã báo cáo vụ việc lên thượng cấp, nhưng bộ Tư lệnh Vùng 2 không mấy quan tâm. Vị tư lệnh vùng nầy là trung tướng Vĩnh Lộc lại bỏ về Sài Gòn ăn Tết.
Lúc đó, dư luận chung ở trong cũng như ngoài nước tin tưởng sự hiện diện của gần 500,000 quân Mỹ tại Việt Nam sẽ bảo đảm an toàn cho VNCH, nhứt là CSBVN và MTGP đều tuyên bố hưu chiến nhân dịp Tết thiêng liêng của dân tộc. Hơn nữa, do CS vừa tuyên truyền vừa chuyển quân đe dọa Khe Sanh, nên mọi người chú tâm đến trận chiến ở Khe Sanh, mà ít chú ý đến những diễn tiến chung quanh các thành phố rộn rịp khác thường trong những ngày trước Tết.
Về phía Hà Nội, sau sáu tháng nghiên cứu, chuẩn bị, ngày 21-1-1968, Bộ chính trị đảng Lao Động họp lần chót, quyết định bất ngờ tổng tấn công trong dịp hai bên tuyên bố hưu chiến (dân gian gọi là đánh lén) đêm Giao thừa Tết Mậu Thân tại NVN (đêm 29 rạng 30-1-1968).
Thế là máu lửa tang thương sẽ trút lên đầu người dân vô tội ở NVN trong những ngày Tết thiêng liêng của dân tộc!
TRẦN GIA PHỤNG

‘Quy Định 102’ là ‘Có Một Không Hai’ !


Trong ý định xây dựng đảng cộng sản vững mạnh, mới đây Bộ Chính trị đề ra « Quy định 102 », một quyết định về xây dựng đảng rất khắt khe, đó là trong đảng, bất cứ đảng viên nào, hễ lên tiếng đòi tách riêng 3 quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp (tam quyền phân lập), đòi tự do hoạt động cho các tổ chức xã hội công dân và đòi đa nguyên đa đảng là lập tức phải bị khai trừ ra khỏi đảng.
Xưa nay trong các văn kiện chính thức của đảng, trong Chính cương, Điều lệ của đảng, chưa bao giờ có quy định nào nghiêm ngặt, chặt chẽ đến mức kỳ lạ như thế. Vì vậy có người gọi Quy định 102 là quy định « có Một không Hai ».
Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng tốt nghiệp Tiến sỹ môn Xây dựng đảng, trước cơn suy thoái toàn diện của đảng, đã nhắm mắt đi một bước thúc đẩy thêm quá trình độc đoán hóa, phi dân chủ hóa của đảng, trong khi lẽ ra phải đổi mới đảng theo hướng dân chủ hóa và quần chúng hóa trong một nền chính trị hiện đại, văn minh.
Đây có thể là một chủ trương mù quáng liều lĩnh do khủng hoảng tâm thần, dẫn đến chỗ đảng tự làm mất thêm tín nhiệm trước nhân dân và thế giới hiện đã xuống rất thấp.
Trong đảng hiện nay, đặc biệt là trong số đảng viên cấp cao, giáo viên, trí thức, luật sư, đảng viên và đoàn viên thanh niên cộng sản trẻ, có không ít người phát biểu công khai mong muốn đảng từ bỏ học thuyết Mác-Lê, từ bỏ chủ nghĩa xã hội mù mờ và chủ nghĩa cộng sản hoang tưởng, xây dựng một đảng xã hội dân chủ hợp thời đại, có tam quyền phân lập kiểm soát kiềm chế nhau, có tổ chức xã hội dân sự đông đảo… Chủ trương trên đây càng làm cho đảng chia rẽ thêm và có thể đổ vỡ, do trong thời mở cửa đông đảo đảng viên được tiếp cận với nhiều sự thật và với thế giới dân chủ rộng lớn.
Chủ trương coi các đảng viên tiến bộ, thức thời, có quan điểm 3 quyền phân lập và mong muốn mở rộng các tổ chức xã hội dân sự, đòi đa nguyên đa đảng là lạc hậu, chống đảng, coi họ là công dân loại 2, không những là chủ trương chia rẽ đảng rất nguy hiểm, nhất là khi đảng đã tan vỡ thành những băng nhóm lợi ích riêng tư. Điều nguy hiểm không kém là nó sẽ làm cho Việt Nam mất đi rất nhiều bạn bè trên thế giới.
Có thể nói chỗ dựa của nước CHXHCH Việt Nam hiện nay chủ yếu là thuộc về các nước dân chủ văn minh, các nước theo tam quyền phân lập, đa nguyên đa đảng và cổ vũ sự hình thành các tổ chức xã hội dân sự đông đảo. Chỗ dựa tài chính quan trọng là Ngân hàng Thế giới WB và Quỹ tiền tệ quốc tế IMF, là các tổ chức tài chính mang bản chất nền dân chủ đa đảng, rất coi trọng sở hữu tư nhân theo công pháp quốc tế.

Các nước viện trợ và đầu tư cho Việt Nam quy mô lớn theo chương trình ODA và FDI đều là các nước dân chủ đa đảng thuần thục, như Nhật Bản, Ân Độ, Nam Hàn, Úc, Canada, Liên Âu, Thụy Điển, Đan Mạch… đều là những nước dân chủ vững bền, chủ trương tam quyền phân lập rạch ròi và chủ trương phát triển các tổ chức xã hội công dân không hạn chế. Họ sẽ suy nghĩ ra sao khi đảng Cộng Sản lên án kịch liệt những người có lập trường như thế ở trong nước và coi đó là những công dân loại 2 cần phải khai trừ ra khỏi đảng?
Phải chăng ông Tổng Trọng đã ngày càng ngả hẳn về phía Bắc kinh, chỉ coi sự viện trợ và hợp tác với Trung Quốc là có lợi, trong khi trên thực tế chứa đựng những thất bại và hiểm nguy lớn nhất, lũng đoạn nền chính trị, kinh tế tài chính một cách nặng nề. Ta bị Trung Cộng nhập siêu cực lớn, với hàng giả, hàng nhái, hàng độc lan tràn cả nước, các công trường, nhà máy họ xây dựng kéo dài với chất lượng thấp, kỹ thuật cực lạc hậu của thế kỷ XIX, XX, với nguy cơ từ hiểm họa Bôxit như hàng trăm quả bom nổ chậm đặt trên Tây Nguyên, mái nhà lớn của đất nước ta.
Với chủ trương cực đoan giáo điều trên đây, ông Tổng Trọng và Bộ Chính trị đi thêm một nước cờ lẩm cẩm, như tự lấy gạch ghè vào chân mình, tự cô lập mình, làm cho các nước dân chủ chân chính trên toàn thế giới e dè xa lánh, tự mình phủ định thái độ thiện chí khôn ngoan, coi mọi nước là bè bạn để kết thân và hợp tác.
Bùi Tín (Blog VOA)

Ám sát Giáo sư Nguyễn Văn Bông: Chuyện cũ, ý nghĩa mới


user posted image
Cách đây đúng 40 năm một chính khách miền Nam tên là Nguyễn Văn Bông bị ám sát chết.  Khoảng 10 năm trước câu chuyện ông bị ám sát được tiết lộ, và nay câu chuyện đó được tiết lộ một lần nữa trên Dân Việt qua lời thuật của chính người chủ mưu (“Tôi ám sát người sắp làm thủ tướng Sài Gòn”). Đặt trong bối cảnh ngày nay khi Việt Nam đang chống khủng bố, câu chuyện này thật là ... khó nuốt (hay nói theo tiếng Anh là distasteful). Khó hiểu nổi tại sao báo chí Việt Nam có vẻ thích ca ngợi những chuyện bạo động như thế này.


Ngày 30/4/2011 có đến hai bài báo đáng chú ý.  Bài thứ nhất là “Chân dung nữ du kích từng mưu sát Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu” đăng trên Dân Trí kể về chuyện mưu sát ông Nguyễn Văn Thiệu.  Nhưng bài đó không “nổi” bằng bài Tôi ám sát người sắp làm thủ tướng Sài Gòn” đăng trên Dân Việt kể lại tình tiết chung quanh việc giết chết Giáo sư Nguyễn Văn Bông.  Ngày mà nói theo nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt là có triệu người vui bên cạnh triệu người buồn mà có những bài báo mang tính bạo động, chết chóc như thế thì quả là khó đọc, nhất là trong lúc Việt Nam đang chống khủng bố. Nhưng bài báo thứ hai khơi dậy lịch sử của một thời đầy biến động ở miền Nam có liên quan đến nhân vật Nguyễn Văn Bông.


user posted image
GS. Nguyễn Văn Bông (1929-1971)

Có lẽ cần phải có vài dòng về thân thế của ông Nguyễn Văn Bông.  Ngày xưa, khi tôi lớn lên thì chỉ nghe nhiều về ông, chứ chẳng biết chi tiết thân thế ra sao, nên bây giờ phải nhờ đến wikipedia vậy.  Theo wikipedia, ông sinh ngày 2/6/1929 tại Gò Công (Tiền Giang) trong một gia đình lao động. Ông nổi tiếng là một học sinh học giỏi và tự lập.  Năm 12 tuổi đã tự làm những nghề như sửa xe đạp, phụ đánh máy, quét dọn trường học để kiếm tiền đi học (vì cha mẹ li dị).  Ông tự đi du học bên Pháp, tốt nghiệp với bằng tú tài, cử nhân luật từ Đại học Sorbonne (1956), tiến sĩ chính trị học (1960), thạc sĩ công pháp quốc tế (1962). Ông về nước dạy học, và sau này giữ chức viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh (thời ông Thiệu). Cuối năm 1968 ông làm chính trị, thành lập Phong trào Quốc gia cấp tiến, một tổ chức đối lập với chính phủ của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.  Ông bị mưu sát lần đầu vào năm 1968, nhưng đến lần 2 (1971) ông bị ám sát chết lúc mới 42 tuổi.  Gs Nguyễn Văn Bông qua đời để lại vợ mới 30 tuổi, hai trai và một gái.  Sau 1975, vợ ông là Lê Thị Thu Vân, còn gọi là “Cô Út” (người ông gặp ở Paris) bà tái giá với một nhà ngoại giao Mĩ là Lacy Wright, và lấy tên mới là Jackie Bông Wright.  Sau này bà có viết và xuất bản một cuốn sách giống như hồi kí có tựa đề là Autumn Cloud: From Vietnamese War Widow to American Activist (Mây mùa thu: từ một góa phụ chiến tranh đến một người hoạt động xã hội).

Lúc mới nghe tin ông bị ám sát, phu nhân ông là bà Thu Vân tố cáo thủ tướng Trần Thiện Khiêm là thủ phạm giết hại chồng bà. Lời tố cáo này xuất phát từ suy luận rằng Gs Nguyễn Văn Bông đã nhận lời làm thủ tướng trong chính phủ Nguyễn Văn Thiệu (và thế là ngăn chận bước đường công danh của ông Trần Thiện Khiêm – người sau này là thủ tướng).  Thế nhưng bà Thu Vân đã sai.  Người ám sát Gs Nguyễn Văn Bông là ônng Vũ Quang Hùng, tức tác giả bài viết dưới đây.  Ông Vũ Quang Hùng, theo như một nguồn tin, lúc đó là sinh viên năm thứ ba Đại học Khoa Học Sài Gòn (tức Đại học Khoa học Tự nhiên ngày nay) và là thành viên của tổ trinh sát vũ trang của Ban An Ninh T4.  Còn người ngồi sau xe honda là Lê Văn Châu như trong bài báo tường thuật là trung úy quân đội VNCH nhưng đồng thời cũng là cơ sở của An Ninh T4.  Nhưng chi tiết về cuộc ám sát thì chỉ mới tiết lộ gần đây, nhất là qua bài báo tuần này.  Theo lời kể trên Dân Việt thì hai người trinh sát giết ông bằng cách ném cái cặp da chứa chất nổ và lựu đạn dưới gầm xe của ông đang ngừng tại đèn đỏ ngã tư cao Thắng – Phan Thanh Giản.  Giáo sư Nguyễn Văn Bông chết tại chỗ cùng những người thân cận ông (3 vệ sĩ và 1 tài xế).

Không thấy trong bài viết tại sao người ta phải giết một vị trí thức như thế.  Trong bài báo trên Dân Việt không thấy nêu lí do phải hạ sát ông Nguyễn Văn Bông, mà chỉ có những lời kể về kế hoạch thủ tiêu ông.  Không biết các bạn thì sao, chứ tôi đọc bài này dù chỉ là muốn tò mò tìm hiểu nhưng vẫn thấy nói theo tiếng Anh là distasteful quá.  Người đọc thử đặt mình trong vai trò con hay bà con của Giáo sư Nguyễn Văn Bông, người đọc sẽ nghĩ gì?  Cướp đi sinh mạng của một người là một hành động khó mà ca ngợi được, huống chi đây là một việc giết người có toan tính cẩn thận.

Câu chuyện ám sát Gs Nguyễn Văn Bông làm tôi nhớ đến chuyện ám sát dân biểu John Newman ở Sydney.  Câu chuyện hơi dài, nhưng tôi tóm tắt theo cách hiểu của tôi.  Ông Ngô Cảnh Phương (sinh năm 1954) là một người Việt tị nạn ở Úc, sau một thời gian làm ăn, ông cũng khá thành công và có tiền.  Ông tham gia chính trường địa phương, trở thành đảng viên của Đảng Lao Động, và có ý định ra tranh cử dân biểu.  Đối thủ của ông là John Newman (một di dân từ Đông Âu), đương kim dân biểu, cũng là người của Đảng Lao Động.  Hai người không ưa nhau.  Nhưng ông Ngô Cảnh Phương có xu hướng thắng thế hơn Newman, và vì thế ông Newman rất sợ mất ghế.  Đêm 5/9/1994, John Newman bị bắn chết tại nhà sau khi tham dự một phiên họp của chi bộ đảng Lao Động, trở về. Cảnh sát nghi ông Ngô cảnh Phương lúc đó là nghị viên của Hội Đồng Thành Phố Fairfield (nghị viên cũng giống như chức hội đồng huyện vậy) là người chủ mưu cuộc ám sát.  Sau nhiều điều tra, tốn rất nhiều tiền, đến ngày 13/3/1998, cảnh sát bắt ông Phương và hai người khác là Đào Quang và Trần Văn Tuấn.  Sau đó là một loạt phiên tòa với nhiều tình tiết bất thường, ngày 29/6/2001 ông bị tuyên án tù chung thân vì tội mưu sát, nhưng Đào Quang và Trần Văn Tuấn thì được tha bổng  Cần nói thêm rằng, cảnh sát không hề tìm được bằng chứng để kết tội ông Phương, họ chỉ kết tội ông mưu sát, còn kẻ cầm súng bắn thì cho đến nay vẫn chưa biết là ai!  Năm 2004, nhiều người Úc bênh ông Phương trưng bày bằng chứng và đòi hỏi phải xử lại, nhưng tòa vẫn kết án ông Phương.  Đến năm 2008, những người Úc ủng hộ ông Phương một lần nữa đệ đơn kháng án, và tòa lại phải xử tiếp, và đến năm 2009 thì vẫn y án.  Câu chuyện cho thấy ở Úc (hay bất cứ một nước nào có luật pháp nghiêm chỉnh cũng vậy) giết người hay mưu sát là một tội rất nghiêm trọng.  Không thể biện minh việc mưu sát bằng lập luận đối lập chính trị.

Chính trường Việt Nam thì có rất nhiều vụ mưu sát và ám sát.  Cả hai phe đều dính dáng vào những hành động giết người.  Cơ quan tình báo CIA cũng thế.  Nhưng có cái khác là CIA thì giữ kín mít những chi tiết giết người của họ, còn Việt Nam thì có vẻ “vô tư” công bố những tình tiết giết người!  Đạo đức làm người không cho ai gây hại đến người khác huống chi là giết người.  Đọc qua lời kể trên Dân Việt của người chủ mưu, chúng ta dễ dàng thấy đội ám sát lên kế hoạch rất kĩ, chính xác đến từng giây phút.  Tính chính xác của họ thật đáng nể.  Nhưng chỉ có điều tính chính xác đó đáng lẽ nên phục vụ cho khoa học thì tốt hơn là để cướp đi sinh mạng của một người trí thức.

Ở nước ta có một nghịch lí: những sự kiện đáng được bạch hóa nhưng lại không được; ngược lại có những sự kiện không cần bạch hóa (vì rất dễ làm đau lòng nhiều người) nhưng lại được bạch hóa như là một cách xưng tụng!  Có những điều nên để cho đi vào quên lãng chứ không nên nhắc đi nhắc lại như là một kì tích.  Khơi lại sự việc ám hại người chỉ làm đau lòng thân nhân của người kém may mắn.  Người bị sát hại đã về bên kia thế giới, và người sát hại cũng chắc qua tuổi lục tuần và gần đất xa trời, tức ở độ tuổi bao dung hơn.  Chỉ hi vọng những tình tiết giết người như thế không còn xuất hiện trên báo chí nữa.  Một khi sát hại được dùng như là một phương tiện để đạt được mục tiêu, thì mục tiêu đó chẳng có gì là cao cả.

