Hiến pháp, trên thực tế và nói cho cùng, còn là một khế ước chính trị giữa người dân và chính quyền đã được các vị dân cử thảo luận và biểu quyết tại Quốc hội. Tính “cưỡng hành” (enforcement) của Hiến pháp có tính chính trị (nhiều hơn là Luật pháp) mà ở đây là quyền lực chính trị. (Ví dụ điều 3 của Hiến pháp 1956 xác định “Tổng thống lãnh đạo Quốc gia” như điều 4 của Hiến pháp 1992 của Hà Nội xác định “Đảng Cộng sản Việt Nam,... là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”). Vậy, phê bình chế độ chính trị của chính quyền Ngô Đình Diệm thì không thể không đem Hiến pháp ra mà mổ xẻ. Và sau khi phê bình Hiến pháp 1956, không thể không đối chiếu với thực tế chính trị, mà đó mới là điều quan trọng, của chế độ nầy sau 7 năm cầm quyền kể từ ngày Hiến pháp được ban hành (1956-1963).
Thật vậy, muốn xem một hiến pháp là dân chủ hay độc tài, hai đề mục cần được quan tâm nhất là: Quyền lực quốc gia, qua cơ cấu và cách vận hành bộ máy chính quyền, xem thuộc về ai; và Quyền hành của công dân được công nhận và quy định như thế nào?
Hiến pháp Đệ nhất Cộng hòa, trong thiên “Điều khoản Căn bản”, điều 2, viết rằng “Chủ quyền thuộc về toàn dân” nhưng ngay đoạn 3, điều 3 thì lại xác định “Tổng thống lãnh đạo quốc dân” [4], nghĩa là tách rời hai ý niệm “chủ quyền” và “quyền lực” ra khỏi nhau. Làm sao nhân dân có thể làm chủ được quốc gia khi Tổng thống - chứ không phải họ - lãnh đạo quốc dân?, dù “quốc dân ủy nhiệm vụ hành pháp cho Tổng thống dân cử và nhiệm vụ lập pháp cho quốc hội cũng do dân cử” (điều 3, đoạn 1). Mà “ủy” theo bản dịch Pháp văn chính thức [5] lại có nghĩa là “phong” (investir) tức là trao toàn quyền. Một cách thực tế, cứ 5 năm, người dân cầm lá phiếu để “phong” một ông Tổng thống để cai trị mình rồi trở về không còn tham dự gì vào quyền lực quốc gia nữa (như dùng quyền truất phế - impeachment – Tổng thống thông qua người đại diện của mình ở Quốc hội chẳng hạn …) . Như ta sẽ thấy rõ trong bản Hiến pháp ở các mục sau, cũng như trên thực tế của 7 năm cai trị, Tổng thống Diệm tập trung trong tay những quyền hành “hợp hiến” to lớn mà Quốc hội chỉ là một bộ phận phụ thuộc được dùng để luật hóa các quyết định chính trị của hành pháp mà thôi. Cũng do đó, tinh thần Tam quyền Phân lập cơ bản được đề ra trong Hiến pháp chỉ còn là chiêu bài xảo trá để đánh bóng cho chế độ mà thôi.
Chủ quyền thuôc về toàn dân và Tổng thống lãnh đạo quốc dân nghe không khác gì Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ... của Hiến pháp Cộng Sản 1992 hiện nay tại Việt Nam. Điểm khác biệt đáng nói là Cộng Sản tập trung quyền lực vào một chính trị bộ 15 người còn hiến pháp 1956 của đệ nhất Cọng hòa thì tập trung quyền lực vào một Tổng thống Diệm (hay một gia đình, cho đúng với thực tế). Nguyên tắc chủ quyền đã bị chà đạp như thế, đến quan niệm “toàn dân” thì lại càng mơ hồ hơn nữa. Bản dịch tiếng Pháp đăng trên công báo là “Chủ quyền thuộc về toàn thể quốc dân” và chữ “quốc dân” này còn được dùng nhiều lần trong Hiến pháp.
“Quốc dân”, theo lý thuyết dân chủ Tây Âu mà hiến pháp 1956 mô phỏng (vì ông Nhu chịu nhiều ảnh hưởng của Tây hơn của Mỹ), là một tập thể trừu tượng không những bao gồm thế hệ hiện tại mà còn cả các thế hệ đã qua và sau này nữa, nó là một “pháp nhân khác biệt với những cá nhân hợp thành quốc gia” [6] và luật có thể ấn định những điều kiện để hành xử chức năng “quốc dân” đó như điều 18 đã quy định rằng “quyền bầu cử và ứng cử phải theo thể thức và điều kiện luật định” hoặc điều 50 xác định rằng phải hội “đủ các điều kiện khác dự liệu trong luật tuyển cử”.
Vì quốc dân (national Vietnamien, Vietnamese national) không phải là nhân dân (peuple Vietnamien, Vietnamese people) nên ngay cả cái chủ quyền mà người dân miền Nam được nắm giữ một cách trừu tượng ở phần đầu của Hiến pháp thật ra cũng chỉ là một thứ chủ quyền lý thuyết trên giấy tờ mà thôi.
Như vậy, hai nguyên lý căn bản nhất làm cơ sở chỉ đạo cho hiến pháp 1956 là Chủ quyền của ai và Ai lãnh đạo đã nói lên rất rõ ý đồ của ông Ngô Đình Nhu muốn tập trung quyền lực vào một cá nhân Tổng thống để có thể cai trị một cách độc tài, phản dân chủ. Cho nên ta không lấy làm ngạc nhiên khi thấy quyền Hành pháp của Tổng thống chẳng những đã lấn át quyền của Quốc hội mà có khi còn bao gồm cả tính Lập pháp nữa.
Thật vậy, Tổng thống có quyền bổ nhiệm và cách chức tất cảcác công chức dân và quân sự (điều 37), nghĩa là một vị quận trưởng hay một trung úy đại đội trưởng cũng có thể bị ông Diệm, từ dinh Độc Lập, trực tiếp ra lệng miệng cách chức mà không cần thông qua một quy trình của Bộ Nội vụ hoặc bộ Quốc phòng; bổ nhiệm các sứ thần (điều 35), là tổng tư lệnh tối cao của quân đội (điều 37); có quyền ân xá, ân giảm, hoán cải hình phạt, huyền án (điều 37); ký kết, phê chuẩn các hiệp định quốc tế, thay mặt quốc gia trong việc giao thiệp với ngoại quốc (điều 35), tuyên chiến và ký kết hòa ước với sự thỏa thuận của chỉ một nửa túc số quốc hội (điều 36); tuyên bố tình trạng khẩn cấp báo động, giới nghiêm (điều 44); tổ chức trưng cầu dân ý (điều 40). Và vì các vị thẩm phán tối cao đều do Tổng thống bổ nhiệm (và, khác với Hiến pháp Mỹ, bị xem như một công chức nên có thể bị Tổng thống cách chức) nên trên thực tế Tổng thống chẳng những đã trực tiếp nắm gần hết mọi cơ cấu của Hành pháp từ cấp Bộ trưởng, Tướng lãnh cho đến nhân viên hốt rác, anh binh nhì … mà còn có khả năng khuynh loát và điều động Tư pháp nữa.
Quyền Lập pháp dù nói là thuộc về Quốc hội (điều 55) nhưng trên thực tế Tổng thống cũng có quyền làm luật. Tuy nhiên, trong khi quyền làm luật của Tổng thống được bảo đảm là bất khả xâm phạm thì ngược lại, quyền làm luật của Quốc Hội có thể bị Tổng thống khống chế. Thật vậy, ngoài cái quyền đương nhiên được chuyển dự thảo ra Quốc hội (để hầu hết) được phê chuẩn nhanh chóng (điều 56), hiến pháp 1956 còn cho phép Tổng thống, vì lý do khẩn cấp, có quyền ban hành sắc luật giữa hai khóa họp Quốc hội (điều 41), hoặc trong “tình trạng khẩn cấp, chiến tranh, nổi loạn, khủng hoảng kinh tế hoặc tài chính”, Tổng thống có thể được Quốc hội ủy quyền ra sắc luật thường xuyên (điều 41). Điều khôi hài là chỉ có Tổng thống mới được nhận định và tuyên bố trong trường hợp nào thì tình trạng trở thành khẩn cấp (điều 44).
Vì ngân sách là sức mạnh huyết mạch của chế độ nên ông Ngô Đình Nhu đã duy trì cho được điều 43 của Hiến pháp để đề phòng đối lập có thể làm tê liệt chính quyền. Điều 43 viết rằng “trong trường hợp ngân sách không được Quốc hội chung quyết trong thời hạn ấn định ở điều 60 thì Tổng thống có quyền ký sắc luật ngân sách cho tài khóa sau” và “nếu về sau Quốc hội có bác bỏ hoặc sửa đổi những điều khoản của sắc luật ngân sách thì Quốc hội phải giải quyết các hậu quả gây nên do việc bác bỏ hoặc sửa đổi”. Thật chưa có một hiến pháp hiện đại nào có lối văn vừa cảnh cáo vừa đe dọa quốc hội (tức là người đại diện của dân) quái đản như điều 43 này!
Cũng trong hiến pháp này, về thể thức biểu quyết của Quốc hội, “một dự án hoặc dự thảo luật được Quốc hội chấp thuận chỉ có giá trị nếu hội đủ túc số 1/3 tổng số dân biểu” (điều 69). Quy định “đa số 2/3 phục tùng thiểu số 1/3” phản dân chủ này chỉ có thể giải thích bằng ý đồ chính trị đen tối của ông Nhu muốn đề phòng trường hợp tổng số dân biểu gia nô của mình bị trở thành thiểu số trong Quốc hội. Nhưng trong khi Quốc hội “dễ dãi” với Tổng thống như thế thì ngược lại khi Tổng thống phủ quyết một đạo luật của lập pháp, Quốc hội phải hội đủ túc số 3/4 khó khăn mới được tái thông qua. Mà 3/4 này phải “minh danh đầu phiếu” (điều 58) để Tổng thống điểm mặt xem ai đã dám chống lại quyền phủ quyết của mình!
Ngoài ra Tổng thống có quyền đình chỉ việc áp dụng một hoặc nhiều đạo luật trong những vùng mà Tổng thống tuyên bố tình trạng khẩn cấp (điều 44). Một viện Bảo hiến có được quy định để nghiên cứu và quyết định xem các điều khoản có bất hợp hiến không, nhưng viện này gồm 9 người thì vị chủ tịch và 4 thẩm phán hay luật gia đã do Tổng thống bổ nhiệm rồi (điều 86). Cuối cùng, Tổng thống có quyền đề nghị sửa đổi hiến pháp (điều 90) và Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp phải “tham khảo ý kiến” không những của Viện Bảo hiến (bù nhìn) rồi mà còn của cả Tổng thống nữa (điều 91).
Tóm lại, theo Hiến pháp 1956 này, cái Hiến pháp đã làm bình phong dân chủ cho chế độ Ngô Đình Diệm suốt 7 năm, thì Tổng thống có đầy đủ quyền lực để triệt tiêu hoặc làm tê liệt các đạo luật nào mà mình không vừa ý cũng như để ban hành và thi hành các đạo luật nào có lợi cho mình.
Nếu Tổng thống đã khống chế Quốc hội như vậy, thì ngược lại Quốc hội có quyền gì đối với Tổng thống không ? Tổng thống không bắt buộc phải điều trần trước Quốc hội, không chịu trách nhiệm trước Quốc hội và không thể bị Quốc hội bất tín nhiệm để lật đổ. Tổng thống tiếp xúc với Quốc hội “bằng thông điệp” và nếu muốn “có thể dự các phiên họp của Quốc hội”, cũng như chỉ “khi thấy cần, Tổng thống thông báo cho Quốc hội biết tình hình Quốc gia” (điều 39).
Qua những điều kể trên, ta thấy rõ rằng khi thiết kế ra Hiến pháp này, quả thật ông Nhu đã muốn cho anh mình trở thành một thứ Đế vương phong kiến với những hình thức và ngôn ngữ có vẻ dân chủ tự do... Chính ông Ngô Đình Diệm cũng đã công khai bày tỏ sự tán đồng nội dung của bản Hiến pháp này trong bài phỏng vấn của nhật báo Pháp Le Figaro số ra ngày 23 và 24 tháng 3 năm 1959: “Cần phải nhớ lại quá khứ của chúng tôi. Chế độ chính trị ở Việt Nam thời nào cũng vậy, đã thành lập trên nguyên tắc điều khiển việc nước không phải do những đại biểu của quốc dân mà do những ông vua có những tể tướng sáng suốt phụ tá... Chúng tôi phải lập lại ở Việt Nam hệ thống luân lý như ngày xưa” [7] Ông Nhu đúng là vị “tể tướng sáng suốt” đã sơn son thếp vàng cho ông vua Ngô Đình Diệm phong kiến của thời đại quân chủ lên làm nguyên thủ của nước Việt Nam Cộng hòa theo Tổng thống chế, để xây dựng tự do dân chủ cho miền Nam chống Cộng! Trách gì dân miền Nam chẳng rủ nhau theo Việt Cọng.
Le Roi (Bảo Đại) est mort. Vive le Roi (Ngô Đình Diệm) !
Phát xuất từ quan niệm cơ bản rằng chỉ cần một chính quyền mạnh (trong nghĩa bạo lực quân sự hoặc bạo lực chính trị) là chế độ có thể tồn tại vững bền, Hiến pháp 1956 đã nhân danh chủ nghĩa chống Cộng để kiểm soát và giới hạn tối đa mọi quyền tự do và dân chủ của người dân. Quan niệm này không đếm xỉa đến nhân dân như là sức mạnh trụ cột và trường kỳ của miền Nam Việt Nam, cũng như không đếm xỉa đến sinh hoạt dân chủ như là vũ khí hữu hiệu nhất để đối kháng với kẻ thù.
Thật vậy, sau khi đã mở đầu Hiến pháp với một mớ từ ngữ ma quái trong triết lý Duy linh và sau khi đã bắt buộc phải xác định một cách không thể tránh được những nguyên lý căn bản mà Hiến pháp nào (kể cả Hiến pháp Cộng sản) cũng phải đề ra như “quốc gia công nhận và bảo đảm những quyền căn bản của con người” (điều 5), “mọi người dân đều có quyền sinh sống tự do và an toàn” (điều 9), thì đến lúc đi vào từng chi tiết cụ thể của từng sinh hoạt của người dân, mọi điều đưa ra cho có vẻ tự do dân chủ đều bị giới hạn lại ngay bằng một điều khác liền.
Hiến pháp xác định “quyền tự do nghiệp đoàn và quyền đình công được công nhận” nhưng điều 25 ngay sau đó lại nói rằng việc sử dụng các quyền này phải “theo những thể thức và điều kiện luật định” (Luật định như Dụ số 23 về việc thành lập Nghiệp đoàn bắt phải nộp điều lệ để chính quyền cứu xét và quyết định, nhưng Dụ này lại không định ra một giới hạn nào cả về thời gian cứu xét). Hiến pháp cũng xác định có quyền đình công nhưng cũng ngay trong điều 25 đó thì “quyền đình công không được thừa nhận đối với nhân viên và công nhân trong các ngành hoạt động liên quan đến quốc phòng, an ninh công cộng hoặc các nhu cầu thiết yếu của đời sống tập thể” nhưng lại không có một văn kiện “luật định” nào giải thích rõ ràng các ngành đó cả mà chỉ do Tổng thống hoặc chính quyền xác định lấy.
Cũng vậy, nói rằng “tính cách riêng tư của thư tín không thể bị xâm phạm” nhưng lại thêm “trừ khi cần bảo vệ an ninh công cộng hay duy trì trật tự chung” (điều 12); cho người dân có quyền “tự do đi lại và cư ngụ” rồi lại thêm ngoại trừ trường hợp “luật pháp ngăn cản vì duyên cớ vệ sinh hay an ninh công cộng”; xác định người dân có quyền “tự do xuất ngoại” nhưng trừ “trường hợp luật pháp hạn chế vì lý do an ninh, quốc phòng, kinh tế, tài chánh hay lợi ích công cộng” (điều 13); nói rằng có quyền “tự do hội họp và lập hội” nhưng giới hạn “trong khuôn khổ luật định” (điều 15); Hiến pháp cũng công nhận là “chỉ có thể bắt giam người khi có câu phiếu của cơ quan có thẩm quyền” mà lại không xác định “cơ quan có thẩm quyền” là những cơ quan nào cho nên sau này có rất nhiều cơ quan mật vụ an ninh chìm nổi của ông Nhu, ông Cẩn, không nằm trong hệ thống của Bộ Tư pháp mà vẫn có quyền bắt người dù có hoặc không có trát tòa.
Nói chung, để kiểm soát và bóp nghẹt quyền của người dân, Hiến pháp 1956 đã tung ra một mớ gươm Damoclès treo trên đầu người dân với những từ ngữ mà chính quyền muốn giải thích như thế nào cũng được như “điều kiện luật định, lý do quốc phòng, an ninh công cộng, an toàn chung, trật tự chung, lợi ích công cộng, đạo lý công cộng...” Và để bảo đảm tối đa sự kiểm soát này, Hiến pháp còn nâng chủ trương nầy lên thành nguyên tắc tổng quát trong điều 28: “quyền của mỗi người đều được xử dụng theo những thể thức và điều kiện luật định”. Điều 28 quỷ quyệt này đóng kín một cách hoàn toàn và vĩnh viễn tất cả mọi hy vọng của người dân về một sinh hoạt dân chủ và an toàn cá nhân dưới chế độ, đồng thời trao lại một cách hoàn toàn và vĩnh viễn quyền sinh sát vào tay một thiểu số gia đình họ Ngô đang nắm quyền lực trong tay.
Theo Wikipedia thì :
Điều đáng ghi nhận là nền tảng của bản hiến pháp nêu ra ba khía cạnh: "văn minh Việt Nam", "duy linh", và "giá trị con người" như ghi rõ trong lời mở đầu. Vì văn bản ghi là dân tộc có "sứ mệnh" trước "Đấng Tạo hóa" nên có người cho rằng đây chứng minh sự thiên vị của chính quyền với Thiên Chúa giáo trong khi các tôn giáo khác không được đề cập đến.”
■ Luật gia Nguyễn Hữu Châu, giáo sư đại học Luật khoa Paris, nguyên Bộ trưởng Bộ Phủ Thủ tướng năm 1957 và 1958 đã có những phán xét không tốt đẹp gì cho Hiến pháp Nhân Vị 1956 của Đệ nhất Cộng hòa. Trong Luận án Cao học Luật khoa (Mémoire DES, 1960) ông Nguyễn Hữu Châu sau khi phân tách từng chương từng mục đã kết luận rằng:
Do đó mà cái ý niệm về lãnh đạo (leadership) được trình bày trong bản dịch chính thức của Hiến pháp Việt Nam Cộng hòa không có cái ý nghĩa mà các nhà Xã hội học Mỹ trao gửi lúc đầu” [8].
Tuy nhiên trong phần “Mở đầu” của Hiến pháp, đã có một đoạn phản chiếu của một sự thiên vị Thiên Chúa giáo khá rõ rệt như sau:
“Ý thức rằng nước ta ở trên con đường giao thông và di dân quốc tế, dân tộc ta sẵn sàng tiếp nhận các trào lưu tư tưỡng tiến bộ để hoàn thành sứ mệnh trước Đấng Tạo Hóa và trước nhân loại là xây dựng một nền văn minh nhân bản và phát triễn con người toàn diện....”
Trong đoạn văn trích dẫn này, phần mở đầu của Hiến pháp 1956 đã đề cập đến sứ mạng trước Đấng Tạo Hóa, tức là trước Đức Chúa trời trong Thiên Chúa giáo, mà không đề cập tới các tôn giáo khác.
Đoạn văn này đã đượm sắc thái thiên vị Thiên Chúa giáo. Vô tình hay cố ý, đoạn văn này đã tạo cho Thiên Chúa giáo một địa vị ưu đãi đặc biệt tại Việt Nam vì Hiến pháp 1956 nói rõ là nhằm mục đích hoàn thành sứ mạng trước Chúa tức là Đấng Tạo hóa đã tạo dựng ra trời đất và vạn vật theo như Thánh kinh của Thiên Chúa giáo đã chép.[9]
Một sự tập trung quá mức quyền hành cùng sự thủ tiêu đối lập và sự hiện diện của một chính đảng duy nhất đã đưa chế độ Ngô Đình Diệm lần lần đi đến một chế độ quyền hành cá nhân áp dụng những phương tiện chuyên chế mà tiếng súng ngày 1-11-1963 đã đưa vào dĩ vãng. ”
Thật vậy, trừ vài năm đầu, lúc mà bộ máy của chế độ đang trong giai đoạn cũng cố và người dân còn cọng tác để cùng ông Diệm xây dựng miền Nam, còn kể từ năm 1959, khi những công cụ đàn áp khũng khiếp như Đảng Cần Lao, Lực lượng Đặc biệt (của ông Ngô Đình Nhu do Lê Quang Tung chỉ huy), Đoàn Công tác Đặc biệt miền Trung (của ông Ngô Đình Cẩn), Sỡ Nghiện cứu Chính trị Xã hội (của bác sĩ Trần Kim Tuyến), và sáu cơ quan an ninh, công an, mật vụ … đã được cũng cố như thiên la địa võng chụp xuống miền Nam, thì Hiến pháp 1956 trở thành tờ giấy lộn và Quốc hội Lập pháp trở thành một bầy gia nô để “hợp pháp” hóa lệnh của phủ Tổng thống mà thôi . Từ đó, chế độ Diệm đã hiện hình trọn vẹn là một chế độ dộc tài.
Muốn biết một chế độ, bất kỳ chế độ có tên gọi là gì, có độc tài hay không, ta chỉ cần đơn giản trả lời ba câu hỏi rất cụ thể, dễ kiểm chứng, và bất khả phản bác sau đây:
► Nhật báo Tự Do của các ông Nguyễn Hoạt (Hiếu Chân), Lưu Đức Sinh (Mặc Thu), Lê Văn Tiến (Như Phong), Tam Lang (Vũ Đình Chí) ... lúc đầu là diễn đàn chống Cọng sâu sắc và hiệu quả nhất nhưng cuối cùng cũng không thể hợp tác được với chế độ Diệm. Số Xuân Tự Do năm Canh Tý (1960), vì in hình bìa của họa sĩ Phạm Tăng vẽ 5 con chuột (vừa tượng trưng cho tuổi Tý của ông Diệm vừa tiêu biểu cho 4 anh em Ngô Đình và bà Nhu) đang gậm nhắm đục khoét trái dưa hấu (tượng trưng cho miền Nam) nên báo bị đóng cửa và các ký giả thì đi tù.
► Nhà báo Vũ Bằng mô tả tình trạng làm báo dưới chế độ Diệm trong tác phẩm nổi tiếng “Bốn Mươi Năm Nói Láo” (Cơ sở Xuất Bản Sống Mới – Sài Gòn – 1969, trang 204 đến 263) như sau:
… ông Nhu và vợ đặt ở các văn phòng các đường phố một số mật báo viên , có nhiệm vụ báo cáo những phần tử chỉ trích chánh phủ; ngoài ra theo dõi hành động của các tờ báo khác, hồ thấy viết một câu nào xa xôi, xách mé bóng gió thì đóng cửa vĩnh viễn, còn ký giả nào bướng bỉnh, không quy phục thì chụp cái nón cối Cọng sản lên đầu, cho xuống hầm tối để không bao giờ lên được đất liền nữa, hoặc có lên được cũng mù loà, què quặt, bán thân bất toại.
… Không khí làng báo lúc ấy thực đìu hiu, tẻ lạnh. Mỗi buổi sáng, người làm báo nhận được những cú điện thoại cho biết phải tránh những tin gì không được nói, những lời tuyên bố nào của ông Diệm, bà Nhu phải làm to; thậm chí lại có khi buộc phải đưa câu nói này của bà Nhu lên làm vơ-đét tám cột, diễn văn kia của ông Diệm năm cột và kèm theo thật nhiều tranh ảnh.
… Báo nào mới ra đời cũng la thét ghê gớm lắm: nào dám nói, dám làm, dám chửi; nào phục vụ nhân dân, đứng hẳn về phiá đối lập, đòi công bằng xã hội, tranh đấu cho đồng bào có cơm no áo ấm; nào quét sạch thối tha, nhơ bẩn, dám làm, dám chết…nhưng rút cục trong một chính thể độc tài, nô lệ, dân chủ ngụy tạo như chính thể nhà Ngô, chẳng có một tờ báo nào thoát được ra ngoài quỹ đạo của chế độ Ngô Đình Diệm.
Cách mạng 1/11/1963 là cơ hội duy nhất để chúng ta thoát khỏi cảnh huống bồi bút phi cầm phi thú, cơ hội duy nhất để chúng ta trở lại làm người đã tới... Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi văn nghệ sĩ, bằng máu và nước mắt, mồ hôi mà trong chín năm qua bè lũ họ Ngô đã làm hoen ố...
Chính vì chế độ độc tài đó đã kềm hảm, thậm chí còn tiêu diệt, sức mạnh phát triển quốc gia để đối đầu với miền Bắc, lại chẳng đem lại ấm no và tự do cho đồng bào miền Nam, nên chỉ trong 7 năm cầm quyền (từ khi ông Diệm làm tổng thống vào tháng 10/1956 đến khi chế độ của ông sụp đổ vào tháng 11/1963), người dân miền Nam đã 7 lần chống đối lại chế độ của ông:
1- Tháng 2/1957, hàng giáo phẩm Cao Đài đã ủng hộ cho một tín đồ tên là Hà Minh Trí mưu sát ông Diệm tại Hội chợ Xuân Tây Nguyên ở thành phố Ban Mê Thuột, với lý do là để trả thù cho tướng Trình Minh Thế và cho tín đồ Cao Đài bị đàn áp khiến Hộ pháp Phạm Công Tắc phải tị nạn qua Cam Bốt. Súng bị két đạn, mưu sát không thành, ông Hà Minh Trí bị cầm tù đến sau 1963 mới được thả ra. Nhưng cũng từ sau vụ mưu sát đó, trong mỗi bài diễn văn, ông Diệm lại dùng câu “Xin Ơn Trên che chở cho chúng ta” [Que Dieu nous protège!] để kết bài.
Nhiều tài liệu và nhân chứng cho rằng ông Ngô Đình Nhu đã ra lệnh thủ tiêu Tướng Cao Đài Trình Minh Thế
|
Tín đồ Cao Đài Hà Minh Trí bị bắt tại Hội chợ Cao Nguyên năm 1957 sau vụ mưu sát ông Diệm |
3- Tháng 4/1960, mười tám nhân vật tên tuổi của miền Nam [13] họp tại một khách sạn ở trung tâm thủ đô Sài Gòn để công bố một Bản Tuyên Ngôn chỉ trích và lên án ông Diệm đã không đem lại cho dân chúng một cuộc sống tốt đẹp, tự do. Vì biết không thể xin họp công khai, những nhân vật nầy đã bí mật mời một số thông tín viên ngoại quốc và vài ký giả Việt Nam đến họp tại hội trường khách sạn Caravelle (vì vậy, nhóm nầy còn được gọi là “nhóm Caravelle”). Bản Tuyên ngôn gồm phần mở đầu và phần nhận định về 4 lãnh vực Chính trị, Chính quyền, Quân đội và Kinh tế Xã hội. Họ thẳng thắn cho rằng Quốc hội chỉ là tay sai của chính phủ, bầu cử chỉ là trò bịp bợm, tình trạng tham những bè phái khắp nơi, các chính đảng quốc gia bị đàn áp, quân đội chỉ là một công cụ để củng cố chính quyền chứ không được dùng để chống Cọng, lấy “sự trung thành với một đảng để tùng phục mù quáng những kẻ lãnh đạo đảng làm tiêu chuẩn thăng thưởng”…
Bản Tuyên Ngôn kết luận:
Chúng tôi thỉnh cầu chính quyền gấp thay đổi chính sách để cứu vãn tình thế, bảo vệ chế độ Cộng Hòa và bảo vệ sự sống còn của quốc gia. Chúng tôi giữ vững niềm hy vọng là dân tộc Việt Nam sẽ có một tương lai sáng lạn để được hưởng thanh bình và thịnh vượng trong Tự Do và Tiến Bộ”,
nhưng lời “thỉnh cầu” tâm huyết và cấp thiết nầy của 18 nhân vật ưu tú nhất của miền Nam lúc bấy giờ đã bị hai ông Diệm Nhu không đếm xĩa đến. Dĩ nhiên sau đó, 18 nhân vật nầy đa số đều bị bắt bớ, tra tấn, giam cầm.
5- Tháng 2/1962, hơn một năm sau “Đảo chánh Nhãy dù”, hai sĩ quan của một binh chủng khác của quân đội lại hành động: Trung úy Phi công Phạm Phú Quốc và Nguyễn văn Cử đã bay 2 chiếc Skyrider A-1 ném bom Napalm và bắn rocket vào dinh Độc Lập với mục đích tiêu diệt đầu não của chế độ ông Diệm (Ngoài ông bà Ngô Đình Nhu ở và làm việc trong Dinh Độc Lập, hôm đó còn có TGM Ngô Đình Thục nữa). Trung úy Quốc là giòng dõi của cụ Phạm Phú Thứ, một nhà cách mạng khí khái ở Quảng Nam mà giòng họ Ngô Đình vừa ghen vừa ghét trong thời Nam triều. Còn trung úy Cử là con của cụ Nguyễn Văn Lực, một lãnh tụ của Đại Việt QuốcDân Đảng. Bom và phi tiển chỉ làm hư hại cánh trái của Dinh Độc Lập mà thôi. Máy bay của Trung úy Quốc bị phòng không Hải quân bắn hạ, ông nhảy dù và bị bắt. Còn Trung úy Cử thì bay qua Cam bốt tị nạn. Sau 1963, hai ông trở về binh chủng Không quân và tiếp tục thi hành các phi vụ oanh kích Việt Cọng trên chiến trường miền Nam.
(phải)Chiếc Skyrider A-1 của Trung úy Phi công Phạm Phú Quốc bị bắn hạ trên sông Sài Gòn - được vớt lên sau vị ném bom Dinh Độc Lập 1962.
6- Một năm sau, vào tháng 5/1963, chính sách kỳ thị Phật giáo của chế độ Diệm lên đến cao điểm với lệnh cấm treo Phật kỳ trong lễ Phật đản tại Huế và sau đó nổ súng giết 8 Phật tử tại Đài Phát thanh. Đây là giọt nước làm tràn sự bất công của chính sách tiêu diệt Phật giáo một cách có hệ thống để Công giáo hóa miền Nam vốn bắt đầu từ năm 1956, khi lần đầu tiên Hoà thượng Trí Thủ gửi văn thư chính thức phản đối Linh mục Vàng, giảng sư của Trung tâm Nhân Vị Vĩnh Long, đòi cắm cây thánh giá lên núi Ngũ Hành Sơn, nơi có chùa Non Nước ở Đà Nẵng.[16] Kể từ năm 1956 đó cho đến suốt 7 năm còn lại, Phật giáo đã bị đối xử phân biệt, áp lực đổi đạo, đày đọa đi các vùng dinh điền trên cao nguyên, bị chụp mũ là Cọng sản, chùa chiền bị các cha xứ lấn chiếm tranh dành, công chức quân nhân Phật tử bị trù dập.
Xin ghi lại đây ba tình trạng kỳ thị Phât giáo tiêu biểu và trắng trợn mà ở miến Nam lúc bấy giờ ai cũng biết là:
(b) Khi Phật tử bị ép buộc vào sống trong các khu Trù mật., Dinh điền, Ấp Chiến lược của chính phủ, họ bị đủ mọi áp bức, nhất là áp bức kinh tế để đổi đạo đến nỗi có câu vè thật ai oán rằng “theo đạo có gạo mà ăn”;
(c) Nhưng quan trọng hơn cả là chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn duy trì Dụ số 10 để khống chế Phật giáo trong quy chế của một Hội bình thường, trong khi Công giáo thì không bị ràng buộc, muốn tự do điều hành và sinh hoạt sao cũng được [17]. Ông Diệm đã truất phế vua Bảo Đại, đã thành lập nền Cọng hòa, đã thủ tiêu tất cả luật lệ thời phong kiến thực dân Tây để lại, vậy tại sao lại duy trì Dụ số 10 cực kỳ bất công và nham hiểm của phong kiến và thực dân, nếu không phải là để đạp Phật giáo xuống cho Công giáo lên ngôi vị độc tôn tại Việt Nam ?
và cho Phật giáo cùng những tôn giáo khác được bình đẳng với Thiên Chúa giáo
bị Cảnh sát bắt đem nhốt vào quân trường
Ngày 1/11/1963, quân đội phát động cuộc binh biến lần thứ ba để lật đổ chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Và lần nầy họ thành công. Ngày hôm sau, 2/11, hai anh em ông Nhu và Diệm bị bắn chết. Toàn quân toàn dân trên 35 tỉnh thị miền Nam hân hoan vui mừng ngày Cách mạng.[18]
(phải) Đồng bào hân hoan tụ họp tại bến Bạch Đằng để chào đón Tù nhân chính trị của chế độ Diệm được Hải vận hạm Tiền Giang HQ405 chở từ nhà tù Côn Đảo vềlại Sài Gòn
Chế độ Ngô Đình Diệm đã tiêu vong, để lại bao nhiêu máu lệ cho dân tộc và ngang trái cho lịch sử. Tuy nhiên, phải thẳng thắn một điều: Lịch sử hình thành và quá trình chấm dứt của chế độ đó vẫn còn có thể đóng góp cho dân tộc ta. Đó là chế độ nầy sẽ được xem:
■ như mẫu mực của một chế độ chính trị phi dân tộc, độc tài, và thiếu khả năng. Do đó, mọi mầm mống và biểu hiện của một chế độ như thế sẽ không được phép tồn tại trên đất nước Việt Nam.
■ như một kính chiếu yêu để chúng ta điểm mặt nhận diện cái thành phần phi dân tộc và phản thời đại vẫn còn ngoan cố bóp méo lịch sử để bào chữa cho chế độ nầy, cho cái quá khứ oan nghiệt của thời kỳ họ ê a hai câu kinh “Ngô tổng thống, Ngô tổng thống muôn năm” và “Xin Thượng đế ban phước lành cho Người”.
[1] The system of fundamental laws and principles that prescribes the nature, functions, and limits of a government (The American Heritage® Dictionary of the English Language, Fourth Edition, copyright ©2000 by Houghton Mifflin Company)
[2] Sau cuộc Trưng cầu Dân ý ở phía Nam vĩ tuyến 17 vào tháng 10 năm 1955 với kết quả là Quốc trưởng Bảo Đại bị truất phế thì tân tổng thống Ngô Đình Diệm cho nhóm họp Ủy ban Thảo hiến vào cuối năm 1955 gồm 11 thành viên để soạn Hiến pháp cho quốc gia cộng hòa mới. Sang tháng 3 năm 1956 thì mở cuộc bầu cử Quốc hội Lập hiến với 123 đại biểu để hoàn tất công việc soạn thảo và thông qua bản hiến pháp. Chính Quốc hội cũng đề cử 15 người lập ra Ủy ban hiến pháp riêng, chủ tịch là Trần Chánh Thành [Bộ trưởng bộ Thông Tin] để cùng hiệp soạn. Tháng 7 năm 1956 thì Quốc hội bỏ phiếu thuận và đến 26 tháng 10, sau khi một vài điểm dị biệt giữa hai ngành lập pháp và hành pháp được giải quyết, thì tổng thống ký văn bản ban hành.(Theo Wikipedia)
[3] “Trụy thai” là nhóm chử của Linh mục Kim Định dùng để đánh giá một cách diễu cợt hệ tư tưởng Duy Dân của ông Lý Đông A. Thật ra thì Linh mục viết … nặng hơn nhiều, ngài dùng nhóm chử “thiên tài trụy thai” để phê phán toàn bộ tư tưởng và hành động của cá nhân vị Thư ký trưởng đảng Duy Dân nầy. Người viết dùng lại nhóm chử nầy để “trả lại cho César những gì của César”.
[4] Điều 89 của Hiến Pháp trong mục tu chính còn quy định rằng không được xâm phạm hay tu sửa điều 3 này. Có nghĩa là Tổng thống lãnh đạo suốt đời như vua trong chế độ quân chủ vậy.
[5] Công báo Việt Nam Cọng Hòa (số 48 ngày 26-10-56). Phụ lục trang 2669.
[6] Vedel, G. Etudes des Constitutions, tr. 130 (“La nation est une personne juridique distincte des individus qui les composent”).
[7] Bản dịch của nhật báo Tự Do ngày 4-4-1959.
[8] Dans l’histoire des institutions et des idées politiques du Vietnam, il sera difficile de ne pas reconnaitre que le système de la constitution du 26 Octobre 1956 constitua une regression par rapport au système politique traditionnel. Car il a repris de l’ancien système ce qu’il a le moins progressiste pour le completer par les moyens de contrainte les plus modernes. Ainsi cette notion de Leadership qui figure dans la traduction officielle de la Constitution de la République du Vietnam n’a pas le sens que les sociologues Américains lui donnent originalement.
[9] Vũ Văn Mẫu, Sáu tháng Pháp nạn, in Ronéo trong nước năm 1984. Giao Điểm in lại, 2003, California
[10] Phải đợi đến sau 1963, khi thành lập Đệ nhị Cọng hòa với Hiến pháp ban hành vào tháng 4 năm 1967, Quốc hội mới có hai viện như Tổng thống chế kiểu Mỹ. Sau 3 năm xáo trộn vì sự trổi dậy của nhóm Cần lao Công giáo, Thượng viện Đệ Nhị Cọng hòa nhiệm kỳ 1967-1973 gồm 6 liên danh đại diện cho đảng phái hoặc khuynh hường chính trị Công giáo hoặc thân Công giáo khác nhau : Nông Công Binh (Quân đội), Bông Lúa (Đại Việt và Cao Đài), Công Ích và Công Bằng Xã Hội (Công giáo), Đại Đoàn Kết (Công giáo), Mặt Trời (Công giáo), Đoàn Kết Tiến Bộ (Công giáo).
[11] Oan hồn những người nầy bây giờ không biết có được nhóm tàn dư Cần Lao Công giáo ở hải ngoại thắp cho nén hương mỗi lần họ cúng ông Diệm vào ngày 1 tháng 11 không ? Và bạn bè, đồng chí, bà con của họ nghĩ gì về những vọng ngôn xảo ngữ của những “sử gia” hoài Ngô đang sơn phết lại “Ngô Tổng thống anh minh” để thực hiện 2 chuyện: bóp mép lịch sử và chia rẽ dân tộc.
[12] Trích từ Website chính thức của Đại Việt Quốc Dân Đảng: http://daivietquocdandang.org/2010/02/16/lichsudang-2/ , mục II.A.9
[13] Mười tám người đó là quý ông Lê Ngọc Chấn, Trần Văn Văn, Trần Văn Đỗ, Trần Văn Tuyên, Trần Văn Lý, Trần Văn Hương, Nguyễn Lưu Viên, Huỳnh Kim Hữu, Phan Huy Quát, Nguyễn Tăng Nguyên, Nguyễn Tiến Hỷ, Lê Quang Luật, Phạm Hữu Chương, Tạ Chương Phùng, Trần Lê Chất, Lương Trọng Tường và linh mục Hồ Văn Vui. Điểm đặc biệt là trong số 18 nhân vật kể trên thì có đến 10 người là cựu ân nhân, đồng chí, bạn thân và những Bộ trưởng đã từng hợp tác với ông Diệm thời ông chưa có quyền hành hay còn gặp khó khăn.
[14] Gồm các ông Lê Vinh (đảng Duy Dân), Phan Bá Cầm, Nguyễn Bảo Toàn (Hòa Hảo), Vũ Hồng Khanh, Xuân Tùng (Việt Quốc),... cầm đầu. Ngoài ra còn có “Mặt trận Quốc dân đoàn kết” do văn hào Nhất Linh Nguyễn Tường Tam và các ông Phan Khắc Sửu (Cao Đài), Nguyễn Thành Vinh, Trương Bảo Sơn (Việt Quốc) lãnh đạo... Tất cả có hàng trăm nhân vật chính trị dân sự đại diện cho các đảng phái trực tiếp hay gián tiếp tham dự các cuộc đảo chánh của Nhảy Dù. “Mặt trận Quốc gia Đoàn kết” của văn hào Nhất Linh Nguyễn Tường Tam còn liên lạc với Đức cha Từ, Đức cha Hiền, các linh mục như Cha Oánh, Cha Vui, Cha Lộc, Cha Phiên,...
[15] Học giả Nguyễn Hiến Lê ghi lại “... khi tôi thấy cuộc Trưng Cầu Dân ý để lật đổ Bảo Đại có tính cách rõ ràng là gian lận: ở Sài Gòn - Chợ Lớn chẳng hạn, kết quả cho biết có 605.025 người bầu cho ông Diệm trong khi số cử tri ghi tên chỉ có 450.000 người và kết quả là ông ta thắng với tỉ số … 98.2% thuận và 1.1% nghịch thì tôi đã đâm ngán. Bịp bợm trắng trợn như thế thì không phải là thông minh được. Nhất là khi hay tin ông Diệm trước khi nhận chức Thủ tướng đã quỳ trước mặt Bảo Đại, Hoàng hậu Nam Phương và vài người chứng kiến, thề sẽ một mực trung thành với Bảo Đại “duy trì ngai vàng cho Hoàng tử Bảo Long” mà bây giờ lại lật Bảo Đại như vậy, thì tôi ngạc nhiên không hiểu tại sao có người khen ông là có tư cách cao, nhiễm sâu đạo Khổng. Tôi nghĩ bụng “con người đó vô sở bất vi”. Quả nhiên sau này, trong vụ đảo chánh hụt tháng 11 năm 1960, ông lại thất hứa và lường gạt phe đảo chánh và quốc dân lần nữa. Ngày 12 tháng đó, ông long trọng tuyên bố sẽ giải tán nội các, thành lập một chính thể chuyển tiếp mở rộng nội các cho các tướng và các nhà cách mạng độc lập hợp tác “Quốc dân cứ bình tĩnh và tin ở lòng ái quốc và thương dân vô cùng của Tổng thống”, nhưng khi đạo quân trung thành của ông về kịp Sài Gòn, đánh bật phe đảo chánh thì ông nuốt lời hứa, không thay đổi nội các mà còn đàn áp dữ dội những người ngây thơ tin ở ông...” – (Nguyễn Hiến Lê, Con Đường Thiên Lý, Văn Nghệ, Hoa Kỳ, tr. 201-203).
[16] Vị Linh mục tên Vàng nầy, vào năm 1960, còn nỗi tiếng về chuyện xúi dục con chiên Nhà thờ Phú Cam đòi lại chùa Thiên Mụ ở Huế với lời giải thích quái đản rằng chùa Thiên Mụ là nơi “Mẹ của Trời”, tức Đức Mẹ Maria, giáng trần nên phải trả chùa nầy lại cho Công giáo ! – (Tâm Đức, Như Áng Mây Bay, USA 2010, trang 230.)
[17] Điều 1 của đạo dụ số 10 liệt mọi tôn giáo (trừ Công giáo) vào loại hiệp hội thường như đua ngựa, đá banh,... Điều 7 cho phép chính quyền từ chối không cấp giấy phép hoạt động, hoặc cấp rồi mà vẫn có thể rút lại không cần phải nói lý do. Điều 10 và 12 cho phép bất cứ nhân viên hành pháp hay tư pháp nào cũng có quyền kiểm soát các hiệp hội tôn giáo. Điều 14 và 28 giới hạn tài sản của một tôn giáo ở mức nào đó mà thôi, và dĩ nhiên điều số 44 dành một chế độ đặc biệt sẽ quy định sau cho các Hội Truyền Giáo Thiên Chúa Giáo nhưng sau 9 năm cầm quyến, chính phủ Diệm cũng chẳng bao giờ quy định. – (Kiêm Đạt, Lịch Sử Tranh Đấu của Phật Giáo Việt Nam, tr.132)
[18] “Từ 7 giờ sáng ngày 2-11-1963, khi đài phát thanh Sài Gòn báo tin dinh Gia Long bị quân đội chiếm thì già trẻ lớn bé lũ lượt kéo nhau đi xem. Lời hò reo, tiếng cười vang với sắc diện tươi vui của mọi người chứng tỏ sự giải thoát gông cùm kềm kẹp của độc tài đã bóp nghẹt lòng dân trong chín năm trời đăng đẳng” (Bác sĩ Dương Tấn Tươi, Cười - Nguyên nhân và Thực chất , Sài Gòn 1968, tr.44). Còn thi sĩ Đông Hồ thì: “Nỗi ức hiếp, nỗi căm hờn bị đè nén, bị vùi dập một cách tàn nhẫn bất công trong 9 năm trời, một sớm được giải thoát, được cởi mở, mà phản ứng chỉ có chứng ấy thì tưởng quần chúng nhân dân Việt Nam năm 1963 này cũng đã tỏ ra hiền lành nhiều lắm, và cũng đã biết tự hạn chế, tự biết kềm hãm sức giận dữ hung hãn của mình rồi đó.” (Nguyễn Hiến Lê, Tôi Tập Viết Tiếng Việt, 1988, tr. 21).
[19] Doãn Quốc Sỹ, Người Việt Đáng Yêu, (Lời Mở Đầu) Nhà xuất bản Sáng Tạo, Sài Gòn, 1965. Đăng lại trên Tạp chí Việt Nam Hải Ngoại (của Luật sư Đinh Thạch Bích) số 8 ngày 15-9-1977, San Diego, Hoa Kỳ.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét