Không chỉ những vụ có dấu hiệu về tài sản, mà cả những vụ có dấu hiệu về luân chuyển, bổ nhiệm cũng được tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm khi báo chí đưa tin. Ngay sau khi đọc ông Trọng có sốt sắng chỉ đạo làm rõ.
Dư luận một đằng trầm trồ tổng bí thư sâu sát báo chí, một mặt khác lại nghi ngờ đây là chiêu trò dàn dựng của tổng bí thư, giả vờ cho báo chí đăng rồi vào cuộc. Thực ra những kẻ được tổng bí thư chỉ đạo làm rõ theo bao chí đưa ấy, chỉ là những con mồi mà tổng bí thư nghiên cứu nhắm trước, trong mục đích đánh phe phái không thuộc cánh của tổng bí thư.
Những nghi ngờ trên chỉ nằm trên những trang mạng không chính thức, ngược lại với những lời khen ngợi hành động sâu sát của tổng bí thư trên báo chí chế độ. Vì thế những nghi ngờ ấy chỉ ảnh hưởng một phần đến dư luận xã hội.
Thế nhưng những ngày vừa qua, báo chí chế độ có nhiều bài viết đặt nghi vấn về tài sản của chủ tịch uỷ ban nhân dân Đà Nẵng Huỳnh Ngọc Thơ. Thậm chí có cả cán bộ lão thành cách mạng như Vũ Mão nguyên uỷ viên trung ương đảng, chủ nhiệm văn phòng quốc hội và ông Nguyễn Đăng Lâm nguyên phó chủ tịch Quảng Nam - Đà Nẵng trước kia lên án Huỳnh Đức Thơ trên báo chí chính thống.
Cùng với nhiều bài báo vạch trần những phá hoại thiên nhiên, môi trường ở Đà Nẵng trong vụ bán đảo Sơn Trà.
Người ta không thấy ông Nguyễn Phú Trọng nói gì. Phải chăng ông không đọc báo những tuần qua?
Lạ nữa người cấp dưới của ông là ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như không biết gì, mọi khi ông Phúc cũng như ông Trọng thấy báo chí phản ánh những vụ nổi cộm thế này, ông Phúc cũng sát sao, khẩn trương làm rõ. Từ việc nhỏ ở quán cà phê cho đến vụ lớn như bà thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đều có chỉ đạo của thủ tướng, đến vụ Huỳnh Đức Thơ thì ngẫu nhiên trùng lặp với tổng bí thư, thủ tướng cũng không đọc báo.
Những người từng theo dõi báo chí, từng tung hô tổng bí thư và thủ tướng sâu sát dư luận trước kia chưng hửng. Họ vò đầu , bứt tai không biết tổng bí thư giờ này ông đang ở đâu mà không đọc báo, ông thủ tướng bận điều khiển những đầu tầu, thủ phủ, cô gái đẹp ngủ yên nào mà không thấy chỉ đạo làm rõ.
Chỉ có mạng xã hội ngoài luồng là hả hê, chỉ có những Trịnh Xuân Thanh, Hồ Thị Kim Thoa, Vũ Huy Hoàng là cười thầm chiến dịch xây dưng đảng, chống tiêu cực của ông tổng bí thư.
Vậy là dư luận bên ngoài cho rằng những đối tượng mà tổng bí thư sâu sát chỉ đạo, làm rõ đúng là những đối tượng được nhắm sẵn trong một cuộc tiễu trừ phe phái không ăn cánh cùng mà thôi.
Huỳnh Đức Thơ không nằm trong phe phái ấy, bí thư Thanh Hoá cũng không nằm trong nhóm mà ông Tròng và ông Phúc tiễu trừ. Nên vi phạm tội cao nhất có bằng trời, báo chí có nói trời cũng không làm sao cả.
Bỗng nhiên thời thế đưa đẩy Huỳnh Đức Thơ thành một ví dụ, đứng sừng sững trên đỉnh Ngũ Hành Sơn, đứng trên công luận ngạo nghễ mỉm cười, như minh chứng rằng.
- Làm gì có cái gọi là chỉnh đốn xây dựng đảng ở đây, làm gì có cái gọi là chống thoái hoá, suy thoái, biến chất ở đất nước này.?
Ông Trọng không phải không đọc báo, trái lại ông đọc hết. Nhưng lúc này ông giả vờ không đọc.
Có lẽ ông đang cân nhắc rất nhiều trước vấn đề của Huỳnh Đức Thơ, một kẻ không nằm trong nhóm mà ông muốn tiêu diệt. Nếu diệt một kẻ dù tham nhũng, thoái hoá biến chất như Huỳnh Đức Thơ thì ông sợ vỡ bình, sợ bị nói là thế lực thù địch lợi dụng chống phá nói xấu cán bộ.
Nhưng nếu không diệt, uy tín của ông, công cuộc xây dựng đảng, chỉnh đốn đảng bao tâm huyết bấy lâu tan thành mây khói.
Trước thế cờ này, ông Trọng đang đến lượt mình đi, ông vẫn ngẫm nghĩ chờ đợi ai đó mách nước hoặc hỗ trợ cho ông. Cứ mỗi ngày trôi qua ông không nhấc quân cờ đi, uy tín của ông càng ngày càng thảm hại thêm. Bốn phương vẫn vang lên câu hỏi.
- Mọi khi ông Trọng thường sốt sắng lắm ở vụ thế này, giờ ông ở đâu. Hay ông không được khoẻ, nên không đọc được báo chí nói gì.
Chiến dịch chỉnh đốn đảng, thực hiện nghị quyết trung ương 4, thực hiện chỉ thị 05 của Bộ Chính Trị giờ gặp vật cản Huỳnh Đức Thơ, như dòng nước đang chảy mạnh làm nức lòng nhân dân, bỗng nhiên giờ đứng khựng lại và những giọt nước cúi đầu chui xuống đất cát lặn mất.
Chả lẽ bản lĩnh của một tổng bí thư như ông Nguyễn Phú Trọng không bằng một phó chủ tịch quận như Đoàn Ngọc Hải đi dẹp vỉa hè. Ông Trọng nói không có vùng cấm, chắc chỉ có vùng tránh. Còn Đoàn Ngọc Hải thì dẹp tất, công hay tư bằng nhau tất, dẹp đã tính sau.
Tuy nhiên thì so sánh chỉ đúng một phần, dẹp vỉa hè khác nhiều với dẹp cán bộ. Nhất là cán bộ không nằm trong quy hoạch tiêu diệt như Trịnh Xuân Thanh, Hồ Thị Kim Thoa.
Có lẽ ông Trọng được ông Phúc gợi ý, tìm cách tháo gỡ cho Huỳnh Đức Thơ, biến công thành tội. Như thế mới không bị thiên hạ chê cười là chiến dịch chống tham nhũng là trò tiêu diệt bè phái. Phải xây dựng Huỳnh Đức Thơ thành cán bộ liêm chính, vì dân, vì nước để Thơ không nằm trong cái lưới nghị quyết 4, chỉ thị 05.
Như thế về mặt bên ngoài dư luận cũng trấn an họ rằng Huỳnh Đức Thơ vô tội, nên không nằm trong chiến dịch chỉnh đốn đảng, chứ không phải chiến dịch bỏ lọt Thơ. Còn bên trong thoả mãn được sự ngạo mạn của mình rằng:
- Tao muốn giết ai thằng đó chết, tao không muốn giết ai, ai đụng đến thằng đó cỡ gì, tao cũng để nó sống.
Huỳnh Đức Thơ được vô tội, thậm chí là có công lao. Giữ nguyên chức là đáp ứng hai toan tính trên của ông Trọng. Khả năng đó sẽ xảy ra rất lớn.
Nhưng dù là có bao biện thế nào đi nữa khi Huỳnh Đức Thơ tồn tại, thì trong tâm khảm khối người dân đã từng náo nức nghe tin tổng bí thư đọc báo, họ sẽ tổn thương. Còn những kẻ bên ngoài từng rêu rao rằng tổng bí thư chỉ đánh những kẻ khác phe cánh mình, cuộc chỉnh đốn đảng thực ra chỉ là chiêu trò thanh trừng phe phái… những kẻ đó hào hứng vỗ đùi rằng.
- Đấy, tôi nói có sai đâu.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét