Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Năm, 7 tháng 9, 2017

LÀNG XÃ VIỆT NAM

LÀNG XÃ VIỆT NAM
 
      Nhiều bà con thắc mắc  sao các Hội Đồng hương lại cứ lấy tên “làng” : làng Ưu Điềm, làng Phước Tích, làng Đại Lộc, làng Kế Môn,…mà không lấy tên “xã” : xã Phong Hòa, xã Điền Lộc hay xã Điền Môn,…Mặt khác, khi nói hội đồng hương “Phong Điền” (chỉ vùng đất Phong Điền)  nghe có vẻ “gần gủi” hơn là hội ĐH “huyện Phong Điền”. Điều đó hẵn là xuất phát từ nguyên do “biểu thị tình cảm” của con người đối với quê hương xứ sở chăng. Website donghuongphongdien.com xin được giới thiệu loạt bài sau đây của tác giả PHẠM NHÂN ĐỨC, là người con của quê hương Phong Điền (làng Vĩnh Xương, xã Điền Môn) về vấn đề liên quan tới lịch sử và văn hóa này.

1
LÀNG XÃ VIỆT NAM - MỘT VÀI KHÁI NIỆM

          Về tên gọi:
1. Làng: 
“Làng” là danh từ (theo tiếng Nôm), dùng để chỉ đơn vị tụ cư nhỏ nhất nhưng chặt chẽ và hoàn thiện nhất của người Việt. Trong buổi đầu được gọi là các Kẻ, Chạ, Chiềng của người Việt cổ, về sau được gọi là Làng, còn ở khu vực miền núi được gọi là Bản, Mường, Buôn, Plei, Plum, Đê,…
2. Xã:
“Xã” là danh từ (theo tiếng Hán) có nơi gọi là Thôn, dùng để chỉ đơn vị hành chính thấp nhất của nhà nước Phong kiến ở các vùng nông thôn Việt Nam xưa. Ngày nay tên gọi xã vẫn dùng để chỉ đơn vị hành chính địa phương cở sở ở nông thôn.
3. Mối quan hệ:
Thông thường một “xã” bao gồm một hoặc nhiều “làng”, làng là đơn vị cấu thành của xã, đôi lúc mỗi xã chỉ có một làng (xã ngang bằng với làng).
Trường hợp một xã gồm nhiều thôn, thì thôn là phân thể hành chính của xã nhưng không có tư cách pháp nhân. Trường hợp xã tương đương với thôn thì thôn mang tính chất độc lập và nó cũng có tư cách pháp nhân là đơn vị hành chính địa phương, cơ sở của nhà nước TW.
Tuy có trường hợp xã tương đương với làng, nhưng xét về sắc thái, ý nghĩa thì giữa chúng vẫn có sự khác biệt: làng mang tính chất truyền thống, được sử dụng để biểu thị tình cảm, còn xã mang ý nghĩa về mặt hành chính, thường được sử dụng trên giấy tờ.
Trong trường hợp thôn có tư cách pháp nhân giống như xã thì người ta gọi ghép là xã thôn. Do có nhiều xã chỉ gồm có một làng duy nhất nên người ta gọi chung là làng xã. Do làng là một tập hợp bao gồm nhiều xóm nên người ta gọi là làng xóm.
Trong lịch sử Việt Nam có lúc còn thấy xuất hiện các danh từ Hương, Ấp (đều là những từ Hán), trong đó Hương tương đương với Làng, có lúc nó được dùng để chỉ đơn vị hành chính thuộc ngoại thành của kinh đô Thăng Long, nhưng có lúc tên gọi Hương lại được dùng để chỉ cấp hành chính trên cấp xã, cũng có khi là một tên gọi dùng để chỉ quê hương của nhà vua.
Tên gọi Ấp thường được sử dụng nhiều trong các đơn vị cư trú ở Nam Bộ, nó tương đương với đơn vị Thôn (vì lí do những đơn vị tụ cư và khai phá sinh sống ở đây có số lượng ngườ ít, không đủ qui mô để được gọi là xã, và có trường hợp ảnh hưởng đơn vị tụ cư của người Hoa).

 
*Quá trình ra đời và phát triển làng xã ở Việt Nam:
Khi con người nguyên thủy sống du canh du cư thì xóm làng không thể ra đời. Khi nghề nông xuất hiện cùng với sự phát triển của nghề trồng lúa nước, thì xóm làng mới được xúc tiến hình thành và phát triển. Con người tiến từ vùng thượng du về đông bằng để làm nông nghiệp, chuyển từ quan hệ huyết thống sang quan hệ láng giềng - địa vực. Họ dần biết hợp tác trong công tác khai phá đất đai, đào kênh mương tưới nước, đắp đê chống lũ…, những công việc không thể thực hiện bởi một người hay một gia đình. Sự cố kết ấy đã tạo ra đơn vị tụ cư nhỏ đó là Xóm, xóm phát triển rộng ra hình thành nên làng, làng xóm buổi đầu của người Việt là các kẻ chạ, chiềng… với quan hệ láng giềng - địa vực và chế độ sở hữu công cộng về ruộng đất (tức là các Công xã nông thôn).
Sự cố kết của ba nhu cầu: đoàn kết để chống ngoại xâm, hợp tác để làm thủy lợi, và công tác trị thủy, đã hình thành nên quốc gia sơ khai của người Việt trên lưu vực sông Hồng, sông Mã đó là nhà nước Văn Lang của các vua Hùng. Sau khi ra đời nhà nước lấy các kẻ chạ làm đơn vị hành chính cho mình, và làng xã trở thành đơn vị hành chính nhỏ nhất trong xã hội sơ khai của người Việt.
Các kẻ chạ có cơ sở kinh tế là các Công xã nông thôn (CXNT). Trong các CXNT phần lớn ruộng đất thuộc sở hữu công của làng xã, người nông dân công xã cày cấy trên ruộng đất công của làng xã, sau đó trích một phần hoa lợi nộp lên trên cho nhà nước và bộ máy điều hành của làng xã. Do đó người nông dân Việt Nam có sự cố kết rất chặt chẽ, có tinh thần tự trị, tự quản rất cao, trở thành một pháo đài xanh, núp sau lũy tre làng chống lại sự đồng hóa của phong kiến phương Bắc sau hơn ngàn năm đô hộ. Bởi lẽ sau hơn ngàn năm đô hộ, chính quyền phương Bắc chưa bao giờ đặt được ách cai trị và nắm được các cơ sở kinh tế của làng xã (các CXNT), các kẻ chạ vẫn là bầu trời riêng của người Việt.
Tên gọi “Xã” được nhà Đường du nhập vào Việt Nam, danh từ “Làng” trong tiếng Việt đã thay thế cho các từ Kẻ, Chạ… thời xưa cũ. Như vậy, xã là danh từ ngoại nhập và nó chỉ thực sự được sử dụng để chỉ đơn vị hành chính cấp cơ sở của nhà nước từ thời họ Khúc (thế kỉ X) trở đi.
Trong lịch sử phát triển, làng xã Việt Nam đã qua 3 lần biến đổi lớn: lần thứ nhất vào thế kỉ XV, do chính sách “quân điền” của Lê Thánh Tông, nhằm chia ruộng đất cho nông dân cày cấy, đã phá vỡ sự tồn tại của ruộng đất công làng xã. Lần thứ hai vào thời Pháp thuộc, do chủ trương “cải lương hương chính” của thực dân Pháp đã làm thống nhất bộ máy quản lý làng xã. Lần thứ ba vào nửa sau thế kỉ XX, do chủ trương xây dựng hợp tác xã nông nghiệp, đã làm hiện đại hóa làng xã cổ truyền, mặt trái đã làm mất đi những di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) cổ truyền của làng xã vốn được xây dựng từ hàng ngàn năm qua.

2

CÁCH THỨC THÀNH LẬP VÀ DIỆN MẠO
CỦA LÀNG XÃ CỔ TRUYỀN VIỆT NAM
1.    Cách thức thành lập:

Trước tiên, khi con người nguyên thủy sống trong các công xã thị tộc, thì xóm làng chưa ra đời. Khi nghề nông xuất hiện cùng với sự phát triển của nghề trồng lúa nước, con người chuyển từ quan hệ huyết thống sang quan hệ láng giềng - địa vực. Họ tiến từ vùng thượng du về đông bằng để khai phá đất đai làm nông nghiệp, tạo ra sự “cộng cư” của những người nông dân trong từng nhóm nhỏ. Họ dần biết hợp tác trong công tác khai hoang, đào kênh mương tưới nước, đắp đê chống lũ…, những công việc không thể thực hiện bởi một người hay một gia đình, đã hình thành nên các công xã nông thôn với tên gọi ban đầu là các kẻ, chạ, chiềng…, sau đổi gọi là làng, rồi tới làng xã, đó chính là cách thức thành lập của những làng xã cổ xưa.
Cách thức thứ hai đó là “lệ tách xã”: từ những ngôi làng ban đầu, càng về sau khi dân số ngày một gia tăng, để tiện cho công tác quản lí, nhà nước cho phép tách xã lớn thành các làng xã nhỏ hơn, nên gọi là “lệ tách xã” theo yêu cầu của nhà nước. Thời Lê Thánh Tông, chia làm ba loại xã: Đại xã (trên 500 hộ), Trung xã (trên 400 hộ), Tiểu xã (trên 100 hộ).
 Cũng có khi trong nội bộ của làng xã, do yêu cầu cấp thiết của việc mưu sinh, những người dân trong làng xã xin phép nhà nước được tách ra thành những làng xã mới bên cạnh làng xã cũ (tên gọi của các làng xã này thường lấy tên gốc của làng xã cũ cộng vào tên mới của vùng đất hoặc tên của một họ tộc nào đó), gọi là “lệ tách xã” theo nhu cầu của làng xã. 
Cách thứ ba: Trong trường hợp dân số quá đông mà đất đai sinh sống và canh tác lại chật hẹp, thì một bộ phận nông dân làng xã đi tìm chỗ tụ cư mới, dần dần khi đủ số dân đinh thì họ xin nhà nước được lập làng xã mới (thường gọi là làng Tân Lập). 
Thứ tư: do chủ trương khẩn hoang lập đồn điền, hoặc lập điền trang, thái ấp, của nhà nước (hoặc bộ phận quý tộc), nên có một số làng xã được hình thành theo cách này.
Thứ năm: Do sự dịch chuyển của cộng đồng cư dân trong công cuộc khẩn hoang (chủ yếu là quá trình Nam tiến của người Việt). Sự dịch chuyển về Nam của cộng đồng người Việt được đánh dấu qua các sự kiện lớn: Vào năm 1069, sau khi Lý Thường Kiệt đánh Chiêm Thành, lấy được ba châu Bố Chính, Địa Lý, Ma Linh (phần lớn tỉnh Quảng Bình ngày nay). Sự kiện năm 1306, đám cưới của công chúa Huyền Trân với vua Chămpa là Chế Mân, đổi được hai châu Ô, Rí (từ bắc Quảng Trị đến phía bắc sông Thu Bồn – Quảng Nam). Sự kiện năm 1471, khi vua Lê Thánh Tông thân chinh đánh Chiêm Thành, miền bắc của Chiêm Thành (từ Quảng Nam đến đèo Cù Mông - Phú Yên) được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt. Sự kiện năm 1558 khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, (đây là lần dân cư vào đông nhất, các làng xã ở Miền Trung chủ yếu được lập vào thời kì này), rồi các sự kiện năm 1611 (lập phủ Phú Yên), năm 1698 Nguyễn Hữu Cảnh lập phủ Gia Định… 
Thứ sáu, một số làng xã ra đời do chủ trương lập ấp trại của chính quyền đô hộ phương Bắc (thời Bắc thuộc và Minh thuộc).
Như vậy, làng xã Việt Nam ra đời với nhiều cách thức, lí do khác nhau, tuy nhiên chỉ có hai cách chủ yếu đó là cách thứ nhất, sự chuyển hóa từ công xã thị tộc sang công xã nông thôn (các làng xã cổ xưa) và cách thứ năm, sự dịch chuyển của cộng đồng cư dân về Nam (Nam tiến), các làng xã ở huyện Phong Điền ( TT Huế) chủ yếu được thành lập theo con đường này.
 
2.    Diện mạo của làng xã cổ truyền Việt Nam:


Diện mạo của làng xã được quy đinh bởi các thiết chế được hình thành từ bên trong làng xã. Đó là các thành tố tạo nên diện mạo:
·                        Cổng làng
·                        Cây đa đầu làng
·                        Bến nước
·                        Giếng làng
·                        Đình làng (ra đời từ thế kỉ XV)
·                        Hương lộ (đường làng)
  .             Lũy tre làng
  ·                        Xóm
  ·                        Ngõ
  ·                        Nhà ở
  ·                        Chùa làng
   ·                        Nghè, đền, miếu
  ·                        Chợ làng
 ·                        Cổng phụ ( cổng sau)
·                        Cánh đồng làng
Trên đây là những thành tố tạo nên làng xã Việt Nam cổ truyền, trong một làng khó có thể hội đủ các yếu tố trên, có chăng chỉ là sự hiện diện của một số thành tố cơ bản như hương lộ, xóm ngõ, nhà ở, đình làng, đền miếu và một số yếu tố khác mà thôi.


                                                                PHẠM NHÂN ĐỨC

0 nhận xét:

Đăng nhận xét