Thứ Ba, 14 tháng 1, 2014
Thử xét vài lập luận pháp lý của TS Nguyễn Hồng Thao (và các học giả khác) về chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo HS và TS
17:02
Hoàng Phong Nhã
No comments
Trương Nhân Tuấn
Tác giả gửi đến Dân Luận
Thứ Năm, 12/09/2013
Lập trường của Việt Nam về chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã được trình bày rõ rệt qua bài viết “Vietnams Position on the Sovereignty over the Paracels & the Spratlys: Its Maritime Claims”
của TS Nguyễn Hồng Thao. Không biết đây có thực sự là quan điểm chính
thức của Việt Nam, như tựa đề muốn nói, hay chỉ là ý kiến riêng của tác
giả. Điều quan tâm là một số lập luận được sử dụng trong bài có thể
không thuyết phục.
1/ Thử xét lập luận: “Người ta không thể từ bỏ về cái mà người ta không có chủ quyền”.
Lập luận này thường được dẫn đi dẫn lại ở các bài viết của các học giả Việt Nam i. Ý kiến này nguyên của học giả Monique Chemillier-Gendreau, trong tập tài liệu “La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys”. Nguyên văn lẽ ra phải viết đầy đủ như sau:
“Dans
ce contexte, les déclarations ou pris de position éventuelles des
autorités du Nord-Vietnam sont sans conséquences sur le titre de
souveraineté. Il ne s’agit pas du gouvernement territorialement
compétent à l’égard des archipels. On ne peut renoncer à ce sur quoi on
n’a pas d’autorité ii“.
Tạm dịch:
trong bối cảnh đó, những tuyên bố hay lập trường nào đó của nhà cầm
quyền miền Bắc thì không ảnh hưởng lên danh nghĩa chủ quyền. Nhà nước
này không phải là nhà nước có thẩm quyền về lãnh thổ đối với các quần
đảo. Người ta không thể từ bỏ về cái mà người ta không có thẩm quyền.
Các học giả Việt Nam “vắn tắt” bớt, do việc người sau trích dẫn người trước, không kiểm chứng lại nguồn. TS. Nguyễn Hồng Thao viết:
“It had no right to give up the territory that it did not have iii” – “Người ta không thể từ bỏ lãnh thổ mà người ta không có thẩm quyền”
Người đầu tiên sử dụng lý lẽ này có lẽ là ông Từ Đặng Minh Thu, qua bài viết ở đây. Tác giả này dịch đoạn văn trên như sau:
“Trong
những điều kiện này, những lời tuyên bố hoặc lập trường nào đó của
chính quyền miền Bắc Việt Nam không có hiệu lực gì đối với chủ quyền.
Đây không phải là chính quyền có thẩm quyền trên quần đảo này. Người ta
không thể chuyển nhượng những gì người ta không kiểm soát được…”
Tác giả dịch “Dans ce contexte – bối cảnh này” thành ra “trong những điều kiện này”, theo tôi là không phù hợp. Vấn đề cần tìm hiểu: bối cảnh đó là bối cảnh nào?
Trang 122, tác giả Monique Chemillier-Gendreau nhắc đến ông L. Thomas Bradford, trong “The Spratly Island Imbroglio: a tangled web of conflict”; Ông này cho rằng, qua công hàm Phạm Văn Đồng, “Vietnam
réaffirmé sa reconnaissance de la prétention chinois sur les archipels”
– “Việc Nam tái xác nhận sự công nhận của họ về chủ quyền của Trung
Quốc ở các quần đảo”.
Một
số lập luận của bà Monique Chemillier-Gendreau nhằm mục đính phủ nhận ý
kiến của Thomas Bradford (cho rằng Việt Nam bị Estoppel). Không thể
diễn giải Công hàm 1958 như là “tái xác nhận việc công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa”.
Đó là “bối cảnh” của câu văn.
Các học giả Việt Nam, chỉ dựa vào câu “Người ta không thể từ bỏ lãnh thổ mà người ta không có thẩm quyền”,
từ đó kết luận công hàm Phạm Văn Đồng là không có giá trị ràng buộc.
Điều này hiển nhiên thiếu thận trọng. Bởi vì, nó có thể đúng trong bối
cảnh này (estoppel) nhưng chưa chắc đúng trong các bối cảnh khác (thí
dụ: acquiescement).
Có hai điều cần xem xét:
1/ Vào thời điểm 1958, VNDCCH có là một “quốc gia” như các học giả Việt Nam đã nói hay không? Nếu có, quốc gia này có “thẩm quyền quốc gia – compétence étatique” ở Hoàng Sa và Trường Sa hay không?
2/
Sau 1976, Việt Nam thống nhất đất nước, dĩ nhiên nhà nước CSVN có thẩm
quyền trên toàn lãnh thổ đất nước. Câu hỏi đặt ra: Việt Nam có bị ràng
buộc bởi công hàm 1958 hay không?
Điều
thứ nhất sẽ khảo sát ở dưới. Điều thứ hai, cũng là sự lo ngại của bà
Monique Chemillier-Gendreau. Ý kiến của bà học giả không chỉ vỏn vẹn
trong câu văn dẫn trên. Vài dòng trước đó bà viết:
“Néanmoins,
son silence devant l’affirmation de souveraineté chinoise sur les iles
peut être interprété comme un acquiescement, et cela autant plus qu’il
est renforcé par la déclaration relative aux zones de combat et les
articles du Nhan Dan iv. iv“
Tạm dịch:
“dầu vậy, sự im lặng (của nhà nước VNDCCH) trước sự khẳng định chủ
quyền của Trung Hoa tại các đảo có thể được hiểu như là một sự đồng
thuận. Việc này càng được củng cố qua các tuyên bố liên quan đến vùng
chiến sự và những bài viết trên báo Nhân Dân.”
Phải hiểu thể nào về “acquiescement – sự đồng thuận” theo luật Quốc Tế? Điều này cũng sẽ nói sau đây.
2/ Về ý nghĩa pháp lý “acquiescement – sự đồng thuận” của các “tuyên bố đơn phương”.
Điều cần nói rõ, Tuyên bố ngày 4 tháng 9 năm 1958 của Trung Quốc về lãnh hải quốc gia, là Tuyên bố đơn phương có hình thức “décision – quyết định” (hơn là hình thức “notification”).
Theo
tập quán quốc tế hiện nay, khi quốc gia ra tuyên bố về bề rộng lãnh hải
của nước mình, thường thông báo đến các quốc gia khác “lập trường” của nước mình qua hình thức “notification – thông báo”. Các nước khác, nếu công nhận lập trường này, sẽ gởi công hàm trả lời mang hình thức “reconnaissance vii– công nhận”. Trường hợp không đồng ý thì gởi công hàm “phản đối – protestation viii“.
Bất kể tuyên bố về lãnh thổ và hải phận của Trung Quốc mang hình thức “Désision v – quyết định” (mang tính ép buộc cho phía nhận quyết định) hay “Notification vi – thông báo”, công hàm của ông Phạm Văn Đồng là một Tuyên bố đơn phương, công khai, mang hình thức “công nhận”
tuyên bố của Trung Quốc. (Ở đây là công nhận tuyên bố chủ quyền lãnh
thổ cũng như việc mở rộng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc).
Vấn
đề là, Việt Nam hôm nay có thể nói ngược lại, là chỉ công nhận lãnh hải
12 hải lý của Trung Quốc ở mọi vùng lãnh thổ của Trung Quốc, mà không
tôn trọng ở Hoàng Sa và Trường Sa, với lý do Hoàng Sa và Trường Sa thuộc
Việt Nam hay không?
Như
bà Monique Chemillier-Gendreau có ghi nhận, VNDCCH đã tôn trọng quyết
định của Trung Quốc qua nhiều hình thức khác nhau, trong một thời gian
dài, trong đó có việc nhìn nhận vùng biển và vùng trời của Trung Quốc
tại Hoàng Sa, qua bài báo trên nhật báo Nhân Dân. Mặt khác, nhà cầm
quyền miền Bắc cũng nhiều lần cho in bản đồ trong đó ghi chú Nam Sa và Tây Sa thuộc Trung Quốc (chứ không phải Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam).
Các động thái trên là hình thức “comportement actif ix – thái độ chủ động”, dấu hiệu của “acquiescement”.
Ngoài
ra, nhà cầm quyền miền Bắc đã giữ thái độ im lặng khi Trung Quốc xâm
lăng Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974. Đây là hình thức “comportement
passif – thái độ thụ động”, một dấu hiệu khác của “acquiescement”.
Khoản 1 của Nguyên tắc Hướng dẫn về Tuyên bố Đơn phương của Quốc gia được Ủy ban Công pháp Quốc tế thuộc LHQ x thông qua có nội dung:
“Des
déclarations formulées publiquement et manifestant la volonté de
s’engager peuvent avoir pour effet de créer des obligations juridiques.
Lorsque les conditions pour qu’il en soit ainsi sont réunies, le
caractère obligatoire de telles déclarations repose sur la bonne foi;
les États intéressés peuvent donc en tenir compte et tabler sur elles;
ils sont fondés à exiger que de telles obligations soient respectées.”
Tạm dịch:
“Những tuyên bố phát biểu một cách công khai và bày tỏ ý muốn tôn trọng
(những gì đã tuyên bố) có thể có tác dụng tạo ra các nghĩa vụ pháp lý.
Khi các điều kiện được hội đủ, tính cách ràng buộc của các tuyên bố này
được dựa vào sự thành tín. Quốc gia liên hệ có thể xem xét và dựa vào
tuyên bố này làm căn cứ, để đòi hỏi các nghĩa vụ đó phải được tôn
trọng”.
Công hàm 1958 hội đủ hai yếu tố “công khai” và “ý chí tôn trọng”. Vì vậy nó có thể tạo ra một nghĩa vụ pháp lý.
Nhà nước CHXHCNVN hiện nay – nhà nước kế thừa VNDCCH – khó có thể cho rằng “công hàm 1958 công nhận hải phận 12 hải lý của Trung Quốc ở mọi nơi, ngoại trừ Hoàng Sa và Trường Sa”.
Sai lầm là vì, năm 1958, thay vì đưa ra tuyên bố “phản đối – protestation”,
theo đúng như thủ tục của luật quốc tế, nhằm bảo lưu chủ quyền của Việt
Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, VNDCCH lại viết công hàm “công nhận – reconnaissance” nội dung tuyên bố của Trung Quốc.
Theo tập quán quốc tế, các quan Tòa thường rất thận trọng khi kết án một quốc gia trên nguyên tắc “acquiescement”, nếu chỉ đơn thuần dựa trên một vài “dấu hiệu”
nào đó. Trường hợp Việt Nam, nếu so sánh với các bản án mẫu, với thái
độ thụ động của CSVN trước việc xâm lăng của Trung Quốc ở Hoàng Sa năm
1974, cách hành sử của nhà nước CSVN qua việc nhìn nhận và tôn trọng
vùng biển, vùng trời của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa, các việc
in ấn các bản đồ, cùng với các các tuyên bố của các viên chức nhà nước…
tất cả tạo nên thành tố “acquiescement – nhìn nhận” chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa.
TS Nguyễn Hồng Thao dẫn vụ án xử Tân Tây Lan và Úc cùng kiện Pháp năm 1974 lên CIJ về việc Pháp “Thử bom nguyên tử trong khí quyển”:
“If States make statements by which their freedom of action is to be limited, a restrictive interpretation is called for”.
Tạm dịch:
Nếu một quốc gia có tuyên bố mà (nội dung của tuyên bố) có thể hạn chế
hành động của quốc gia này trong tương lai, việc giải thích cần hạn chế.
Hàm ý cho rằng việc diễn giải công hàm 1958 cũng cần sự hạn chế.
Trường
hợp vụ án, các viên chức có thẩm quyền của Pháp đã ra các tuyên bố,
theo đó nước Pháp sẽ không thử bom nguyên tử trong khí quyển nữa. Tân
Tây Lan và Úc vịn vào các tuyên bố này kiện lên CIJ, yêu cầu Pháp không
được thử (khi thấy Pháp lăm le muốn thử nữa).
Ta
thấy rõ ràng tuyên bố của các viên chức Pháp có hệ quả hạn chế tự do
của nước Pháp trong tương lai. Nhưng kết quả phân xử cho thấy, phía Tân
Tây Lan và Úc thắng kiện. Pháp không được quyền thử bom nguyên tử trong
bầu khí quyển (nhưng sau đó thì thử dưới lòng đất!).
Tuyên bố của ông Đồng hạn chế hành động nào của Việt Nam trong tương lai? Không có điều nào cả!
Vấn
đề tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa giữa Việt Nam và TQ bắt đầu từ năm
1909. Còn tranh chấp Trường Sa thì sau Thế chiến II. Nhà cầm quyền
VNDCCH không thể vịn lý do “không biết” để mà tuyên bố “công nhận” đòi hỏi của Trung Quốc.
TS Nguyễn Hồng Thao ghi lại nội dung của điều 7 xi
của bản Nguyên tắc Hướng dẫn về Tuyên bố Đơn phương của Quốc gia được
Ủy ban Công pháp Quốc tế thuộc LHQ. Người viết đã từng tham khảo và tạm
dịch (từ tiếng Pháp) như sau:
Một
tuyên bố đơn phương chỉ có khả năng ràng buộc quốc gia (đã phát biểu)
khi nội dung (của bản tuyên bố) có một mục đích rõ ràng và cụ thể. Trong
trường hợp có nghi ngờ về mức độ cam kết của tuyên bố, thì văn bản phải
được giải thích một cách hạn chế.
Trở lại vụ án “Thử bom nguyên tử” 1974 giữa Tân Tây Lan và Pháp trước CIJ, Tòa cũng nhấn mạnh:
Một tuyên bố đơn phương chỉ có thể tạo nghĩa vụ pháp lý đối với quốc gia tuyên bố khi mà nó có mục tiêu rõ rệt và cụ thể. xii
Các
tuyên bố của các lãnh đạo Pháp đã có mục tiêu rõ rệt và cụ thể. Vì vậy
nó tạo nghĩa vụ pháp lý, buộc nước Pháp phải giữ lời.
Tương
tự, tuyên bố của Phạm Văn Đồng cũng rất rõ rệt và cụ thể: nhìn nhận và
tán thành tuyên bố về lãnh thổ cũng như việc mở rộng 12 hải lý lãnh hải
của Trung Quốc. Vì vậy nó sẽ tạo nghĩa vụ pháp lý, buộc Việt Nam phải
giữ lời. Có nghĩa là Việt Nam phải tôn trọng lãnh hải 12 hải lý của
Trung Quốc ở mọi nơi có liệt kê trong bản tuyên bố của Trung Quốc. Tức
kể cả ở Hoàng Sa và Trường Sa.
TS
Nguyễn Hồng Thao cũng dẫn vụ án giữa Mã Lai và Singapour về chủ quyền
các đảo Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge, CIJ xiii, ngày 23-5-2008 nhằm biện hộ cho công hàm 1958:
The
declaration by PM Pham Van Dong did not have a constitutive character
for giving up territory. In the case concerning sovereignty over Pedra
Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks, and South Ledge
(Malaysia/Singapore) regarding the Singapore argument that the Johor
Authority recognized Singapore sovereignty over those islands, the Court
took a position not to consider the Johor reply as having a
constitutive character in the sense that it had a conclusive legal
effect on Johor. The text of PM Pham Van Dong does not have any
constitutive character regarding South Vietnamese territory.
Consequently, it had no conclusive legal effect on the fate of the
Paracels and Spratlys.
Tạm dịch:
Tuyên bố của Phạm Văn Đồng không có giá trị thiết định cho việc từ bỏ
lãnh thổ. Trong vấn đề tranh chấp chủ quyền tại các đảo Pedra
Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks et South Ledge
(Malaisie/Singapour), liên quan đến lý lẽ của phía Singapour, (nước này)
cho rằng lãnh đạo của Johor đã nhìn nhận chủ quyền của Singapour tại
các đảo. Lập trường của Tòa thì không xem lá thư của Johor có giá trị
thiết định trong chiều hướng (lá thư này) có hiệu quả pháp lý đối với
Johor. Văn thư của ông Đồng không có giá trị thiết định đối với những
vấn đề lãnh thổ của miền Nam. Do đó, không có một hiệu quả pháp lý nào
trên vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa.
TS Nguyễn Hồng Thao, cũng như nhóm Quĩ Nghiên cứu biển Đông,
dẫn thí dụ về quan điểm của Tòa đối với lá thư của Bộ trưởng Ngoại giao
Johor trong vụ án dẫn trên nhưng việc trích dẫn này không phù hợp, nếu
không nói là thiếu thành thật.
Trong
vụ án CIJ xử vụ tranh chấp giữa Mã Lai và Singapour về chủ quyền các
đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks và South Ledge, việc
giải thích hiệu lực công hàm 1953 của Johor chiếm một thời lượng lớn, từ
đoạn 192 đến đoạn 230 trong biên bản ghi chép phiên xử.
Đoạn trích dẫn của TS Nguyễn Hồng Thao về hiệu quả lá thư của Johor là đoạn 227, nguyên văn như sau:
227.
Pour ce qui est du premier argument, la Cour ne considère pas la
réponse du Johor comme revêtant un caractère constitutif au sens où elle
aurait eu pour celui-ci un effet juridique décisif. Il s’agit plutôt
d’une réponse à une demande de renseignements. Ainsi qu’il apparaîtra
plus loin, cet argument est, compte tenu des circonstances, étroitement
lié au troisième.
Tạm dịch:
về lý lẽ thứ nhất, Tòa không cho rằng lá thư trả lời của Johor bao gồm
một giá trị thiết định trong chiều hướng nó đem lại cho lý lẽ này một
hiệu quả pháp lý quyết định. Đúng ra đây là câu trả lời cho một câu hỏi
tham khảo. Cũng như nó sẽ trở lại ở phần sau, lý lẽ này, với hoàn cảnh
như vậy, có liên hệ chặt chẽ với (lý lẽ) thứ ba.
TS Nguyễn Hồng Thao đã trích dẫn không đầy đủ, sau đó diễn giải ý nghĩa xa rời bối cảnh.
Ở
đây Tòa không hề cho rằng lá thư của nhà nước Johor không có hiệu lực
pháp lý, mà chỉ cho rằng nó không có một hiệu quả pháp lý quyết định cho
lý lẽ thứ nhất. Vấn đề là lý lẽ thứ nhất đó là gì?
Tòa cũng cho rằng lý lẽ này quan hệ chặt chẽ với (cái) thứ ba. (Cái) thứ ba đó là cái gì?
Muốn biết lý lẽ thứ nhất và “cái” thứ ba là gì, ta phải xem đoạn 226:
226.
Pour conclure son examen de la correspondance de 1953, la Cour relèvera
trois aspects connexes de l’argumentation développée par les conseils
de Singapour à partir de celle-ci. Premièrement, Singapour a présenté la
réponse du Johor comme une “déclaration de non-revendication expresse”
ou “officielle” du titre sur Pedra Branca/Pulau Batu Puteh;
deuxièmement, elle a invoqué la notion d’estoppel; troisièmement, elle a
fait valoir que la réponse du Johor équivalait à un engagement
unilatéral obligatoire.
Tạm dịch:
Để kết luận việc khảo sát của Tòa về lá thư 1953, Tòa đưa ra ba phương
diện liên hệ đến lý lẽ được khai triển bởi các Ủy viên Singapour ở lá
thư này. Thứ nhất, Singapour đã trình bày thư trả lời của Johor như là
một “tuyên bố minh thị từ bỏ chủ quyền”, hay “chính thức”, về danh nghĩa
ở đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh; thứ hai, viện dẫn khái niệm
Estoppel; thứ ba, lập luận rằng thư trả lời của Johor tương đương với
một cam kết đơn phương bắt buộc.
Như
vậy, đoạn trích dẫn của TS Nguyễn Hồng Thao chỉ liên quan đến khía cạnh
thứ nhất: Singapour đã trình bày thư trả lời của Johor như là một “tuyên bố minh thị từ bỏ chủ quyền”, hay “chính thức”, về danh nghĩa ở đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh. Tức là, theo Tòa, lá thư không có giá trị thiết định để việc “tuyên bố minh thị từ bỏ chủ quyền” có hiệu quả pháp lý quyết định.
Điều
này không có nghĩa, lá thư không có giá trị pháp lý nào khác. Tòa còn
có ý kiến riêng của tòa, có điều các học giả Việt Nam “quên” không nhắc mà thôi.
Tòa
cho rằng lá thư này là một câu trả lời của Johor cho câu hỏi của
Singapour. Câu hỏi của Singapour đại khái là: Đảo Pedra Branca/Pulau
Batu Puteh có thuộc chủ quyền của Johor không?
Bộ trưởng Ngoại giao lâm thời Johor trả lời: Đảo Pedra Branca/Pulau Batu Puteh không thuộc sở hữu của Johor.
Đoạn 275, ý kiến của Tòa về lá thư:
“Il
s’agit de la déclaration, faite dans des termes clairs en 1953 par le
secrétaire d’Etat par intérim de l’Etat du Johor, selon laquelle le
Johor ne revendiquait pas la propriété de Pedra Branca/Pulau Batu Puteh.
Cette déclaration revêt une importance capitale”.
Tạm dịch:
Về tuyên bố 1953 của Ngoại trưởng lâm thời Johor, thể hiện bằng những
lời lẽ cụ thể, theo đó Johor không tranh dành chủ quyền đảo Pedra
Branca/Pulau Batu Puteh. Tuyên bố này mang một tầm quan trọng quyết
định.
Cuối
cùng Tòa phán đảo Pedra Branca/Pulau Batu thuộc về Singapour, mặc dầu
hồ sơ phía Mã Lai đã lập rất công phu, bao gồm nhiều văn kiện lịch sử
quan trọng, chứng minh được rằng Mã Lai có chủ quyền lịch sử tại đảo
tranh chấp.
Mã Lai bị mất chủ quyền lịch sử ở đảo này vì nhiều lý do, ngoài lý do “effectivité”,
Singapour đã hành sử các quyền chủ quyền một cách hòa bình và liên tục
tại đảo này, còn có lá thư của Johor là một yếu tố quyết định “importance capitale”.
Trở
lại tuyên bố 1958 của ông Đồng, thật vậy, nội dung lá thư không hề nói
đến chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Nhưng lá thư này có thể diễn giải
tương tự như trường hợp lá thư của Johor, đó là “ý kiến” của VNDCCH về một quyết định của Trung Quốc.
Ngoài ra Công hàm 1958 có tính cách pháp lý ràng buộc của một tuyên bố “công nhận xiv“, trong khi lá thư Johor chỉ là một “câu trả lời cho một câu hỏi tham khảo – une réponse à une demande de renseignements”.
3/ Vấn đề “thẩm quyền lãnh thổ”:
Trở lại câu: “Người ta không thể từ bỏ lãnh thổ mà người ta không có thẩm quyền”
mà các học giả Việt Nam dẫn tới dẫn lui trong các bài viết. Như đã viết
ở trên, điều cần phải làm cho minh bạch là vào thời điểm 1958, VNDCCH
có là một “quốc gia” như các học giả Việt Nam đã nói hay không? Nếu có, quốc gia này có “thẩm quyền quốc gia – compétence étatique” ở Hoàng Sa và Trường Sa hay không?
Câu trả lời là vào khoảng 1958, VNDCCH không hề là một “quốc gia”, theo định nghĩa của Quốc tế Công pháp, đơn giản vì VNDCCH không phải là “đối tượng” của Quốc tế Công pháp.
Nếu hiểu theo nghĩa rộng, VNDCCH và VNCH chỉ là “quốc gia từng phần – Etat partiel” trong một “quốc gia tổng thể – Etat global xv“.
Trong
thời kỳ 1954-1975, Việt Nam là một đất nước bị phân chia (état divisé –
divided country). Trường hợp Ấn Độ và Pakistan, hoặc Pakistan và
Bangladesh, cũng là các nước bị phân chia nhưng tình trạng pháp lý của
các quốc gia xvi này hoàn toàn khác với Việt Nam.
Theo định nghĩa xvii, quốc gia bị phân chia (état divisé) là quốc gia, lúc trước khi bị phân chia đã là một “quốc gia – Etat”,
được cộng đồng quốc tế nhìn nhận, và lập trường chính trị chung của các
bên (sau khi bị phân chia) là mong muốn thống nhất lại đất nước trong
tương lai. Đường ranh phân chia chỉ có giá trị tạm thời, không được nhìn
nhận là đường biên giới.
Cộng
đồng quốc tế đã nhìn nhận Việt Nam là một quốc gia, thành hình từ rất
lâu, đã tuyên bố độc lập từ thế kỷ thứ X. Sau hiệp định Genève 1954,
Việt Nam bị phân chia bằng vĩ tuyến 17 thành hai vùng lãnh thổ. Đường
phân chia này chỉ có giá trị tạm thời (nhằm về tập kết quân sự). Cũng
theo qui định của Hiệp định này, việc thống nhất Việt Nam sẽ thể hiện
bằng một cuộc bầu cử, trễ nhất là năm 1956. Việc bầu cử, do nhiều lý do,
đã không diễn ra. Hai miền, từ những năm của thập niên 60, trên thực tế
đã hành sử như là “quốc gia”. Nhưng lập trường chính trị của hai
bên vẫn là ý muốn thống nhất lại đất nước. Cả hai miền đều quyết định
không gia nhập Liên Hiệp Quốc xviii.
Như
vậy Việt Nam là một quốc gia bị phân chia (état divisé – divided
country), tương tự trường hợp của Đại Hàn và Đức, ý muốn của họ là trong
tương lai thống nhất lại đất nước xix.
Trường
hợp Ấn Độ và Pakistan, sau khi được Anh trả độc lập, đã quyết định phân
chia đất nước thành hai vùng lãnh thổ và việc phân chia có tính cách
vĩnh viễn. Hai vùng lãnh thổ trở thành hai quốc gia: Ấn Độ và Pakistan,
với một đường biên giới được xác định và cả hai đều gia nhập vào Liên
Hiệp quốc. Trường hợp Bangladesh ly khai khỏi Pakistan để trở thành một
quốc gia độc lập, được quốc tế nhìn nhận. Các trường hợp phân chia này
hoàn toàn khác với tình trạng của quốc gia Việt Nam.
Về
thái độ của các nước trên thế giới, có thể phân chia thành 2 nhóm khác
nhau, có quan niệm đối chọi nhau về tư cách pháp nhân của “quốc gia Việt Nam” trong giai đoạn 1954-1975.
Nhóm
1: công nhận nhà nước VNCH là chính thống, đại diện cho quốc gia Việt
Nam (từ Nam Quan đến Cà Mau). Các nước tiêu biểu của nhóm này bao gồm
các nước tư bản, thuộc khối tự do như Mỹ, Pháp, Anh… khoảng 56 quốc gia.
Nhà nước VNCH cũng được nhìn nhận là đại diện chính thức của Quốc gia
Việt Nam tại các định chế quốc tế thuộc LHQ.
Nhóm
2: công nhận nhà nước VNDCCH là chính thống, đại diện cho Quốc gia Việt
Nam (từ Lạng Sơn đến Cà Mau). Các nước tiêu biểu của nhóm này bao gồm
các nước thuộc khối cộng sản, như Liên Xô, Trung Quốc…
Ngoại lệ Ấn Độ, không công nhận bên nào là đại diện chính thống của quốc gia Việt Nam xx.
Như thế, lập trường áp đảo là chỉ có 1 quốc gia Việt Nam, hoặc do nhà nước VNDCCH đại diện, hoặc do VNCH đại diện.
Điều cần nói, Hoa Kỳ cũng đã từng nhìn nhận Việt Nam là một quốc gia “tạm thời bị phân chia, giống như trường hợp của Đại Hàn và Đức”. Việc này trình bày trong “Biên bản ghi nhớ”
của bộ Ngoại giao ngày 4-3-1966. Hoa Kỳ cũng nhìn nhận và tôn trọng độc
lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam theo tinh thần
Hiệp định Paris 1973. Tức nhìn nhận Việt Nam là một quốc gia duy nhứt.
Điều
đáng ghi nhận khác, liên tục nhiều năm, cho đến năm 1960, nhà cầm quyền
miền Bắc vẫn còn lên tiếng, vào tháng 7, yêu cầu miền Nam tuân thủ hiệp
định Genève, trưng cầu dân ý thống nhất đất nước.
Như thế thì lý lẽ nào để cho rằng, vào thời điểm 1958, VNDCCH và VNCH là hai quốc gia?
VNCH
và VNDCCH là hai nhà nước thù nghịch nhau vì lý do ý thức hệ (tương tự
Đại Hàn và Đức) nhưng cùng thuộc về một nước Việt Nam duy nhất. Vì cùng
chủ trương một nước Việt Nam duy nhất, hai nhà nước, chính thống hay
không chính thống, đều có tư cách và trách nhiệm như nhau về các vấn đề
chủ quyền lãnh thổ.
Nhóm Quĩ Nghiên cứu Biển Đông, qua bài viết ở đây,
có dẫn tên một số học giả như James Crawford, Robert Jennings, Nguyễn
Quốc Định, Jules Basdevant, Paul Reuter, Louis Henkin, Grigory Tunkin,
cho rằng VNCH và VNDCCH là “hai quốc gia” riêng biệt. Điều đáng
tiếc là không thấy nhóm nghiên cứu này nói rõ hơn là các học giả đó viết
trong sách nào? trang mấy? Riêng tác giả James Crawford, thì trong cuốn
The Creation the States in International Law mà tôi có tham khảo, từ
trang 472 đến trang 477 cho rằng Việt Nam là một quốc gia bị phân chia.
Nhưng cũng đặt thử giả thuyết, năm 1958 VNDCCH và VNCH là hai “quốc gia”, cho đẹp lòng các học giả Việt Nam. Hệ quả sẽ ra sao về các vấn đề lịch sử và pháp lý?
Khi đã là “Quốc gia”,
VNDCCH sẽ phải là đối tượng của Quốc tế Công pháp. Các hành vi, các
tuyên bố của VNDCCH trước quốc tế, từ 1954 đến 1975, sẽ là một vấn đề
thuộc phạm vi “quốc tế”. Công hàm 1958 vì vậy trở thành một vấn
đề thuộc công pháp quốc tế. Dĩ nhiên nước VNDCCH sẽ là nước thứ ba,
không liên can gì đến việc tranh chấp Hoàng Sa và Trường Sa giữa Trung
Quốc và nước VNCH.
Còn chiến tranh Việt Nam, tức cuộc nội chiến nồi da xáo thịt, tên “xung kích XHCN” sừng sỏ đánh tên đại diện “tiền đồn thế giới tự do” VNCH, qua sự ủy nhiệm của các “quan thầy quốc tế”. Là hai quốc gia, quan điểm của miền Bắc, cuộc chiến tranh “Giải phóng, Thống nhất đất nước”, sẽ phải đổi lại là chiến tranh “chinh phục, mở rộng bờ cõi”. Quan điểm của VNCH, chiến tranh chống kẻ xâm lăng, dân tộc “Nam kỳ” “mất nước”,
bị dân tộc Bắc Kỳ đô hộ. Quan điểm quốc tế, cuộc chiến tranh này vi
phạm các nguyên tắc của Hiến chương LHQ, các nước có bổn phận can thiệp
để bảo vệ VNCH (như trường hợp Koweit bị Irak xâm lăng qua cuộc chiến
Vùng Vịnh lần 1). Lúc đó sự can thiệp (nếu có) của Hoa Kỳ sẽ chính đáng,
(chứ không bị thế giới lên án như chiến tranh Việt Nam).
Đặt giả thuyết này để thấy rằng quan điểm hai nhà nước VNDCCH và VNCH là hai “quốc gia” là một điều rất sai, sai lầm về mặt lịch sử và tai hại về mặt pháp lý.
Vì
vậy, cố gắng biện luận rằng VNDCCH và VNCH là hai quốc gia (với những
bằng chứng ngụy tạo), sau đó dẫn lời (một cách không đầy đủ) của bà
Monique Chemillier-Gendreau: “người ta không thể cho cái mà người ta không có thẩm quyền”…
đều chỉ là ngụy biện. Các học giả này không ai chứng minh rằng VHDCCH
và VNCH là hai quốc gia độc lập, có chủ quyền, lãnh thổ được phân định,
theo như tiêu chuẩn của Quốc tế công pháp. (Và đây là điều thật may mắn
cho tiền đồ của dân tộc Việt Nam!)
Thái
độ ngụy biện, hay việc thiếu thành thật trong việc trích dẫn, không hề
giúp Việt Nam giành lại Hoàng Sa và Trường Sa, mà ngược lại, nó chỉ cho
người ta thấy sự yếu kém của học giả Việt Nam và càng củng cố thêm cho
lý lẽ của phía Trung Quốc.
4/ Vấn đề kế thừa:
TS Nguyễn Hồng Thao, cũng như nhiều học giả Việt Nam, khi trích dẫn câu “người ta không thể từ bỏ cái mà người ta không có chủ quyền”, mặc nhiên thừa nhận hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thuộc chủ quyền của “quốc gia” VNDCCH.
Như
vậy, sau 1976, từ bao giờ Hoàng Sa và Trường Sa của “quốc gia” VNCH trở
lại thuộc chủ quyền của CHXHCNVH? Trở lại bằng cách nào? Kế thừa từ
Cộng hòa Miền nam Việt Nam hay kế thừa VNCH? Kế thừa ở đây là kế thừa “Quốc gia – Etat”
(vì đã nhìn nhận VNDCCH và VNCH là hai quốc gia) chứ không phải kế thừa
chính quyền (Gouvernement). Thủ tục kế thừa đã thể hiện ra sao?
Không thấy ai đưa ra lời giải thích rành mạch.
Nhóm Quĩ nghiên cứu Biển Đông, trong bài viết ở đây, đề nghị nhà nước CSVN hôm nay “nhìn nhận” VNCH “từng là một quốc gia” (sic!).
Vấn đề “nhìn nhận”
một vùng lãnh thổ có phải là một quốc gia hay không là tùy thuộc theo
nhiều tiêu chuẩn pháp lý do LHQ đặt ra, chứ không tùy thuộc vào sự việc
được sự nhìn nhận của nước khác. Mặt khác, người ta không thể “nhìn nhận” tư cách pháp nhân cho một thực thể nào đó đã không còn hiện hữu.
Vấn đề là làm thế nào “kế thừa” VNCH chứ không phải “nhìn nhận” VNCH đã từng như là một quốc gia!
Như thế lập luận “có hai quốc gia Việt Nam trong khoảng 1956-1975″
là điều nguy hiểm cho Việt Nam tương lai. Nó không hề hóa giải được hệ
quả công hàm 1958 của ông Phạm Văn Đồng mà nó chỉ có khả năng xóa bỏ mọi
chứng cớ pháp lý quan hệ giữa Việt Nam hôm nay (CHXHCNVN) và các đảo
Hoàng Sa và Trường Sa.
Cũng
nói về lý lẽ của phía Trung Quốc, trả lời khi Việt Nam đòi đưa Hoàng Sa
vào bàn thuơng thuyết: khi nào VN chứng minh được miền Nam (tức VNCH)
không thuộc nước Việt Nam thì họ sẽ ngồi xuống đàm phán với Việt Nam về
quần đảo Hoàng Sa.
Phía Việt Nam “ngọng”! Vì danh không chánh thì ngôn không thuận!
Đối với Trường Sa, quan niệm của Trung Quốc, VNDCCH đã chiếm trái phép các đảo Trường Sa của Trung Quốc.
Các học giả Việt Nam, người đi sau “copy” người đi trước, không ai thấy có nhu cầu xem xét lại, rập khuôn vào cùng một lập luận, cùng mắc phải một sai lầm, “đóng đinh” Việt Nam cứng đơ trên cây “thánh giá”, bất khả tranh biện với Trung Quốc.
Vấn đề “kế thừa” và “liên tục” quốc gia của Việt Nam đã được nhiều tác giả đề cập, cụ thể qua tập “tate Succession and Membership in International Organisations – Legal Theories versus Political Pragmatism” xxii của tác giả Conrad G. Buhler (trang 69-113) hoặc Luận án của bà Mme Joële Nguyên Duy-Tân, tóm lược qua bài “La représentation du VietNam dans les institutions spécialisées”.xxiii
Các
tập tài liệu này đã đưa ra những tài liệu pháp lý, cho thấy CHXHCNVN là
một quốc gia mới. Nhà nước CHXHCNVN là nhà nước tiếp nối của VNDCCH xxiv. Nhà nước này từ chối kế thừa bất kỳ danh nghĩa nào thuộc về VNCH.
Những nhà lãnh đạo CSVN làm như thế là đúng với cái “logic” của họ.
Bà Joële Nguyên Duy-Tân có đặt vấn đề:
“La
R.D.V.N. avait toujours nié théoriquement l’existence d’un Etat au Sud,
en particulier celui de la R.V.N. La R.S.V.N. peut-elle succéder à une
entité inexistante pour elle?
Tạm dịch:
VNDCCH luôn cương quyết phủ nhận sự hiện hữu của một quốc gia ở miền
Nam, tức VNCH. CHXHCNVN có thể kế thừa một thực thể mà họ đã quan niệm
là không hiện hữu?
Tài liệu thuộc Bộ Ngoại giao Pháp, ngày 9-9-1978, cho thấy CHXHCNVN từ chối kế thừa di sản của thực dân Pháp (chuyển sang VNCH):
A
la suite de la disparition de la République du Sud VN, le nouveau
gouvernement de VN n’a pas fait la déclaration indiquant qu’il entendait
succéder aux traités des 16 Septembre 1954 et 16 Aout 1955, conclus
entre la République française et l’ancien gouvernement Sud Vietnam. Il
en résulte, conformément au principes du droit international actuel en
matière de question du succestion d’Etat, que ces traités n’engagent
plus le gouvernement actuel de VN et qu’il sont devenus caduc. xxv
Tạm dịch:
Tiếp theo sự biến mất của Cộng hòa miền Nam, chính phủ VN mới đã không
ra tuyên bố cho biết họ kế thừa các hiệp ước 16-9-1954 và 16-8-1955, ký
kết giữa Cộng hòa Pháp và chính phủ miền Nam VN cũ. Vì vậy, chiếu theo
các nguyên tắc của luật quốc tế hiện thời về vấn đề kế thừa quốc gia,
các hiệp ước này không còn ràng buộc chính phủ Việt Nam hiện thời và
chúng trở thành vô giá trị.
Một loạt các hành động khác, như CHXHCNVN ký kết vào hiệp ước “Không phổ biến vũ khí nguyên tử” với tư cách một quốc gia mới, từ chối kế thừa VNCH. xxvi
Hoa Kỳ cũng xác nhận VNCH là một quốc gia bị gián đoạn xxvii:
The
Republic of Viet Nam, both of a state and government, had ceased to
exist in law or fact and the United States had not recognized any
government as the sovereigh authority in the territory formerly known as
South Viet nam
Tạm dịch:
Việt Nam cộng hòa, quốc gia và chính quyền, đã ngừng hiện hữu trên
phương diện pháp lý và thực tế. Hoa Kỳ không công nhận bất kỳ nhà nước
nào trên vùng lãnh thổ trước kia mang tên Nam Việt Nam.
TS
Nguyễn Hồng Thao lập luận CHXHCNVN kế thừa Hoàng Sa và Trường Sa từ
CHMNVH. Vậy thì nhà nước CHMNVN đã thụ đắc danh nghĩa chủ quyền tại
Hoàng Sa và Trường Sa khi nào? Từ nhà Nguyễn, chính quyền thực dân Pháp
hay VNCH?
Tuyên
bố của bộ Ngoại giao Pháp 9-9-1978 dẫn trên cho thấy lập luận của TS
Nguyễn Hồng Thao về kế thừa HS và TS là không có cơ sở.
Như vậy, lập luận VNDCCH và VNCH là “hai quốc gia” đã đưa Việt Nam vào bế tắc.
Trong khi lập luận “hiệp định Genève 1954 phân chia Việt Nam thành hai quốc gia” nguyên thủy là lập trường của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ là một “tác nhân” trong cuộc chiến Việt Nam. Vì lo ngại xảy ra một “chiến tranh Cao Ly thứ 2″
với Trung Cộng, đồng thời bảo đảm việc can thiệp vào Việt Nam phải phù
hợp với các nguyên tắc về chiến tranh theo qui định của quốc tế “jus ad bellum” xxviii và “jus in bello”, Hoa Kỳ muốn biến miền Nam thành một “tiền đồn chống cộng” vững chắc. Do đó nước này có ý muốn thành lập ở miền Nam một “quốc gia” đúng nghĩa.
Nội dung bức thư xxix của Eisenhower gởi ông Diệm này 1-10-1954: chúng tôi sẽ giúp cho VNCH xây dựng thành một “quốc gia” phú cường, có khả năng chống lại mọi loạn lạc bên trong cũng như những gây hấn bên ngoài.
Tháng 12 năm 1961, trả lời thư ông Diệm, TT Kennedy hứa hẹn xxx: “Chúng tôi sẵn sàng giúp chính quyền VNCH để bảo vệ người dân trong nước, để giữ vững nền độc lập của đất nước”.
Hoa Kỳ muốn xây dựng miền Nam VNCH trở thành một “quốc gia” hùng mạnh, có tính chính thống, duy nhất đại diện quốc gia Việt Nam. Cuộc chiến Việt Nam sẽ cuộc chiến “xâm lược”,
vì miền Bắc vi phạm hiệp định Genève, xâm lược miền Nam. Từ đó Hoa Kỳ
mới có lý do vịn vào để đổ quân vào Việt Nam, tương tự như chiến tranh
Cao Ly. Nhưng VNCH không trở thành một quốc gia “chính thống” và “hùng mạnh”, vì song song đó, các nước XHCN cũng giúp VNDCCH trở thành một quốc gia “chính thống” và “hùng mạnh”
khác. Cuộc chiến mà Hoa Kỳ lo ngại (trường hợp Bắc Hàn xua quân đánh
Nam Hàn) đã không xảy ra, vì lãnh đạo CSVN đã áp dụng phương sách của
Mao Trạch Đông, dùng “du kích chiến”, nuôi dưỡng con bài MTGPMN
đồng thời mở mặt trận chính trị tuyên truyền, bôi nhọ việc can thiệp của
Hoa Kỳ vào Việt Nam và kích động những trí thức ở miền Nam trở thành “phản chiến”.
Cuộc chiến “hao mòn”
này đã làm cho Hoa Kỳ hụt hơi, như chiến tranh Afghanistan hiện nay,
trong khi dư luận trong và ngoài nước chống lại cuộc chiến. Cuối thập
niên 60 Hoa Kỳ thay đổi quan niệm về Việt Nam, đồng thời công nhận hai
thực thể chính trị khác, cũng “đại diện cho Việt Nam”, là VNDCCH và CHMNCH. Lập trường của Hoa Kỳ thay đổi, kéo chính phủ VNCH xuống ngang hàng với MTGPMN, chuẩn bị tư thế “đồng minh tháo chạy”.
Những hứa hẹn của Eisenhower, Kennedy (và Nixon sau này) trở thành vô ý
nghĩa. Tình trạng pháp lý của quốc gia Việt Nam do đó lại càng rắc rối
hơn.
Vấn đề kế thừa của Việt Nam, đáng lẽ chỉ là “kế thừa chính quyền – succession gouvernement” lại trở thành “kế thừa quốc gia – succession d’état”.
Kế thừa chính quyền thuộc phạm vi “nội bộ” của quốc gia, “trong nhà đóng cửa dạy nhau”
trong khi kế thừa quốc gia thuộc phạm vi quốc tế. Chuyện nội bộ có thể
thay đổi hay sửa chữa nhưng chuyện thuộc phạm vi quốc tế thì sẽ rất khó
khăn. Vấn đề là việc hòa giải quốc gia phải được thể hiện nghiêm túc.
Các học giả Việt Nam cùng quyết định “vung đao tự thiến”. Mất nước do đó trước hết là do mình.
5/ Giải pháp nào?
Nội dung Nguyên tắc hướng dẫn của LHQ về “Acquiescement – sự đồng thuận” đã ghi ở trên: “Những
tuyên bố phát biểu một cách công khai và bày tỏ ý muốn tôn trọng (những
gì đã tuyên bố) có thể có tác dụng tạo ra các nghĩa vụ pháp lý… Khi các
điều kiện được hội đủ, Quốc gia liên hệ có thể xem xét và dựa vào tuyên
bố này làm căn cứ, để đòi hỏi các nghĩa vụ đó phải được tôn trọng”.
Các
điều kiện đã hội đủ: CHXHCNVN là nhà nước tiếp nối nhà nước VNDCCH, có
đầy đủ thẩm quyền quốc gia về lãnh thổ, trên phương diện thực tế cũng
như trên phương diện pháp lý. Trung Quốc có thể bất cứ lúc nào, dựa vào
tuyên bố 1958, đòi hỏi Việt Nam tôn trọng.
Đứng
trước đòi hỏi này, Việt Nam ở vào thế yếu về cả hai mặt: pháp lý và
tương quan lực lượng. Trong khi quan niệm của Trung Quốc ngày càng cứng
rắn: những gì thuộc chủ quyền lãnh thổ quốc gia đều thuộc là “lợi ích cốt lõi” của Trung Quốc.
Các giải pháp có thể xảy ra như sau:
1-
Trung Quốc có thể sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề chủ quyền. Việt
Nam sẽ đứng vào thế yếu vì vừa không đủ sức bảo vệ cũng như không có
đồng minh tin cậy giúp đỡ.
2- Việt Nam cố gắng giải quyết vấn đề thông qua thuơng lượng, phù hợp với “luật quốc tế” về việc không thực hiện được các tuyên bố đơn phương xxxi
(công hàm 1958). Nhưng việc thuơng lượng cho thấy Việt Nam khó đạt được
giải pháp mà người dân dễ dàng chấp thuận. Việt Nam cố gắng tập trung
vào việc “hải phận 12 hải lý” ở các đảo, cho rằng các đảo HS và
TS là các đảo nhỏ. Trong khi Trung Quốc đi hai bước: đường chữ U và hiệu
quả Kinh tế độc quyền ZEE (200 hải lý) của các đảo. Nếu Việt Nam bác
được đường chữ U thì cũng khó bác bỏ vùng ZEE các đảo, bởi vì chính Việt
Nam cũng đã từng chủ trương như vậy. Sai lầm lớn của Việt Nam là anh có
tư cách nào cấm người ta khi anh cũng chủ trương y như vậy? Cho dầu
Việt Nam có từ bỏ tuyên bố năm 1977 về ZEE cho các đảo, cũng không thể
ngăn cản được Trung Quốc. Đòi hỏi này không hề vi phạm Luật quốc tế về
Biển 1982.
3-
Mong muốn của Việt Nam hiện nay là giữ nguyên trạng. Để đạt được điều
này Việt Nam nhượng bộ cho Trung Quốc quyền lợi chiến lược ở các lãnh
vực kinh tế, văn hóa, quân sự v.v… với hy vọng Trung Quốc sẽ ký kết hiệp
ước “COC” với ASEAN. Nhưng việc nhượng bộ chiến lược, thể hiện
qua một loạt hiệp ước vừa ký kết, sẽ đẩy Việt Nam đi nhanh vào vòng lệ
thuộc Trung Quốc. Chưa nói đến các hiệp ước vừa ký kết phải được xếp vào
loại “bất bình đẳng”. Bất kỳ kiệp ước nào ký kết giữa hai quốc
gia cũng đều ảnh hưởng đến sự độc lập (la souveraineté) của quốc gia.
Các hiệp ước vừa ký, cho thấy Việt Nam không khác Trung Quốc trong thời
kỳ bị liệt cường phân xé, hậu bán thế kỷ 19, phải ký các hiệp ước nhượng
bộ cho nước ngoài những điều khoản không chấp nhận được.
4- Vấn đề “hòa giải dân tộc”
để kế thừa danh nghĩa VNCH tại Hoàng Sa và Trường Sa cho thấy sẽ không
có có hội thực hiện. Các vụ bắt bớ sinh viên Phương Uyên, Nguyên Kha vì
tội “rải truyền đơn cờ vàng ba sọc âm mưu chống chế độ…” cho thấy nhà nước CSVN vẫn bất dung mọi dấu hiệu thuộc về chế độ VNCH. Hiện nay, Việt Nam cố thực hiện nghị quyết 36, “hồi chánh”
các viên chức VNCH cũ, cho vào dự hội thảo, cho lên truyền hình… để
tuyên truyền chủ trương của nhà nước CSVN. Lãnh đạo CSVN muốn dùng các “học giả” Việt Nam hốt những thang thuốc có hiệu quả ru ngủ, đánh lạc hướng mọi sự thật cần phải biết về Hoàng Sa và Trường Sa.
Sắp
tới, xương máu người dân Việt Nam có thể sẽ phải đổ xuống để bảo vệ chủ
quyền của Việt Nam tại biển Đông. Nguyên nhân là do lãnh đạo CSVN không
giữ lời hứa của họ với Trung Quốc. Dĩ nhiên có những giải pháp hòa bình
khác, thay vì chiến tranh, 1954-1975, cuộc chiến biên giới 1979, cuộc
chiến Kampuchia… Lãnh đạo CSVN luôn lựa chọn các giải pháp tồi tệ nhất.
Lãnh đạo CSVN sẽ tiếp tục đưa nhân dân Việt Nam “lên giàn lửa thiêu”, kích động tinh thần dân tộc trong tầng lớp dân chúng, đẩy mũi dùi chống đối về phía một địch thủ khác, để bảo vệ chế độ.
Từ
xưa đến nay sĩ phu Việt Nam luôn phò chính thống. Vì lẽ sống của họ phụ
thuộc vào quyền lực của người lãnh đạo. Điều này có thể thông cảm, do
trường hợp giảm khinh. Nhưng sĩ phu Việt Nam hải ngoại không thể vì chút
quyền lợi nhỏ nhoi mà bán rẻ lương tâm của mình. Không bảo toàn được
lãnh thổ, máu xương người dân đổ xuống, trách nhiệm là do người lãnh
đạo. Nhưng phần trách nhiệm về lịch sử, về đạo đức và lương tri, là do
sĩ phu nhận lãnh, mà nhóm người hải ngoại lãnh phần nhiều.
5-
Việc đưa vấn đề tranh chấp ra một trọng tài quốc tế phân giải sẽ không
có hy vọng xảy ra, khi mà CSVN còn nắm quyền lãnh đạo. Việt Nam hiện nay
còn không dám lên tiếng công khai ủng hộ Phi trong vụ kiện Trung Quốc,
huống chi lên tiếng thách thức Trung Quốc giải quyết tranh chấp bằng các
phương tiện của công lý quốc tế. Trong khi sĩ phu vẫn còn đang dắt díu,
người sau nắm chéo áo người trước, lầm lũi đi theo “tấm chỉ đường của trí tuệ”, mà không biết sẽ đưa về đâu?
Việt
Nam có nhiều hy vọng thắng kiện, nếu và chỉ nếu, chính quyền Việt Nam
(hiện tại hay trong tương lai) kế thừa danh nghĩa của VNCH. Mà việc kế
thừa chỉ có thể thực hiện bằng phương pháp “hòa giải quốc gia”.
Việc “hòa giải quốc gia”, trên bình diện chính trị, chỉ có thể thực hiện nếu tương quan lực lượng hai bên “ngang cơ” với nhau. Nhưng khi việc “hòa giải quốc gia” là một phạm trù thuộc đạo đức, tương quan lực lượng là tương quan giữa “cái đúng, cái sai”, giữa “đạo lý và phi đạo lý”… Như vậy, lực lượng vô minh vẫn áp đảo trong xã hội.
Những
tuyên bố về Hoàng Sa và Trường Sa, như Luật biển 2012 của Việt Nam,
tuyên bố của Nguyễn Tấn Dũng… đều không có giá trị pháp lý trên phương
diện quốc tế công pháp. Việc không dùng tiếng “ngụy” chỉ người VNCH cũ, như có học giả vừa nói, không hề là dấu hiệu của việc “hòa giải”, hay thể hiện hành vi kế thừa VNCH.
6-
Việc nhóm Quĩ Nghiên cứu Biển Đông cố gắng chứng minh VNCH và VNDCCH là
hai quốc gia đem lại hệ quả khẳng định tính chính đáng cho các ý kiến “tái lập lại” hay “phục hồi” nước VNCH đã hiện hữu trước đây. Đây cũng là một “giải pháp”
trong nhiều giải pháp để lấy lại danh nghĩa chủ quyền ở Hoàng Sa và
Trường Sa. Có điều giả phải trả quá đắt: đất nước phải phân chia lần
nữa.
Truơng Nhân Tuấn
_____________________________________________________
i
Ngoài TS Nguyễn Hồng Thao và hầu hết cảc nhà nghiên cứu trong nước, còn
có các ông Thái Văn Cầu, Tạ Văn Tài cùng một số nhân vật khác ở nước
ngoài.
ii Monique Chemillier-Gendreau – La Souveraineté sur les Archipels Paracels et Spratleys – NXB Harmattan 1996, page 123.
iii Nguyễn Hồng Thao, bài đã dẫn link.
iv Monique Chemillier-Gendreau, sdd, tr 123.
v
Nguyen Quoc Dinh, Patrick Daillier, Mathias Forteau, Alain Pellet –
Doit International Public, L.G.D.J, 8e Edition, đoạn 242, tr 405
vi Doit International Public , sdd, đoạn 242, tr 405.
vii Doit International Public , sdd, đoạn 237, tr 396.
viii Doit International Public , sdd, đoạn 237, tr 396-397.
ix Jean Barale, L’ acquiescement dans la jurisprudence internationale, In: Annuaire français de droit international, volume 11, 1965. pp. 389-427.
x
Texte adopté par la Commission du droit international à sa
cinquante-huitième session, en 2006, et soumis à l’Assemblée générale
dans le cadre de son rapport sur les travaux de ladite session
(A/61/10). Le rapport, qui contient également des commentaires sur le
projet d’articles, sera reproduit dans l’Annuaire de la Commission du
droit international, 2006, vol. II(2).
xi Texte adopté par la Commission du droit international… tài liệu đã dẫn.
xii
Essais nucléaires (Australie c. France; Nouvelle-Zélande c. France),
C.I.J. Recueil 1974, p. 267, par. 43, p. 269, par. 51 et p. 472, par.
46, p. 474, par. 53
xiii
Souveraineté sur Pedra Branca/Pulau Batu Puteh, Middle Rocks et South
Ledge (Malaisie/Singapour), arrêt, C.I.J. Recueil 2008, p. 12. ISSN
0074-4441 ; ISBN 978-92-1-071046-6
xiv Doit International Public , sdd, ghi chú 5. Đoạn 239, tr 400.
xv Gilbert Caty, Les Statut Juridique des Etats Divisés, Ed. A. Pedone 1969.
xvi Quốc gia theo định nghĩa của Quốc tế Công pháp: Doit International Public , sdd, tr 449-469.
xvii Gilbert Caty, sdd, tr.15.
xviii
Việc gia nhập LHQ chưa chắc là một yếu tố để chứng minh lãnh thổ đó là
một quốc gia nếu ta xét trường hợp của Ukraine và Bielorussis. Thật vậy,
hai xứ này, trong thời kỳ thuộc Liên bang Xô viết, đã gia nhập LHQ (từ
khi LHQ mới thành lập). Hai “quốc gia” này thực ra chỉ là một phần “lãnh thổ” của URSS mà thôi.
xix Đây là lập trường của nhiều học giả trên thế giới. Một số thí dụ: Gilbert Caty, in Les Statut Juridique des Etats Divisés; James Crawford, in The Creation the States in International Law, tr 472-477. Conrad G. Buhler, in State Succession and Membership in International Organisations – Legal Theories versus Political Pragmatism, tr. 94-103…
xx Conrad G. Buhler, sdd, tr 77.
xxi State Department, 4-3-1966, “The legality of US participation in the Defense of Vietnam” dẫn từ Gilbert Caty, Les Statut Juridique des Etats Divisés, sdd, tr 12.
xxii Conrad G. Buhler, State Succession and Membership in International Organisations – Legal Theories versus Political Pragmatism , tr 68-113.
xxiii
Nguyen Duy Tan Joële. La représentation du Viet-Nam dans les
institutions spécialisées. In: Annuaire français de droit international,
volume 22, 1976. pp. 405-419. doi: 10.3406/afdi.1976.1996 http://www.persee.fr/web/revues/home/prescript/article/afdi_0066-3085_1976_num_22_1_1996
xxivTuyên bố CHXHCNVN gởi chính phủ Thụy Sỹ, dẫn từ Conrad G. Buhler, sdd, tr 104: The
S.R.V will continue the participation of the DRV and the RSV in the
four “Geneva convention of 1949” concerning the protection of war civil
victims with the same observations as those set forth by the DRV and the
SRV. Ta thấy Việt Nam đã sử dụng chữ “tiếp tục” thay vì “kế thừa” VNDCCH.
xxvConrad G. Buhler, State Succession and Membership in International Organisations – Legal Theories versus Political Pragmatism, tr 107.
xxvi Conrad G. Buhler, sdd, tr. 87.
xxviiConrad G. Buhler, sdd, tr 107.
xxviiiĐương
nhiên, các “qui tắc” về chiến tranh này đều do họ đặt ra, dự tính có
khi từ 30-40 năm trước, nếu chúng ta tin theo tài liệu của Cf. Major J.
B. Kelly, “Legal Aspects of Military Operations in Counterinsurgency” »,
Military Law Review, juillet 1963
xxixIsoart Paul. Les conflits du Viêtnam. Positions juridiques des États-Unis. In: Annuaire français de droit international, volume 12, 1966. pp. 50-88.
xxx Isoart Paul, như trên.
xxxi Doit International Public , sdd, đoạn 239, tr 402.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét