Đại sứ Ted Osius khánh thành trường học do Hoa Kỳ xây dựng tại Hà Giang, 3/3/2017. |
Phạm Chí Dũng - Nguồn: VOA
Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người từng là đại tướng công an, vừa có một bước nhấp có vẻ dứt khoát hơn trong xu thế “xoay trục về phương Tây”.
“Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”
Chỉ một ngày sau khi người phát ngôn Bộ Ngoại Giao, Lê Hải Bình, tuyên bố “Việt Nam cho rằng việc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ trao giải thưởng cho một cá nhân đang bị tạm giam để điều tra vì các hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam là một hành động thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ giữa hai nước,” vào ngày 31/3/2017 ông Trần Đại Quang đã có một cuộc gặp tay đôi với Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam là Ted Osius để chuyển cho ông Ted thông điệp: “Khẳng định lãnh đạo Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Donald Trump duy trì đà phát triển của quan hệ hai nước, thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ.”
Chưa bao giờ Việt Nam “sẵn sàng làm việc với Mỹ” như bây giờ!
Vai trò chủ tịch nước là người đặt nặng về lễ nghi đối ngoại hẳn luôn hết sức thận trọng về hành động và cử chỉ của mình trước những vụ việc “nhạy cảm” như Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Tuy nhiên, việc ông Trần Đại Quang quyết định “nói lại cho rõ” về tương lai quan hệ Việt - Mỹ với Đại sứ Hoa Kỳ cho thấy ông muốn tỏ thái độ xem việc Bộ Ngoại Giao Mỹ vinh danh Mẹ Nấm là “người phụ nữ can đảm năm 2017” là không ảnh hưởng gì đến mối quan hệ giữa hai quốc gia, ngược lại với lối chỉ trích mang tính đe dọa của người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam.
Thông thường, những tuyên bố quan trọng do người phát ngôn Bộ Ngoại Giao phát ra phải được thông qua đầu tiên bởi Tổng Bí Thư đảng hoặc Thường Trực Ban Bí Thư, sau đó phải được duyệt bởi Bộ Trưởng Ngoại Giao. Trong trường hợp Việt Nam phản ứng việc Mỹ tôn vinh Mẹ Nấm, hiện chưa rõ ai là nhân vật cụ thể đã chỉ đạo cho Bộ Ngoại Giao. Nhưng rõ ràng đã có một không khí “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong nội bộ cao cấp của Đảng Cộng Sản về việc này.
Cuộc gặp giữa Trần Đại Quang với Ted Osius diễn ra tại Phủ chủ tịch nước, được một số dư luận nhận định rằng nhiều khả năng đây không phải là một cuộc gặp được dự trù từ trước, mà là gặp đột ngột và có ẩn ý. Nội dung trao đổi giữa hai bên về “hợp tác tổ chức năm APEC 2017 và Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 25 tại Việt Nam” có lẽ chỉ mang tính hình thức, trong khi “Đại sứ Ted Osius cũng đã chuyển lời của Tổng thống Donald Trump cảm ơn Trần Đại Quang đã chúc mừng Tổng thống chính thức nhậm chức và khẳng định một lần nữa mong muốn của Tổng thống Trump là thúc đẩy hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, các vấn đề khu vực và quốc tế” có thể là trọng tâm hơn nhiều.
Bây giờ thì có lẽ Ted Osius lại khá bận rộn. Bận như thể cách đây đúng hai năm khi ông trở thành con thoi ngoại giao giữa Hà Nội và Washington để chuẩn bị cho chuyến công du của Bộ Trưởng Công An Trần Đại Quang đến Hoa Kỳ, khi chính Ted là người đầu tiên thông báo về chuyến đi này chứ không phải từ Bộ Ngoại Giao Việt Nam. Chuyến đi này của ông Quang lại đặt dấu tiền trạm cho một chuyến công du sau đó và quan trọng hơn hẳn là của Tổng Bí Thư Trọng đến Washington vào tháng 7/2015, nơi ông Trọng được phía Mỹ đón tiếp như một nguyên thủ quốc gia.
Chỉ có một sự khác biệt cơ bản: vào lần này, ông Trần Đại Quang không còn là bộ trưởng công an mà đã là chủ tịch nước, và cuộc gặp của ông Quang với ngài Ted Osius không phải để “tiền trạm” cho ai khác, mà cho chính sự chuyển tải thông điệp chính trị của nhân vật Chủ Tịch Nước.
Ted lại bận rộn?
Từ đầu năm 2017 đến nay, ông Trần Đại Quang là nhân vật công an thứ hai có biểu hiện “lạ”, tiếp theo trường hợp của người hiện là bộ trưởng công an - ông Tô Lâm.
Cần nhắc lại, vào tháng 2/2017, nhân vụ nữ sát thủ mang hộ chiếu Việt là Đoàn Thị Hương bị bắt ở Malaysia, lần đầu tiên Bộ Trưởng Công An Tô Lâm đã “chiếu cố” trả lời phỏng vấn đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) - một hãng truyền thông mà báo đảng ở Việt Nam thỉnh thoảng vẫn xem là “đài địch.” Trả lời không chỉ một lần mà đến hai lần, sau đó Tô Lâm còn trả lời phỏng vấn cả đài BBC, khiến một số quan chức cấp thứ trưởng ngoại giao cũng không còn quá e dè với “đài địch” nữa.
Bây giờ thì Đại Sứ Ted không còn nhiều thời gian để dạo chơi ngắm cảnh Hà Nội. Khác hẳn với thời kỳ Tổng Thống Barack Obama, việc Ted Osius lần đầu tiên viết ca ngợi một người đấu tranh dân chủ nhân quyền như Mẹ Nấm ngay trên Facebook của ông đã cho thấy quan điểm của chính quyền Trump đang tỏ ra cứng rắn như thế nào đối với Hà Nội vấn chủ đề nhân quyền. Sẽ không thể tái diễn cảnh công an Việt Nam bắt nạt và cấm đoán khách mời của Tổng thống Obama khi ông đến Hà Nội vào tháng 5/2016 - một vụ việc đã khiến thể diện và uy tín Hoa Kỳ bị tổn thương trầm trọng, để dẫn đến một vụ tiếp theo là một cán bộ Trung Quốc còn ngang nhiên xúc phạm phái đoàn của Tổng thống Obama ngay tại sân bay Bắc Kinh.
Từ tháng Hai đến tháng Tư hàng năm vẫn là khoảng thời gian “có duyên” để sưởi ấm lại mối quan hệ Việt - Mỹ vốn bị lạnh lẽo có tính chu kỳ trong khoảng nửa năm trước đó. Tháng Ba năm 2014 Thứ trưởng ngoại giao Mỹ Windy Sherman đến Hà Nội, để sau đó hàng loạt tù nhân lương tâm được chính quyền Việt Nam trả tự do. Cuối tháng Hai và đầu tháng Ba năm 2015 là Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Rose Gottemoeller, và cuối tháng Tư năm 2016 là Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken cũng đến Hà Nội… Và nếu nhớ lại, cũng là tháng Ba năm 2013 khi diễn ra những cuộc đàm phán ngầm để đến tháng Bảy năm đó Trương Tấn Sang - chủ tịch nước - đi Washington gặp Obama với chủ đề quan trọng là Hiệp định TPP.
Cũng cần nhắc lại là Trương Tấn Sang vẫn đi Mỹ, bất chấp vào tháng Ba năm 2013, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã vinh danh một nữ tù nhân lương tâm đang thụ án là cựu đại úy công an Tạ Phong Tần. Khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị còn phản ứng mạnh hơn cả trường hợp Mẹ Nấm vừa được vinh danh: “Đây là việc làm sai trái, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, không có lợi cho sự phát triển quan hệ hai nước.”
Còn vào tháng Ba năm nay, không thấy từ “sai trái” hay cụm từ “can thiệp vào nội bộ Việt Nam”… Sự biến mất của những từ ngữ này vào năm nay hẳn phản ánh một sự thay đổi đáng kể trong thế tương quan Việt - Mỹ.
“Tự đi” và “tự thoát”
Dù chưa ai công khai nói ra, nhưng tâm thế tìm lối thoát ở phương Tây đang trở thành một đặc thù ngày càng phổ biến trong giới lãnh đạo cao cấp của Việt Nam. Mọi thứ lại gần như đang cộng hưởng vào thời kỳ khốn quẫn nhất trong lịch sử đảng cầm quyền: khủng hoảng kinh tế, nợ công ngập đầu, tham nhũng và phân hóa - phân rã chính trị, nhiều dấu hiệu hỗn loạn xã hội…
Đã đến lúc lối giãi bày tâm tư “muốn thay đổi” không còn phù hợp sau tấm màn sân khấu. Đã đến lúc những nhân vật chính trị, nếu muốn tìm ra lối thoát cho cá nhân mình và cho một bộ phận quyền lực liên quan đến họ, phải biết tự “vượt qua chính mình,” phải biết tự mình tiến ra trước sân khấu, trước khán giả trong nước và quốc tế. Cứ nơm nớp lo sợ kỷ luật đảng thì sẽ chẳng bao giờ có thể tạo được chiến quả gì ra hồn.
Đang là lúc mà xuất hiện ngày càng nhiều hơn những dấu hiệu lộ diện hơn cho thấy khuynh hướng “ly tâm,” tách dần quỹ đạo sáo mòn và bế tắc của đảng.
Những quan chức cao cấp như ông Trần Đại Quang, có lẽ vậy, cũng đến lúc phải “tự đi” và “tự thoát.” Sau tín hiệu từ trang Facebook của Chính phủ Việt Nam công khai gợi ý “Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẵn sàng đi thăm Mỹ,” có vẻ ông Trần Đại Quang cũng đang cần đến một chuyến đi như vậy, nhưng dĩ nhiên với vai trò chủ tịch nước chứ không còn là bộ trưởng công an như trước đây.
Đối thoại nhân quyền Việt - Mỹ, cũng bởi thế, có khả năng được nối lại vào giữa năm 2017, trong khi vào cuối năm 2016 cuộc đối thoại được đưa vào kế hoạch này đã chìm không sủi tăm…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét