07 tháng 11, 2009 |
Hệ thống giáo dục của nước ta đã phát triển ngay từ thời Hùng Vương, An Dương Vương, thời Triệu, thời Hai Bà Trưng… ở khắp vùng giao Chỉ, Cửu Chân cũ, nay tài liệu còn lưu ở kho AE Viện Hán Nôm (qua cuộc khảo sát của Pháp năm 1938).
Ở Việt Nam, từ lâu, những nhà nghiên cứu như: Trương Vĩnh Ký, Vương Duy Trinh, Lê Huy Nghiệm, Lê Trọng Khánh, Hà Văn Tần, Trần Trọng Thêm, Phạm Ngọc Liễn, Đỗ Văn Xuyền… cùng đông đảo các nhà nghiên cứu Việt kiều đã có những thành công đáng kể. Tất cả đều đi đến cái đích chung, đó là những luận cứ khoa học chứng minh cho sự tồn tại của chữ Việt cổ - chữ “khoa đẩu” mà thuở xưa Hùng Quốc Vương cho khắc trên lưng rùa bản tóm tắt lịch sử nước ta tặng cho vua Nghiêu để tỏ tình hòa hiếu. Đó chính là bộ chữ ẩn trong bộ chữ “hỏa tự” do Tri châu Phạm Thận Duật tìm thấy ở Tây Bắc năm 1855 - 1856, cùng nhiều tài liệu khác có cùng cấu trúc đồng dạng. Bộ chữ này hình thành và phát triển đồng hành với dân tộc Lạc Việt cả về thời gian, không gian và quá trình lịch sử. Bộ chữ ấy dùng để ghi tiếng nói của người Việt cổ trước công nguyên, tồn tại song hành cùng ngôn ngữ Việt, thích ứng với đặc điểm ngôn ngữ Việt.
Cũng chính vì tìm được cách giải mã chữ Việt cổ mà các nhà nghiên cứu hiện nay có thể đọc được dễ dàng những trang sách chữ Quốc ngữ có tuổi hàng mấy trăm năm, nay chỉ còn lưu giữ giải rác trong dân và trong thư viện Lisbon, Pari, Roma… mà đến thế kỷ 16 khi đạo thiên chúa truyền vào nước ta, một nhóm trí thức người Việt đã cùng các giáo sĩ phương tây La Tinh hoá bộ chữ này thành chữ Quốc ngữ mà ta đang dùng ngày nay. Đặc biệt theo: “Những tín hiệu thu được từ bản lược đồ địa danh ngôn ngữ Việt cổ” của giáo sư Lê Trọng Khánh, thì không gian phân bố của chữ Việt cổ vô cùng rộng lớn, góp phần vào việc vạch phương hướng tìm hiểu cương vực và nguồn gốc người Việt cổ.
Như vậy “Chữ viết đóng góp quyết định vào nền văn minh Việt cổ” và: “Sự đồng nhất ngôn ngữ trên chữ viết và địa danh cổ càng khẳng định tính chất bản địa của người Việt cổ có nguồn gốc Đông Sơn và rất gần với nhau. Vấn đề này có liên quan đến việc phân bố dân cư cổ đại có nguồn gốc chung trên một địa bàn. Sự đồng nhất ngôn ngữ trên chữ viết và địa danh cổ, tổ tiên trực tiếp của chúng ta ngày nay. Người Lạc Việt đã sáng tạo văn minh Đông Sơn, có ảnh hưởng rất lớn đối với các dân tộc khác trước công nguyên” - Lê Trọng Khánh. Cũng chính vì vậy mà bao năm Sỹ Nhiếp ra lệnh triệt phá, tàn sát, bộ chữ “khoa đẩu” của người Việt cổ vẫn có một sức sống bất diệt.
Đầu năm 1625, F.de Pina làm Cha bề trên ở Dinh trấn Thanh Chiêm mà A.de Rhodes là cấp dưới. Tiếp đó, ông thay mặt Giáo đoàn Đàng Trong ra Phủ Chúa yết kiến Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên về vấn đề truyền đạo, mang theo A.de Rhodes để dạy tiếng Việt. Ông bị tai nạn lật thuyền và mất ngày 15/12/1625 khi thay mặt các giáo sĩ ra một chiếc tàu đậu ở ngoài khơi Hội An để nhận hàng tiếp tế của Macao.
Sau khi người Thầy Francisco de Pina qua đời, các công trình Latinh hoá tiếng Việt đầu tiên của ông đã vào tay người học trò Alexandre de Rhodes và ông này đã mang theo khi ra Đàng ngoài năm 1627. Alexandre de Rhodes đã được giáo sĩ Bồ đào Nha Gaspar do Amral trao cho cuốn Từ điển Việt - Bồ do ông biên soạn tại Macao vào mùa đông 1645. Sau đó giáo sĩ này đã bị chết trong một vụ đắm tàu ngày 23/12/1645 trên đường đến Đàng ngoài.
Nhờ những công trình Latinh hoá tiếng Việt có sẵn của các đồng nghiệp nói trên, Alexandre de Rhodes về sau đã bổ sung thêm một ít tư liệu của mình để biên soạn cuốn Từ điển An Nam - Bồ Đào Nha - Latinh được Vatican xuất bản năm 1651. Trong “Cùng bạn đọc” của cuốn từ điển đó, chính Alexandre de Rhodes viết: “Ngay từ đầu, tôi đã học với Cha Francisco de Pina là người thầy dạy tiếng, người thứ nhất trong chúng tôi rất am tường tiếng này và cũng là người thứ nhất bắt đầu giảng thuyết bằng phương ngữ đó mà không cần phiên dịch. Tôi cũng sử dụng những công trình của nhiều Cha khác cùng một hội dòng, nhất là Cha Gaspan do Amaral và Cha Antonio Barbosa.Cả hai ông đều đã biên soạn mỗi ông một cuốn từ điển, ông trước bắt đầu bằng tiếng An Nam, ông sau bằng tiếng Bồ, nhưng cả hai ông đều chết sớm. Sử dụng công khó của hai ông, tôi còn thêm tiếng Latinh theo lệnh các Hồng y đáng tôn kính...”.
Về việc người Việt có tham gia trong sự phát minh chữ Quốc ngữ, theo Roland Jacques - nhà nghiên cứu người Pháp đã viết gồm hai nhóm:
Thứ nhất là giới trí thức gồm có các thầy đồ, sư sãi, các trưởng tông phái (đạo Lão, đạo Khổng...), quan lại hưu trí và sĩ tử là những người giỏi tiếng mẹ đẻ, am hiểu nền văn hoá dân tộc.
Nhóm thứ hai gồm các phiên dịch là thanh niên giáo dân biết tiếng Bồ Đào Nha, La tinh giúp giáo sĩ truyền đạo. Và số người Việt này phải đông hơn gấp nhiều lần sơ với các giáo sĩ”, Bởi vậy Roland Jacques đã viết : “Chính cả Pina và các đồng nghiệp đã tập hợp được những người hợp tác có chất lượng mà nếu không có họ, mọi công trình ngôn ngữ học nghiêm túc sẽ không thể có được”.
Và ông đề nghị: “Cần thiết phải đặt đứng vị trí việc làm của cá nhân Alexandre de Rhodes trong một công trình tập thể mà ông chỉ là một trong số nghệ nhân cư yếu, trong đó người Bồ Đào Nha và những người cạnh tranh ngang hàng Việt Nam của họ đã giữ vai trò hàng đầu”. Điều này nhất quán với quan điểm của các nhà nghiên cứu chữ Việt cổ và thể hiện rõ trong cấu trúc đặc biệt của từ điển Việt - Bồ - La. Đó là việc sử dụng nhiều từ mang tính đặc thù của nhiều địa phương.
Có thể khẳng định nhóm trí thức địa phương đã góp cho từ điển Việt Bồ La một ngân hàng chữ rất lớn. Nếu một trí thức Việt Nam, dù ở trình độ nào cũng không đủ sức làm như vậy, chứ chưa nói đến các giáo sỹ phương tây, chưa thạo tiếng Việt lại không có điều kiện đi sâu vào các địa phương. Vì vậy năm 1868 khi người Pháp có ý định dùng chữ Quốc ngữ thay cho chữ Hán, đã phải hội thảo và đến năm 1886 lại tổ chức tiếp cuộc hội thảo nữa nhưng hoàn toàn bế tắc.
Đến năm 1902 phải lập một ban cải tiến chữ Quốc ngữ gồm nhiều học giả người Việt và người Pháp. Sau Cách mạng tháng Tám, ngày 21.9.1960 chúng ta đã tổ chức Hội nghị cải tiến chữ Quốc ngữ và có những thành công đáng kể. Từ đấy đến nay, chữ Quốc ngữ của chúng ta được hoàn thiện hơn rất nhiều, góp phần to lớn vào việc tôn vinh văn hóa dân tộc, nâng cao dân trí.
* Trong bài có sử dụng và trích dẫn tư liệu của giáo sư Lê Trọng Khánh, nhà nghiên cứu Đỗ Văn Xuyền và Nguyễn Phước Tư.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét