Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2020

Lục Vũ: “Trà thần” của Trung Quốc

 

Trong các buổi học Trà nô sơ cấp và cả trong những buổi triển lãm tại NVH.TN, Clb hay nhắc đến các Trà nô vĩ đại trên Thế giới, trong đó có cái tên Lục Vũ. Chắc chắn rằng trong các buổi học và những buổi triển lãm, các anh chị trong Clb không thể nói hết cho các bạn về các nhân vật này được, cho nên hôm nay mình post bài viết đầu tiên về các Trà nô vĩ đại, về tiểu sử, thân thế, sự nghiệp của họ và cả những đóng góp của họ cho Trà để các bạn cùng tham khảo. Nhân vật đầu tiên sẽ là Lục Vũ- người được mệnh danh là “Trà thần” của Trung Quốc.

Những tài liệu này mình tham khảo trên Internet, các bạn cứ cho ý kiến nhé.

luc-vu

LỤC VŨ
(Sinh và mất năm không rõ)

“Từ khi Lục Vũ sinh ra, nhân gian mới biết cách tôn trọng trà”. Trong nền văn hoá trà đầy hương thơm gió mát, Lục Vũ là nhân vật nổi tiếng nhất, ông là tông sư sáng lập môn nghiên cứu trà học, trứ thuật Trà Kinh của ông vang danh thiên hạ, nó hình thành và truyền bá văn hoá trà, có tác dụng rất quan trọng. Từ đời Đường trở về sau, các hàng quán bán trà khắp đất nước Trung Quốc đều thờ phụng ông, tôn ông là “Trà thần”, “Trà thánh”, “Trà tiên”.

–> trà biếu

Tiểu sử

Lục Vũ tên tự là Hồng Tiệm, hiệu Cánh Lăng tử, người đất Cánh Lăng, Phục Châu (nay là huyện Thiên Môn, Hồ Bắc). Ông sống vào trùng diệp đời Đường nhưng không biết rõ năm sinh năm mất cụ thể. Có lẽ đại ước là sống vào khoảng Huyền tông Khai Nguyên thứ 21 đến Đức tông Trinh Nguyên thứ 20 (từ năm 733 đến năm 804). Thân thế ông trôi nổi khảm kha. Thuở nhỏ, ông đuợc nuôi trong đền chùa, đọc sách học hành, lớn lên nuôi mộng nghệ sĩ phiêu bạt bốn phương. Vài năm sau, nhờ được sự hâm mộ của Hà Nam Thái thú Lý Tề Vật, ông được ban tặng nhiều sách thi thư và được giới thiệu đến làm mạc khách cho Cảnh Lăng tư mã Thôi Quốc Phụ, được Thôi Quốc Phụ chỉ giáo, huấn luyện thêm. Sau nhiều năm khắc khổ công phu, lại được danh sư chỉ điểm, học vấn Lục Vũ nhờ đó tiến bộ nhiều, trở thành người đọc rộng hiểu xa. Văn chương mỹ lệ và giao du rộng rãi với các tài tử nên cũng có chút tiếng tăm đương thời, sách Toàn Đường thi cũng có chép thơ do ông sáng tác.

Lục Vũ và “Trà Kinh”

Lục Vũ sống vào đời đại thịnh Đường, đúng vào thời kì nghề trà ở Trung Quốc phát triển mạnh. Đương thời, vùng duới sông Giang Hoài trở về phương nam, cây trà được trồng rộng rãi, lá trà được đề cao, phẩm loại tăng rất nhiều. Dùng trà để uống, từ Giang Nam truyền lên phương bắc ngày càng thịnh hành. Theo sách “Phong thị kiến văn ký” của Phong Diễn đời Đường chép thì thời Khai Nguyên (niên hiệu của Huyền Tông), núi Thái Sơn có tăng nhân truyền đạo Thiền. Học Thiền truớc tiên cần không ngủ ban đêm, vì vậy Thiền tông đều uống trà cho đỡ buồn ngủ, uống trà trở thành một nội dung rất quan trọng trong đời sống học Thiền, sau này dân gian “bắt chước theo thành phong tục”. Cuộc sống Thiền tăng là nhàn nhã mà u viễn, họ nấu trà và uống trà mỗi lúc một tân kỳ mới lạ, đi tìm ý thú thanh nhã cao viễn. Đạo Thiền có tập tục uống trà ,dần dần cách uống trà thô thiển bị bãi bỏ và cách uống trà thanh nhã được đề cao. Triều Đường rất trọng Thiền tông, vì vậy cách uống trà gây ảnh hưởng đến các văn nhân sĩ đại phu. Lục Vũ sống từ nhỏ trong chùa lại càng bị ảnh hưởng trong bối cảnh ấy, nên ông đã viết cuốn “Trà Kinh”.

_ Theo sử sách ghi chép, Lục Vũ 22 tuổi mới bắt đầu xuất du, đi qua các đất Ba Sơn, Giáp Châu lên tới Nghĩa Dương quận miền Bắc (nay là suốt dọc vùng Tín Dương, Hà Nam). Năm 24 tuổi, ông xuất du lần thứ hai đến hạ lưu sông Trường Giang và các đất lưu vực sông Hoài. Trong vòng vài năm, dấu chân ông ghi lại khắp các vùng Sơn Nam, Hoài Nam, Kiếm Nam và 23 châu nổi tiếng về sản xuất Trà ở Chiết Đông. Ông tiến hành nghiên cứu thực địa, khảo sát đủ mọi mặt trồng trọt, bảo duỡng, hái lá trà, nghệ thuật sao chế và thông hiểu các tập quán thích trà, uống trà ở khắp nơi. Ông sưu tập đuợc rất nhiều tư liệu về trà, chuẩn bị đầy đủ cho trứ tác của mình. Lục Vũ có người bạn là thi nhân nổi tiếng Hoàng Phủ Tăng có bài thơ “Tống Lục Hồng Tiệm sơn nhân thái trà” như sau:

Thiên phong đãi bô khách
Xuân minh phục tùng sinh
Thái trích hoà thám xứ
Yên hà tiển độc hành
U kỳ sơn tự viễn
Dã phạn thạch tuyền thanh
Tịch mịch nhiên đăng dạ
Tương tư nhất khánh thanh

 

(Núi cao chờ khách lạ
Trà xuân non nảy chồi
Hái lá và thăm thú
Mây mù một mình thôi
Chùa núi xa thăm thẳm
Cơm vắt nước suối xuôi
Tịch mịch đèn khuya thắp
Nhớ tiếng chuông xa vời

Bài thơ như tái hiện cảnh Lục Vũ trèo qua những ngọn núi xa ăn gió nằm sương thăm cảnh núi trà.

Khoảng năm Thương Nguyên đầu tiên (năm 760), Lục Vũ 28 tuổi, du lịch đến Hồ Châu (nay là Chiết Giang). Hồ Châu cũng là nơi nổi tiếng sản xuất Trà, ở đây có núi Cố Chử có loại tử duẫn trà “nước trong xanh thơm phức, mùi vị làm say người”, là cống phẩm dâng hoàng đế. Có thơ khen loại trà này là:

“Phụng liễn tầm xuân bán túy hồi.
Tiên nga tiến thủy ngự liêm khai.
Mẫu đơn hoa tiếu kim điền động.
Truyền tấu Ngô Hưng tử duẫn lai”
(Xe loan tìm xuân nửa tỉnh về.
Tiên nga dâng rượu màn ngựa che.
Mẫu đơn cười để thoa vàng động.
Tử duẫn trà đem tới tận hè).

Mỗi năm, đến thời tiết hái trà, quan quận thủ phải đến hiện trường đôn đốc, kẻ làm sai dịch hái trà và sao chế đạt tới số vạn người. Lục Vũ ở lại quê hương của trà ấy, mắt thấy tai nghe, tích lũy nhiều hiểu biết liên quan về trà.

Lúc ở Hồ Châu, Lục Vũ kết giao với cao sĩ danh tăng Nhan Chân Khanh, Lý Dã, Mạnh Giao, Trương Chí Hoà, Lưu Trường Khanh, Linh Triệt, Hạo Nhiên. Họ làm thơ xuớng hoạ, thường lai vãng với nhau. Những người ấy đều là cao thủ về thẩm định trà, trong đó Hạo Nhiên hoà thượng nổi tiếng “thi tăng” rất am hiểu trà đạo, là một nhân vật quan trọng đã hướng dẫn các văn nhân.

Vì sao cần “tích đức”? Giải thích bằng khoa học nhân thể

Trong “Đạo Đức Kinh”, một tác phẩm đặc sắc trong lịch sử văn hóa truyền thống Trung Hoa, Lão Tử – người được coi là ông tổ của Đạo giáo đã nói: “Kẻ nào đức dày, giống như con đỏ (trẻ sơ sinh). Độc trùng không cắn, thú dữ không ăn, chim ưng chẳng bắt.” [1]

tích đức, đạo đức
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Trong văn hóa truyền thống phương Đông, người ta vẫn cho rằng “đức” kia là nguồn gốc của phúc phận, là nguyên nhân của giàu sang, phú quý, công danh, địa vị, trí tuệ, tài năng, sức khỏe, hạnh phúc, vẻ đẹp… của con người. Người không có hoặc có ít phúc phận là vì họ không có hoặc có ít “đức”. Lão Tử cũng nói, “Trọng tích đức, không gì là không được” [2]. Ở Việt Nam, Trung Quốc và các nước phương Đông, người xưa thường nhắc nhở con cái, hãy “tích đức”, đừng để “thất (mất) đức”.

Thường thì người ta chỉ tích tiền, tích vàng và những thứ vật chật chất hữu hình khác. Còn “đức” hay “đạo đức”, “đức hạnh” được coi là thứ thuộc về phạm trù tinh thần, là thứ liên quan đến hình thái ý thức. Vậy thì vì sao người ta khuyên con người phải “tích đức”? Phải chăng “đức” kia cũng là một dạng vật chất và có thể tích trữ được?

Câu trả lời có thể đúng như vậy, “đức” thực sự là một thứ vật chất, chỉ có điều thứ vật chất đó không giống như vật chất bình thường chúng ta thấy hiện nay. Vậy lý giải điều này như thế nào?

Vật chất và ý thức là một thể thống nhất

Chúng ta gần đây đã phát hiện được rằng vật chất và ý thức không phải là hai phạm trù độc lập, không phải là hai thể đối lập, mà vật chất và ý thực là một thể thống nhất [3].

Thực vậy, tiến sĩ David Bohm (1917–1992), một trong những nhà vật lý lý thuyết quan trọng nhất của thế kỷ 20 xác định rằng: ý thức là một dạng thức tinh vi hơn của vật chất, và “sự phân chia vũ trụ thành hữu cơ và vô cơ là vô nghĩa.”[4]

“Ngay cả một viên đá cũng vẫn có sự sống theo cách nào đó”, Bohm nói, “vì sự sống và trí tuệ hiện diện không chỉ trong tất cả các vật chất, mà trong cả năng lượng, khoảng không, thời gian và khung của toàn vũ trụ,” và thêm nữa, “Mọi thứ đều có sự sống. Điều gọi là cái chết mới trừu tượng.” [4]

Tiến sĩ William Tiller, một trong những nhà khoa học hàng đầu thế giới về cấu trúc vật chất của Đại học Stanford, nói rằng “người ta rốt cuộc sẽ xem ý thức là một đặc tính của vũ trụ, nó có khả năng tạo ra phóng xạ – thứ rốt cuộc sẽ sinh ra vật chất. Về khía cạnh này, người ta rốt cuộc sẽ khám phá rằng đặc tính của vật chất phụ thuộc vào ý thức nội tại của nó.” [5]

“Đức” là vật chất tồn tại ở không gian khác

Nếu vật chất và ý thức là một thể thống nhất, thì “đức” – một thứ vốn được coi là thuộc về phạm trù ý thức – cũng là một thứ tồn tại ở vật chất.

