Thứ Ba, 19 tháng 8, 2014
“Gorbachev” Tàu đang xé nát Đảng Cộng sản
13:31
Hoàng Phong Nhã
No comments
Gordon G. Chang
Phan Trinh dịch
“Tập Cận Bình, giống Gorbachev, muốn làm
điều vĩ đại để cải cách một hệ thống bệnh hoạn. Nhưng cũng như lãnh tụ
cuối của Liên Xô cũ, Tập vừa kích hoạt những chuyển biến mà ông không
thể kiểm soát được.”
Giới thiệu của người dịch:
Lập luận của Gordon rất đáng chú ý,
nhất là khi ông so Tập Cận Bình với Gorbachev, người vừa cố sửa vừa cố
giữ, sao cho không đổ vỡ, một hệ thống đã không thể sửa. Thực ra, bài
học của Gorbachev nôm na chính là: Sai không sửa không được, nhưng cứ
sửa là sụp.
Hóa ra Tập không vô địch, mà đang
“thọ địch”, Tàu không siêu cường muốn làm gì thì làm, mà là một pho
tượng khổng lồ đứng trên bục đất bở. Và hóa ra Đặng Tiểu Bình nói quá
đúng:“Nếu Trung Quốc rơi vào bất ổn, thì bất ổn sẽ xuất phát từ chính
nội bộ Đảng Cộng sản”.
Nếu xâu chuỗi những ngày tháng nêu
trong bài – Bộ Chính trị Tàu họp kín ngày 26/6, trong đó Tập tuyên bố
không màng sống hay chết trong công cuộc chống tham nhũng, và ngày 29/7,
ngày ra thông báo điều tra Chu Vĩnh Khang – thì có thể đặt thêm một giả
thuyết, không phải không có lý, đó là: Trung Quốc rút giàn khoan 981
khỏi vùng biển Việt Nam ngày 15/7, sớm trước một tháng, thực ra cũng chỉ
vì đấu đá nội bộ đang đến hồi quyết liệt. (Đó là chưa kể Chu Vĩnh Khang
từng là một ông trùm dầu khí với nhiều tay chân trong ngành.) Và với
Tập Cận Bình, có lẽ “thù trong” còn đáng sợ gấp trăm lần “giặc ngoài”.
Bài gốc đăng trên National Interest ngày 14/8/2014 có tên “China’s “Gorbachev” Is Tearing the Communist Party Apart”. Những tiêu đề nhỏ là của người dịch.
__________
Sống-chết, mất-còn
“Tôi không màng mình sẽ sống hay chết, tiếng tăm mình sẽ còn hay mất, trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng này.” Tập Cận Bình đã mạnh miệng như thế, trong một phiên họp kín của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc
ngày 26/6 vừa qua. Lãnh tụ nhiều tham vọng họ Tập cũng nhắc đến hai đội
quân, một bên là đội quân “tham nhũng”, bên kia là đội quân “chống tham
nhũng”, và hai lực lượng, theo ông, đang lâm vào thế “tiến thoái lưỡng
nan.”
Những lời tuyên bố hùng hồn này, được
một Ủy viên Trung ương Đảng tiết lộ, có vẻ chính xác và phù hợp với
những thông tin trước đó rằng ông Tập đã đọc một diễn văn “gay gắt đến chấn động” về chiến dịch chống tham nhũng. Báo South China Morning Post
tại Hongkong cho biết một nguồn tin liên quan đến bài diễn văn của Tập
đã xác minh điều vừa kể. Rõ ràng, hiện đang diễn ra cuộc đấu đá nghiêm
trọng giữa các phe phái cao cấp ở Bắc Kinh.
Mới gần đây thôi, phần lớn dư luận chỉ
chú trọng đến việc ông Tập nhanh chóng củng cố vị thế chính trị sau khi
trở thành Tổng Bí thư Đảng vào tháng 11/2012. Chẳng hạn vào năm
2013,trong đêm trước ngày diễn ra hội nghị thượng đỉnh thân mật giữa Chủ
tịch Tập và Tổng thống Obama, tờ New York Times và Wall Street Journal
cho biết quan chức Nhà Trắng khẳng định Tập Cận Bình đã nắm được quyền
kiểm soát các cơ quan quyền lực của Đảng và quân đội nhanh hơn họ dự báo
rất nhiều.
Cũng vậy, từ đó đến nay, việc truy tố
rộng rãi các quan chức từ cao đến thấp – từ “hổ” đến “ruồi” trong từ
vựng Trung cộng – được xem như bằng chứng ông Tập đã nắm trong tay hệ
thống chính trị. Đầu tháng này, nhà báo Andrew Browne, viết trên tờ Wall Street Journal
rằng: “Ít nhất là cho đến bây giờ, gần như không có dấu hiệu chống
đối.” Tuy nhiên, thời điểm bài báo của Browne xuất hiện quả là không
may. Vì ngay khi bài báo “không có dấu hiệu chống đối” được đưa lên mạng
thì thông tin về bài diễn văn mạnh miệng trước Bộ Chính trị của Tập Cận
Bình bắt đầu được lan truyền tại Hoa lục.
Thời khắc quyết định
Những điều hùng hồn Tập Cận Bình nói ở trên làm người nghe nhớ đến tuyên bố đình đám năm 1998 của ông Chu Dung Cơ,
về việc hãy chuẩn bị sẵn 100 cỗ quan tài cho bọn tham nhũng, nhưng cũng
chuẩn bị luôn cho ông một cỗ vì ông sẵn sàng chết trong cuộc đấu tranh
giành lại “niềm tin của nhân dân vào chính phủ”. Thế nhưng, tuy dùng
ngôn ngữ đầy kịch tính, lời lẽ của ông Tập lại cho thấy tình trạng chống
đối quyết liệt và sự bất mãn cao độ đang diễn ra trong giới lãnh đạo
chóp bu.
Theo lời giáo sư Trương Minh (Zhang
Ming) thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, vì đang có quá nhiều chống đối
và bất mãn nên có thể xem đây chính là thời khắc quyết định mất-còn,
được ăn cả ngã về không, của đồng chí Tập Cận Bình. Quả là một thời kỳ
tế nhị vì việc chuyển giao lãnh đạo chính là nhược điểm lớn nhất của
những hệ thống độc tài toàn trị, và Trung Quốc đang ở ngay trong một
thời điểm rất dễ vỡ. Việc chuyển giao quyền lực từ Thế hệ Thứ tư Hồ Cẩm
Đào cho Thế hệ Thứ năm Tập Cận Bình là lần chuyển giao quyền lực đầu
tiên trong lịch sử Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc mà không được lãnh tụ
tối cao Đặng Tiểu Bình dàn xếp. Đặng Tiểu Bình, sau khi hất chân nhân
vật chuyển tiếp Hoa Quốc Phong, đã tự đưa mình lên ngôi cao nhất, và sau
đó ông chọn Giang Trạch Dân kế vị mình và sau nữa chọn Hồ Cẩm Đào kế vị
Giang. Dĩ nhiên, Đặng không còn ở thế có thể dàn xếp người vào ghế cao
nhất trong thời hậu-Hồ.
Các chuyên gia về Trung Quốc, dù không
thân thiện với chế độ, đã cho rằng việc chuyển giao gần đây được thực
hiện theo đúng các quy trình, thể lệ của Đảng, và đã diễn ra “êm thắm”.
Mặc dù được chuyên gia nhận định như thế nhưng thực ra đã có những vấn
đề nghiêm trọng,vì trong một nhà nước độc đảng, kể cả một nước quan liêu
nặng như Trung Quốc, mọi nội quy luật lệ đều có thể thay đổi tùy theo
ngẫu hứng bất chợt của lãnh tụ.Và trong cuộc chuyển giao Hồ-Tập vừa rồi,
một số điều bất ngờ đã xảy ra.
9 còn 7, và ghế đập lưng ông
Chẳng hạn, đã có sự cắt giảm ngoài dự
đoán con số thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị, tức đỉnh cao
quyền lực chính trị, từ con số chín người xuống còn bảy. Đây là bằng
chứng cho thấy việc chuyển giao quyền lực là kết quả sự dàn xếp giữa các
bên, chứ không phải là kết quả bầu chọn theo luật định. Thêm vào đó, vụ
Tập Cận Bình biến mất trong hai tuần vào tháng 9/2012 – theo một bài trên tờ Washington Post,Tập
bặt tăm hai tuần vì bị chấn thương khi một đồng nghiệp ném ghế trong
một phiên họp cấp cao, và ghế đập trúng lưng Tập – được cho là dấu hiệu
của sự bất đồng nghiêm trọng trong hàng ngũ lãnh đạo. Lại cũng có hàng
loạt tin đồn về các cuộc đảo chính
trước khi chuyển giao quyền lực diễn ra, có cả tin về vụ nổ súng tại
trung tâm Bắc Kinh trong số những tin khác. Đặng Tiểu Bình từng dự báo:
“Nếu Trung Quốc rơi vào bất ổn, thì bất ổn sẽ xuất phát từ chính nội bộ
Đảng Cộng sản.”
Nhưng, có lẽ lý do quan trọng nhất cho
thấy đây là thời khắc định đoạt mất-còn của Tập Cận Bình lại chính là
tham vọng quá lớn của ông. Từ trước đến nay, lãnh tụ nào của Cộng hòa
Nhân dân Trung Quốc cũng yếu hơn tiền nhiệm của mình, trừ Tập Cận Bình.
Ông Tập rõ ràng là đã ấp ủ những hy vọng lớn và ước mơ vĩ đại kiểu Mao,
và chính điều này đã khiến ông, hơn hẳn ba vị tiền nhiệm, tiến hành
thanh trừng những đối thủ chính trị cản đường mình. Dưới vỏ bọc chống
tham nhũng, ông đã thúc đẩy điều mà nhà bình luận John Minnich thuộc Viện Chính sách (think tank) Stratfor gọi là
“nỗ lực rộng nhất và sâu nhất, kể từ khi Mao Trạch Đông chết năm 1976
và Đặng Tiểu Bình lên nắm quyền hai năm sau đó, nhằm thanh trừng, tái tổ
chức và chấn chỉnh lại vị thế của giới lãnh đạo Đảng Cộng sản.”
20 tháng 36 vị
Tính đến nay, cuộc chiến của Tập đã thực sự càn quét, hạ bệ
ít nhất 36 quan chức ở vị trí thứ trưởng hoặc cao hơn trong 20 tháng
đầu tiên nắm quyền. Ủy ban Kỷ luật Trung ương Đảng cho biết năm ngoái
họ đã kỷ luật
182.000 quan chức. Bộ sưu tập những con hổ sa bẫy có cả Bạc Hy Lai, một
ủy viên Bộ Chính trị đầy sức hút, có cả Từ Tài Hậu, từng là một trong
những vị tướng quyền lực nhất nước, và có cả Chu Vĩnh Khang, ông vua lực
lượng an ninh nội chính, người phải phải rời ngôi vào năm 2012.
Thông báo về việc điều tra ông Chu Vĩnh Khang, đưa ra ngày 29/7/2014 vừa qua, đánh dấu điều một số người cho là “kết thúc giai đoạn quan trọng đầu tiên trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập,”
nhưng điều này còn có ý nghĩa sâu xa hơn nhiều. Việc truy tố chưa từng
có rõ ràng đánh dấu những ngày cuối cùng của hai thập niên ổn định chính
trị, một thời kỳ đủ dài để cho phép Trung Quốc phục hồi sức lực sau 27
năm thảm hại dưới sự cai trị của Mao Trạch Đông.
Phạm điều tối kỵ
Việc điều tra Chu Vĩnh Khang thực ra vi
phạm điều tối kỵ từng được mấy thế hệ lãnh đạo tuân thủ, đó là không
được truy tố ủy viên hay cựu ủy viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Nếu
các lãnh tụ biết mình sẽ không bị truy bức đến cùng, như họ từng bị
truy bức trong thời Cách mạng Văn hóa do Mao phát động, thì họ sẽ sẵn
lòng rút lui êm thắm nếu thất bại khi tranh giành quyền lực. Nói cách
khác, người kế vị khôn khéo của Mao, ông Đặng Tiểu Bình đã giảm thiểu
tối đa nguy cơ các nhân vật chính trị quan trọng phải chiến đấu đến cùng
và xé nát Đảng Cộng sản. Nhìn như thế thì việc cấm đụng đến các vị Ủy
viên ban Thường vụ là một yếu tố quan trọng trong việc tái lập ổn định
sau thời kỳ thanh trừng điên dại kéo dài hàng thập niên do Mao tiến
hành.
Thế nhưng, Tập Cận Bình đã đảo ngược thế
cờ và quy trình quen thuộc, và điều này thể hiện rất rõ qua vụ cho điều
tra Chu Vĩnh Khang và án chung thân dành cho Bạc Hy Lai. Đây là dấu
hiệu cho thấy Trung Quốc đang trở lại thời kỳ mà nhiều nhà quan sát nghĩ
là đã qua từ lâu, và Tập Cận Bình đang phủ nhận cách làm chính trị của
thời kỳ do Giang-Hồ thống lĩnh. Suốt thời kỳ vuốt mặt phải nể mũi đương
nhiên đó, những kẻ chơi trò quyền lực đã cố duy trì thế cân bằng mong
manh giữa những phe kình chống nhau trong Đảng. Còn đến thời Tập Cận
Bình, cuộc chiến mất-còn sống-chết tranh giành quyền lực đang biến thành
chủ trương“Tao còn, mày mất” hoặc “Mày chết, tao sống” (“You die, I live.”)
Như giáo sư Trương Minh thuộc Đại học
Nhân dân Trung Quốc nhận xét, “trận đánh” giữa Tập và những quan chức
khác “đã ở mức nóng bỏng cực độ.” Câu hỏi đặt ra là liệu trong những
tháng sắp tới, các cuộc đấu đá kia sẽ giảm cường độ hay lại càng nóng
bỏng.
Thỏa thuận?
Theo quan sát viên kỳ cựu về vấn đề Trung Quốc, ông Willy Lam, thì giai đoạn tệ hại nhất đã qua. Ông trích một nhận định của Đặng Vũ Văn – nguyên Phó Tổng Biên tập tờ Học tập Thời báo (Study Times) của Trường Đảng Trung ương – đăng trên Đại Công báo (Ta kung Po), tờ
báo Hongkong thường phản ảnh đường lối Bắc Kinh, số ra ngày 26/7:
“Nhiều người muốn biết liệu những con “hổ lớn” hoặc “hổ già” có tiếp tục
bị sa bẫy hay không. Và khả năng điều này xảy ra trong thời gian còn
lại của nhiệm kỳ năm năm lần thứ nhất gần như bằng không.” Ông tin rằng
Tập Cận Bình đã đạt được một thỏa thuận nào đó với Giang Trạch Dân, Hồ
Cẩm Đào, và những tai to mặt lớn khác trong Đảng để họ cho phép Tập làm
bất cứ những gì Tập muốn với Chu Vĩnh Khang, với điều kiện Tập sẽ không
đụng đến họ hoặc con cháu họ.
Nhưng một thỏa thuận như thế là điều
nhiều người còn hoài nghi. Hiện đang có rất nhiều dự đoán về những gì sẽ
xảy ra, và tất cả dường như đều cho thấy suy đoán của Đặng Vũ Văn không
đúng, ít nhất là với các lý do sau:
Con hổ lớn nhất & tà khí
Thứ nhất, Tập được cho là đang dùng
chiến dịch chống tham nhũng – trên thực tế thì đây là một cuộc thanh
trừng chính trị – để gạt ra ngoài những kẻ chống đối kế hoạch tái cấu
trúc kinh tế sâu rộng. Nếu điều này đúng thì thỏa thuận mà Đặng Vũ Văn
nhắc tới là sai. Xét cho cùng, nếu tìm cách thỏa thuận với phe bảo thủ
thì phe bảo thủ, vốn chịu nhiều thiệt hại nhất nếu có thay đổi, sẽ ở vào
thế có thể cản trở hầu hết các cải cách. Trong khi đó, Tập Cận Bình lại
là tuýp người khát khao để lại một di sản đáng kể – Tập muốn được xem
như người có công cứu sống Đảng Cộng sản và thực hiện được “Giấc mơ Hoa”
– và ông cũng chẳng dại gì bán rẻ tiền đồ của chính mình nếu thỏa hiệp.
Để làm được điều mọi người nói ông sẽ làm – hoặc ít nhất là nắm được
quyền lực tối cao – Tập Cận Bình cần nhổ nanh mọi đối thủ, nhổ nanh mọi
con hổ vẫn đang là chúa tể rừng rú.
Thứ hai, mọi người hầu như đang mất kiên
nhẫn với Tập, hoặc đang gặp bất lợi vì các chính sách của ông. Điều này
có nghĩa trên thực tế Tập đang có động lực rất chính đáng để tung một
chiêu ngoạn mục nhằm lấy lại sự ủng hộ của xã hội, chẳng hạn như bủa
lưới bắt luôn con hổ lớn nhất của bầy hổ là Giang Trạch Dân. Nhà bình
luận thạo tin ở Bắc Kinh, ông Lý Vĩ Đông (Li Weidong) tin rằng Tập sẽ nhắm vào mạng lưới tay chân của Giang và từ đó đảm bảo rằng 19 vị cựu Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị sẽ vì sợ hãi mà phải tuân thủ mọi ý muốn của Tập.
Thứ ba, ngay cả khi có một thỏa thuận
giữa Tập và các bác hổ già đi nữa, thì những thỏa thuận đó cũng không
thể kéo dài. Tập chắc chắn hiểu rằng ông đã đẩy cao kỳ vọng của người
dân Trung Quốc và giờ đây ông phải làm những gì mình hứa. Quần chúng đòi
hỏi bọn tham nhũng và quan tham bị hạ bệ, quần chúng muốn thấy gió lành
thổi bay “tà khí”, mượn lời người bạn thâm niên của Tập nói với nhà báo John Garnaut.
Vì vậy, Tập sẽ không thỏa hiệp trong cuộc chiến chống tham nhũng, ngay
cả khi đó là điều Tập muốn làm. Trong xã hội Trung Quốc phát triển ngày
càng phức tạp, có những thế lực mới không thể nào xem thường.
Vượt tầm kiểm soát
Tập Cận Bình, giống Gorbachev, là người
muốn làm điều vĩ đại để cải cách một hệ thống bệnh hoạn. Nhưng cũng như
lãnh tụ cuối của Liên Xô cũ, Tập vừa kích hoạt những chuyển biến mà ông
không thể kiểm soát được. Ông quyết định tấn công tham nhũng, nhưng tệ
nạn này đã ăn quá sâu trong hệ thống chính trị cộng sản Trung Quốc, nên
rất khó có thể quản lý những nỗ lực chống tham nhũng quyết liệt. Không
may cho Tập, ông đã tạo ra những kỳ vọng lớn lao trong xã hội, và trong
cả giới tinh hoa. Cũng vì vậy ông không thể nào ngưng chiến dịch chống
tham nhũng, và điều này nghĩa là dù có ngầm thỏa thuận với những bác hổ
già đi nữa, các thỏa thuận đó không sớm thì muộn cũng tan tành, bằng
cách này hay cách khác.
Một hệ thống chính trị dễ vỡ không thể kiềm chế được những kẻ quyết chí chiến đấu đến cùng để tồn tại.
Chính trị Trung Quốc thời hiện đại có lẽ
sẽ không man rợ như trong những năm đầu lập nước Cộng hòa Nhân dân,
nhưng vẫn không thể cho phép một lãnh tụ chấp nhận tình thế bất phân
thắng bại. Một lãnh tụ chỉ có thể hoặc thắng hoặc thua, nhất là với Tập
Cận Bình, kẻ đã kích hoạt điều được xem như một cuộc chiến tranh hủy
diệt mang động cơ chính trị.
Logic khốc liệt
Với những thử thách quá lớn trong những
ngày này, không ai muốn thấy mình yếu kém, nhất là đối với Tổng Bí thư
Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tập Cận Bình đã khởi động cuộc chiến sống-còn,
và ông phải tiến hành đến khi kết thúc. Khác với những hệ thống pháp
trị trong đó các cơ cấu có tính định chế sẽ kiềm chế những xung động và
xung đột, hệ thống toàn trị ở Trung Quốc lại dễ dàng tưởng thưởng những
hành động tồi bại nhất trong những thời kỳ căng thẳng nhất. Kiểu cách
chính trị được ăn cả ngã về không của Tập Cận Bình trói ông vào một
logic rất khốc liệt mà ông không thể thoát khỏi.
Trong tình hình đó, như nhận định của giáo sư Quách Ôn Lương (Guo Wenliang) thuộc Đại học Trung Sơn tỉnh Quảng Châu:
“nguy cơ những con hổ sẽ liên kết để phản công là một nguy cơ rất, rất
lớn” vì các quan chức cao cấp sẽ không thể ngồi chờ Tập đến tóm đi từng
người một. Và Tập cũng không thể ngồi chờ họ tấn công phản kích.
Tập Cận Bình, một lãnh tụ cứng rắn đang
định hình và tung hoành, đã thay đổi cục diện chính trị tại Trung Quốc
Cộng sản – sự thay đổi này có thể tốt hay xấu hơn, nhưng điều chắc chắn
là ông không thể quay ngược lại được nữa.
Nguồn: Gordon G. Chang, “China’s “Gorbachev” Is Tearing the Communist Party Apart“, The National Interest 14/8/2014
0 nhận xét:
Đăng nhận xét