Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Bảy, 10 tháng 6, 2017

GS Lê Trọng Khánh muốn đối thoại với tác giả bài viết xúc phạm VN


(GDVN) - “Trong trường hợp nếu được đối thoại trực tiếp với vị giáo sư Stanford tôi sẽ nói thẳng với ông ấy rằng: ông không hiểu gì về lịch sử Việt Nam, văn hóa Việt Nam hay nhỏ hơn là con người Việt Nam”, GS Lê Trọng Khánh bày tỏ.


Dù bài viết bình luận về Việt Nam có tựa đề “Dù ngày càng giàu có nhưng khẩu vị người Việt chẳng giống ai” của giáo sư Joel Brinkley, giảng viên trường Đại học Stanford (Mỹ) và những bức xúc dư luận xã hội quanh nó đã có phần lắng xuống nhưng ở góc độ chuyên môn, góc độ nghiên cứu, nội dung bài viết vẫn là dấu hỏi lớn về lỗ hổng về kiến thức văn hóa, lịch sử Việt Nam của vị giáo sư người Mỹ.
Nội dung cốt yếu trong bài viết được giáo sư Stanford đưa ra để lý giải nguyên nhân người Việt “hung hăng” trong chiến tranh do ăn thịt qua nhiều thế hệ. Nói cách khác là giáo sự này đã đưa ra mệnh đề ăn thịt để kết luận nguồn gốc, tính cách con người.

GS Lê Trọng Khánh trong cuộc trao đổi với PV báo điện tử Giáo dục Việt Nam xung quanh bài viết của vị giáo sư trường Đại học Stanford (Mỹ)


Từng là một người lính, một nhà giáo và tham gia nghiên cứu lịch sử văn hóa Việt Nam qua công trình nghiên cứu chữ Việt cổ, GS Lê Trọng Khánh cảm thấy khó hiểu trước hiểu biết của vị giáo sư Stanford về lịch sử văn hóa dân tộc Việt Nam. Và nếu có cơ hội, GS Lê Trọng Khánh mong được đối thoại trực tiếp để nói rõ những hiều biết sai lầm của vị giáo sư này về văn hóa con người Việt Nam.

Nhận định về nội dung, tư tưởng bài viết bình luận của giáo sư Joel Brinklay, GS Lê Trọng Khánh cho rằng: Đây là thái độ hằn học, ảnh hưởng của tư tưởng xấu với người Việt Nam. “Bản thân ông ta là một nhà báo, một nhà giáo lại là nhà khoa học, một giáo sư nổi tiếng lại có phát biểu suy diễn chuyện ăn thịt ảnh hưởng đến tính cách “hung hăng” trong chiến tranh là điều phi lý, bậy bạ”, GS Lê Trọng Khánh khẳng định.
Theo GS Lê Trọng Khánh, việc vị giáo sư Stanford có thái độ “hằn học” như vậy có lẽ bắt nguồn từ chuyện người Việt Nam ăn và coi món thịt chó là đặc sản. Nhất là khi với nhiều người phương Tây khi thấy người Việt hay một số dân tộc Châu Á ăn thịt chó, một con vật được thuần chủng sớm và trung thành với con người họ cho đó là dã man, là thể hiện trình độ văn hóa thấp.

“Là một vị giáo sư, một nhà giáo, một nhà báo... tất cả công việc đang làm, vị trí xã hội đang có đáng ra vị giáo sư Joel Brinkley nên đóng góp ý kiến xây dựng hơn là phản bác, suy diễn quy chụp chuyện ăn thịt động vật để đưa ra nguồn gốc, tính cách văn hóa một dân tộc” – GS Lê Trọng Khánh nói.

Trước ý kiến trong bài viết nói về nguồn gốc thức ăn người Việt là thịt, GS Lê Trọng Khánh cho rằng đó là sự thiếu nghiên cứu tìm hiểu. Cư dân Việt gắn với nền nông nghiệp lúa nước, người Việt ăn thịt nhưng là ăn các loài động vật đã được thuần dưỡng nuôi trong nhà như con gà, con chó, con lợn, trâu, bò… Người Việt đâu phải dân tộc du mục, sống bằng chăn thả gia súc? Nguyên điều đó đã thấy rõ khẩu phần ăn người Việt chúng ta xưa và nay cũng thế thịt không phải là giá trị cốt yếu trong bữa ăn người Việt Nam.

Từ chuyện khẩu phần ăn là thịt, vị giáo sư Stanford cho rằng người Việt ăn thịt  “hung hăng” trong chiến tranh, theo GS Lê Trọng Khánh đó lại là một suy luận sai lầm. Việc thức ăn không thể là nguyên nhân chính hình thành nhân cách con người hiền hòa hay hung hăng mà là điều kiện xã hội, tư tưởng xã hội trong hoàn cảnh lịch sử lúc đó.

“Tôi xin ví dụ ở một thời điểm lịch sử dư luận toàn thế giới lên án sự độc tài, tàn ác của chế độ phát xít Đức, dưới thời Hitler. Nhưng không phải tất cả người dân Đức lúc đó là độc tài, là dã man, hay cũng không vì chuyện quá khứ mà nói người Đức là “hung hăng” hiếu chiến, đó chỉ là do điều kiện lịch sử” – GS Lê Trọng Khánh phân tích.

Là người tham gia giảng dậy bộ môn lịch sử tại trường Đại học Tổng hợp trước đây nay là Đại học Quốc gia Hà Nội, GS Lê Trọng Khanh chia sẻ ông cảm thấy rất buồn cười khi một học giả, một nhà giáo, nhà báo một vị giáo sư lại kết luận dân tộc Việt Nam “hung hăng” trong chiến tranh chi qua 10 ngày du lịch. Bởi theo GS Lê Trọng Khánh Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hòa bình, chúng ta không lấy chiến tranh để tồn tại.

“Qua nghiên cứu, qua sử sách trong quá khứ có những lúc Việt Nam rất thịnh trị, văn hóa giáo dục, kinh tế quân sự mạnh mẽ nếu muốn chúng ta hoàn toàn có thể bành trướng, xâm chiếm nước khác. Nhưng ngược lại người Việt luôn chọn chọn con đường ngoại giao hòa bình với các nước láng giềng. Điều đó có thể thấy vị giáo sư Stanford này hoàn toàn không hiểu gì về lịch sự văn hóa Việt Nam” – GS Lê Trọng Khánh cho biết.

Hàng ngàn người đã ký tên ủng hộ lời kêu gọi yêu cầu ĐH Stanford sa thải GS Joel Brinkley vì đã có bài viết xuyên tạc văn hóa VN.


GS Lê Trọng Khánh cũng cho biết, xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam đúng là chúng ta luôn phải đấu tranh, phải tham gia cuộc chiến tranh, nhưng là chiến tranh chính nghĩa. Việt Nam luôn ở tư thế tự vệ, không được phép lựa chọn con đường nào khác là tiến hành chiến tranh để bảo vệ chủ quyền dân tộc. Điều mà vị giáo sư Stanford không hiểu đó là nguồn gốc văn hóa Việt là tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước được vun đúc, rèn luyện chính qua các cuộc chiến tranh gìn giữ chủ quyền dân tộc.

Ngay sau khi bài viết xúc phạm Việt Nam bị dư luận xã hội phản ứng gay gắt, giáo sư Joel Brinkley đã có bài viết đại ý xin lỗi về những ý kiến của mình. Tuy nhiên theo GS Lê Trọng Khánh, đây không phải là lời xin lỗi chân thành mà chỉ là sự miễn cưỡng, qua loa do bị dư luận phản đối mạnh mẽ. Mà bất kỳ sự khiên cưỡng nào cũng cho thấy việc ông ta chưa thông suốt, chưa hiểu cái sai của mình. Đó là chuyện đáng buồn, người biết sai phải biết sửa, người Việt Nam có câu “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”, nếu là lời xin lỗi thiện chí tôi nghĩ dư luận sẽ không lên án mạnh mẽ như vậy.

Giáo sư Lê Trọng Khánh năm nay đã gần 90 tuổi, quê ở Quảng Ngãi, ông tham gia kháng chiến từ trước Cách mạng Tháng Tám. Từ sĩ quan Quân đội, ông chuyển sang nghiên cứu giảng dạy tại Khoa sử của Trường Đại học Tổng hợp (cũ). Trước khi về hưu, ông công tác tại Học viện Chính trị Quốc gia. Năm 1958, GS Lê Trọng Khánh bắt đầu nghiên cứu chữ Việt cổ, năm 1986, ông công bố giá trị của chữ Việt cổ qua cuốn sách “Sự hình thành và phát triển chữ Việt cổ”, cuốn sách đã được nhiều nước trên thế giới  như Nga, Pháp... dịch và xuất bản. Ngoài ra, GS còn viết và xuất bản nhiều cuốn sách về các danh nhân lịch sử và nhà thơ nổi tiếng như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm...



Hoàng Lực

0 nhận xét:

Đăng nhận xét