Trong cuốn tự truyện “Con mắt thứ ba”, Lạt Ma Lobsang Rampa cho biết, sau khi ông trải qua cuộc phẫu thuật để khai mở con mắt thứ ba (thiên mục), ông nhìn thấy:

“Thể xác con người được bao phủ bằng một lớp vỏ như sương mù muôn màu nghìn sắc, đó là hào quang. Những vị có thần nhãn nhìn vào hào quang của một người, có thể quan sát các màu sắc đó mà hiểu được tình trạng sức khỏe, đức hạnh và trình độ tiến hóa [tinh thần] của người ấy.” [6]

Nếu ta coi con mắt thứ 3 như một loại thiết bị đặc biệt, và thiết bị này phát hiện ra rằng trình độ đức hạnh của một người có ảnh hưởng tới biểu hiện hào quang của người đó (một thứ vật chất), vậy đức hạnh kia cũng hẳn phải có dạng tồn tại vật chất thì mới ảnh hưởng tới hào quang của người đó được.

Bìa cuốn sách Con mắt thứ ba được dịch ra tiếng Việt bởi dịch giả Nguyễn Hữu Kiệt trước năm 1975 (ảnh: lobsangrampa.org)

Vậy vì sao những biểu hiện của đức hạnh của một con người, thứ đã xảy ra trong quá khứ lại có thể được tồn tại và nhìn thấy trong hiện tại?

“Đức” – vật chất tồn tại mãi theo thời gian 

Trong cuốn sách Power vs Force (tạm dịch: Năng lượng tinh thần và Sức lực cơ bắp), một trong những cuốn sách được đánh giá là “sẽ thay đổi cuộc đời bạn” của David R.Hawkins – Tiến sĩ, bác sĩ tâm thần, nhà nghiên cứu nhận thức và giảng viên tâm linh nổi tiếng người Mỹ, tác giả đã ứng dụng vật lý lượng tử, thuyết hỗn độn (chaos theory) – còn gọi là thuyết về các hệ động lực phi tuyến (nonlinear dynamics) – để nghiên cứu về mối quan hệ giữa con người, vũ trụ và ý thức.

TS Hawkins và cuốn sách nổi tiếng Power vs Force

David R. Hawkins cho rằng ý thức hay tinh thần của con người là một trường lượng tử. Qua hơn 25 năm nghiên cứu, ông đã cho ra đời bản đồ ý thức (Maps of Consciousness) tương ứng với thang đo trường năng lượng tinh thần của con người (từ mức 0 đến 1000) qua đó khái quát được tình trạng sức khỏe thể chất, cảnh giới tinh thần của con người bằng con số cụ thể. [7]

Thang đo năng lượng tinh thần của con người

Trong cuốn sách Power vs Force, David R. Hawkins đã viết:

“Mọi vật trong vũ trụ liên tục sinh ra mẫu hình năng lượng với một tần số đặc biệt, nó bất biến với thời gian và có thể được “đọc” bởi những ai biết cách. Mỗi từ, hành động và ý muốn tạo thành một bản ghi vĩnh cửu. Mỗi suy nghĩ đều được nhận thấy và ghi lại mãi mãi. Không có những bí mật; không có những điều bị che giấu và cũng không thể làm như thế. Tinh thần của chúng ta “đứng” trần trụi cùng thời gian và đều bị nhìn thấu tất cả. Cuộc sống của mỗi người, cuối cùng đều phải chịu trách nhiệm trước vũ trụ.” [7]

Đã có rất nhiều các báo cáo khoa học cho thấy ý thức của con người tồn tại độc lập với cơ thể và sau khi chết đi, con người ta có thể luân hồi. [8]

Theo giải thích này của David R. Hawkins thì sự hình thành, phát triển, suy lão và diệt vong của bất cứ thứ gì, vật chất hữu hình hay vô hình; bất kể suy nghĩ, hành động, lời nói của bất kỳ cá nhân nào cũng được ghi và lưu lại vĩnh viễn trong vũ trụ, đời này qua đời khác, kiếp này qua kiếp khác.

Cũng đã có nhiều thí nghiệm khoa học về vướng víu lượng tử khẳng định rằng có tồn tại các vật chất mà khoa học chưa nhìn thấy được có thể chuyển động nhanh hơn tốc độ ánh sáng [9] và thời gian cũng có vướng víu lượng tử [10]. Theo thuyết tương đối của Einstein, nếu một vật thể có thể chuyển động nhanh hơn tốc độ ánh sáng, thì vật thể ấy có thể đi ngược thời gian, trở về quá khứ. Nghĩa là, ở một không gian mà con người không nhìn thấy được bằng cặp mắt thịt này, hay kể cả bằng những máy móc khoa học hiện tại, những gì tồn tại trong quá khứ có thể được nhìn thấy, thông qua một phương pháp đặc biệt, ví dụ như con mắt thứ ba.

Chúng ta cũng đã biết rằng cơ thể con người là một tiểu vũ trụ [10] và ở các không gian khác nhau có một dạng tồn tại của thân thể vật chất tương ứng với không gian ấy. [12, 13]

Tiến sĩ Babara Ann Brenna từng là chuyên viên khoa học của NASA, bà là chuyên gia trong lĩnh vực trường năng lượng sinh học của con người. Babara cũng là người có con mắt thứ ba được tự nhiên khai mở từ bé và có thể nhìn thấy hào quang của cơ thể người. Trong cuốn sách “Những bàn tay ánh sáng” (Hands of Light), qua quan sát hào quang cơ thể người, bà cho rằng, con người có các cơ thể vô hình tương ứng với các vầng hào quang và các luân xa chính. [14]

7 vầng hào quang tương tứng với 7 thân thể người ở không gian khác theo mô tả của Babara Ann Brenna (ảnh: Hands of Light/ Babara Ann Brenna)

Trong giáo lý của Phật giáo, người ta cho rằng khi con người làm việc tốt thì họ đang tạo “thiện nghiệp”, còn làm việc xấu thì tạo “ác nghiệp”. Tuy vậy, ngày nay người ta thấy rằng  “thiện nghiệp” và “ác nghiệp” được nói đến trong Phật giáo không chỉ là hình thái ý thức.

Bàn về “ác nghiệp”, trong cuốn sách Bàn tay ánh sáng, Tiến sĩ Babara Ann Brenna cho biết:

“Hiện giờ tôi đã bắt đầu nhìn thấy hai mức của trường hào quang bên trên mẫu óng vàng (tầng hào quang thứ 7). Hai mức này hiện ra có bản chất kết tinh và có rung động cao rất mịn. Mọi thứ từ mức thứ bảy trở xuống, về một ý nghĩa nào đó, đều là phương tiện truyền bá để hướng dẫn và hỗ trợ ta qua cuộc đời này. Điều đó bao gồm cả các dải tiền kiếp trong vầng ketheric, bởi vì những dải này đại diện cho những bài học về nghiệp (karma) mà ta đã hóa thân để học hỏi trong cuộc đời này” [14]

Cũng tương tự, cuốn Chuyển Pháp Luân, giảng về pháp lý của pháp môn tu luyện Phật gia, có viết: con người vốn có nhiều thân thể vật chất tồn tại ở các không gian khác nhau. Trong một không gian nhất định, thân thể người được bao quanh bởi một trường vật chất màu trắng, vật chất màu trắng đó chính là “đức”. Ngoài ra, thân thể ở không gian khác cũng tồn tại trường vật chất màu đen, đó chính là “nghiệp lực” (karma). Khi làm việc tốt, chịu khổ sở, bị đánh đập thì người ta được vật chất màu trắng, cũng chính là “đức”. Khi làm việc xấu, hiếp đáp, đánh đập người khác thì người ta phải nhận vật chất màu đen – tức nghiệp lực. [15]

Cuốn sách còn cho biết, hai loại vật chất đen (nghiệp lực) và trắng (đức) này độc lập với thân xác thịt của con người. Chúng vẫn tồn tại mãi theo cùng ý thức (nguyên thần) của con người cho dù họ chết đi hay luân hồi ở kiếp khác. [15]

Chúng ta không chỉ thấy người xưa dạy cần phải “tích đức”, tránh “thất đức”, đôi lúc khi thấy người khác gặp hoàn cảnh rất khó khăn, éo le, đáng thương, ta thường buột miệng nói cá nhân ấy “tội nghiệp quá”. Ngày nay, câu nói ấy chỉ được hiểu là cá nhân ấy rất đáng thương, nhưng có lẽ nghĩa sâu xa hơn của câu nói đó ngụ ý rằng người này trong quá khứ đã làm những việc thất đức, tạo nhiều “tội nghiệp” nên đời này cần phải hoàn trả. Phải chăng nó cũng là câu nói cảnh tỉnh cho bản thân mỗi người chúng ta là cần phải tích đức, tránh tạo nghiệp trong cuộc sống?

Như vậy, từ những phát hiện được đề cập bên trên, chúng ta có thể luận giải được rằng, đức (và cả nghiệp lực) của con người không chỉ đơn thuần là thứ thuộc về phạm trù ý thức, mà chúng thực sự là vật chất, chúng ảnh hưởng trực tiếp đến mọi điều con người có được trong cuộc sống này hoặc trong tương lai. Điều này rất phù hợp với quan niệm truyền thống lưu truyền từ xa xưa, rằng con người sống cần phải hành thiện, tích đức, tránh làm việc xấu, từ đó mất đức và tạo thêm nghiệp lực.

Câu hỏi tiếp theo được đặt ra là, điều gì có thể khiến cho vật chất “đức” ấy mang lại phúc phận cho con người?

Vì sao “đức” có thể được chuyển hóa thành phúc phận?

Trong cuốn sách Power vs Force, Tiến sĩ David R. Hawkins cho biết:

“Vũ trụ lưu giữ hơi thở của nó giống như chúng ta lựa chọn con đường chúng ta đi, từng khắc từng khắc; đối với vũ trụ, bản chất của sự sống tự nó có ý thức rất cao. Mỗi hành động, suy nghĩ và sự lựa chọn đều sẽ thêm vĩnh cữu (in dấu và lưu giữ mãi mãi) vào một bức tranh ghép mảnh (mosaic); các quyết định của chúng ta tạo ra làn sóng khắp vũ trụ của ý thức và ảnh hưởng lên sự tồn tại của vạn vật.” [7]

“Trên hết, vũ trụ không quên lãng. Có rất nhiều khía cạnh đối với câu hỏi nghiệp lực (karma), nhưng mỗi sự lựa chọn của ai và lựa chọn như thế nào đều sẽ trở thành một lựa chọn quan trọng. Tất cả các sự lựa chọn của chúng ta đều sẽ quay trở lại (dội lại) trong cuộc đời của mỗi người. Chúng ta cuối cùng sẽ phải chấp nhận sự chịu trách nhiệm cho mỗi suy nghĩ, lời nói và hành động mà chúng ta đã gây ra và tái trải nghiệm chính xác bất kỳ sự đau đớn nào mà chúng ta đã gây ra cho người khác. Trong ý nghĩa này, mỗi chúng ta đều tự tạo ra thiên đường hay địa ngục cho bản thân.” [7]

Ảnh minh họa cho khái niệm “nhân quả” (Nguồn: Shutterstock)

Trong cuốn Bàn tay ánh sáng, Tiến sĩ Babara viết:

“[Trong] quá trình hóa thân trước lúc thụ thai… linh hồn hóa thân gặp gỡ các hướng đạo tâm linh để dự kiến cuộc đời sắp tới. Trong cuộc gặp gỡ này, linh hồn và hướng đạo xem xét những nhiệm vụ mà linh hồn phải hoàn thành trong quá trình sinh trưởng của nó, cái mà nghiệp lực (karma) đòi hỏi được đáp ứng và quan hệ, cùng những hệ thống niềm tin tiêu cực mà nó phải thanh lọc qua trải nghiệm.” [14]

Trong cuốn Đạo Đức Kinh, Lão Tử viết: Tất cả các chúng sinh trong thế giới này, “được sinh ra bởi Đạo, nuôi dưỡng bởi Đức, định hình bởi vật chất, hình thành bởi hoàn cảnh” (Đạo sinh chi, Đức súc chi, vật hình chi, thế thành chi). [16]

Sách Chuyển Pháp Luân cũng cho biết: khi có nhiều đức thì người ta sẽ “làm đại quan hoặc phát đại tài”, còn người có nhiều nghiệp lực thì sẽ nghèo đói, bệnh tật và phải chịu bất hạnh. Cuốn sách giải thích rằng những điều này là do đặc tính của vũ trụ – được gọi là “Phật Pháp” quyết định. [15]

Những quan điểm này mang đến cho ta luận giải: vũ trụ tự bản thân nó sẽ có đặc tính quyết định vai trò của đức và nghiệp cũng như là việc chuyển hóa đức và nghiệp thành phúc phận hay tai ương. Cá nhân có nhiều vật chất đức sẽ được nhiều hạnh phúc, mạnh khỏe, giàu có, thành công… giống như Lão Tử đã nói “Kẻ nào đức dày, giống như con đỏ (trẻ sơ sinh). Độc trùng không cắn, thú dữ không ăn, chim ưng chẳng bắt.” [1]. Còn người có nhiều vật chất nghiệp lực sẽ gặp nhiều khó khăn, khổ nạn, nghèo đói, bệnh tật, bất hạnh…

Nói một cách khác, đặc tính của vũ trụ, điều mà Lão Tử gọi là “Đạo” hay những pháp môn tu luyện Phật gia gọi là “Phật Pháp” sẽ khống chế quy luật nhân – quả. Nói rộng hơn đặc tính vũ trụ sẽ khống chế hết thảy sự hình thành, tồn tại, suy lão và diệt vong của vạn sự vạn vật trong vũ trụ, trong đó có quy định một cá nhân sinh ra sẽ có phúc phận như thế nào, tùy thuộc vào “đức” và “nghiệp lực” của họ.

Đức – một loại “của cải” vô hình

tích đức, đạo đức
(Tranh minh họa của họa sĩ Tiểu Bình)

Người xưa thường dạy con người cần phải tích “đức”, đừng để thất “đức” vì ý nghĩa rất sâu xa của nó. Ngày nay, lời dạy này dường như đã ít người nói đến, rất nhiều người xem nó như lời nói thoảng qua vì không tin rằng con người thực sự cần tích đức.

Nhưng, “đức” thực sự là vật chất và có thể được chuyển hóa thành phúc phận của con người, là gốc của cá nhân cũng như mọi vấn đề trong xã hội. Một đất nước, một xã hội có đạo đức, đồng nghĩa với việc đất nước đó, xã hội đó sẽ giàu có và hạnh phúc. Một xã hội không coi trọng đạo đức, thì đạo đức sẽ tuột dốc, con người trong xã hội đó rồi sẽ bị tha hóa và điểm đến cuối cùng sẽ là diệt vong.

Vũ trụ và sinh mệnh con người tồn tại những bí ẩn vĩ đại mà khoa học thời nay không thể giải thích nổi. Nếu có thể dũng cảm thoát ra khỏi những định kiến, quan niệm cố hữu và tư duy lối mòn để khám phá những bí ẩn đó bằng tấm lòng rộng mở, nhân loại sẽ bước sang một trang sử mới với những bước phát triển không thể tưởng tượng được bằng tư duy hiện tại.

Thiện Tâm tổng hợp

>> 20 cách tích đức trong cuộc sống hàng ngày (phần 1)

Tài liệu tham chiếu:

[1] Lão Tử, Đạo đức Kinh, Chương 55

[2] Lão Tử, Đạo Đức Kinh, Chương 59

[3] TTVN, Vật chất và ý thức là một thể thống nhất

[4] R. Weber, “The Physicist and the mystic – is the dialogue between them possible? A conversation with David Bohm,” New Science Library, 1985. 

[5] W. A. Tiller, Science and Human Transformation: Subtle Energies, Intentionality and Consciousness, Pavior Publishing, 1997.

         [6] Tây Tạng huyền bí trong cuốn tự truyện về con mắt thứ ba

[7] David R. Hawkin, Power vs Force, 2014

[8] TTVN, Luân hồi dưới góc nhìn của khoa học: Linh hồn liệu có tồn tại?

[9] TTVN, Dịch chuyển tức thời: Vật chất có thể di chuyển nhanh hơn ánh sáng

[10] TTVN, Thí nghiệm khoa học: Thời gian cũng tồn tại vướng víu lượng tử?

[11] TTVN, Vi sao có thể nói “cơ thể người là một tiểu vũ trụ”?

[12] TTVN, Không gian khác có thực sự tồn tại?

[13] TTVN, Hiện tượng đau chi cụt, tồn tại thân thể người ở không gian khác?

[14] Babara Ann Brenna, Những bàn tay ánh sáng (Hands of Light), 1988

[15] Lý Hồng Chí, Chuyển Pháp Luân, 12/1994

[16] Lão Tử, Đạo Đức Kinh, Chương 51

 

Phương pháp dạy con thành người tài đức của mẹ Khổng Tử

 

Khổng Tử là vĩ nhân có ảnh hưởng to lớn đến hậu thế. Cho đến ngày nay, đạo Khổng vẫn luôn tồn tại song hành với sự phát triển của con người. Nhưng ít người biết rằng, những tư tưởng và thành tựu của Khổng Tử đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ cách giáo dục của mẹ ông.

Phương pháp dạy con thành người tài đức của mẹ Khổng Tử

Khổng Tử sớm mồ côi cha, mẹ ở vậy nuôi con

Khổng Tử ra đời khi cha của ông là Thúc Lương Ngột đã ở độ tuổi rất cao hơn nữa còn đang vô cùng mong mỏi có được một cậu con trai. Nhưng, mẹ ông là Nhan Chinh Tại lúc ấy tuổi còn chưa đầy 20 mà cha ông, tuổi đã ngoài 60. Đây là một cặp vợ chồng có tuổi tác chênh lệch quá lớn so với các cặp vợ chồng trong xã hội đương thời.

Theo “Khổng Tử gia ngữ” ghi lại có thể biết, mẹ Khổng Tử không phải vợ cả của cha ông. Khi cha Khổng Tử đến gia đình họ Nhan cầu hôn. Gia đình họ Nhan có 3 cô con gái, Nhan Chinh Tại là con gái út.

Người cha của 3 cô con gái này hỏi các con: “Thúc Lương Ngột mặc dù ông ta cũng chỉ là bậc sĩ mà thôi, nhưng lại là con cháu của Thánh Vương. Thúc Lương Ngột chiều cao 10 xích, sức lực vượt trội. Cha rất mong muốn có quan hệ thông gia với Thúc Lương Ngột nhưng ông ta tuổi đã cao, tính tình lại nghiêm khắc. Trong 3 người các con ai có thể ưng ý làm vợ ông ta?”

Hai người con gái đầu im lặng không trả lời, Nhan Chinh Tại bước lên trước và nói:Phận làm con, cha đặt đâu con ngồi đó, sao cha lại hỏi chúng con?”

Người cha nói: “Vậy là con bằng lòng?”

Nhan Chinh Tại nhẹ nhàng gật đầu đồng ý. Thế là Nhan Chinh Tại được gả làm vợ Thúc Lương Ngột.

Bởi vì Thúc Lương Ngột lúc ấy tuổi đã cao, Nhan Chinh Tại e rằng sẽ khó mà lập tức có con ngay được nên đã lén đến núi Ni Khâu cầu nguyện có thể thuận lợi sinh con. Sau đó, Nhan Chinh Tại đã sinh hạ được người con trai, đó chính là Khổng Tử.

Khi Khổng Tử lên 3 tuổi thì cha của ông qua đời. Hai mẹ con ông rơi vào cảnh sống khốn khó vì mất đi người trụ cột để nương tựa. Nhưng mẹ Khổng Tử vẫn một mình chịu khó chịu khổ nuôi con thành tài.

Trong cách dạy con của mẹ Khổng Tử có một số điểm nổi bật như sau:

Lựa chọn nơi sống tốt để con có hoàn cảnh học tập thuận lợi

Cuộc sống của hai mẹ con Khổng Tử trở nên khốn khó vì mất đi người cha để nương tựa. Mặt khác, trong đại gia đình ông lại có nhiều mối quan hệ tương đối phức tạp, thậm chí có không ít sự xung đột xảy ra.

Mẹ của Khổng Tử hiểu rõ rằng, điều này rất bất lợi cho sự trưởng thành và việc học tập của con trai bà. Vì vậy, bà liền mang con trai Khổng Tử rời khỏi nhà chồng, đến nhà mẹ đẻ ở Khúc Phụ – kinh đô của nước Lỗ sinh sống.

Nhà đẻ của bà Nhan Chinh Tại là gia đình danh giá ở kinh đô. Bởi vì con nhỏ, chồng lại mất sớm nên nhà đẻ của bà đã cưu mang hai mẹ con. Khúc Phụ là trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của nước Lỗ, hơn nữa còn có nhiều sách cổ của bậc thánh hiền, thầy giáo giỏi cũng nhiều. Vì thế, mẹ Khổng Tử nhận thấy nơi đây là hoàn cảnh thích hợp nhất để con trai bà trưởng thành và học tập.

Kích thích con hứng thú học tập

Bà Nhan Chinh Tại là con của gia đình gia giáo nên rất am hiểu về học tập. Bà cho rằng cách hướng dẫn con học tập tốt nhất là khơi gợi hứng thú. Bởi vì nhà Khổng Tử sống cách Tông phủ không xa, cho nên mỗi khi đến nghi thức tế lễ, mẹ Khổng Tử đều tìm cách để con trai mình được chứng kiến.

Ngày tháng trôi qua, vì liên tục được chứng kiến cảnh tế lễ của các bậc hiền nhân nên Khổng Tử thuộc lòng nghi thức tế lễ. Vì chịu ảnh hưởng của việc này, Khổng Tử thường thực hành những nghi thức ấy trước mọi người. Khổng Tử cũng học theo người ta các dâng hương, tế rượu, hành lễ, đọc lời cầu chúc…

Mẹ của Khổng Tử còn muốn con trai học tập các loại lễ nghĩa của nhà Chu để tương lai lớn lên có thể phụ tá minh quân, giúp ích cho dân chúng, đất nước.

Kỳ thực, Khổng Tử lúc còn nhỏ tuổi cũng không hiểu và không yêu thích các nghi lễ “vô vị” ấy. Nhưng, bà Nhan Chinh Tại đã bồi dưỡng, dẫn dắt con có hứng thú với lễ nghĩa, cùng con thực hành theo cách thức “mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng đã khiến Khổng Tử dưỡng thành thói quen.

Đích thân dạy dỗ con

Bà Nhan Chinh Tại là con của một trí thức uyên bác nên ngay từ nhỏ đã được cha trực tiếp truyền thụ kiến thức và dạy dỗ. Là con gái của gia đình gia giáo, bà đã tích lũy được lượng kiến thức học vấn và tu dưỡng phong phú.

Sau khi trở về Khúc Phụ, bà Nhan Chinh Tại đã dành ra một gian trong ba gian ở của hai mẹ con để làm thư phòng, học đường. Khi Khổng Tử bắt đầu tròn 5 tuổi, bà bắt đầu đích thân dạy con học tập.

Trước tiên, bà mở lớp, soạn lại những sách cha bà để lại, thu nhận năm học trò nhỏ tuổi vừa để dạy dỗ, vừa để con có bạn học, vừa để lấy chút học phí là năm đấu gạo và một gánh củi khô nuôi sống hai mẹ con.

Vừa dạy học trò học chữ, học hát, bà còn dạy học trò nghi thức lễ tiết và đạo đức làm người. Khi Khổng Tử gần 6 tuổi thì bắt đầu theo các bạn lên lớp học. Nhờ Khổng mẫu khổ tâm bồi dưỡng và dạy dỗ cẩn thận nên Khổng Tử dù chưa đến 10 tuổi đã hoàn thành xong toàn bộ khóa học vỡ lòng.

Tìm thầy giáo giỏi cho con

Theo phép tắc lúc bấy giờ, những bé trai tròn 10 tuổi sẽ theo học ở một ngôi trường nào đó. Mẹ của Khổng Tử quyết định đóng cửa học đường, đưa Khổng Tử đến trường tốt nhất ở bên trong thành theo học. Ở đây, Khổng Tử học thơ ca, đọc sách cổ, học lịch sử…, những môn mà hậu thế gọi là “thi, thư, lễ, nhạc”.

Lúc ấy trường mà Khổng Tử theo học được gọi là “Tường”, là học phủ của nhà nước. “Tường” tập trung những người thầy giỏi nhất nước Lỗ và dạy dỗ phi thường nghiêm khắc.

Năm Khổng Tử 17 tuổi thì mẹ ông qua đời, hưởng thọ khoảng 34, 35 tuổi. Mẹ của Khổng Tử có lẽ là một trong những bà mẹ vĩ đại nhất Trung Hoa cổ đại, nhưng ít người biết tới bà.

An Hòa

Đức hạnh của người vợ vượng phu khiến gia đình hưng thịnh

 

Cổ nhân đề cao đức hạnh của người phụ nữ trong gia đình, cho rằng vợ chủ nội, chồng chủ ngoại. Trong lịch sử xưa nay, người phụ nữ không chỉ gánh vác công việc gia đình, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng, giúp chồng tạo dựng công danh sự nghiệp, dạy con, mà đôi khi còn gánh vác cả việc quốc gia, đại sự.

Người vợ vượng phu theo tiêu chuẩn xưa

Phía sau các danh nhân của nhiều triều đại như Khổng Tử, Mạnh Tử, Tô Đông Pha, Bao Thanh Thiên, v.v. đều có bóng dáng của những người mẹ, người vợ. Họ là những phụ nữ đức hạnh được sử sách tôn vinh, ghi chép lại. Chính họ đã gây dựng nên nền tảng đạo đức và giúp người con, người chồng có thể đảm đương trách nhiệm xã hội của mình. Mẹ Khổng Tử, Mạnh Tử đều đích thân dạy dỗ con, bồi dưỡng con thành tài trong hoàn cảnh cha hai ông mất sớm. Vợ Bao Thanh Thiên được người đời tặng cho bốn chữ “trang nghiêm chặt chẽ”. Vợ Mai Nghiêu Thuần đứng sau bình phong mà giúp chồng chọn lựa người hiền…

Chân Tông Lưu Hậu, Nhân Tông Tào Hậu, Anh Tông Cao Hậu, Thần Tông Hướng Hậu, v.v. đều là những vị hoàng hậu đức hạnh, hoặc là được quần thần mời, hoặc là được tiên đế phó thác, từ hậu cung bước lên buông rèm nhiếp chính, rồi phò tá ấu chúa, dẹp loạn phản chính, đẩy lùi kẻ tiểu nhân, tránh xa ngoại thích, giữ lại cơ nghiệp của tổ tiên, bảo vệ giang sơn, khi con lớn thì nhường lại ngôi vị, do vậy có thể lưu danh muôn đời.

Quan niệm về vai trò của người phụ nữ trong xã hội ngày nay có nhiều thay đổi, người phụ nữ ở một số nước gánh vác công việc có thể nói là ngang với nam giới, đôi khi còn hơn, cũng là vì quan niệm nam nữ bình quyền hiện đại tạo ra như thế. Nhưng dù là thời nào thì một người phụ nữ hiểu đạo vẫn luôn được gia đình tôn trọng và xã hội tôn vinh.

Vì thế, một người vợ vượng phu cần hiểu được đạo làm vợ, đạo làm con dâu trong gia đình. Bởi vì họ là người chủ nội, nên gia đình có hưng thịnh, có nề nếp hay không chủ yếu sẽ nằm ở người phụ nữ.

Là người chủ quản của một gia đình, người vợ nên dịu dàng nhu hòa, niềm nở tươi cười và là trung tâm, nhân duyên của gia đình ấy. Họ cần giống như nước, “ở vào vật chứa hình vuông thì sẽ có hình vuông, vật chứa hình tròn thì là hình tròn”, thích ứng được mọi hoàn cảnh, giàu nghèo, cao thấp. Nước có thể nuôi dưỡng được vạn vật mà lại chảy chỗ trũng, không cùng vạn vật tranh chấp, giống như đức tính nhường nhịn và bao dung của người phụ nữ vậy.

Người vợ khi thấy việc nên làm thì tự mình đi làm, ở trên thì hiếu thảo với cha mẹ hai bên, ở giữa thì hòa thuận với anh chị em, ở dưới thì dạy bảo con cái. Họ cần buông bỏ tâm tư lợi, tranh giành, tham lam để suy nghĩ cân bằng mọi phương diện trong gia đình. Họ cũng nên thường xuyên tu dưỡng, loại bỏ đi những tính cách xấu, bởi như thế mới có đức dày để nâng đỡ mọi vật.

Có một số tật xấu điển hình mà người vợ cần tránh. Trong gia đình mà người vợ nhiều chuyện thì người chồng sẽ không làm được việc và sẽ trở nên trầm lặng. Nếu một người vợ mà đanh đá,”chèn ép” nửa kia thì người vợ ấy được gọi là “hãn phụ” chua ngoa. Một người phụ nữ như thế sẽ khiến gia đình “âm thịnh dương suy”, thậm chí con cái cũng bị ảnh hưởng. Còn người vợ mà không chăm chỉ, việc gì cũng ỷ lại vào người chồng, ỷ lại vào cha mẹ thì được gọi là “nhược phụ”. Người vợ như thế, “hết ăn lại nằm”, “oán trời trách đất”, quét sạch may mắn của gia đình.

Người vợ nên hiểu rằng mình là người làm bình ổn mọi sự bất hòa trong gia đình, là sứ giả đem lại may mắn, cát tường cho thân nhân và là phúc khí của gia đình ấy. Một gia đình có yên vui hay không, an tĩnh hay không, thịnh vượng phát đạt hay không thì sự ảnh hưởng của người vợ là vô cùng trọng yếu.

Thời xưa có rất nhiều điển cố điển tích về những người phụ nữ được lưu truyền lại, chủ yếu là ở hai phương diện. Phương diện thứ nhất là về những người phụ nữ có thể hy sinh thân mình vì chính nghĩa, đây là các “liệt nữ” xứng đáng được người đời tôn kính. Phương diện thứ hai là về những người phụ nữ đức hạnh, làm tròn thiên chức của mình.

Có một ghi chép vào thời nhà Thanh kể về một người con dâu đức hạnh của gia đình một ông lão tên là Cố Thành.

Ông lão họ Cố này có một người con trai đã lập gia đình với một cô gái trẻ họ Tiền. Một lần, khi người con dâu của ông lão về thăm cha mẹ đẻ thì một căn bệnh đột ngột lan tới ngôi làng, nơi gia đình chồng cô đang sinh sống. Dịch bệnh lây lan nhanh chóng và rộng khắp khiến rất nhiều người bị chết.

Mọi người rất sợ hãi và thậm chí cả người thân cũng không dám tới thăm nhau vì sợ bị nhiễm bệnh. Điều đáng buồn chính là không lâu sau khi dịch bệnh lan tới thì vợ chồng ông lão họ Cố cùng với sáu người con trai, con gái đều bị nhiễm bệnh.

Khi người con dâu của ông lão biết được tin này đã không hề lo ngại mà ngay lập tức chuẩn bị trở về nhà chồng để chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, cha mẹ đẻ của cô vì quá yêu thương con gái nên đã ngăn cản và cố thuyết phục cô rằng: “Bệnh dịch lây lan rất nhanh, cha mẹ lo sợ rằng con cũng sẽ nhiễm bệnh mà chết mất.”

Cô gái họ Tiền này nghe cha mẹ nói xong, đã không do dự mà trả lời: “Từ khi lấy chồng cũng là lúc con mang trách nhiệm với gia đình chồng. Bây giờ họ đang gặp dịch bệnh, nếu con không quay về chăm sóc, đó có phải là bất nhân, bất nghĩa không?”

Sau khi trấn an cha mẹ, người con dâu nhanh chóng lên đường quay trở về quê chồng trong tâm trạng lo lắng.

Nhưng điều kỳ lạ chính là, ngay sau khi cô vừa về tới nhà thì cả tám thành viên của gia đình chồng cô đều dần dần hồi phục và nhanh chóng khỏe lại sau đó không lâu.

Người dân trong vùng ai cũng kinh ngạc về điều này. Họ tin rằng, lòng tốt và lòng hiếu thảo của cô con dâu trẻ đã lay động được Thần linh khiến họ ban phước lành cho cả gia đình cô. Từ đó, câu chuyện về người con dâu đức hạnh, hiếu thảo của gia đình họ Cố được người dân khắp vùng biết đến và lưu truyền.

Các bậc thánh hiền xưa đều giảng rằng, gia đình có tầm quan trọng đối với sự thịnh suy của một quốc gia. “Kinh Dịch” có viết: “Gia đình ổn định thì quốc gia mới vững vàng.” “Kinh Lễ” cũng viết: “Gia đình có nền nếp gia phong thì quốc gia sẽ được cai trị tốt.” Mà một gia đình có hòa thuận, hưng thịnh hay không thì vai trò của người vợ là rất quan trọng. Vì vậy, từ xưa đến nay dù trong gia đình hay ngoài xã hội, thì một người vợ tốt, người con dâu hiếu đạo vẫn luôn được tán dương và nể trọng.

An Hòa

Người chồng tốt theo tiêu chuẩn của người xưa

 

Trong xã hội hiện đại ngày nay, có không ít cô gái lấy điều kiện vật chất làm tiêu chuẩn để tìm ý trung nhân mà lại không coi trọng phẩm chất đạo đức của họ. Điều này hoàn toàn khác biệt so với tiêu chuẩn của một người chồng tốt thời xưa.

Người chồng tốt theo tiêu chuẩn của người xưa

Cổ nhân cho rằng, địa vị, tiền tài và của cải không thể là thước đo giá trị của một con người. Phẩm đức đối với một người đàn ông là tối quan trọng, tựa như một loại ánh sáng lấp lánh soi sáng con đường tương lai, điều chỉnh hành vi và cách đối nhân xử thế của họ. Cho nên, chỉ những người đàn ông có tu dưỡng và phẩm chất đạo đức cao đẹp thì mới xứng đáng là “bảo vật” quý giá, mang đến cho nữ nhân một cuộc sống thực sự hạnh phúc, tốt đẹp.

Nhẫn nhịn, khiêm nhường

Từ xưa đến nay, “Nhẫn” là đạo đức tốt đẹp của con người. “Nhẫn” không phải là yếu đuối, cũng không phải là thờ ơ, “Nhẫn” là thể hiện của ý chí kiên cường, là thể hiện của sự tu dưỡng.

“Nhẫn” luôn là một đức tính cao quý mà một người khó có thể làm được. Tục ngữ nói: “Nhẫn một chút sóng yên gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Cho nên, một người nam giới có đức tính này thì cho dù trong cuộc sống có gặp phải khó khăn thử thách nào đi nữa họ vẫn có thể nhẫn nhịn mà thiện giải được.

Họ luôn lấy “nhẫn” để giải quyết các mâu thuẫn, làm cho các mối quan hệ trong cuộc sống trở nên ôn hòa và thoải mái hơn. Họ cũng nhất định sẽ không lấy lý do khách quan để đem lại sự bất hòa cho gia đình.

Nghiêm khắc với bản thân

Có một câu chuyện xưa như thế này:

Thời nhà Tống, có một vị danh nhân tên là Ngô Hạ. Mẹ của Ngô Hạ là người vô cùng nghiêm khắc đối với con cái mình.

Một hôm, trong lúc trò chuyện với một vài vị khách, Ngô Hạ ngẫu nhiên đàm luận về khuyết điểm của một người khác không có mặt ở đó. Mẹ ông vô cùng tức giận. Đến khi những vị khách đã về hết, bà liền phạt con một trăm roi.

Một người họ hàng đã cố trấn tĩnh bà và nói: “Nói về những điểm mạnh hay những thiếu sót khuyết điểm của người khác là điều bình thường của những người đọc sách. Có gì sai đâu? Sao bà lại đánh con đến như vậy?”

Mẹ của Ngô Hạ thở dài và nói: “Tôi nghe nói rằng nếu cha mẹ thực sự yêu con gái của họ, họ phải cố gả con gái mình cho một học giả thận trọng về những điều mà anh ta nói ra. Tôi chỉ có một mình nó là con trai. Tôi đang cố gắng làm cho nó hiểu về đạo nghĩa làm người. Nếu nó không thận trọng về những điều được nói ra, tức là nó đang quên mẹ của nó. Nó hiện giờ như vậy thì nói gì đến đạo xử thế lâu dài được đây?”

Từ câu chuyện xưa có thể thấy rằng, từ việc nhỏ như ăn nói, tu khẩu đối với một người đàn ông là vô cùng quan trọng. Cho dù đó là người trầm lặng ít lời hay linh hoạt lưu loát, nếu có thể giữ đạo trong tâm, không khoa trương và luôn nghiêm khắc tu dưỡng tâm tính bản thân thì đó chính là người cao thượng.

Những người như vậy sẽ không nhìn chằm chằm vào khuyết điểm của người khác, chỉ quan tâm tu dưỡng bản thân. Họ cũng không “miệng nói một đường, tâm nghĩ một nẻo”, càng không dùng lời ác để hại người.

Tránh sắc thủ đức

Cổ nhân có câu: “Trong vạn cái ác thì dâm đứng đầu” (Vạn ác dâm vi thủ). Tục ngữ có câu: “Anh hùng khó qua ải mỹ nhân”. Xã hội hiện đại có những thứ gọi là phong trào giải phóng tình dục, nhưng thời xưa thì gọi đó là nam nữ dâm ô trụy lạc. Cho nên, dù cho người đàn ông đó có được người đời tán dương, nhưng chỉ cần phạm phải tội tà dâm, quan hệ bất chính, thì sẽ không còn xứng là chính nhân quân tử nữa, thậm chí còn phải chịu sự trừng phạt của Thiên lý.

Trái lại, một người đàn ông có định lực kiên cường thì gặp sắc không mê, kiên trì “tránh sắc như tránh tên”. Người chồng như vậy, dù ở vào hoàn cảnh nào đi nữa họ cũng cự tuyệt sự hấp dẫn của sắc đẹp, một lòng bảo hộ gia đình mình. Bởi vì họ biết rằng làm như vậy là tích đức và phúc báo cho bản thân mình và con cái.

Khoan dung, lương thiện

“Người tốt với ta, ta sẽ tốt lại với người”, đây là điều mà một người bình thường có thể làm được. Người đối với ta không tốt, ta không oán, không giận, luôn mong người đạt được những thứ tốt thì đó mới thực sự là bậc đại trí giả khoan dung, lương thiện.

Một người chồng có tấm lòng rộng lớn như biển khơi, dung nạp trăm sông thì sẽ lương thiện và nhân từ. Họ có thể đặt mình vào hoàn cảnh của người khác mà tha thứ cho người, không oán không giận, cũng không làm những việc trái với đạo lý làm người.

Người chồng như vậy thì trong cuộc sống hôn nhân sẽ không vì những điều nhỏ nhặt mà nổi giận, làm điều tổn hại người khác. Trái lại, họ còn có thể dùng tâm thái bình thản, tấm lòng khoan dung mà khiến gia đình trở nên vui vẻ, hòa thuận.

Giữ chữ tín, coi trọng lời hứa

Khổng Tử giảng: “Nhân vô tín bất lập”, người mà bất tín thì không có chỗ đứng ở đời. Người không có tín thì không có nghĩa khí. Tín không chỉ là sinh mệnh thứ hai của người đàn ông mà còn là nhân tố xây dựng nên mối quan hệ vững chắc giữa người với người, tâm và tâm.

Một người đàn ông giữ chữ tín sẽ không nói lời tùy tiện mà làm đến nơi đến chốn, chân thành đối đãi với mọi người. Họ coi trọng lời hứa, có thể họ không biết nói những lời ngọt ngào, nhưng một lời hứa của họ lại đáng giá ngàn vàng.

Những người đàn ông coi trọng chữ tín một khi nói lời thì tất sẽ làm và làm thì tất sẽ có kết quả. Người như vậy, lòng họ thẳng thắn vô tư, chất phác trang trọng, là một người có trách nhiệm, là đối tượng đáng giá để người khác dựa vào.

Tiêu chuẩn lựa chọn bạn đời trong xã hội ngày nay đã có nhiều thay đổi, tùy thuộc vào hoàn cảnh và quan niệm của mỗi người. Nhưng cho dù là thời nào đi nữa thì một người chồng có đạo đức, có tu dưỡng vẫn luôn là người đáng tin cậy, là điểm tựa vững chắc, là người mà mọi người đều kính trọng.

An Hòa

Thiên nghi và thời hoàng kim của thiên văn học cổ đại

Một trong những công cụ thiên văn học đầu tiên chính là thiên nghi. Nó có khả năng mô tả sự chuyển động của các vì tinh tú trên bầu trời một cách chính xác, có thể biểu diễn cả kinh độ và vĩ độ cũng như các đặc điểm thiên văn khác như đường hoàng đạo…

Thiên văn học là một môn khoa học tự nhiên nghiên cứu các vật thể và hiện tượng huyền bí. Thiên văn học có bao hàm rất nhiều ngành khoa học khác như vật lý, toán học, hóa học, tất cả là nhằm mục đích giải thích cặn kẽ, thấu đáo nguồn gốc các hiện tượng, sự vật cũng như quá trình diễn hóa của chúng. Đối tượng nghiên cứu của thiên văn học bao hàm các hành tinh, mặt trăng, sao, thiên hà, và sao chổi. Các hiện tượng thiên văn học nghiên cứu còn bao gồm cả các vụ nổ siêu tân tinh, tia gamma, và bức xạ vi sóng vũ trụ. Thông thường, các hiện tượng bắt nguồn từ bên ngoài khí quyển trái đất là phạm vi nghiên cứu của thiên văn học.

Thiên nghi và thời hoàng kim của thiên văn học cổ đại
Ảnh chụp tinh vân của NASA. (Ảnh qua Wikipedia)

Thiên văn học có thể nói là ngành khoa học tự nhiên lâu đời nhất. Các nền văn minh sớm nhất được ghi chép lại trong lịch sử nhân loại như văn minh Babylon, Hy Lạp, Ấn Độ, Ai Cập, Nubi, Iran, Trung Hoa và Maya đều có nhắc tới các phương pháp quan sát bầu trời đêm. Trong lịch sử, thiên văn học bao hàm nhiều phương pháp phong phú như thuật đo sao, thiên văn hàng hải, thiên văn quan sát, làm lịch…

Thiên nghi

Một trong những công cụ thiên văn học đầu tiên chính là thiên nghi.

Thiên nghi và thời hoàng kim của thiên văn học cổ đại
Thiên nghi. (Ảnh qua Google Art & Culture)

Bức ảnh phía trên là một trong những thiên nghi lâu đời nhất còn lưu giữ. Quả cầu vàng nạm ngọc trai bao gồm ba phần, phần đế, khung và thân quả cầu. Các viên ngọc trai trên quả cầu tượng trưng cho hai tám cung hoàng đạo như trong truyền thống Trung Hoa, ngoài ra còn có 300 chòm sao, và hơn 2.200 ngôi sao. Theo thiên văn học cổ Trung Hoa, các chòm sao được chia ra làm ba Viên gồm Tử Vi Viên, Thái Thi Viên, và Thiên Thị viên. Giữa đế thiên nghi này có la bàn. Đây là một tuyệt tác của thiên văn học cổ đại.

Thiên nghi đã trở thành một trong những biểu tượng của thiên văn. Nó là mô hình mô tả các vật thể trên bầu trời, gồm các đường khung hình cầu, trung tâm là mặt trời và trái đất, có biểu diễn cả kinh độ và vĩ độ cũng như các đặc điểm thiên văn khác như đường hoàng đạo.

Thiên nghi cũng không phải chỉ do một dân tộc sáng tạo ra. Nghiên cứu lịch sử ra đời và phát triển của thiên nghi có thể thấy nó là phát minh riêng rẽ của người Hy Lạp và Trung Hoa cổ đại. Thậm chí thiên nghi còn xuất hiện trong cả thế giới Hồi giáo và châu Âu thời Trung Cổ.

Thiên nghi và thời hoàng kim của thiên văn học cổ đại
Quốc kỳ Bồ Đào Nha cũng có thể hiện thiên nghi cách điệu. (Ảnh qua Wikipedia)

Quốc kỳ của Bồ Đào Nha cũng có thể hiện thiên nghi cách điệu. Thậm chí, hình tượng thiên nghi cũng xuất hiện trên huy hiệu của nước này, gắn liền với các khám phá của Bồ Đào Nha trong Thời đại thám hiểm (thời đại mà người châu Âu khám phá thế giới từ thế kỷ 15 tới thế kỷ 17).

Thiên nghi trong văn hóa Trung Hoa

Trong lịch sử Trung hoa, các nhà thiên văn học đã chế tạo ra thiên nghi để hỗ trợ việc quan sát các vì tinh tú. Người Trung Quốc cũng sử dụng thiên nghi trong việc lập và tính toán lịch.

Theo Needham, thiên nghi được người Trung Quốc phát minh ra sớm nhất nhờ hai nhà thiên văn học là Thạch Thân và Cam Đức vào thế kỷ 4 trước Công Nguyên, khi họ tự làm ra được một dụng cụ hình cầu có một vòng dây thép. Thiên nghi thô sơ này giúp họ đo đạc được khoảng cách tới cực Bắc. Tuy nhiên một nhà Hán học người Anh tên là Christopher Cullen lại cho rằng loại công cụ này lần đầu tiên được phát minh ra là vào thế kỷ 1 trước Công Nguyên.

Thiên nghi và thời hoàng kim của thiên văn học cổ đại
Người Trung Hoa sử dụng thiên nghi trong thiên văn học. (Tranh qua Wikipedia)

Dưới thời Tây Hán (202 TCN – 9 SCN), các nhà thiên văn học Lạc Hạ Hoành, Chi Tiên Ư Vọng, và Cảnh Thọ Xương lại tiếp tục cải tiến thiên nghi. Vào năm 52 TCN, nhà thiên văn học Cảnh Thọ Xương lần đầu tạo ra vòng xích đạo cố định của thiên nghi. Tiếp theo vào thời Đông Hán (23-220 SCN), vào năm 84 TCN, hai nhà thiên văn học là Phó An và Cổ Quỳ đã lắp thêm vòng xích đạo.

Vào năm 125 SCN, nhà thiên văn học, diễn giả, và phát minh nổi tiếng Trương Hành là người đã hoàn thiện thiên nghi với các vòng chân trời và kinh tuyến. Thiên nghi chạy bằng nước đầu tiên trên thế giới là do Trương Hành chế tạo ra, ông đã sử dụng đồng hồ nước để vận hành thiên nghi. Trương Hành cũng là người thống kê 2.500 vì sao trên bầu trời Trung Hoa. Ông đã đưa ra các lý thuyết về mặt trăng và mối liên hệ với mặt trời. Đặc biệt ông đã bàn luận về hình dạng tròn của mặt trăng, và mặt trăng tỏa sáng là nhờ sự phản chiếu ánh mặt trời, cũng như bản chất của hiện tượng nhật thực và nguyệt thực.

Thiên nghi trong văn hóa cổ Hy Lạp

Nhà thiên văn học Hipparchus người Hy Lạp (khoảng hơn 100 năm TCN) tin rằng Eratosthenes (276-194 TCN) là người phát minh ra thiên nghi. Tên gọi của công cụ này trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là vòng tròn, và nó có các khung xương làm bằng các vòng tròn kim loại nối các cực lại với nhau, tượng trưng cho đường xích đạo, hoàng đạo, kinh tuyến và vĩ tuyến.

Thông thường, quả bóng tròn tượng trưng cho trái đất hoặc mặt trời được đặt vào vị trí trung tâm. Nó được sử dụng để mô tả chuyển động của các vì sao xung quay trái đất. Trước khi người châu Âu phát minh ra kính viễn vọng vào thế kỷ 17, thiên nghi là thiết bị cơ bản của tất cả các nhà thiên văn học dùng để xác định vị trí của các vì sao.

Thiên nghi và thời hoàng kim của thiên văn học cổ đại
Tranh mô tả một người phụ nữ bên cạnh các dụng cụ từ nghệ thuật, âm nhạc, toán học, điêu khắc cho tới thiên văn học. (Tranh qua Wikipedia)

Khi còn ở dạng thô sơ nhất, bao gồm một vòng tròn cố định trong đường hoàng đạo, thì thiên nghi là một trong những dụng cụ thiên văn cổ đại nhất. Trong quá trình phát triển dần dần, nó xuất hiện thêm các vòng tròn cố định khác mô tả đường kinh tuyến. Vòng đầu tiên là đường phân, vòng thứ hai là điểm chí. Các bóng hình vòng tròn được sử dụng làm kim chỉ vị trí của mặt trời, kết hợp với các góc chia. Nhiều vòng tròn được kết hợp lại với nhau tượng trưng cho quy luật vận hành của vũ trụ, và nó được gọi là thiên nghi.

Có lẽ Eratosthenes đã sử dụng thiên nghi đông chí để đo độ chéo của đường hoàng đạo. Hipparchus có lẽ đã sử dụng một thiên nghi bốn vòng. Ptolemy mô tả công cụ của mình trong cuốn Syntaxis.

Thiên nghi do người Hy Lạp chế tạo và được sử dụng làm giáo cụ ngay từ thế kỷ thứ 3 TCN. Khi trở nên chính xác và to hơn, thì nó được sử dụng làm công cụ quan sát.

Châu Âu và Hồi giáo thời Trung Cổ

Các nhà thiên văn học người Ba Tư và Ả rập đã chế tạo phiên bản nâng cấp thiên nghi của người Hy Lạp vào thế kỷ thứ 8, được ghi lại trong Luận thuyết Dhat al-Halaq hay Dụng cụ với các vòng tròn của nhà thiên văn học người Ba Tư tên là Fazari.

Abbas Ibn Firnas được cho là đã chế tạo ra một dụng cụ với các vòng nhẫn khác (thiên nghi) vào thế kỷ thứ 9, thiên nghi này được trao cho vua Caliph Muhamad (trị vì từ năm 852-886).

Thiên nghi và thời hoàng kim của thiên văn học cổ đại
Thiên Nghi. (Tranh qua Wikipedia)

Đo độ hình cầu, một biến thể của đo độ và thiên nghi được phát minh vào thời Hồi giáo Trung Cổ. Những tài liệu lâu nhất mô tả thiên nghi là vào thời của nhà thiên văn học người Ba Tư, tên là Nayrizi (892-902).

Các nhà thiên văn học người Hồi giáo cũng tự phát minh ra quả cầu thiên văn để giải quyết các vấn đề trong thiên văn. Ngày nay, toàn thế giới còn lại 126 dụng cụ tương tự, cái cổ nhất là vào thế kỷ 11. Độ cao của mặt trời, sự chuyển động của các vì sao được tính toàn bằng cách chỉnh vị trí quan sát trên vòng tròn kinh tuyến trên quả cầu.

Thiên nghi và thời hoàng kim của thiên văn học cổ đại
Các chòm sao trên bầu trời được ghi lại. (Tranh qua Wikipedia)

Thiên nghi xuất hiện trở lại ở Tây Âu thông qua Al-Andalus vào cuối thế kỷ 10 nhờ nỗ lực của Gerbert d’Aurillac, Giáo hoàng Sylvester II (999-1003). Giáo hoàng Sylvester II đã ứng dụng các ống nhìn trong thiên nghi để định vị vị trí của sao Bắc Đẩu và ghi lại các đo đạc về đường chí tuyến và xích đạo.

Thời kỳ Phục Hưng

Những cải tiến tiếp theo cho loại công cụ này được Tycho Brahe (1546-1601) thực hiện, thiên nghi nâng đã được chuyển thành thiết bị đo độ cao thiên thể được mô tả trong tác phẩm về thiên văn của ông.

Thiên nghi và thời hoàng kim của thiên văn học cổ đại
Bức tranh vẽ một học giả cầm thiên nghi. (Tranh qua Wikipedia)

Thiên nghi là một trong các công cụ cơ khí đầu tiên và phức tạp nhất. Sự phát triển của nó đã đem lại nhiều tiến bộ về kỹ thuật cũng như trong việc thiết kế các dụng cụ cơ khí. Các nhà khoa học thời kỳ Phục Hưng và các nhân vật quan trọng thường hay thuê vẽ chân dung. Trong bức họa, họ thường hay cầm một quả cầu thiên nghi, biểu trưng cho trí tuệ và tri thức của mình.

Mặc dù ngày nay, nhờ kính thiên văn, các vệ tinh và các phần mềm kỹ thuật số chính xác, các nhà thiên văn học không còn phải dựa vào thiên nghi để tính toán vị trí các ngôi sao. Tuy nhiên khi ngắm nhìn những tuyệt tác thiên nghi ấy, người ta không khỏi thán phục trí tuệ của người cổ đại.

Lê Anh

Thiếu đi chính khí hạo nhiên, Trung Hoa mộng sẽ chỉ là ác mộng

 Blogger Thuận Nhân

“Trung Hoa mộng” mà người Trung Quốc ngày nay theo đuổi là gì? Là quyền lực chính trị, là kinh tế mạnh mẽ? Nhưng chẳng phải khi Trung Quốc trở thành cường quốc thế giới thì nó cũng đồng thời bị thế giới ghét bỏ và cô lập hay sao? Nhìn vào các biển báo nhắc nhở ứng xử bằng tiếng Trung dành riêng cho người Trung Quốc tại các điểm đến du lịch, người ta không khỏi phải lắc đầu ngao ngán. Thiếu đi chính khí hạo nhiên của cổ nhân, Trung Hoa mộng này sẽ chỉ là một cơn ác mộng.

Trong khi những người Trung Quốc ở thượng tầng xã hội mơ tưởng về giấc mộng Trung Hoa, thì thực tế là tại đất nước này, thiên nhiên rên xiết, lòng người oán thán, phần lớn quan chức tham ô dâm loạn, những ai còn chút lương tri cũng thấy khó có thể ngẩng đầu khi ra ngoài thế giới văn minh. Trải qua những cuộc vận động đẫm máu: cải cách ruộng đất, thủ tiêu tư sản, tiêu diệt trí thức, cách mạng văn hóa, thảm sát Thiên An Môn, đàn áp Pháp Luân Công, trấn áp Tân Cương, và mới đây nhất là chiến dịch triệt tiêu hoàn toàn tín ngưỡng tôn giáo, xã hội dưới thời ĐCSTQ đã hủy hoại và đè bẹp phẩm cách cao quý của con người Trung Hoa. Điều gọi là “phú quý bất năng dâm, bần hàn bất năng di, uy vũ bất năng khuất” đã gần như biến mất trong dòng chảy hiện đại.

Những cá nhân với chính nghĩa và đức tin, từ các luật sư nhân quyền, những nhà hoạt động, cho tới những người có tín ngưỡng như Phật giáo Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ, Pháp Luân Công, tất cả đều rơi vào hoàn cảnh hiểm nghèo. Tuy nhiên nhìn lại, họ chính là những người thắp sáng hy vọng cho một “Trung Hoa mộng” chân chính, nơi có nhân quyền, có tự do, có chính nghĩa, có sự thượng tôn trước hết là đạo đức rồi mới tới pháp luật.

Luật sư nhân quyền nổi tiếng Cao Trí Thịnh, người từng trải qua nhiều tra tấn thể xác và tinh thần trong nhà tù Trung Quốc vì dám đứng ra bảo vệ cho Pháp Luân Công, từng viết về lựa chọn chính nghĩa của mình như sau: “Tôi lựa chọn con đường này, bất chấp những hiểm nguy sẽ tới, bởi vì tôi cho rằng đó là nghĩa vụ của tôi khi là một con người và khi là một người dân Trung Quốc.” Đó chẳng phải là tinh thần chính đại cương trực, chính khí hạo nhiên của người xưa được truyền thừa tới ngày nay hay sao?

2.400 năm trước, Mạnh Tử từng nói: “Khí hạo nhiên là thứ quang minh chính đại nhất, mạnh mẽ vững vàng nhất, dùng liêm chính để bồi dưỡng thì không bị hao mất, có thể hiên ngang giữa trời đất. Khí hạo nhiên là thứ tương kết cùng Nghĩa và Đạo. Nếu đánh mất đạo nghĩa, khí hạo nhiên cũng sẽ biến mất theo. Khí hạo nhiên được bồi dưỡng thành nhờ vào thực hành đạo nghĩa bền bỉ, không phải hành nghĩa ngẫu nhiên nhất thời mà thành tựu được. Dưỡng thành không dễ, nhưng phá hoại lại rất dễ dàng, chỉ cần tâm bất chính là không còn gì hết.”

 

Đối với xã hội mà nói, hạo nhiên chính khí là vô cùng có lợi, có thể cảm hóa đến cả những người mang tội nghiệp nặng nề nhất. Sách sử kể rằng tháng Chạp năm Trinh Quán thứ 7, Đường Thái Tông thị sát nhà ngục lớn của triều đình, khi đó có 390 phạm nhân bị kết án tử hình đang chờ ngày xử trảm. Tất cả tử tù này đều đã qua trình tự ba lần tấu và năm lần phê chuẩn, đều là những đối tượng tội không thể tha, chết không oan. Nhưng khi đó Đường Thái Tông sinh lòng từ bi, hạ lệnh cho họ được phép về đoàn tụ với gia đình trong một năm, đến sau vụ thu hoạch năm sau phải quay lại xử trảm. Sau khi lệnh ban hành, các tử tù ai nấy vui mừng trở về nhà, lòng cảm tạ ơn vua. Đến tháng Chín năm sau, toàn bộ 390 người tử tù đều trở lại, không ai bỏ trốn. Cũng vì giữ đúng lời hứa mà cuối cùng họ được đặc xá toàn bộ. Đây có thể nói là: “Tâm chính, thân chính, hai bên chính, triều đình chính, thiên hạ chính”. Điều này mà không có chính khí hạo nhiên thì có làm được chăng? Đặt vào xã hội ngày nay thì có làm được chăng?

Đối với cá nhân mà nói, dưỡng chính khí hạo nhiên có thể giúp người ta đạt đến trạng thái “dù Thái Sơn sụp đổ trước mặt vẫn bình thản”. Thừa tướng Văn Thiên Tường triều Nam Tống khi bại trận bị bắt làm tù binh, bị giam ba năm hai tháng. Trong thời gian bị giam, nhà Nguyên dùng trăm phương ngàn kế khuyên, ép, dụ dỗ ông đầu hàng, nhưng ông thà chết không khuất phục, cuối cùng hiên ngang hy sinh ở tuổi 47, để lại tác phẩm “Chính khí ca” lưu danh sử sách. Sau này hoàng đế Càn Long từng đánh giá về Văn Thiên Tường là: “Tấm lòng trung trực không từ khoảnh khắc nhất thời mà bền bỉ kiên định, hạo nhiên chính khí sáng như mặt trời và mặt trăng. Người ấy khát khao gieo đại nghĩa trong thiên hạ, không bị động tâm chuyện thành bại lợi lộc”.

Nhà tâm học Vương Dương Minh còn nói: “Tâm hồn của người trần tục giống như chiếc gương đồng bị rỉ sét, phải thường xuyên mài giũa để loại bỏ rỉ sét, sau đó lại phải lau sạch bụi bẩn, như vậy mới thấy bản chất thật của mình. Muốn bản thân tràn đầy chính khí, cách tốt nhất là giữ cho đôi mắt hướng vào bản thân chứ không hướng vào người khác, không ngừng tự kiểm điểm bản thân, tra xét và sửa lỗi, làm cho thân tâm thiện lương, thực hiện thường xuyên như vậy thì chính khí tràn đầy, tà không thể xâm nhập!”

Muốn dưỡng chính khí hạo nhiên thì phải hợp với đạo nghĩa. Đạo nghĩa của Nho gia là “Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín”; đạo nghĩa mà Phật gia chỉ dạy là “Thiện”; đạo nghĩa mà Đạo gia chỉ dạy là “Chân”.… Đó đều là những giá trị phổ quát mà con người hướng tới và mong chờ, những giá trị mà người có tín ngưỡng cho rằng là tiêu chuẩn của Thần, của Phật, của Chúa… đặt định cho nhân thế. Điều hợp đạo nghĩa là đúng, là thiện, là chính; trái lại là sai, là ác, là tà. Ứng xử theo đạo nghĩa, tích lũy đạo nghĩa theo thời gian, hạo nhiên chính khí sẽ ngày càng tràn đầy.

Cổ nhân có câu “nhất chính áp bách tà”, điều này không chỉ đúng trong mối quan hệ giữa người với người, mà còn rất được coi trọng trong việc dưỡng sinh trường thọ. Người Trung Quốc ngày nay không chú trọng gìn giữ phẩm cách, buông thả cầu lạc, vì lợi ích cá nhân mà không từ thủ đoạn, tự mình hủy hoại chính khí của bản thân, từ Đông y mà xét là khiến tà khí dễ dàng xâm nhập, từ đó bệnh tật đeo bám, khí đổi gió lay là nhức đầu cảm mạo. Thay vì đề cao hạo nhiên chính khí cho bản thân, trị tận gốc tâm bệnh, thì lại lệ thuộc vào y học hiện đại, tạo nên vòng tuần hoàn mệt mỏi.

Từ xã hội cho tới cá nhân, không coi trọng giá trị phổ quát, không chú tâm nuôi dưỡng chính khí hạo nhiên thì sẽ dẫn đến sự bất ổn. Khi vấn đề xảy ra trên quy mô lớn thì chính quyền độc tài lại tìm những biện pháp bề ngoài để trấn áp, khiến pháp luật ngày càng nặng nề, nhưng ung nhọt lại ngày càng nhiều hơn, không khác gì một con bệnh không thể nào chữa trị. Con bệnh không thể trị thì sẽ chết đi, nhưng nó sẽ để lại điều gì trong lòng người dân Trung Quốc, khi mà tâm linh của họ là một khoảng trống tràn đầy?

Nhưng ở thật sâu trong tâm thức, có lẽ mỗi người Trung Quốc đều đang hy vọng, hy vọng rằng thiên tính thiện lương, chính khí hạo nhiên sẽ trở về bên trong họ, cũng như luật sư Cao Trí Thịnh từng bày tỏ:

“Bất hạnh lớn nhất của chúng ta là sống tại Trung Quốc vào giai đoạn lịch sử này. Không ai trên thế giới đã từng trải qua hay chứng kiến những khổ đau mà chúng ta đang phải chịu đựng.

Nhưng may mắn lớn nhất của chúng ta cũng lại là sống tại đây, trong giai đoạn lịch sử này. Vì chúng ta sẽ trải qua và chứng kiến những con người vĩ đại vượt trên khổ đau, một lần và mãi mãi!”

Blogger Thuận Nhân

Nguồn gốc của cách nói “danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành”

Trong cuộc sống, chúng ta thường nghe nói “danh chính ngôn thuận” hay “danh không chính thì ngôn không thuận”. Vậy câu thành ngữ này hàm chứa đạo lý gì và nguồn gốc ra đời như thế nào?

quân vương
(Hình minh họa: Qua cceduy)

“Danh chính ngôn thuận” là câu thành ngữ mang ý nghĩa chỉ danh nghĩa chính đáng. Khi một người có danh nghĩa chính đáng rồi thì nói mới được thông. Ngoài ra, nó cũng bao hàm ý nghĩa là khi làm một việc gì mà đã có lý do đầy đủ, chính đáng, đúng lý hợp tình thì sẽ thông thuận, dễ đạt được thành công. Còn một tầng ý nghĩa cao hơn, chính là làm người, làm việc phải thuận theo Thiên lý.

Câu thành ngữ này xuất phát từ cuốn “Luận Ngữ. Tử Lộ”: “Danh bất chính tắc ngôn bất thuận, ngôn bất thuận tắc sự bất thành, sự bất thành tắc lễ nhạc bất hưng, lễ nhạc bất hưng tắc hình phạt bất trúng, hình phạt bất trúng tắc dân vô sở thố thủ túc” ý nói, danh không chính tắc thì ngôn không thuận, ngôn không thuận thì sự sẽ không thành, sự không thành thì lễ nhạc không hưng thịnh, lễ nhạc mà không hưng thịnh thì hình phạt sẽ không thỏa đáng, hình phạt không thỏa đáng thì dân sẽ bối rối, không biết phải làm gì mới phải.

Năm 501 trước công nguyên, Khổng Tử 51 tuổi làm quan Trung Đô Tề cho nước Lỗ. Một năm sau, vì có nhiều thành tích nên ông được đề bạt làm Tư Không, quản lý việc kiến thiết công trình. Sau đó không lâu, ông lại chuyển sang làm quan Tư Khấu. Khi Khổng Tử 56 tuổi, ông lại làm chức tướng quốc. Ông chỉ tham gia vào việc chính sự của nước Lỗ chỉ vẻn vẹn ba tháng, nhưng đã khiến cho tục lệ của Lỗ quốc cải biến rất lớn.

Thành quả của Khổng Tử khiến vua của nước Tề là Tề Cảnh Công cảm thấy sợ hãi. Ông ta đặc biệt chọn ra 80 cô gái xinh đẹp và cho họ ăn mặc áo hoa gấm lụa, cho họ học vũ đạo, hơn nữa còn chọn thêm 120 con ngựa tốt để cung phụng Vua Lỗ Định Công ăn chơi hưởng lạc. Vua Tề Cảnh Công làm như vậy nhằm để việc chơi bời hưởng lạc ăn mòn ý chí của Lỗ Định Công. Kế sách này quả nhiên có hiệu quả, Lỗ Định Công chìm đắm vào ca múa dâm lạc, không còn hỏi han đến việc triều chính nữa.

Khổng Tử
(Hình minh họa: Kknews.cc)

Học trò Tử Lộ của Khổng Tử thấy tình hình ấy thì hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy! Chúng ta hãy rời khỏi nơi này đi!”

Khổng Tử trả lời:“Nước Lỗ hiện giờ sắp làm tế lễ ở vùng ngoại ô. Nếu họ có thể chiểu theo lễ pháp là biếu thịt sau tế lễ cho các quân thần thì chúng ta có thể ở lại, không đi nữa.”

Kết quả là Vua Lỗ Định Công đã vi phạm nghi thức bình thường, không đem thịt sau cúng tế phân phát cho các đại thần. Vì thế, Khổng Tử đã rời khỏi nước Lỗ, sang nước Vệ.

Khi tới nước Vệ, vua của nước Vệ là Vệ Linh Công hỏi Khổng Tử rằng: “Bổng lộc của ông ở nước Lỗ được bao nhiêu?” Khổng Tử trả lời rằng, ông được sáu vạn đấu gạo. Thế là vua Vệ Linh Công cũng trả cho ông từng đó gạo.

Đám học trò đi theo Khổng Tử gặp được chỗ an thân, ai nấy đều vô cùng mừng rỡ. Tử Lộ đặc biệt vui vẻ hỏi Khổng Tử: “Vua nước Vệ cho thầy cai quản việc triều chính thì trước tiên thầy sẽ làm gì?”

Khổng Tử suy nghĩ một lát rồi nói: “Ta nghĩ trước tiên phải sửa cho đúng cái danh phận.”

Tử Lộ không khách khí hỏi: “Thầy có phần cổ hủ rồi. Việc này đâu có gì mà phải cải chính ạ?”

Khổng Tử nói: “Con thật là sơ suất! Người quân tử chỉ hoài nghi những gì mà trong tâm chưa rõ. Danh phận không chính thì đạo lý cũng sẽ giảng không thông. Đạo lý không được giảng thông thì sự tình làm cũng sẽ không thành. Sự tình làm không thành thì việc giáo hóa lễ nhạc của quốc gia cũng sẽ không thiết lập được. Giáo hóa lễ nhạc mà không hưng thì hình phạt sẽ không thỏa đáng. Hình phạt không thỏa đáng thì dân chúng sẽ không biết xử sự như thế nào cho phải. Cho nên, danh phận mà người quân tử dùng nhất định phải có thể nói ra đạo lý, đạo lý nói ra thì nhất định phải làm được thông.”

Xã hội thời xưa, cổ nhân vô cùng coi trọng “danh chính ngôn thuận”, mấy ngàn năm qua cũng đều là như vậy. Ngày nay có rất nhiều người là “hữu danh vô thực”, như thế cũng chính là “danh không chính” cho nên “ngôn không thuận” và “sự không thành”.

An Hòa (t/h)

Thứ Hai, 24 tháng 8, 2020

“Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” nghĩa là gì?

 

“Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” là một câu nói vô cùng quen thuộc, mà đôi khi chúng ta thậm chí đã quên mất xuất xứ của nó. Ngày nay, một số bạn trẻ yêu thích thể loại truyện mang bối cảnh cổ xưa, kiếm hiệp, tiên hiệp, v.v. còn thường xuyên dùng câu nói ấy với hàm nghĩa lãng mạn hiện đại. Tuy nhiên hàm nghĩa của câu nói ấy hoàn toàn khác, và xung quanh câu nói ấy có thật nhiều điều đáng phải suy ngẫm.

“Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” xuất phát từ bài thơ đầu tiên của Kinh Thi thuộc Tứ thư Ngũ kinh của Nho gia, nằm trong thiên Quan thư, chương thứ nhất:

Quan thư

Quan quan thư cưu,
Tại hà chi châu.
Yểu điệu thục nữ,
Quân tử hảo cầu.

Dịch nghĩa là:

Đôi chim thư cưu hót họa nghe quan quan,
Ở trên cồn bên sông.
Người thục nữ u nhàn,
Phải là lứa tốt của bực quân tử.

Dịch thơ:

Quan quan kìa tiếng thư cưu,
Bên cồn hót họa cùng nhau vang dầy.
U nhàn thục nữ thế này,
Xứng cùng quân tử sánh vầy lứa duyên.

Chương thứ nhất nói riêng, và thiên Quan thư nói chung, nếu đặt riêng lẻ khỏi Kinh Thi thì hẳn là sẽ không ít người nghĩ rằng nó nói về tình yêu nam nữ phàm tục thông thường. Tuy nhiên đặt trong toàn bộ Kinh Thi thì người ta mới hiểu được thiên Quan thư này một cách trọn vẹn.

Từ toàn bộ nội dung Kinh Thi mà xét, thì chương này có nguồn gốc như sau:

“Quân tử” trong bài là chỉ vua Văn Vương nhà Chu. Vua sinh có thánh đức, nên cần tuyển chọn người vợ trinh thục để phối với bậc chí tôn, làm chủ tế tông miếu.

Từ “nữ” trong bài thơ là con gái chưa gả chồng, ý nói nàng Thái Tự, vợ vua Văn vương, lúc còn ở nhà với cha mẹ. Nàng Thái Tự rất mực trinh thục không thay tiết tháo, dục vọng không lẫn vào nghi dung, ý vui riêng không hề lộ ra cử chỉ.

"Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu" nghĩa là gì?

“Hảo” là đẹp lành, “Cầu” nghĩa là đôi lứa. Những người trong cung, lúc nàng Thái Tự mới đến, thấy nàng có đức hạnh u tịch nhàn nhã và trinh chuyên, bèn làm bài thơ này rằng: Kìa đôi chim thư cưu nghe hót quan quan, đang ứng họa với nhau ở trên cồn bên sông. Người thục nữ yểu điệu nầy há không phải là bạn lứa tốt của bậc quân tử Văn vương hay sao?

Đó là có ý nói nàng Thái Tự và vua Văn vương cùng hòa vui mà cung kính lẫn nhau, cũng như tình chí thiết đậm đà mà lúc nào cũng giữ gìn cách biệt của đôi chim thư cưu vậy.

“Thư cưu” là loài chim nước, lại có một tên nữa là vương thư, hình trạng giống như chim phù y, trong khoảng Trường giang và sông Hoài thì có chim ấy. Chim nầy sống có đôi nhất định mà không hề lẫn lộn. Hai con thường lội chung mà không lả lơi, cho nên sách cổ nói rằng: đôi chim thư cưu tình ý chí thiết khăn vó đậm đà, nhưng lúc nào cũng giữ gìn cách biệt. Sách Liệt nữ truyện cho là người ta chưa từng thấy chim thư cưu sống dư cặp hay sống lẻ loi, là vì tính nó như thế.

“Quan quan” là tiếng chim trống chim mái ứng họa nhau, ý chỉ tâm ý tương thông, tri âm tri kỷ.

Như vậy chương thứ nhất của thiên Quan thư tỏ rõ cho hậu nhân rất nhiều vấn đề trong hôn nhân. Đó là cái đức của người nữ cần trinh thục, u nhã; đức của người nam cần là bậc quân tử; dẫu là trong hôn nhân thì nam nữ cũng rất mực giữ gìn, không lả lơi, buông thả; có vậy mới đạt được phu xướng phụ tùy, tâm ý tương thông, tri âm tri kỷ.

Vậy mới thấy rằng “Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” của cổ nhân so với quan niệm “lãng mạn” ngày nay thì quả là khác rất xa.

“Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” là một câu nói vô cùng quen thuộc, mà đôi khi chúng ta thậm chí đã quên mất xuất xứ của nó. Ngày nay, một số bạn trẻ yêu thích thể loại truyện mang bối cảnh cổ xưa, kiếm hiệp, tiên hiệp, v.v. còn thường xuyên dùng câu nói ấy với hàm nghĩa lãng mạn hiện đại. Tuy nhiên hàm nghĩa của câu nói ấy hoàn toàn khác, và xung quanh câu nói ấy có thật nhiều điều đáng phải suy ngẫm.

Như vậy “Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu” là một câu trong chương thứ nhất thiên Quan thư của Kinh Thi. Chương thứ nhất đã tỏ rõ cho hậu nhân những quan niệm về hôn nhân rất khác của người xưa. Chương thứ hai của thiên này lại tập trung vào sự trăn trở của vua Văn vương khi chưa cầu được nàng Thái Tự, còn chương thứ ba thì nói đến niềm sung sướng của vua khi cầu được nàng.

"Yểu điệu thục nữ, quân tử hảo cầu" nghĩa là gì?

Khổng tử nói rằng: “Thiên Quan thư vui mà không dâm, buồn mà không thương tâm”. Mạnh Tử đã khảo luận Kinh Thi, lấy thiên Quan thư làm đầu, nhấn mạnh vào cái đức của nàng Thái Tự. Tại sao thiên Quan thư lại quan trọng đến như vậy?

Văn vương trằn trọc bồi hồi

Chương thứ hai:

Sâm si hạnh thái,
Tả hữu lưu chi.
Yểu điệu thục nữ,
Ngộ mỵ cầu chi.

Cầu chi bất đắc,
Ngộ mỵ tư bặc.
Du tai! du tai!
Triển chuyển phản trắc.

Dịch nghĩa:

Rau hạnh cọng dài cọng ngắn không đều nhau,
Phải thuận theo dòng nước sang bên tả bên hữu chọn hái.
Người thục nữ u nhàn ấy,
Khi thức khi ngủ đều lo cầu cho được nàng.

Nếu cầu mà không được,
Thì khi thức khi ngủ đều tưởng nhớ.
Tưởng nhớ xa xôi thay! Tưởng nhớ xa xôi thay!
Vua cứ lăn qua trở lại mãi nằm không yên giấc.

Dịch thơ:

So le rau hạnh lơ thơ,
Hái theo dòng nước ven bờ đôi bên.
U nhàn thục nữ chính chuyên,
Nhớ khi thức ngủ triền miên chẳng rời.

Nếu cầu mà chẳng được người,
Khi mơ khi tỉnh bồi hồi nhớ thương.
Xa xôi trông nhớ đêm trường,
Chiếc thân trằn trọc trên giường nào yên.

Chương thứ hai này vẫn có cấu trúc như chương thứ nhất. Trước tiên nêu lên sự vật, rồi từ đó mà ví von với hoàn cảnh của Văn vương. Vào lúc chưa cầu được nàng Thái Tự, Văn vương trằn trọc không sao ngủ được, hết xoay bên này lại xoay bên kia, cũng như người đi hái rau hạnh ở hai bên dòng nước hết qua bên tả lại qua bên hữu vậy. Trằn trọc ấy lại không phải vì tình cảm bứt rứt, dục vọng không yên, mà bởi vì nàng Thái Tự với đức hạnh ấy trên đời không thường có vậy. Nếu cầu nàng mà không được thì không có ai phối, hợp với vua, để thành việc nội trị hoàn mỹ. Cho nên vua lo nghĩ sâu xa không xiết đến thế ấy. Đó chính là “buồn mà không thương tâm” (Khổng Tử) vậy.

Niềm sung sướng của Văn vương

Chương thứ ba:

Sâm si hạnh thái,
Tả hữu thể chi.
Yểu điệu thục nữ,
Cầm sắt hữu chi.

Sâm si hạnh thái,
Tả hữu mạo chi.
Yểu điệu thục nữ,
Chung cổ lạc chi.

Dịch nghĩa:

Rau hạnh so le không đều nhau,
Phải thuận theo dòng nước sang bên tả bên hữu chọn hái lấy.
Người thục nữ u nhàn ấy,
Phải đánh đàn cầm đàn sắt mà thân ái nàng.

Rau hạnh cọng dài cọng ngắn không đều nhau,
Phải nấu chín mà dâng lên ở hai bên.
Người thục nữ u nhàn ấy,
Phải khua chuông đánh trống để thể hiện điều mừng vui.

Dịch thơ:

Vắn dài rau hạnh bên sông,
Kiếm tìm mà hái theo dòng đôi bên.
Được người thục nữ chính chuyên,
Mến nàng, cầm sắt đánh lên vang dầy.
Bên sông rau hạnh vắn dài,
Đem về nấu chín mà bầy hai bên.
Được người thục nữ chính chuyên,
Để nàng vui thích, vang rền trống chuông.

Cầu được nàng Thái Tự rồi, thì Văn vương vui mừng khôn xiết. Đó lại không phải bởi vì thỏa được cái dục rồi mà hoan hỉ, mà bởi vì có được người đức hạnh giúp vua nội trị, nên vua tỏ ý mừng vui khôn xiết. Vậy nên mới lấy cầm sắt tâm giao, mới lấy trống chuông đánh lên mà tỏ nỗi lòng. Dẫu mừng vui thì vẫn thanh cao với rau hạnh. Đây chẳng giống như Khổng Tử nói, “vui mà không dâm” hay sao?

Thiên Quan thư này tỏ rõ trong hôn nhân: đức hạnh như chim thư cưu, tình chí thiết đậm đà mà vẫn giữ gìn cách biệt; khi cầu người thục nữ thì cũng là thức ngủ lăn qua trở lại vì lo không có được người đức hạnh dường ấy; đánh đàn cầm đàn sắt, khua chuông đánh trống, niềm vui buồn đã tột bực mà đều không quá khuôn khổ phép tắc. Hơn thế nữa, ẩn đằng sau những vui buồn đó lại là tâm tư của Văn vương, lo không có người đức hạnh để trợ giúp mình nội trị, sâu xa hơn cũng chính là lo cho con dân, cho quốc thổ. Từ đó có thể thấy sự đoan chính của cổ nhân trong quá trình tìm hiểu lẫn trong hôn nhân.

Khuông Hành nói rằng: “Phối hợp thành vợ chồng là mối đầu của việc phồn sinh của dân chúng, là nguồn cội của vạn phúc. Nghi lễ của hôn nhân được chính đáng thì về sau phẩm vật thoả thuận và thiên mệnh mới hoàn toàn.” Điều này so với cách nói ngày nay, cho rằng gia đình là tế bào của xã hội, cũng là đi trước nhiều lắm. Bởi vì cổ nhân nói về “đức hạnh” của hôn nhân, còn người hiện đại chỉ biết nói về tầm quan trọng của hai chữ “gia đình”.

Mạnh Tử đã khảo luận Kinh Thi, lấy thiên Quan thư làm đầu, ý nói rằng trên hơn hết là bực cha mẹ dân, đức hạnh của bà Hậu phi phu nhân nếu chẳng ngang bằng với trời đất, thì không lấy gì mà thờ phụng thần linh để điều hoà sự thích nghi của vạn vật. Từ đời trước trở lại, việc hưng phế của ba đời Hạ, Thương, Chu chưa có bao giờ không do ở đấy vậy. Điều Mạnh Tử nói lại càng cho thấy sự quan trọng của người phụ nữ trong Nho gia, điều mà không phải ai cũng hiểu cho được cặn kẽ.

Minh Nhật
Dựa theo cuốn Kinh Thi tập truyện, NXB Đà Nẵng, 2003.