NVT

Giáo sư Nguyễn Văn Bông qua lời kể của tác giảTrần Văn Chi
Những ai may mắn gần gũi với Nguyễn Văn Bông chắc còn nhớ lúc mới về Sài Gòn, còn ở tạm tại một khách sạn nhỏ trên đường Kỳ Ðồng, ông thạc sĩ độc thân, đẹp trai hồn nhiên mặc chiếc áo thun rách 3 lỗ ra tiếp đón bà con bạn bè đến mừng! Nguyễn Văn Bông mộc mạc, thiệt thà, đơn giản, là con người “trước sao, sau vậy”. Rồi ông được mời giảng dạy chánh thức tại đại Học Luật Khoa Saigon, đến 15 Tháng Mười Một năm 1964 được cử làm viện trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, Nguyễn Văn Bông vẫn vậy.

Ðối diện với ông trên bộ ghế salon bằng gỗ cũ kỹ tại căn nhà của ông do nhà nước cấp, trước trường Nữ Trung Học Gia Long vào thập niên 70, tôi nói chuyện với ông như người anh em, người đồng hương, người “bạn tri kỷ”, dầu tôi với ông cách biệt tuổi tác và địa vị.

Ðó là cái lớn của Nguyễn Văn Bông mà tôi ít tìm thấy nơi những tri thức cũng như chánh khách mà tôi hân hạnh tiếp xúc lúc bấy giờ.

Làm viện trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, nơi đào tạo những con người lãnh đạo đất nước, những ông chủ quận, chủ tỉnh, quan chức cao cấp... nhưng Nguyễn Văn Bông không coi mình là quan chức. Ông trước sau chỉ là người thầy, người anh, người bạn với mọi người kể cả học trò của ông.

Ông Nguyễn Văn Bông từ Pháp về nước lúc tình hình chánh trị ở miền Nam Việt Nam đang trong thời kỳ xáo trộn: 18 trí thức nhóm Tự Do Tiến Bộ bị đàn áp, do ngày 26 Tháng Tư năm 1960 nhóm này cho phổ biến tuyên ngôn yêu cầu chánh phủ cải tổ; Phật Giáo chống lại chánh sách kỳ thị tôn giáo của chính quyền Ngô Ðình Diệm lên cao điểm với vụ tự thiêu của Hòa Thượng Thích Quảng Ðức tại ngã tư Lê Văn Duyệt- Phan Ðình Phùng lúc 11 giữa trưa ngày 11 Tháng Sáu năm 1963...

Nguyễn Văn Bông dầu được chánh quyền mời về, nhưng ông không e dè đăng đàn thuyết trình đề tài “Ðối lập chánh trị trong chế độ dân chủ” ngày 1 Tháng Tám năm 1963, nhân buổi lễ khai giảng năm học, trước cử tọa gồm viện trưởng, khoa trưởng, giáo sư cùng hàng ngàn sinh viên. Không kể nội dung bài thuyết trình, thái độ của người thầy Nguyễn Văn Bông đã làm cho sinh viên cùng đồng sự của ông nể trọng, kính phục. Ðó là đức độ kẻ sĩ. Và mấy ai làm được?

Ông không chọn thái độ ở ẩn như Phan Văn Trị, từ quan như Vũ Văn Mẫu. Lối xuất sử của Nguyễn Văn Bông làm cho ông trở thành con người nổi trội bấy giờ.

Sau Cách Mạng 1 Tháng Mười Một, ông đảm nhận các chức vụ viện trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, cố vấn cho Tối Cao Pháp Viện, ủy viên Hội Ðồng Quản Trị Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam. Tới lúc này ông Viện Trưởng Nguyễn Văn Bông vẫn thường về quê, tìm món khô “hắc cấy”, món ngon đặc sản Vàm Láng của ông. Nghe ông thích thú kể chuyện con hắc cấy, chuyện làm gỏi da cá đuối mà tưởng chừng đang nói chuyện với lão nông, hay người đánh cá. Cung cách Nguyễn Văn Bông đã thâu hút mọi người và làm mọi người đến với ông. Rồi ông được mời hoạt động, làm chánh trị, bởi anh em thấy ở ông cái đức độ của con người lãnh tụ thật sư, có tấm lòng, có cái Tâm. Ông làm chánh trị như nhà tu hành thiền.

===

http://www.danviet.vn/41332p1c24/toi-am-sat-nguoi-sap-lam-thu-tuong-sai-gon.htm

Tôi ám sát người sắp làm thủ tướng Sài Gòn

(Dân Việt) - Trưa 10.11.1971. Một tiếng nổ long trời tại ngã tư Cao Thắng - Phan Thanh Giản khiến ông Nguyễn Văn Bông - Giám đốc Học viện Quốc gia Hành chính, người chuẩn bị nắm chức thủ tướng (ngụy) chết tại chỗ.


NTNN trân trọng giới thiệu bài viết của ông Vũ Quang Hùng - người đã theo dõi, lên phương án tấn công và trực tiếp dự trận đánh này.

Vào cuộc

Trung tuần tháng 10 năm 1971, ngay sau khi nhận lệnh của cấp trên về mục tiêu cần diệt là Giáo sư Nguyễn Văn Bông, việc đầu tiên là tôi điểm lại tất cả anh chị em trong đội do tôi (Vũ Quang Hùng, bí danh Ba Điệp) làm đội trưởng. Đội trinh sát võ trang mang bí số S1 hoạt động nội thành Sài Gòn-Chợ Lớn thành lập chưa đầy một năm, gồm 11 người (kể cả tôi).

Tôi nhớ dặn dò của đồng chí Tám Nam - Phó ban An ninh T4 (tức khu vực Sài Gòn-Gia Định): “Để bảo đảm bí mật, chúng ta sẽ đặt cho mục tiêu bí số G.33. Cần giữ bí mật đến phút chót và theo tin tức tình báo, G.33 đang chuẩn bị lên nắm ghế thủ tướng. Nếu G.33 đã nắm chức, sẽ rất khó hành động vì khi ấy việc bảo vệ ông ta sẽ khác hẳn. Và nếu tình huống này xảy ra, cách mạng có thể gặp khó khăn hơn bởi Nguyễn Văn Bông là một trí thức có uy tín và chính quyền ngụy chuyển từ quân sự sang dân sự mọi diễn tiến sẽ có lợi cho địch”.
Giáo sư Nguyễn Văn Bông là thạc sĩ công pháp quốc tế đầu tiên của Việt Nam, tốt nghiệp tại Pháp, đang nắm chức Giám đốc Học viện Quốc gia Hành chính, đồng thời là Chủ tịch Phong trào Cấp tiến, một tổ chức chính trị chống cộng.

Tôi quyết định tự mình trinh sát mục tiêu, đề ra phương án hành động. Mặt khác, tôi chuẩn bị vũ khí để thực hiện trận đánh.

Sau khoảng nửa tháng bám sát mục tiêu, tôi hầu như nắm chắc quy luật đi lại của G.33: Buổi sáng ra khỏi nhà hơi thất thường, có khi không tới chỗ làm. Nhưng hễ đã vô Học viện Quốc gia Hành chính là thế nào ông ta cũng rời Học viện lúc 11 giờ 45 để trở về nhà. Lộ trình từ Học viện về nhà cũng không bao giờ thay đổi: Theo đường Trần Quốc Toản (nay là 3.2), quẹo phải qua Cao Thắng, đến ngã tư Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) thì rẽ trái.

Tôi cũng nói thêm về việc bảo vệ ông Bông vào thời gian này. Ông di chuyển trên xe hơi Ford Falcon màu đen. Ngồi trên xe hơi luôn có một cận vệ. Chạy theo bảo vệ xe hơi của ông thoạt đầu có hai xe gắn máy, nhưng từ sau khi báo chí đăng tin ông có thể lên nắm chức thủ tướng, số xe gắn máy tăng lên từ ba tới bốn chiếc, mỗi xe đều chở đôi.

Đầu tháng 11.1971. Tôi trình bày vắn tắt ba phương án hành động rồi gửi về căn cứ đặt tại An Phước, Bến Tre. Đã đến lúc tìm người cụ thể bắt tay hành động. Tôi gặp Năm Tiến - đội phó S1, trao đổi tình hình và yêu cầu, hỏi anh ta có dám “vào trận” hay không, tuy vẫn chưa cho biết đối tượng cũng như phương án tấn công nhằm bảo đảm bí mật. Năm Tiến hăng hái nhận lời, nói Tư Xá, một trinh sát trong đội, cũng đang nóng lòng chờ xuất quân.

Cũng cần nói thêm, lúc này tôi đã có 6 trái lựu đạn “da láng”, thêm khẩu Colt 45. Cho nên, trong thư gửi về căn cứ tôi viết nếu chấp nhận phương án ba (ném lựu đạn, mìn DH vào xe của G.33 tại ngã tư Cao Thắng - Phan Thanh Giản) và chỉ cần gửi cho tôi trái DH khoảng 5kg.

Trên nhất trí duyệt phương án 3 đồng ý cả đề xuất nhân sự, hẹn tôi ngày, giờ cụ thể đón giao liên để nhận mìn định hướng.

Tình huống ngoài dự kiến

Tôi cũng tính toán thật chính xác thời gian khoảng từ khi tháo chốt đến khi lựu đạn nổ, thừa đủ thời gian cho trinh sát thoát thân. Vậy là trong óc tôi hình thành cách cấu tạo khối chất nổ: Vì trinh sát hóa trang làm sinh viên nên sẽ hết sức tiện lợi khi mang theo cặp da, trong đó chứa vừa lựu đạn, vừa trái DH. Tôi quyết định luôn “ngày D” để báo cáo về căn cứ: Đó là ngày 9.11.

Vừa nhận trái DH từ căn cứ gửi lên, tôi mua ngay một cặp da và cuộn dây kẽm, mang về gác trọ bắt tay vào việc. Ba lựu đạn da láng cùng trái DH gọn gàng nằm trong cặp. Tuy đã dùng nhiều sợi dây thun cột càng lựu đạn, tôi vẫn chỉ tháo bỏ chốt chính, và dự định khi trao cho Năm Tiến, tôi sẽ dặn kỹ anh ta chỉ kéo bỏ chốt phụ ngay trước giờ hành động. Riêng trái lựu đạn dùng làm “ngòi”, tôi chỉ thay chốt phụ bằng cọng dây kẽm, chốt chính vẫn giữ lại, và việc này cũng phải chờ đến phút chót.

Đến ngày 8 tôi mới nói với Năm Tiến đối tượng cần tấn công cũng như toàn bộ kế hoạch. Cặp da chứa chất nổ và khẩu Colt 45, tôi sẽ trao cho Năm Tiến vào 9 giờ sáng ngày hôm sau, vừa đủ thời gian để anh và Tư Xá kiểm tra kết cấu chất nổ và cách sử dụng. Tôi hẹn gặp Năm Tiến tại một quán cà phê, rồi mới đưa anh ta tới địa điểm cất giấu vũ khí. Tiếp theo Năm Tiến sẽ gặp Tư Xá trao đổi lại toàn bộ sự việc và liền đó hai người bắt tay làm nhiệm vụ… Nhưng thật bất ngờ, vào phút chót Năm Tiến báo tin Tư Xá xin rút, và cả anh ta cũng rút luôn vì không mấy tin tưởng thành công của trận đánh.

Lúc này lòng tôi rối bời. Các đồng chí trong căn cứ sẽ nghĩ sao? Kế hoạch đã lên nay không thực hiện, không lẽ chỉ là một ý nghĩ viển vông, lý thuyết suông? Nếu không nhanh chóng thực hiện phương án, qua ít ngày nữa, ông Bông lên nắm chức thủ tướng, khi ấy nếu muốn diệt mục tiêu chắc chắn phải trở lại từ đầu, kể cả khâu trinh sát.

Lúc này tôi không có ai để bàn bạc, tham khảo ý kiến, mà phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Cuối cùng tôi quyết định tiếp tục hành động. Vấn đề là tìm người thực hiện cụ thể.

Trong đội trinh sát S1 thực tế tôi chỉ còn lại Châu. Nguyên là sĩ quan quân đội, đương nhiên Châu quen với lựu đạn, súng. Và đây là điều hết sức thuận lợi nếu anh ta làm trinh sát số hai – người quăng chất nổ.

Còn trinh sát số một – người chạy xe gắn máy chở trinh sát ném lựu đạn? Phải thành thực nhận định, không ai thuận lợi bằng tôi: Biết rành cũng như nắm vững quy luật đi lại của đối tượng; và hơn hết, đã quen với con hẻm dẫn ra khỏi hiện trường. Vả lại, tôi cũng không thể tìm đâu ra người trong thời gian cấp bách.

Tôi lập tức tìm gặp Châu. Rút kinh nghiệm Năm Tiến, tôi chưa vội trao đổi cụ thể với Châu, mà chỉ hỏi anh dám tham gia một trận đánh tại nội thành có thể nguy hiểm đến tính mạng hay không? Tôi nhớ Châu chỉ hỏi lại ngoài anh ta ra còn ai cùng dự trận, và khi tôi trả lời còn một người nữa là tôi, anh đồng ý ngay. Tôi hẹn sáng ngày mai, lúc 10 giờ trưa, sẽ gặp lại anh giao nhiệm vụ và vũ khí cùng lúc, để thực hiện luôn vào buổi trưa cùng ngày…

Đúng 10 giờ sáng hôm sau, ngày 10.11.1971, tôi chở Châu đến nơi cất giấu vũ khí. Tại đây, tôi kể lại toàn bộ tình hình cho Châu nghe, từ chỉ thị của cấp trên, việc trinh sát đối tượng, phương án đánh, đến vũ khí sử dụng. Chỉ đến khi Châu hỏi “vậy vũ khí đâu?”, tôi mới lôi cặp da ra.

Tôi mở cặp da, để Châu tận mắt thấy trái mìn DH và 3 lựu đạn da láng, trong đó 2 đã được rút chốt chính và cột bằng dây thun, trái thứ 3 còn nguyên chốt chính trong khi chốt phụ đã được thay bằng cọng dây kẽm và đầu kia của dây kẽm xuyên qua cặp da, cột vào quai xách.

Còn khẩu Colt 45, tôi giắt vào bụng mình để Châu không bị trở ngại khi hành động và khi chạy, dặn vạn bất đắc dĩ Châu mới thọc tay vào bụng tôi, rút ra sử dụng.

11 giờ 15, tôi chở Châu lên đường. 11 giờ 25, tôi tấp xe vào quán nước đối diện Học viện. Còn Châu xách cặp làm bộ đứng chờ xe buýt tại trạm gần quán.

11 giờ 40, tôi trả tiền. Đúng 11 giờ 45, phía trong Học viện có bóng người chuyển động về hướng xe hơi. Dù cố trấn tĩnh, tim tôi vẫn đập rộn ràng. Tôi lập tức rời quán, lên Honda, nổ máy, chạy chầm chậm. Châu đã thấy tôi, bước đến sát mé đường. Ba-ri-e ngoài cổng Học viện hạ xuống, chiếc Ford Falcon lao ra rất nhanh, đến nỗi tôi vừa dừng xe đón Châu thì xe hơi đã quẹo ra đường Trần Quốc Toản; và khi Châu lên ngồi trên yên sau Honda thì xe hơi đã vượt qua xe tôi, 3 xe gắn máy chở đôi bám theo.

Không hiểu sao lúc này tôi lại tự nhiên hết hồi hộp mà thanh thản một cách kỳ lạ. Tôi tự nhủ không nên chạy sau xe Ford Falcon, vì có thể sẽ bị đám cận vệ phát hiện, nên tăng ga. Chiếc Honda 67 lướt rất êm, vừa tới ngã ba Cao Thắng đã qua mặt xe hơi.

Honda vẫn chạy trước xe hơi khoảng 5-6m, và cách ngã tư Cao Thắng – Phan Thanh Giản chừng 15m thì đèn tín hiệu giao thông chuyển sang màu đỏ. Tôi dừng Honda để Châu bước xuống, còn tôi vòng Honda qua bên kia đường, đầu xe nhắm ngay con hẻm, gài số một. Phía trước mặt tôi, hơi chếch về bên mặt, là tấm kiếng lớn của một xe hủ tíu-mì. Tôi quan sát phía sau qua tấm kiếng lớn này.

Châu vừa xuống xe thì chiếc Ford Falcon cũng vừa ngừng. Châu tấp vô lề, vòng ra phía sau xe hơi, quăng cặp da xuống ngay gầm xe bên phải, rồi nhanh như chớp, chạy băng qua đường. Đúng lúc Châu chuẩn bị nhảy lên ngồi trên yên Honda thì một tiếng nổ long trời lở đất vang lên, cùng với cột lửa khói vụt bốc lên cao từ chiếc Ford Falcon. Một làn hơi mạnh thổi tạt đến tận chỗ tôi vừa lúc Châu tót lên yên và tôi lập tức siết tay ga, nhả tay côn hết sức nhịp nhàng. Chiếc Honda như muốn cất cao đầu, lao nhanh vào con hẻm…

Khoảng nửa giờ sau ngồi trong gác trọ, nghe Đài Phát thanh Sài Gòn thông báo Giáo sư Bông đã bị ám sát, chết tại chỗ, tôi mới trấn tĩnh trở lại…

Vũ Quang Hùng

Chuyện tù “cải tạo” của Phó Tổng Thanh Tra Ngân Hàng Quốc Gia VNCH - Trần Đỗ Cung







“…Phí phạm “chất xám” như vậy để cho ba chục năm thống nhất đất nước vẫn lạc hậu. Bây giờ kêu gọi trí thức và “chất xám” trở về xây dựng lại nước thì thật khôi hài và có tin được chăng?...”
 
tu_caitao01
 Một bạn thân ở Montréal Canada vừa gửi cho tôi cuốn Pháp ngữ Souvenirs et Pensées, viết bởi Bà Bác Sỹ Nguyễn Thị Đảnh và được Bác Sỹ Từ Uyên chuyển qua Việt Ngữ. Bạn lại khuyến khích tôi nếu có thì giờ thì chuyển qua Anh Ngữ theo sự mong muốn của tác giả. Sau khi đọc tôi thấy đặc biệt ở chỗ tù cải tạo này là một chuyên viên tài chính ngân hàng, khác hẳn trường hợp thường thấy của các sỹ quan trong quân lực. Ông Thảo bị đầy đọa sáu năm rưỡi trời để hy vọng moi các hiểu biết của ông về tài sản Ngân Hàng Quốc Gia.
Bà Bác Sỹ Đảnh nay định cư tại Oslo Na Uy là một phụ nữ miền Nam, Tây học. Phu quân Đỗ Văn Thảo cũng là người Nam, sinh ngày 21 tháng 8 năm 1927 tại Gò Công. Sau khi tốt nghiệp Đại Học tại Pháp ông Thảo đã về làm việc tại Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam từ tháng Tư năm 1955. Ông đã giữ chức Giám Đốc Nha Ngoại Viện rồi Phó Tổng Thanh Tra Ngân Hàng  Quốc Gia cho đến ngày 30 tháng Tư năm 1975. Ông bị đi tù cải tạo tháng 6 năm 1975 rồi bị lưu đầy ra Bắc cho đến tháng 9 năm 1980. Đến tỵ nạn chính trị tại Bergen, Na Uy tháng 12 năm 1981, ông tạ thế tháng Giêng năm 2001 tại Oslo, Na Uy vì trụy tim.
Câu chuyện Bà Bác Sỹ Đảnh kể lại về sự tù tội Việt Cộng của đức lang quân cho thấy đặc biệt có ba khía cạnh. Là người Nam thuần túy, là chuyên viên được huấn luyện công phu và chưa bao giờ liên quan đến quân đội. Nhưng Việt Cộng cưỡng chiếm miền Nam đã hành xử như quân xâm lăng, cầm tù những chuyên viên rồi vơ vét của cải đem về như Phát Xít Đức Quốc Xã khi tiến vào Paris. Sự thiển cận của họ đã đưa đến sự kiệt quệ tột cùng cho đến bây giờ vẫn chưa ngóc đầu lên ngang hàng với các nước lân bang. Nay mở miệng mời chào người Việt nước ngoài trở về đem chất xám giúp nước thì thử hỏi có nghe được không?
Câu chuyện do bà Đảnh kể lại trong thời kỳ gia đình bị kẹt vì lỡ chuyến ra đi của tầu Việt Nam Thương Tín. Những ôn tưởng chỉ được ông Thảo thỉnh thoảng nhắc đến vì ông không muốn trải qua một lần nữa những hình ảnh dã man mà ông đã trải qua. Bà hết sức căm nước Pháp đã hùa theo Việt Cộng chỉ vì thù Mỹ đã không giúp họ xâm chiếm lại xứ Việt Nam trù phú sau khi Thế Chiến II chấm dứt. Bất hạnh cho Việt Nam, trong khi cộng sản Nga Hoa chỉ ngầm giúp Hà Nội thì Mỹ ồn ào đổ quân vào làm mất chính nghĩa của chúng ta đã bị nhóm thiên tả và CS cơ hội bóp méo thành chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Bà viết để vinh danh những ai đã trải qua địa ngục trần gian tù cải tạo Việt Cộng. Và cũng để nói lên lời an ủi tới những ai đã bị phân tán ra bốn phương trời, làm cho không những mất gốc  mà còn mất cả cá tính nữa.

Bà cùng gia đình bị kẹt lại trong cư xá sang trọng của Ngân Hàng nằm trên đường nhỏ hướng ra cầu xa lộ mới. Bà thấy rõ sự chiến đấu dũng cảm của một Trung Đội Nhẩy Dù với 20 binh sĩ chỉ huy bởi một Thiếu Úy trẻ măng có vẻ mới ra trường. Nhìn các quân nhân rắn chắc, nét mặt kiêu hùng và người chỉ huy Thiếu Úy trẻ nhưng chững chạc, bà đã chia xẻ đồ ăn với họ và có cảm tưởng đã cùng họ chiến đấu. Cuối cùng tất cả quân sỹ đã bị hy sinh một cách tức tưởi.

Bà nói: “Ai dám bảo là quân ta không chịu chiến đấu”? Trong khi ấy những phát súng lẻ tẻ của du kích Mặt Trận Giải Phóng quấy rối giữa những tiếng nổ đại pháo. Ngoài đường một sự hỗn loạn không tưởng tượng được khi bọn hôi của nhào vào các nhà vắng chủ và du kích Việt Cộng ngày càng hung hăng tàn ác.

Rồi ông Thảo phải ra trình diện theo lệnh của quân quản Sài Gòn. Ông  thật thà nghĩ rằng vì vợ chồng ông là các chuyên gia thuần túy nên chính thể mới sẽ cần đến những bàn tay xây dựng lại quốc gia. Ông nói với vợ rằng: “Nếu họ không ưa chúng ta thì họ cũng không thể xử tệ với chúng ta. Họ không thể giết hết tất cả”. Một Pol Pot đã làm như vậy, nhưng họ đã thấy là không có lợi gì hết. Tuy nhiên Việt Cộng đã làm những việc tệ hại hơn nhiều. “Chúng tôi không hiểu rõ cái thực tế của cộng sản.

Chúng tôi đã nuôi ảo tưởng rằng cộng sản là một xác tín cao đẹp. Song  đem cái xác tín ấy vào đời sống con người bằng võ lực đã làm mất hào quang lý tưởng và thơ mộng. Và như vậy nó trở nên tầm thường, bẩn thỉu, ích kỷ và man rợ”.

Ngày 15 tháng Sáu năm 1975 bà Đảnh đã chở ông Thảo và các con trên chiếc xe VW Variant đến một ngôi trường bỏ không gần Sở Thú. Ông gập một bạn cũ cùng đi trình diện nên thấy đỡ cô đơn hơn. “Khi chia tay tôi nhìn thấy trong ánh mắt anh ấy sự tiếc nuối, lo âu và tình yêu đằm thắm. Anh chưa biết rằng sự chia tay này kéo giài cả hơn sáu năm rưỡi trời. Ánh mắt sâu thẳm ấy theo tôi mãi mãi ngày đêm và không bao giờ tôi quên được. Hầu hết các gia đình đều chịu hoàn cảnh như vậy, không cha, không chồng. Tôi may mắn thuộc thành phần không làm điều gì sai quấy và được đồng sự mến, không phải loại có nợ máu lớn với nhân dân, nên được gọi đi cải tạo trong một tuần lễ”.

Rồi xảy ra việc vơ vét toàn diện. Tại Bộ Giáo Dục cũ không một cái gì là bị bỏ sót, cục tẩy, cái bút BIC, giấy, tập vở đều bị thu gom chở về Bắc trên các xe vận tải nhà binh đầy ắp. Những cán bộ miền Nam thấy bất bình, “Chúng ta bây giờ thống nhất vậy của cải miền Nam phải được để lại miền Nam vì ở đây cũng cần các phương tiện để xây dựng lại chớ”? Bà nói: “Khi tôi nghĩ dến những đứa con miền Nam đã gia nhập MTGPMN tôi không khỏi khinh bỉ và tội nghiệp. Một số ít có thể là những người yêu nước thật sự tuy nuôi một lý tưởng ngu đần để bị VC xập bẫy. Họ đã làm gì để giúp đỡ quê cha đất tổ? Hay là giúp tay xa lìa sự trù phú, sự phồn thịnh và cả tự do nữa”?

Các cán bộ cộng sản thường vào tư gia mượn những thứ cần dùng. Họ được đối xử tử tế nhã nhặn. Nhưng một hôm một cấp chỉ huy vào nhà. Bà lịch sự rót một cốc nước mát mời thì ông ta túm lấy vai đứa con trai nhỏ bắt húp một ngụm trước. “Tôi đâu có ngu gì mà đầu độc họ ngay tại nhà tôi? Họ ra vào nhiều lần và tôi cảm thấy họ muốn cái gì, có lẽ muốn cái nhà của tôi? Ý tưởng đào thoát manh nha trong đầu tôi. Với sự hiện diện của báo chí và những quan sát viên, nên VC còn tỏ ra dè dặt, không dám ra mặt tham lam áp chế dân chúng. Cũng may là chẳng bao lâu sau cả đoàn quân CS bị chuyển qua Cao Mên”.

Một tháng sau khi trình diện học tập cải tạo không thấy một ai được về nhà. Cậu con trai lớn luôn luôn đạp xe quanh ngôi trường mà cha cậu trình diện thì thấy vắng tanh. Khi đem người trưởng gia đình đi thì tạo ra một không khí bất an và đạt được hai mục đích, vô hiệu hóa người chồng người cha và cùng một lúc kiểm soát được mọi người trong gia đình. Nhiều gia đình chỉ trông cậy vào đồng lương cha chồng đem về hàng tháng thì bây giờ túng quẫn. Và sau hai lần đổi tiền, những người giầu có nay thành nghèo và những ai đã nghèo nay lại càng xơ xác. Sau một tháng quy định chẳng ai được trở về. Thỉnh thoảng có một vài người có lẽ thuộc loại có móc nối hay không nợ máu thấy lẻ tẻ trở về. Một người quen cho biết là chồng bà bị chuyển tới trại Long Thành.
Một loạt xe vận tải nhà binh đến chở các tù nhân đi. Họ không biết là đi tới đâu. Trong đêm tối đến một khu rừng mà họ không biết là Long Thành và bị lùa vào mấy gian trại bằng tre lá và lèn chặt như cá hộp. Ngay sáng hôm sau tù phải bắt tay xây cất các trại giam khác cho những người tới sau. Có cảm tưởng là Việt Cộng không có kế hoạch gì cả, chỉ thực hiện theo nhu cầu xẩy đến và tù nhân phải dựng lấy trại giam cho mình. Mục tiêu quan trọng lúc đó là gom lại và vô hiệu hóa các thành viên của chế độ cũ. Mục đích thứ hai là cách ly quân đội với hành chính. Các cấp hành chính do cán bộ canh giữ còn các quân nhân bị đặt dưới bộ đội và các sỹ quan Việt Cộng canh chừng. Chỗ nào cũng là rừng nên không ai biết được bao nhiêu trại tù rải rác ở đâu.
Mỗi nhà giam có thể lèn chừng 50 tù, mỗi người có được chừng 80 phân để nằm ngủ ngay trên mặt đất. Về đêm phải chịu hơi lạnh của núi rừng và khi mưa phải chịu ướt át. Bà hỏi chồng có nhớ đến cái mùng mà anh cẩn thận gói theo.

Anh nói, “Trong hoàn cảnh ấy mùng đâu có ích gì và một anh bạn khéo tay đã giúp cắt ra may thành một áo trấn thủ dầy dặn với nhiều lớp vải mùng khiến cho anh qua được cảnh rét mướt”! Mỗi đêm có điểm danh trước khi cho vào đi ngủ sau khi cán bộ đã khóa chặt nhà tù.

Đồ ăn thật đơn sơ nhưng còn có gạo nên không bị đói. Cơm được nấu trong các chảo to nên có nhiều cháy là một món ngon mà đứa bé con cô cán bộ nhà bếp luôn luôn chầu chực. “Nhà tôi sực nhớ đến đứa con nhỏ ở nhà mà lòng bồi hồi xúc động”! Vấn đề nước khó khăn hơn vì chỉ có mỗi một cái giếng và khi lao động về phải sắp hàng tắm rửa. Những người lớn tuổi chậm chân nên đến lượt mình thì đã tới giờ điểm danh trở về phòng nên không bao giờ được dùng nước.

Tù phải viết bản báo cáo mỗi ngày, nói rõ những gì bản thân họ đã phạm trước kia và những gì cha hay thân nhân họ đã làm. Nay mới thấy sự ích lợi của các cây bút BIC. Các bản báo cáo trở thành ác mộng của tù nhân. Viết ít chừng nào tốt chừng ấy và phải nhớ những gì đã viết để có thể viết lại những báo cáo sau. Ý đồ của quản trại là bắt tù từ bỏ niềm tin, chối bỏ lý tưởng và gia đình, khinh rẻ chế độ cũ và chửi rủa các cấp lãnh đạo cũ. Thật là khó khăn cho những ai thẳng thắn với những nguyên tắc có sẵn hay những người bản chất hiền hòa không biết chửi bậy. Song viết ngắn quá cũng bị nghi ngờ là thiếu thành thật và tù bị gọi lên hạch hỏi đủ điều, chữa đi chữa lại. Kết quả là tù phạm tội nặng hơn để rơi vào bẫy sửa sai không ra thoát.
Có lệnh cho đi thăm tù. Những người như bà Đảnh là công nhân viên phải có giấy phép của cơ quan ghi rõ lý do nghỉ phép. Và chỉ được đem theo tối đa 5 kí thực phẩm và mỗi gia đình chỉ có ba người được đi thăm. Với bốn đứa con, đem đứa nào đi, để đứa nào lại? Trong khi thăm chồng phải ngồi hai bên bàn dài cùng những người khác, có cán bộ đứng đàu bàn lắng nghe. Phải nói to, không được dùng ngoại ngữ. Vợ chồng trao đổi những vấn đề sức khỏe và kinh tế gia đình, bán chác quần áo cho các bà miền Bắc bây giờ ham chưng diện lắm. Khi hết giờ thăm, tù đứng giậy nhặt gói quà trở về nhà giam. Có người còn bị mắng vì ôm hôn người thân hay căn dặn thêm vài điều. Trong phòng những tiếng òa khóc nổi lên như sóng gió trong cơn mưa bão. “Tôi cố nhịn khóc nhưng khi về đến nhà vào phòng tôi bật khóc lệ tràn như suối”.

Từ tháng 10/11, 1976 bà Đảnh không nhận được thư nào của chồng nữa và biết là chồng không còn ở Long Thành. Từ nay gửi thư cho anh phải qua một địa chỉ mới tại hòm thư A-40 khám Chí Hòa. Thư từ quà bánh tối đa 3-5 kí phải gửi qua một địa điểm ở một ngôi trường không xử dụng nữa. Hai đứa con lớn phải đi thi hành các nghĩa vụ công ích không lương, tối phải tạm trú tại những chỗ nào tạm che mưa nắng. Đã có dấu hiệu chống đối ngầm trong giới trẻ. Nhưng chúng bị răn đe, phải cố gắng theo chỉ thị thì cha anh mới được mau chóng tha về. Thật là xảo trá, lợi dụng lòng thương xót cha anh để ép chúng phục vụ.

Một ngày đen tối nhất của tháng 10 năm 1976, các tù được lệnh đổi trại giam. Đây là lúc cán bộ lục lọi khám xét thủ tiêu mọi chuyện. “Chồng tôi ghi chép nhật ký trong một cuốn sổ tay nhỏ hầu mong kể lại cho con những điều đã trải qua. Anh đã vội vã thủ tiêu cuốn sổ”. Tù đươc chất trên các xe vận tải, tay xích người nọ với người kia. Sau hàng giờ đi vòng vo họ bi lùa xuống hầm tầu thủy và chân bắt đầu bị khóa.Tầu đi ngang qua một khu mà nhìn qua lỗ hổng hầm tầu anh nhận ra cây cầu gần nhà, nơi đây vợ con đang ở, rất gần anh nhưng xa, xa lắm. Nước mắt anh dâng trào, không biết đang đi về đâu, xa Sài Gòn vì đây là Tân Cảng.

Chừng 7 tháng sau cái địa chỉ kỳ quái Chí Hòa, có một người tới gập bà Đảnh nhưng không dám vào nhà. Ngó trước ngó sau, phải trái, rồi anh vội nói, “Chồng chị đang bị giam tại miền cực Bắc. Tôi cũng bị giam ở đó nhưng vì vợ tôi là người Đức nên đã nhờ tòa Đại Sứ Tây Đức can thiệp”. Mắt tràn lệ, anh nói tiếp, “Chị biết chúng bắt tôi và anh làm gì không? Ngày ngày gánh phân bón rau và đó là việc nhẹ dành cho người yếu sức”! Bà bật khóc thảm thiết, ngồi bệt xuống vệ đường rồi anh bạn bỏ đi thật nhanh để khỏi bị nhòm ngó.

“Chồng tôi chẳng phải là một ông lớn tại miền Nam mà cũng không phải là các Tướng Lãnh uy quyền. Nhưng anh thuộc loại có thể khai thác được. Họ muốn biết vàng, đô la hay các kho tàng của miền Nam chôn dấu ở đâu. Họ hạch hỏi khai thác bắt làm việc đều đều, nhưng cho là không thành khẩn khai báo nên đầy ra miền Bắc cộng sản”.

Hầm tầu chật chội với các chất thải vệ sinh của tù nên tạo ra một mùi hôi hám khủng khiếp không tả nổi. Hành trình rất dài không ai nhớ rõ. Sau cùng cũng tới hình như Hải Phòng và chuyển lên các xe tải, chân vẫn xiềng xích. Xe chạy qua một số làng xóm, dân làng đua nhau la ó chửi bới và mọi người biết đây là đất địch. Có các bà chửi, “Đồ Tàu Phù khốn kiếp”! Thì ra họ tưởng là tù binh Trung Quốc.

Cán bộ la to, “Đây không phải là tù binh Trung Quốc”. Nhưng họ cũng không dám bảo là tù miến Nam vì họ sợ phản ứng của dân quê thật thà, thương hại hay cùng chia xẻ nỗi đau buồn. Đêm tới thì đến một ven rừng bát ngát. Tù được tháo cùm và lùa sâu vào rừng rậm, đi bộ dăm bẩy cây số và đến một hàng rào bao quanh một số trại. Các cán bộ vào trại, để mặc tù lo liệu chỗ ngủ qua đêm. Sáng hôm sau tù bỏ tay vào xây cất lấy trại tù cho chính mình.

Đúng 31 tháng Chạp Dương Lịch các gia đình tù nhận được một món quà chính thức cuối năm, một lá thư của thân nhân đang bị giam tại trại Bắc Thái. Ông Thảo không gập lại những bạn tù Long Thành và phải bắt đầu làm quen với các bạn tù mới. Tù được lệnh trao cho một cán bộ gái tất cả tài sản, đồng hồ, bút máy, nhẫn vòng tay, dây chuyền và tiền mặt để được liệt vào một cuốn sổ ghi tên sở hữu. Ông Thảo nhất định không đưa chiếc nhẫn cưới với lý do vì lâu ngày không kéo ra được. Sau khi dùng xà bông mà cũng không xong thì họ văng tục và thôi không thử tháo nữa. Ông nói dù họ có cố rút ra nhưng nếu ông cố ý giữ thì cũng vô hiệu vì ông nhất định không rời cái nhẫn cưới mà ông coi là tượng trưng quý báu.

Ban quản trại đều là người Bắc khắc nghiệt và khó tính. Tù thấy luôn luôn bị theo rõi sát nút. Báo cáo hằng ngày bị phân tách kỹ lưỡng, thảo luận và bị phê bình. Các cán bộ hung dữ và lộng quyền, không ngớt tỏ ra là người chiến thắng. Nhưng đừng lầm tưởng họ thèm muốn những gì chúng ta có, họ thấy chúng ta giỏi hơn họ trên mọi phương diện. Họ luôn khiêu khích, nói xiên nói xỏ, đả kích chê bai và phê bình. Và đây là tình trạng khủng bố tinh thần kinh khủng.

Về phương diện vật chất vì quá đông người nên trong phòng một tiếng động nhỏ cũng vang âm. Một tiếng ho, một cái hắt xì cũng khiến một số tù nhân thức giấc. Nhiều bạn tù trong cơn ác mộng đã rên la, gào khóc. Không ai quên được một bạn già cỡ sáu chục, góa vợ với đứa con thơ dại nên đêm đêm nức nở khi đi ngủ thương xót đứa con bỏ lại miền Nam không ai săn sóc. Giếng nước duy nhất rất gần trại nên phải nấu sôi để uống. “Chồng tôi làm công tác hôi thối gánh phân nên cần tắm rửa mỗi chiều tối. Nhưng nước lạnh cóng khi xối lên người thi da đỏ ửng. Anh còn đùa rằng, “thật may là da và phổi còn tốt”.

Nhưng cái đói thật là kinh khủng. Khi còn ở miền Nam thì nắm cơm còn thực là nắm cơm đầy đủ gạo. Ở đây, cơm phải trộn những hạt bo bo vỏ thật cứng thường phải xay ra để cho súc vật ăn. Một số lớn không muốn hy sinh bộ răng cấm nên phải ngồi nhặt các hột bo bo ra để chỉ còn lại được một muỗng cơm trong bát cơm độn. Nhiều người bị lủng củng tiêu hóa và bị tháo dạ. Cái đói thật khủng khiếp ngày đêm làm cho con người bớt sáng suốt, dảm ý chí và mất óc phán đoán.

“May mắn là cả bốn đội trưởng đều là bạn thân của em tôi. Nếu không nhờ các bạn đó và các y sĩ đồng nghiệp của tôi giúp đỡ thì chắc gì anh đã sống đến ngày được thả”!

“Tôi cố tìm hiểu vì sao mà anh bị giam giữ lâu thế? Phải chăng anh được nhiều bạn tù cảm mến nên anh bị giữ lâu? Anh luôn luôn được gọi lên yêu cầu hợp tác để giúp trại sinh hoạt tốt. Nếu nhận lời thì sẽ được cấp phần ăn như cán bộ, được miễn lao động và hưởng nhiều ưu đãi. Nhưng anh đã từ chối và bị giam giữ lâu hơn”.

Đầu tháng 9 năm 1978 ông Thảo gửi thư về cho biết quản trại đã phổ biến tin cho thân nhân đi thăm và tù được nhận thực phẩm. Ông cũng dặn nếu muốn ra Bắc thì liên lạc với một bà gốc Bắc có chồng cùng bị giam giữ với ông. Bà này biết rành Ha Nội và biết rõ manh mối chạy chọt giấy tờ di chuyển và cũng biết cách xoay xở vé xe lửa khứ hồi. Và từ nay bà Thảo biết các mánh khóe luồn lọt thật mất thì giờ, khó khăn và tế nhị. Tất cả các sự việc đều có thể mua bằng tiền, chạy đúng chỗ và không để lộ ra vì hối lộ là một trọng tội. Đối với bà lại còn khó khăn hơn vì trước kia đã phục vụ ngụy quyền và chồng đang bị tù cải tạo.

Mãi mới xin được giấy phép nghỉ nhưng chưa biết cách nào đi. May thay có một ông bạn có cô em trước làm tiếp viên phi hành cho Air Vietnam cũ và nay còn được lưu dụng bởi hãng Vietnam Airlines mới chưa có ai đủ khả năng thay thế. Cô này rất tháo vát và đã kiếm cho bà một vé máy bay vào tháng 11. Khi ra máy bay với xách đồ ăn khô cô ta đã giới thiệu là dì ruột và đưa bà lên máy bay, căn dặn là đừng tỏ ra sợ sệt quá. “Khi đã lên máy bay, không ai biết được là mình không có quyền xử dụng máy bay và khi về thì đã có người cho phép đi nên không có ai dám cản trở về”.

Khi đến phi trường Gia Lâm nhỏ xíu bà lên xe quân sự chờ đón khách. Bà gọi một xe xích lô đạp về nhà cán bộ giáo dục trẻ Sơn mà bà được bà thủ trưởng Sâm giới thiệu. Cha mẹ Sơn đều là giáo sư Đại Học tiếp bà ân cần và thông cảm. Họ được ở ngôi biệt thự cũ gần hồ Hoàn Kiếm tuy chỉ dược xử dụng có một căn phòng với một cầu tiêu lối cổ. Ông đã cơi lên một gác xép làm chỗ ngủ cho ông và con trai. “Tối đến họ dẹp bàn ghế vào tường và trải một chiếc chiếu rộng dưới sàn cho bà mẹ, cô chị dâu, cháu gái nhỏ và tôi nằm. Trong khi tôi thao thức vì sắp gập chồng sau hơn hai năm xa cách thì ai cũng ngủ ngon lành”.

Khi đợi người hướng dẫn đến bằng xe lửa phải mất ba tuần lễ, bà Đảnh ra phố quan sát thấy các nhóm người bán đồ lậu. Cái gì họ cũng có, phần nhiều là các gói nhỏ đường, trà, cà phê, bao thuốc lá và các thỏi chocolat nhỏ đựng trong các túi xách. Bà mua các gói kẹo chocolat vì mang từ Sài Gòn ra không tiện. Họ nói mua gì cũng có trữ tại nhà vả trả tiền xong là hôm sau họ sẽ giao. Người hướng dẫn cho bà đến nhập bọn ngủ dêm để sáng hôm sau ra ga lúc 5 giờ cho kịp chuyến xe lửa Đông Bắc.

Người đông như kiến, chen lấn lộn xộn và “tôi cùng bà chiếm được hai chỗ trên bực ngoài toa cho đến sau khi qua nhiều ga xép mới mò vào được bên trong để ngồi xệp xuống sàn tầu đầy rác, đỡ nạn bụi khói và mưa phùn giá lạnh”.

Từ trạm xe lửa đi đến vùng Bắc Thái phải dùng xe bò. May thay bà hướng dẫn đã nhanh nhẩu quá giang được một xe chở dầu nhà binh với tiền thù lao nhỏ 20 đồng. Đến ven rừng phải thuê một xe bò tới trại giam qua một con đường gập ghềnh với giá 15 đ một người. Tới cổng trại, một căn nhà lợp tranh thì cán bộ xét giấy và cho hai người một vào ngồi đợi ở một cái bàn nhỏ chữ nhật. Hai mưoi phút sau thân nhân được dẫn ra, yếu ớt, thân hình tiều tụy xác xơ trông thật đau lòng. Cán bộ đứng ở đầu bàn và phải nói to cũng như không được dùng ngoại ngữ. “Tôi không biết được gập anh bao lâu nhưng mục đích tôi là xin phép anh đưa các con trốn khỏi nước. Tôi có bổn phận báo cho anh biết là phải liều lĩnh như tự sát vì chừng 50% đến được bến tự do”. Nhưng làm sao để không cho cán bộ biết?

“Tôi nghĩ cách nói là mẹ con muốn đi vùng kinh tế mới”, thi anh xúc động hỏi lại, “Bộ chúng không đủ ăn sao”? Bà chậm rãi trả lời, “Chúng muốn làm lại cuộc đời mới và gập lại hai bà gì đã đến đó trước rồi”. Ông Thảo suy nghĩ rồi chợt hiểu là chị và em tôi đã định cư ở Âu Châu từ lâu và dặn dò, “Đừng để cho các con bơ vơ, em phải đi với các con còn quá nhỏ”! “Chúng tôi chuyện trò đủ chuyện Sài Gòn trước đây, nhà cửa, tình trạng gia đình thân nhân nội ngoại và anh không thổ lộ gì về hoàn cảnh của anh và số phận hiện tại”.

Sau một giờ thì cán bộ thổi còi chấm dứt thăm nuôi. Các tù nhân đứng lên lượm gói quà và sắp hàng về phòng giam. “Chồng tôi ôm tôi và thì thầm, em phải đi với các con và như vậy trong tương lai có thể dễ tìm lại nhau”. Lần thăm nuôi chỉ có bốn người đi thăm khốn khổ. Không một lời phản kháng hay thất vọng. Nước mắt có chảy cũng trong thầm lặng. Nơi đây hy vọng còn ít hơn ở Long Thành. “Rã rời tôi có cảm tưởng như sống những giây phút cuối cùng và tôi không còn biết tôi là ai nữa. Nếu tôi ra đi cùng các con thì rồi đây ai săn sóc anh, và biết có gặp lại nữa không”?

Chiều về tới Hà Nội, tôi e họ sẽ không cho tôi ghi vé trở về. Cha anh Sơn chở tôi bằng xe đạp ra trạm hàng không. Họ hỏi tôi đủ điều, lý do đi thăm, trú ngụ ở đâu, thấy thủ đô ra sao và đã đi thăm lăng Hồ Chủ Tịch chưa? “Tôi phải vui vẻ tỏ ra mãn nguyện và phải chấp nhận bất cứ cách giả dối nào để về với các con tôi. Tôi đã thành công và được về trên chuyến bay hai ngày sau”. Còn hơn một ngày tôi mướn một xe xích lô đi một vòng quanh Hồ Gươm. Hồ quá nhỏ, nước đen ngòm mà mùi hôi thối xông lên nồng nặc. Không thấy dấu hiệu hư hại vì oanh tạc chỉ có cây cầu Doumer và đôi chút ở một bệnh viện mặc dầu họ tuyên truyền ầm ĩ là bị phi cơ hủy hoại. Tôi đã nói dối ở trạm hàng không. Tôi đã không đi thăm lăng chủ tịch mà chỉ đi xích lô phớt qua. Không có gì đặc sắc, chỉ là một kiến trúc lạc loài bê tông cốt sắt với các cột lạnh lẽo như trong thời cổ. Nhưng nếu tôi vào trong để nhìn thấy con người mà họ cho là thần thánh thì tôi đã ớn lạnh về sự lọc lừa phản bội của ông ta đã đưa nước nhà vào một cuộc chiến tàn khốc, tạo nên mối chia rẽ toàn dân và cả nước”!

Hà Nội một thành phố cổ kính thì nay đã tiều tụy, không được coi như một bà già mà là một đứa con nít thiếu dinh dưỡng lâu ngày, bụng ỏng, đít eo, chân tay khẳng khiu mang chứng bệnh còm cõi và già nua sớm không phương cứu chữa. “Tôi không muốn những ai đã rời Hà Nội năm 1954 trở lại để thấy sự điêu tàn khắc nghiệt vì tiền của nhân lực đều xung vào chiến tranh. Cha mẹ Sơn cũng như người hướng dẫn tôi đều hình như thổ lộ là họ đã sống qua ngày hướng về miền Nam. Nhưng nay miền Nam đã xụp đổ, thế là hết cả. Cuôc viếng thăm rất có kết quả vì tôi đã nói được với nhà tôi một điều cần thiết. Và tinh thần nhà tôi hình như đã vững hơn, bắt đầu yêu đời hơn và thấy hy vọng”.

Bà Đảnh đã đưa bốn đứa con vượt biển ngày 1 tháng 5 năm 1979 lợi dụng sơ hở vì mải liên hoan ngày lễ. Cả gia đình lênh đênh trên biển cả thì gặp một chiếc tầu chờ dầu Na Uy vớt. Vì vậy khi ông Thảo được thả về thì nhà đã mất và phải tạm trú nhà bà chị. Ông bị các đè ép từ các cơ quan công an phường, quận. Không có hộ khẩu nghĩa là không được phiếu mua thực phẩm và các đồ lặt vặt như thuốc đánh răng. Phải luôn luôn trình diện và đẩy  đi vùng kinh tế mới. Nhưng nếu xa Sài Gòn thì làm sao có được tin tức nên ông đã chán nản nghĩ liều đi trốn. Bà Đảnh phải nhắn về xin yên tâm đừng liều mạng vì đã có chương trình bảo lãnh và Cao Ủy tị nạn đã đặt thêm một văn phòng ở Sài Gòn.

Bà gửi về các giấy tờ cho nhiều nơi để khỏi thất lạc.

Cuối cùng, sau nhiều lần chạy chọt khó khăn và nhiêu khê, ông Thảo đã được giấy phép xuất cảnh. Bà Đảnh nói, “Không chối cãi việc Việt Cộng đã trả lại người thân cho chúng tôi. Nhưng họ đã ra sao khi được thả? Một số đông đã chết như anh đội trưởng giúp đỡ  tận tình bạn tù. Anh chết tức tưởi trong tuổi hoa niên của cuộc đời. Qua hành hạ thể xác độc địa nhằm triệt tiêu nhân phẩm, Việt Cộng không tàn phá nổi thể xác nhưng đã để lại trong tâm hồn tù nhân nhiều rạn nứt in hằn. Lập trường chính trị, tín ngưỡng, lòng yêu nước không bao giờ xóa tẩy được”. Bà Đảnh kết luận, “Tôi chấm dứt bằng một câu xúc tích của chồng tôi khi anh đặt chân xuống đất Na Uy”: “Chúng tôi vẫn sống, hy vọng của chúng tôi đã đạt được. Tôi đã có vợ con quanh tôi, hạnh phúc tôi tràn đầy. Từ nay các con tôi được bảo đảm tương lai trên một đất nước cao đẹp, tự do như Na Uy mà chúng tôi coi là miền đất hứa”.

 
 
 
Vài cảm nghĩ.- Cộng sản Việt Nam sùng bái Hồ Chí Minh như thánh sống. Ai cũng biết là họ Hồ mạo danh nhóm ái quốc ở Paris khi viết báo Le Paria đã dùng tên chung Nguyễn Ái Quốc (Nguyen le Patriot). Hồ đã từng nộp đơn xin làm việc với Bộ Thuộc Địa rồi đi theo cộng sản Nga để được huấn luyện thành cán bộ Đông Dương Cộng Sản. Khi qua Tầu lại lấy danh tính một người chết để thành Hồ Chí Minh. Không có lấy cái bằng sơ học,  chỉ lặp lại những danh từ Xô Viết rồi Tầu Mao, lợi dụng khí thế ái quốc chống Pháp để đổi Việt Minh thành đảng Lao Động Cộng Sản và hãm hại các người yêu nước cũng như nhiều người trong vụ đấu tố.
Ông ta đã học thuộc lòng câu “Hồng hơn Chuyên” của Mao nên cũng nói “Trí Thức là Cục Phân” cho nên khi chiếm Sài Gòn chính trị bộ Hà Nội đã bỏ tù các chuyên viên của miền Nam mà huấn luyện mất bao nhiêu thời gian và công của. Hệt như “bước nhẩy vọt” của Tầu Mao trong kế hoạch sản xuất thép tiểu công trong các làng xã phí phạm bao nhiêu nhân lực đưa đến phá sản kinh tế và môi trường. Cho nên ta thấy các Y Khoa Bác Sỹ phải đi quét chợ và chuyên viên kinh tài như ông Đỗ Văn Thảo bị giam cầm trong nhiều năm. Phí phạm “chất xám” như vậy để cho ba chục năm thống nhất đất nước vẫn lạc hậu. Bây giờ kêu gọi trí thức và “chất xám” trở về xây dựng lại nước thì thật khôi hài và có tin được chăng?
Trần Đỗ Cung
Nguồn: hon-viet.co.uk/TranDoCung