Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2018

Nghĩ về công lý

Những người phụ nữ khóc bên một nấm mộ tập thể tại Huế hôm 14/10/1969.
Những người phụ nữ khóc bên một nấm mộ tập thể tại Huế hôm 14/10/1969.
AP
Cứ mỗi độ đến Tết, dịp Xuân về lòng tôi lại có những bùi ngùi khó tả khi nghĩ về hai sự kiện thảm sát xảy ra trên dải đất miền Trung. Đó là hai sự kiện thảm sát đã được diễn ra vào mùa Xuân năm Mậu Thân (1968) tại Huế và sự kiện thảm sát tại Mỹ Lai (huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Nếu những người đã chết ở Mỹ Lai phần nào được nguôi ngoai, vì hung thủ đã được xác định, những kẻ thủ ác đã vài lần phải ra tòa để đối diện tội ác của mình; thì tại Huế, những kẻ giết người vẫn sống nhởn nhơ, họ không chịu bất cứ sự trừng phạt của công lý. Những người đã khuất hay thân nhân còn sống của họ chẳng thể nào tìm được công lý cho dù thời gian đã trôi qua 50 năm.
Từ những con số cho biết, số người đã chết trong vụ càn quét ở Mỹ Lai(3/1968) lên đến 504 người, trong đó đa phần là trẻ con, phụ nữ và người già. Dù đã được giấu nhẹm nhưng chỉ hơn một năm sau (11/1969) vụ thảm sát đã bị vỡ lở, những kẻ đã xuống tay với đồng bào tại Mỹ Lai đã phải ra tòa, đối diện với công luận về những tội ác mà họ đã gây ra. Những người đã chết vì bởi súng đạn của quân đội Hoa Kỳ, một dòng giống ngoại lai không cùng máu mủ với dân tộc Việt Nam.
Trong khi đó, một vụ thảm sát kinh hoàng hơn, số người chết và mất tích lên đến 7,600 người và điều đáng nói hơn, kẻ thủ ác không phải là người ngoại tộc, mà chính là người Việt gây ra. Cuộc thảm sát tàn khốc do quân đội Bắc Việt và Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, những lực lượng mà trước khi chết, những người bị thảm sát ở Huế vẫn gọi là "đồng bào".
Nếu ở Mỹ Lai chỉ hơn một năm sau sự việc vỡ lở, thì cho đến nay, những người chết ở Huế vẫn chưa thể nhắm mắt vì những kẻ thủ ác vẫn chưa trả giá cho những tội ác mà họ gây ra. Hay nói theo cách khác, công lý vẫn chưa được thực thi cho dù đã 50 năm trôi qua.
Chẳng những vậy, nhân 50 năm xảy ra thảm kịch tang thương Mậu Thân, chính quyền còn cho mở đợt tuyên truyền rầm rộ về cái mà họ gọi là chiến thắng "Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968". Hàng loạt tác phẩm thơ văn đã được tung ra trong dịp này nhằm mục đích tuyên truyền, ca ngợi cái mà chính quyền gọi là "chiến thắng". Những việc làm đó chẳng những không đem lại công lý cho người đã khuất, mà nó còn sát muối vào vết thương chưa kịp lành của những người còn sống sót. Đau đớn hơn, việc làm tổn thương ấy còn được thực hiện đều đặn hàng năm.
Trong vụ thảm sát Mỹ Lai, truyền thông, báo chí hàng năm lại rêu rao, kể chi tiết từng cái chết, sự đau thương của những người còn sống nhằm mục đích khơi gợi, nuôi dưỡng sự căm thù đối với chính quyền Hoa Kỳ; thì trong vụ thảm sát tại Huế, chính  quyền dường như câm bặt. Không một tờ báo nào nói đến những mất mát, con số thiệt hại mà người dân Huế phải gánh chịu sau khi bị quân đội Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam tấn công. Những người bị thảm sát đã phải chết một cách đau đớn, như bị chôn sống, dùng cuốc để giết. Bộ máy tuyên truyền coi việc giết chết hàng ngàn người dân bằng những hình thức hết sức man rợ như thời Trung cổ là "chiến thắng vẻ vang", được tung hô như là "thành quả cách mạng" và đều đặn trong vài chục năm đều rêu rao nhắc về chiến thắng vỹ đại ấy.
Thật khó để có thể có công lý cho những người đã khuất, hoặc thân nhân của những người còn sống khi mà nhà nước CSVN vẫn còn tồn tại. Vì chính nhà nước này là kẻ đã gây ra tấn thảm kịch tại Huế. Dù muốn, dù không họ cũng phải che giấu sự thật để bảo vệ sự chính danh của mình. Một khi mất đi sự chính danh, chính quyền này chẳng còn có thể trụ vững để tiếp tục cai trị người dân trong nước.
Đã rất nhiều lần trên các diễn đàn hay trong những lần ngồi nói chuyện với nhau, một số trí thức, văn nghệ sỹ tạm gọi là "cấp tiến" và có nguồn gốc từ miền Bắc nói rằng, họ mong rằng sau khi chế độ độc tài Cộng sản sụp đổ sẽ không có bất cứ cuộc trả thù nào đối với những người đã từng phục vụ cho chính quyền Cộng sản. Công an hay những người từng gây ra các vụ bắt bớ, tống giam, gây hàm oan cho giới đấu tranh dân chủ sẽ không bị trả thù. Tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến ấy. Trong lịch sử chúng ta đã từng chứng kiến sự trả thù dã man của phe chiến thắng đối với phía thua cuộc. Đó là kể từ sau 1975, khi cộng sản Bắc Việt cưỡng chiếm được miền Nam. Họ đã bắt hàng chục, hàng trăm ngàn quân-cán-chính của chính quyền VNCH vào những nhà tù và hành hạ họ ở đó cho đến lúc chết. Tôi mong sao điều đó sẽ không tái diễn.
Tuy nhiên, công lý cần phải được thực thi. Một xã hội chỉ có dân chủ, tự do chỉ khi công lý được coi trọng. Những kẻ thủ ác gây ra cuộc thảm sát kinh hoàng ở Huế, những người đã gây ra cái chết cho anh Nguyễn Hữu Tấn (Vĩnh Long), những kẻ đã giết chết ông Hoàng Văn Ngài (Đắk Nông)...và rất nhiều nạn nhân hoặc thân nhân của họ đều phải được thấy công lý. Nói cách khác, những kẻ thủ ác phải bị đưa ra tòa để đối diện với tội ác và trả giá cho những gì mà họ đã gây ra với đồng loại của mình. Vì không thể nào công lý xuất hiện ở Mỹ Lai, nhưng lại biến mất ở Huế; công lý chỉ có ở với người này nhưng lại biến mất ở gia đình khác được.
Bài viết có sử dụng các con số từ Wikipedia nên khi đối chiếu với những số liệu từ các trang mạng, tài liệu khác sẽ có đôi chút khác biệt.

Tuệ Tâm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét