Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Ba, 4 tháng 6, 2013

CÁI GỐC TỘI ÁC: ỨNG XỬ TRỌNG TÌNH HƠN LÝ


MINH CƯỜNG thực hiện
 
Phapluattp.HCM-2Tội ác ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Hành vi phạm tội ngày càng man rợ hơn. Lý do lấy đi một mạng người có khi chỉ xuất phát từ những cự cãi, mâu thuẫn rất nhỏ, thậm chí chỉ là “giết người cho bõ ghét”… Đó là lối ứng xử "trọng tình hơn trọng lý".
“Nguyên nhân gốc dẫn đến vấn đề tội ác bùng phát là do xã hội Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển tiếp giữa các hệ giá trị cũ và mới. Chính những con người từ trong “cái cũ” ấy đi ra nhưng lại chưa được chuẩn bị một cách đàng hoàng, chưa “đủ sức” để tiếp nhận các chuẩn mực mới. Do vậy sẽ rất dễ bị đổ vỡ và dẫn đến nhiều nguy hại to lớn cho xã hội” - GS-VS. Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, chia sẻ.
Xã hội “tự xử” ít dùng tới pháp luật
. Phóng viên: Thưa giáo sư, cụ thể nguồn cội của xung đột giữa “cũ - mới” ấy trong xã hội hiện nay là như thế nào?
+ GS-VSTrần Ngọc Thêm: Xã hội ta hiện nay đang ở giai đoạn chuyển tiếp giữa hai truyền thống văn hóa rất trái ngược nhau: văn hóa làng xã (âm tính) và văn hóa đô thị (dương tính). Đặc điểm của văn hóa làng xã là tính cộng đồng, tức là quan hệ thân thiết, vốn trọng tình, ít sử dụng đến luật pháp. Trong khi đó văn hóa đô thị mang tính cộng đồng xã hội, tức cộng đồng đó có thể ít quen biết nhau nhưng cùng hướng tới một mục đích chung khi hành xử bởi tuân theo pháp luật.
Hiện nay, khi ta bắt đầu chuyển sang thời đại công nghiệp hóa, đô thị hóa, mở cửa hội nhập thì làng xã dần chuyển sang đô thị và hướng theo đô thị. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tập quán, thói quen nên khi vào đô thị con người vẫn mang văn hóa làng xã vào đô thị. Điều ấy làm các yếu tố không phù hợp va đập nhau, dẫn tới xung đột, rồi phá vỡ nhiều hệ giá trị. Và nếu sự xung đột này còn tiếp diễn thì sẽ còn dẫn đến nhiều hệ lụy tai hại, nhất là việc coi thường kỷ cương, bất chấp pháp luật, tự hành xử theo ý của mình làm cho tình hình tội phạm ngày sẽ càng gia tăng hơn nữa.
. Vậy chính cái lối hành xử theo cảm tính, lệ thuộc vào cảm xúc, tình cảm, ít viện đến pháp luật trong xã hội ngày nay đã và đang dẫn đến nhiều hệ quả tai hại, thưa giáo sư?
+ Đúng thế. Xã hội ta sống theo tình cảm nghĩa là phi luật pháp. Chính vì thế ta đang rất cần những giá trị văn hóa mới, mà một trong những điều rất cơ bản là xây dựng văn hóa pháp luật để tạo dựng kỷ cương làm nền tảng cho mọi hành xử của xã hội. Và pháp luật ấy phải được tuân thủ với tất cả mọi thành viên trong xã hội, không có chuyện “con ông cháu cha” thì được tha và càng không có chuyện vì một cú điện thoại làm thay đổi cách thức xử lý (đó chính là những biểu hiện của lối hành xử theo tình cảm, cảm tính).

. Và có lẽ nguy hiểm nhất là người ta sẽ “tự xử” khi cảm thấy sự việc không theo ý mình, ngay cả việc sẵn sàng tước đoạt đi tính mạng của người khác; thậm chí đó là những người thân của mình?

+ Hiện tượng “tự xử” là hệ quả tai hại, khi các mâu thuẫn, xung đột xảy ra mà con người ta không gọi đến pháp luật. Như tôi đã nói, nó xuất phát từ lối ứng xử trọng tình hơn trọng lý. Dân gian ta vẫn nói với nhau “Một bồ cái lý không bằng một tí cái tình”. Bởi thế nên ở ta mới có chuyện là trong nhà đóng cửa bảo nhau chứ “vô phúc mới đáo tụng đình”.
Mặt khác, từ thực tiễn thực thi pháp luật kiểu “tối tối sáng sáng” như hiện nay làm cho người ta không tin vào pháp luật. Dân ta ngại đụng đến pháp luật vì chưa tin vào sự công minh, công bằng và một phần cũng sợ tốn kém nên thường tránh né, ít hợp tác với các cơ quan luật pháp. Trong khi đó, đối với phương Tây, cảnh sát là chỗ dựa của dân chúng, số điện thoại cảnh sát họ luôn nhớ và hợp tác với cảnh sát là phản xạ đầu tiên khi gặp rắc rối, xung đột. Như cái vụ “sát thủ cuồng dâm” Đặng Trần Hoài ở Hà Tây tháng 7-2012, có nhiều ý kiến trên mạng cho thấy nguyện vọng của dân là muốn nhà chức trách thả ra để cho dân xử chứ họ không tin vào sự nghiêm trị của hệ thống pháp luật. Tự xử nhỏ rồi dần đến tự xử lớn, rồi con giết mẹ, vợ giết chồng.
Chủ nghĩa thực dụng ngày càng thống trị
. Nhưng thưa giáo sư, điều hết sức đáng lo ngại ở đây là trong một xã hội mà dao kiếm đang lên ngôi, người ta hễ đụng một xíu là “xử, chém, giết”. Sâu xa trong lòng xã hội, những yếu tố nào đã khiến cho con người ta trở nên hung hăng như thế?
+ Đúng là có những tội ác vượt quá những giới hạn một cách kỳ lạ. Có khi vì lý do hết sức đơn giản mà sẵn sàng giết người. Điều đó có thể xuất phát từ những ức chế xã hội bên trong cộng với rác rưởi văn minh. Con người khi tiếp xúc với quá nhiều sai trái ngoài xã hội thì theo nguyên lý cộng hưởng nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức của họ. Đến một lúc nào đó thì bộc ra thành hành vi. Cụ thể là:
Tính giả dối trong xã hội đang đẩy con người ta tới chỗ rạn nứt niềm tin. Các quan chức thì tìm cách cho con cháu mình vào vị trí “ăn trên ngồi trốc” rồi còn vênh vênh váo váo. Công bộc mà cửa quyền, ăn hối lộ, tham nhũng… thì đâu còn đúng là công bộc. Làm sao có chuyện thượng tôn pháp luật khi bản thân nhiều quan chức có thói quen tìm cách lách luật. Tình trạng ấy khiến cho những người vốn lương thiện cũng phải tìm cách gian trá để tồn tại… Đó cũng là nguyên nhân cơ bản khiến cho sự rối loạn có nguy cơ trầm trọng trong xã hội, dẫn đến nguy cơ “chủ nghĩa dao kiếm” lên ngôi.
Mặt khác, “chủ nghĩa thực dụng” cũng đang ngày càng thống trị: Trong xã hội truyền thống ta chưa quá coi trọng đồng tiền. Dân ta có câu “trọng nghĩa khinh tài” kia mà. Giờ thì “tiền là Tiên là Phật” rồi. Khi mà trong giới giang hồ lưu truyền nhận thức cho rằng “cái gì không mua được bằng tiền thì có thể mua được bằng rất nhiều tiền” thì quả thật là nguy hại. Dường như những giá trị thiêng liêng giờ đã bị giải thiêng nhiều rồi.

Ngày càng có nhiều những quan chức đã thiếu tài mà lại ít tâm, tham nhũng, ăn nói bất nhất với dân chúng, làm cho bà con suy giảm lòng tin
 
. Cụ thể là giá trị thiêng nào bị giải thiêng, thưa giáo sư?
+ Ở nhiều nước phương Tây, bên cạnh tổng thống luôn có ông linh mục. Khi nhậm chức, tổng thống phải đặt tay lên quyển Kinh thánh mà tuyên thệ. Rất thiêng liêng. Trong xã hội ta bây giờ mặt trái của nền kinh tế thị trường đang đi vào cả chốn thiêng liêng nhất là cõi tâm linh. Nhiều người buôn thần bán thánh, nhiều người đến chùa cốt là để cầu lợi cầu tài; nhiều quan chức đến đền để xin xăm xin ấn; nếu thấy được thánh thần “phù hộ” trong “phi vụ” này thì quay lại cúng tiếp xin cho “phi vụ” khác. Niềm tin tôn giáo mà cũng nhiễu nhương như thế thì làm sao mà xã hội không lộn xộn?
Thứ hai, cái thiêng đối với công quyền. Ngày càng có nhiều những quan chức đã thiếu tài mà lại ít tâm, tham nhũng, ăn nói bất nhất với dân chúng, làm cho bà con suy giảm lòng tin. Khi đã mất lòng tin, họ sẽ cho rằng công quyền phân xử không công minh, không đảm bảo được công bằng. Án oan sai, án “bỏ túi”, v.v... còn nhiều thì làm sao dân tin vào công lý mà tìm đến khi cần phân định đúng sai, đen-trắng?
. Có trường hợp là người có học thức nhưng tại sao họ lại tàn bạo sẵn sàng phạm tội một cách đầy man rợ đến như thế?
+ Những con người từ trong xã hội cũ bước ra, với thói quen “bao cấp”, sống dựa dẫm, ỷ lại, không tự lập được. Khi bước vào thời kỳ đổi mới, nhiều người vẫn mang theo tinh thần dựa dẫm ấy. Những đứa con chưa được dạy bản lĩnh tự lập, với những hiểu biết cần thiết để ứng xử trong xã hội mới nhưng đã được thả ra đã không tự lập, không tự chủ được bản thân, nền tảng văn hóa lại mỏng nên không có khả năng điều tiết, kiềm chế về tâm lý và hành vi. Cho nên khi bị các yếu tố bên ngoài kích thích, tác động sẽ dẫn đến những hành vi man rợ. Nên nhớ rằng văn hóa ứng xử chứ không phải là kiến thức công việc. Nếu văn hóa ứng xử mỏng, khi rơi vào một tình huống nào đó thì mọi giới hạn giữ họ lại có thể sẽ mất hết: Khi đạo đức mất, pháp luật không ngăn cản nổi thì con người sẵn sàng hành động man rợ.
. Xin cảm ơn giáo sư.

Nền giáo dục hiện tại không đào tạo được nhân cách
Trong chuyện tội phạm gia tăng này có trách nhiệm của toàn xã hội. Nhưng đầu tiên phải nói đến giáo dục đã không đào tạo được cho con người những phẩm chất cần thiết để định hình nhân cách. Chương trình giáo dục công dân hiện nay mang tính đối phó, khô khan. Thầy dạy không được đào tạo một cách bài bản, thậm chí là từ môn khác chạy qua dạy, đọc cho các em chép; làm cho học trò học chỉ để đối phó. Trong khi đây là môn học vô cùng cần thiết để hình thành nhân cách cho con người.
Song song đó, giá trị tinh thần cần đưa về đúng chỗ của nó. Chứ hiện nay, giá trị tinh thần bị đặt thấp hơn so với vật chất. Đồng tiền phải trở về đúng vị trí của nó chứ không thể để nó thống soái như hiện nay. Ta coi văn hóa là động lực phát triển xã hội nhưng trên thực tế thì đồng tiền đang chế ngự tất cả. Đáng tiếc là có nhiều người kiếm tiền dễ dãi quá, kiếm không bằng thực lực dẫn đến một nền kinh tế bong bóng, phồn hoa ảo, phồn hoa đi vay, kéo theo xã hội vào những vòng xoáy khôn lường.
GS-VS TRẦN NGỌC THÊM

 MINH CƯỜNG thực hiện

0 nhận xét:

Đăng nhận xét