Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

“Con người có thể bị hủy diệt nhưng..."

 “Con người có thể bị hủy diệt nhưng..."
“Con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị khuất phục” (Hemingway)
Ý kiến của Hemingway đề cao giá trị của con người trong mối quan hệ với tự nhiên, xã hội và với bản thân mình.


Giải thích ý kiến của Heming way:
Con người: trước hết là hiểu ở phạm vi cá nhân, cá thể, nhưng cần hiểu rộng hơn là loài người, con người trong cộng đồng trong nghĩa chung nhất, bao quát loài giống, gắn với bản chất Người theo nghĩa bao trùm nhất của nó.
Con người có thể bị đánh bại: nguyên văn tiếng Anh (destroyed) khi dịch ra còn có nghĩa là “bị hủy diệt”, “bị tàn phá” – cách nói thể hiện sự ý thức về những khả năng rủi ro có thể xảy đến với con người.
“…nhưng không thể bị khuất phục” : dịch sát nghĩa là bị đánh bại, bị chinh phục.
Mối quan hệ giữa hai vế: nhấn mạnh vào ý chí niềm tin của con người trong cuộc đấu tranh sinh tồn, khẳng định niềm kiêu hãnh của con người chân chính luôn tin tưởng vào khả năng của chính mình. Không những thế còn nhấn mạnh tinh thần con người vươn lên trong hành động, chinh phục những mục tiêu, vượt lên những thử thách.

Chứng minh ý kiến của Hemingway:
Con người trong công cuộc chinh phục và cải tạo tự nhiên: từ xưa đến nay, thiên nhiên chứa đựng sức mạnh ghê gớm, mỗi khi thiên tai, một quốc gia, một cộng đồng có thể bị những hậu quả nặng nề nhưng rất nhanh chóng con người lại bắt tay khắc phục thiên tai, ổn định cuộc sống, phát triển xã hội. Từ buổi đầu lấy sức người chống lại thiên nhiên, đến nay chúng ta có những thành tựu lớn lao nhờ khoa học kỹ thuật, từng bước cải tạo thiên nhiên và bắt thiên nhiên phải khuất phục con người. Ngu công đào núi, Dã Tràng lấp bể là ước muốn và cũng là niềm tin vượt lên chính mình của những người giàu ý chí nghị lực và quyết tâm hành động. Một bờ đê sông Hồng là sức mạnh của con người hợp quần để chế ngự sức nước hung hãn. là niềm tự hào của con người bao thế hệ. Một công trình thủy điện sông Đà là kết quả lao động vất vả cả chân tay lẫn trí óc của con người, biến sức nước thành dòng điện. Rõ ràng con người từ chỗ khiếp sợ trước tự nhiên đã trở nên mạnh mẽ can đảm hơn, nắm bắt quy luật tự nhiên, bắt thiên nhiên phải khuất phục trước con người.
Trong đấu tranh xã hội, các lực lượng chính nghĩa, những con người đại diện cái tốt, cái đẹp không ít lần bị thất bại. Con người chân chính nhiều khi bị kẻ tiểu nhân hãm hại, để lại nỗi niềm chua xót “anh hùng uống hận”, “để hận mấy ngàn năm” còn lưu trong bao áng văn thơ. Tuy nhiên theo một quy luật tất yếu và niềm tin mãnh liệt vào công lý, sự thật sẽ chiến thắng bạo tàn, giả trá giúp con người tìm ra những cách đấu tranh, những phương pháp để thành công. Phan Bội Châu từng nhắn nhủ “Tay ba lần gãy, mới biết thuốc tiên…xưa nay anh hùng, từng thua mới được!”. Không gì mạnh bằng ý chí con người, bên cạnh đó còn đòi hỏi sự tỉnh táo khôn khéo, kiên quyết để đạt mục đích.
Xét từ góc độ cá nhân, cũng có rất nhiều tấm gương con người vươn lên trong cuộc sống, vượt qua những khiếm khuyết của bản thân: Nguyễn Ngọc Ký - thầy giáo; Nguyễn Ngọc Hưng – nhà thơ hội viên hội nhà văn Việt Nam; Lê Thanh Thúy – cô gái 19 tuổi bị ung thư nhưng vẫn kịp góp mặt cho đời nụ cười rạng rỡ của một tấm lòng nhân hậu; là Nguyễn Hồng Kông - bệnh nhân suy thận nhưng đã tận dụng quỹ thời gian ít ỏi của mình để viết cuốn sách “Khát vọng sống để yêu” và “Ở trọ”, tích cực giúp đỡ những người cùng cảnh ngộ, những đồng loại kém may mắn. Những con người ấy bị hủy diệt bởi định mệnh khắc nghiệt nhưng đã khẳng định ý nghĩa cao quý của sự sống con người, sống có ý nghĩa bằng tất cả nghị lực và bản lĩnh của mình

Phản đề: Con người có thể bị đánh bại, cũng không ít kẻ tự mình khuất phục quỳ gối trước các thế lực. Tuy nhiên, làm con người chân chính thì không bao giờ tự đánh mất mình. Những kẻ như vậy đã chết ngay khi còn sống! Từ đó cho thấy để làm một con người theo đúng nghĩa Hemingway đề cập không phải là điều đơn giản! Ngay cả cái chết có thể chấm dứt thời gian tồn tại giữa cuộc đời của một cá nhân, nhưng không thể khuất phục ý chí vươn lên sống có ích với đời, để lại sự nghiệp bất tử. Những con người như thế sẽ sống mãi!
Trong sự phát triển của nhân loại, bao giờ con người cũng có ý thức rất lớn về giá trị bản thân, các nhà tư tưởng cũng như các nhà văn có nhiều câu nói hay về giá trị con người. Blasé Pascal nói : “Con người là một cây sậy, nhưng là một cây sậy biết suy nghĩ”, M.Gorki ca ngợi con người: “Con người! Tiếng ấy tự hào biết bao!”. Sự tồn tại của con người ở thế gian này và những thành quả từ xã hội loài người đã hình thành ý thức đề cao phẩm chất, giá trị làm người cao quý.
Trong bối cảnh phát triển đầy xung đột phức tạp, con người phải luôn đương đầu với thử thách khó khăn và không ít lần phải đối mặt với thất bại, bi kịch. Đương đầu với những khó khăn, con người chúng ta càng có dịp khẳng định bản lĩnh và rút ra kinh nghiệm, vượt lên chính mình. Ông cha ta ngàn đời trước đã phải chinh phục thiên nhiên và đã thêu dệt thành bao huyền thoại về chiến công kỳ vĩ này như Sơn tinh chiến thắng Thuỷ tinh, những vị thần kỳ vĩ là sản phẩm của chính con người, nâng tầm vóc con người ngang tầm thiên nhiên. Mỗi một khó khăn trở lực lại là một lần giúp con người chúng ta nhận ra những khiếm khuyết sai lầm để tiếp tục hành trình chinh phục đầy thử thách. Nhà thơ Hoàng Trung Thông từng khẳng định “Bàn tay ta làm nên tất cả - Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Có nghĩa là con người luôn tự tin vào chính bản thân mình sẽ không bao giờ biết đầu hàng trước hoàn cảnh.

Bài học
Từ những việc lớn đến việc nhỏ đều cần đến ý chí và nghị lực phi thường của con người, điều quan trọng chính là con người cần phải biết tự lượng sức mình, tự điều chỉnh mình. Có một lúc nào đó chúng ta vấp phải sai lầm và thất bại, nhưng đó chỉ là tạm thời, bởi lẽ nếu chúng ta quyết tâm hành động và nắm bắt được thời cơ, chuẩn bị đầy đủ chín muồi thì sẽ chắc chắn thành công,
Theo tôi, muốn khẳng định tinh thần trong câu nói của nhà văn Hemingway cần phải hội đủ những yếu tố cần cho một con người, để có thể sống giữa đời mà không hổ  thẹn: ý thức bản thân, có tinh thần luôn vươn lên trong đời sống, mài sắc bản lĩnh và khả năng hành động và nỗ lực hết mình để đạt ước mơ. Trau dồi càng nhiều vốn sống, kinh nghiệm sống, không ngừng tự nâng cao hoàn thiện bản thân, không bao giờ cho phép chủ quan tự mãn sau thắng lợi, thành công nhất thời, bởi đơn giản “kẻ thù của thành công là thành công”. Sức mạnh con người không chỉ ở bản thân người ấy mà còn nhân lên với sức mạnh của cả cộng đồng người. Trong cuộc đấu tranh khẳng định giá trị đời sống, con người không bao giờ đơn độc và luôn làm được những điều phi thường ngay trong cuộc đời  bình thường.
Từ ông lão Santiago trong câu chuyện Ông già và Biển cả của nhà văn, một triết lý sâu xa về con người bình thường ở giữa thế gian, ý kiến của Hemingway là đúc kết chân lý về con người, khẳng định tư thế hào hiệp và can đảm của con người giữa thế gian. Con người có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị đánh bại!
                                                                    TRẦN HÀ NAM

0 nhận xét:

Đăng nhận xét