Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

Tục nhuộm răng đen và quan niệm xưa về cái đẹp


Tuc nhuom rang den va quan niem xua ve cai dep

Có lẽ đối với các thế hệ ngày nay, hình ảnh những người bà, người mẹ và cả những cô thiếu nữ với hàm răng óng ả hạt huyền chỉ còn là một hình ảnh đẹp trong quá khứ xa xôi. Những người của thế hệ nhuộm răng đen đến nay đã ra đi gần hết! Nét duyên dáng răng đen như ngọn đèn trước gió, và đi vào kỷ niệm! Nhưng những nụ cười đen nhánh nay đã mơ hồ kia, cứ đen mãi trong lòng sâu thẳm của những ai biết nó… mãi đen huyền, đen rực một cách thân thương!...


Để nhớ, để lưu giữ lại một phong tục, một nét đẹp văn hóa, mời các bạn cùng tìm hiểu nghệ thuật nhuộm răng đen của người Việt xưa.
Nguồn gốc của Tục nhuộm răng
Nhuộm răng là tục cổ của dân tộc Việt, có từ thời Hùng Vương cùng với tục ăn trầu đã trở thành nét văn hóa đặc trưng của bộ tộc người Việt để phân biệt với các sắc dân khác.. Đại Việt Sử Ký toàn thư trang 133 chỉ ghi lại lời vua Hùng về tục xăm mình chứ tục nhuộm răng thì không thấy “... rồi vua bảo mọi người lấy mực vẽ hình thủy quái vào mình. Từ đấy không thấy thuồng luồng đến cắn hại nữa”. Sứ thần của nước Văn Lang trả lời vua nhà Chu về tục ăn trầu “Chúng tôi có tục ăn trầu để khử mùi ô uế và nhuộm cho răng đen...”. Không chỉ người Việt mới có tục nhuộm răng mà các dân tộc khác như Mường, Thái, Si La... cũng có tục này nhưng mỗi nơi, mỗi dân tộc đều có cách nhuộm răng khác nhau về ý nghĩa, thời gian, cách nhuộm và chất liệu sử dụng.
Phong tục nhuộm răng đen
Tục nhuộm răng đen trước hết là do quan điểm thẩm mỹ. Chính tục lệ ăn trầu là lý do trực tiếp của tục nhuộm răng, bởi nhai trầu thường làm ố đen răng, nên phải nhuộm đen, nhuộm thật đen để loại bỏ tác dụng trên, đồng thời tạo được vẻ thẩm mỹ duyên dáng cho hàm răng… “Da trắng, răng đen” tạo sự tương phản cao và đầy nghệ thuật đã thu hút bao hồn vía các chàng trai thời ấy! Các cô gái, cho dù không ăn trầu, vẫn cứ nhuộm răng đen. Thậm chí, việc nhuộm răng đen còn lan sang cả cánh đàn ông nhưng số lượng ít hơn. Việc nhuộm răng đen đã trở thành luật, phổ biến trong dân chúng, trừ những đức trẻ còn răng sữa, ngoài ra đều phải nhuộm đen, không ai có thể cưỡng lại qui luật trên. Và nếu đã sở hữu một hàm răng đen, buộc cứ khoảng gần một năm phải nhuộm lại, vì màu đen đã phai. Đặc biệt vào các dịp lễ tết hay những ngày vui trọng đại như lễ hỏi, lễ cưới, họ phải nhuộm răng lại cho đen mới để tham dự.
Tục nhuộm răng đen có từ thuở xa xưa, nhưng chỉ thông dụng ở miền Trung và miền Bắc.
Kinh đô Huế được coi là nơi cực thịnh của nghệ thuật nhuộm răng, vì ở đó các ông hoàng bà chúa, các cung tần mỹ nữ, tầng lớp quan lại, nho sĩ, các cô chiêu, cậu ấm rất ưa chuộng việc nhuộm răng.
Thuốc nhuộm răng của người Việt xưa phải có một công thức pha chế riêng: Bột nhựa cánh kiến, Nước cốt chanh hay hạnh, Phèn đen, Nhựa của gáo dừa. Việc nhuộm răng phải tuân theo từng giai đoạn làm sao cho răng đạt màu đen bóng. Để khởi đầu cho việc nhuộm răng thì miệng và răng phải được làm vệ sinh, phải chuẩn bị hàm răng cho thật sạch. Không được có bợn, bả răng trong các kẽ và chân răng, phải lấy hết cho đến khi lấy tay sờ vào thân răng phải trơn láng mới được. Trong ba ngày đầu phải đánh răng, xỉa răng bằng vỏ cau khô với than bột trộn với muối sống hầm chín thành bột. Một ngày trước khi nhuộm phải nhai ngậm chanh hoặc hạnh, súc miệng bằng rượu trắng pha nước chanh. Tác dụng của nước cốt làm cho lớp men ngoài răng “mềm” đi, tính acid của chanh sẽ bào mòn tạo thành những vệt lõm sần sùi trên men răng. Thời gian này là thời gian đau đớn nhất cho người nhuộm răng, môi, lưỡi, lợi và niêm mạc trong vòm họng sưng tấy, hai hàm răng lung lay gần như muốn rụng. Thuốc nhuộm răng bằng nhựa cánh kiến được điều chế trước đó từ 7 đến 10 ngày theo đúng công thức với tỷ lệ bột nhựa cánh kiến và nước cốt chanh tùy theo mỗi người, chất sền sệt đó được trét lên một mảnh vải thô trắng hay lụa. Ở thôn quê, người ta trét lên lá dừa, cau hay lá ngái sau đó mới áp lên hai hàm răng. Việc áp thuốc nhuộm răng được thực hiện vào sau buổi ăn chiều, đến giữa đêm sẽ được thay bằng một miếng áp mới.
Đến sáng người ta sẽ gỡ ra thật nhẹ nhàng tránh bị bong tróc lớp nhựa sơn mới phủ lên đêm trước. Sau khi lấy thuốc ra phải súc miệng bằng nước mắm, có nơi dùng nước dưa chua để thải hết chất thuốc còn sót lại. Người nhuộm răng gần như phải ngậm miệng suốt đêm, tránh tối đa miếng thuốc nhuộm rơi bong ra, phải làm như vậy mỗi đêm 2 lần trong 7 đêm. Khoảng thời gian đó người nhuộm răng chỉ được nuốt thức ăn chứ không được nhai. Thông thường các người nhuộm răng được cho ăn bún trộn với mỡ heo và nước mắm để dễ nuốt trửng. Khi thấy răng có màu đỏ già, màu của cánh kiến thì việc nhuộm răng sẽ bước qua giai đoạn 2 là giai đoạn nhuộm đen răng bằng cách phết dung dịch bôi đen lên răng. Thuốc bôi đen là hỗn hợp phèn đen trộn với nhựa cánh kiến, dung dịch này được phết trong 2 ngày. Sau đó phải súc miệng bằng một thứ thuốc gọi là thuốc xỉa nước. Giai đoạn cuối cùng là cố định bằng nhựa của gáo dừa, chất nhựa này được làm như sau: Lấy sọ hay gáo dừa già, đem phơi khô nhiều nắng, sau đó đem đốt nó trên than hồng rồi để cái sọ dừa đang cháy này lên trên một cái rựa sắt cùn, từ trong sọ dừa đang cháy un khói đó sẽ chảy ra một thứ nhựa đen sền sệt lấy chất đó bôi lên răng, chất nhựa này tạo thành một lớp men trên thân răng. Người ta gọi giai đoạn này là “giết răng”. Khi hoàn tất giai đoạn này người nhuộm răng sẽ có một hàm răng đen bóng như hột mãng cầu.
Xưa ở nông thôn có thầy nhuộm răng, ông ta đi từ làng này sang làng khác để hành nghề như người làm nghề thiến heo, thiến gà chó... Ở Huế lại có các "bà thầy" nhuộm răng thường hành nghề cố định trong các chợ, như chợ Đông Ba có đến 5, 6 người hành nghề này. Họ có một cái sạp ngay giữa lồng chợ, còn như các chợ nhỏ như chợ Bến Ngự, chợ Bao Vinh, chợ An Cựu chỉ có một hai bà thầy nhuộm răng mà thôi.
Cách đây 70 năm có một bà thầy nhuộm răng nổi tiếng nhất ở kinh đô Huế không ai là không biết, đó là bà thầy Thại ở làng Sư Lỗ cách cầu Ngói Thanh Toàn một con sông. Bà thầy vừa hành nghề nhuộm răng vừa sản xuất thuốc nhuộm, thuốc xỉa, cao dán mắt, cao no hơi đầy bụng cho trẻ sơ sinh... Muốn nhuộm răng các cô chiêu, cậu ấm phải ghi tên và đặt tiền cọc trước, có khi mất cả hàng tháng trời mới tới phiên mình được nhuộm. Mỗi đợt nhuộm là 15 người ăn ở luôn tại nhà bà thầy trong suốt thời gian nhuộm khoảng từ 12 ngày đến nửa tháng. Chiều chiều bà thầy thường cho các cô chiêu cậu ấm leo lên một đồi nhỏ trong làng quay mặt ra hướng đông, bảo họ há miệng to để gió biển thổi vào cho thuốc nhuộm mau khô (!) và bà cũng kể cho các cô chiêu cậu ấm đó nghe về những chuyện cổ tích, danh nhân lịch sử, lòng yêu nước, hiếu thảo với cha mẹ. Đặc biệt có một ông già mù phụ thêm hát vè Mụ Đội, vè Phạm Công Cúc Hoa, vè Lục Vân Tiên, vè thất thủ Kinh Đô... để mua vui cho các cô các cậu và những người hiếu kỳ đến xem. Thuốc nhuộm răng của bà thầy Thại càng ngày càng nổi tiếng vang khắp cả một vùng Trung kỳ, có mấy cái đại lý của bà ở chợ Đông Ba, Quảng Trị, Đông Hà vô tới Quảng Nam, Quảng Ngãi...
Duyên dáng răng đen
Còn trong văn chương, ca dao Việt Nam thì tục nhuộm răng và răng đen của người phụ nữ được ca ngợi tôn vinh như một nét đẹp không thể thiếu được. Răng đen là nét đáng yêu được xếp vào hàng thứ tư trong cái duyên của người con gái:
Một thương tóc bỏ đuôi gà,
Hai thương ăn nói mặn mà có duyên,
Ba thương má lúm đồng tiền,
Bốn thương răng láng hạt huyền kém thua
Để hấp dẫn, để sửa soạn, để trang điểm người con gái bao giờ cũng rất chú trọng đến hàm răng đen gợi cảm của mình:
Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
Bõ công trang điểm má hồng răng đen.
Và:
Năm quan mua lấy miệng cười
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen.
Trong bài thơ "Bên kia sông Đuống" nhà thơ Hoàng Cầm cũng đã từng ca ngợi nét duyên dáng, vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam
...Những cô hàng xén răng đen
Cười như mùa thu tỏa nắng...
Phụ họa thêm cho hàm răng đen mướt một sự sạch sẽ văn minh, phụ nữ thời ấy, lúc ăn trầu thường hay “đánh răng thuốc”, nghĩa là họ dùng một lọn thuốc lá sợi, vê thành cục bằng đầu ngón út mà chà xát vào mặt ngoài của hàm răng. Có “đánh răng thuốc”, khi nhai trầu, răng mới đen mướt và sạch sẽ. Có “đánh răng thuốc” thì miếng trầu mới đậm đà, không lạt lẽo. Có “đánh răng thuốc” thì trò chuyện mới duyên dáng! Cho nên, thao tác “đánh răng thuốc” là một nghệ thuật vô cùng sinh động trong giao tiếp, tăng thêm lịch sự quyến rũ!
Mới răng là mới nụ cười
Mới cả con người, mới cả thế gian!
Tục nhuộm răng đen còn tồn tại mãi đến khi sang thế kỷ 20, chúng ta mới phá bỏ tục lệ này. Cho đến nay, hình ảnh ngưòi phụ nữ với hàm răng đen đã lùi vào dĩ vãng nhưng đó vẫn mãi là một nét đẹp văn hóa của người Việt Nam

0 nhận xét:

Đăng nhận xét