Như đã biết, quy luật của tư duy là những mối liên hệ bên trong, bản chất, lặp đi lặp lại trong các quá trình tư duy. Con người phát hiện ra các quy luật của tư duy thông qua hoạt động nhận thức trải nhiều thế kỷ chứ không phải bẩm sinh đã biết đến chúng. Con người biết cách vận dụng các quy luật đó, biết suy luận tuân theo các quy luật đó là nhờ quá trình học tập và rèn luyện chứ không phải có tính chất bản năng.
Trong số các quy luật của tư duy có bốn quy luật cơ bản. Các quy luật này được gọi là cơ bản vì: thứ nhất, chúng phản ánh những tính chất cơ bản nhất của các quá trình tư duy; thứ hai, vì bất cứ quá trình tư duy nào cũng phải tuân theo chúng; thứ ba, vì các quy luật khác có thể rút ra được từ chúng, nhưng không thể rút ra chúng từ các quy luật khác. Các quy luật cơ bản đó là: quy luật đồng nhất, quy luật không mâu thuẫn, quy luật triệt tam.
I. QUY LUẬT ĐỒNG NHẤT
Phát biểu: A là A. Một tư tưởng, khi đã định hình, phải luôn là chính nó trong một quá trình tư duy.
Quy luật này phản ánh tính ổn định, xác định của tư duy. Điều này có nghĩa là, trong quá trình hình thành của mình, một tư tưởng (khái niệm, phán đoán, lý thuyết, giả thuyết, …) có thể thay đổi, nhưng khi đã hình thành xong thì không được thay đổi nữa. Nếu nó vẫn tiếp tục thay đổi thì logic hình thức sẽ coi nó là tư tưởng khác. Tính ổn định như vậy là điều kiện cần cho mọi quá trình tư duy. Mặc dù tư tưởng - cũng như mọi sự vật và hiện tượng khác -, luôn luôn vận động và biến đổi, nhưng nếu tuyệt đối hóa mặt biến đổi đó của tư tưởng thì không thể nào tư duy được. Một ý kiến được nói ra phải có nội dung không đổi ít nhất là trong cùng một quá trình tranh luận, trình bày ý kiến, chứng minh quan điểm, … nghĩa là một quá trình tư duy, thì người ta mới có thể căn cứ vào nó để xét đoán đúng sai, hợp lý hay bất hợp lý, …
Nội dung của quy luật đồng nhất có thể được diễn giải cụ thể hơn thông qua những yêu cầu sau:
Yêu cầu của quy luật này rất đơn giản. Tuy nhiên, để tuân thủ yêu cầu này không phải là dễ. Đồng nhất những cái gì và không đồng nhất những cái gì là dựa vào sự hiểu biết, dựa vào trình độ văn hóa của chủ thể tư duy, và dựa vào bối cảnh tư duy. Bởi vì, xét cho cùng, quy luật này đòi hỏi phải đồng nhất những thứ không đồng nhất. Chính điều này giải thích tại sao khi nghe một câu chuyện vui thì nhiều người bật cười nhưng một số người khác thì không. Người ta cười vì đã đồng nhất được những cái mà người kể muốn đồng nhất, còn nếu không làm được điều đó thì người ta không cười. Như trong ví dụ sau đây:
Vì tư duy phản ánh hiện thực khách quan nên thông qua quy luật đồng nhất của tư duy ta có thể nói về ba loại đồng nhất khác nhau: đồng nhất tư tưởng với tư tưởng, đồng nhất tư tưởng với đối tượng trong hiện thực và đồng nhất đối tượng trong hiện thực với đối tượng trong hiện thực. Cần lưu ý rằng ở đây thông qua sự đồng nhất tư tưởng với tư tưởng ta mới có thể đồng nhất đối tượng trong hiện thực với đối tượng trong hiện thực. Điều này làm cho phạm vi ứng dụng của quy luật này được mở rộng hơn nhiều.
Ta xét vài ví dụ:
II. QUY LUẬT KHÔNG MÂU THUẪN
Phát biểu: Hai phán đoán, nhận định mâu thuẫn nhau, trái ngược nhau không thể nào cùng đúng. Trong hai phán đoán, nhận định như vậy có ít nhất là một phán đoán, nhận định sai.
Quy luật này phản ánh tính chất không mâu thuẫn của quá trình tư duy. Mâu thuẫn phá vỡ quá trình tư duy nên trong tư duy nhất định phải tránh nó. Tư duy của chúng ta không được chứa mâu thuẫn vì tư duy phản ánh hiện thực khách quan, mà trong hiện thực khách quan thì ở mỗi thời điểm không thể có trường hợp một đối tượng vừa có, lại vừa không có một tính chất nhất định nào đó. Ví dụ, tại một thời điểm, một bông hồng cụ thể không thể nào vừa có màu đỏ, vừa không có màu đỏ. Cần lưu ý rằng, mâu thuẫn mà chúng ta nói đến ở đây là mâu thuẫn hình thức, chứ không phải là mâu thuẫn biện chứng. Mâu thuẫn hình thức không thể có được vì, như đã biết, logic hình thức nghiên cứu tư duy với tư cách là sự phản ánh các sự vật và hiện tượng của hiện thực khách quan trong sự đứng im của nó, nghĩa là phản ánh hiện thực khách quan theo kiểu lý tưởng hóa.
Nội dung của quy luật không mâu thuẫn được diễn giải cụ thể hơn qua các yêu cầu sau đây:
1. Quá trình tư duy không được chứa mâu thuẫn trực tiếp. Cụ thể là không được cùng một lúc vừa khẳng định vừa phủ định một điều gì đó. Ví dụ, không thể vừa khẳng định rằng Liên minh châu Âu sẽ có được bản hiến pháp của mình, lại vừa khẳng định rằng Liên minh châu Âu sẽ không thể thông qua được một bản hiến pháp như thế.
Trong thực tế đôi khi ta gặp những câu nói có vẻ như chứa mâu thuẫn trực tiếp nhưng vẫn thấy chấp nhận được. Ví dụ, câu “Giải vô địch bóng đá quốc gia V-leage vừa qua vừa đạt, vừa chưa đạt” nhìn bề ngoài như chứa mâu thuẫn trực tiếp, nhưng lại vẫn chấp nhận được. Vậy phải chăng ở đây ta đã bỏ qua yêu cầu của quy luật không mâu thuẫn? Thật ra thì trong trường hợp này yêu cầu của luật không mâu thuẫn vẫn được tôn trọng, vì từ “đạt” trong câu nói trên được hiểu theo nhiều cách khác nhau, và vì vậy ở đây không có mâu thuẫn. Nếu tiếp tục làm rõ ý kiến của mình thì người đưa ra câu nói đó sẽ giải thích đã đạt ở mặt nào và không đạt ở mặt nào (đó là các mặt khác nhau). Nghĩa là anh ta sẽ cho biết hiểu theo nghĩa nào thì chuyến tập huấn được coi là đạt và hiểu theo cách nào thì không đạt.
2. Quá trình tư duy không được chứa mâu thuẫn gián tiếp. Cụ thể là không được khẳng định (hay phủ định) một vấn đề nào đó rồi lại phủ định (hay khẳng định) các hệ quả của nó. Ví dụ, nếu khẳng định rằng lý thuyết tương đối hẹp của Einstein là đúng thì không thểphủnhận công thức E = mc2 thể hiện mối liên hệ giữa năng lượng và khối lượng của ông.
Nếu như mâu thuẫn trực tiếp dễ được nhận thấy, và vì vậy dễ tránh, thì mâu thuẫn gián tiếp khó nhận thấy hơn, và vì vậy khó tránh hơn nhiều.
Nắm vững nội dung và áp dụng thành thạo quy luật không mâu thuẫn giúp ta trình bày tư tưởng nhất quán và dễ dàng phát hiện các biểu hiện ngụy biện trong suy luận.
III. QUY LUẬT TRIỆT TAM
Phát biểu: Một phán đoán, nhận định hoặc đúng hoặc sai chứ không thể có một giá trị thứ ba nào khác.
Đây là quy luật đặc trưng của logic hai giá trị - logic thông thường mà ta vẫn sử dụng.
Với một phán đoán, nhận định nhất định, quy luật triệt tam không cho biết nó đúng hay sai, nhưng cho biết rằng nó chỉ có thể hoặc đúng, hoặc sai chứ không thể có giá trị nào khác. Ví dụ, ta chưa biết câu nói “Có người ngoài Trái đất đến thăm Trái đất” đúng hay sai, nhưng quy luật triệt tam khẳng định rằng hoặc nó đúng, hoặc nó sai!
Quy luật triệt tam không cho phép người ta tránh né vấn đề khi trả lời câu hỏi. Nó không cho phép trả lời lấp lửng, nước đôi, mà đòi hỏi câu trả lời dứt khoát.
Ví dụ, khi một thanh niên đi kiếm việc làm được hỏi có biết ngoại ngữ hay không thì anh ta chỉ có thể trả lời “có” hoặc “không”, tất cả các câu trả lời khác đều không có giá trị.
Trong thực tiễn, người ta ứng dụng quy luật triệt tam để chứng minh bằng phản chứng.
Đôi khi ta gặp những câu nói rất sâu sắc mà biểu hiện trực tiếp là quy luật triệt tam. Ví dụ, cuối bộ sách Tam quốc diễn nghĩa, sau khi kể chuyện nhà Tấn thống nhất Trung Quốc, tác giả La Quán Trung đã viết, đại ý: Lịch sử các nước cứ như vậy, hết hợp thì tan, hết tan rồi lại hợp. Hay, cuối bộ sách Hồng lâu mộng, sau khi kể vợ Bảo Ngọc sinh con trai và gia đình họ Giả bắt đầu hưng thịnh trở lại, tác giả Tào Tuyết Cần viết, đại ý: Ở đời cứ như vậy, hết thịnh rồi thì suy, hết suy rồi lại thịnh.
Một số tác giả cho rằng quy luật triệt tam là hệ quả của quy luật đồng nhất. Đây là một sự nhầm lẫn. Ta có thể bác bỏ điều đó hết sức dễ dàng. Thật vậy, nếu quy luật triệt tam là hệ quả của quy luật đồng nhất thì ở bất cứ chỗ nào mà quy luật đồng nhất đúng thì quy luật triệt tam cũng phải đúng. Nhưng rõ ràng là trong các hệ logic ba giá trị quy luật đồng nhất vẫn đúng, trong khi đó thì quy luật triệt tam không đúng. Trong những suy luận nhằm rút ra quy luật triệt tam từ quy luật đồng nhất mà thỉnh thoảng ta gặp trong các tài liệu logic đã chứa sẵn vòng tròn logic. Thật vậy, những suy luận kiểu này được thực hiện trong khuôn khổ của logic hai giá trị và sử dụng các tính chất của logic đó. Tuy nhiên sở dĩ logic hai giá trị là logic hai giá trị là vì nó tuân thủ quy luật triệt tam. Như vậy có nghĩa là những tính chất của logic hai giá trị được sử dụng để rút ra quy luật triệt tam từ quy luật đồng nhất phụ thuộc vào chính quy luật triệt tam!
IV. QUY LUẬT LÝ DO ĐẦY ĐỦ
Phát biểu: Một tư tưởng chỉ có giá trị khi nó có đầy đủ các cơ sở.
Khác với ba quy luật trên, - những quy luật được Aristote tìm ra từ thời cổ đại -, quy luật này được Leibnitz phát hiện ở thế kỷ thứ XVIII.
Quy luật lý do đầy đủ đòi hỏi các tư tưởng phải được đưa ra trên những cơ sở nhất định. Tư duy của chúng ta cấu thành từ một chuỗi các tư tưởng như vậy. Những tư tưởng đi trước làm cơ sở cho những tư tưởng đi sau. Chỉ trong trường hợp đó thì tư duy mới được coi là chặt chẽ, có logic. Ngược lại, tư tưởng sẽ lủng củng. Người nghe sẽ thấy người nói nhảy từ vấn đề này qua vấn đề khác một cách tùy tiện. Trong thực tế, đòi hỏi làm một việc gì đó hoặc trình bày một vấn đề nào đó theo một trình tự nhất định chính là đòi hỏi thỏa mãn quy luật này.
Quy luật lý do đầy đủ dựa trên một quy luật rất cơ bản của tự nhiên là quy luật nhân - quả: Mọi sự vật và hiện tượng đều có nguyên nhân của nó. Trong cùng một điều kiện, cùng một nguyên nhân sẽ đưa đến cùng một kết quả. Nếu như tư tưởng phản ánh hiện tượng thì cơ sở của nó là cái phản ánh nguyên nhân của hiện tượng đó. Trong tự nhiên, nguyên nhân bao giờ cũng có trước kết quả. Nhưng trong tư duy ta lại có thể biết hiện tượng trước rồi mới đi tìm nguyên nhân sau, nên thứ tự ở đây không giống trong tự nhiên.
Nguyên nhân mà chúng ta nói đến ở đây là nguyên nhân hiện thực, chứ không phải là nguyên nhân siêu nhiên, thần thánh, ma quỷ.
Nguồn. Phạm Đình Nghiệm. Nhập môn Logic học. Nxb. Đại học quốc gia, Tp. Hồ Chí Minh, 2008, tr. 35-42. Bản đăng trên triethoc.edu.vn đã được tác giả cho phép.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét