Ở bài viết này, người viết chỉ muốn đặt trọng tâm ở khía cạnh Luận Lý Học, một trong các bộ môn thuộc khoa học thuần túy. Còn khía cạnh khoa học thực nghiệm, quí độc giả có thể tìm hiểu thêm ở bài Còn Có Một Đời Sau.
Bây giờ chúng ta hãy cẩn thận xét kỹ xem những lý lẽ mà các nhà biện giải cho TCG đã trưng ra để nhận thấy rằng tất cả chỉ là những thứ trò ngụy biện ngôn từ, chưa thể thuyết phục được người không tin để họ phải đổi ý. Đó chính là lý do tại sao người ta còn cứ phải viện dẫn đến đức tin. Nhưng trước khi đi vào chủ đề về những thứ trò ngụy biện này, tưởng cũng nên bàn sơ qua về hai phạm trù vô thần và hữu thần mà những nhà biện giải thường hay cố tình diễn dịch sai theo kiểu dèm pha, tấn công một người rơm.
Thí dụ, nếu bạn bảo rằng đêm qua bạn ra ngoài đường vắng và gặp một con ma. Hôm nay, bạn đem chuyện gặp ma của bạn ra nói với thiên hạ. Bổn phận của bạn là phải nói sao cho thuyết phục bằng những lập luận vững chắc, có các bằng chứng hẳn hoi. Nếu bạn chưa làm được điều này thì thiên hạ sẽ không tin bạn. Bạn không thể đơn giản phịa ra rằng chỉ có bạn mới thấy và hiểu rõ ràng về con ma, nhưng lại không thể giải thích con ma như thế nào, đã nói gì với bạn, rằng những người khác không thấy ma là tại vì họ không tin có ma. Cái kiểu lý luận như vậy là bạn đang đặt cái cày trước một con trâu. Còn người không tin thì đặt cái cày sau con trâu, nghĩa là phải sử dụng trí tuệ để tìm hiểu các bằng chứng và lý lẽ kỹ càng trước khi tin. Tin hay không là kết quả của một nhận thức, không phải là một quyết định chọn lựa của ý chí tự do. Nhưng nếu bạn có quyền lực, bạn có thể làm người ta tin theo bạn dễ dàng hơn bằng cách sai khiến thiên hạ đi quảng cáo, tuyên truyền thay thế cho bạn. Kết quả là sẽ có vô số người tin theo bạn. Đơn giản vậy thôi!
Về chuyện có Chúa hay không cũng vậy. Đã là người thì ai ai cũng có trí tuệ, trí thông minh, lương tâm, ý thức để phán đoán; chỉ khác nhau ở mức độ cao thấp. Con vật cũng có đầu óc để suy nghĩ, nhưng chắc chắn không sâu sắc thâm thúy bằng con người, vì có sự khác biệt về cấu trúc nơi não bộ vật chất. Bây giờ người ta bảo bạn cứ nhắm mắt tin, dụt bỏ lý trí qua một bên, để họ dễ dàng tuyên truyền cho điều họ muốn. Ừ, thì bạn cứ vâng lời họ mà dụt bỏ lý trí để tin theo họ. Nhưng người không tin thì chẳng cần phải làm như bạn. Họ vẫn sống như một con người có trí tuệ, biết suy nghĩ độc lập và tự do đối với tất cả mọi vấn đề, kể cả vấn đề tôn giáo; vì trí tuệ chính là phẩm hạnh cao quý của con người, làm con người cao trọng hơn con vật. Sự nghi ngờ là biểu hiệu của lý trí, là thái độ cần thiết được đòi hỏi ở trong tất cả các bộ môn khoa học, đối nghịch với đức tin tôn giáo.
Tất cả những người tin có Chúa, kể cả Mẹ Teresa of Calcutta và các ông bà thánh, thì vẫn luôn luôn còn có sự nghi ngờ, cho dù đã nhiều năm nhắm mắt tin có Chúa; bởi vì lúc đó họ chưa chết, cũng vẫn đang còn là con người. Họ phải tiếp tục vật lộn với sự nghi ngờ bao lâu họ vẫn còn là con người. Bởi lẽ, họ không dễ dàng từ chối thân phận làm người có trí tuệ để rồi cứ phải nhắm mắt mãi mãi như một con chiên ngoan. Chỉ có họ mới có cái thứ gọi là “trạng huống của kẻ tin bỗng rơi vào chơi vơi”. Còn người không tin thì chẳng cần phải vật lộn gì cả, bởi vì họ luôn luôn mở rộng đôi mắt, suy nghĩ như con người đang tỉnh thức, có trí tuệ. Sự nghi ngờ là bản chất của con người còn biết dùng đầu óc để suy nghĩ. Nếu những nhà biện giải cho TCG trình bày được những lý lẽ thuyết phục với các bằng chứng hẳn hoi về sự hiện hữu của Thiên Chúa thì người không tin sẽ tự động đổi ý để tin theo họ. Đó là chuyện bình thường, hợp với bản chất của con người vốn có trí tuệ để suy tư, sẳn sàng thay đổi thái độ để phù hợp với kiến thức mới theo đà tiến hóa của tư tưởng.
Vậy người tin và người không tin thì đều cùng có sự nghi ngờ vì cả hai vẫn còn là con người. Nhưng sự khác biệt giữa hai hạng người này thì ở chỗ người không tin đón nhận sự nghi ngờ một cách tự nhiên, thoải mái, và còn trân quí xem nó như một yếu tố tối cần thiết cho công việc xét đoán đúng/sai; trong khi người tin lại cứ phải vật lộn, cố gắng vất bỏ sự nghi ngờ để tin như đinh đóng cột theo những gì đã được chỉ dạy, cho dù có vô lý tới mức nào. Đó là việc làm đối nghịch với bản chất đích thực của con người vốn sinh ra thì đã có lý trí. Chỉ có người tin mới cần phải thăng hoa việc dụt bỏ trí tuệ như một phẩm hạnh đạo đức: đức tin.
Lập luận thiết kế thông minh (intelligent design argument), một phó sản của Thuyết Sáng Tạo, chỉ là để bàn về sự cần thiết phải có một nguyên nhân đầu tiên để tác tạo vũ trụ từ hư không. Cứ điều gì mà con người chưa giải thích được thì gán cho thần thánh làm. Đó là thượng đế của các khoảng trống (God of the gaps), chẳng phải là Thiên Chúa của Thiên Chúa giáo. Đó là một cách lối ngụy biện phải kêu gọi tới sự ngu dốt (argument from ignorance). Do đó, những lập luận của họ đều tuyệt đối có thể áp dụng cho bất cứ một sinh vật tưởng tượng nào, chẳng hạn như ông kẹ, ông ba mươi, ông bà táo, ông trời, thần hoàng, thần thổ địa, sơn thần, thủy thần, thiên lôi, con kỳ lân màu tím vô hình...
Từ đó, chúng ta có thể kết luận được rằng Thiên Chúa chỉ là một sinh vật tưởng tượng như tất cả những sinh vật tưởng tượng khác mà con người đã từng nghĩ ra. Và những kết quả có được khi chúng ta cầu nguyện cùng Thiên Chúa bằng một đức tin không lay chuyển thì cũng giống như những kết quả có được khi chúng ta cầu nguyện nơi bất cứ một sinh vật tưởng tượng nào, dĩ nhiên cũng phải bằng một đức tin không lay chuyển. Các phép lạ mà TCG rêu rao do Chúa, Đức Mẹ, hay các ông bà thánh làm thì cũng có thể gán cho bất cứ một sinh vật tưởng tượng nào. Mặc dù vậy, người TCG không bao giờ nhìn nhận Thiên Chúa mà họ tôn thờ cũng chỉ đơn giản giống như một ông kẹ. Bởi vậy, cái cảm nhận mơ hồ gặp Chúa thì cũng hoàn toàn giống như cái cảm nhận mơ hồ gặp quỷ ma ngoài đường vắng, muốn tán sao cũng được.
Rồi họ tự cao tự đại cho mình là các bậc thánh nhân, tôn sư, những kẻ hiểu biết rất rành rẽ về một ông Chúa tưởng tượng kia; còn những kẻ không tin như họ là đám dân ngu, chẳng hiểu biết gì, thuộc loại con cháu chưa đủ trí khôn. Tính ngạo mạn và trịch thượng có thể nhận ra dễ dàng nơi cách xưng hô và nơi sự bất lực của họ mỗi khi họ không thể giải thích. Cứ điều gì vô phương giải thích thì họ lại trưng ra sự ngu dốt của bàn dân thiên hạ như là lý do để bào chữa cho sự bất lực không thể giải thích của họ. Chuyện dưới đất chúng ta còn chưa biết, chuyện trên trời thì họ cứ tràng giang đại hải như thật. Loài người chúng ta chỉ là những con ếch ngồi dưới đáy giếng hay những thằng mù sờ chân voi nhưng lại thích bàn chuyện trên trời. Hội Thông Thiên Học còn tự khoát cho mình là thông thiên, làm như thực sự thông thái chuyện trên trời vậy.
Ảo thuật gia nổi tiếng nhất thế giới James Randi thách đố bất cứ ai có thể chứng minh có những điều dị thường (paranormal), siêu tự nhiên, mà khoa học không thể giải thích, với giải thưởng một triệu đô. Nhưng tới giờ phút này vẫn chưa ai làm được. [2] Cứ mỗi khi vấn đề được mang ra nghiên cứu tường tận theo phương pháp của khoa học thì luôn luôn có kết quả hoặc có sự lầm lẫn lương thiện của những người tường thuật, hoặc ai đó có âm mưu cố ý dàn dựng để phục vụ cho quyền lợi của tôn giáo. Các phép lạ trong TCG thường được đem ra tuyên truyền trong đại chúng là những thí dụ điển hình của cái nghề buôn thần bán thánh.
Ở bài Biết Đâu Đó Là Sự Thật, vị tôn sư bảo:
“Hỡi con, các bậc thánh nhân trong sách Thora mà con tranh luận đã phí lời với con, bởi con đã ra về với nụ cười chế nhạo. Họ đã không thể trình bày cụ thể về Thiên Chúa và Nước của Người cho con được, và ta cũng không làm được chuyện đó. Nhưng, này con, hãy suy nghĩ cho kỹ, biết đâu đó là sự thật”. (Hết trích).
Chẳng một ai trong chúng ta lại kỳ vọng vị tôn sư hay các bậc thánh nhân có khả năng “trình bày cụ thể về Thiên Chúa và Nước của Người” cho chúng ta nghe được. Ở đây có một sự thực rất đơn giản, dễ nhận ra mà vị tôn sư hay các bậc thánh nhân cố ý tránh né, không chịu lương thiện đối diện; đó là không thể có sự trao đổi hay tranh luận giữa hai hạng người: một người thì tự từ bỏ lý trí để suy luận, và một người thì vẫn dùng lý trí ở trong mọi trường hợp. Nếu nại cớ đức tin thì đương nhiên là phải dụt bỏ lý trí để chỉ tin vào điều đã được dạy. Vậy dựa vào tiêu chuẩn nào để xét đoán đúng/sai mà tranh luận, trao đổi? Làm sao mà bạn có thể chỉ cho người mù nhìn thấy được một bức tranh đẹp? Kẻ cuồng tín ôm bom nổ cũng dựa vào đức tin. Họ bảo rằng đó là con đường ngắn nhất dẫn tới thiên đàng, nơi có các cô trinh nữ đang chờ đón họ. Vậy chúng ta lấy tiêu chuẩn nào để phán xét? Làm sao để biết đức tin của chúng ta thì xác thực, đáng tin hơn đức tin của họ, nếu không dựa vào trí tuệ để phán đoán?
Cuối cùng, vì không còn gì để dựa nên vị tôn sư đó chỉ còn dựa được vào một cái phao tưởng tượng mơ hồ là sự nghi ngờ: “biết đâu đó là sự thật”.
Nhưng người không tin thì không lý luận như vậy vì có sự khác biệt căn bản về ý nghĩa trong ngôn từ giữa những nhà khoa học và đại chúng. Nhà khoa học phán đoán dựa trên tính xác suất của khoa học. Một sự kiện có thể xảy ra hay không thì được xếp hạng theo nấc thang của tính xác suất. Và cái nấc thang đó đi từ thấp lên cao mà trong ngôn ngữ thông thường khi được chuyển sang tiếng VN thì rất mơ hồ, dễ bị hiểu lầm. Ở đây không có chuyện đúng/sai theo nghĩa tuyệt đối, chắc nịch. Cái nấc thang giá trị đó là:
1. Thường hay xảy ra (frequent)
2. Có thể xảy ra (probable)
3. Đôi khi xảy ra (occasional)
4. Hiếm khi xảy ra (remote)
5. Không thể xảy ra (improbable)
“Không có một ranh giới rõ rệt giữa sự phỏng đoán, giả thuyết, lý thuyết, nguyên lý, và sự kiện; nhưng chỉ là sự khác biệt về mức độ xác suất của ý tưởng. Khi chúng ta gọi cái này là một sự kiện thì chúng ta chỉ muốn bảo rằng tính xác suất của nó thì vô cùng cao, cao đến nổi chúng ta chẳng cần phải nghi ngờ gì về nó nữa và sẳn sàng hành động phù hợp theo nó. Bây giờ trong cách dùng từ ngữ sự kiện này, cách dùng đúng là xem tiến hóa như một sự kiện.” [3]
Như vậy, khoa học không khẳng định dứt khoát là có Chúa hay không có Chúa theo nghĩa tuyệt đối; nhưng chỉ chứng minh cho chúng ta biết là không thể có Chúa (improbable). [4] [5] Vậy không thể có Chúa thì chính xác là một sự kiện theo kiểu nói trong văn chương của những nhà khoa học. Nếu bạn nghĩ khoa học là phải tuyệt đối chắc chắn thì đó là sự sai lầm từ phía bạn (Richard Feynman).
Vậy “biết đâu có Chúa” thì không thể nào xảy ra, đứng hàng thứ chót theo nấc thang giá trị của tính xác suất. Bởi lẽ, những nhà biện giải cho TCG đã chẳng đưa ra được một bằng chứng nào để hỗ trợ cho sự nghi ngờ “biết đâu có Chúa”, ngoài những trò ngụy biện ngôn từ; trong khi bằng chứng không có Chúa thì lại đầy dẫy ở trong một vũ trụ bất toàn, đầy tràn mọi sự dữ. Đối với các nhà khoa học, mọi sự xảy ra trong trời đất đều có nguyên nhân tự nhiên, chẳng có Chúa hay thần thánh ma quỷ nào làm ra cả. [4] [5]
Một cuộc nghiên cứu của trường đại học Manchester University bên Anh Quốc được công bố ngày 13 tháng giêng năm 2016 đã khẳng định rằng, mặc dù tôn giáo đã suy thoái rất nhanh ở các quốc gia Âu Châu trong 30 năm qua, nhưng thái độ của con người đối với tội ác chống xã hội và tội ác chống đồng loại thì vẫn vậy, không có gì thay đổi. [6] Còn có một cuộc nghiên cứu của trường đại học Rochester cũng đã khẳng định rằng người càng thông minh thì càng ít tin vào tôn giáo. [7]
Ngoài ra, việc ban thưởng hay luận phạt theo tiêu chuẩn đức tin thì hoàn toàn vô nghĩa lý. Tại sao vất bỏ lý trí để tin điều vô lý thì lại là một nhân đức lớn trong Thiên Chúa Giáo, cao trọng hơn cả lòng bác ái và tính ngay thẳng lương thiện trí thức; trong khi lòng hoài nghi, một phẩm hạnh cần thiết và đứng đầu trong khoa học, thì lại bị dèm pha là kiêu ngạo? Rất có thể Thiên Chúa chỉ ban phần thưởng thiên đàng cho những kẻ ngay thẳng với lương tâm, can đảm và hành động theo lý trí, chứ không cho những kẻ mù quáng, chỉ vì mối lợi mà hèn nhát đến nỗi bất chấp mọi lý lẽ. Hành động tốt hay xấu của chúng ta quan trọng hơn việc tin hay không tin. Người tốt lành là người ăn ở ngay thẳng, không màng đến kết quả của phần thưởng hay hình phạt. Nếu chúng ta làm điều tốt lành để mong được phần thưởng thiên đàng hay để khỏi chịu hình phạt ở địa ngục thì đó là sự buôn bán đổi chác, đầu tư sòng phẳng, không hơn không kém. Điều này cho chúng ta thấy đạo đức và luân lý của người không tin có tiêu chuẩn cao hơn đạo đức và luân lý của người tin. Riêng chuyện bảo rằng, đức tin là hồng ân, là tặng phẩm của Chúa tùy tiện ban cho mỗi người, thì vấn đề thưởng phạt cũng đã trở thành vô nghĩa. [1]
Bertrand Russell khi tưởng tượng phải đối diện với Chúa trong ngày phán xét, Chúa hỏi: Tại sao ngươi đã không tin Ta hiện hữu? Ông ngay thẳng trả lời: Thưa Ngài, tại vì không có bằng chứng nào để tôi tin Ngài hiện hữu. Nếu Thiên Chúa có tinh thần khoa học thì Ngài phải biết thưởng thức tính lương thiện trí thức của những người không tin như Bertrand Russell và khinh thường sự hèn nhát của những kẻ chỉ vì lợi mà tin vào điều vô lý.
Hơn nữa, không phải muốn tin là có thể tin. Tin tưởng không phải là một quyết định của ý chí mà là trạng thái của trí tuệ khi chấp nhận một mệnh đề nào đó. Trạng thái chấp nhận này chỉ đến với chúng ta qua lý luận hợp lý hay khi có các chứng cớ hỗ trợ. Lý trí nhận thấy điều gì vô lý thì tự động làm mình không tin. Người ta không thể tin tưởng điều vô lý chỉ vì lợi. Người tin vào điều vô lý thực ra chỉ hy vọng và ao ước điều hắn tin là đúng, do động cơ mối lợi, chứ không phải hắn đang tin tưởng thực sự. Niềm hy vọng và ao ước của hắn không làm điều hắn tin chân thật hơn. Đó cũng là lý do tại sao TCG hay quanh co bàn về niềm hy vọng thay vì bàn thẳng vào đức tin.
Chỉ vì một thắc mắc mơ hồ “biết đâu đó là sự thật” có một xác suất không thể xảy ra mà con người đã thiết lập vô số các tôn giáo để làm lý do phân biệt, kỳ thị, chém giết lẫn nhau. [8] Họ ngạo mạn cho mình biết được cả những ý muốn của ông Chúa tưởng tượng kia, rồi tự khoát cho mình quyền đại diện để cầm buộc dưới đất cũng như trên trời. Họ còn cổ vũ hô hào thà vâng lời Chúa hơn là vâng lời người thế gian, hoặc thà mất nước chẳng thà mất Chúa. Người ta có thể chết chỉ vì tin tưởng vào những điều chắc chắn không thể có. Tất cả chỉ vì quyền lợi vật chất của phe nhóm núp dưới chiêu bài tôn giáo. Nếu nghề buôn bán đồ giả có thể phát đạt nhờ những thủ đoạn quảng cáo nói láo ăn tiền thì cái nghề buôn thần bán thánh cũng không phải là một ngoại lệ.
Từ cái tiền đề giả định về một điều không thể có, chúng ta có thể nhận ra rất dễ dàng các thủ đoạn mánh mung khác mà TCG đã sử dụng trong suốt hơn 2,000 năm qua. Những chuyện bịa đặt dàn dựng như các phép lạ của Chúa Giê-su, của bà Maria, hay của các ông bà thánh thì đầy dẫy ở trong văn chương TCG. Những sinh vật tưởng tượng kia không có thân xác vật chất thì không thể làm được điều gì, ngoài việc chỉ đứng khóc, có khi còn lâm ly chảy cả máu mắt, rồi van xin nhờ vã con người có xác phàm làm những điều thay thế cho họ. Những gì TCG gán cho Thiên Chúa toàn năng hay Đức Mẹ quyền phép vô biên dạy bảo thì không có gì là độc đáo mà loài người không thể nghĩ ra.
Người viết là một người Công Giáo đã được rửa tội và giáo dục theo truyền thống văn hóa TCG ngay từ khi mới sinh ra đời. Cứ mỗi khi có vấn đề nan giải, người viết thường hay cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần soi sáng tâm trí; nhưng Chúa vẫn cứ yên lặng, ngoại trừ những lời dạy bảo của các ông linh mục thay mặt Chúa. Khi khôn lớn hơn, hiểu biết thêm một chút, người viết mới ngộ ra rằng đó là lý do tại sao người ta muốn chúng ta phải nhắm mắt tin, vâng lời trong tuân phục. Khi đọc toàn bộ các cuốn kinh thánh, người viết mới nhận ra rằng những gì từ xưa nay chúng ta vẫn tin là Lời của Chúa toàn năng không thể sai lầm thì thực ra chỉ là lời của những con người phàm tục, có thể đúng và cũng có thể sai.
Có sinh vật tưởng tượng nào, kể cả Thiên Chúa của TCG, mà chẳng phải tuyệt đối giữ im lặng, chẳng phải là những mầu nhiệm không thể lý giải, bất khả tư nghì?
Trần Tiên Long
Ghi chú:
[1] Miên Man Chuyện Đức Tin / Trần Tiên Long. Nguồn:http://sachhiem.net/index.php?content=showrecipe&id=5924
[2] Top 10 Psychic Debunkings, http://listverse.com/2008/04/10/top-10-psychic-debunkings/
[3] Muller, H. J. (1959). "One hundred years without Darwin are enough". School Science and Mathematics 59: 304–305.doi:10.1111/j.1949-8594.1959.tb08235.x.http://www.skepticfiles.org/evolut/100pcnts.htm. Reprinted in Zetterberg, Peter (ed.) (1983-05-01). Evolution Versus Creationism: The Public Education Controversy. Phoenix AZ: ORYX Press. ISBN0897740610.
[4] The improbability of God by Richard Dawkins / Không Thể Có Thượng Đế. Trần Tiên Long dịch. Nguồn: http://sachhiem.net/index.php?content=showrecipe&id=5013
[5] Hai Lối Chứng Minh Không Có Thượng Đế. Trần Tiên Long dịch. Nguồn:http://sachhiem.net/index.php?content=showrecipe&id=861
[6] Research suggests morality can survive without religion. Nguồn:http://www.upi.com/Science_News/2016/01/13/Research-suggests-morality-can-survive-without-religion/6411452715270/
[7] Người càng thông minh thì càng ít tin vào tôn giáo? Nguồn:http://phatgiaovnn.com/upload1/modules.php?name=News&op=viewst&sid=9703
[8] The long history of Muslims and Christians killing people together. Nguồn:https://www.washingtonpost.com/news/worldviews/wp/2016/01/25/the-long-history-of-muslims-and-christians-killing-people-together/
Source: "qtran@ec.rr.com [DiendanDanToc]" <DiendanDanToc@yahoogroups.com>
On Saturday, April 23, 2016 5:46 AM, "qtran@ec.rr.com" <qtran@ec.rr.com> wrote:
http://hoangnamgiao.blogspot.com/2016/04/co-chua-khong-nhi-phan-bienbai-biet-au.html
0 nhận xét:
Đăng nhận xét