1 - Heo là vật dơ bẩn và thịt heo bị cấm ăn.
Sách
Lêvi là cuốn sách bàn về mọi nghi thức tế
lễ Giavê, lúc dân Do Thái còn bôn ba trong sa mạc. Nó tổng hợp
mọi nghi thức của hàng tư tế đã có từ
trước. Theo sách Lêvi, ‘Heo tuy là vật có móng và móng
xẻ hai, và không nhai lại, heo vẫn là loài vật do
bẩn. Vì thế không được ăn thịt
chúng’ (Lv 11,7).
Sách
Lêvi có ảnh hưởng lớn trong quan niệm về
đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội của dân Do
Thái. Ăn thịt heo là điều cấm kỵ
đối với họ. Như có lần dân thành Giêrusalem
bị phiền trách ‘vì ăn thịt heo’ (Is 66,17),
vi ‘lấy tiết heo làm lễ vật dâng tiến, và
do đó, làm nhơ bẩn bàn thờ’ (Is 66,3).
Đối với dân Do Thái bấy giờ,
‘người dữ kẻ ác, chính là người
sống giữa mồ mả, ăn thịt heo và nấu
cháo thịt hôi thối’ (Is 65,4). ‘Người
đàn bà duyên sắc nhưng thiếu đức hạnh
cũng chỉ là vòng vàng đeo vào mõm heo mà thôi’ (Cn
11,22).
2 - Chối ăn thịt heo là cử chỉ anh hùng.
Ngược
lại, từ chối ăn thịt heo chính là hành
động tử đạo. Ông Elêaza, một trong
những viên chức cao niên và uy tín, đã bị
người ta chành miệng ra và nhét thịt heo vào. Thế
nhưng, ông đã ‘thà chết vinh hơn sống
nhục’, nhất định nhả thịt heo ra, và
tự thân hiên ngang đến chịu hình trượng. Sau
đó, những người ‘chủ sự lễ cúng
theo luật’ đã đưa ông ra ngoài, lấy tình
xưa nghĩa cũ khuyên can ông : “Thịt chúng tôi
đưa tới là thịt được phép ăn, ông
cứ giả đò ăn đi cho vua vui lòng. Như
vậy, ông sẽ được đối xử nhân đạo
và được thoát chết…”. Ông Êlêaza khảng
khái trả lời: “Vào tuổI tôi đây, giả đò
là điều chẳng xứng, lại làm gương xấu
cho người trẻ. Chúng sẽ nghĩ rằng ‘Lão
Elêaza 90 tuổi đầu, lại hèn nhát quy hàng dân
ngoại giáo’. Giả đò hèn nhát để tránh
khổ hình do tay người phàm, nhưng làm sao tôi lại
phản bội Thiên Chúa toàn năng và làm hoen tuổi già
của tôi?. Với tuổi 90 này, tôi
sẵn sàng thí mạng sống để làm gương cho
tuổi trẻ. Bức gương cao qúy là cái chết
hạnh phúc, tự nguyện và dũng cảm để
bảo vệ luật pháp khả kính và lành thánh”. Nói
rồi, ông Êlêaza tiến thẳng về nơi hình
trượng. Khi sắp chết dưới những
trận đòn dữ dằn, ông còn tuyên bố: “Thiên
Chúa Giavê chứng giám rằng: tôi có thể trốn chết,
nhưng vì kính yêu Ngài, tôi chịu đòn đau đớn
về thể xác. Tâm gồn tôi hoan lạc về sự
đau đớn này và vì danh Chúa”. Ông Êlêaza chết
đi, để lại không những cho giới trẻ mà
cho cả dân tộc tấm gương anh hùng sáng lạn.
Muôn đời, ngườI ta ngưỡng phục nhân
đức của ông (2Mcb 6,18-31).
3 - Bảy người trẻ và bà mẹ can tràng.
Tiêu
biểu cho những người trẻ đã noi
gương ông già Êlêaza mà thà chết còn hơn
ăn thịt heo trái luật tổ tiên, là bảy anh em
được kể trong sách Maccabêô II chương 7.
Chuyện rằng, có bảy anh em bị bắt cùng với
mẹ và đã bị vua cưỡng ép ăn thit heo, là
loại thịt cấm ăn. Cả bảy anh em bị tra
tấn bằng hình trượng và roi gân bò. Thay mặt cho
bảy anh em, người anh trưởng đã khảng
khái tâu vua: “Vua còn muốn hạch hỏi gì nữa?
Chúng tôi sẵn sàng chết chứ không trái phạm luật
tổ tiên. Chúng tôi không ăn thịt heo. Vua xung giận cho
lính nung đỏ chảo vạc lên. Chảo vạc
vừa đỏ, vua cho lệnh cắt lưỡi
người anh trưởng. Lột da đầu, chặt
mút tứ chi, ngay trước mắt các em và người
mẹ… Lần lượt năm anh em khác đều
bị hành hạ hung dữ và bị giết chết như
vậy… trước mặt người mẹ. Năm
người như một, ai cũng theo gương
người anh trưởng, mạnh dạn tuyên xưng
đức tin vào Thiên Chúa, trông cậy phần thưởng
Ngài ban và nhất trí không nghe lời vua dụ dỗ hay
tức giận, dọa nạt và giết chết…
Còn
người mẹ, bà đáng thán phục mọi đàng,
xứng đáng được kính cẩn ghi nhớ,
một lòng cậy trông vào Chúa. Bà đã can đảm
chịu đựng mà chứng kiến bảy con cùng
chết trong một ngày. Bà đã ủy lạo mỗi
đứa con bà bằng tiếng nói của tổ tiên. Lòng
đầy chí khí anh hùng, nữ tính được khí phách
nam nhi làm cho phấn khởi. Bà đã nói với các con:
“Má không biết làm sao các con đã được hoài
thai trong lòng má, rồi sinh ra làm người. Không phải má
đã tặng cho các con sinh khí và sự sống. Cũng không
phải má đã hòa nhịp các yếu tố tạo thành
mỗi đứa chúng con. Đó là công việc của
Đấng tạo thành vũ trụ, Đấng đã
nắn chúng con thành người và cho sinh ra, Đấng
đã sáng kiến hoàn thành mọi vật khi tạo dựng
ra chúng. Người sẽ trả lại cho chúng con theo lòng
lân tuất của Người, sinh khí và sự
sống… Vì các con đã không màng đến sự
sống để bảo toàn lề luật của
Người”… Khi người con út tỏ ra sợ
vạc dầu sôi và roi gân bò hung ác của vua, bà đã
năn nỉ khích lệ con can đảm : “Con ơi,
con hãy thương má đã cưu mang con chín tháng và bú
mớm ba năm, cùng đã nuôi nấng giáo dục con
đến tuổi này. Hỡi con, con hãy ngước nhìn
trời đất mà xem tất cả mọi vật trong
đó, hãy xác tín rằng Thiên Chúa đã dựng nên chúng…
Con đừng sợ vạc dầu sôi, đừng sợ
tên lý hình!, Con hãy xử sao cho xứng
với các anh con. Con
hãy can đảm cùng chết như các anh con… Má tin
tưởng một ngày kia má sẽ gặp lại tất
cả các con trong Nước Thiên Chúa” (2Mcb 7).
4 - Heo trong Tân Ước.
Bốn
lần heo được nhắc đến trong Tân
Ước. Lần thứ nhất, trong Phúc Âm thánh Matthêu.
Chúa Giêsu nói với các môn đệ : “Anh em chớ ném
của thánh cho chó, chớ vất hạt trai cho heo, kẻo
chúng giẫm xéo lên, rồi quay lại cắn anh em” (Mt
7,6). Theo các nhà chú giải Thánh Kinh, nói như vậy, Chúa
Giêsu muốn nhấn mạnh rằng : như phải kính
trọng của lễ thánh, người ta cũng phảI
kính trọng giáo lý thánh, không được trao ban cho
những người bất xứng, không đủ
khả năng lãnh nhận, kẻo chính họ lại
phản bội và báo hại mình. Người bất
xứng đây là ai ? Chúa Giêsu không nói rõ. Nhưng Ngài ám
chỉ họ bằng hình ảnh ‘con heo’ quen
thuộc với người Do Thái.
Lần thứ hai, trong Phúc Âm thánh Luca. Khi nói về dụ
ngôn ‘đứa con hoang đàng bỏ nhà cha ra đi,
đến khi sa cơ thất thế, phải đi làm thuê
cho người ta’ (Lc 15,11-32). Công việc của chàng
là chăn heo, nên lúc đói quá, chỉ mong được
ăn cám heo và rau heo. Nhưng không ai cho. Ý nói ‘chăn heo
là việc làm hèn hạ, đồ ăn của heo là
đồ ăn dơ bẩn. Tất cả diễn tả
cảnh sống cùng quẫn và bi đát của người
con hoang đàng.
Lần
thứ ba, trong các Phúc Âm thánh Mathêu (8,28-34), thánh Mátcô (5,1-26) và
thánh Luca (8,26-39). Cốt yếu của câu chuyện
được kể lại trong ba Phúc Âm : Khi Chúa Giêsu
đi tới Gadara, có hai người bị qủy ám,
sống lẩn lút giữa mồ mả và chuyên hành hung khách
qua đường. Vì thế cả miền sợ hãi, không
dám đi qua con đường đó. Một hôm thấy
Chúa Giêsu đi tới, hai người bị qủy ám tru
lớn tiếng : «Lạy Con Thiên Chúa, Ngài đến
đây làm chi ? Phải chăng Ngài đến để
làm khổ chúng tôi». Chúa Giêsu dừng lại, dùng uy quyền
thần linh truyền rằng : «Hỡi tà thần, Ta
truyền cho ngươi hãy ra khỏi hai người này».
Ma qủy thưa Chúa rằng : «Nhân danh Thiên Chúa, xin ông
đừng làm khổ chúng tôi». Chúa Giêsu hỏi : «Tên các
ngươi là gì ?». Thưa tên chúng tôi là Quân Đoàn, vì chúng
tôi đông lắm». Gần đó có một đàn heo đông
đảo đang ăn cỏ, ma qủy xin với Chúa
rằng : «Xin ông cho chúng tôi nhập vào đàn heo kia». Chúa
cho phép chúng. Lập tức chúng nhập vào đàn heo đông
cả ngàn con. Bị ma qủy nhập, đàn heo xô nhau lao
mình xuống biển, chết chìm tất cả. Tin
đồn ra, cả miền hoảng sợ.
Lần
thứ bốn là lời trong thư thứ hai của thánh
Phêrô. Ngài nguyền rủa tiên tri giả chuyên xuyên tạc
Thánh Kinh và lừa gạt dân chúng : «Trường hợp
của họ thật đúng như câu tục ngữ
‘Chó mửa ra rồi lại liếm ăn, lợn
vừa tắm sạch lại lăn vào bùn’ (2Pr 2,1).
5 - Hai thắc mắc cần làm sáng tỏ.
- Vật sạch vật dơ : Cứ như trên,
ta thấy heo bị liệt vào số những con vật
dơ bẩn. Thánh Kinh chỉ nhắc đến con heo trong
những ý nghĩa tiêu cực hay trong những hoàn cảnh
không đẹp. Tại sao vậy ? Theo các nhà chú giải
Thánh kinh, thì từ xa xưa, heo là một trong những con
vật mà dân ngoại thường cúng tế các tà thần
của họ. Heo lại là con vật đầm phân,
cục mịch, háu đói, ăn nhiều và hung dữ, nên
về phương diện vệ sinh, luân lý, tư cách, heo
không phải là con vật được kính trọng,
sống gần gũi với người như con chó, con
chiên… Và càng không được vào sổ những con
vật đáng làm hy lễ dâng hiến cho Thiên Chúa. Thêm vào
đó, dân Do Thái vốn là dân du mục, chăn nuôi những
đàn chiên, cừu, dê, lại rất xa lạ với loài
heo. Cũng vì thế, từ chỗ không quen ăn thịt
heo, người ta liệt heo vào số những con vật
dơ ‘cấm ăn thịt’. Hơn thế,
người Do Thái cho ‘việc ăn thịt heo là
một hành động chối đạo’.
Khi
chú giải ‘luật về vật sạch và vật
dơ’ trong cuốn Lêvi, Đức Giám Mục
Nguyễn Bình Tĩnh viết : “Luật Maisen xếp
loại vật sạch, vật dơ ‘là theo kinh nghiệm
hay theo mục đích chống thờ quấy’. Ví
dụ cấm ăn thỏ thuộc loài ‘nhai
lại’ vì thấy miệng nó cử động luôn.
Cấm ăn cá vì người Philitinh và Phêniki thờ
thần cá. Heo thuộc loại vật dơ vì dân Canaan coi
heo là vật qúy, chim kiền kiền dơ là vì chúng ăn
thịt và là biểu tượng của thần Nekbet,
thần hộ mệnh của Ai Cập… Tiêu chuẩn
xác định vật dơ như vậy thực tế
nhưng không chính xác. Tiêu chuẩn này còn liên quan đến
một số hiện tượng sinh lý như phạm vi
tình dục, sự chết, một số bệnh ngoài da,
một số thức ăn, chiến tranh (xem ‘Biết
yêu và sống Lời Chúa’ I, tr. 67).
Có
thể thêm rằng : Kể từ thời Tân Ước,
quan niệm ‘heo là vật dơ bẩn’ của
Cựu Ước đã được thay đổi ngay
giữa dân chúng. Sự kiện ‘một đàn heo
cả ngàn con’ (Mc 5,11-13) chứng tỏ ‘kỹ
nghệ nuôi heo’ đã phát triển, dân chúng bắt
đầu qúy chuộng loài heo.
- Tại sao người Kitô giáo ăn thịt heo ? Cho tới nay,
người Do Thái vẫn nghiêm giữ luật Cựu
Ước ‘Heo là vật dơ bẩn, nên không
được ăn thit heo’. Người Hồi giáo
cũng vậy (Coran vi,146-147). Câu hỏi đặt ra
là : Tại sao người Kitô giáo không giữ luật
Cựu Ước như người Do Thái hay người
Hồi giáo ?”. Xin thưa : Chúng ta tin theo Chúa Giêsu.
Người Do Thái và người Hồi giáo không tin theo Chúa
Giêsu. Khác với chúng ta, họ không tin nhận rằng
‘Chúa Giêsu đến để hoàn hảo hóa các
luật Cựu Ước’ (Mt 5,17-34). Ngài mạnh
dạn bãi bỏ những luật lệ hay tập tục
vụ hình thức, thiếu tình thương và bác ái. Chúng ta
thấy rõ điều đó trong các đoạn Phúc Âm : Chúa
chữa bệnh ngày thứ bảy (Mt 12,1-14 Mc 3,1-8 Lc 13,10) ;
Chúa tranh luận với người Biệt Phái về các
tập tục (Mc 7,1-23) ; Những lời Chúa khiển trách
người Biệt Phái (Mt 23,1-19)… Còn luật liên
hệ đến các thức ăn, chúng ta có lời Chúa
Giêsu dạy : “Chẳng có của ăn nào từ ngoài
vào trong mình người ta làm cho người ta ra dơ
bẩn. Bởi vì của ăn đó không nhập vào tâm
hồn người ta. Nó chỉ đi vào bụng rồi
bài tiết ra nơi kín đáo” (Mc 7,18-18). Và thánh Mátcô
khẳng định thêm “Nư vậy là Chúa bảo
mọi của ăn đều sạch” (Mc 7,19).
Chúng
ta có thể kết luận : Heo thuộc muôn loài Thiên Chúa
đã tạo thành. Việc tạo thành của Chúa phong phú vô
lường. Mọi vật Chúa đã dựng nên
đều tốt lành (DSt 1,1 tt). Vì thế, khi nhìn ngắm
một thụ tạo, kể cả con heo, chúng ta phải
bắt chước thánh vương Davít mà ca ngợi Thiên Chúa Tạo Thành :
Hãy ca tụng Chúa, tự khắp mười phương
đất,
Này thủy quái dị hình, này tất cả vực sâu,
Lửa hồng mưa đá, tuyết trắng mây mù,
Ngọn cuồng phong, cấp thừa hành Lời Chúa,
Núi với đồi trùng trùng điệp,
Cây ăn trái và đủ loại bá hương,
Thú vật rừng hoang,
Loài bò sát hay mọi giống chim trời,
Hãy ca tụng Chúa, Hóa Công quyền uy. (Tv 148).
Đức Vinh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét