Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

12/04/1975: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Campuchia di tản

Op Eagle Pull
Nguồn:U.S. Embassy in Cambodia evacuated,” History.com (truy cập ngày 11/04/2016).
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1975 tại Campuchia, đại sứ Hoa Kỳ cùng các nhân viên của ông đã rời khỏi Phnom Penh khi Hải quân Hoa Kỳ tiến hành nỗ lực di tản mang tên Chiến dịch Đại bàng. Vào ngày 3 tháng 4, khi các lực lượng cộng sản Khmer Đỏ áp sát để tiến hành cuộc tấn công cuối cùng vào thủ đô, quân đội Mỹ đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng cho cuộc di tản đại sứ quán sắp diễn ra.
Một nhóm gồm 11 lính thủy quân lục chiến đã bay vào thành phố để chuẩn bị bãi đáp cho các máy bay trực thăng di tản của Hoa Kỳ. Vào ngày mùng 10, Đại sứ Hoa Kỳ Gunther Dean đề nghị với Washington rằng cuộc di tản phải diễn ra trước ngày 13 tháng 4.
Lúc 8:50 sáng ngày 12, một chiếc HH-53 thuộc Phi đoàn giải cứu và cứu hộ hàng không Hoa Kỳ đáp xuống cùng một nhóm kiểm soát tác chiến không quân gồm bốn người nhằm phối hợp hoạt động. Ba phút sau, nó dẫn đường cho chiếc trực thăng đầu tiên của lực lượng thủy quân lục chiến cùng với thành viên đầu tiên của lực lượng an ninh thủy quân.
Các trực thăng thủy quân và không quân sau đó đã di tản an toàn 276 người – bao gồm 82 người Mỹ, 159 người Campuchia, và 35 người nước ngoài – đến các tàu sân bay tấn công của Hải quân Mỹ trên vịnh Thái Lan. Đến 10:00 sáng, lực lượng hỗ trợ thủy quân, nhóm 11 lính trước đó, và nhóm kiểm soát tác chiến đã được di tản thành công mà không có bất cứ thương vong nào.
Đến ngày 16 tháng 4, chính phủ Lon Nol đầu hàng Khmer Đỏ, kết thúc năm năm chiến tranh. Với sự đầu hàng này, các lực lượng Khmer Đỏ chiến thắng đã di tản Phnom Penh và bắt đầu tái thiết xã hội Campuchia, dẫn đến thảm sát và các “cánh đồng chết” khét tiếng. Cuối cùng, hàng trăm ngàn người Campuchia đã bị sát hại hoặc chết vì kiệt sức, đói, và dịch bệnh.
Ảnh: Thủy quân lục chiến Mỹ triển khai tại khu vực hạ cánh “Khách sạn” vào ngày 12 tháng 4 năm 1975. Nguồn: U.S. Navy Photo | Wikimedia Commons.

Thế lưỡng nan của Mỹ đối với chế độ Pol Pot

505464449OH030_CAMBODIANS_A
Nguồn: Charles Parkinson, Alice Cuddy và Daniel Pye, “The Pol Pot dilemma”, Phnompenh Post, 29/5/2015.
Biên dịch: Trần Anh Phúc | Hiệu đính: Phạm Thị Thoa
Một kho tư liệu hơn 500.000 bức điện tín ngoại giao Mỹ từ năm 1978 do WikiLeaks công bố hôm thứ Tư bao gồm hàng trăm bức điện đã vẽ nên một bức tranh sống động về một chính quyền Mỹ bị giằng xé giữa nỗi khiếp sợ sự tàn bạo của chính quyền Pol Pot và lo sợ về ảnh hưởng của Việt Nam nếu chính quyền Pol Pot sụp đổ.
“Chúng tôi tin rằng một nước Campuchia phải tồn tại ngay cả khi chúng tôi tin rằng chế độ Pol Pot là chế độ vi phạm quyền con người tồi tệ nhất thế giới”, theo một bức điện của Bộ Ngoại giao Mỹ gửi đến 6 đại sứ quán Mỹ tại châu Á vào ngày 11 tháng 10 năm 1978. “Chúng tôi không thể ủng hộ chính quyền Pol Pot, nhưng một Campuchia độc lập phải tồn tại”.
Chúng là gói thứ hai trong số các điện tín từ thời Tổng thống Jimmy Carter được trang web chuyên “tố giác” (Wikileaks) công bố. Nó cho thấy một sự nhấn mạnh rõ nét đối với nhân quyền. Điểm trọng tâm đó thể hiện xuyên suốt trong phần lớn các thư tín, thậm chí đến mức muốn Khơme Đỏ đẩy lui thành công cuộc xâm lấn của Việt Nam trong cuộc chiến tranh đang diễn ra giữa hai nước, với hy vọng mang tính nghịch lý rằng điều đó sẽ ngăn chặn việc có thêm những lạm dụng tồi tệ nhất của chính phủ ở Phnôm Pênh.
Một điện báo của Đại sứ quán Mỹ tại Thái Lan gửi Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 17 tháng 10 cho biết “trong khi chính quyền Pol Pot hầu như không có đặc tính ưu việt nào, thì sự tiếp diễn cuộc chiến giữa Việt Nam và chính phủ Pol Pot cũng sẽ không thể phục vụ gì cho sứ mệnh quyền con người”. “Một thương thuyết hòa giải về những khác biệt [giữa Việt Nam và Campuchia] có thể giúp giảm bớt các cuộc thanh trừng”.
Liên quan đến cuộc chiến tranh đó, các bức điện tín mang lại cái nhìn sâu sắc về các chiến thuật do người Việt Nam sử dụng để lật đổ chế độ Khơme Đỏ, được cho là bao gồm việc đào tạo những người Campuchia hoạt động lật đổ ngay tại quê hương của họ. Chúng cũng báo cáo về sự khẳng định của Khơme Đỏ rằng vụ giết học giả Anh ủng hộ Khơme Đỏ Malcolm Caldwell trong một chuyến đi đến Campuchia là do các đặc vụ đối phương thâm nhập vào gây ra. Đâu đó trong bức điện tín có chuyển tải các báo cáo rằng những sát thủ đã ăn mặc khác với hầu hết các cán bộ (Campuchia) và lưu ý rằng, ít nhất thì vụ ám sát sẽ giúp ích lớn cho tuyên truyền của Việt Nam.
“Một sự cố như vậy diễn ra trong khu phức hợp được cho là có sự bảo vệ nghiêm ngặt ở Phnôm Pênh sẽ là một thắng lợi ngoạn mục về tuyên truyền cho phía Việt Nam, những người vốn đã nhắc đi nhắc lại trong nhiều tháng về mức độ thiếu an ninh của chính quyền Pol Pot”, theo nội dung một điện tín từ Văn phòng Liên lạc Trung – Mỹ đến Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 23 tháng 12, cũng là ngày Caldwell chết.
Các bức điện tín cũng cho thấy sự phủ nhận quyết liệt của các quan chức Trung Quốc trước cáo buộc của Mỹ về các vụ tàn sát do Khơme Đỏ thực hiện, bao gồm một cuộc họp nảy lửa giữa một phái đoàn Trung Quốc và các thượng nghị sĩ Mỹ trong tháng Tám, trong đó Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Chai Tse-Min đã nói với Thượng nghị sĩ John Sparkman rằng “báo cáo về các vụ giết người hàng loạt ở Campuchia là không đúng sự thật”.
Các bức điện cũng nêu bật nỗi lo sợ sự bành trướng của Việt Nam trong khu vực đã thúc đẩy Trung Quốc ủng hộ Campuchia như thế nào.
Còn theo một điện tín từ Đại sứ quán Mỹ ở Malaysia gửi Bộ Ngoại giao Mỹ vào ngày 27 tháng 4, được gửi đi sau một cuộc họp với một thành viên của phái đoàn chính phủ Thụy Điển vừa mới đến thăm Trung Quốc xong, “[Ngoại trưởng Trung Quốc] Hoàng Hoa lưu ý rằng khi người Việt đã đánh bại Mỹ và thu được số lượng lớn vũ khí của Mỹ, họ đã trở nên ‘tự cao tự đại’ và họ đã ấp ủ từ lâu những kế hoạch cho một Liên bang Đông Dương”.
Tuy nhiên, trong khi chính phủ Mỹ đã nhận thức được những hành động khủng khiếp của chế độ Pol Pot, với một điện tín ngày 21 tháng 7 từ Đại sứ quán Mỹ tại Lào ước tính 2 triệu người đã chết dưới tay Pol Pot, thì Mỹ lại từ chối đề xuất của chính phủ tiền nhiệm của Campuchia (tức chính phủ Lol Non – NBT) trong việc thách thức quyền đại diện cho Campuchia tại Liên Hiệp Quốc của chính phủ Pol Pot.
Bức điện ngày 20 Tháng 7 từ Bộ Ngoại giao gửi cho nhiều đại sứ quán khác nhau nêu rằng “Mỹ hầu như ủng hộ các mối quan ngại về nhân quyền, điều đã thúc đẩy phái đoàn Lol Non thách thức tư cách đại diện của phái đoàn [Chính phủ Kampuchea Dân chủ]”. “Tuy nhiên [phái đoàn Liên Hiệp Quốc của Mỹ] không nên ủng hộ một thách thức như vậy”.
Trong khi sự từ chối đó được dựa trên thực tế rằng Mỹ coi “chính phủ tham gia [Liên Hiệp Quốc]” là “chính phủ đang kiểm soát đất nước trên thực tế, trừ khi chính phủ đó là do bên ngoài áp đặt”, một bức điện khác cho thấy nỗi lo sợ sâu sắc của chính quyền (Mỹ) về sự bất ổn nếu Khơme Đỏ sụp đổ.
Bức điện từ Bộ Ngoại giao gửi cho Liên Hợp Quốc vào ngày 16 tháng 12 nêu rõ “Nếu chế độ Pol Pot bị lật đổ, điều này có thể dẫn đến cuộc chiến tranh du kích không biết hồi kết ở Campuchia”.
Chín ngày sau đó, người Việt đã phát động một cuộc tấn công quy mô lớn vào đất nước Campuchia, buộc Khơme Đỏ phải rút lui về thế cố thủ và bị cô lập hơn bao giờ hết trước khi cuối cùng phải đầu hàng vào cuối những năm 1990.

05/01/1976: Pol Pot đổi tên Campuchia

Pol Pot
Nguồn:Pol Pot renames Cambodia,” History.com (truy cập ngày 04/01/2015).
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1976, nhà lãnh đạo Khmer Đỏ Pol Pot công bố một bản hiến pháp mới đổi tên của Campuchia thành Campuchia Dân chủ (Democratic Kampuchea) và hợp pháp hóa chính quyền cộng sản của mình. Trong ba năm sau đó, chế độ tàn bạo của Pol Pot đã đưa đất nước trở lại thời Trung Cổ và ước tính gây ra cái chết của khoảng 1 đến 2 triệu người Campuchia.
Pol Pot, tên thật là Saloth Sar, sinh năm 1925 trong một gia đình Campuchia tương đối khá giả, tham gia phong trào cộng sản khi đang học tập tại Paris. Sau khi trở về Campuchia, đất nước giành được độc lập từ tay Pháp năm 1954, và ông tiến thân trong Đảng Cộng sản vốn có quy mô còn nhỏ và hoạt động ngầm tại quê hương mình. Chịu ảnh hưởng của Mao Trạch Đông, vào giữa những năm 1960, Pol Pot, còn được gọi là Anh Cả, đã thúc đẩy phong trào cộng sản của Campuchia và về sinh sống tại một vùng xa xôi của đất nước với một nhóm những người ủng hộ.
Năm 1970, nhà lãnh đạo Campuchia, Thái tử Norodom Sihanouk, bị lật đổ trong một cuộc đảo chính thân Mỹ. Sau đó Khmer Đỏ, với sự giúp đỡ ban đầu từ những người cộng sản Việt Nam, đã tiến hành một cuộc nội chiến với chính phủ mới của Lon Nol. Đồng thời, Mỹ cũng bắt đầu một chiến dịch ném bom và gửi binh sĩ tới Campuchia để săn lùng quân đội Bắc Việt đang hoạt động ở đây.
Tháng 4 năm 1975, sau 5 năm chiến đấu, quân du kích của Pol Pot lên nắm quyền ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia. Kiệt quệ sau những năm xung đột, nhiều người trong số 2 triệu người dân của thành phố này ban đầu đã hoan nghênh Khmer Đỏ như những người giải phóng sẽ mang lại một cuộc cách mạng xã hội. Nhưng thay vào đó, nỗ lực lạc lõng của Pol Pot nhằm xây dựng một xã hội nông nghiệp không tưởng dựa trên nông dân đã trở thành một triều đại khủng bố và diệt chủng kinh hoàng.
Người dân Campuchia bị buộc phải về các vùng nông thôn để làm việc trong các hợp tác xã, bất cứ ai có giáo dục hay của cải đều bị hành quyết. Trường học, báo chí, bệnh viện, văn hóa, tôn giáo, và quyền tư hữu bị bãi bỏ. Hàng chục ngàn người Campuchia đã chết vì đói trong khi vô số người khác thiệt mạng vì bệnh tật và lao động cưỡng bức hoặc bị sát hại.
Tháng 12 năm 1978, sau các cuộc đụng độ biên giới, Việt Nam đưa quân vào Campuchia. Pol Pot chạy sang Thái Lan và lẩn trốn trong các khu rừng rậm ở đó và ở miền Bắc Campuchia trong gần hai thập niên, được bảo vệ bởi quân du kích và quân đội Thái Lan. Năm 1997, sau một cuộc tranh giành quyền lực nội bộ, Pol Pot bị các thành viên trong đảng của mình bắt giữ về tội phản bội. Ông qua đời do già yếu vào ngày 15 tháng 4 năm 1998, chưa bao giờ phải đối mặt với công lý vì những tội ác của mình.

29/04/1970: Mỹ-VNCH tiến hành Cuộc xâm nhập Campuchia

ARVN_in_Cambodia
Nguồn:U.S.-South Vietnamese forces launch Cambodian ‘incursion’,” History.com (truy cập ngày 28/04/2016).
Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng
Vào ngày này năm 1970, các lực lượng Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa đã mở một chiến dịch “xâm nhập” có giới hạn vào Campuchia. Chiến dịch này bao gồm 13 hoạt động lớn trên bộ nhằm xóa sổ chỗ trú ẩn của quân đội Bắc Việt nằm sâu hơn 30 km bên trong biên giới Campuchia. Khoảng 50.000 lính Nam Việt và 30.000 lính Hoa Kỳ đã tham gia, khiến nó trở thành chiến dịch lớn nhất của chiến tranh kể từ sau Chiến dịch Junction City vào năm 1967.
Chiến dịch bắt đầu với việc quân đội Việt Nam Cộng Hòa tấn công vào khu “Mỏ vẹt” (Parrot’s Beak) của Campuchia nằm trải dài về phía miền Nam Việt Nam trên vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong hai ngày đầu tiên, một lực lượng đặc nhiệm gồm 8.000 lính Nam Việt, bao gồm hai sư đoàn bộ binh, bốn tiểu đoàn biệt động, và bốn nhóm kỵ binh, đã sát hại 84 lính cộng sản trong khi thiệt hại 16 người và 157 người bị thương.[1]
Giai đoạn thứ hai của chiến dịch bắt đầu vào ngày 2 tháng 5 với một loạt các hoạt động chung của Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa. Các hoạt động này nhằm mục đích xóa sổ chỗ trú ẩn của lực lượng cộng sản nằm trong vùng “Lưỡi câu” (Fishhook) có thảm thực vật dày đặc của Campuchia (vượt qua biên giới Nam Việt Nam, nằm ngay phía Bắc tỉnh Tây Ninh và phía Tây tỉnh Bình Long, cách Sài Gòn hơn 110 km).
Sư đoàn Kỵ binh số 1 và và Trung đoàn Kỵ binh số 11 của Hoa Kỳ, cùng với Lữ đoàn 3 của Việt Nam Cộng Hòa, tuyên bố đã tiêu diệt 3.190 lính cộng sản trong chiến dịch và chiếm được nhiều chiến lợi phẩm, bao gồm 2.000 vũ khí cá nhân và tổ đội, 300 xe tải, và 40 tấn thực phẩm. Tính đến thời điểm mọi lực lượng trên bộ của Hoa Kỳ rời khỏi Campuchia vào ngày 30 tháng 6, các lực lượng đồng minh đã phát hiện và chiếm được hoặc tiêu hủy nguồn cung và thiết bị của đối phương nhiều gấp hơn 10 lần số lượng họ chiếm được ở miền Nam Việt Nam trong cả năm trước đó.
Nhiều nhà phân tích tình báo tại thời điểm đó tin rằng cuộc xâm nhập Campuchia đã giáng một đòn choáng váng về phía cộng sản, buộc các đơn vị lực lượng chính rời khỏi biên giới và gây tổn hại cho tinh thần của họ, và trong quá trình này đem lại thêm một năm tồn tại cho Việt Nam Cộng Hòa. Tuy nhiên, cuộc xâm nhập đã đem lại cho phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ một điểm tập hợp mới.
Tin tức về cuộc xâm nhập đã làm dấy lên một làn sóng biểu tình chống chiến tranh, bao gồm một cuộc tại Đại học Kent State dẫn đến việc các binh lính thuộc lực lượng Vệ binh Quốc gia sát hại bốn sinh viên, và một cuộc tại Đại học Jackson State ở Mississippi dẫn đến việc hai sinh viên bị bắn khi cảnh sát nổ súng về phía ký túc xá nữ sinh. Cuộc xâm nhập cũng khiến nhiều người trong Quốc hội nổi giận khi họ cảm thấy Nixon đã mở rộng phạm vi chiến tranh một cách trái phép. Điều này đã dẫn đến một loạt các nghị quyết của Quốc hội và các sáng kiến lập pháp nhằm hạn chế khắt khe quyền lực hành pháp của tổng thống.
Ảnh: Xe thiết giáp chở quân M-113 của quân đội Việt Nam Cộng Hòa trên một con đường ở Campuchia. Nguồn: US Department of Defense | Wikimedia Commons.
——————–
[1] Số liệu này được đưa ra theo thống kê của quân đội Hoa Kỳ. Ví dụ, xem James H. Willbanks, Vietnam War: The Essential Reference Guide (Santa Barbara, C.A.: ABC-CLIO, 2013), p. 25.

Cần chấm dứt di sản Chiến tranh Lạnh của Đài Loan

tawf
Nguồn: Daniel Blumenthal, “Unwinding Taiwan’s Cold War Legacy”, Foreign Policy, 29/03/2016.
Biên dịch: Ngô Việt Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Trong khi Tổng thống Obama đến thăm Cuba vào tuần trước để tái thiết lập quan hệ ngoại giao với hòn đảo dưới sự cai trị của Castro và “chấm dứt di sản của Chiến tranh Lạnh” ở khu vực Mỹ Latinh, thì một Đài Loan dân chủ vẫn đang bị kìm kẹp bởi những di sản của Chiến tranh Lạnh.
Quan hệ Mỹ – Đài bị đóng băng vào năm 1979, năm nước Mỹ hủy bỏ liên minh Trung Hoa Dân quốc – Mỹ và cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, cái giá phải trả cho việc bình thường hóa quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Các nhà sử học vẫn tranh cãi liệu có cần sự thay đổi lớn này không để đạt được những gì chúng ta muốn trong quan hệ với Bắc Kinh.
Cái không thể bàn cãi là nhận định cuối cùng của các sử gia sẽ phải tính tới thực tế rằng hợp tác chiến lược với Bắc Kinh là điều cần thiết để chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam và giúp kiềm chế sự gây hấn của Liên Xô. Nhiều thập niên sau đó, chúng ta lại cần tất cả các bạn bè châu Á giúp đỡ để kháng cự lại sự gây hấn của Trung Quốc. Tuy nhiên chính sách Đài loan của chúng ta đa phần không có gì thay đổi.
Phải nói rằng cuộc nổi loạn của quốc hội Hoa Kỳ chống lại sự thay đổi của chính sách đối với Đài Loan đã dẫn đến việc thông qua Đạo luật Quan hệ với Đài Loan (Taiwan Relations Act), giúp tạo nên một khuôn khổ để tiếp tục hỗ trợ hòn đảo dân chủ này. Nhưng mặc cho những thay đổi đáng kể về địa chính trị kể từ khi chúng ta cắt đứt quan hệ với Trung Hoa Dân quốc, và những thành tựu vĩ đại của Đài Loan trong việc xây dựng một xã hội dân chủ và một nền kinh tế mạnh mẽ, Washington vẫn coi Đài Bắc như một công dân quốc tế hạng hai.
Không có lý do gì, về mặt pháp lý hay là gì khác, để có một mối quan hệ quá bất thường như vậy với hòn đảo này. Thay vào đó, nguyên nhân chính là vì chúng ta không chịu diễn giải lại những luật lệ mà chúng ta đã đơn phương lập nên từ khi Jimmy Carter còn là Tổng thống.
Vậy thì những hạn chế đối với quan hệ song phương có ý nghĩa như thế nào trong thực thế? Chúng ta phải xem xét ba tác động:
Thứ nhất, mặc cho những nghị trình phức tạp với Đài Loan bao gồm lợi ích chung trong việc ngăn chặn một cuộc tấn công vào hòn đảo, thì những chuyến thăm của các quan chức ngoại giao và quân sự cấp cao vẫn bị cấm. Việc giám sát quan hệ quốc phòng ngày càng chặt chẽ hơn giữa hai bên phụ thuộc vào những quan chức quốc phòng cấp thấp của Mỹ. Thông thường, khi chúng ta làm việc để tăng cường khả năng răn đe quân sự của một đối tác, quan hệ song phương thường được điều hành bởi các vị tướng, đô đốc, và thậm chí là các bộ trưởng quốc phòng. Điều này không xảy ra ở Đài Loan, cho dù đất nước (nguyên văn của tác giả) này đang đối mặt với một thách thức to lớn từ Trung Quốc.
Thứ hai, hòn đảo dân chủ bị gạt ra ngoài nhiều tổ chức đa phương quan trọng của khu vực. Ví dụ như họ không được mời làm thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cho dù nền kinh tế của họ phát triển xa hơn nhiều thành viên khác.
Thứ ba, họ bị gạt ra ngoài những cuộc đàm phán về tương lai của những tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, cho dù họ có tuyên bố chủ quyền đối với đảo Thái Bình (tức đảo Ba Bình), một phần của quần đảo Trường Sa và tọa lạc ở một vị trí quan trọng về mặt địa chiến lược đối với Biển Đông. Thực sự, các tổng thống và thành viên nội các cấp cao đã không bao giờ tham gia vào những trao đổi vốn có tầm quan trọng lớn đối với việc điều phối về mặt chiến lược và kinh tế giữa hai bên.
Quay lại trường hợp Cuba: Trong khoảng thời gian ở đó, Tổng thống đã sử dụng thời gian, tài sản chính trị quý giá nhất của ông, chỉ để phục vụ những lợi ích không có giá trị về mặt chiến lược và kinh tế. Đó là một cử chỉ mang tính tượng trưng tương đối không tốn kém. Nếu tổng thống muốn chấm dứt những di sản của Chiến tranh Lạnh ở những nơi có tầm quan trọng, ông có thể chấp nhận một rủi ro địa chính trị thật sự bằng cách thay đổi dần bản chất của mối quan hệ kỳ quặc và tự chuốc lấy thất bại của chúng ta với Đài Loan.
Ông có thể mời tân tổng thống Thái Anh Văn đến Hawaii để hội đàm. Ông có thể gửi một nhóm quan chức quân sự cấp cao đến Đài Loan để giúp tân tổng thống đánh giá các nhu cầu an ninh của bà. Tân ngoại trưởng Đài Loan và ngoại trưởng John Kerry có thể làm việc chung để thiết lập nên lập trường chung về Biển Đông. Tổng thống Obama có thể triệu tập một nhóm làm việc cấp cao về việc Đài Loan tham gia TPP. Ông có thể nói với Trung Quốc là họ cần noi theo ví dụ từ chuyến thăm Cuba của ông để bình thường hóa quan hệ giữa Trung Quốc và hòn đảo phía nam này. Không cần phải nói thì rõ ràng sự thay đổi về chính sách này sẽ không thể đến sớm. Tổng thống của chúng ta chỉ muốn có những những tấm hình biểu tượng và dễ dàng chứ không phải những thay đổi về chính sách quan trọng.
Thật đáng tiếc. Việc nâng cấp quan hệ với Đài Loan sẽ giúp ích cho chúng ta về mặt chiến lược và phù hợp với những giá trị của chúng ta bằng cách giúp đỡ một đối tác dân chủ tự do. Khi sự thách thức của Trung Quốc đối với vị thế khu vực của chúng ta ngày càng mạnh hơn, chúng ta phải tăng cường mối quan hệ với bạn bè của chúng ta trong khu vực để giúp xây dựng một trật tự chính trị ở châu Á phù hợp với lợi ích của chúng ta. Tổng thống đắc cử Thái Anh Văn đang phải đối mặt với một môi trường địa chính trị nhiều đe dọa. Hãy xem xét một số thách thức chính.
Sự trì trệ kinh tế ngày càng gia tăng của Trung Quốc và hậu quả về chính trị ở trong nước là một vấn đề thực sự. Đài Loan, đối tượng của tham vọng chiến lược tột cùng nhất của một Trung Quốc hùng cường, đang tự hỏi một câu hỏi khó về việc một Trung Quốc đang chịu những sức ép nội bộ sẽ mang lại những hệ lụy gì đối với tương lại của họ. Chúng ta phải đối mặt với một tương lai khó dự đoán và điều này đòi hỏi chúng ta phải hợp tác chiến lược với hòn đảo này ở các cấp cao nhất (xem phần trước). Dù Trung Quốc bất ổn hơn, họ vẫn rất mạnh. Gây rối với Đài Loan là cách dễ dàng nhất để giới lãnh đạo Trung Quốc đánh lạc hướng dư luận khỏi những vấn đề nội địa.
Vào lúc này, các con mắt ở Trung Quốc đang đổ dồn vào Philippines, khi họ chuẩn bị tiếp tục bồi đắp đảo ở bãi cạn Scarborough. Trung Quốc có thể phản ứng lại một phán quyết “bất lợi” từ Tòa trọng tài ở The Hague bằng cách tuyên bố thiết lập một khu vực nhận diện phòng không trên Biển Đông. Cả phán quyết của tòa trọng tài và phản ứng của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến yêu sách chủ quyền của Đài Loan đối với Biển Đông và an ninh của họ. Trung Quốc sẽ gây sức ép lên hòn đảo để buộc họ phải ủng hộ lập trường của Trung Quốc và cố gắng làm suy yếu yêu sách của Đài Loan. Nếu Đài Loan không làm theo, Trung Quốc có thể sẽ ép buộc và đe dọa họ.
Nhân dân Đài Loan đã bác bỏ hoàn toàn đường lối ngoại giao của Quốc Dân Đảng trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay và ủy thác cho Dân Tiến Đảng nhiệm vụ đưa ra một hướng đi chiến lược mới. Quốc Dân Đảng tin rằng đàm phán trực tiếp với Trung Quốc sẽ là cách tốt nhất giúp ổn định quan hệ hai bờ và cải thiện vị thế địa chính trị của Đài Loan. Quan điểm của Dân Tiến Đảng là quan hệ mạnh mẽ hơn với Mỹ và đồng minh trong khu vực sẽ mang lại cho hòn đảo vị thế có lợi hơn để đàm phán về sự ổn định với Trung Quốc.
Nhật Bản, đặc biệt dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, nắm vai trò chủ chốt về an ninh đối với Đài Loan. Quan hệ giữa hai chính quyền sẽ cải thiện dưới sự lãnh đạo của bà Thái Anh Văn. Nhưng các đồng minh của Mỹ như là Nhật và Philippines cần sự lãnh đạo của Mỹ để có thể phản hồi một cách đầy đủ đối với các yêu cầu của Đài Loan. Chiến lược này phụ thuộc vào việc tiếp nhận Đài Loan vào các sáng kiến được Mỹ dẫn dắt như là TPP và các nỗ lực đảm bảo an ninh hàng hải. Nó sẽ không có hiệu quả nếu Mỹ không có sự hỗ trợ mạnh mẽ.
Đài Loan cần thời gian và sự chú ý của Tổng thống Mỹ khi mà một đảng phái chính trị trẻ lại một lần nữa lên nắm quyền trong một thời điểm nhiều thách thức. Đài Loan cần Tổng thống Hoa Kỳ chấm dứt một di sản của Chiến tranh Lạnh vốn đang tỏ ra ngày càng nhiều rủi ro hơn.

Nguyên nhân xung đột ở Nagorno-Karabakh là gì?

Nagorno-Karabakh
Nguồn: The conflict in Nagorno-Karabakh“, The Economist, 15/04/2016
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Chỉ ít người chú ý tới cuộc giao tranh dữ dội nổ ra vào đầu tháng Tư ở Nagorno-Karabakh, một vùng đất bị tranh chấp giữa Armenia và Azerbaijan. Khoảng 50 người đã thiệt mạng trong bốn ngày khi xe tăng, máy bay trực thăng và đạn pháo thắp sáng một mặt trận đã bị lãng quên từ lâu. Sự hồi sinh của cuộc xung đột đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế khi tất cả các quan chức của Mỹ, Liên minh châu Âu và Nga đều kêu gọi các bên bình tĩnh nhằm ngăn chặn sự bùng phát của một cuộc chiến tranh trên diện rộng. Sau khi Moskva giúp làm cầu nối cho một thỏa thuận ngừng bắn, chiến sự đã chậm lại; tuy nhiên, hoà bình lâu dài vẫn là một ảo tưởng. Vậy mục đích của cuộc xung đột Nagorno-Karabakh là gì?
Nằm giữa các đế quốc Nga, Ottoman và Ba Tư, Armenia và Azerbaijan có một lịch sử căn thẳng lâu dài. Sau một cuộc đụng độ ngắn để giành độc lập sau Thế chiến I, Armenia và Azerbaijan nằm dưới quyền kiểm soát của phe Bolshevik; các chính ủy Xô-viết tuyên bố Nagorno-Karabakh là một phần của Azerbaijan, mặc dù phần lớn người dân Armenia vẫn ở đó. Năm 1988, Nagorno-Karabakh bỏ phiếu chọn ly khai khỏi Azerbaijan khi đó đang thuộc Liên Xô và gia nhập Armenia.
Khi Liên Xô tan rã, một cuộc chiến đẫm máu nổ ra trên lãnh thổ này. Khoảng 30.000 người đã bị thiệt mạng và hàng trăm ngàn người phải di tản trước khi thỏa thuận ngừng bắn năm 1994 giúp tạm dừng cuộc chiến. Các lực lượng Armenia chiếm đóng Nagorno-Karabakh và một số khu vực xung quanh, để lại cho Azerbaijan vùng đất nhỏ hơn khoảng 15%. Nhưng bất chấp thỏa thuận ngừng bắn, những cuộc giao tranh quy mô nhỏ vẫn tiếp tục dọc theo ranh giới. Kế hoạch hòa bình không bao gồm các lực lượng gìn giữ hòa bình mà chỉ có một số ít các đơn vị giám sát phi vũ trang. Áp lực từ các lực lượng trung gian bên ngoài – chủ yếu là Nga, Mỹ và Pháp, tức các quốc gia chủ trì nhóm đàm phán – chưa bao giờ vượt qua được sự chống cự nội bộ đối với thỏa hiệp.
Thời gian trôi qua, sự bất bình ngày càng sâu sắc thêm. Các nhà lãnh đạo của Azerbaijan và Armenia đã làm dấy lên các luận điệu dân tộc chủ nghĩa để củng cố quyền lực. Nguồn dầu mỏ dồi dào của Azerbaijan đã châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ khí; Chi tiêu quốc phòng của Baku [thủ đô Azerbaijan] cuối cùng đã vượt quá tổng ngân sách của chính phủ Yerevan [thủ đô Armenia].
Bởi các cuộc đàm phán hòa bình vẫn bị đình trệ, và cộng đồng quốc tế không mấy hứng thú với việc khôi phục chúng, việc sử dụng vũ lực ngày càng trở nên phổ biến tại mặt trận này. Trong những cuộc đụng độ mới nhất (mà cả hai bên đổ lỗi cho phía còn lại là đã khơi mào), các lực lượng Azerbaijan lần đầu tiên đã nỗ lực không chỉ tấn công các kẻ thù người Armenia mà còn nhằm chiếm giữ lãnh thổ mới. Về phía Azerbaijan, thời cơ sắp xếp lại các quân bài ngoại giao dường như đã chín muồi. Giá dầu sụt giảm đã làm tổn thương nền kinh tế nước này vốn phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt, những ngành mang lại gần 95% kim ngạch xuất khẩu. Tình trạng này cũng buộc Azerbaijan phải cắt giảm chi tiêu quốc phòng xuống 40% trong năm nay, theo IHS Jane, một công ty tư vấn. Đặc biệt đối với Azerbaijan, việc sử dụng vũ lực là nhằm khôi phục các cuộc đàm phán và chứng minh rằng “cuộc xung đột này vẫn chưa được giải quyết”, Anar Valiyev, một nhà phân tích tại Baku nói.
Thất bại trong việc thực hiện những  bước tiến có ý nghĩa hướng tới hòa bình sẽ chỉ mang lại một sự trượt dài sâu hơn về phía chiến tranh. Laurence Broers của Chatham House [Viện Nghiên cứu Quốc tế Hoàng gia], một viện nghiên cứu chính sách của Anh, lập luận rằng các cuộc đụng độ mới nhất “minh họa cho các nguy cơ về leo thang bạo lực”. Một sự bùng nổ bạo lực mới có thể diễn ra bất cứ lúc nào. Nếu bị để nằm ngoài tầm kiểm soát, Nagorno-Karabakh có thể biến thành một cuộc chiến tranh khu vực lớn hơn, một cuộc chiến mà có thể khiến Nga (vốn có một căn cứ quân sự tại Armenia và nghĩa vụ hiệp ước phải bảo vệ Armenia chống lại các cuộc tấn công bên ngoài) và Thổ Nhĩ Kỳ (vốn ủng hộ cộng đồng người Thổ ở Azerbaijan) chống lại nhau. Nagorno-Karabakh thường được gọi là một cuộc xung đột “bị đóng băng”; nhưng các mâu thuẫn cần được giải quyết, chứ không phải được đóng băng.

Bi kịch đổi đất lấy viện trợ của Ai Cập

aca
Nguồn: Barak Barfi, “Egypt for Sale”, Project Syndicate, 15/04/2016.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Trong chuyến thăm Ai Cập hồi tuần trước của Vua Ả Rập Saudi Salman, hai nước đã ký kết 22 thỏa thuận, trong đó có một thỏa thuận dầu khí trị giá 22 tỷ USD nhằm vực dậy nền kinh tế đang hấp hối của Ai Cập. Nhưng sự trợ giúp hào phóng nào cũng có cái giá của nó: Ai Cập đã phải trả hai hòn đảo trên Biển Đỏ mà Ả Rập Saudi đã nhượng lại cho nước này vào năm 1950. Động thái này đã vạch trần luận điệu của giới lãnh đạo Ai Cập, rằng nước này vẫn là một cường quốc khu vực, chỉ là một lời nói dối. Thật vậy, Ai Cập thậm chí còn không thể xử lý được những thách thức trong nước, do dân số phát triển quá nhanh và phụ thuộc vào nguồn trợ cấp mà chính phủ không có khả năng chi trả. Đây là tình thế mà các phần tử thánh chiến đang khai thác khá thành công. Vậy làm thế nào mà Ai Cập lại rơi vào hoàn cảnh này?
Khi Muhammad Ali đánh bại người Anh vào năm 1807, Ai Cập trở thành quốc gia Ả Rập đầu tiên giành được độc lập trên thực tế (de facto). Nhưng cháu trai của Ali, Ismail, đã phá tan nền độc lập ấy bởi lối chi tiêu vung tay quá trán, để rồi đất nước phải phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, kéo dài cho đến ngày nay.
Đầu tiên, vào năm 1875, Ismail đã buộc phải bán cổ phần của Ai Cập trong kênh đào Suez để trang trải thâm hụt ngân sách. Nhưng điều đó không đủ để ngăn chặn chảy máu ngân sách, và các chủ nợ châu Âu đã thành lập một ủy ban để đảm bảo thanh toán. Tính đến năm 1877, hơn 60% nguồn thu ngân sách của Ai Cập đã phải dùng để chi trả món nợ này. Năm 1882, người Anh đã nắm quyền kiểm soát đất nước để bảo vệ các khoản đầu tư của họ.
Ai Cập tiếp tục phụ thuộc vào Anh cho đến khi Gamal Abdel-Nasser lên nắm quyền vào năm 1952. Ông ta đã quay sang Liên Xô, nước cung cấp các loại vũ khí tiên tiến, để đổi lấy cùng loại “giấy nợ” vốn đã làm hại những người tiền nhiệm của mình. Đến khi Nasser qua đời vào năm 1970, Hải quân Liên Xô đã gần như biến cảng Alexandria thành một nước Cộng hòa Xô Viết, nơi mà tiếng Nga đã trở thành ngôn ngữ thứ hai.
Trong khi đó, Nasser lại theo đuổi các chính sách kinh tế dân túy tốn kém. Ông mở rộng bộ máy quan liêu khi cho tất cả các cử nhân đại học vào làm việc “ngồi không ăn lương” cho chính phủ; ngày nay, 24% lực lượng lao động Ai Cập đang làm việc cho nhà nước. Ông cũng cho tiến hành trợ cấp hàng hóa cơ bản, từ bánh mì đến dầu, lên tới 8,1% GDP trong năm 2013-2014. Trong năm 2014-2015, 81% ngân sách được dùng chi trả nợ, trợ cấp và tiền lương, lấn át giáo dục và các khoản đầu tư khác cần thiết cho tăng trưởng dài hạn.
Tất cả những điều này làm gia tăng nhu cầu nhận viện trợ nước ngoài của Ai Cập. Và, trên thực tế, dù Nasser thân Liên Xô, Mỹ mới là nước viện trợ nhiều nhất cho Ai Cập, mãi cho đến cuộc chiến thảm khốc của nước này với Israel vào năm 1967 khiến quan hệ Mỹ – Ai Cập bị đóng băng. Không thể đánh bại Israel về mặt quân sự, phi công Liên Xô đã hỗ trợ kẻ thù của Israel (Ai Cập) trong những trận không chiến trên kênh đào Suez. Nasser, người chống lại chủ nghĩa đế quốc và sự phụ thuộc kinh tế, cuối cùng lại biến đất nước mình trở thành chư hầu.
Người kế nhiệm Nasser, Anwar Sadat, đã cố gắng làm hồi sinh Ai Cập thông qua tự do hóa nền kinh tế, làm hòa với Israel, từ bỏ liên minh với Liên Xô và quay sang ủng hộ Mỹ và Tây Âu. Nhờ vậy mà ông nhận được một gói viện trợ trị giá trung bình hơn 2 tỷ USD/năm. Tuy nhiên, với tốc độ gia tăng dân số hằng năm là 2,2% thì gói viện trợ này vẫn chưa đủ cho Ai Cập.
Ngày nay, Ai Cập còn phụ thuộc vào viện trợ từ châu Âu và vùng Vịnh Ba Tư, chẳng hạn như qua Quỹ Phát triển Kinh tế và Xã hội Ả Rập, Quỹ Phát triển Abu Dhabi và Quỹ Phát triển Saudi. Quỹ Kuwait cho Phát triển Kinh tế Ả Rập đã viện trợ cho Ai Cập 2,5 tỷ USD, với hơn 50% trong số đó là viện trợ không hoàn lại, khiến Ai Cập trở thành nước nhận viện trợ lớn nhất của quỹ này. Các khoản viện trợ này hỗ trợ cho nền kinh tế Ai Cập bằng cách tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng và cứu trợ ngân sách. Việc các khoản nợ đôi khi được xóa cũng giúp ích tương tự.
Người Ai Cập hiếm khi nghe về tình hình tài chính eo hẹp của đất nước họ. Thay vào đó, giới báo chí do chính phủ kiểm soát thường chỉ tự hào về những cây cầu mới và việc gia tăng sản lượng công nghiệp, đồng thời nêu bật vai trò của Ai Cập trong các vấn đề khu vực, chẳng hạn như tiến trình hòa bình Israel-Palestine [vốn đang trì trệ] hay việc giúp hình thành chính phủ liên hiệp ở Lebanon.
Việc tuyên truyền như vậy là nhằm mục đích duy trì niềm tin rằng Ai Cập vẫn giữ vị thế quan trọng ở Trung Đông. Chắc chắn là không giống hầu hết các nước Ả Rập khác, đặc biệt là Lebanon và Yemen, người Ai Cập có nhận thức về bản sắc dân tộc bắt nguồn từ các đế chế của các vị Pharaon thời cổ đại. Thêm nữa, dân số gần như đồng nhất của nước này – 90% người Hồi giáo dòng Sunni – đã cho phép Ai Cập tránh được những xung đột giáo phái như ở Iraq và Syria, và xây dựng một chính quyền trung ương mạnh.
Nhưng luận điều về cường quốc khu vực mà các nhà lãnh đạo Ai Cập hay nói tới đang ngày càng xa vời. 750.000 sinh viên Ai Cập tốt nghiệp mỗi năm đều muốn có việc làm, chứ không phải những lời hứa suông dựa trên vinh quang quá khứ. Những lao động không có tay nghề trong ngành du lịch đang suy tàn thì mòn mỏi đợi chờ du khách nước ngoài quay lại. Các công nhân nhà máy khao khát mức sản xuất mà sức mua của những người tiêu dùng địa phương đang thất nghiệp không thể duy trì.
Thay vì giải quyết những vấn đề trên, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã buộc phải từ bỏ lãnh thổ cho Ả Rập Saudi nhằm đảm bảo có được nguồn viện trợ nước này cần để duy trì đất nước, và ông đã phải đối mặt với rất nhiều những nhạo báng trong quá trình này. Tuy nhiên, trong trò chơi có tổng bằng không mang tên “chính trị Trung Đông”, thất bại của một bên sẽ là chiến thắng của một bên khác. Và trong trường hợp của Ai Cập ngày nay, các nhóm Hồi giáo cực đoan đang gặt hái những phần thưởng khi người dân “vỡ mộng” về chính phủ.
Các phần tử Hồi giáo cực đoan cũng có lập luận riêng của họ: rằng Ai Cập hiện nay đã không thể đáp ứng được kỳ vọng của người Ả Rập và Hồi giáo. Điều này nhận được sự đồng cảm của những người dân đang phải chịu đựng sự thất bại của nhà nước hàng ngày. Tập trung khôi phục quá khứ vinh quang của người Hồi giáo đang ngày càng trở nên hấp dẫn hơn so với việc hồi sinh một cường quốc khu vực mà thậm chí còn chẳng thể bảo đảm được quyền lợi cho người Palestine.
Các nhà lãnh đạo Ai Cập vẫn duy trì được tính chính danh và sức mạnh cần thiết để ngăn chặn lập luận nguy hiểm này. Nhưng, nếu muốn thành công, họ sẽ phải thừa nhận thực tế của Ai Cập. Ai Cập là một đất nước mà lịch sử cổ xưa luôn được xem trọng, nhưng huyền thoại về cường quốc khu vực là một trong những vết tích sẽ sớm biến mất.
Barak Barfi hiện là nghiên cứu viên tại Viện New America.
Copyright: Project Syndicate 2016 – Egypt for Sale

Quan hệ Việt - Mỹ: bài học cho cả thế giới

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry:

29/04/2016 09:00 GMT+7
TTO - Nhiều năm trôi qua sau cuộc chiến, Việt Nam và Mỹ đang đứng trước cơ hội lớn nâng tầm mối quan hệ trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đầy biến động.
Quan hệ Việt - Mỹ: bài học cho cả thế giới
Ngoại trưởng John Kerry (phải) trò chuyện với nhà làm phim tài liệu Ken Burns về cuộc chiến Việt Nam tối 27-4 (ảnh chụp từ vietnamwarsummit.org/live/)
“Mỹ và Việt Nam một lần nữa đã chứng tỏ rằng những quốc gia từng thù hận có thể trở thành đối tác, thậm chí trong thế giới phức tạp mà chúng ta đang chứng kiến hôm nay... Đây cũng là một bài học đầy ý nghĩa và đúng lúc cho cả thế giới
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry
“Hội nghị thượng đỉnh về chiến tranh Việt Nam”, tổ chức tại Thư viện Lyndon Baines Johnson (thành phố Austin, bang Texas, Mỹ) trong ba ngày từ 26-4, nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng Mỹ và người Việt Nam khắp thế giới.
Ngoại trưởng John Kerry đã có một bài phát biểu xúc động ngày 27-4, trong đó ông kể về những kinh nghiệm bản thân trong cuộc chiến tranh Việt Nam, về di sản và bài học của nó để lại cho hôm nay.
Ông Kerry cũng đề cập đến hợp tác Việt - Mỹ trong lĩnh vực an ninh, về tăng trưởng kim ngạch giao thương, số lượng du khách Mỹ đến Việt Nam...
“Đây là di sản chung của hai nước, tôi hi vọng chúng ta sẽ tiếp tục tăng cường nó hơn nữa trong những năm sắp tới” - ông Kerry bày tỏ.
Diễn ra ngay trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Hà Nội, “Hội nghị thượng đỉnh về chiến tranh Việt Nam” có thể xem như đúc kết lại những gì của quá khứ để mở ra một tương lai tươi sáng hơn.
Biểu tượng phản chiến
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry có thể nói là một biểu tượng sống của cuộc chiến Việt Nam tại Mỹ. Ông đăng ký tham gia hải quân chỉ một thời gian ngắn trước khi tốt nghiệp Đại học Yale và phục vụ trong đội tuần tra vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Khi đó, trung úy John Kerry đã được trao thưởng một ngôi sao đồng, một ngôi sao bạc và ba huân chương Purple Heart. Nhưng sau những trải nghiệm đau thương trên chiến trường Việt Nam, ông rời quân ngũ và trở thành một trong những nhà chính trị phản chiến nổi tiếng nhất thời bấy giờ.
Ông John Kerry từng dẫn đầu phong trào tuần hành phản chiến đáng nhớ ở thủ đô Washington vào năm 1971. Xuất hiện trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cùng năm đó, ông Kerry đã dám lên tiếng mô tả cuộc chiến tranh Việt Nam là “man rợ”.
“Làm sao các ông có thể yêu cầu một người lính trở thành người cuối cùng phải hi sinh vì một sai lầm?” - ông Kerry chất vấn các thượng nghị sĩ Mỹ.
“Những ai tỏ ra quan ngại về cách cuộc chiến tranh Đông Dương được tiến hành là hoàn toàn có lý do chính đáng. Có những sai lầm trong lãnh đạo, sai lầm trong giao tiếp/trao đổi thông tin, sai lầm về chiến lược. Lại càng có nhiều sai lầm lớn trong những nhận định cơ bản về cuộc chiến” - đây là những lời nổi tiếng của ông John Kerry cách đây 45 năm khi đứng điều trần trước Thượng viện Mỹ.
Sau đó, ông Kerry tiếp tục thăng tiến trong sự nghiệp chính trị và trở thành thượng nghị sĩ đại diện cho bang Massachusetts, rồi giữ chức chủ tịch Ủy ban Đối ngoại. Ông làm việc suốt 10 năm để giúp Mỹ bình thường hóa quan hệ với Việt Nam vào thập niên 1990.
Nhưng quan điểm của ông Kerry về cuộc chiến Việt Nam cũng từng khiến ông chịu nhiều chỉ trích, đặc biệt trong cuộc chạy đua giành ghế tổng thống hồi năm 2004.
Trong bài phát biểu tối 27-4, ông Kerry tỏ ra nghẹn ngào khi nhắc lại niềm mong mỏi bấy lâu của bản thân, đó là một lúc nào đó cuộc chiến Việt Nam đối với nhiều người Mỹ sẽ không còn là “một ký ức cay đắng”. Nhưng với ngoại trưởng Mỹ, đây hẳn là một trải nghiệm đầy cảm xúc mà ông sẽ không bao giờ quên được.
Bài học từ cuộc chiến Việt Nam
Ngoại trưởng John Kerry nhận định cuộc chiến Việt Nam có một bài học rất quan trọng có thể áp dụng cho các cuộc xung đột đẫm máu đang diễn ra ở Iraq, Afghanistan, Syria và những điểm nóng khác.
Theo ông, người Mỹ phải đặt bản thân vào hoàn cảnh của người dân ở những nơi đó và “nhìn đất nước của họ như cách họ nhìn”.
“Chúng ta không thể nhìn vào những quốc gia khác chỉ qua lăng kính của người Mỹ” - ông Kerry đúc kết.
“Chúng ta có chừng sáu cuộc chiến đang diễn ra ở Syria. Không dễ gì tìm ra một giải pháp cho hòa bình, nhưng trước tiên hiểu được văn hóa nước ngoài là một điều quan trọng” - ông Kerry nhấn mạnh.
Ngoại trưởng Mỹ cho biết ông luôn giữ những ký ức về cuộc chiến Việt Nam khi đi tìm giải pháp hòa bình cho các quốc gia bị xung đột tàn phá như Syria, hoặc trong cuộc chiến với các tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS), Boko Haram...
So với lần phản biện về cuộc chiến Việt Nam trước Thượng viện Mỹ cách đây 45 năm, bài phát biểu của Ngoại trưởng Kerry lần này mang một cái nhìn lạc quan về tương lai.
“Không ai có thể tưởng tượng Mỹ và Việt Nam bắt tay cùng mười quốc gia khác để đạt được một cơ hội giao thương vô giá” - ông Kerry đề cập đến Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa được ký kết.
“Không ai có thể hình dung ra đất nước Việt Nam như ngày hôm nay. Việt Nam, một cựu thù của Mỹ, bây giờ lại là một đối tác có mối quan hệ nồng ấm với Mỹ, trên cả bình diện con người lẫn quốc gia” - ngoại trưởng Mỹ phát biểu đầy xúc động.
Ông Kerry cũng lưu ý rằng tuy quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam có thể chưa hoàn hảo nhưng mọi thứ đang tốt hơn bao giờ hết. “Bên cạnh đó vẫn còn câu hỏi: vậy mọi thứ đã như chúng ta mong muốn chưa? Câu trả lời là chưa. Mỹ và Việt Nam vẫn có những khác biệt, nhưng tin tốt lành là chúng ta đang thảo luận với nhau về điều đó” - ông Kerry kết luận.
Ngoại trưởng Kerry sẽ tháp tùng Tổng thống Barack Obama trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5 tới, đánh dấu một cột mốc đáng nhớ khác cho quan hệ hai nước.
Sự kiện “Hội nghị thượng đỉnh về chiến tranh Việt Nam” có sự góp mặt của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, cựu ngoại trưởng Henry Kissinger - người phục vụ dưới thời tổng thống Richard Nixon và Gerald Ford, nhà hoạt động chống chiến tranh Việt Nam Tom Hayden - người được biết đến sau chuyến thăm Hà Nội cùng vợ là nữ diễn viên Jane Fonda năm 1972, các cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh…
MINH TRUNG

Có Chúa Không Nhỉ?


(Phản biện bài "Biết Đâu Đó Là Sự Thật" của Andrew Tran)
Trần Tiên Long

26-Apr-2016
Chỉ có họ mới có cái thứ gọi là “trạng huống của kẻ tin bỗng rơi vào chơi vơi”. Còn người không tin thì chẳng cần phải vật lộn gì cả, bởi vì họ luôn luôn mở rộng đôi mắt, suy nghĩ như con người đang tỉnh thức, có trí tuệ. Sự nghi ngờ là bản chất của con người còn biết dùng đầu óc để suy nghĩ. (TTL)
Bài Biết Đâu Đó Là Sự Thật mà bạn Andrew Tran (atran04@sbcglobal.net) đã có nhã ý chuyển vào trong các diễn đàn công cộng là một bài viết rất tiêu biểu của những nhà chuyên làm công việc biện giải cho Thiên Chúa giáo. Trong suốt toàn bài viết, tác giả đã sử dụng những trò ngụy biện ngôn từ mà những người đồng thanh tương ứng rất khó nhận ra. Đó là cứ việc xây dựng một người rơm dựa trên những kiến thức nông cạn, sai lầm về đối phương – người không tin – để rồi lại tự tay mình tấn công, đạp đổ người rơm đó xuống.
Ở bài viết này, người viết chỉ muốn đặt trọng tâm ở khía cạnh Luận Lý Học, một trong các bộ môn thuộc khoa học thuần túy. Còn khía cạnh khoa học thực nghiệm, quí độc giả có thể tìm hiểu thêm ở bài Còn Có Một Đời Sau.
Bây giờ chúng ta hãy cẩn thận xét kỹ xem những lý lẽ mà các nhà biện giải cho TCG đã trưng ra để nhận thấy rằng tất cả chỉ là những thứ trò ngụy biện ngôn từ, chưa thể thuyết phục được người không tin để họ phải đổi ý. Đó chính là lý do tại sao người ta còn cứ phải viện dẫn đến đức tin. Nhưng trước khi đi vào chủ đề về những thứ trò ngụy biện này, tưởng cũng nên bàn sơ qua về hai phạm trù vô thần và hữu thần mà những nhà biện giải thường hay cố tình diễn dịch sai theo kiểu dèm pha, tấn công một người rơm.
I. Vô thần vs. hữu thần
Người không tin (agnostic) thì cũng giống như người vô thần (atheist) ở điểm họ nghiên cứu tất cả các vấn đề theo phương pháp của khoa học trước khi đi đến kết luận rằng những hữu thể thiêng liêng như quỷ, ma, thần, thánh… đều là những sản phẩm tưởng tượng của con người. Vì đó là những thứ tưởng tưởng, không có thật, nên các nhà hữu thần (theist) phải có bổn phận trưng ra các bằng chứng. Đó là một nguyên tắc thông thường trong Luận Lý Học và Luật Học. Tuy nhiên, trong suốt dòng lịch sử tiến hóa của các tôn giáo, chưa ai có thể làm được việc này nên Thiên Chúa Giáo mới cần phải phịa ra đức tin để nô lệ hóa tâm linh con người. [1]
Thí dụ, nếu bạn bảo rằng đêm qua bạn ra ngoài đường vắng và gặp một con ma. Hôm nay, bạn đem chuyện gặp ma của bạn ra nói với thiên hạ. Bổn phận của bạn là phải nói sao cho thuyết phục bằng những lập luận vững chắc, có các bằng chứng hẳn hoi. Nếu bạn chưa làm được điều này thì thiên hạ sẽ không tin bạn. Bạn không thể đơn giản phịa ra rằng chỉ có bạn mới thấy và hiểu rõ ràng về con ma, nhưng lại không thể giải thích con ma như thế nào, đã nói gì với bạn, rằng những người khác không thấy ma là tại vì họ không tin có ma. Cái kiểu lý luận như vậy là bạn đang đặt cái cày trước một con trâu. Còn người không tin thì đặt cái cày sau con trâu, nghĩa là phải sử dụng trí tuệ để tìm hiểu các bằng chứng và lý lẽ kỹ càng trước khi tin. Tin hay không là kết quả của một nhận thức, không phải là một quyết định chọn lựa của ý chí tự do. Nhưng nếu bạn có quyền lực, bạn có thể làm người ta tin theo bạn dễ dàng hơn bằng cách sai khiến thiên hạ đi quảng cáo, tuyên truyền thay thế cho bạn. Kết quả là sẽ có vô số người tin theo bạn. Đơn giản vậy thôi!
Về chuyện có Chúa hay không cũng vậy. Đã là người thì ai ai cũng có trí tuệ, trí thông minh, lương tâm, ý thức để phán đoán; chỉ khác nhau ở mức độ cao thấp. Con vật cũng có đầu óc để suy nghĩ, nhưng chắc chắn không sâu sắc thâm thúy bằng con người, vì có sự khác biệt về cấu trúc nơi não bộ vật chất. Bây giờ người ta bảo bạn cứ nhắm mắt tin, dụt bỏ lý trí qua một bên, để họ dễ dàng tuyên truyền cho điều họ muốn. Ừ, thì bạn cứ vâng lời họ mà dụt bỏ lý trí để tin theo họ. Nhưng người không tin thì chẳng cần phải làm như bạn. Họ vẫn sống như một con người có trí tuệ, biết suy nghĩ độc lập và tự do đối với tất cả mọi vấn đề, kể cả vấn đề tôn giáo; vì trí tuệ chính là phẩm hạnh cao quý của con người, làm con người cao trọng hơn con vật. Sự nghi ngờ là biểu hiệu của lý trí, là thái độ cần thiết được đòi hỏi ở trong tất cả các bộ môn khoa học, đối nghịch với đức tin tôn giáo.
Tất cả những người tin có Chúa, kể cả Mẹ Teresa of Calcutta và các ông bà thánh, thì vẫn luôn luôn còn có sự nghi ngờ, cho dù đã nhiều năm nhắm mắt tin có Chúa; bởi vì lúc đó họ chưa chết, cũng vẫn đang còn là con người. Họ phải tiếp tục vật lộn với sự nghi ngờ bao lâu họ vẫn còn là con người. Bởi lẽ, họ không dễ dàng từ chối thân phận làm người có trí tuệ để rồi cứ phải nhắm mắt mãi mãi như một con chiên ngoan. Chỉ có họ mới có cái thứ gọi là “trạng huống của kẻ tin bỗng rơi vào chơi vơi”. Còn người không tin thì chẳng cần phải vật lộn gì cả, bởi vì họ luôn luôn mở rộng đôi mắt, suy nghĩ như con người đang tỉnh thức, có trí tuệ. Sự nghi ngờ là bản chất của con người còn biết dùng đầu óc để suy nghĩ. Nếu những nhà biện giải cho TCG trình bày được những lý lẽ thuyết phục với các bằng chứng hẳn hoi về sự hiện hữu của Thiên Chúa thì người không tin sẽ tự động đổi ý để tin theo họ. Đó là chuyện bình thường, hợp với bản chất của con người vốn có trí tuệ để suy tư, sẳn sàng thay đổi thái độ để phù hợp với kiến thức mới theo đà tiến hóa của tư tưởng.
Vậy người tin và người không tin thì đều cùng có sự nghi ngờ vì cả hai vẫn còn là con người. Nhưng sự khác biệt giữa hai hạng người này thì ở chỗ người không tin đón nhận sự nghi ngờ một cách tự nhiên, thoải mái, và còn trân quí xem nó như một yếu tố tối cần thiết cho công việc xét đoán đúng/sai; trong khi người tin lại cứ phải vật lộn, cố gắng vất bỏ sự nghi ngờ để tin như đinh đóng cột theo những gì đã được chỉ dạy, cho dù có vô lý tới mức nào. Đó là việc làm đối nghịch với bản chất đích thực của con người vốn sinh ra thì đã có lý trí. Chỉ có người tin mới cần phải thăng hoa việc dụt bỏ trí tuệ như một phẩm hạnh đạo đức: đức tin.
II. Những kiểu cách ngụy biện ngôn từ
a. Vấn đề chứng minh có Chúa
Thông thường, trước khi chúng ta làm công việc chứng minh có một thứ gì thì phải định nghĩa cái thứ đó trước đã. Những nhà biện giải cho TCG chưa bao giờ làm công việc định nghĩa này trước khi họ chứng minh có sự hiện hữu của Thiên Chúa. Những gì người ta đã cố gắng chứng minh thì thực ra không phải là để chứng minh có một Thiên Chúa mà họ đang tôn thờ. Thiên Chúa mà họ tôn thờ là một sinh vật có đầy đủ nhân tính của con người như tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố… được trình bày đầy dẫy ở trong các cuốn kinh thánh. Và Thiên Chúa vì yêu thương nhân loại còn xuống thế làm người để chịu chết, chuộc cho con người cái tội gọi là tội tổ tông.
Lập luận thiết kế thông minh (intelligent design argument), một phó sản của Thuyết Sáng Tạo, chỉ là để bàn về sự cần thiết phải có một nguyên nhân đầu tiên để tác tạo vũ trụ từ hư không. Cứ điều gì mà con người chưa giải thích được thì gán cho thần thánh làm. Đó là thượng đế của các khoảng trống (God of the gaps), chẳng phải là Thiên Chúa của Thiên Chúa giáo. Đó là một cách lối ngụy biện phải kêu gọi tới sự ngu dốt (argument from ignorance). Do đó, những lập luận của họ đều tuyệt đối có thể áp dụng cho bất cứ một sinh vật tưởng tượng nào, chẳng hạn như ông kẹ, ông ba mươi, ông bà táo, ông trời, thần hoàng, thần thổ địa, sơn thần, thủy thần, thiên lôi, con kỳ lân màu tím vô hình...
Từ đó, chúng ta có thể kết luận được rằng Thiên Chúa chỉ là một sinh vật tưởng tượng như tất cả những sinh vật tưởng tượng khác mà con người đã từng nghĩ ra. Và những kết quả có được khi chúng ta cầu nguyện cùng Thiên Chúa bằng một đức tin không lay chuyển thì cũng giống như những kết quả có được khi chúng ta cầu nguyện nơi bất cứ một sinh vật tưởng tượng nào, dĩ nhiên cũng phải bằng một đức tin không lay chuyển. Các phép lạ mà TCG rêu rao do Chúa, Đức Mẹ, hay các ông bà thánh làm thì cũng có thể gán cho bất cứ một sinh vật tưởng tượng nào. Mặc dù vậy, người TCG không bao giờ nhìn nhận Thiên Chúa mà họ tôn thờ cũng chỉ đơn giản giống như một ông kẹ. Bởi vậy, cái cảm nhận mơ hồ gặp Chúa thì cũng hoàn toàn giống như cái cảm nhận mơ hồ gặp quỷ ma ngoài đường vắng, muốn tán sao cũng được.
b. Thiên cơ bất khả lậu
Nếu các ông bà thày bói thường hay nại cớ thiên cơ bất khả lậu để khỏi phải trả lời cho những câu hỏi hóc búa của các thân chủ thì các nhà biện giải cho TCG lại thường hay trưng ra mầu nhiệm không thể lý giải hoặc Thượng Đế bất khả tư nghì để tránh né, khỏi phải trả lời cho những thắc mắc của thiên hạ. Họ bảo rằng họ đã tìm và gặp được Chúa, rằng chúng ta cũng tìm nhưng chưa gặp, rằng Chúa đang thử thách chúng ta nên cần phải cố gắng tìm thêm nữa. Đó là những kiểu cách ngụy biện ngôn từ của những kẻ chuyên làm nghề buôn thần bán thánh, chẳng khác gì các ông bà thày bói nói láo ăn tiền. Tại sao hiểu mà không thể nói, không thể giải thích cho rõ ràng; nếu đó không phải là một cách tránh né, hoặc thực ra chẳng hiểu biết tí gì?
Rồi họ tự cao tự đại cho mình là các bậc thánh nhân, tôn sư, những kẻ hiểu biết rất rành rẽ về một ông Chúa tưởng tượng kia; còn những kẻ không tin như họ là đám dân ngu, chẳng hiểu biết gì, thuộc loại con cháu chưa đủ trí khôn. Tính ngạo mạn và trịch thượng có thể nhận ra dễ dàng nơi cách xưng hô và nơi sự bất lực của họ mỗi khi họ không thể giải thích. Cứ điều gì vô phương giải thích thì họ lại trưng ra sự ngu dốt của bàn dân thiên hạ như là lý do để bào chữa cho sự bất lực không thể giải thích của họ. Chuyện dưới đất chúng ta còn chưa biết, chuyện trên trời thì họ cứ tràng giang đại hải như thật. Loài người chúng ta chỉ là những con ếch ngồi dưới đáy giếng hay những thằng mù sờ chân voi nhưng lại thích bàn chuyện trên trời. Hội Thông Thiên Học còn tự khoát cho mình là thông thiên, làm như thực sự thông thái chuyện trên trời vậy.
Ảo thuật gia nổi tiếng nhất thế giới James Randi thách đố bất cứ ai có thể chứng minh có những điều dị thường (paranormal), siêu tự nhiên, mà khoa học không thể giải thích, với giải thưởng một triệu đô. Nhưng tới giờ phút này vẫn chưa ai làm được. [2] Cứ mỗi khi vấn đề được mang ra nghiên cứu tường tận theo phương pháp của khoa học thì luôn luôn có kết quả hoặc có sự lầm lẫn lương thiện của những người tường thuật, hoặc ai đó có âm mưu cố ý dàn dựng để phục vụ cho quyền lợi của tôn giáo. Các phép lạ trong TCG thường được đem ra tuyên truyền trong đại chúng là những thí dụ điển hình của cái nghề buôn thần bán thánh.
Ở bài Biết Đâu Đó Là Sự Thật, vị tôn sư bảo:
Hỡi con, các bậc thánh nhân trong sách Thora mà con tranh luận đã phí lời với con, bởi con đã ra về với nụ cười chế nhạo. Họ đã không thể trình bày cụ thể về Thiên Chúa và Nước của Người cho con được, và ta cũng không làm được chuyện đó. Nhưng, này con, hãy suy nghĩ cho kỹ, biết đâu đó là sự thật”. (Hết trích).
Chẳng một ai trong chúng ta lại kỳ vọng vị tôn sư hay các bậc thánh nhân có khả năng “trình bày cụ thể về Thiên Chúa và Nước của Người” cho chúng ta nghe được. Ở đây có một sự thực rất đơn giản, dễ nhận ra mà vị tôn sư hay các bậc thánh nhân cố ý tránh né, không chịu lương thiện đối diện; đó là không thể có sự trao đổi hay tranh luận giữa hai hạng người: một người thì tự từ bỏ lý trí để suy luận, và một người thì vẫn dùng lý trí ở trong mọi trường hợp. Nếu nại cớ đức tin thì đương nhiên là phải dụt bỏ lý trí để chỉ tin vào điều đã được dạy. Vậy dựa vào tiêu chuẩn nào để xét đoán đúng/sai mà tranh luận, trao đổi? Làm sao mà bạn có thể chỉ cho người mù nhìn thấy được một bức tranh đẹp? Kẻ cuồng tín ôm bom nổ cũng dựa vào đức tin. Họ bảo rằng đó là con đường ngắn nhất dẫn tới thiên đàng, nơi có các cô trinh nữ đang chờ đón họ. Vậy chúng ta lấy tiêu chuẩn nào để phán xét? Làm sao để biết đức tin của chúng ta thì xác thực, đáng tin hơn đức tin của họ, nếu không dựa vào trí tuệ để phán đoán?
Cuối cùng, vì không còn gì để dựa nên vị tôn sư đó chỉ còn dựa được vào một cái phao tưởng tượng mơ hồ là sự nghi ngờ: “biết đâu đó là sự thật”.
c. Biết đâu đó là sự thật
Ừ, biết đâu đó là sự thật! Cái kiểu cách lý luận như vậy thì, thêm một lần nữa, đều có thể áp dụng cho tất cả những gì người ta muốn. Mọi sự đều có thể, nếu khi chưa có sự chứng minh không thể có, vô phương. Biết đâu ngày mai là ngày tận thế? Biết đâu mặt trời sẽ mọc từ hướng Tây? Biết đâu Elvis Presley chưa chết, nhưng vẫn còn sống và nhảy “twist” ở trên cung trăng? Biết đâu Lý Tiểu Long cũng chưa chết, nhưng đang tập đấu võ với chị Hằng? Hoặc biết đâu không có Chúa, không có thiên đàng và địa ngục. Rồi cứ biết đâu, và biết đâu... Chúng ta cứ tiếp tục “biết đâu” cho bất cứ điều gì cũng được. Bertrand Russell còn bảo rằng biết đâu có một ấm trà bay quanh hành tinh Mars, nhưng vì quá nhỏ nên viễn vọng kính nhìn không thấy. Chẳng ai có thể chứng minh cho một điều phủ định để bác bỏ những thứ “biết đâu” mà chúng ta cứ tự do tha hồ phịa ra. Vậy tại sao chúng ta không tin những thứ “biết đâu” này mà lại chỉ tin “biết đâu có Chúa”? Thưa, tất cả chỉ là kết quả của một nền giáo dục nhồi sọ và của môi trường sống.
Nhưng người không tin thì không lý luận như vậy vì có sự khác biệt căn bản về ý nghĩa trong ngôn từ giữa những nhà khoa học và đại chúng. Nhà khoa học phán đoán dựa trên tính xác suất của khoa học. Một sự kiện có thể xảy ra hay không thì được xếp hạng theo nấc thang của tính xác suất. Và cái nấc thang đó đi từ thấp lên cao mà trong ngôn ngữ thông thường khi được chuyển sang tiếng VN thì rất mơ hồ, dễ bị hiểu lầm. Ở đây không có chuyện đúng/sai theo nghĩa tuyệt đối, chắc nịch. Cái nấc thang giá trị đó là:
1. Thường hay xảy ra (frequent)
2. Có thể xảy ra (probable)
3. Đôi khi xảy ra (occasional)
4. Hiếm khi xảy ra (remote)
5. Không thể xảy ra (improbable)
Darwin
H. J. Muller trong cuốn One Hundred Years Without Darwin Are Enough đã giải thích:
Không có một ranh giới rõ rệt giữa sự phỏng đoán, giả thuyết, lý thuyết, nguyên lý, và sự kiện; nhưng chỉ là sự khác biệt về mức độ xác suất của ý tưởng. Khi chúng ta gọi cái này là một sự kiện thì chúng ta chỉ muốn bảo rằng tính xác suất của nó thì vô cùng cao, cao đến nổi chúng ta chẳng cần phải nghi ngờ gì về nó nữa và sẳn sàng hành động phù hợp theo nó. Bây giờ trong cách dùng từ ngữ sự kiện này, cách dùng đúng là xem tiến hóa như một sự kiện.” [3]
Như vậy, khoa học không khẳng định dứt khoát là có Chúa hay không có Chúa theo nghĩa tuyệt đối; nhưng chỉ chứng minh cho chúng ta biết là không thể có Chúa (improbable). [4] [5] Vậy không thể có Chúa thì chính xác là một sự kiện theo kiểu nói trong văn chương của những nhà khoa học. Nếu bạn nghĩ khoa học là phải tuyệt đối chắc chắn thì đó là sự sai lầm từ phía bạn (Richard Feynman).
Vậy “biết đâu có Chúa” thì không thể nào xảy ra, đứng hàng thứ chót theo nấc thang giá trị của tính xác suất. Bởi lẽ, những nhà biện giải cho TCG đã chẳng đưa ra được một bằng chứng nào để hỗ trợ cho sự nghi ngờ “biết đâu có Chúa”, ngoài những trò ngụy biện ngôn từ; trong khi bằng chứng không có Chúa thì lại đầy dẫy ở trong một vũ trụ bất toàn, đầy tràn mọi sự dữ. Đối với các nhà khoa học, mọi sự xảy ra trong trời đất đều có nguyên nhân tự nhiên, chẳng có Chúa hay thần thánh ma quỷ nào làm ra cả. [4] [5]
d. Có Chúa thì sao?
Nhưng nếu có Chúa theo kiểu thắc mắc vu vơ “biết đâu đó là sự thật” của những người tin hay của đại chúng, đối nghịch với khẳng định của khoa học, thì người không tin cũng chẳng có gì phải lo sợ. Chúa lòng lành vô cùng thì phải biết thương yêu những kẻ lương thiện, có một cuộc sống tốt lành. Chẳng cần phải có tôn giáo để đem địa ngục ra hù dọa, người không tin vẫn có thể sống tốt lành. Trước hay sau khi có Thiên Chúa Giáo, mức độ đạo đức của con người cũng vẫn vậy.
Một cuộc nghiên cứu của trường đại học Manchester University bên Anh Quốc được công bố ngày 13 tháng giêng năm 2016 đã khẳng định rằng, mặc dù tôn giáo đã suy thoái rất nhanh ở các quốc gia Âu Châu trong 30 năm qua, nhưng thái độ của con người đối với tội ác chống xã hội và tội ác chống đồng loại thì vẫn vậy, không có gì thay đổi. [6] Còn có một cuộc nghiên cứu của trường đại học Rochester cũng đã khẳng định rằng người càng thông minh thì càng ít tin vào tôn giáo. [7]
Ngoài ra, việc ban thưởng hay luận phạt theo tiêu chuẩn đức tin thì hoàn toàn vô nghĩa lý. Tại sao vất bỏ lý trí để tin điều vô lý thì lại là một nhân đức lớn trong Thiên Chúa Giáo, cao trọng hơn cả lòng bác ái và tính ngay thẳng lương thiện trí thức; trong khi lòng hoài nghi, một phẩm hạnh cần thiết và đứng đầu trong khoa học, thì lại bị dèm pha là kiêu ngạo? Rất có thể Thiên Chúa chỉ ban phần thưởng thiên đàng cho những kẻ ngay thẳng với lương tâm, can đảm và hành động theo lý trí, chứ không cho những kẻ mù quáng, chỉ vì mối lợi mà hèn nhát đến nỗi bất chấp mọi lý lẽ. Hành động tốt hay xấu của chúng ta quan trọng hơn việc tin hay không tin. Người tốt lành là người ăn ở ngay thẳng, không màng đến kết quả của phần thưởng hay hình phạt. Nếu chúng ta làm điều tốt lành để mong được phần thưởng thiên đàng hay để khỏi chịu hình phạt ở địa ngục thì đó là sự buôn bán đổi chác, đầu tư sòng phẳng, không hơn không kém. Điều này cho chúng ta thấy đạo đức và luân lý của người không tin có tiêu chuẩn cao hơn đạo đức và luân lý của người tin. Riêng chuyện bảo rằng, đức tin là hồng ân, là tặng phẩm của Chúa tùy tiện ban cho mỗi người, thì vấn đề thưởng phạt cũng đã trở thành vô nghĩa. [1]
Bertrand Russell khi tưởng tượng phải đối diện với Chúa trong ngày phán xét, Chúa hỏi: Tại sao ngươi đã không tin Ta hiện hữu? Ông ngay thẳng trả lời: Thưa Ngài, tại vì không có bằng chứng nào để tôi tin Ngài hiện hữu. Nếu Thiên Chúa có tinh thần khoa học thì Ngài phải biết thưởng thức tính lương thiện trí thức của những người không tin như Bertrand Russell và khinh thường sự hèn nhát của những kẻ chỉ vì lợi mà tin vào điều vô lý.
Hơn nữa, không phải muốn tin là có thể tin. Tin tưởng không phải là một quyết định của ý chí mà là trạng thái của trí tuệ khi chấp nhận một mệnh đề nào đó. Trạng thái chấp nhận này chỉ đến với chúng ta qua lý luận hợp lý hay khi có các chứng cớ hỗ trợ. Lý trí nhận thấy điều gì vô lý thì tự động làm mình không tin. Người ta không thể tin tưởng điều vô lý chỉ vì lợi. Người tin vào điều vô lý thực ra chỉ hy vọng và ao ước điều hắn tin là đúng, do động cơ mối lợi, chứ không phải hắn đang tin tưởng thực sự. Niềm hy vọng và ao ước của hắn không làm điều hắn tin chân thật hơn. Đó cũng là lý do tại sao TCG hay quanh co bàn về niềm hy vọng thay vì bàn thẳng vào đức tin.
III. Kết luận
TCG đã được xây dựng dựa trên một nền cát hay trên một tiền đề giả định hoang tưởng, huyễn hoặc. Giả định có một ông Chúa ngự trên trời cao chăm lo cho phúc lợi của con người thì không có chỗ đứng trong khoa học. Khoa học càng tiến bộ thì cái nền tảng của TCG càng ngày càng bị soi mòn, suy xụp dần. Các kiểu cách ngụy biện ngôn từ hòng để cải đạo thiên hạ đang dần dần bị lật tẩy nhờ ánh sáng của trí tuệ.
Chỉ vì một thắc mắc mơ hồ “biết đâu đó là sự thật” có một xác suất không thể xảy ra mà con người đã thiết lập vô số các tôn giáo để làm lý do phân biệt, kỳ thị, chém giết lẫn nhau. [8] Họ ngạo mạn cho mình biết được cả những ý muốn của ông Chúa tưởng tượng kia, rồi tự khoát cho mình quyền đại diện để cầm buộc dưới đất cũng như trên trời. Họ còn cổ vũ hô hào thà vâng lời Chúa hơn là vâng lời người thế gian, hoặc thà mất nước chẳng thà mất Chúa. Người ta có thể chết chỉ vì tin tưởng vào những điều chắc chắn không thể có. Tất cả chỉ vì quyền lợi vật chất của phe nhóm núp dưới chiêu bài tôn giáo. Nếu nghề buôn bán đồ giả có thể phát đạt nhờ những thủ đoạn quảng cáo nói láo ăn tiền thì cái nghề buôn thần bán thánh cũng không phải là một ngoại lệ.
Từ cái tiền đề giả định về một điều không thể có, chúng ta có thể nhận ra rất dễ dàng các thủ đoạn mánh mung khác mà TCG đã sử dụng trong suốt hơn 2,000 năm qua. Những chuyện bịa đặt dàn dựng như các phép lạ của Chúa Giê-su, của bà Maria, hay của các ông bà thánh thì đầy dẫy ở trong văn chương TCG. Những sinh vật tưởng tượng kia không có thân xác vật chất thì không thể làm được điều gì, ngoài việc chỉ đứng khóc, có khi còn lâm ly chảy cả máu mắt, rồi van xin nhờ vã con người có xác phàm làm những điều thay thế cho họ. Những gì TCG gán cho Thiên Chúa toàn năng hay Đức Mẹ quyền phép vô biên dạy bảo thì không có gì là độc đáo mà loài người không thể nghĩ ra.
Người viết là một người Công Giáo đã được rửa tội và giáo dục theo truyền thống văn hóa TCG ngay từ khi mới sinh ra đời. Cứ mỗi khi có vấn đề nan giải, người viết thường hay cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí; nhưng Chúa vẫn cứ yên lặng, ngoại trừ những lời dạy bảo của các ông linh mục thay mặt Chúa. Khi khôn lớn hơn, hiểu biết thêm một chút, người viết mới ngộ ra rằng đó là lý do tại sao người ta muốn chúng ta phải nhắm mắt tin, vâng lời trong tuân phục. Khi đọc toàn bộ các cuốn kinh thánh, người viết mới nhận ra rằng những gì từ xưa nay chúng ta vẫn tin là Lời của Chúa toàn năng không thể sai lầm thì thực ra chỉ là lời của những con người phàm tục, có thể đúng và cũng có thể sai.
Có sinh vật tưởng tượng nào, kể cả Thiên Chúa của TCG, mà chẳng phải tuyệt đối giữ im lặng, chẳng phải là những mầu nhiệm không thể lý giải, bất khả tư nghì?
Trần Tiên Long
Ghi chú:
[1] Miên Man Chuyện Đức Tin / Trần Tiên Long. Nguồn:http://sachhiem.net/index.php?content=showrecipe&id=5924
[2] Top 10 Psychic Debunkings, http://listverse.com/2008/04/10/top-10-psychic-debunkings/
[3] Muller, H. J. (1959). "One hundred years without Darwin are enough". School Science and Mathematics 59: 304–305.doi:10.1111/j.1949-8594.1959.tb08235.x.http://www.skepticfiles.org/evolut/100pcnts.htm. Reprinted in Zetterberg, Peter (ed.) (1983-05-01). Evolution Versus Creationism: The Public Education Controversy. Phoenix AZ: ORYX Press. ISBN0897740610.
[4] The improbability of God by Richard Dawkins / Không Thể Có Thượng Đế. Trần Tiên Long dịch. Nguồn: http://sachhiem.net/index.php?content=showrecipe&id=5013
[5] Hai Lối Chứng Minh Không Có Thượng Đế. Trần Tiên Long dịch. Nguồn:http://sachhiem.net/index.php?content=showrecipe&id=861
[6] Research suggests morality can survive without religion. Nguồn:http://www.upi.com/Science_News/2016/01/13/Research-suggests-morality-can-survive-without-religion/6411452715270/
[7] Người càng thông minh thì càng ít tin vào tôn giáo? Nguồn:http://phatgiaovnn.com/upload1/modules.php?name=News&op=viewst&sid=9703
[8] The long history of Muslims and Christians killing people together. Nguồn:https://www.washingtonpost.com/news/worldviews/wp/2016/01/25/the-long-history-of-muslims-and-christians-killing-people-together/
Source: "qtran@ec.rr.com [DiendanDanToc]" <DiendanDanToc@yahoogroups.com>
On Saturday, April 23, 2016 5:46 AM, "qtran@ec.rr.com" <qtran@ec.rr.com> wrote:
http://hoangnamgiao.blogspot.com/2016/04/co-chua-khong-nhi-phan-bienbai-biet-au.html

30 THÁNG TƯ 1975, Nhìn Và Suy Nghĩ Của Một Nhân Chứng


Trích đoạn từ Hồi ký Nguyễn Hiến Lê
(Tập II, Chương XXII, Nxb Văn Nghệ, USA, 1988)

28-Apr-2016
nguyễn hiến lê
Thơ văn, cả nhạc phản chiến nữa xuất hiện rất nhiều, mà phản chiến tức là phản Mĩ, chính quyền mới đầu còn cấm, sau làm thinh. Ai cũng ghét bọn lính Mĩ; chúng có nhiều tiền. nhiều vật dụng, nhiều đồ xa xỉ (đồ P.X.: dầu thơm, thuốc lá thơm, quần áo. máy thu thanh, tủ lạnh…) tới đâu là mở những hộp đêm ở đó, gây cái nạn trụy lạc, mãi dâm, gái bán “bar”, trai “phi xì ke” (ma túy); chúng ăn cắp, ăn quịt, bán chợ đen… Ngay những kẻ rút rỉa tiền của chúng cũng khinh, ghét chúng. Chúng quả là một đoàn quân chiếm đóng và hành động như một đoàn quân chiếm đóng (NHL)
Vừa đánh vừa đàm – Hiệp định Paris
Từ năm 1965, Mĩ đã dùng phi cơ oanh tạc Bắc việt, có ý buộc Bắc phải điều đình. Mãi đến giữa 1968, hai bên mới bắt đầu thương thuyết với nhau ở Parỉs. Mĩ buộc Bắc phải rút hết quân về. Bắc cũng đòi Mĩ phải rút hết quân về. Nam không chấp nhận Mặt trận Giải phóng. Bắc đòi phảí chấp nhận. Từ đó đến 1973 họ vừa đàm vừa đánh. Để làm áp lực, Mĩ oanh tạc mỗi ngày một mạnh hơn, nhưng càng oanh tạc thì thái độ của Bắc càng cứng rắn, dân chúng càng sát cánh với nhà cầm quyền. Phá hủy khu kĩ nghệ Thái nguyên, Bắc cũng không núng, oanh tạc các đường sắt, đê điều họ cũng không núng; Nga và Trung hoa càng viện trợ khí giới, đại bác. hỏa tiển, phi cơ cho họ.
Cuộc oanh tạc lớn nhất xảy ra năm 1972, sau vụ Bắc việt đại tấn công thành phố Quảng trị, san phẳng thành bình địa. Liên tiếp mười hai ngày, Hà nội bị dội bom. Mĩ còn thả thủy lôi trên các sông Bắc Việt, nhất là biển Hải phòng, không cho tàu Nga ra vô. Trung hoa chỉ lên tiếng phản đối gọi là, còn Nga thì trước sau làm thinh. Một số người ở Sài gòn nguyền rủa Mĩ mà cũng nguyền rủa cả Nga lẫn Trung hoa.
Chúng ta nên để ý: năm 1972, Nixon, tổng thống Mĩ qua thăm Mao rồi thăm Nga, chắc chắn là để tìm một giải pháp cho chiến tranh Việt nam, có lẽ vì vậy mà Mĩ mới dám ngang tàng dội bom Hà nội và phong tỏa hải cảng Hải phòng.
Cả thế giới bất bình với Mĩ: một anh khổng lồ mà ăn hiếp một chú bé, dùng những đòn nặng như vậy, thật vô liêm sỉ. Chính dân chúng Mĩ cũng chê kẻ cầm đầu của họ. Một triết gia Anh, Bertrand Roussell, lập một tòa án ở Na uy (?) để xử tội Mĩ.
Dội bom Hà nội 12 ngày rồi Mĩ ngừng để thương thuyết với Bắc Việt, và ngày 27-1-73, Mĩ, miền Nam Việt nam kí với Bắc Việt và Mặt trận Giải phóng hiệp định Paris có nhiều nước chứng kiến: Nga, Trung hoa, Pháp, Anh.
Tôi không nhớ rõ nội dung hiệp định đó, đại khái là Mĩ rút hết quân về. Bắc cũng vậy; Nam và Bắc trao đổi tù binh với nhau; ở miền Nam sẽ có một chính phủ lâm thời gồm ba thành phần: người của chính phủ miền Nam, người của Mặt trận Giải phóng và một số người không đứng về phe Nam hay phe Bắc, do hai chính phủ Nam và Giải phóng đề cử, số người đó là thành phần thứ ba.
Những bí mật trong chiến tranh Việt Mĩ
Trong chiến tranh Việt Mĩ có nhiều bí mật tôi không hiểu nổi. Mĩ thay Pháp ở Đông dương để chặn làn sóng cộng sản Trung hoa tràn xuống Đông nam Á. Vậy là mới đầu Mĩ thù Trung hoa, sau tại sao lại thân thiện với Trung hoa? Chỉ vì thị trường hàng tỉ người ở Trung hoa chăng? Hay là còn vì Mĩ biết Trung hoa thù Nga từ 1960, mà Trung hoa yếu hơn Nga, cho nên đứng về phía Trung hoa để cho thế lực của Nga giảm đi?
Nga, Hoa đều phải giúp Bắc Việt để chống Mĩ, nhưng cả hai đều gờm nhau: có hồi Trung hoa không cho khí giới Nga viện trợ đi qua Trung hoa để tới Bắc Việt, còn Nga thì không muốn Bắc Việt lệ thuộc vào Trung hoa nhiều quá. Nhờ uy tín và sự khéo léo của Hồ Chí Minh mà Bắc Việt giữ được tình hòa hảo với hai nước đó.
Hình như Nga có hồi khuyên Bắc Việt nhượng bộ Mĩ. Tại sao? Và chính trong hội nghị Paris, Trung hoa cũng muốn vậy chăng? Có phải là cả ba cường quốc Mĩ, Nga, Hoa đều muốn cho miền Nam trung lập, không lệ thuộc vào nước nào chăng?
Còn nhiều bí mật nữa, các sử gia chưa thể công bố được, mà các phóng viên báo Âu Mĩ chưa hề xuất bản một cuốn nào về chiến tranh Việt Mĩ, cho nên chúng ta đành chịu, không hiểu chút gì về những âm mưu của các nước anh chị để định đoạt thân phận của chúng ta.
Ngay từ 1968. trong bài tựa cuốn Bài học Israel tôi đã viết:
“Thực dân nào, bất kì đông hay tây, cũng chỉ nghĩ tới quyền lợi của họ trước hết; còn có lợi cho họ thì họ giúp, hết lợi thì họ bỏ và đàn áp. Do thái bị Anh bỏ rồi Nga bỏ; Ai cập bị Mĩ bỏ, rồi Nga bỏ (…)
“Càng đọc lịch sử thế giới tôi càng thấy đi theo thực dân thì luôn luôn lợi bất cập hại. Phải là một dân tộc có thực lực, có bản lãnh cao, có tài chống đỡ giỏi thì mới có thể khỏi bị họ lợi dụng, nhưng nếu lỡ mà gắn bó với họ thì sớm muộn, thế nào cũng khốn đốn, điêu tàn với họ. Còn các nước nhược tiểu thì chỉ đem thân ra làm quân tốt thí cho họ trên bàn cờ quốc tế. Có lẽ chính Israel cũng hiểu như vậy nên năm 1967 họ đòi trực tiếp thương thuyết với Ả rập, không muốn Nga, Mĩ làm trung gian.
“Nội một điều này cũng đủ cho ta suy nghĩ. Từ sau thế chiến đến nay, cường quốc nào cũng đua nhau chế tạo võ khí cho thật tinh xảo, có sức mạnh tàn phá mỗi ngày một khủng khiếp. Năm nào cũng có những phát minh mới, thành thử võ khí nào tối tân nhất cũng chỉ ít năm hóa cổ lỗ. Họ có liệng xuống biển không, có phá hủy không, hay phải tìm cách “tiêu thụ” mà tiêu thụ ở đâu? Có ở trên đất họ không?”
Đoạn đó, năm 1979, đầu chiến tranh Việt Hoa, môt cán bộ Nam bảo tôi, bây giờ đọc nó mới thấm thía. Và cuốn Bài học Israel được nhiều người tìm mua ở chợ sách cũ mà không còn.
Đầu năm 1972, thấy Nixon sắp bỏ rơi miền Nam, tôi chua chát viết bài “Sau 18 năm tiếp xúc với người Mĩ” đăng trên tạp chí Bách Khoa. Xin dẫn dưới đây một đoạn:
“Họ (người Mĩ) đã tiêu hai trăm tỉ Mĩ kim, hi sinh năm chục ngàn thanh niên, trút hàng triệu tấn bom, làm cho non triệu người mình bi giết, hằng vạn hằng ức mẫu vườn ruộng, hằng ngàn làng mạc bị tàn phá, gây biết bao tang tóc, mấy trăm ngàn phế binh, cô nhi quả phụ, non mười năm rồi mà vẫn chưa giải quyết nổi chiến tranh này (…), rốt cuộc phải tìm cách thương thuyết.
Thương thuyết mấy năm không xong, bây giờ một mặt họ lo vuốt ve Trung cộng (mới mấy năm trước là kẻ thù số 1 của họ) hi vọng tìm một giải pháp cho Đông dương, một mặt họ cấp tốc Việt hóa chiến tranh để rút lui. Họ hai trăm triệu người, một dân tộc hùng cường nhất thế giới, trút hết cả gánh nặng bảo vệ “tiền đồn thế giới tự do” như họ nói, bảo vệ “tân biên cương” của họ như họ chủ trương, lên vai 17 triệu dân Việt nam, mà lại tính cắt hết viện trợ kinh tế nữa, như vậy có khác gì họ chạy làng, đánh trống bỏ dùi không? Lương tâm họ ở đâu nhỉ? Thể diện của họ ở đâu nhỉ?”
Giọng gay gắt như vậy mà sở kiểm duyệt không bỏ một chữ, chỉ vì niềm phẫn uất của tôi là tâm trạng chung của mọi người.
Thơ văn, cả nhạc phản chiến nữa xuất hiện rất nhiều, mà phản chiến tức là phản Mĩ, chính quyền mới đầu còn cấm, sau làm thinh. Ai cũng ghét bọn lính Mĩ; chúng có nhiều tiền. nhiều vật dụng, nhiều đồ xa xỉ (đồ P.X.: dầu thơm, thuốc lá thơm, quần áo. máy thu thanh, tủ lạnh…) tới đâu là mở những hộp đêm ở đó, gây cái nạn trụy lạc, mãi dâm, gái bán “bar”, trai “phi xì ke” (ma túy); chúng ăn cắp, ăn quịt, bán chợ đen… Ngay những kẻ rút rỉa tiền của chúng cũng khinh, ghét chúng. Chúng quả là một đoàn quân chiếm đóng và hành động như một đoàn quân chiếm đóng. Mĩ thất bại ở Trung hoa và Việt nam, nguyên nhân chính ở đó. Mà các thực dân da trắng không nhiều thì ít như vậy hết, tệ nhất là Mĩ. Nếu phe tư bản không thay đổi chính sách thì dần dần đệ tam thế giới sẽ theo phe Cộng hết mặc dầu dân chúng không ưa chế độ độc tài của Nga, Trung hoa.
Mĩ rút về, quân Nam tan rã. Chiến tranh chấm dứt
Đúng là Mĩ chạy làng. Họ vội vã rút hết quân về, và khi không còn một lính Mĩ nào ở Việt nam nữa thì Bắc, Nam lại choảng nhau. Chủ trương Việt nam hóa chiến tranh của Nixon đã được thực hiện.
Mới đầu Nixon cũng cho phi cơ từ Phi luật tân hay đảo Guam trợ chiến với quân đội của Thiệu; nhưng khi nửa triệu quân Mĩ còn ở trên đất miền Nam, quân đội của Thiệu đã không có tinh thần thì bây giờ làm sao có tinh thần được? Thiệu xin thêm viện trợ tiền bạc và võ khí, quốc hội Mĩ không cho, Thiệu nổi khùng, chửi Mĩ thậm tệ hơn một giờ trên đài truyền hình.
Ngày 10-3-75 Việt cộng tấn công Ban mê thuột, ngày 11-3 Ban mê thuột thất thủ.
Ngày 15-3, Thiệu họp các tướng. quyết đinh bỏ Pleiku, Kontum một cách vội vàng, để lại hàng núi chiến cụ. Hai trăm ngàn dân bị bỏ rơi, mạnh ai nấy tự tìm cách thoát thân; Cộng quân chặn đường pháo kích; hai vạn dân bỏ mạng, hằng ngàn người kiệt sức, chết dọc đường.
Ngày 19-3 Quảng trị di tản.
Hôm sau, An lộc thất thủ, sau một thờí gian bị bao vây ngày đêm bị đại bác, hỏa tiễn nã vào.
Kế đó là Huế, Quảng ngãi, Đà nẵng, Qui nhơn, Nha trang bị Cộng quân chiếm một cách rất dễ. Cũng có một vài tướng rán chống cự, nhưng quân lính không tuân lệnh thì chỉ còn cách đào tẩu để thoát thân.
Đà lạt bỏ ngỏ, Phan rang đầu hàng, Phan thiết tan rã.
Ngày 21-4 Xuân lộc thất thủ (trước đó bốn ngày, Nam vang lọt vào tay Khmer đỏ). Thiệu từ chức, Trần văn Hương lên thay. Ít bữa sau Thiệu dắt vợ con qua Đài loan, đem theo không biết mấy tấn vàng.
Ngày 26-4, Trần văn Hương yêu cầu lưỡng viện bầu người khác thay ông để thương thuyết với Mặt trận Giải Phóng.
Hôm sau đại tướng Dương văn Minh được bầu lên thay Hương.
Ngày 30-4, Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng, kêu gọi buông súng cho đỡ chết dân. Mười hai giờ trưa, tướng Trần văn Trà ngồi xe thiết giáp tiến vào dinh Độc lập. Chiến tranh chấm dứt.
Có sách hay báo nói: trong chiến tranh Việt Mĩ này, miền Nam chết khoảng 200.000 quân, miền Bắc chết non 1.000.000 quân; thường dân cả hai miền chết trên một triệu. Trong số này chắc không kể những thường dân miền Nam chết trong khi chạy loạn tháng 3 và tháng 4-1975. Bi đát hơn cuộc chạy loạn của dân Paris tháng 6-1940 nhiều.
Từ miền thượng xuống miền đồng bằng, từ Huế vô Phan thiết, Biên hòa, trên khắp các lộ xe hơi, xe căm nhông chật đường, nhích từng thước một; dân chúng dắt díu, bồng bế nhau chạy. Vợ hay con chết ở dọc đường, đành phải vùi nông ở ngay bên đường rồi chạy… Chạy để tránh cuộc tàn sát ở Huế tết Mậu thân mà người ta không sao quên được. Tới bờ biển Qui nhơn, Nha trang, Phan thiết… người ta nhảy ùm xuống biển, cố lội ra mấy tầu của Mỹ. Người trên tầu cũng là dân tị nạn, xô đẩy, có khi chém vào tay kẻ ở dưới biển đòi leo lên. Trẻ em chết đói, chết khát, chết bệnh ở trên bãi biển, cha mẹ gạt nước mắt, vủi thây chúng xuống cát.
Ở các phi trường, cảnh còn hỗn độn hơn nữa. Người ta bỏ lại hết các va li quần áo, tiền của, vàng bạc để cố leo lên phi cơ, mà cũng bị hất xuống, thế là của cải mất hết mà vẫn không thoát thân. Phi trường Tourane như vậy, phi trường Nha trang, Biên hòa đều như vậy, mà ngay phi trường Tân sơn nhất cũng vậy. Nghe nói có người bám lấy đuôi một chiếc xe Jeep để vào phi trường, bị xe kéo lết cả câv số.
Không có trận Điện Biên Phủ ở miền Nam – tướng Mĩ hứa từ trước như vậy và họ giữ đúng – nhưng còn nhục nhã gấp chục lần Điện Biên Phủ nữa vì họ chịu thua trước rồi, có chống cự tới cùng đâu. Thà như quân Pháp ở Điện Biên Phủ mà còn được tiếng anh dũng. Chính người Mĩ cũng nhận chưa bao giờ nước Mĩ thất bại lớn như vây. Nguyên nhân thất bại cũng như Pháp mà lại mang tiếng phản bạn.
Vậy là hiệp định Paris kí ngày 27-1-73, chưa ráo nét mực đã bị xé. Ai xé trước? Lỗi tại ai? Không biết. Chỉ biết trong mười hai tháng đầu sau hiệp định, trung bình ở Việt nam chết thêm 1.000 người mỗi tuần nữa.
Năm 1976 có thuyết cho rằng tướng Võ Nguyên Giáp không cho quân Bắc tiến vô quá Đà nẵng, nhưng rồi không cản được. Có thực vậy không? Cũng không biết. Vận mạng của bốn năm chục triệu dân Việt do cái gì quyết định? Không ai biết được.
-- o0o --
Chiển tranh Việt-Mĩ chấm dứt sau 15 năm nếu kể từ ngày Mặt trận Giải phóng chính thức thành lập (1960), dài gần gấp hai chiến tranh Việt-Pháp.
Theo P. Singh trong Le jeu des puissances en Asie (Marabout 1974) thì chiến tranh đó làm thiệt hai triệu mạng người (chắc cho cả hai bên) và ở Việt nam cả Nam lẫn Bắc, Mĩ đã liệng trung bình nửa tấn bom xuống mỗi héc-ta đất.
Mĩ đã đổ vào chiến tranh đó trên 200 tỉ đô la.
Nguyễn Hiến Lê
Nguồn trích dẫn: http://www.vietnamvanhien.org/HoiKyNguyenHienLe.pdf

Bạn đang buồn chán, hãy thử…

Cuộc sống

Bạn đang buồn chán!?
Có khi nào đột nhiên bạn thấy mất hết động lực? Không hẳn là mất hết động lực sống, đôi khi chỉ là thứ  động lực chỉ để bước chân xuống giường vào mỗi buổi sáng, hay là thức dậy và nghiền ngẫm một ngày buồn chán cô đơn.
Có khi nào bạn thấy cuộc sống thật vô nghĩa? Không hẳn là bạn phải đánh mất hết ý nghĩa của cuộc sống đâu, nhiều khi chỉ là một chút phân vân, một chút trầm mặc “Ta sống để làm gì?” hay “Tại sao cuộc đời đôi khi lại thế?”.
Có khi nào bạn tự cảm thấy bạn đang sống mà thiếu hẳn niềm vui? Và cũng không hẳn là bạn chẳng được cười vui, chỉ là một chút ý nghĩ vẩn vơ đôi khi bám lấy bạn, ừ thì ta phải làm gì để cảm thấy thực sự được vui.
Và,… Ừ thì cuộc sống vốn là vậy. “Đừng cảm thấy tiếc vì bụi hoa hồng có gai mà hãy vui vì trong bụi gai có hoa hồng.” Đó là một câu trích dẫn rất nổi tiếng của Abraham Lincoln. Và bởi vì cuộc sống vốn dĩ chẳng có nhiều màu hồng đâu nên có lẽ bạn, mà có lẽ là cả tôi, nên tìm một vài cánh hồng để gửi gắm ước mơ thì hơn là tiếp tục nhìn vào những khoảng tối mà buồn chán. Bạn chỉ cần cố nhớ rằng trong bụi gai còn có hoa hồng mà thôi, còn bụi hồng, nó sẽ luôn làm đau bạn và nhắc nhở rằng “gai đấy, nhớ tránh xa xa”.
– Hãy thử đi bộ một vòng quanh phố xá, xóm làng, đi tới nơi xa nhất bạn có thể, mang theo một chai nước, thỉnh thoảng nghỉ ngơi nhưng tuyệt đối đừng mua gì và cũng đừng ăn gì. Tranh thủ ngắm nhìn cuộc sống, chỉ nhìn và cảm nhận thôi, đừng suy nghĩ gì cả. Cuối buổi, khi đã không còn đủ sức để đi tiếp, hãy thưởng cho mình một bữa ăn thật ngon và ngủ một giấc thật sâu.
– Thử dành một ngày cho yêu thương, bỏ qua hết lỗi lầm của những người xung quanh, nói cám ơn bất kì lúc nào có thể, giúp đỡ mọi người bất kì điều gì trong khả năng.
– Tham gia một hoạt động ngoại khóa với tập thể, và nhớ hãy tạm quên mình là ai, tạm quên đi cá tính của bản thân, sẵn sàng tham gia bất kì trò chơi hay yêu cầu kì quặc nào.
– Tham gia một buổi từ thiện, hãy thử đến với những vùng quê nghèo khó, đến với những em bé mồ côi, những cụ già neo đơn hay những bệnh nhân đang chờ điều trị. Bạn không cần một tâm hồn quá nhạy cảm, cứ thử tham gia với tấm lòng thôi.
– Dành ra một ngày cho sự im lặng và quan sát. Chỉ tập trung nghe và quan sát, nói thật ít thôi.
– Thử bắt chuyện với một vài người lạ bạn gặp trên xe bus chẳng hạn.
– Nếu bạn có người yêu, bảo cô ấy/ anh ấy dẫn bạn đến một nơi thật lãn mạn, ngồi bên nhau nhưng đừng vội nói gì. Cuối buổi thử nói cho nhau nghe những suy nghĩ suốt thời gian vừa qua.
– Nếu bạn đang xa nhà, trở về và dành một ngày ở bên gia đình, nghe lời và giúp đỡ cha mẹ bất kì việc gì có thể. Chẳng phải tuổi thơ bạn đã từng thế sao.
– Công việc yêu thích nhất của bạn là gì? Thử dành ra một ngày chỉ và chỉ dành cho công việc đó thôi, làm việc thật hiệu quả rồi bộ não sẽ tiết ra những thứ “thuốc phiện” của sự vui vẻ.
– Nếu bạn biết nguyên nhân khiến bản thân buồn chán, đơn giản là hãy thử đối mặt và giải quyết nó.
Nếu bạn vẫn đang buồn chán và đang đọc bài này, thì ừ đấy, bạn đủ kiên nhẫn đọc hết mấy trăm chữ mà tôi viết ra trong một buổi tối khá nhàm chán đã đủ chứng tỏ bạn mang trong mình một sự lạc quan rất lớn rồi, vấn đề của bạn là biểu lộ sự lạc quan đó ra ngoài thôi.
White Stone