Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017

Các cuộc chiến ở Trung Đông có phải là về tôn giáo?

Saudia-Arabia-vs-Iran
Nguồn: Ian Buruma, “Carpet Bombing History in America”, Project Syndicate,  08/01/2016.
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Ted Cruz, một trong những ứng cử viên Đảng Cộng hòa tranh cử Tổng thống Mỹ, mới đây phát biểu rằng giải pháp của ông đối với những bất ổn ở Trung Đông là “rải thảm bom” lên Nhà nước Hồi giáo (ISIS) và để xem liệu “cát có thể phát sáng trong bóng tối” được hay không. Donald Trump, người đang dẫn đầu phía Đảng Cộng hòa, hứa sẽ “rải bom đánh bật ISIS”. Một ứng cử viên thứ ba, Chris Christie, đe dọa chiến tranh với Nga.
Với luận điệu như vậy từ các ứng cử viên, không có gì bất ngờ khi theo một cuộc thăm dò gần đây, khoảng 30% cử tri đảng Cộng hòa (và 41% số người ủng hộ Trump) ủng hộ việc ném bom Agrabah, một địa điểm trung tâm (và hư cấu) trong bộ phim hoạt hình Disney Aladdin. Tên của nơi này nghe rất Ả Rập, và thế là đủ.
Một cách để hiểu những lời lẽ hiếu chiến như vậy là giả định rằng những người mang những ý nghĩ đó hẳn phải là những con quái vật khát máu. Một quan điểm nhẹ nhàng hơn là có thể họ bị thiếu hụt một cách kinh khủng kiến thức lịch sử và tinh thần đạo đức. Không ai trong số đó có bất kỳ trải nghiệm cá nhân nào về chiến tranh. Và rõ ràng họ không thể hiểu được hậu quả của điều mà họ đang nói.
Và ngay cả một người chỉ biết sơ lược lịch sử gần đây cũng đủ để hiểu rằng “rải bom đánh bật” một dân tộc không góp phần vào việc giành được chiến thắng trong các cuộc chiến tranh. Điều này không có hiệu quả tại Việt Nam, và nó dường như cũng không có hiệu quả tại Syria hay Iraq. Ngay cả Đức Quốc xã cũng không bị đánh bại bởi rải thảm bom. Như các nghiên cứu hậu chiến được thực hiện bởi không quân Hoa Kỳ và Anh đã chứng minh, xe tăng của Nga đã góp phần lớn hơn trong việc đánh bại Wehrmacht (quân đội Đức Quốc xã – NBT) so với việc không kích các thành phố của Đức.
Điều này đặt ra câu hỏi, một câu hỏi phù hợp cho sự khởi đầu của một năm mới, rằng liệu lịch sử thực sự có thể dạy cho chúng ta nhiều bài học hay không. Cuối cùng, không có gì xảy ra chính xác giống như những điều trước đây.
Có lẽ sự thật là không thể mong đợi lịch sử dạy cho chúng ta biết phải làm gì trong bất kỳ cuộc khủng hoảng nào. Nhưng, do một số mẫu hình hành vi của con người có xu hướng lặp lại, kiến thức về quá khứ có thể giúp hiểu được thời đại của chúng ta tốt hơn. Vấn đề là các chính trị gia (và các nhà bình luận) thường chọn các ví dụ sai để củng cố lập trường tư tưởng của họ.
Chẳng hạn, vì dường như có rất ít người có thể nhớ được thời kỳ quá khứ trước Thế chiến II, nên những ví dụ từ những năm 1930 và 1940 thường xuyên bị lạm dụng nhất. Bất cứ khi nào chúng ta muốn phản đối một nhà độc tài, bóng ma của Adolf Hitler lại được gọi dậy, và những bóng ma năm 1938 (năm ký Hòa ước Munich mà qua đó Anh xoa dịu Hitler– NBT) lại được hồi sinh để chống lại các hoài nghi về các cuộc chiến “phủ đầu” vội vàng. Những người nghi ngờ cuộc xâm lược Iraq của George W. Bush được gọi là “những kẻ xoa dịu vô nguyên tắc,” tương tự như Neville Chamberlain (thủ tướng Anh lúc đó).
Việc chúng ta chỉ tập trung duy nhất vào Đức quốc xã và Thế chiến II đã che mắt không cho chúng ta nhìn thấy những so sánh lịch sử khác – và có thể là hữu ích hơn. Những cuộc chiến tranh khủng khiếp ở Trung Đông ngày nay, trong đó các giáo phái mang tính cách mạng và các tù trưởng bộ tộc chống lại chế độ độc tài tàn nhẫn được hỗ trợ bởi những cường quốc khác nhau, mang nhiều điểm chung với Cuộc Chiến tranh Ba mươi năm vốn đã tàn phá phần lớn nước Đức và Trung Âu những năm 1618-1648.
Trong ba thập niên, những đội quân cướp bóc đã giết hại, cưỡng đoạt, và tra tấn các làng mạc và thị trấn trên đường đi của mình. Nhiều người không bị giết sau đó đã chết vì đói hay các căn bệnh được phát tán bởi một số lượng lớn các binh sĩ.
Giống như những cuộc chiến tranh ngày nay, cuộc Chiến tranh ba mươi năm thường được cho là một cuộc xung đột tôn giáo về bản chất, nhưng là giữa Công Giáo và Tin Lành. Trên thực tế, cũng giống như cuộc chiến ác liệt hiện thời đang nhấn chìm các nước Ả Rập, cuộc chiến đó phức tạp hơn nhiều. Những đội quân đánh thuê, dù Tin lành hay Công giáo, sẽ đổi chiến tuyến bất cứ khi nào phù hợp, trong khi Vatican (Công giáo) ủng hộ các quân vương Tin Lành người Đức, nước Pháp theo Công giáo lại ủng hộ Cộng hòa Hà Lan theo Tin lành, và nhiều liên minh khác đã được hình thành dọc đường ranh giới chia rẽ hai phái.
Trong thực tế, cuộc Chiến tranh ba mươi năm là một cuộc đấu tranh giành quyền bá chủ châu Âu giữa các chế độ quân chủ Bourbon và Habsburg. Chừng nào mà một bên chưa đủ mạnh để chế ngự bên còn lại, chiến tranh vẫn còn tiếp diễn, gây ra nỗi đau khổ cùng cực cho những người nông dân và cư dân thành thị vô tội. Và cũng giống như ở Trung Đông hiện nay, những thế lực lớn khác lúc đó – như Pháp, Đan Mạch và Thụy Điển bên cạnh những quốc gia khác – đã tham gia, ủng hộ một bên này hay bên khác, hy vọng sẽ giành được lợi thế cho mình.
Sự tương đồng giữa Chiến tranh ba mươi năm với các cuộc chiến ở Syria và Iraq là rất đáng chú ý. ISIS là một lực lượng nổi dậy bạo lực của người Sunni chống lại những nhà cai trị dòng Shia. Mỹ chống ISIS, nhưng Iran, một thế lực Shia, và Saudi Arabia, quốc gia được cai trị bởi chế độ độc tài Sunni, cũng chống ISIS. Trục chính của cuộc xung đột ở Trung Đông không phải là về tôn giáo hay giáo phái, mà là về địa chính trị: cuộc đấu tranh giành quyền bá chủ khu vực giữa Saudi Arabia và Iran. Cả hai đều có sự ủng hộ từ một số các nước lớn, và cả hai đều cố tình lợi dụng các tín đồ tôn giáo cuồng tín; nhưng sự khác biệt về mặt thần học không phải là chìa khóa để hiểu sự leo thang bạo lực này.
Bài học gì được rút ra từ tất cả những điều này? Một số người có thể cho rằng chỉ một cuộc cải cách tôn giáo triệt để mới có thể mang lại hòa bình lâu dài ở Trung Đông. Nhưng, mặc dù bản thân việc cải cách Hồi giáo là cần thiết, nó sẽ không thể kết thúc cuộc chiến hiện tại.
Tổng thống Bashar al-Assad của Syria không chiến đấu vì một giáo phái cụ thể nào của Hồi giáo (mà trong trường hợp của ông là phái Alawite), mà cho chính sự sống còn của mình. ISIS không chiến đấu vì tư tưởng Sunni chính thống, mà vì một vương quốc hồi giáo mang tính cách mạng. Cuộc đấu tranh giữa Saudi Arabia và Iran không phải là cuộc chiến tôn giáo, mà là một cuộc chiến chính trị.
Có những thời điểm trong Chiến tranh Ba mươi năm khi một thỏa thuận chính trị là khả thi. Nhưng khi thiếu đi sự sẵn lòng tận dụng các cơ hội đó thì bên này hay bên khác vẫn tìm kiếm lợi thế lớn hơn bằng cách tiếp tục chiến đấu (hoặc khuyến khích người khác làm điều đó).
Sẽ là một thảm kịch nếu những cơ hội tương tự bị bỏ lỡ ngày hôm nay. Các thỏa thuận cần phải dựa trên sự thỏa hiệp. Các lực lượng đối nghịch sẽ phải nói chuyện với nhau. Những kẻ khoác lác về rải thảm bom, và những lời buộc tội xoa dịu vô nguyên tắc chống lại những người cố gắng thương lượng, sẽ chỉ kéo dài sự thống khổ, chưa kể có thể gây ra một thảm họa còn lớn hơn. Và điều đó sẽ ảnh hưởng đến hầu như tất cả chúng ta.
Ian Buruma là Giáo sư về Dân chủ, Nhân quyền và Báo chí tại Bard College. Ông là tác giả nhiều cuốn sách, bao gồm Murder in Amsterdam: The Death of Theo Van Gogh and the Limits of Tolerance và mới đây là cuốn Year Zero: A History of 1945.
Copyright: Project Syndicate 2016 – Carpet Bombing History in America

0 nhận xét:

Đăng nhận xét