Bánh
xe, cúc áo, thìa, đĩa là những phát minh quan trọng của xã hội loài
người. Chúng hầu hết bắt nguồn từ thời cổ đại và phát triển dần đến ngày
nay.
Những phát minh vĩ đại nhất của nhân loại
Bánh xe là một trong những phát minh tối
quan trọng của loài người, giúp cải thiện vượt bậc sản xuất, giao thông
cũng như nhiều mặt khác của đời sống con người. Bánh xe ra đời khi nào?
Cho đến nay, đó vẫn còn là một câu hỏi lớn đối với các nhà sử học. Các
nhà khảo cổ tìm thấy chiếc bánh xe cổ xưa nhất tại khu vực Lưỡng Hà có
niên đại khoảng 3.500 trước Công nguyên. Trên các bức vẽ cổ của người
Sume có khắc họa một loại xe chở hàng có gắn bánh tròn bằng gỗ cưa từ
thân cây.
Bánh xe có nan hoa đầu tiên được tạo ra
trên bán đảo Tiểu Á (ngày nay thuộc Thổ Nhĩ Kỳ) vào khoảng 2.000 năm
trước Công nguyên và lập tức được du nhập sang khu vực châu Âu và Trung
Quốc, Ấn Độ qua các lái thương. Bánh xe loại này chủ yếu được dùng trong
các loại xe chở người, riêng người Ai Cập thì dùng để vận chuyển hàng
hóa, vật liệu xây dựng. Bánh xe được sử dụng rất rộng rãi tại Hy Lạp cổ
đại và sau đó tại La Mã cổ đại. Ở châu Mỹ, bánh xe được các nhà hàng hải
châu Âu du nhập vào khi họ tìm ra châu Mỹ.
Cúc áo
Thời xưa tổ tiên chúng ta đã biết tết
những sợi đay, sợi vỏ cây làm quần áo và họ dùng xương thú, gai cây thay
cho cúc áo. Người Ai Cập và La Mã cổ đại thì khoét lỗ trên một đầu tấm
vải dùng làm áo rồi luồn đầu kia qua, hoặc buộc thắt nút. Người Trung
Quốc dùng dây rút trong nhiều thế kỷ.
Không ai biết cúc áo do ai phát minh ra.
Một số nhà sử học khẳng định cúc áo có từ thời La Mã, một số khác cho
rằng từ thời Hy Lạp cổ đại, trong khi một nhóm nhà khoa học khác đưa ra
những dẫn chứng về nguồn gốc châu Á của cúc áo.
Những chiếc cúc đầu tiên được đưa vào sử
dụng từ thế kỷ 8 và mãi cho tới tận thế kỷ 18, cúc áo được xem là vật
xa xỉ mà chỉ có nhà giàu mới dám dùng. Vua chúa thì dùng cúc bằng vàng,
bạc. Người nhà giàu dùng xương voi làm cúc. Còn dân thường thì vẫn buộc
thắt nút, hoặc dùng dải rút. Đầu thế kỷ 18, người châu Âu bắt đầu sản
xuất cúc bằng thép và đồng. Tới tận cuối thế kỷ 19, cúc áo vẫn còn là đồ
vật đắt tiền nên người ta khi may áo mới thường tháo cúc từ áo cũ đơm
sang.
Khoảng 3.000 năm trước, một vị vua đã nghĩ ra cách bảo vệ bản thân khỏi bị lây nhiễm các bệnh hoa liễu trong khi đi "vi hành tình dục". Ông đã dùng bong bóng cá trong quan hệ chăn gối.
Từ "condoms" (bao cao su) được
ra đời vào thế kỷ 17, do khi đó quan ngự y của Vua Anh Carl II có tên là
Condom đã nghĩ ra cách cải tiến chiếc bao nhằm giúp cho vua ngăn ngừa
sinh con ngoài ý muốn và tránh bệnh hoa liễu khi quan hệ với gái. Vị
quan ngự y này đã dùng ruột cừu cắt khúc cán mỏng ra và khâu một đầu lại
làm thành chiếc bao cho Vua dùng. Về sau nhân dân cũng học theo phương
pháp này, song dùng ruột cừu cũng khá tốn kém nên người ta thường phơi
khô để tái sử dụng vài lần nữa.
Tới năm 1839, công nghệ lưu hóa ra đời,
cho phép chế tạo cao su thô thành một dạng vật liệu mới - cao su tinh
chế, có khả năng đàn hồi tốt. Công nghệ này tạo nên một đại cách mạng
đối với bao cao su. Năm 1844, loại bao đầu tiên bằng cao su ra đời và
tới năm 1919 người ta đã sử dụng chất liệu latex làm bao cao su. Đây là
loại chất liệu có độ đàn hồi rất tốt, có thể cán rất mỏng và không có
mùi cao su. Loại bao cao su này được sử dụng cho tới ngày nay.
Thời xa xưa con người đã có rất nhiều
cách để tạo ra lửa. Từ cách chà xát hai tấm vỏ cây vào nhau hàng giờ
liền đến khi phát lửa, cho đến cách dùng đá lửa đập vào nhau... Rồi khi
tạo ra được ngọn lửa thì phải duy trì ngọn lửa khá là công phu.
Năm 1830, nhà hóa học 19 tuổi người Pháp
Charles Soria đã phát minh ra diêm phốt pho, tạo ra từ hợp chất muối
bertollete, phốt pho trắng và keo. Loại diêm này rất dễ sử dụng, khi chà
xát với bất cứ bề mặt cứng nào đều có thể phát ra lửa. Cho nên trong
nhiều phim ta thường thấy những chàng cao bồi quẹt diêm vào gót giày để
châm thuốc hút. Diêm phốt pho không có mùi khó chịu, song có hại cho sức
khỏe do chất phốt pho trắng chứa độc tố gây hại.
Tới 1855, nhà hóa học Johan Lunstrom làm
một thử nghiệm với chất phốt pho đỏ, đồng thời ông tráng một lớp mỏng
chất này lên bề mặt giấy nhám. Kết quả là ông đã tạo ra một loại diêm
mới dễ đánh lửa và ít gây hại hơn cho sức khỏe người dùng. Đây chính là
loại diêm chúng ta đang sử dụng ngày nay.
Người La Mã cổ đại dùng một chiếc bàn
chải có cán để làm vệ sinh cá nhân sau khi đi đại tiện. Chiếc bàn chải
này sau đó được ngâm vào hũ nước muối để sử dụng tiếp. Người Viking chùi
bằng khăn, trong khi người thổ dân châu Mỹ thì dùng các loại lá cây
trong tầm với tay, hoặc dùng lõi ngô. Các vị vua Pháp thì cao cấp hơn,
họ dùng giẻ bằng vải lanh.
Người Trung Quốc đi tiên phong trong
việc sử dụng giấy làm vệ sinh cá nhân. Nhưng chỉ có hoàng đế mới được
phép dùng. Mãi tới sau này, khi kỹ thuật in phát triển, giấy mới được sử
dụng rộng rãi cho việc vệ sinh cá nhân (giấy báo cũ, sách cũ...).
Năm 1857, một người Mỹ tên là Joseph
Hayetti đã nghĩ ra cách cắt giấy thành từng tờ vuông vắn và đóng thành
gói. Ông rất tự hào với sáng tạo của mình nên đã in tên mình lên từng tờ
giấy. Không rõ sau này ai đã nghĩ ra cách cuộn tròn giấy vệ sinh như
ngày nay, chỉ biết rằng năm 1890 xưởng giấy "Scott Paper" ở Mỹ đã sản xuất hàng loạt loại giấy vệ sinh này.
Con người biết may vá đã hơn 20.000 năm
nay. Người tiền sử đã lột da thú, may chúng lại bằng những dụng cụ thô
sơ như gai cây, đá nhọn. Họ dùi lỗ trên các dụng cụ ấy và xâu gân thú
vào để khâu quần áo. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy những chiếc kim bằng đá
hoặc xương thú tại những bãi khai quật có niên đại 17.000 năm ở Tây Âu
và Trung Á. Tại châu Phi, con người đã dùng gân lá dừa làm kim và sợi
cây khô làm chỉ.
Chiếc kim khâu bằng kim loại đầu tiên
được làm tại Trung Quốc và cũng chính tại nước này, vào thế kỷ 3 trước
Công nguyên, con người đã sáng tạo ra cái đê khâu. Những phát minh này
sau đó được đưa sang châu Âu qua các lái buôn.
Cái kéo đầu tiên do người Ai Cập cổ đại
làm ra vào thế kỷ 16 trước Công nguyên. Tuy nhiên, nó được chế tạo từ
một tấm kim loại liền, chứ không phải là hai thanh kim loại bắt chéo
nhau. Loại kéo mà chúng ta dùng ngày nay do Leonardo da Vinci sáng tạo
nên.
Thìa, dĩa và dao
Từ thời La Mã cổ đại, con người đã sử
dụng nhiều bát đĩa bằng gốm sứ tinh xảo phục vụ cho bữa ăn. Nhưng họ ăn
bốc. Những chiếc thìa đầu tiên đã được phát minh ra và sử dụng cách đây
tới 5.000 năm. Người khu vực Lưỡng Hà đã biết nặn đất sét thành hình một
chiếc gáo nhỏ để múc thức ăn. Chiếc thìa bằng kim loại đầu tiên là bằng
bạc do Vua Nga Vla-đi-mia Mặt Trời Đỏ đặt chế tác riêng.
Còn với dĩa, vào khoảng thế kỷ thứ 10
tại châu Á đã xuất hiện một loại dụng cụ ăn mang dáng dấp của dĩa, nhưng
có nhiều răng, trông như cái bàn cào của Trư Bát Giới thu nhỏ. Một trăm
năm sau, phát minh này được du nhập vào châu Âu và tới thế kỷ 16, dĩa
được sử dụng rộng rãi và có hình dạng gần giống ngày nay, với 2 răng có
đầu nhọn dùng để đâm thức ăn.
Tới cuối thế kỷ 18, những con dao to và
dài như mã tấu vốn được sử dụng để cắt thức ăn đã được thay thế bằng
loại dao nhỏ gọn và có mũi cong tròn. Lý do của sự cải tiến này rất đơn
giản: do không còn cần dao nhọn và dài để đâm thức ăn nữa vì đã có dĩa
thực hiện chức năng này.
Ngay từ thời đồ đá, con người đã bắt đầu
có những phát minh sáng tạo độc đáo nhằm giải quyết vấn đề hàng tháng
của phụ nữ, sử dụng cỏ khô, lá khô, thậm chí là rong biển. Người Ai Cập
cổ đại đã sáng tạo ra một loại băng vệ sinh mà ngày nay người ta gọi đó
là tampone, tuy nhiên tại Ai Cập ngày đó loại tampone này làm bằng sợi
cói. Người Hy Lạp cổ đại cải tiến tampone, dùng vải quấn quanh một cái
que nhỏ. Tại La Mã cổ đại, phụ nữ dùng vải lụa làm băng vệ sinh, tại
Nhật họ dùng giấy, trong khi phụ nữ châu Phi dùng bó cỏ khô làm bằng vệ
sinh.
Tới đầu thế kỷ 19, người ta bắt đầu dùng
những tấm giẻ lau cũ khâu thành cái túi nhỏ, bên trong nhồi bông. Những
chiếc băng vệ sinh tân tiến này được giặt, phơi khô và dùng đi dùng lại
nhiều lần. Cuối thế kỷ 19, đã từng có một doanh nghiệp châu Âu sản xuất
hàng loạt loại băng vệ sinh giẻ lau này, tuy nhiên do không quảng cáo
nên dây chuyền sản xuất này đã thất bại.
Đầu thế kỷ 20, phụ nữ bắt đầu dùng vải
màn, vải xô. Vào những năm 1920, loại băng vệ sinh làm bằng vải màn bắt
đầu được bày bán tại cửa hàng bách hóa và quảng cáo trên tạp chí. Băng
vệ sinh loại này được gài vào quần lót bằng kim băng, hoặc nối với dây
thắt trên eo.
Cách đây 5.000 năm, con người đã biết
chăm sóc răng lợi. Tại các bãi khảo cổ Ai Cập, các nhà khoa học đã tìm
thấy những chiếc bàn chải răng thời cổ, được làm từ cành cây có sợi tơ ở
đầu.
Tuy nhiên, phải đến năm 1498, hoàng đế
Hoằng Trị nhà Minh (Trung Quốc) mới sáng tạo ra loại bàn chải mà chúng
ta dùng ngày nay. Chiếc bàn chải của vua Hoằng Trị được làm từ xương
thú, còn sợi chải răng thì làm từ lông lợn rừng Siberia.
Năm 1937, con người phát minh ra nylon.
Một năm sau đó, bàn chải bắt đầu được làm từ sợi nylon nhựa, tuy nhiên
chưa phổ biến vì sợi nylon thời đó còn khá cứng, dễ dàng gây tổn thương
cho nướu. Lông lợn rừng do mềm mại hơn nên tiếp tục được sử dụng tới tận
giữa thế kỷ 20.