Theo Người Đô Thị |
Bùi Văn Nam Sơn |
Thomas Aquino (1225-1274)
Thomas Aquino (1225-1274), nhà thần học và nhà tư tưởng lớn nhất và có hệ thống nhất của kinh viện học thịnh thời, xem giáo dục là phương cách cơ bản nhất của đời sống tinh thần. Dưới dạng đối thoại, bộ "Tổng luận thần học" của ông hướng trực tiếp đến người đọc, được tiếp nhận nồng nhiệt, vì ông không muốn "rao giảng" mà muốn khêu gợi sự ngạc nhiên và tra hỏi.
Trước hết là một thái độ khiêm tốn: ông không giữ tư thế của người thấy mình có trọng trách với sự an nguy của... vũ trụ, bởi đó là sự nhận thức và an bài của Thượng đế! Theo ông, không thể có thế giới nào là tốt nhất, vì lẽ đơn giản là ta không làm sao biết được điều gì là tốt nhất cho thế giới. Là vật thụ tạo, ta chỉ biết những cái tốt đặc thù, phù hợp với bản tính của mình thôi. Cái tốt đặc thù nói lên trách nhiệm của con người hành động trong vai trò riêng biệt của họ trong bối cảnh xã hội. Chẳng hạn, người con thì tìm mọi cách che giấu cho người cha phạm tội trước sự trừng phạt của pháp luật vì tình cốt nhục và tình yêu gia đình. Ngược lại, quan tòa, vì lợi ích chung của xã hội, lại tìm cách bắt giữ và trừng phạt người phạm tội cho kỳ được. Ông nghĩ sao về chủ trương của Platon: người công chính thì không được che giấu tội phạm trong mọi trường hợp? Ông dứt khoát không chấp nhận, vì cho rằng quan niệm ấy quá "phổ quát" đến mức bất cận nhân tình. Như vậy, ta không nên suy nghĩ về đạo đức đơn thuần và lạnh lùng từ quan niệm về sự tự trị của lý trí mà nên như cái gì phù hợp với bản tính tự nhiên và hoàn cảnh của con người. Con người không chỉ là một sinh vật có lý trí, mà còn có xương có thịt thuộc về một loại người nhất định nào đó. Và vì thế, hành động cũng thuộc nhiều loại khác nhau: ngộ sát hay giết người vì tự vệ khác với mưu sát; cướp bóc khác với trộm cắp thông thường…
Tuy nhiên, việc dành một không gian cho bản tính tự nhiên và hoàn cảnh luôn có giới hạn của nó, và không thể làm cho những nguyên lý cơ bản trở nên hoàn toàn tương đối. Theo ông, ít nhất có bốn "mệnh lệnh" cơ bản mà không ai được chà đạp: bảo vệ mạng sống của con người và sự sinh tồn của nhân loại; tôn trọng những quyền có tính sinh vật: sinh sản và dưỡng dục con cái; trách nhiệm đối với xã hội; tăng tiến về trí tuệ và tâm linh. Chính "ánh sáng tự nhiên của lý trí" (lumen naturale) dẫn ta đến những luật tự nhiên và hằng cửu (lex naturalis, aeterna) ấy, và, tuy là tự nhiên, lại gián tiếp cho thấy ý nghĩa và ánh sáng siêu nhiên (lumen supernaturale) của chúng. Với tư cách ấy, chúng là thước đo cho mọi phong tục, tập quán riêng tư cũng như công cộng, độc lập với mọi dị biệt tín ngưỡng, chính trị hay địa lý. Trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, quan niệm của ông về tính có-điều kiện của những luật lệ địa phương (ius civile) như là điều kiện cần, và về tính vô-điều kiện của quyền tự nhiên có giá trị toàn cầu (ius gentium) như là điều kiện đủ cho một nhân loại phổ quát trở nên có tính thời sự hơn bao giờ hết. (Xem thêm cuộc tranh luận về sự thiếu chính đáng của cái gọi là "những giá trị châu Á" trong Jacobson. M và O. Bruun: Human rights and Asian values, London, Routledge, 2000).
MARTIN LUTHER: ĐÀNG SAU VẺ KHẮC NGHỊ CỦA… "CON NGƯỜI MỚI"
Martin Luther (1483-1546), cha đẻ của phong trào Cải cách (tôn giáo) đầy mãnh lực, phân tích thẳng thừng mọi hình thức hoạt động của con người, đi đến kết quả thật trần trụi: không có hành vi nào không từ động cơ vị kỷ và kiêu mạn! Sau khi "vạch trần" không thương tiếc chân tướng của con người, ông chia con người thành hai loại: con người cũ và con người mới. "Con người cũ" có thể chia tiếp thành ba loại. Ở trạng thái tự nhiên, mông muội (kể cả đến ngày nay!), sống theo bản năng sinh vật, dù nghèo hay giàu. Ở trạng thái đã được xã hội hóa, thì tin vào sự tự trị của con người, không thấy sự hữu hạn và giới hạn của chính mình. Loại thứ ba là những kẻ đạo đức giả, chỉ bịp đời và bịp chính mình. Nói chung, "con người cũ" xem mình là thành quả của chính mình, là kẻ sáng tạo nên chính mình, tự biến mình thành ngẫu tượng của chính mình!
Ngược hẳn lại, "con người mới" nhận thức rằng thân xác của mình là quà tặng của đấng sáng tạo, vì thế, phải trở thành kẻ gìn giữ và "điều tiết” nó. Con người "mới" không dùng trí tuệ và tài năng để tự tôn vinh mình mà để phục vụ cho "người bên cạnh mình", nhận ra chỗ bất toàn để không ngừng phấn đấu. Ta thấy gì đàng sau vẻ khắc nghị ấy?
Trước hết, sự thay đổi "tâm thức" này không nằm trong quyền năng của con người riêng lẽ và cả của nhà giáo dục, mà là "sự giáo dục của đấng sáng tạo". Nhà giáo dục chỉ là kẻ trợ giáo cho một kế hoạch thiêng liêng, chứ không có ảnh hưởng quyết định. Giáo dục khoa học và đạo đức là trọng tâm để chuyển hóa tâm thức, còn mọi việc khác không thuộc quyền năng của mình. Ngay trong giáo dục con cái cũng từ bỏ thói quen uốn nắn đứa trẻ yếu đuối theo quyền uy của cha mẹ, trái lại, vừa yêu thương vừa dẫn dắt nó trong tư cách của một kẻ trợ giáo mang tinh thần phục vụ một sinh thể tự do - một tư tưởng sẽ hồi sinh rực rỡ nơi John Dewey và Montessori sau này!
Quyền giáo dục trở thành trách nhiệm phục vụ, một bước ngoặt không hề nhỏ trong tư duy giáo dục!
VOLTAIRE VÀ SỰ KHOAN DUNG
Một vụ án chấn động ở Toulouse (Pháp) năm 1762: người cha, theo Tin lành, bị hành quyết do đám đông theo Công giáo cuồng tín vu oan đã hạ sát người con trai muốn cải đạo từ Tin Lành sang Công giáo! Một nghịch lý khủng khiếp: tư tưởng đầy khoan dung "yêu thương cả kẻ thù của mình" tại sao có thể trở nên vô hiệu bởi sự cuồng tín? Nguyên nhân thật dễ phát hiện: ngay cả lý tưởng cao đẹp nhất lúc ban đầu cũng có thể thoái hóa khi có quyền lực, nhất là khi quyền lực được định chế hóa và bị đồng nhất hóa với quyền lực nhà nước (mất sự thống nhất của đức tin cũng có nghĩa là mất sự thống nhất của nhà nước!). Sự khoan dung (chấp nhận ý kiến khác với cả sự mâu thuẫn của nó: chịu đựng được sự yếu đuối của người khác và tôn trọng những niềm tin khác) thực ra đã từng bước được phục hồi qua tiến trình giải phóng con người cá nhân trong thời Phục Hưng và Cải cách (tôn giáo) nay trở nên cấp bách qua vụ án chấn động này. Luận văn "Về sự khoan dung" nảy lửa và thống thiết của Voltaire nhân vụ oan án này đã làm nên lịch sử: sự khoan dung, từ nay, trở thành một giá trị đạo đức tự thân, một nguyên tắc điều hướng cho lý trí trưởng thành, trong đêm trước của Đại Cách mạng Pháp.
Luận văn lừng danh ấy của Voltaire được công bố năm 1763, một năm sau vụ án và sau tác phẩm "Emille hay là về giáo dục" của Rousseau (1762) như là những bước chuẩn bị chật vật cho một cuộc cách mạng trong tư tưởng giáo dục.
Bất đồng là căn bệnh nặng của nhân loại. Khoan dung là phương thuốc duy nhất! Voltaire |
(Nguồn: Người Đô Thị, Bộ mới, số 12, 05.12.2013)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét