Cổ nhân đề cao đức hạnh của người phụ nữ trong gia đình, cho rằng vợ chủ nội, chồng chủ ngoại. Trong lịch sử xưa nay, người phụ nữ không chỉ gánh vác công việc gia đình, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ đẻ, cha mẹ chồng, giúp chồng tạo dựng công danh sự nghiệp, dạy con, mà đôi khi còn gánh vác cả việc quốc gia, đại sự.
Phía sau các danh nhân của nhiều triều đại như Khổng Tử, Mạnh Tử, Tô Đông Pha, Bao Thanh Thiên, v.v. đều có bóng dáng của những người mẹ, người vợ. Họ là những phụ nữ đức hạnh được sử sách tôn vinh, ghi chép lại. Chính họ đã gây dựng nên nền tảng đạo đức và giúp người con, người chồng có thể đảm đương trách nhiệm xã hội của mình. Mẹ Khổng Tử, Mạnh Tử đều đích thân dạy dỗ con, bồi dưỡng con thành tài trong hoàn cảnh cha hai ông mất sớm. Vợ Bao Thanh Thiên được người đời tặng cho bốn chữ “trang nghiêm chặt chẽ”. Vợ Mai Nghiêu Thuần đứng sau bình phong mà giúp chồng chọn lựa người hiền…
Chân Tông Lưu Hậu, Nhân Tông Tào Hậu, Anh Tông Cao Hậu, Thần Tông Hướng Hậu, v.v. đều là những vị hoàng hậu đức hạnh, hoặc là được quần thần mời, hoặc là được tiên đế phó thác, từ hậu cung bước lên buông rèm nhiếp chính, rồi phò tá ấu chúa, dẹp loạn phản chính, đẩy lùi kẻ tiểu nhân, tránh xa ngoại thích, giữ lại cơ nghiệp của tổ tiên, bảo vệ giang sơn, khi con lớn thì nhường lại ngôi vị, do vậy có thể lưu danh muôn đời.
Quan niệm về vai trò của người phụ nữ trong xã hội ngày nay có nhiều thay đổi, người phụ nữ ở một số nước gánh vác công việc có thể nói là ngang với nam giới, đôi khi còn hơn, cũng là vì quan niệm nam nữ bình quyền hiện đại tạo ra như thế. Nhưng dù là thời nào thì một người phụ nữ hiểu đạo vẫn luôn được gia đình tôn trọng và xã hội tôn vinh.
Vì thế, một người vợ vượng phu cần hiểu được đạo làm vợ, đạo làm con dâu trong gia đình. Bởi vì họ là người chủ nội, nên gia đình có hưng thịnh, có nề nếp hay không chủ yếu sẽ nằm ở người phụ nữ.
Là người chủ quản của một gia đình, người vợ nên dịu dàng nhu hòa, niềm nở tươi cười và là trung tâm, nhân duyên của gia đình ấy. Họ cần giống như nước, “ở vào vật chứa hình vuông thì sẽ có hình vuông, vật chứa hình tròn thì là hình tròn”, thích ứng được mọi hoàn cảnh, giàu nghèo, cao thấp. Nước có thể nuôi dưỡng được vạn vật mà lại chảy chỗ trũng, không cùng vạn vật tranh chấp, giống như đức tính nhường nhịn và bao dung của người phụ nữ vậy.
Người vợ khi thấy việc nên làm thì tự mình đi làm, ở trên thì hiếu thảo với cha mẹ hai bên, ở giữa thì hòa thuận với anh chị em, ở dưới thì dạy bảo con cái. Họ cần buông bỏ tâm tư lợi, tranh giành, tham lam để suy nghĩ cân bằng mọi phương diện trong gia đình. Họ cũng nên thường xuyên tu dưỡng, loại bỏ đi những tính cách xấu, bởi như thế mới có đức dày để nâng đỡ mọi vật.
Có một số tật xấu điển hình mà người vợ cần tránh. Trong gia đình mà người vợ nhiều chuyện thì người chồng sẽ không làm được việc và sẽ trở nên trầm lặng. Nếu một người vợ mà đanh đá,”chèn ép” nửa kia thì người vợ ấy được gọi là “hãn phụ” chua ngoa. Một người phụ nữ như thế sẽ khiến gia đình “âm thịnh dương suy”, thậm chí con cái cũng bị ảnh hưởng. Còn người vợ mà không chăm chỉ, việc gì cũng ỷ lại vào người chồng, ỷ lại vào cha mẹ thì được gọi là “nhược phụ”. Người vợ như thế, “hết ăn lại nằm”, “oán trời trách đất”, quét sạch may mắn của gia đình.
Người vợ nên hiểu rằng mình là người làm bình ổn mọi sự bất hòa trong gia đình, là sứ giả đem lại may mắn, cát tường cho thân nhân và là phúc khí của gia đình ấy. Một gia đình có yên vui hay không, an tĩnh hay không, thịnh vượng phát đạt hay không thì sự ảnh hưởng của người vợ là vô cùng trọng yếu.
Thời xưa có rất nhiều điển cố điển tích về những người phụ nữ được lưu truyền lại, chủ yếu là ở hai phương diện. Phương diện thứ nhất là về những người phụ nữ có thể hy sinh thân mình vì chính nghĩa, đây là các “liệt nữ” xứng đáng được người đời tôn kính. Phương diện thứ hai là về những người phụ nữ đức hạnh, làm tròn thiên chức của mình.
Có một ghi chép vào thời nhà Thanh kể về một người con dâu đức hạnh của gia đình một ông lão tên là Cố Thành.
Ông lão họ Cố này có một người con trai đã lập gia đình với một cô gái trẻ họ Tiền. Một lần, khi người con dâu của ông lão về thăm cha mẹ đẻ thì một căn bệnh đột ngột lan tới ngôi làng, nơi gia đình chồng cô đang sinh sống. Dịch bệnh lây lan nhanh chóng và rộng khắp khiến rất nhiều người bị chết.
Mọi người rất sợ hãi và thậm chí cả người thân cũng không dám tới thăm nhau vì sợ bị nhiễm bệnh. Điều đáng buồn chính là không lâu sau khi dịch bệnh lan tới thì vợ chồng ông lão họ Cố cùng với sáu người con trai, con gái đều bị nhiễm bệnh.
Khi người con dâu của ông lão biết được tin này đã không hề lo ngại mà ngay lập tức chuẩn bị trở về nhà chồng để chăm sóc gia đình. Tuy nhiên, cha mẹ đẻ của cô vì quá yêu thương con gái nên đã ngăn cản và cố thuyết phục cô rằng: “Bệnh dịch lây lan rất nhanh, cha mẹ lo sợ rằng con cũng sẽ nhiễm bệnh mà chết mất.”
Cô gái họ Tiền này nghe cha mẹ nói xong, đã không do dự mà trả lời: “Từ khi lấy chồng cũng là lúc con mang trách nhiệm với gia đình chồng. Bây giờ họ đang gặp dịch bệnh, nếu con không quay về chăm sóc, đó có phải là bất nhân, bất nghĩa không?”
Sau khi trấn an cha mẹ, người con dâu nhanh chóng lên đường quay trở về quê chồng trong tâm trạng lo lắng.
Nhưng điều kỳ lạ chính là, ngay sau khi cô vừa về tới nhà thì cả tám thành viên của gia đình chồng cô đều dần dần hồi phục và nhanh chóng khỏe lại sau đó không lâu.
Người dân trong vùng ai cũng kinh ngạc về điều này. Họ tin rằng, lòng tốt và lòng hiếu thảo của cô con dâu trẻ đã lay động được Thần linh khiến họ ban phước lành cho cả gia đình cô. Từ đó, câu chuyện về người con dâu đức hạnh, hiếu thảo của gia đình họ Cố được người dân khắp vùng biết đến và lưu truyền.
Các bậc thánh hiền xưa đều giảng rằng, gia đình có tầm quan trọng đối với sự thịnh suy của một quốc gia. “Kinh Dịch” có viết: “Gia đình ổn định thì quốc gia mới vững vàng.” “Kinh Lễ” cũng viết: “Gia đình có nền nếp gia phong thì quốc gia sẽ được cai trị tốt.” Mà một gia đình có hòa thuận, hưng thịnh hay không thì vai trò của người vợ là rất quan trọng. Vì vậy, từ xưa đến nay dù trong gia đình hay ngoài xã hội, thì một người vợ tốt, người con dâu hiếu đạo vẫn luôn được tán dương và nể trọng.
An Hòa
0 nhận xét:
Đăng nhận xét