Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017
“Cá Nhân Tôi”, Một Kiểu Tạo Dáng
07:49
Hoàng Phong Nhã
No comments
“‘Cá nhân tôi’ là cái quái gì!?”
Anh
bạn tôi không giấu được vẻ bực dọc khi phang câu ấy. Chả là anh ngồi
trước màn hình TV, theo dõi cuộc đối đáp trong một cuộc phỏng vấn:
“Cá nhân anh đánh giá thế nào về bài diễn văn của ông Trump trước lưỡng viện Quốc Hội?”
Người được hỏi trả lời:
“Cá nhân tôi cho rằng, sự dịu giọng của ông Trump khiến nhiều người thiện cảm với ông hơn.”
“Tôi là tôi,” anh bạn tôi dằn giọng, “lại còn bày đặt ‘cá nhân tôi, cá nhân anh’. Nghe mệt quá!”
“Chuyện nhỏ,” tôi nói, “hơi đâu mà bức xúc.”
“Không ‘bức xúc’ sao được,” anh bạn phì cười, “chơi toàn từ trong nước.”
Câu
nói của người bạn khiến tôi ngẫm nghĩ. Trước giờ tôi không có ý định
tìm hiểu lai lịch, gốc gác của cái “từ” hay “cụm từ” quái quỷ ấy. Chỉ
biết là, ngày trước (trước năm 1975) ở miền Nam không có vụ “cá nhân
tôi”, nhiều lắm chỉ có những “bản thân tôi”, “cá nhân mình”, “với tư
cách cá nhân”…, và những cách nói này cũng ít phổ biến. Cách đơn giản và
gọn nhất vẫn là “theo tôi”, “riêng tôi”, “về phần tôi”, hoặc “theo
thiển ý của tôi”, cách nói để tỏ sự khiêm tốn. Muốn biết “cá nhân tôi”
có đúng là “từ trong nước” như ông bạn tôi nói, tôi bèn lướt qua ít báo
chí nhà nước thì quả là cụm từ này khá phổ biến, đặc biệt rất được các
cấp lãnh đạo nhà nước ưa chuộng và sử dụng… hơi bị nhiều (cách nói trong
nước). Chỉ xin dẫn ra ít câu cú:
“Cá nhân tôi,
còn mấy ngày nữa Đảng, Nhà nước, Quốc hội cho tôi thôi nhiệm vụ Thủ
tướng Chính phủ.” (Phát biểu của Thủ tướng NTD trong phiên họp
thường kỳ chính phủ)
“Đối với cá nhân tôi,
không có gì ý nghĩa hơn khi được trò chuyện với các tài năng trẻ của
đất nước.” (Phát biểu của Thủ tướng NXP với cán bộ, nhân viên, giáo viên
trường Đại học Quốc gia Saigon)
“Mỗi chuyến đi nước ngoài rất tốn kém, cá nhân tôi cũng cắt các chuyến công du nước ngoài, bớt nhân sự tháp tùng.” (Phát biểu của Chủ tịch nước TTS)
“Đà Nẵng có ý nghĩa, tình cảm đặc biệt đối với cá nhân tôi.” (Phát biểu của Chủ tịch nước TĐQ)
“Tôi rất xúc động vì bạn bè, anh em trong nước và quốc tế chúc mừng, đó cũng chính là giao trách nhiệm cho cá nhân tôi phải tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.” (Phát biểu của Tổng Bí thư NPT trong buổi họp báo)…
Những kiểu nói vẫn nghe tới nghe lui, nghe đi nghe lại:
– Theo cá nhân tôi / Riêng cá nhân tôi / Với cá nhân tôi, …
– Theo ý kiến/nhận xét/quan niệm/đánh giá của cá nhân tôi, …
– Cá nhân tôi nghĩ / cho rằng, …
– Cá nhân tôi xin chia sẻ/trao đổi…
Chưa
lúc nào “cá nhân” nổi trội, “show hàng” nhiều như bây giờ. Lãnh đạo
thích “cá nhân tôi”; người dân, noi gương lãnh đạo, cũng thích “cá nhân
tôi”. Một ít mẫu câu, cũng trên báo chí nhà nước:
“Cá nhân tôi rất tán đồng phương án này.”
“Cá nhân tôi rất thích bài hát trong cuốn phim này.”
“Theo cá nhân tôi, học ngoại ngữ cần thực hành nhiều.”
“Riêng cá nhân tôi không thích những phụ nữ nhiều nam tính.”
“Cá nhân tôi tin rằng truyện càng ngắn càng có nhiều người đọc.”
“Cá nhân tôi quan niệm rằng hạnh phúc là sự chia sẻ và tôn trọng lẫn nhau.”
“Cá nhân tôi rất bức xúc trước hành vi ứng xử thiếu văn hóa đối với khách hàng.”
“Cá nhân tôi đánh giá cao những cống hiến của giới văn nghệ sĩ và truyền thông báo chí.”
“Trong bài viết này, tôi muốn chia sẻ cách nhìn của cá nhân tôi đối với Hội Nhà Văn Việt Nam.”
Hai
chữ “cá nhân” trong những câu trên là thừa, có thể loại bỏ mà không làm
thay đổi ý nghĩa trong câu hoặc có thể thay bằng (những) chữ khác, gọn
và dễ hiểu hơn.
Thay vì nói “Cá nhân tôi có ý kiến như thế này”, chỉ cần nói “Riêng tôi có ý kiến như thế này”.
Thay vì nói “Vừa rồi là ý kiến của cá nhân tôi”, nói “Vừa rồi là ý kiến của riêng tôi”.
Thay vì nói “Đối với cá nhân tôi, chuyện ấy là bình thường”, nói “Đối với tôi, chuyện ấy là bình thường”.
Thay vì nói “Theo cá nhân tôi, ta nên tránh dùng tiếng Hán-Việt”, nói “Theo tôi, ta nên tránh dùng tiếng Hán-Việt”.
Thay vì nói “Cá nhân tôi, như vậy là tạm ổn”, nói “Về phần tôi, như vậy là tạm ổn”.
(Hoặc những cách nói khác đơn giản, gọn gàng và thuần Việt hơn, không cần phải… cá kèo, nhân nhị chi cả).
Ngày trước, để tỏ sự khiêm tốn khi trình bày ý kiến của mình, người ta không nói:
“Cá nhân tôi nghĩ, ta nên tham gia việc này”, mà nói “Thiết nghĩ, ta nên tham gia việc này”.
Người ta cũng không nói:
“Theo ý kiến của cá nhân tôi”, ta không nên tham gia việc này”, mà nói “Theo thiển ý, ta không nên tham gia việc này”.
Không
chỉ phổ biến trong nước, “cá nhân tôi” còn “bành trướng” ra tới hải
ngoại và được người Việt ở ngoài nước “tiếp thu” vô tội vạ như một cách
nói thời thượng:
“Cá nhân tôi xin được rút tên ra khỏi Hội.”
“Cá nhân tôi không hứng thú gì với đề tài này.”
“Cá nhân tôi không cho việc này là quan trọng.”
“Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ việc gây quỹ này.”
“Cá nhân tôi không bao giờ phê phán người khác.”
“Cá nhân tôi không bận tâm việc ai nghĩ sao về mình.”
“Những năm ấy là thời kỳ đen tối nhất của cá nhân tôi.”
“Tôi viết bài này nhằm chia sẻ kinh nghiệm của cá nhân tôi.”
“Qua khóa học chăm sóc da, cá nhân tôi cảm thấy rất hài lòng.”
“Cá nhân tôi không thích ông Trump nhưng cũng không ủng hộ bà Clinton.”
Cách
nói này cũng được các văn nghệ sĩ “tâm đắc”, hễ có dịp là… “cá nhân
tôi”, lắm lúc kiểu cọ, làm duyên làm dáng, ngay cả khi không việc gì
phải “cá nhân tôi”, chẳng hạn:
“Với cá nhân tôi thì văn chương, âm nhạc và hội họa vốn cùng một DNA.”
“Với cá nhân tôi, tình dục chiếm một vị trí không nhỏ trong thơ văn của tôi.”
“Cá nhân tôi cho rằng, giọng ca của chị có thể đứng chung được với những KL, LT, TT.”
“Với cá nhân tôi, mỗi khi một tác phẩm được ấn hành, gửi tới bạn đọc và thân hữu, là một hạnh phúc đáng kể.”
“Theo ghi nhận của cá nhân tôi, dường như chị không có một chọn lựa nào cho mình khác hơn, chọn lựa ăn ở với thi ca.”
“Ở đâu ra cái lối nói nửa Tầu nửa Ta không giống ai vậy?” tôi hỏi một ông bạn rành về chuyện chữ nghĩa ở trong nước.
“Nửa
Tây nửa Ta thì đúng hơn,” ông bạn trả lời. “Theo ‘cá nhân tôi’ suy
đoán, cụm từ này được ai đó ‘chuyển ngữ’ từ một từ tiếng Anh, ‘personally’, trong bài diễn văn nào của lãnh đạo nước ngoài. Lãnh đạo trong nước thấy hay hay bèn mượn đỡ, ‘Cá nhân tôi
chỉ muốn cho nhân dân được ấm no hạnh phúc’ chẳng hạn. Nhiều người cũng
thấy hay hay và ‘trí tuệ’, bèn bắt chước, thành phổ biến trên quy mô cả
nước.”
Lối
suy đoán của ông bạn này không phải là không có lý. Thế nhưng, “cá nhân
tôi” thì còn hiểu được, đến “cá nhân… anh” thì giải thích cách nào? Hay
là có “tôi” thì cũng phải có “ông”, có “anh”, có “chị”… cho vui vẻ cả
làng?
Để “minh họa”, lại xin dẫn ra ít câu cú nhặt được trong báo chí trong, ngoài nước:
“Cá nhân anh đánh giá thế nào về giải thưởng Văn Việt lần thứ hai ở Saigon?”
“Trong số các tác phẩm của mình, cá nhân anh tâm đắc tác phẩm nào nhất?”
“Cá nhân ông nghĩ sao về bản thông báo của Chủ tịch Hội đồng Quản trị Formosa Hà Tĩnh ngày 30 tháng 6 vừa qua?”
“Cá nhân ông vừa là đại biểu Quốc hội, vừa là lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, trước hàng loạt sai phạm của Formosa ông có suy nghĩ gì?”
Vẫn chưa hết, nói “cá nhân tôi” thì có vẻ… lẻ loi một mình, nói “cá nhân chúng tôi” thì… đông vui hơn:
“Cá nhân chúng tôi có dịp đến thăm xứ Hoa Anh Đào.”
“Cá nhân chúng tôi có tham gia cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật.”
“Cá nhân chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với quý anh chị trong Ban tổ chức.”
Lại
có trường hợp, “cá nhân” không phải chỉ một người mà là một “cặp đôi
hoàn hảo”, hoặc người viết tự xưng mình là “cá nhân người viết” hay “cá
nhân (tên mình)”, chẳng hạn:
“Khi trở về nước hoạt động, cá nhân Thu Phương, Bằng Kiều và một số nghệ sĩ khác đều cảm nhận tốc độ làm việc ở đây khá bận rộn.”
“Theo quan điểm cá nhân người viết, sự tồn tại của ‘bún mắng, cháo chửi’ là có thật, nhưng không thể lấy đây làm đại diện cho văn hóa ẩm thực Hà Nội.”
Cho
dù “cá nhân” kiểu nào đi nữa thì những cách nói lạ lùng ấy, cùng với
những “sở hữu một thân hình cực chuẩn”, “sở hữu một giọng hát cực khủng”
hoặc “xử lý một ca khúc trữ tình”… vân vân cho thấy khẩu hiệu “giữ gìn
sự trong sáng của tiếng Việt” trước sau vẫn chỉ là… khẩu hiệu.
“Cá
nhân” là một người riêng lẻ, phân biệt với “tập thể”. Ghép hai
chữ này với tôi/chúng tôi/ông/bà/anh/chị/em… là thừa thãi, ngô
nghê, lủng cà lủng củng và chỉ làm cho câu nói, câu văn thêm rườm rà,
nặng nề. Ngoại trừ một số trường hợp sử dụng do quen miệng, “cá nhân
tôi” là cách nói vừa làm ra vẻ khiêm tốn vừa ngầm đề cao “cái tôi” cá
nhân của mình.
Đặt “cá nhân” bên cạnh cái “tôi”, trong một nghĩa nào đó, chỉ là một kiểu “tạo dáng” hoặc chỉ để tô bồi cho bản ngã của mình.
Những cách nói chấp nhận được:
– Đứng về/trên phương diện cá nhân
– Với tính cách/tư cách cá nhân
– Riêng tôi / theo tôi
– Về phần tôi / về phía tôi / đối với tôi
– Cá nhân mình / bản thân mình / bản thân tôi
– Ý kiến cá nhân / chuyện cá nhân
Sau
hết, xin “trích đoạn” câu hỏi và trả lời trong bài phỏng vấn nhà văn
Mặc Đỗ của tập san Tin Sách, tháng 9/1965 (ký giả Lê Phương Chi thực
hiện), để thấy sự khác biệt về chữ nghĩa ngày trước và ngày nay.
Hỏi: – Anh nghĩ thế nào về nhóm Bút Việt? Nếu chúng tôi mời anh gia nhập nhóm Bút Việt, có trở ngại gì cho cá nhân nhà văn Mặc Đỗ với nhóm Quan Điểm chăng?
Đáp: – Tôi nghĩ rằng đóng góp tác phẩm vào với anh em cùng nghề đã tạm đủ, đóng góp bằng cá nhân mình hãy để chờ dịp thuận tiện và cần thiết.
Qua bài này, xin được chia sẻ một vài nhận xét và ý kiến của “cá nhân tôi”.
Lê Hữu
0 nhận xét:
Đăng nhận xét