LTS: Chỉ còn mấy ngày tới là diễn ra cuộc gặp thượng đỉnh thường niên giữa Mỹ và Trung Quốc, trong bối cảnh nước đầu tiên chào đón nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Barack Obama, còn nước thứ hai có một thế hệ lãnh đạo hoàn toàn mới.
Có những điều gì đặc biệt sẽ diễn ra trong cuộc gặp này, TuanVietNam xin được trao đổi với nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, một chuyên gia lão làng về Trung Quốc.
Thưa ông, cuộc gặp thượng đỉnh Trung – Mỹ năm nay so với các năm trước có gì đặc biệt hơn?
Thượng đỉnh Trung – Mỹ là để hai bên nêu ra những vấn đề cùng quan tâm mới, những va chạm mới… để tìm cách giải quyết, khỏi gây ra xung đột.
Nhưng năm nay, theo tôi nghĩ, sẽ có một vấn đề đặc biệt, ngoài chương trình nghị sự bình thường.
Đó là vấn đề gì, thưa ông?
Để trả lời câu hỏi đó, chúng ta phải nhìn lại quan hệ hai nước, kể từ khi họ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, vào đầu năm 1979.
Barack Obama gặp Tập Cận Bình hồi tháng 2 năm nay tại Nhà Trắng
|
Giai đoạn thứ nhất, từ khi hai nước chính thức lập quan hệ ngoại giao (1/1/1979) tính đến khi Liên Xô tan rã (cuối năm 1991). Đó là giai đoạn đối chọi nhau. Điển hình là sự kiện Thiên An Môn năm 1989.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, chiến tranh lạnh chấm dứt, ở Trung Quốc vẫn có một số người muốn tiếp tục xu thế đó, nhưng Đặng Tiểu Bình đã khôn ngoan, dẹp ngay, đề ra chủ trương “giấu mình chờ thời, quyết không đi đầu”. Tức là Đặng muốn tránh cho Trung Quốc phải đứng ra thay thế Liên Xô, cầm đầu mấy nước xã hội chủ nghĩa còn lại và phong trào cộng sản quốc tế.
Giai đoạn này kéo dài từ đó đến năm 2010, khi GDP Trung Quốc vượt Nhật Bản để vươn lên thứ hai trên thế giới, chỉ đứng sau Mỹ. Trong giai đoạn này, Trung Quốc, tuy không nói ra, nhưng đã ngầm thừa nhận Mỹ là siêu cường, nói chung tránh không trực diện đối đầu với Mỹ. Khi hai bên có những va chạm, Trung Quốc đã chủ động ứng xử một cách nín nhịn.
Ví dụ?
Tôi xin lấy hai ví dụ điển hình nhất.
Một là vụ Mỹ bắn tên lửa vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Nam Tư, khiến Tuỳ viên quân sự Trung Quốc tại đây chết. Nhưng Trung Quốc đã không làm to chuyện.
Hai là vụ máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời của Trung Quốc ở đảo Hải Nam, năm 2001, đâm phải và làm rơi máy bay Trung Quốc, làm chết phi công Trung Quốc, còn máy bay của Mỹ buộc phải hạ cánh xuống sân bay Trung Quốc. Sau một thời gian đàm phán, Trung Quốc đã chấp nhận lời xin lỗi của phía Mỹ, để phi công Mỹ ra về, và sau đó trả máy bay cho Mỹ.
Vậy đến giai đoạn 2010 trở đi, khi GDP Trung Quốc đứng hàng thứ hai thế giới?
Vâng, ngoài GDP ra, Trung Quốc đã trở thành nước có dự trữ ngoài tệ lớn nhất thế giới và chủ nợ lớn nhất thế giới. Trong nội bộ Trung Quốc xuất hiện một xu thế coi “giấu mình chờ thời” không phải là “bách niên đại kế” (đại kế trăm năm), mà chỉ là “quyền nghi chi kế” (kế quyền nghi) mà thôi. Đã đến lúc Trung Quốc không cần cư xử với Mỹ như cũ nữa, mà cần phải “bằng vai phải lứa”.
Học giả Dương Danh Dy tại hội thảo Biển Đông. Ảnh: Huỳnh Phan
|
Xu thế này dần phát triển, và định hình, vào cuối năm ngoái, khi Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18 họp, và kết quả đại hội là một thế hệ lãnh đạo mới và phương hướng phát triển mới.
Xin hỏi ông, ban lãnh đạo mới của Trung Quốc có vai trò như thế nào trong chuyện này?
Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc, tuy mới lên, nhưng đã có một số hành động đáng chú ý.
Việc đầu tiên là họ nắm chặt quân đội hơn, thanh trừng hàng loạt các tướng lĩnh có ý muốn tách rời quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Năm ngoái, một thượng tướng đã bị mất chức vì có ý định này, và ngay trước Đại hội 18, họ đã thay ngưòi lãnh đạo chủ chốt của Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần và Tổng cục Trang bị. Trừ đại hội 8 (năm 1958), tôi chưa vào ngành, còn 10 kỳ đại hội khác từ đó đến nay, tôi đều ít nhiều có theo dõi, và chưa bao giờ thấy hiện tượng trên.
Thứ hai là Tổng Bí thư Tập Cận Bình đi thăm Thâm Quyến ngay sau đại hội. Tại sao lại Thâm Quyến? Bởi vì sau Thâm Quyến là quân khu Quảng Châu – một quân khu rất quan trọng đối với Biển Đông. Ở đó, Tập Cận Bình đã tuyên bố rằng quân đội phải chịu sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Sau đó, Tập Cận Bình tổ chức đợt học tập, rút kinh nghiệm bài học Liên Xô: cho rằng lý do chủ yếu khiến Liên Xô tan rã là do Đảng Cộng sản không nắm quân đội. Trong bài viết trên mạng của họ mà tôi đọc được nói rằng, trong 2 tháng rưỡi từ khi lên nắm quyền, Tập Cận Bình đã đi thăm hầu hết các quân binh chủng của quân đội Trung Quốc. Tôi nghĩ đến nay ban lãnh đạo mới của Trung Quốc đã tạm nắm được quân đội, và tạm dẹp được xu thế trung lập hoá quân đội.
Thứ ba là ban lãnh đạo mới này đã tỏ ra “nêu gương” trên một số mặt. Không biết bên trong thế nào, nhưng qua truyền thông thấy từ Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Tập Cận Bình đến Thủ tướng Lý Khắc Cường… đều tỏ ra “ cần, kiệm, liêm, chính.”
Ví dụ: Tập Cận Bình, từ khi lên nắm quyền, ra lệnh tiệc chiêu đãi chỉ gồm 4 món thức ăn và 1 món canh là 5 món, không được hơn, và cơm không có rượu. Đi đâu không có “tiền hô, hậu ủng”...
Hay, Lý Khắc Cường khi xe đi gặp đèn đỏ, đứng lại chờ đèn chuyển sang xanh mới đi tiếp...
Ban lãnh đạo này, so sánh với các ban lãnh đạo trước đây, có thêm những đặc điểm gì nổi bật?
Ngoài yếu tố khá trẻ, (như Tập Cận Bình 60 tuổi, hay Lý Khắc Cường 58 tuổi), có trình độ văn hoá cao (nhiều người là thạc sĩ, hay tiến sĩ), và được thử thách, rèn luyện tốt. Bọn họ đã “bò từ cơ sở lên chức vị hiện nay, chứ không làm quan tắt”.
Nhưng điều này mới là quan trọng: Đây là lớp người mà tuổi thiếu niên nhìn thấy tác hại của Cách mạng Văn hoá Trung quốc. Thậm chí, như Tập Cận Bình đã bị đấu tố, rồi phải “lên núi xuống làng”... Đến tuổi thanh niên thấy tận mắt thành công của cải cách mở cửa, thấy đất nước thay đổi đến chóng mặt.
Chính vì vậy, bây giờ ở vào cương bị lãnh đạo cao nhất, họ có ý chí rất mạnh, quyết tâm xây dựng Trung Quốc thành một siêu cường. Vì vậy, không phải tự nhiên mà “giấc mộng Trung Hoa” lại xuất hiện.
Những đặc điểm này tạo cho Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường … có sự khác biệt khá rõ với thế hệ lãnh đạo trước.
Vậy, xin quay trở lại đề tài chúng ta đề cập lúc đầu, tại thượng đỉnh Trung – Mỹ lần này, liệu Trung Quốc có đưa ra vấn đề về vị thế của Trung Quốc, và đòi hỏi đứng “ngang bằng” với Mỹ không?
Tôi nghĩ là có thể. Bởi để chuẩn bị cho đòi hỏi này, Trung Quốc đã làm mấy việc sau:
Thứ nhất, Tập Cận Bình chọn nước đầu tiên đi thăm là Nga. Nga là đối thủ của Mỹ, rõ ràng là Trung Quốc muốn cho Mỹ biết đã có sự liên kết Trung – Nga trong mối quan hệ với Mỹ.
Trong khi đó, Lý Khắc Cường đi thăm Ấn Độ và Pakistan. (Một số báo chí của ta chỉ tập trung đến chuyến thăm Ấn Độ, tạo cảm giác rằng Trung Quốc muốn thúc đẩy quan hệ với Ấn Độ theo chiều hướng tốt đẹp).
Nhưng, thực ra, Trung Quốc đã tỏ ra rất “cáo già”. Ai cũng biết Ấn Độ và Pakistan là hai nước có sự chống đối về lãnh thổ, dân tộc và tôn giáo, và đã từng xẩy ra chiến tranh. Trong khi đó, Pakistan lại là người bạn thân thiết nhất của Trung Quốc, Trung Quốc là nước viện trợ cho Pakistan nhiều nhất. Tức là Trung Quốc đâu chỉ có chơi với Ấn Độ, mà còn chơi với cả đối thủ của Ấn Độ nữa.
Rồi Ngoại trưởng Vương Nghị chọn 4 nước Đông Nam Á không có tranh chấp Biển Đông là Thái Lan, Indonesia, hay Singapore, hoặc tranh chấp không đáng kể (Brunei). Rõ ràng là họ định chia rẽ ASEAN, nhất là với hai nước Philippines và Việt Nam.
Rồi ngay trước khi đến Mỹ, ngày 31.5, Tập Cận Bình đã có chuyến thăm tới 3 nước Trung Mỹ và Caribe là Trinidad và Tobago, Costa Rica và Mexico, nhằm mục đích phát triển dầu khí và thương mại, ở mức độ cao hơn có thể nói đó là một sự xâm nhập vào sân sau của Mỹ. Hiện Trung Quốc đã vượt qua Liên minh châu Âu để trở thành bạn hàng lớn thứ hai của châu Mỹ La tinh.
Đòi hỏi đó, nếu diễn ra đúng như vậy, của Trung Quốc sẽ gặp phản ứng như thế nào từ Mỹ?
Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, với số nợ lên tới gần 2000 tỷ USD. Nhưng Trung Quốc cũng tự biết rằng không thể lợi dụng món nợ khổng lồ đó để “ăn thua” với Mỹ , vì Mỹ đang hưởng lợi khi họ ở thế vay trả - trả vay này, và đồng đô la Mỹ mất giá. Chính báo chí Trung Quốc đã viết rằng người dân Trung Quốc cần lao để cho người Mỹ tiêu xài.
Điều thứ hai là Mỹ thừa biết Trung Quốc đang bị tứ phương chống đối. Tại biển Hoa Đông là với Nhật, tại Biển Đông là với phân nửa Đông Nam Á.
Trong khi đó, với nước láng giềng Myanmar mà Trung Quốc khổ tâm “kinh doanh” trong bao nhiêu năm, đang tách khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc đi theo xu hướng dân chủ hoá...
Với Ấn Độ, từ 50 năm nay, đã tồn tại chuyện biên giới lãnh thổ. Ấn Độ không thể quên cuộc chiến tranh biên giới năm 1962 do Trung Quốc bất ngờ phát động.
Còn với Nga, và mấy nước Trung Á, thì chỉ là hiện tượng “tạm yên”, bởi họ biết rõ “ông bạn Trung Hoa” lắm rồi. Mối quan hệ với Nga chỉ là để cùng “ứng xử” với Mỹ, và mang tính khi cùng lợi ích thì tạm “liên kết”.
Nội bộ Trung Quốc đang không ổn định, báo chí nói nhiều rồi, tôi không cần phải nhắc lại.
Và điều cuối cùng tôi muốn nói là cái “tử huyệt” của quân đội Trung Quốc. Đó là lính nghĩa vụ Trung Quốc bây giờ là “lính con một”, bởi 30 năm nay Trung Quốc thực hiện chế độ “đẻ một con”.
Anh thử tưởng tượng xem hai ông bà nội, hai ông bà ngoại, rồi hai bố mẹ, sáu người lớn mới có một đứa con, thì cậu bé ấy đúng là “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”.
Chính vì vậy, tôi nghĩ Mỹ sẽ không chấp nhận đòi hỏi của Trung Quốc. Mỹ sẽ vẫn ở vị trí thượng phong.
Nói về Mỹ, ở nhiệm kỳ thứ hai, ông Barack Obama đã giải quyết được những vấn đề gì đề có thế tập trung vào cái gọi là “xoay trục sang châu Á – Thái bình dương”?
Vị thế của Mỹ đang lên. Điều đó không phải bàn cãi.
Thứ nhất, kinh tế Mỹ đang phục hồi tốt. Tỷ lệ thất nghiệp giảm.
Thứ hai là Mỹ mới trở lại châu Á – Thái bình dương một chút thôi mà được hoan nghênh.
Nhưng không chỉ những động thái ở Biển Đông như lệnh đơn phương cấm đánh bắt cá, bắn tàu ngư dân..., Trung Quốc còn gây hấn cả với Nhật ở vùng Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư) bằng cách phải ngư dân ào ạt tiến vào đó, hay xúi giúc Đài Loan “chia lửa”. Họ muốn gây chiến với Nhật?
Không đời nào, đòn gió thôi. Bởi Nhật bản rất mạnh cả về kinh tế lẫn quốc phòng. Hơn nữa, chính Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đã lên tiếng rằng “Mỹ công nhận quần đảo đó nằm trong quyền kiểm soát của Nhật Bản và thuộc phạm vị điều chỉnh của Hiệp ước Anh ninh Mỹ - Nhật”.
Vậy ông tin chắc rằng Mỹ sẽ từ chối những đòi hỏi mà họ cho là “quá mức” của Trung Quốc?
Đúng. Trừ phi Trung Quốc cho Mỹ một món lợi nào đó lớn hơn lợi ích của Mỹ tại vùng châu Á Thái Bình Dương.
Nhưng, theo tôi, hiện nay Trung Quốc không có khả năng đó, và Mỹ cũng tỏ ra không cần.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét