Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Bảy, 14 tháng 1, 2017

Ý Thức Xã Hội

 I.   Ý thức là nhân tố thành lập và phát triến xã hôi.
     Chủ nghĩa Cộng Sản cho rằng: lao động sản xuất và mối quan hệ kinh tế giữa con người là nền tảng phát triển xã hội; quần chúng là lực lượng sáng tạo ra lịch sử và các thiết chế nhà nước, Tôn giáo, các sinh hoạt tinh thần là thượng tầng kiến trúc được xây dựng trên cơ sở kinh tế, vật chất của một quốc gia.

Thực ra, ai cũng nhìn thấy loài vật không thể tiến hóa vì không có ý thức và con người tiến bộ nhờ vào khã năng vận dụng năng lực thiên nhiên được sự hướng dẫn bởi ý thức với giá trị lao động chứa đựng hàm lượng tri thức tùy vào trình độ hiểu biết của mỗi người. Ý thức không chỉ nhận thức thế giới xung quanh hay sáng tạo ra các phương tiện, của cải vật chất phục vụ cho nhu cầu đời sống mà nó còn liên kết con người thành xã hội, thiết lập các giá trị tinh thần giữa con người trong các sinh hoạt cộng đồng.


  Từ khi loài người xuất hiện, các nền văn hóa lớn cũng được thành lập, hướng dẫn sự nhận thức và đời sống tinh thần của loài người vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay. Sự tiến bộ nhân loại chịu ảnh hưởng của các nền văn hóa Tôn Giáo: Phật Giáo, Thiên Chúa Giáo, Hồi Giáo…; các nền văn hóa chịu ảnh hưởng Kinh Dịch như Lão Giáo, Khổng Giáo…; các nền văn hóa chịu ảnh hưởng các triết thuyết, nhà khoa học, kinh tế như: Socrates, aristos, Platon, Descarte, Monstequieu, JJ Rooseau, Pasteur, Marie curie, Albert Eistein, Thomas Edison, Euclid, Galileo.... và rất nhiều nhà tư tưởng vĩ đại khác của thế giới đã có những đóng góp to lớn cho cuộc sống, cách mạng xã hội, cách mạng khoa học và nền văn minh hiện đại. Rõ ràng sự tiến hóa loài người không chỉ nhờ vào lao động sản xuất chân tay theo chủ trương của học thuyết Karl Marx mà chủ yếu nhờ vào sự hướng dẫn của những bộ óc biết suy nghĩ cùng với tài năng kiệt xuất của các nhà thông thái.
II.          Cấu trúc của ý thức xã hội.


   Mỗi người có bộ não riêng để suy nghĩ, ý thức là năng lực độc lập của cá nhân, nhờ có ý thức, thông qua ngôn ngữ, con người có thể hiểu biết và quan hệ lẫn nhau: ý thức và sự thống nhất con người về mặt nhận thức là hai yếu tố căn bản thiết lập các mối liên hệ giữa con người hợp thành xã hội. Đạt đến sự thống nhất về mặt nhận thức giữa các cá nhân, các thành phần xã hội xãy ra những quá trình đấu tranh tư tưởng, giao lưu văn hóa và chuyển giao ý thức giữa các lực lượng xã hội từ thế hệ này sang thế hệ khác.


1.               Ý thức cá nhân.


 -                Ý thức là năng lực nội tại của một cá nhân


 Ý thức là khả năng nhận biết, phản ánh thế giới xung quanh và điều khiển hành vi của một cá nhân tham gia vào những hoạt động xã hội do bẫm sinh, tuy nhiên nó phát triển nhờ vào sự tác động của hoàn cảnh tự nhiên, của giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội…


  Thế giới tự nhiên chứa đựng nhiều yếu tố khác biệt trong cùng một sự vật, hiện tượng hoặc giữa các sự vật, hiện tượng mà não bộ con người có thể phân biệt được sự vật, hiện tượng này và sự vật, hiện tượng khác. Mỗi sự khác biệt trong thế giới tự nhiên tạo ra một khái niệm trong nhận thức, bao gồm: hình thức, thuộc tính, bản chất và hình thái vận động của mỗi đối tượng. Nhận thức là những nỗ lực của con người nhằm phản ảnh, thay thế hiện hữu bằng những giá trị tri thức tương đối thống nhất với tồn tại: A tồn tại @ khái niệm A. Thuật ngữ “khái niệm” ở đây có ý nghĩa là giá trị tri thức tương đương với một đối tượng tồn tại trong thế giới tự nhiên (khách quan) được nhận thức thông qua sự biểu đạt bằng ngôn ngữ, hình ảnh, hành động v.v…. Trong cuộc sống con người, một đối tượng, một vấn đề được phản ảnh một cách toàn diện từ nhiều mặt hợp thành hệ thống các quan điểm, tư tưởng. Nhận thức thế giới là một quá trình lâu dài của loài người từ biết ít đến nhiều, từ chưa hoàn chỉnh đến hoàn thiện: những khái niệm, quan điểm phản ảnh đúng đắn, thống nhất với tồn tại khách quan có giá trị khách quan, những kiến thức chưa hoàn thiện có giá trị chủ quan.


 Đời sống tinh thần của con người bao gồm: trí tuệ, tình cãm, lương tâm và ý chí (sức mạnh tinh thần), nhận thức cá nhân cũng được thành lập thông qua các năng lực đó.

 Lý trí: là năng lực hướng dẫn đến chân lý, lý trí giúp con người nhận thức các giá tri đúng/sai dựa trên khả năng phán đoán. 


Tình cãm: là năng lực hướng dẫn đến cái đẹp thông qua những cãm xúc như vui/ buồn, yêu/ghét, đẹp/xấu…. tình cảm giúp con người cảm nhận các giá trị thẫm mỹ trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, mỹ học…


 Lương tâm: là khã năng hướng đến điều thiện, lương tâm giúp con người phản ảnh các giá trị thiện / ác và ý thức trách nhiệm thực hiện hành vi đạo đức phù hợp với các quan niệm đạo đức xã hội.


 -                Hai giai đoạn nhận thức: cảm tính và lý tính.


   Nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính là hai cấp bậc của quá trình tìm hiễu những sự việc xãy ra trong cuộc sống hàng ngày của con người. Tùy vào trình độ, thói quen và tầm quan trọng của đối tượng, mỗi trường hợp và hoàn cảnh của mỗi người mà sự nhận thức theo hình thức cảm tính hay lý tính.


   Nhận thức cảm tính: Nhận thức cảm tính là cách nhận thức thông thường, tự phát và trực tiếp bởi tri giác, trực giác, bản năng, vô thức, kinh nghiệm, cảm giác, tình cảm, lương tâm, linh cảm v.v….Nhận thức cảm tính là thói quen chấp nhận những giá trị tương đối của các đối tượng đơn giản một cách dễ dãi, nó gắn liền và chi phối mọi hoạt động đa dạng và phong phú hàng ngày của con người.


  Nhận thức lý tính: Khi đối diện với những công việc phức tạp hoặc quan trọng, nhận thức lý tính bổ sung và nâng cao giá trị nhận thức cảm tính, một vấn đề được tìm hiễu kỹ lưỡng và sâu sắc dựa trên các nguyên tắc tư duy và phương pháp kiểm tra chặt chẽ để xác định giá trị đối tượng một cách đầy đủ và đúng đắn hầu tránh được những sai lầm. Nhận thức lý tính đánh giá và tổng kết giá trị bất biến của các sự việc xãy ra trong cuộc sống hằng ngày hoặc những lý thuyết thuộc về các lĩnh vực chuyên môn của các nhà nghiên cứu được nhiều người thừa nhận trở thành kiến thức hữu ích của nhân loại.

 2.     Ý thức xã hội.


  Sự thống nhất ý thức giữa con người thiết lâp các giá trị xã hội: 9x9 = 81, giá trị đồng tiền, món hàng; đối xử tệ bạc với cha mẹ mang tội bất hiếu; buôn lậu, bán xì ke bị xã hội lên án; tôn trọng nhân phẩm, quyền lợi người khác là một nghĩa vụ v.vTất cả những giá trị cuộc sống trên đây không chỉ do sự phản ánh của ý thức cá nhân mà được thành lập bởi sự thỏa hiệp trong mối quan hệ thống nhất của cộng đồng.
 
  Ý thức xã hội bao gồm tất cả những giá trị tư tuởng trong xã hội đuợc nhiều nguời thừa nhận, nó tích lũy ngày càng phong phú và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Thống nhất giá trị là một thuộc tính của ý thức, sự thống nhất về nhận thức là nền tảng xây dựng những quan điễm, tư tưởng, tình cãm, tâm lý, truyền thống, bản sắc và tình tự dân tộc. Giá trị xã hội được thiết lập bởi cộng đồng phát triển theo xu hướng hoàn thiện phẩm chất ý thức ngày càng gần với chân, thiện và mỹ. Chính sự thống nhất về mặt nhận thức và những thỏa hiệp giữa con người về những vấn đề liên quan đến mọi lĩnh vực của cuộc sống chung ràng buộc họ trong các mối liên hệ vật chất và tinh thần, xây dựng mối liên kết xã hội và thiết lập nền văn minh nhân loại. Tuy nhiên, cuộc sống con người có nhiều nhu cầu nên sinh hoạt xã hội cũng phong phú và tồn tại nhiều hình thái ý thức xã hội khác nhau: hình thái ý thức chính trị, tôn giáo, nghệ thuật, đạo đức, khoa học v.v…Trong đó, hình thái ý thức chính trị có vai trò chủ đạo trong việc thành lập ý thức chung của xã hội.


 III.          Phương thức thành lập ý thức xã hôi.

1.     Các hình thức thành lập ý thức xã hội.

a.     Môi trường cạnh tranh giá trị xã hội.


  Ý thức xã hội là tập hợp những sản phẫm tư tưởng của nhiều cá nhân với sự gia tăng về nhân số, các hình thức lao động, sinh hoạt thực tế và những tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh giúp cho sự hiểu biết của con người càng ngày càng phong phú hơn. Ý thức xã hội không chỉ gia tăng về mặt số lượng mà còn nâng cao về mặt giá trị, những quan điễm, tư tưởng cũ tõ ra lỗi thời được thay thế bằng những quan điểm mới tiến bộ hơn. Sự thay thế ý thức xã hội tạo ra môi trường cạnh tranh và phủ định xã hội về mặt giá trị: những nhận thức lạc hậu bị đào thải, những kiến thức đúng đắn, hữu ích cho đời sống con người và cộng đồng gia tăng theo xu hướng nâng dần phẩm chất ý thức xã hội, trở thành kiến thức chung và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cơ chế chính trị đa nguyên và trình độ dân trí cao thuận lợi cho môi trường cạnh tranh, phủ định giá trị, hoàn thiện ý thức xã hội, hoàn thiện giá trị, tính cách con người, hoàn thiện mối liên hệ giữa con người; nâng dần phẩm chất đời sống xã hội và nền văn minh nhân loại. 
b.     Tâm lý đám đông.


  Thông thường các thành phần ít học hoặc thiếu lập trường nhận thức một cách thụ động theo xu hướng của đám đông. Ý thức chung bắt đầu từ ý tưởng của một vài người thông qua mối quan hệ và sự tác động qua lại giữa các thành viên trong nhóm. Tâm trạng, ý thức cá nhân dần dần lây lan thành tâm trạng, ý thức chung của cả nhóm rồi đến các cộng đồng xã hội. Trong môi trường chung đó, mọi người thường có phản ứng tâm lý và nhận thức tương đồng bởi những tác nhân, những sự kiện trực tiếp và hoàn cảnh xung quanh. Trong các buổi hội họp hay sinh hoạt của các diễn đàn công cộng, khi ý thức chung được thành lập thì nó định hướng, điều khiển và điều chỉnh sinh hoạt thống nhất của các thành viên, mọi ý thức cá nhân trái ngược với quan điểm cộng đồng đều bị trù dập, xu hướng đám đông tạo ra ý thức xã hội.


 c.              Cưỡng bách.


  Cưỡng bách là quá trình thiết lập ý thức xã hội không dựa trên nguyên tắc tự giác, tôn trọng quyền tự do tư tưởng của các thành viên sống chung với nhau trong cộng đồng mà do sự áp đặt hoặc bị cưỡng bách bởi một quyền lực từ các mối liên hệ xã hội. Thành phần nắm giữ quyền lực độc quyền sử dụng các biện pháp ám thị, tẩy não áp đặt những quan điểm cực đoan, rập khuôn vào đời sống xã hội khiến cho các thành viên còn lại tiếp nhận một cách máy móc, thụ động và trở thành nếp suy nghĩ, sinh hoạt của nhiều thành phần xã hội chung sống với nhau. Sự cưỡng bách ý thức xã hội vẫn còn tồn tại ở những cộng đồng xã hội chậm tiến, duy trì những tập tục lạc hậu, các tín điều Tôn giáo hoặc đường lối cai trị của các chế độ độc tài phong kiến, nhà nước chuyên chính Cộng Sản v.v….


  Hình thái ý thức xã hội phản ánh sinh hoạt thực tế của xã hội, mỗi hình thái ý thức xuất hiện nhiều quan điễm khác nhau có ảnh hưởng ít nhiều đến nhiều bộ phận xã hội, vì vậy mà nhiều thành phần, nhiều tổ chức, nhiều nhóm khác nhau được thành lập cùng tồn tại và sinh hoạt đa dạng trong một quốc gia. Tùy vào hoàn cảnh lịch sử của mỗi quốc gia, điều kiện sinh hoạt của các thành phần xã hội mà ý thức xã hội được thành lập theo phương thức cạnh tranh tích cực, thụ động theo đám đông hay do sự áp đặt của các thế lực bảo thủ cùng với những tác dụng, ảnh hưởng của nó vào tiến trình phát triển của các quốc gia trong cộng đồng thế giới.

2.     Không gian công.

a.              Khái niệm về không gian công.


  Ý thức con người và xã hội được thiết lập thông qua sinh hoạt cộng đồng, cá nhân tách ra khỏi xã hội thì không có sự tiến hóa: ta thường nghe kể chuyện về những người bị thất lạc vào rừng lâu ngày sẽ trở lại với cuộc sống cầm thú. Do đó, sự tồn tại và phát triển nhận thức cá nhân và ý thức xã hội không thể thiếu một môi trường giao lưu, sinh hoạt phù hợp với nhu cầu và mục đích cuộc sống con người. Khái niệm: không gian công bao hàm ý nghĩa của môi trường giao lưu tư tưởng giữa con người là điều kiện cần thiết cho việc thành lập ý thức xã hội.


  Trong phạm vi phần này tôi xin mượn ý tưởng của Habermas, người đầu tiên định nghĩa không gian công và tác giả Lâm Yến (Tham khảo bài Tiểu luận số 2: Lịch sử không gian công ở Việt Nam blog: http://lamyen-nvf.blogspot.ca/2005/07/khi-minh-lm-yn-tiu-lun-s-2-lch-s-khng.html)


  Theo Habermas: “Khái niệm không gian công đặc biệt quan trọng trong lý thuyết chính trị, là nền tảng để giải thích rất nhiều hiện tượng trong chuyển đổi dân chủ:“…một lĩnh vực của đời sống xã hội trong đó những gì [tư tưởng, phát biểu, hành động] hướng vào dư luận xã hội (public opinion) đều có thể được hình thành. Cơ hội tiếp cận vào không gian này được mở cho mọi công dân. Một bộ phận của không gian công thành hình trong thảo luận (conversation), mà trong đó các cá nhân riêng lẻ tập hợp lại để hợp thành một cơ thể công cộng (public body).
  Trong mọi xã hội, đời sống tinh thần cá nhân bao gồm hai mảng là đời sống riêng tư (cá nhân) và đời sống công cộng (xã hội). Mỗi mảng đời sống này tồn tại trong một dung môi được các học giả phương Tây gọi là sphere (không gian). Không gian tư (private sphere) là dung môi cho đời sống riêng tư như gia đình, công sở, các nhóm bạn nhậu, các câu lạc bộ thể thao, khiêu vũ v.v… Không gian công (public sphere) là dung môi cho đời sống công cộng của cá nhân.
 Như thế, không gian công là một môi trường cho phép tất cả những hình thức thông tin và đối thoại giữa con người với nhau và có tính hướng công cộng (các trao đổi giữa các cá nhân riêng lẻ và trong những nhóm đóng kín không thuộc về cái không gian công này). Những ví dụ tiêu biểu của không gian công là truyền thông, gồm báo chí (báo in, phát thanh, truyền hình) và xuất bản - gồm cả hợp pháp và không hợp pháp, các hành động tập thể hướng công luận như mít tinh, biểu tình, các diễn đàn, các vũ đài chính trị mở v.v… Một không gian công lành mạnh, theo Habermas, phụ thuộc vào khả năng truy cập các thông tin thích hợp liên quan đến các hoạt động của chính phủ và cơ hội cho các công dân được tham dự vào tranh luận để hình thành công luận (public opinion) và ảnh hưởng tới hành vi của chính phủ”


  Nói về lịch sử không gian công tại Việt Nam, Lâm Yến cho rằng: “Trước thế kỉ 19, không gian công ở Việt Nam hầu như không tồn tại vì thiếu cơ sở kĩ thuật cho việc thông tin và đối thoại công cộng giữa dân chúng. Người dân bị chia cắt trong các làng xã cổ truyền biệt lập…”.


  Để phản ảnh đúng đắn tình hình khách quan của xã hội, theo tôi có thể phân chia không gian tư là mãng đời sống riêng tư của cá nhân trong phạm vi gia đình; không gian công hình thành với bất cứ hình thức liên kết nào của cộng đồng xã hội, nó có đặc tính toàn bộ vừa cục bộ. Và không phải đợi đến khi có những hình thức thông tin kỹ thuât cao con người mới đủ khả năng liên kết với nhau, các xã hội cổ truyền, con người vẫn có thể trao đổi, liên kết với nhau thông qua nhiều hình thức sinh hoạt: loa truyền, lễ, hội, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, giao tế v.v. Trong lịch sử dựng nước Việt Nam: Hội nghị Diên Hồng, Hịch Tướng Sĩ của Trần Hưng Đạo, Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi v.v… là những bằng chúng về sự thành lập không gian công trong xã hội cổ xưa không cần đến kỹ thuật thông tin hiện đại. Như vậy, lịch sử không gian công được thành lập song song với việc thành lập các cộng đồng xã hội: bộ tộc, bộ lạc và quốc gia.

b.              Các hình thức không gian công: không gian công tự do và toàn trị.  


 -                Không gian công tự do.


  Trong xã hội tự do, mọi người dân có quyền tư do tư tưởng, phát biểu ý kiến riêng của mình. Các ý kiến khác biệt được tự do lưu chuyển và tương tác với nhau trong một không gian công thống nhất trên toàn xã hội; đa nguyên chính trị tạo ra một môi trường cạnh tranh tích cực về mặt tư tưởng và các giá trị phù hợp với các quá trình phát triển ý thức xã hội và sự vận động khách quan của xã hội loài người.


 -                Không gian công toàn trị.


  Trong chế độ xã hội toàn trị, các lĩnh vực truyền thông, văn hóa, nghệ thuât, tư tưởng chính trị và giáo dục đều do nhà nước quản lý nhằm áp đặt nhận thức của người dân theo chủ trương, chính sách của nhà nước: môi trường sinh hoạt, giao lưu tư tưởng giữa con người phục vụ cho một xu hướng chính trị cực đoan trong chế độ xã hội độc tài toàn trị gọi là không gian công toàn trị. Cụ thể như nhà cầm quyền Cộng Sản áp dụng mọi biện pháp độc quyền truyền bá chủ thuyết chính trị của Karl Marx và Lenine để cưỡng chế xây dựng xã hội theo mô hình xã hội Cộng Sản.


  Phản ứng của xã hội trước sự kiểm soát không gian công của nhà nước toàn trị, những tư tưởng bất đồng của một vài cá nhân hoặc của một nhóm, một tổ chức từ từ lan rộng ra cộng đồng thành lập không gian công đối kháng với sự quản lý của nhà nước. Không gian công toàn trị bị phân chia thành: không gian công chính thống (hợp pháp, do nhà nước kiểm soát) và một không gian phi chính thống (đối kháng với nhà nước)


 Lâm Yến: “Nếu ra đời và phát triển được, không gian công phi chính thống này sẽ có vai trò cạnh tranh với cỗ máy tuyên truyền của chế độ trong việc định hướng dư luận xã hội, đồng thời tạo điều kiện cho các tư tưởng chính trị độc lập ra đời. Một bối cảnh như thế sẽ là môi trường thuận lợi cho sự xuất hiện của các chính kiến bất đồng…”.


  Tóm lại, không gian công xác lập môi trường trao đổi và liên kết các thành phần xã hội bằng nhiều phương thức khác nhau: sinh hoạt câu lạc bộ, hội đoàn, diễn đàn hội nghị, mitting, lễ hội, biểu diễn v.vtừ đó, ý thức xã hội được thiết lập làm nền tảng tư tưởng cho mọi sinh hoạt của cộng đồng quốc gia. Trong hoàn cảnh nước ta, dưới chế độ Cộng Sản độc tài toàn trị đã xuất hiện nhiều thành phần bất đồng chính kiến và nhờ có internet mà không gian công phi chính thống được thiết lập thông qua các hình thức: báo điện tử, blogers, diễn đàn paltalk v.v… Tuy nhiên, nó chỉ giới hạn trong những thành phần xã hội có phương tiện và trình độ truy cập internet của một số đối tượng quan tâm đến tình hình chính trị đất nước mà chưa được mở rộng ra bằng nhiều hình thức khác nhau trong môi trường sinh hoạt, giao lưu của đại bộ phận quần chúng nhân dân.
3.              Sự chuyển giao ý thức giữa các thành phần xã hội.


  Được sinh ra và lớn lên, mỗi cá nhân tham gia vào cuộc sống chung, sự hiểu biết của mỗi người phần lớn là tiếp nhận từ ý thức xã hội thông qua các hình thức trao đổi, chuyển giao và đấu tranh tư tưởng giữa con người; trong xã hội có nhiều thành phần, giai cấp, mỗi thành phần xã hội đãm đương một vai trò trong việc thành lập ý thức xã hội và các quá trình chuyển giao tri thức giữa các thành phần trong xã hội.
a.              Sự chuyển giao ý thức xã hội thông qua giáo dục.


  Đa số trong chúng ta đều nghĩ rằng: hệ thống giáo dục gánh vác vai trò xây dựng nền văn hóa và ý thức xã hội của một quốc gia. Mục tiêu của giáo dục là chuẩn bị nguồn lực có đào tạo tham gia vào đời sống cộng đồng, tuy nhiên giáo dục chỉ cung cấp cho học sinh một số kiến thức căn bản sau mười hai năm trung hoc phổ thông hoặc bốn năm đại học chuyên ngành và số người đeo đuổi sau đại học còn lại rất ít nhất là tại các quốc gia có mặt bằng văn hóa thấp như Việt Nam, chưa kể đến đa số tiến sĩ giấy. Nói cách khác, tuy hệ thống giáo dục có chức năng cung cấp cho xã hội nguồn lực trí thức nòng cốt và tinh túy nhưng chỉ giới hạn ở những kiến thức căn bản và chỉ đáp ứng được một con số nhỏ đối với sự nhận thức của đại bộ phận quần chúng nhân dân. Do đó, sự giao lưu giữa các thành phần xã hội mới thực sự có vai trò chủ lực trong việc thành lập ý thức xã hôi.


 b.              Chuyển giao ý thức thông qua các hình thức giao lưu giữa các thành phần xã hội.


  Sau khi học hỏi được một mớ lý thuyết từ nhà trường thì sự va chạm với cuộc sống mới làm nên tính cách, thái độ và ý thức của đại bộ phận quần chúng nhân dân thông qua các hình thức giao lưu giữa các thành xã hội. Để hiểu rõ cơ chế thành lập ý thức xã hội, thiết tưởng ta nên tìm hiểu vị trí, vai trò của từng đối tượng, thành phần xã hội có ảnh hưởng đến ý thức chung của cộng đồng.
 Giới trí thức tinh túy: lực lượng trí thức ưu tú là thành phần nguyên khí quốc gia có trình độ hiễu biết cao nhất ở nhiều lĩnh vực chuyên môn và vai trò nòng cốt trong việc lãnh đạo, hướng dẫn và đóng góp vào sự phát triển đất nước. Sinh hoạt chính trị chi phối toàn bộ sinh hoạt đời sống con người nên hình thái ý thức chính trị có vai trò chủ đạo trong các quá trình thành lập ý thức xã hội. Thành phần trí thức tinh túy là nền tảng sức mạnh tinh thần nắm giữ vận mệnh dân tộc có trách nhiệm tích cực tham gia trực tiếp hay gián tiếp vào sinh hoạt chính trị xã hội trong hai lĩnh vực đối nội và đối ngoại của một quốc gia: trong tình huống khó khăn và phức tạp của hiểm họa ngoại xâm hay nội thù, trí thức tinh túy là thành phần đề ra những biện pháp củng cố nội lực, thúc đẩy xã hội phát triển đem lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho toàn dân hay chọn lựa những giải pháp tối ưu trong nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền quốc gia trước nguy cơ xâm lấn của ngoại bang hoặc lãnh đạo quần chúng nhân dân thực hiện công cuộc cách mạng xã hội khi đất nước cần phải thay đổi bộ máy cầm quyền. Nói chung lực lương trí thức tinh túy là thành phần có trình độ nhận thức và lý luận chính trị, xây dựng quan điểm, đường lối, chính sách, kế hoach đấu tranh và xây dựng, phát triển đất nước phù hợp với hoàn cảnh thực tế của xã hội. Từ ý thức chính trị thượng tầng đến ý thức chính trị của đại bộ phận quần chúng nhân dân là một quá trình chuyển giao tư tưởng giữa các thành phần xã hội trung gian:


 -                Giới khoa học, chuyên gia, nhà giáo dục, lãnh đạo các đoàn thể và Tôn Giáo: là thành phần có trình độ chuyên môn cao và hầu hết có vai trò lãnh đạo trong một lĩnh vực, ngành chuyên môn của một quốc gia như: đoàn thể, Tôn Giáo, kinh tế, tài chính, quốc phòng, an ninh, văn hóa, giáo dục, môi trường v.v… Với chức năng nghề nghiệp của mình, lực lượng này tiếp tay thực hiện đường lối chính trị của nhà nước cũng như đóng góp phản biện những chính sách sai lầm của nhà cầm quyền có ảnh hưởng trực tiếp đến các lĩnh vực chuyên môn và đời sống chung của xã hôi bằng các hình thức hội thảo, kiến nghị, tham luận…


 -                 Giới truyền thông và văn nghệ sĩ: là thành phần gần gũi với nhân dân có chức năng nghề nghiệp phục vụ nhu cầu đời sống tinh thần và đem sự hiễu biết đến mọi đối tượng quần chúng bằng nhiều hình thức như: truyền thông, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật…. Từ khả năng vận dụng lý luận chính trị, nguồn kiến thức của các nhà chuyên môn và năng lực phản ánh hoàn cảnh xã hội thực tế ở nhiều lĩnh vực sinh hoạt đời sống mà giới truyền thông và văn nghệ sĩ nhắm đến việc khai thác những đề tài theo nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội. Nhiều sản phẩm văn hóa chứa đựng nội dung phong phú được sáng tạo bằng nhiều loại hình nghệ thuật như: tin tức, phóng sự, thi ca, hội họa, âm nhạc, tuồng hát, phim ảnh… là những món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của đại bộ phận quần chúng nhân dân.        


 -                Quần chúng nhân dân: quần chúng nhân dân chiếm đa số là thành phần lao động đại diện cho cộng đồng xã hội, nguồn lực chủ lực bảo vệ và xây dựng Tổ Quốc; mặt bằng dân trí của một quốc gia đại diện cho ý thức xã hội. Phần lớn người dân bình thường sống giản dị và thực tế, ít chịu suy nghĩ bằng lý trí hay lý luận phức tạp mà nhận thức bằng cảm xúc, thói quen hay bị tác động bởi xu thế của đám đông, ý thức quần chúng được thành lập thông qua các hình thức vận động và chuyển giao ý thức xã hội từ những thành phần trí thức. Dưới nhiều hình thức sinh hoạt phù hợp với môi trường giao lưu của nhiều đối tượng trong xã hôi, các sản phẩm văn hóa, nghệ thuật đáp được ứng nhu cầu bức thiết bồi dưỡng đời sống tinh thần, tâm hồn người dân lao động. Do đó, sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật là phương thức chủ yếu chuyển tải các giá trị văn hóa vào trái tim con người để trở thành ý thức của đại bộ phận quần chúng nhân dân.  


Tóm lại: Đa số các quốc gia có nguồn gốc rất lâu đời, bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc được kế thừa từ thời Tổ Tiên lập quốc và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cùng với sự tiếp nhận nhiều nguồn văn hóa khác trên thế giới, tùy vào đặc điểm lịch sử của mỗi dân tộc. Trách nhiệm thành lập ý thức xã hội do vai trò lãnh đạo và hướng dẫn của giới trí thức tinh túy đến đại bộ phận quần chúng nhân dân là một quá trình chuyển giao ý thức giữa các thành phần xã hội trung gian trong những môi trương giao lưu, sinh hoạt và truyền đạt văn hóa, tư tưởng dưới nhiều hình thức khác nhau để trở thành ý thức chung đại diện cho trình độ văn hóa, bản sắc, giá trị tinh thần và ý chí của một dân tộc.


 TuongVi

0 nhận xét:

Đăng nhận xét