Thứ Sáu, 3 tháng 11, 2017
The Vietnam War: Bộ phim đã làm sống lại một thời chinh chiến
13:41
Hoàng Phong Nhã
No comments
Tôi
mới nhận được DVD bộ phim tài liệu 10 tập The Vietnam War 2017 dài 18
tiếng do người bạn gửi tặng, nhà đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick đã bỏ
ra 10 năm để thực hiện, đã phỏng vấn 79 nhân chứng. Tiền chi phí ước
lượng 30 triệu, hãng phim Burns’ Florentine Films và WETA-TV tại Hoa
Thịnh Đốn sàn xuất. Cách đây hơn 30 năm, giữa thập niên 80 tôi đã được coi phim tài liệu Vietnam, a Television History
dài 13 tập, 13 tiếng của PBS thực hiện 1983. Phim này tôi xem ở Việt
Nam, họ dịch là Việt Nam Thiên Sử Truyền Hình, diễn tả lại lịch sử Việt
nam từ 1945 tới 1975 do các phóng viên, ký giả Pháp, Mỹ, Anh hợp tác
thực hiện, vì phim khuynh tả có lợi cho họ nên được chiến trên TV.
The
Vietnam War dài hơn phim 1983 kể trên 5 tiếng, tài liệu phong phú hơn,
hình ảnh, mầu sắc đẹp hơn, nhạc đệm tuyệt hơn, bản Chiều về trên cánh
đồng xanh … không lời thoang thoảng trong toàn bộ cưốn phim gợi lại nỗi
nhớ quê hương. Sử thường được viết bằng giấy mực theo lối biên niên, The
Vietnam War cũng là biên niên sử được diễn tả bằng hình ảnh, kể lại
lịch sử theo thứ tự thời gian.
Xem
xong bộ phim 10 tập, 18 tiếng dài thườn thượt, tự nhiên một nỗi buồn
mênh mang khó tả tràn ngập tâm tư khiên tôi quên cả thực tại, tưởng như
đang sống lại trong quá khứ của một thời chinh chiến xa xăm. Tôi bỗng
nhớ lại cả một đất nước, một giang sơn nay đã vang bóng một thời.
Xin sơ lược từng tập một, sau đó là phần nhận xét về mỗi tập
Tập Một Déjà Vu” (1858 – 1961)
Tiếng Pháp, nghĩa là chuyện đã qua, từ Thực dân Pháp vào VN tới Kennedy đắc cử Tổng thống.
Sau một thế kỷ Pháp đô hộ, Việt Nam được độc lập nhưng đất nước chia đôi.
Phim
kể lại người Pháp xâm lăng Việt Nam và đô hộ nước ta khoảng 100 năm từ
1856 tới 1954. Năm 1946 thực dân Pháp theo chân quân Anh trở lại Việt
Nam để chiếm thuộc địa cũ. Hồ Chí Minh lãnh đạo kháng chiến, tiểu sử
HCM, hang Pắc Bó…
Thực
dân tàn ác, đốt nhà dân, hãm hiếp phụ nữ, Việt Minh bạo ngược không
kém, giết tù binh lính Quốc gia dã man, chôn sống địch để tiết kiệm đạn.
Việt Minh chủ trương thà giết lầm còn hơn bỏ sót (it’s better to kill
even those who might be innocent than to let a guilty person go…). Dân
Việt thuở đó sống trong cảnh một cổ hai chòng, mấy tầng áp bức. Năm
1949, 50 Trung Cộng chiếm lục địa, viện trợ cho VM nhiều vũ khí chống
Pháp. Người Mỹ đổ bộ vào Triều Tiên chống CS xâm lăng giữa năm 1950, họ
nói chúng ta chiến đấu tại Triều Tiên (Cao Ly) là chiến đấu cho chúng
ta, đồng thời Mỹ cũng bắt đầu giúp Pháp chống VM, một phong trào CS.
Phó
Tổng thống Nixon giải thich tại sao ta phải giúp Pháp, tính tới 1953
quân đội Liên hiệp Pháp bị thương vong khoảng 100,000 người, họ tàn ác
ném bom lửa thiêu đốt làng xóm, sau này về nước họ bị dân chúng ném đá,
dân Pháp gọi là sale guerre, cuộc chiến tranh bẩn thỉu. Tháng 7-1953
chiến tranh Triều Tiên chấm dứt, Tướng Navarre được cử sang làm Tư lệnh
Đông Dương tháng 5-1953, từ cuối 1953 ông cho thiết lập căn cứ Điện Biên
Phủ để ngăn chận tiếp tế của VM từ Lào. Sau chiến tranh Triều Tiên Mỹ
và Trung Cộng quay ra giúp đồng minh của họ tại ĐBP, người Mỹ bắt đầu
nói đến thuyết Domino, mất Đông dương sẽ kéo theo sự sụp đổ của Á châu.
ĐBP thất thủ ngày 7-5-1954, Pháp có 8,000 người tử thương.
Hiệp
định Geneve chia đôi đất nước được ký kết ngày 20-7-1954 giữa Pháp và
Việt Minh, từ 50,000 tới 90,000 bộ đội VM sẽ tập kết ra Bắc, 130,00 quân
Pháp sẽ vào Nam. Tổng tuyển cử sẽ được tổ chức hai năm sau, ai cũng
biết Hồ Chí Minh sẽ thắng, di cư bỏ miền Bắc vào Nam phần nhiều Thiên
chúa giáo.
Tại
miền Nam, chính phủ mở chiến dịch đánh Bình Xuyên (4-1955), Thủ tướng
Ngô Đình Diệm tổ chức Trưng cầu dân ý lên làm Tổng thống với số phiếu
đắc cử gần tuyệt đối (98%). Ngoài Bắc cuộc cải cách ruộng đất đấu tố dã
man của Việt Minh diễn ra ác liệt, trong
khi tại miền Nam chính phủ hà khắc bắt giam hàng chục ngàn người không
xét xử, nhiều người bị giết. Năm 1959 Lê Duẩn thành nhân vật quan trọng
của CSVN tiến hành chiến tranh du kích. Theo lời kể của một nhân chứng
Việt Cộng nằm vùng Lê Quan Công, VC thiếu vũ khí phải dùng mã tấu, dao
giết địch.
Tại Mỹ tháng 11-1960 Kennedy đắc cử Tổng thống, cuối năm 1960 VC thành lập Mặt trận giải phóng miền Nam.
Nhận xét về tập Môt.
Nói
về quá khứ vì nó giống như chuyện sẽ diễn ra, chiến tranh do CS mang
lại Đông nam Á đã có từ đầu thập niên 50. Nhà đạo diễn đã không nhấn
mạnh một vài thời điểm quan trọng: Cuối tháng 10-1949 và đầu năm 1950
Trung Cộng chiếm được Hoa Lục, thay đổi cả khúc quành lịch sử của Á
châu. Tại miền Bắc, Việt Minh được Trung Cộng giúp thành lập nhiều sư
đoàn chính qui từ 1950-1951, nó báo hiệu sự kết thúc chế độ Thực dân
Pháp tại Đông dương và mở ra một kỷ nguyên thách thức mới cho người Mỹ.
Nếu Mao không chiếm được nước Tầu, không giúp Việt Minh thì bác Hồ, chú
Đồng, chú Giáp, đồng chí Khu.. đã chết bờ chết bụi từ hồi đó.
Hoa
Kỳ đã bỏ lỡ cơ hội cứu Trung Hoa dân quốc năm 1948, 49.. để rồi sau đó
họ phải đối mặt với nhiều cuộc chiến đẫm máu. Họ nói tháng 4-1954, chính
phủ Mỹ có dự định kế hoạch cứu nguy ĐBP nhưng bất thành, họ chỉ nói sơ
qua. Sự kiện này vô cùng quan trọng, người Mỹ lại bỏ lỡ cơ hội oanh tạc
cứu nguy ĐBP tháng 4-1954 bằng 100 B-29 để rồi VM lớn mạnh và Mỹ phải
đương đầu với cuộc chiến đẫm máu 1965, 66, 67…
Họ
nói năm 1954 có từ 50 cho tới 90 ngàn Việt Minh sẽ tập kết ra Bắc là
con số quá lớn, tổng cộng số bộ đội tập kết chỉ có bốn ngàn thôi
(4,000), chưa được 1/10 con số họ nói. Về Tổng tuyển cử họ nói chính phủ
Diệm không thực hiện như đã ghi trong Hiệp định Geneve, hoàn toàn sai.
Tổng tuyển cử không có ghí trong Hiệp định ký ngày 20-7 mà ghi ngày hôm
sau 21-7 trong bản Tuyên bố cuối cùng của ba bề bốn bên, nó chỉ là lời
nói miệng với nhau (oral statements) và không có chữ ký (unsigned
document) của bất cứ phái đoàn nào, nó thiếu căn bản pháp lý, chỉ là nói
chơi cho vui thôi. Nó không có điều lệ gì chỉ trần sì có câu:
“Hội
nghị tuyên bố, giải pháp cho những vấn đề chính trị ở Việt Nam dựa trên
cơ sở tôn trọng độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ sẽ cho phép
người dân Việt Nam được hưởng nền tự do cơ bản thông qua kết quả tổng
tuyển cử tự do sẽ được tổ chức tháng 7-1956”
Nay
CSVN cho biết năm 1956 Trung Cộng, Nga không muốn có Tổng tuyển cử ở
VN, đàn anh CS muốn ai ở đâu ở đó (Wikipedia tiếng Việt: Hiệp định
Genève, 1954). Nói chung Tổng tuyển cử chỉ là nói cho vui thôi.
Họ
nói nếu có Tổng tuyển cử thi Hồ Chí Minh sẽ thắng, hoàn toàn sai, ông
Đoàn Thêm kể lại trong Những ngày chưa quên quyển Thượng những năm đầu
thập niên 50 khi cựu hoàng Bảo đại về chấp chính tại hậu phương người
dân ùn ùn bỏ già Hồ về với cựu hoàng. Tại các tỉnh thành có ngày ba ngàn
người trở về, trong đó có cả ông nhạc sĩ làm bản nhạc Chiều về trên
cánh đồng xanh.. được làm nhạc đệm cho toàn phim. Rất nhiều người theo
kháng chiến bỏ về với chính phủ Quốc gia, nhiều người sau thành lãnh đạo
như Tổng thống, Bộ trưởng, Tướng lãnh…Ngoài ra năm 1954, người miền Bắc
ùn ùn di cư vào Nam gần một triệu lánh nạn CS, đây là biến cố lớn họ
chỉ nói sơ vài câu.
Họ
khen Hồ Chí Minh là người yêu nước, nhưng yêu nước tại sao phải giết
hàng ngàn vạn người Quốc gia chống thực dân, ông Bùi tín kể lại những
cựu đảng viên Quốc dân đảng sau năm 1954 bị đấu tố, thủ tiêu ám sát rất
nhiều. Nhà đạo diễn cũng thừa biết HCM được xếp hạng cao trong danh sách
bạo chúa của nhân loại nhưng khen xã giao Bác vài câu cho vui thôi thì
có mất gì một câu nói.
Họ
chê ông Ngô Đình Diệm năm 1955 tổ chức bầu cử gian lận tự đưa mình lên
ngôi Tổng thống, thực ra giai đoạn này ông Diệm có công thống nhất miền
Nam, đánh Bình Xuyên, Hòa Hảo. Ông có uy tín lớn đã được toàn dân tin
tưởng, ủng hộ.
Tôi
cảm thấy ghê tởm khi nghe một cựu VC nằm vùng kể lại anh ta đã dùng mã
tấu chém giết bọn Ngụy, tội ác của bọn sát nhân man rợ đã được lột trần.
Tập Hai Riding The Tiger (1961-1963)
Cưỡi cọp, không bị cọp xơi nhưng rất khó leo lên, VC nổi dậy tại miền nam VN, TT Kennedy vất vả với cuộc chiến can thiệp
TT
Kennedy chủ trương chỉ gửi cố vấn huấn luyện mà không gửi quân tác
chiến vì sợ sa lầy. Chương trình ấp chiến lược của TT Ngô Đình Diệm bị
dân oán giận, chính phủ nhốt dân trong làng, xóm. Bảo Ninh, bộ đội, nhà
văn nói (trả lời phỏng vấn) Pháp đi, Mỹ nhẩy vào, nó cũng chỉ là quân
xâm lược.
Bà
Dương Văn Mai (con một công chức cao cấp từ Hà Nội di cư vào Nam, năm
1964 lấy chồng Mỹ, làm việc cho Mỹ, được giao phỏng vấn tù binh VC) trả
lời phỏng vấn nói Việt Nam Cộng Hòa dân chủ hơn miền Bắc
Nói về trận Ấp Bắc, VNCH có 80 người bị giết, VC bắn hạ 5 trực thăng, đây là thất bại lớn của Mỹ-VNCH. TT Kennedy cho rải chất độc mầu da cam trên các khu rừng, họ bị VC tố cáo là hủy diệt môi trường.
Vụ
Phật Giáo sẩy ra từ giữa năm 1963, người Mỹ đề nghị ông Diệm và Nhu hòa
giải với Phật giáo nhưng họ từ chối. Cabot Lodge được gửi tới Sài Gòn
làm Đại sứ, ông Diệm căng thẳng với Mỹ trong vụ Phật giáo.
Người
Mỹ không đồng ý việc ông Nhu thực sự cầm đầu chính phủ. Tối 21-8-1963
ông Diệm và Nhu cho lệnh chiếm các chùa chiền, bắt giam các nhà sư chống
đối. Trong tuần này TT Kennedy và các viên chức cao cấp đi nghỉ mát,
không có mặt tại tòa Bạch ốc, quyền hành nằm trong tay Roger Hilsman,
phụ tá Bộ trưởng ngoại giao đặc trách Viễn đông sự vụ, ông này chủ
trương lật đổ ông Diệm.
Ngày
đảo chính 1-11-1963 diễn ra, anh em ông Diệm Nhu trốn vào nhà thờ trong
Chợ lớn, hôm sau ra hàng để được đi ngoại quốc, nhưng cả hai bị giết
trong thiết vận xa.
TT
Kennedy tỏ ra buồn rầu vì có bạo động đổ máu, ông không muốn đảo chính
nhưng một số viên chức phụ tá cho rằng nếu còn ông Diệm, cuộc chống Cộng
tại VN sẽ bị khủng hoảng. Ba tuần sau ngày đảo chính, TT Kennedy bị ám
sát tại Dallas ngày 22-11, Phó TT Johnson lên thay.
Nhận xét về Tập Hai
Bảo
Ninh, cựu bộ đội, nhà văn cấp tiến nói Mỹ cũng là xâm lược. Người miền
Bắc dù tiến bộ, phản tỉnh nhưng cũng đã bị tuyên truyền nhồi sọ khó gột
rửa. Mỹ vào miền Nam không cai trị tỉnh nào, quận nào, không lấy lúa
gạo, đánh thuế dân mà họ còn viện trợ cho cả tỷ đô la kinh tế sao gọi là
xâm lược. Như năm 1975, quân đội CSBV ồ ạt tiến chiếm miền Nam, vơ vét
của cải vật chất, chiếm nhà dân như ông Bùi tín nói thì mới gọi là xâm
lăng.
Phim
không mấy thiện cảm với ông Diệm. Sau 1954, người dân miền Nam đủ các
thành phần, tôn giáo đều tin tưởng ông Diệm đã thống nhất miền Nam . Qua
hai tập Một và Hai chúng ta thấy họ không khen thành quả tốt đẹp của
ông thập niên 50 mà chê bai nhiều. Mặc dù ông Diệm có khuyết điểm trong
việc giải quyết vụ Phật giáo nhưng đã có công thống nhất và xây dựng
miền Nam vững mạnh một thời.
Dưới
thời Kennedy (1961-1963) cuộc chiến do CS gây nên tại miền nam VN chưa
mở rộng, chỉ trong phạm vi du kích cấp tiểu đoàn trở xuống. Sở dĩ như
vậy vì Thủ tướng Nga Khrushchev chủ trương sống chung hòa bình với Mỹ,
ông không viện trợ nhiều cho Hà Nội. Thời gian này, Lê Duẩn chưa thực sự
nắm toàn quyền tại miền Bắc, còn đang củng cố địa vị, chưa dám đánh
lớn.
Đoạn
phim nói về đảo chính giống như trong hồi ký In Retrospect tại chương 3
do McNamara kể lại, có thể họ dựa theo cuốn sách này. Theo đó, TT
Kennedy và McNamara lưỡng lự chưa muốn đảo chính, nhưng Roger Hilsman,
Cabot Lodge rất muốn thay ông Diệm và họ đã tiến hành nhân khi Kennedy
và các viên chức cao cấp đi nghỉ mát (vacation)
McNamara cũng cho biết ngày 2-10-1963, Tướng Taylor và McNamara thuyết trình cho TT Kennedy nghe tại tòa Bạch ốc, khuyên rút từ từ 1,000 cố vấn Mỹ vì tình hình đã ổn định
Chiều
hôm ấy Kennedy triệu tập Hội đồng an ninh quốc gia để thảo kế hoạch rút
quân tới 1965 bắt đầu bằng 1,000 người cuối 1963. Kennedy đồng ý, sau
phiên họp, tòa Bạch ốc đã chính thức thông báo: Bộ trưởng quốc phòng
McNamara và Tướng Maxwell Taylor tường
trình cuối năm nay chương trình của Mỹ huấn luyện cho người VN tiến
triển tốt đẹp và 1,000 quân nhân Mỹ công tác tại đây sẽ được hồi hương.
Ba
tuần sau cuộc đảo chính 1-11-1963, TT Kennedy bị ám sát chết ngày
22-11-1963 tại Dallas, có giả thuyết cho rằng Kennedy bị các nhà tư bản
vũ khí thanh toán vì ông ta cho rút quân về nước không tham chiến khiến
họ mất kiếm ăn, sự thực chưa có tiết lộ nào về cái chết của TT Kennedy.
Tập Ba The River Styx (tháng 1-1964 tới tháng 12-1965).
Theo
thần thoại Hy Lạp Sông Styx nghĩa là địa ngục, thần chết, đây là giai
đoạn máu lửa. Miền nam VN gần sụp đổ, TT Johnson bắt đầu oanh tạc BV,
đưa quân vào miền nam.
Johnson ra nhiều luật về nhân quyền, bình đẳng, ông chủ trương một chương trình xã hội vĩ đại.
Tại
BV, người dân nô nức đi bộ đội, tại miền nam VN, các chính phủ liên
tiêp nhau chỉ là bù nhìn của Mỹ. Ông Hồ tại miền Bắc đi dép râu, chống
gậy thăm làng xóm, HCM vẫn là người được nhân dân yêu quí. Hai ông anh
lớn một ông (Nga) thì muốn thoát khỏi cuộc chiến, ông kia (Tầu) muốn làm
cách mạng thế giới.
Năm
1963, Hồ Chí Minh mất quyền vào tay Lê Duẩn, ông này cho bắt giam cải
tạo… trừng trị những người chủ trương xét lại (chủ hòa) chống kế hoạch
giải phóng miền Nam của Duẩn, bắt giam hàng trăm người.
TT
Johnson sợ Trung Cộng vào tham chiến như tại Triều tiên nên chỉ áp dụng
chiến tranh giới hạn (limited war) không dám làm mạnh. Tại vịnh BV, hải
quân địch tấn công tầu Maddox, máy bay Mỹ đánh trả, lần đầu tiên Mỹ ném
bom BV tại Hòn Gay. Ngày 7-8-1964, Quốc hội chấp thuận ký Nghị quyết
Vịnh BV , tỷ lệ ủng hộ Johnson qua thăm dò từ 42 lên 72 %. Năm 1964 BV
gửi quân chính qui vào Nam, ngày 1-11, VC pháo kích phi trường Biên hòa
phá hủy 5 máy bay phản lực, giết 5 người Mỹ, làm bị thương nhiều người
khác. Johnson cứng rắn, kỳ bầu cử Tổng Thống ngày 3- 11 ông thắng lớn.
Phỏng
vấn trung úy TQLC Trần Ngọc Toàn, ông cho biết khi trực thăng Mỹ tới
bốc một số xác chết lính Mỹ, họ không lầy xác lính Việt. Bình Giả là một
trận Mỹ và VNCH thua lớn, có khoảng 200 lính VNCH bị giết, đây là một
cột mốc lịch sử. Mỹ không đưa quân vào Sài Gòn thì miền Nam có thể mất.
BV tiếp tục tăng cường xâm nhập. VC pháo kích phi trường trực thăng
Pleiku, giết 8 lính Mỹ và làm hàng trăm người bị thương
Tháng
2-1965, Johnson oanh tạc BV mạnh hơn từ vĩ tuyến 20 trở lên (Rolling
Thunder), tháng sau ông quyết định gửi quân tác chiến sang VNCH. Ngày
8-3-65, Thủ tướng Phan Huy Quát nói ông Bùi Diễm cho tổ chức tiếp đón
lính Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng.
Tại
Mỹ, hai tuần sau khi TQLC Mỹ vào Đà Nẵng, bắt đầu có chống đối tại các
trường Đại học, tại Washington có biểu tình 25,000 người. Chiến tranh
leo thang, Hà Nội đưa thêm quân xâm nhập, Mỹ oanh tạc BV, người chết,
một số nhà thương, trường học trúng bom, nhiều ký giả Mỹ tới VN, tổng
cộng có khoảng 200 người bị thiệt mạng. BV đưa thêm 5,000 quân chính
qui, quân đội VNCH yếu hơn, Mỹ phải vào cứu nguy.
TT
Johnson gửi 50,000 quân cho Tướng Westmoreland, ông này xin thêm 50,000
người cho tới cuối 1965. Những trận đụng độ giữa Mỹ và BV thường ở
trong rừng, địch đông hơn nhưng lính Mỹ có máy bay, pháo binh yểm trợ
nên BV thua, tổn thất nặng. Tại Chu prong BV có 634 người bị giết, hai
bên đánh nhau mấy ngày đêm, Mỹ chết 72 người. Tại trận Ia Drang, BV chết
gấp 10 lần đối phương, đây là chiến thắng của Mỹ. Chúng đổi chiến
thuật, bám sát Mỹ để họ không dám pháo yểm trợ, CS có lợi thế là họ lựa
chọn chiến trường.
Thượng
nghị sĩ Hollings tới Sài Gòn, Tướng Westmoreland nói chúng tôi giết
địch theo tỷ lệ mười đổi một (We were killing people in the rate ot ten
to one), khi ấy ông TNS Hollings cảnh báo Tướng Westmoreland hãy coi
chừng, người Mỹ không cần biết anh giết được mười tên địch mà họ chỉ
quan tâm một người lính (Mỹ) bị giết thôi (Westy, the American people
don’t care about the ten, they care about the one). Westmoreland nói sẽ
thắng trong ba năm và xin thêm 200 ngàn quân, số lính tác chiến chỉ
chiếm 20%, còn lại là yểm trợ.
Phím chấm dứt bằng một bản nhạc đệm thật hay.
Nhận xét về tập ba
Họ nói các chính phủ Sài Gòn chỉ là bù nhìn của Mỹ. Trật lất! tưởng
vậy mà không phải vậy. Cuối năm 1964, Đại sứ Taylor (đi Mỹ) được chỉ
thị của chính phủ thông báo cho chính phủ VNCH mong muốn chính trị Sài
Gòn ổn định để Hoa Kỳ có thể leo thang chiến tranh. Khi trở về Sài Gòn,
Taylor mời các Tướng trẻ VNCH lại dinh ăn tối nói cần một sự ổn định
chính trị tại miền nam. Mấy tuần sau ông mời các Tướng trẻ Thiệu, Kỳ,
Chánh Thi…lại tư dinh khiển trách về việc họ giải tán Thượng Hội Đồng
khiến các Tướng bất mãn gửi văn thư xin Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ
Tướng Hương đề nghị trục xuất Đại sứ Mỹ về nước khiến tình hình Mỹ-VNCH
căng thẳng, sau Thủ tướng Hương dàn xếp hai bên mới yên. (VNCH
1963-1967, Những Năm Xáo Trộn, Lâm Vĩnh Thế trang 97, 98).
Theo
lời kể Tiến sĩ Kissinger trong White House Years chương XXI, Đại sứ
Martin than phiền (năm 1972) với Tiến sĩ là TT Thiệu không có cảm tình
với Đại sứ Mỹ, mỗi lần Martin xin vào gặp Thiệu rất khó khăn, ông ta hẹn lần hẹn lượt.
TS
Kissinger sang Sài Gòn từ 18-22 tháng 10-1972 gặp ông Thiệu để bàn về
việc ký kết Hiệp định Paris . Trong phiên họp (không có ông Thiêu) phía
VNCH phản đối bản sơ thảo vì CSBV vẫn còn được đóng quân, ông Hoàng Đức
Nhã tranh cãi căng thẳng với Kissinger và sau đó đề nghị TT Thiệu không
tiếp TS Kissinger tối 21-10 như đã dự trù vì ông ta phản bội đồng minh,
Kissinger tức giận cãi với ông Nhã.
“Tôi là đặc phái viên của TT Hoa Kỳ, các ông không thể coi tôi như trẻ con được, tôi muốn được gặp TT Thiệu tối nay”
Nhưng ông HĐ Nhã vẫn không cho Kissinger vào gặp ông Thiệu… (Larry Berman: No Peace No Honor), ông Tiến Sĩ phải về lại Mỹ….
Trong
phim có nói năm 1963, Lê Duẩn thâu tóm quyền lực, cho bắt giam hằng
trăm đảng viên chống đối. Không đúng vì giai đoạn này tuy Lê Duẩn có
nhiều quyền hơn nhưng chưa dám lộng hành như vậy, thực ra từ 1965 trở đi khi
họ Hồ đau yếu, Duẩn mới nắm toàn quyền. Lê Đức Thọ và Trần Quốc Hoàn
(Bộ Công an) đã cho bắt giam lâu năm 300 đảng viên quan trọng từ
1967-1973 vì tội tổ chức chống đảng, chống nhà nước. Trong số 300 đảng
viên bị giam này có 30 người là đảng viên cao cấp, vụ này thể hiện tranh
chấp quyền lực trong đảng, phe diều hâu gồm Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh,
phe bồ câu gồm Trường Chinh, Giáp, HCM trung lập sau ủng hộ Duẩn
(Wikipedia tiếng Việt, Vụ Án Xét Lại Chống Đảng).
Theo
lời McNamara, Tướng Westmoreland, Tướng Ngô Quang Trưởng… nếu Mỹ không
đưa quân vào giữa năm 1965, miền Nam có thể mất vì quân chính qui BV đã
chiếm được nhiều quận của VNCH.
Những
cảnh lính TQLC Mỹ chiến đấu gian khổ trong rừng với Cộng quân đã khiến
tôi vô cùng xúc động, tôi tri ơn các chiến sĩ đồng minh đã hy sinh xương
máu để bảo vệ tự do cho miền nam VN.
Giai
đoạn này Lê Duẩn và tập đoàn hiếu chiến gặp nhiều thuận lợi, trước hết
năm 1964 Thủ tướng Nga Khrushchev ôn hòa bị lật đổ, Brezhnev hiếu chiến
lên thay giúp CSVN dồi dào về quân sự, tại miền nam TT Diệm bị đảo
chính, Hồ Chí Minh đau ốm nên đã mặc cho Lê Duẩn làm trời làm đất. Hà
Nội đưa nhiều trung đoàn chính qui vào Nam trong khi TT Johnson leo
thang chiến tranh tăng quân hơn 100 ngàn người mỗi năm.
TNS
Hollings nói với Tướng Westmoreland tại Sài Gòn: dân Mỹ không cần biết
ta giết được nhiều địch, mà chỉ quan tâm thiệt hại của ta dù là rất ít
(.. American people don’t care about the ten, they care about the one).
Người Mỹ quí trọng sinh mạng con người quá nên cũng khó mà tiến hành
chiến tranh được, thế mới thấy TT Johnson sai lầm vì không Việt Nam hóa
chiến tranh ngay từ hồi đó, vả lại trong khi phong trào phản chiến ngày
càng mạnh, ông lại áp dụng chiến tranh giới hạn, limited war chậm như
rùa nên cuối cùng đã thất bại. Trong khi CSBV khuyến khích cán binh giết
cho nhiều lính Mỹ dù phải hy sinh 10 hay trên 10 người để giết một tên
Mỹ.
Tập Bốn Resolve (tháng 1-1966 tới tháng 6-1967)
Giải quyết. Lính Mỹ nhận thấy cuộc chiến VN khác với cuộc chiến của cha ông họ trong khi phản chiến tăng dần.
Các
nước Úc, Tân Tây Lan, Đại Hàn, Phi Luật tân, Thái Lan gửi quân tham
chiến nhưng Anh, Pháp, Canada từ chối, năm 1966 có 2,344 người Mỹ tử
trận tại VN, hiện có 200 ngàn quân còn đang đưa thêm sang. Kinh nghiệm
Thế chiến thứ hai không áp dụng được ở VN.
Ông
Phan Quang Tuệ trả lời phỏng vấn chê ông Nguyễn Cao Kỳ (Thủ tương)
trình độ kém, ông Trần Ngọc Châu, dân biểu chỉ trích NC Kỳ dân ăn chơi.
Mới
đầu người Mỹ ủng hộ cuộc chiến bảo vệ quyền lợi Mỹ (tỷ lệ cao) sau họ
nghi ngờ nó không bảo vệ quyền lợi Mỹ. tháng 12-1965, TT Johnson cho
ngưng ném bom 37 ngày để tỏ thiện chí nhưng địch vẫn đánh, cuộc chiến
đầy chia rẽ, chính khách bàn ra, dân chống đối. Ngoài Bắc những kẻ chủ
hòa khi thấy chiến tranh tàn phá khốc liệt bị kết án xét lại, năm 1967
cho tới 1973 Lê Đức Thọ, Trấn Quốc Hoàn cho bắt giam 300 đảng viên (30
đảng viên là cao cấp) vì tội chống đảng nên CSVN cứ tiến đánh. .
Năm
1966 áp dụng chiến thuật tìm diệt địch (search and destroy), đây là
cuộc chiến không giới tuyến, áp dụng chính sách đếm xác. Trước đó BV
tiếp vận bằng tầu thủy sau bằng đường Miên, Lào. Mỹ đã ném 3 triệu tấn
bom xuống đường Lào, nhiều hơn số bom ném xuống Nhật, Đức hồi Đệ nhị thế
chiến một triệu tấn. Mỹ cho máy bay phun chất hóa học da cam xuống rừng
cây. Hàng ngày VC chết vì bệnh tật, tai nạn, rắn cắn, bom đạn.. nhiều
người trốn về Bắc sau bị đưa trở lại
Tại
Mỹ có biểu tình lớn, số thanh niên tình nguyện không đủ nên phải bắt
quân dịch, thập niên 1960 mới đầu chống chiến tranh vì lương tâm, đạo
đức sau chuyển qua phong trào quyền lợi riêng (shift from moral movement
to a self-interest movement) do những người không muốn đánh trận. Tháng
5-1966, người da đen chỉ có 12% dân số nhưng tỷ lệ tử thương lại cao
hơn nên họ biểu tình. Đa số dân Mỹ vẫn ủng hộ cuộc chiến. Bà Dương Văn
Mai, con một công chức cao cấp từ Hà Nội di cư vào Nam, năm 1964 lấy
chồng Mỹ, làm việc cho Mỹ, được giao phỏng vấn tù binh VC. Bà cho biết
mới đầu tưởng họ là bọn đầu trâu mặt ngựa, sau thấy họ cũng có lý tưởng
thống nhất đất nước, giải phóng dân tộc.
Lính
Mỹ được lệnh giúp dân, bắt điện, đào giếng, nói chung chiến tranh chỉ
là đánh nhỏ, lính Mỹ vào làng khám nhà thấy các bao gạo cho là để giúp
VC đem đổ đi hết vì lầm là của địch, đốt nhà tình nghi. Một ông VC nhận
xét thấy người lính Mỹ cũng đùm bọc nhau, khóc thương nhau, họ cũng có
tình thương như người VN. Tháng 5-1966, Phật giao biểu tình chống Nguyễn
Cao Kỳ tại Đà Nẵng, Huế, sau họ chống chiến tranh, chống Mỹ. Cuộc nổi
dậy bị dẹp, quân đội VNCH đánh VC nhưng cũng đánh lẫn nhau. Người lính
Mỹ luyện tập rất gian khổ, TT Johnson nói ai cũng mưốn hòa bình để đưa
quân về nước.
VC
chết nhiều lắm nhưng chúng thay thế đủ nhờ xâm nhập và tuyển quân tại
địa phương. Tham mưu trưởng liên quân đề nghị TT Johnson cho đánh qua
Miên Lào nhưng ông sợ Trung Cộng vào tham chiến. Bảo Ninh (cựu bộ đội)
phát biểu ý kiến nói Mỹ oanh tạc các vị trí BV, kho dầu khiến người
chết, nhá cửa tan nát.
Mùa
hè 1966, Trung úy Alverez (gốc Mỹ La Tinh) phi công đầu tiên bị bắn
rơi, tù binh Mỹ tại Hà Nội mới đầu được đối xử tử tế sau bị hành hạ đánh
đập, trả thù. Ngày 6 tháng 7, CSVN cho dẫn 51 tù binh đi phố để dân la ó
chửi bới. BV vận động quốc tế để xử tù binh như phạm nhân chiến tranh
nhưng khắp nơi, kể cả phản chiến đều chống đối khiến họ phải hủy bỏ.
Mỹ
oanh tạc tiếp tục, tù binh bị bắt nhiều hơn, tại miền Bắc, trẻ con cũng
được dậy bắt phi công, họ hạ thổ các kho dầu, khi cầu cống bị oanh tạc,
họ huy động dân công làm cầu dã chiến, họ phải chiếm miền Nam dù thiệt
hại, tổn thất nhân mạng bao nhiêu. Bộ trưởng quốc phòng McNamara tuyên
bố 12 tháng qua đã có kết quả, CS không thể cắt VNCH làm đôi được, ta đã
gây nhiều thiệt hại cho địch.
Bác
sĩ Benjamin Spock nói không thể thắng cuộc chiến VN, Johnson kéo dài
cuộc chiến, lính chết để ông không bị mất mặt. Ngày 4-4-1967 phong trào
phản chiến lên cao. Mục sư Luther King hô hào chấm dứt chiến tranh, stop
bombing, stop war…. chính phủ nhận định phong trào phản
chiến là do CS Nga xúi dục. Tướng Westmoreland được gọi về Mỹ, ông nói
ta sẽ thắng nếu chính phủ cho thêm 200 ngàn quân đánh qua Miên Lào, sẽ
dẹp chúng trong hai năm. TT Johnson hỏi ông Tướng nếu ta tăng thêm mấy
sư đoàn địch có thăng thêm quân không?
McNamara đề nghị thôi ném bom, rút quân.
Họ
nói tổng kết cuộc chiến có hơn 58 ngàn lính Mỹ, khoảng 250 ngàn lính
VNCH, một triệu một trăm ngàn lính BV, VC bị giết, hai triệu thường dân
chết. Đối với người Việt đó là cuộc chiến giành độc lập đổ máu. Đối với
Mỹ thì đây là thời ký chia rẽ nhất từ thời nội chiến civil war
Cựu bộ đội Bảo Ninh nói cuộc chiến không có ai thắng thua mà chỉ có tan nát đất nước
Nhận xét về tập Bốn
Giai
đoạn này (từ đầu năm 1966 tới giữa năm 1967) biểu tình chống chiến
tranh mạnh hơn, giữa năm 1965 tỷ lệ ủng hộ chiến tranh cao trên dưới
60%, dần dần vì cuộc chiến kéo dài tới giữa 1966 xuống còn khoảng 50%
(Wikipedia: Opposition to the US involvement in the Vietnam war.). Sở dĩ
như vậy vì TT Johnson và McNamara áp dụng chiến tranh giới hạn, chỉ cho
oanh tạc giới hạn ngoài Bắc, không cho đánh qua Miên Lào nên địch không
bị diệt tận gốc. Johnson chỉ đánh cho nó sợ để phải vào bàn hội nghị ký
Hiệp định ngưng bắn vì dân chống đối.
Vì
sai lầm kéo dài chiến tranh, chết nhiều lính Mỹ nên phản chiến lên cao,
năm 1965 có gần 2,000 người chết, năm sau 6, 350 người chết, năm 1967
tăng lên 11,353 người ….
Giữa
năm 1967 Hà Nội nói sẽ xử tù binh phi công như những phạm nhân chiến
tranh, TT Mỹ tuyên bố sẽ thẳng tay trừng trị thành phố Hà Nội nếu họ xử
tù binh khiến BV sợ quá phải trấn an dư luận Mỹ.
Số người tình nguyện không đủ nên phải bắt lính, chế độ quân dịch khiên thanh niên chống đối.
Sau này TT Nixon chỉ trích Johnson nói đao to búa lớn (talk big) nhưng lại hành động yếu (act litle) nên CS Hà Nội không sợ.
TT
Johnson cũng sai lầm ở chỗ giao toàn quyền cho McNamara, một người dân
sự không có kinh nghiệm quân sự bị các Tướng lãnh chống đối.
Tại
Mỹ phong trào phản chiến gây khó khăn cho chính phủ nhưng ngược lại tại
Bắc VN, phản chiến bị dẹp ngay trong trứng nước. Những năm đầu thập
niên 60, Lê Duẩn chưa hoàn toàn nắm quyền lực, nhưng từ 1965 trở đi,
phần vỉ Hồ Chí Minh đau yếu, phần vì Lê Đức Thọ đã cài đặt tay chân
trong đảng nên Duẩn nắm hết quyền lực tối cao, đẩy mạnh chiến tranh. BV
khuyến khích bộ đội giết nhiều lính Mỹ, dù phải đổi 10 cán binh hay hơn
nữa để giết một tên Mỹ để đấy mạnh phản chiến. Từ 1967 tới 1973 Thọ và
Trần Quốc Hoàn bắt giam lâu năm nhiều đảng viên quan trọng vì tội theo Chủ nghĩa xét lại (chủ hòa). Vụ án thể hiện tranh chấp quyền lực nội bộ đảng, một phe là Lê Duẩn, Nguyễn Chí Thanh, phe kia là Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp. Hồ Chí Minh lúc đầu trung lập sau ủng hộ Lê Duẩn.
Tổng
cộng có 300 đảng viên bị bắt, trong đó có 30 nhân vật cao cấp, có người
cho mục đích để hạ uy tín Tướng Giáp. (Wikipedia tiếng Việt, Vụ Án Xét Lại Chống Đảng).
Tại Mỹ và tại BV đều có biểu hiện chống chiến tranh, chủ hòa nhưng miền Bắc VN họ dập tắt ngay, còn tại Mỹ không thể dẹp phản chiến được, tìm cách lấy lòng dân nhưng thất bại.
Họ
nói đối với người Việt đây là cuộc chiến giành độc lập, thực ra đó là
lời tuyên truyền của miền Bắc, miền Nam coi đây là cuộc chiến xâm lược
của Hà Nội.
Tập Năm This is what we do (tháng 7-1967 tới tháng 12-1967)
TT Johnson leo thang chiến tranh và hứa với người dân chiến thắng gần kề.
Mùa
hè năm 1967 chính phủ vẫn lạc quan, MACV nói ta đã giết được 200,000
tên địch, Mỹ có 75,000 người vừa chết và bị thương. Trong nước kỳ thị
chủng tộc, bạo động, 50% dân Mỹ không tin tưởng Johnson. Giữa năm 1967
quân Mỹ tại VN có hơn nửa triệu trong đó chỉ 20% là tác chiến. Tại 4
vùng chiến thuật VC biết đường lối đi trong trận chiến nhưng Mỹ không
biết. BV có AK tiện hơn, rớt xuống bùn không sao, súng M-16 của Mỹ dễ
trục trặc, trở ngại.
Trong
một cuộc hành quân tại Cồn Tiên (khu Phi quân sự) tháng 7-1967, một
tiểu đoàn Mỹ Mỹ bị phục kích 59 chết, 190 bị thương , 22 chết bỏ lại xác
trong đó một số chết vì súng trở ngại.
Một cán binh BV Lỗ Khắc Tân trả lời phỏng vấn nói đã tiêu diệt hai đại đội Mỹ trong trận đánh tại gần Khu phi quân sự
Cuối
năm 1967 tại miền Nam bầu Tổng thống, ông Phan Quang Tuệ chê Thiệu, Kỳ
và kết án hai người: chúng tôi đã trả giá cho họ, ý nói họ làm hại đất
nước.
Hà
Nội mở cuộc Tổng công kích, Tổng nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Huy Đức nói
Lê Duẩn tin tưởng sẽ thắng lớn, ông ta cho in tiền để đem vào Sài Gòn,
may quần áo cảnh phục cho cảnh sát để tiếp thu Sài Gòn, tin tưởng người
dân miền Nam sẽ nổi dậy, con cá đầy trứng trong bụng nó sẽ nở ra. Thời
gian này phe Lê Duẩn cho bắt giam những người chủ hòa gán cho tội chống
đảng. Huy Đức nói hồi Mậu Thân thanh niên hừng hực khí thế lên đường vào
Nam nhưng không ai nghĩ rằng sẽ không có ngày về.
Trước
khi xẩy ra cuộc Tổng công kích ông Hồ Chí Minh đi Tầu, Võ Nguyên Giáp
đi Hungary trị bệnh, tính tới nay đã có hơn 20,00 lính Mỹ chết ở VN .
Cuộc
chiến VN là lần đầu tiên xử dụng trực thăng vận. Năm 1968 là một khúc
quành trong cuộc chiến VN, chính phủ Johnson hứa chiến thắng sắp tới
trong khi nước Mỹ chia rẽ, biểu tình đánh lộn.
Nhận xét về tập Năm
Ông
Phan Quang Tuệ lên án hai ông Thiệu, Kỳ làm hại đất nước nhưng dù có
khuyết điểm, họ đã ra sức bảo vệ miền Nam cho người dân, được sống yên
lành, trong đó có ông Tuệ
Từ
giữa tới cuối năm 1967, mặc dù chính phủ Johnson lạc quan tin tưởng,
Tướng Westmoreland nói VC đã bị đánh bại, miền Nam đã được bình định
nhưng tỷ lệ ủng hộ cuộc chiến giảm chỉ còn 48 hoặc dưới 48%.
Theo
lời Huy Đức, Bí thư Lê Duẩn tưởng chắc ăn như bắp, đã chuẩn bị sẵn đưa
cảnh sát vào tiếp thu Sài Gòn và các thành phố lớn, sự thật này cho thấy
hiểu biết của Duẩn thấp kém như thế nào, người dân miền Nam khiếp sợ CS
như beo cọp lại nổi dậy chiếm thành phố lớn cho họ?
Lê
Duẩn đánh giá quá thấp lực lượng Mỹ và VNCH trong khi VC chỉ có súng cá
nhân, không có vũ khí nặng như đại bác, súng cối, xe tăng … phải đương
đầu với đối phương được trang bị tối đa.
Trận
Mậu Thân là một khúc quành trong chiến tranh VN, Mỹ-VNCH đánh thắng một
trận lớn nhưng thua cuộc chiến vì tâm lý đã đổi chiều trong lòng nước
Mỹ
Tập Sáu Thing Fall Apart (tháng 1-1968 tới tháng 7-1968)
Tan rã. Xúc động bởi trận Têt Mậu thân, nước Mỹ xáo trộn, chết người, đất nước như rã từng mảnh
Tướng
Westmoraland nói chúng ta thắng, có biến chuyển, Lê Duẩn hứa với cán
binh khi chúng ta tấn công quần chúng sẽ nổi dậy, sau đó quân ta chiếm
các tỉnh thành, Mỹ sẽ phải rút bỏ. Cộng quân lén mang súng trong các xe
hàng, lớn nhỏ vào Sài Gòn, cán binh cải trang thành thường dân. Tướng
Weastmoreland biết chúng sẽ đánh trước Tết, ông tin BV sẽ đánh Khe Sanh,
ngày 21-1 chúng pháo Khe Sanh đang bị bao vây, TT Johnson nói ông không
muốn Khe Sanh là một Điện Biên Phủ. Thực ra chúng vờ pháo Khe Sanh để
đánh lạc hướng cuộc Tổng công kích. Theo Huy Đức, nhiều cán binh CS khi
rời bỏ mật khu để về giải phóng thành phố lớn, họ đốt doanh trại vì tin
chắc lần này thắng lợi không còn trở lại bưng.
Địch
đánh túa vào Sài Gòn bằng những cuộc tấn công lớn, VNCH phản công, VC
đánh tòa Đại sứ bị bắn hạ gần hết, đây là trận thí quân kinh hoàng nhất,
một cán binh nói có khoảng 600 người được đưa vào, chết một nửa (300),
bị bắt 100. Tại nhiều nơi VC đốt nhà dân để chạy. Nhiều hình ảnh chiến
trận Huế rất sống động, (qua các trận trong thành phố người ta thấy cảnh
lính Mỹ tác chiên nhiều hơn VNCH), thật đau lòng thấy cảnh một thành
phố đẹp bị bắn tan nát.
Quân
BV, VC bị vây hãm trong thành phố Huế, chúng mở đường máu, sau khi trụ
được 26 ngày đêm, 6,000 người dân chết tại đây, trong số 135 ngàn dân có
110 ngàn người mất nhà cửa (90%). Họ tàn sát ít nhất là 2,800 người khi
rút đi, Hà Nội chối bỏ, một cựu cán binh nói cuộc thảm sát nhằm công
chức, quân nhân VNCH nhưng cũng có thể giết lầm thường dân. Lê Duẩn tin
là lính VNCH tan rã sẽ nhập vào với họ, ông ta tin vào nhân dân nổi dậy.
Võ Nguyên Giáp chống kế hoạch ngay từ đầu, Huy Đức công nhận có nhiều sĩ quan CS cao cấp ra hàng, các đại đội, đơn
vị tan rã, hơn 58,000 người bị giết, vừa bằng số lính Mỹ chết tại miền
Nam, phía VNCH có gần 5,000 người tử trận. Sau Mậu Thân, Tướng
Westmoreland xin thêm 200,000 quân. Các nhà chính khách kinh nghiệm
(Wisemen) khuyên Johnson cần rút bỏ cuộc chiến không thể thắng được, TT
Johnson chán nản. 63% dân Mỹ không đồng ý với chính sách quân sự của
Johnson, cuối tháng 3-1968 ông quyết định không ra tranh cử Tổng thống
cuối năm.
Biểu
tình chống chiến tranh dữ dội, có sô sát nhau, chia rẽ chưa từng thấy
từ thời nội chiến Civil war, các thành phố lớn London, Paris, Berlin…
biểu tình khiến thế giới như tan rã. Lần đầu tiên CSBV chịu đàm phán tại
Paris , chúng vừa đánh vừa đàm, BV, VC thảm bại, người Mỹ mất 2500
người.
Nhận xét về tập Sáu
Tập
này chiếu nhiều cảnh chiến trận tại Sài Gòn, Huế trong Cuộc Tổng công
kích. Các trận đánh rất ác liệt, hấp dẫn sống động, có lẽ phim này đầy
đủ và linh hoạt lôi cuốn nhất trong các phim tài liệu về Mậu Thân. Theo
lời kể của Huy Đức, Lê Duẩn tin tưởng chắc thắng nhờ quần chúng nổi dậy
cùng các chiến sĩ cách mạng chiếm các thành phố, ông ta đã cho may sẵn
cảnh phục và chuẩn bị đưa cảnh sát vào giữ an ninh khi chiếm được thành
phố, điên khùng đến thế.
Võ
Nguyên Giáp từ lâu với cái nhìn chuyên nghiệp về chiến trận không bao
giờ đồng ý với kế hoạch xuẩn động của Duẩn. Trong số 84,000 người được
đưa vào trận đánh có hơn 58 ngàn bị giết, gần 10 ngàn bị bắt làm tù binh, chưa tới 20% chạy thoát. Tại
Sài Gòn tỷ lệ tổn thất của VC là 10 đổi một so với VNCH, có khi cao hơn
thế vì cán binh VC, BV vào thành phố y như chim chích vào rừng. Đám này
phần nhiều thanh niên còn nhỏ, không có kinh nghiệm tác chiến bị bắn hạ
khắp nơi.
Cựu
bộ đội Nguyễn Ngọc công nhận họ có tàn sát tù binh địch gồm quân nhân
công chức vì sợ khi rút ra sẽ bị chỉ điểm, trong số những người bị giết
có nhiều người thường dân chết oan. Ông ta nói lệnh tàn sát không biết
từ đâu tới, như vậy có lệnh từ trên chứ không phải sai lầm của du kích
như xác nhận của các cán bộ VC sau 1975. Trong phim nói có hơn 2,800
người bị VC sát hại, thực ra con số cao hơn, vào khoảng trên 5,000 người
(sau khi các mồ chôn tập thể do VC để lại đã được khai quật). Từ sau
Mậu Thân 68, người dân miền Nam quá sợ hãi CS, họ bỏ chạy khi nghe tin
quân địch tới. Thập niên 80, một cựu sĩ quan BV nói sở dĩ có cuộc tàn
sát tại Huế vì CS thua đau, tức giận trả thù. Cũng có người cho là người
dân không nổi dậy còn bỏ trốn Cộng quân nên họ trả thù.
Trong
phim, họ nói địch lẻn vào Sài Gòn rất đông, sự thực tại các mục tiêu
chính như Bộ Tổng tham mưu, Dinh Độc Lập, Tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tư lệnh Hải
quân … lực lượng địch chỉ một hoặc hai tiểu đội thôi. Tại Bộ Tư Lệnh Hải
quân bến Bạch Đằng, VC chỉ có 10 tên đặc công đột nhập vào đã bị tiêu
diệt ngay mặc dù họ có yếu tố bất ngờ. Các trận đánh cấp tiều đoàn hoặc
đông hơn thế phần nhiều ở ngoại ô.
CS
hoàn toàn thất bại về mặt quân sự, số cán binh đưa vào cuộc Tổng công
kích bị giết gần hết, cơ sở nằm vùng bị bại lộ, quần chúng không nổi dậy
mà còn chỉ điểm cho quân đội cảnh sát những nơi Cộng quân ẩn nấp. Ông
Cao Văn Viên nói (Những Ngày Cuối VNCH) sau trận này là cơ hội thuận lợi
nhất cho Mỹ-VNCH để tận diệt VC và CSBV tại miền Nam . Nhưng cơ hội tốt
đâu chẳng thấy chỉ toàn là bất lợi, truyền thông Mỹ đã thổi phồng thắng
lợi của đối phương, hô hào chống chiến tranh để yêu cầu chính phủ rút
bỏ Đông Dương.
Hoa
Kỳ bị chia rẽ, phân hóa sau trận Tết Mậu Thân, các nước Tây phương vừa
núp dưới cây dù nguyên tử Mỹ vừa chống Mỹ. Người dân không tin tưởng có
thể thắng địch, số ủng hộ tụt giảm nhanh, đây là khúc quành bi thảm cho
số phận Đông Dương khi Mỹ chuẩn bị đàm phán rồi rút bỏ vì phản chiến lên
rất cao.
(còn tiếp)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét