Nếu xem xét cùng với nhau, Việt Nam, Campuchia và Lào mang lại một điều gì đó khó hiểu. Trong khi Việt Nam và Lào vẫn duy trì chế độ nhà nước cộng sản độc đảng, thì Campuchia trải qua quá trình chuyển đổi dân chủ vào năm 1993 dưới sự giám sát của cộng đồng quốc tế. Nhưng cả ba nước cuối cùng đều có cùng một nền chính trị rất tương đồng với đặc trưng là sự thiếu cam kết đối với các giá trị tự do. Khi nỗ lực giải thích cho điều này, chúng ta nên cân nhắc tầm quan trọng của văn hóa chính trị và “chính trị tiền bạc”, trong khi cũng chú ý đến một thực tế là sự năng động của xã hội dân sự và biểu tình tự phát đang dần trở nên phổ biến hơn.
Việt Nam, Campuchia và Lào thường được xếp cùng một nhóm để phục vụ các mục đích phân tích. Điều này bắt nguồn từ một số lý do rõ ràng. Cả ba nước đều là các thuộc địa cũ của Pháp, từng được biết đến dưới cái tên chung là khu vực Đông Dương thuộc Pháp, có vị trí địa lý nằm giáp biên nhau trên lục địa Đông Nam Á. Cả ba đều chứng kiến sự nổi lên nắm quyền trên toàn quốc của các đảng cộng sản giữa những năm 1970. Một điều khác cũng có liên quan đó là nỗ lực bất thành của Việt Nam trong thời Chiến tranh Lạnh nhằm duy trì vai trò lãnh đạo đặc biệt ở Đông Dương, hợp nhất với Campuchia và Lào sau khi Việt Nam đưa quân vào Campuchia năm 1978. Từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, ba nước này được phân cùng một nhóm bởi vì đều nằm trong nhóm các nước nghèo nhất Đông Nam Á, được lên kết với nhau thông qua Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, và là những thành viên non trẻ nhất của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ba nước cũng đã chứng kiến sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và tình trạng nghèo đói ngày càng giảm kể từ những năm 1990 và được nhìn nhận là đang trải qua quá trình “cải cách” chuyển từ kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường.
Tuy nhiên, Việt Nam, Campuchia, Lào hiện là các quốc gia độc lập có chủ quyền với những ảnh hưởng tiền thuộc địa và nền lịch sử khác nhau. Mỗi nước có sự trải nghiệm khác nhau dưới ách đô hộ thực dân Pháp và đặc điểm tình hình hậu thuộc địa ở mỗi nước cũng khác nhau, thường khá khó nhận thấy. Ba nước cũng không đi theo cùng một quỹ đạo từ sau Chiến tranh Lạnh. Việt Nam và Lào không trải qua sự chuyển đổi dân chủ và duy trì các nhà nước cộng sản độc đảng. Ngược lại, Campuchia đã thực sự trải qua quá trình chuyển đổi đó (được giám sát bởi cộng đồng quốc tế) vào năm 1993, dầu rằng sau đó đa phần những tiến bộ dân chủ của nước này đã bị đảo ngược.
Hơn nữa, khi ba nước này đã hội nhập đầy đủ hơn vào nền kinh tế khu vực Đông Nam Á cũng như toàn cầu, những điều kiện hoàn cảnh mỗi nước khác nhau đang khiến các nước này phản ứng trước các tác động về văn hóa, chính trị và kinh tế từ bên ngoài theo những cách khác nhau. Những điều kiện này bao gồm cả các vấn đề về quy mô và vị trí địa lý. Việt Nam với 86 triệu dân vượt trội so với một nước Campuchia với 15 triệu dân và một nước Lào có nhiều đồi núi và được bao bọc bởi đất liền chỉ với 7 triệu dân (nước nghèo nhất và nhỏ nhất trong 3 nước). Nền kinh tế Việt Nam cũng lớn hơn gấp 8 lần so với Campuchia và gấp 15 lần so với Lào. Tóm lại, ba nước này dù có thể so sánh với nhau nhưng vẫn khác biệt, với hướng đi đã và sẽ không trùng khớp nhau.
Các chuyên gia khu vực quen với ý nghĩ rằng cả 3 nước (dựa trên quyết định có chủ đích của nhóm chóp bu) đều ủng hộ chính sách kinh tế quốc gia (định hướng thị trường) mang tính “cải cách”. Việt Nam và Lào thường được cho là đã làm vậy tại các đại hội đảng toàn quốc do các đảng cộng sản cầm quyền lần lượt tổ chức ở mỗi nước vào năm 1986. Việt Nam thông qua chính sách “đổi mới” và Lào thì thông báo một “cơ chế kinh tế mới” dựa trên “lối tư duy mới”.1 Campuchia nhìn chung cũng đi theo con đường đó vào năm 1989 sau khi quân đội Việt Nam rút lui.
Nếu xét những gì mà giới chóp bu được cho là đã làm, quan điểm thống nhất chung là những thay đổi ở mỗi nước đã đạt được những mức độ đáng kể về cả kinh tế và chính trị, dầu rằng khía cạnh kinh tế dần hiện hữu rộng lớn hơn khía cạnh chính trị. Tuy nhiên, sự thống nhất này quá nhấn mạnh sự thay đổi, chính sách chính thống, và các sáng kiến của giới chóp bu, trong khi lại đánh giá thấp tầm quan trọng của tính kế tục về kinh tế – chính trị và mức độ mà các tác nhân bên ngoài các sáng kiến chính sách được dẫn dắt bởi nhóm chóp bu đã góp phần định hình nên các sự kiện ở 3 nước này.
Vấn đề đáng quan tâm ở đây là mức độ mà giới chóp bu ở cả ba nước thường chỉ chính thức hóa các thử nghiệm hoặc sáng kiến “từ dưới lên”, mang tính tự phát, có thể của các công chức, giám đốc doanh nghiệp, cư dân thành thị hay các nông dân. Nói chung, giới chóp bu thích tỏ vẻ như họ là người phụ trách và sẽ không thừa nhận rằng họ đang đối phó hơn là đang hành động (chủ động). Tuy nhiên, như đã đề cập về trường hợp Trung Quốc có liên quan, bất cứ một giải thích nào mà bỏ lơ vai trò của các sáng kiến không do chính quyền dẫn dắt hoặc không chính thức đều là những giải thích đã “được thanh lọc kỹ”. Nó “khiến chúng ta không chú ý đến những động lực thật sự của quá trình cải cách”.2 Điều này không phải để phủ nhận việc giới chóp bu đã khởi xướng các đổi mới mà chỉ để lập luận cho một đánh giá cân bằng hơn, trong đó ghi nhận vai trò của cả sáng kiến chính thức và không chính thức, cũng như cân nhắc cả sự kế tục và sự đổi mới. Hơn nữa, sự cân bằng này là quan trọng khi cân nhắc sự thay đổi về mặt chính trị (ngay cả khi chưa đạt đến một sự chuyển đổi dân chủ toàn diện) hay khi xem xét những cải cách đối với nền kinh tế.
Những giới hạn của cải cách chính trị chính thức
Trong phạm vi của các chế độ độc đảng ở mỗi nước, Việt Nam và Lào đã tiến hành những bước đi tương tự nhau để cải tổ hệ thống chính trị của mình. Con đường của Campuchia thì lại khác, dù nước này rốt cục có nhiều điểm tương đồng về mặt chính trị với các nước láng giềng, bất chấp đã trải qua sự chuyển đổi dân chủ vào đầu những năm 1990.
Mặc dù các cải cách khởi xướng tại đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 6 và đại hội Đảng Nhân dân Cách mạng Lào vào năm 1986 thường được cho rằng chủ yếu là về mặt kinh tế, nhưng trong cả hai trường hợp này, các cải cách cũng có một phần chính trị rõ ràng. Ở Việt Nam, tuyên bố chính sách mấu chốt từ năm 1986 nhấn mạnh các vấn đề, trong đó bao gồm sự phối hợp kém giữa đảng cộng sản và chính quyền, cũng như khuynh hướng các đảng viên hoạt động ngoài vòng pháp luật và chà đạp lên các quy trình bầu cử. Sự phê bình này khởi đầu cho những bước đi chính thức của đảng nhằm xây dựng một nhà nước “pháp quyền”, tăng cường vai trò của Quốc hội và vạch rõ mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền và người dân. Những vấn đề này vẫn còn mang tính thời sự: chính xác thì Đảng cộng sản nhìn nhận như thế nào về nền “pháp quyền”, cũng như mối quan hệ “đúng đắn” giữa người dân và nhà nước vẫn còn là những câu hỏi mở.
Những cải cách ở Lào cũng tập trung vào nền pháp quyền và bao gồm việc ban hành hiến pháp đầu tiên thời hậu thuộc địa vào năm 1991 cùng với việc nhấn mạnh tăng cường hệ thống hành chính quốc gia. Ở cả hai nước trên cũng đã có một sự cởi mở về không gian xã hội thông qua quá trình “phi stalin hóa đời sống hàng ngày”.3 Những hạn chế về đi lại trong nội địa và thậm chí ở nước ngoài được nới lỏng; sự giám sát hàng ngày trở nên ít tràn lan và bớt hà khắc hơn; và các đầu mối truyền thông mới đã được cấp phép thành lập cùng với các hội nhóm phi chính thức gồm cả các nhóm tôn giáo. Dầu rằng những điều này không đưa đến một sự chuyển đổi dân chủ ở Việt Nam hay Lào– nơi mà Đảng cộng sản vẫn nắm quyền và các lực lượng an ninh vẫn áp đảo – thì bầu không khí ở cả hai nước đã thật sự trở nên tự do hơn một cách đáng kể.
Vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, khi các cuộc biểu tình rầm rộ tại quảng trường Thiên An Môn cùng với việc phá dỡ bức tường Béclin và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Trung – Đông Âu và Liên Xô cũ đã làm chấn động thế giới, thì cuộc tranh luận về tương lai hệ thống chính trị của Việt Nam và Lào cũng nổ ra. Tuy nhiên, hầu hết các cuộc thảo luận trên diễn ra sau hậu trường của những chính quyền khép kín này, vì vậy khó mà biết được chính xác điều gì đã được bàn thảo. Nhưng bản kết luận cơ bản thì rõ ràng. Đầu những năm 1990, cả Việt Nam và Lào đã dập tắt lời kêu gọi của nhóm thiểu số về đa nguyên chính trị. Ở Lào, hai cựu thứ trưởng và một nhân viên Bộ Tư pháp bị bỏ tù vì bị cáo buộc có âm mưu lật độ chế độ.4 Ở Việt Nam, một thành viên Bộ Chính trị bị sa thải ngay trước đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 7 năm 1991, rõ ràng vì ông công khai ủng hộ nền chính trị đa đảng.
Tăng cường phản đối chính trị dân chủ, cả 2 đảng cầm quyền tuyên bố kiên quyết bác bỏ cái mà họ cho là “những đòi hỏi tự do quá mức” (ở Việt Nam) hay “một hệ thống đa đảng” (ở Lào).5 Từ đó về sau, không một đảng nào thay đổi quan điểm cả. Họ tiếp tục nói về phát huy “dân chủ”, nhưng điều này không có nghĩa họ ủng hộ dân chủ tự do, mà thay vào đó là những điều như mở rộng số lượng đảng viên được phép có vai trò trong việc bầu chọn các nhà lãnh đạo cấp cao, gia tăng số lượng vị trí cấp chính quyền địa phương được bầu cử trực tiếp, và đảm bảo rằng đảng cộng sản quan tâm lắng nghe hơn nữa ý kiến của các cán bộ nhà nước, các nhà lập pháp và người dân.
Từ đầu những năm 1990, Việt Nam và Lào đều mở cửa đối với một loạt các tổ chức tài trợ song phương và đa phương, cũng như các tổ chức phi chính phủ quốc tế (NGOs), nhờ đó đã nhận được nhiều nguồn viện trợ và hỗ trợ kỹ thuật. Các nhà tài trợ bao gồm cả từ châu Á và phương Tây. Ở Lào có sự hiện diện mạnh mẽ của Việt Nam, Trung Quốc và Thái Lan. Nhà tài trợ lớn của Việt Nam đến từ châu Á là Trung Quốc, nhưng sự hiện diện của Trung Quốc bị quản lý cẩn trọng (giữa hai nước này đã nổ ra cuộc chiến tranh trong thời gian ngắn nhưng rất gay gắt vào đầu năm 1979 và tiếp tục có các cuộc đụng độ vũ trang khu vực biên giới cho đến năm 1990). Các nhà tài trợ phương Tây đã làm việc với các chính phủ Việt Nam và Lào về những lĩnh vực liên quan đến quản trị nhà nước như là quản lý hành chính công, cải cách hệ thống pháp lý, chống tham nhũng, phát triển xã hội dân sự. Tuy nhiên, những điều này hầu như không có nhiều ảnh hưởng đối với nền chính trị hai nước.
Quỹ đạo phát triển của Campuchia thì lại hơi khác. Sau cuộc đưa quân vào Campuchia của Việt Nam năm 1978 nhằm lật đổ chế độ diệt chủng Khơme đỏ, một chính quyền được sự bảo trợ của Việt Nam và từ năm 1985 do Hunsen đứng đầu đã nắm quyền điều hành Campuchia. Trong suốt những năm 1980, cuộc nội chiến tiếp tục diễn ra ác liệt khi liên minh những người bảo hoàng và phe Khơme đỏ đối chọi với chính quyền Campuchia do Việt Nam bảo trợ. Hòa bình trở nên khả dĩ chỉ khi Việt Nam vì những lý do chính trị trong nước của mình đã quyết định không thể duy trì hiện diện quân sự tại Campuchia nữa. Theo sau hiệp định hòa bình được ký tại Paris năm 1991, một sứ mệnh hoạt động đáng kể của Liên Hiệp Quốc được triển khai, dẫn đến các cuộc bầu cử vào năm 1993 với sự tham gia tranh cử của 19 đảng phái.
Ít nhất là trong ngắn hạn, Liên Hiệp Quốc đã có ảnh ưởng đáng kể. Campuchia đạt được những nền tảng chính thức của chủ nghĩa hiến pháp tự do, bao gồm một đạo luật cơ bản mới nhất quán với các nguyên tắc của nó. Ngoài ra, các hoạt động xã hội dân sự cũng tăng nhanh; các phương tiện truyền thông đa dạng và có tiếng nói hơn cũng nổi lên. Nhưng sự tự do đang đơm hoa này lại sớm bắt đầu lụi tàn. Các cuộc bầu cử vẫn tiếp tục được tổ chức đều đặn, nhưng những kết quả đạt được trong những năm đầu thập niên 1990 đã bị đảo ngược dần dưới bàn tay của Hunsen và Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền vốn vẫn cố duy trì kiểm soát quyền lực chặt chẽ. Điều này đã dẫn đến sự suy yếu mang tính hệ thống của phe chính trị đối lập bao gồm đảng bảo hoàng FUNCINPEC (từng là đối tác liên minh của CPP) và đảng Sam Rainsy. Những người chỉ trích chính phủ thuộc giới truyền thông, các tổ chức công đoàn hay xã hội dân sự nhìn chung thường bị mua chuộc hoặc bị dập tắt bởi sự kết hợp của các biện pháp như quan hệ ô dù bảo trợ, đe dọa, bạo lực, thay đổi luật bầu cử, hoặc vin vào những phiên tòa thiên về mặt chính trị.6
Trong cuộc bầu cử gần đây nhất tổ chức vào tháng 7 năm 2008, đảng CPP, với việc giành được 90 trong số 123 ghế, lần đầu tiên từ năm 1993 đã có thể tự đứng ra thành lập một chính phủ mới. CPP cũng kiểm soát 90% các xã hoặc các ủy ban cấp chính quyền địa phương.7 Đây là bước chuyển biến đáng kể đối với một đảng mà từng chỉ về thứ hai sau đảng FUNCINPEC trong cuộc bầu cử năm 1993, điều mà nhiều người có khuynh hướng lãng quên.
Giống như các chính phủ Việt Nam và Lào, Campuchia cũng cho phép hoạt động và cùng làm việc với cộng đồng tài trợ quốc tế về một loạt những cải cách quản trị nhà nước. Các nhà tài trợ cũng đến từ cả các nước châu Á và phương Tây, trong đó Việt Nam và Trung Quốc chiếm ưu thế trong số các nước châu Á. Tương tự Việt Nam và Lào, ảnh hưởng từ các nhà tài trợ bên ngoài đối với đường hướng chính trị cơ bản của Campuchia đã bị hạn chế một cách rõ rệt.
Những lực lượng đáng kể duy trì sự tiếp nối
Tại sao ba nước láng giềng của nhau này – riêng Campuchia thì từ sau quá trình chuyển đổi năm 1993, trong khi hai nước Việt Nam và Lào thì gần như liên tục – lại bám chặt lấy con đường phi dân chủ như vậy? Câu trả lời có thể nằm ngay trong các nền văn hóa chính trị của giới tinh hoa tương tự nhau một cách đáng chú ý ở cả 3 nước này. Truy nguyên nguồn gốc của sự tương đồng này nằm ngoài phạm vi của bài viết,8 nhưng chúng tôi có thể chứng minh những đặc điểm chung mà các nền văn hóa chính trị nói trên chia sẻ, đồng thời vạch ra những ảnh hưởng của chúng.
Chủ nghĩa tinh hoa và chủ nghĩa gia trưởng ăn sâu vào cốt lõi của các nền văn hóa chính trị rất tương đồng ở 3 nước nói trên. Dưới ảnh hưởng của những yếu tố này, các giả định văn hóa về mối quan hệ thích hợp giữa nhà nước và công dân, giữa người cai trị và tầng lớp bị trị hoàn toàn trái ngược với những gì được cho là hiển nhiên ở phương Tây. Trong xã hội 3 nước Đông Nam Á này có một niềm tin ngầm định mạnh mẽ rằng thiện chí và phẩm chất đạo đức cao của những người cầm quyền – chứ không phải là sự phân chia và kiểm soát quyền lực một cách khách quan thường được ưa thích bởi truyền thống tự do – mới là những sự kiềm chế then chốt đối với quyền lực.9 Sự phù hợp của định kiến văn hóa này có thể được thoáng thấy trong việc nhấn mạnh vai trò của gia đình (hay chính xác hơn là của những người làm cha làm mẹ) ở cả 3 nước.
Cân nhắc các yếu tố văn hóa chính trị giúp chúng ta dễ hiểu hơn lý do tại sao cả 3 đảng cầm quyền đều bác bỏ chủ nghĩa đa nguyên và cảm thấy rất khó chịu về xã hội dân sự hoặc bất cứ một hình thức tổ chức nào hoạt động ngoài các khuôn khổ của nhà nước hoặc đảng cầm quyền. Trên khía cạnh này, điều đáng chú ý là các quy định hợp pháp hóa các tổ chức phi chính phủ và hoạt động của các tổ chức này đã tiến bộ một cách chậm chạm và thường gắn với nhiều tranh cãi ở cả 3 nhà nước nói trên.
Sự tập trung vào văn hóa chính trị cũng giúp làm sáng rõ đặc trưng của các cuộc bầu cử ở Việt Nam, Campuchia và Lào. Ở những nước này, giới cầm quyền xem bầu cử là cơ hội để người dân khẳng định những công lao đích thực của các nhà lãnh đạo hơn là một cuộc cạnh tranh giữa những lựa chọn khác nhau.10 Vì vậy, ở Việt Nam và Lào, Nhà nước luôn tìm cách kiểm soát những người được bầu vào quốc hội, còn ở Campuchia, Hunsen đã hành động như thể theo bản năng nhằm dập tắt bất kỳ quan điểm nào coi bầu cử như một cuộc cạnh tranh nghiêm túc.
Hơn nữa, việc cân nhắc đúng mức vấn đề văn hóa chính trị đặt ra những câu hỏi sâu sắc về điều gì đang diễn ra khi mà các đảng cầm quyền làm việc với cộng đồng tài trợ quốc tế trong các lĩnh vực như cải cách hành chính công hay chống tham nhũng. Những cải cách mà các nhà tài trợ thúc đẩy thường lên quan đến sự phân chia và kiểm soát quyền lực mang tính thể chế, điều mà giới lãnh đạo các nước tiếp nhận tài trợ nhìn nhận với sự hoài nghi sâu sắc. Bất kể các nhà tài trợ nghĩ gì về những việc họ đang làm, trên thực tế giới lãnh đạo địa phương hoặc là thiếu nghiêm túc về việc thể chế hóa các cải cách tự do, hoặc là khăng khăng giải thích hay áp dụng chúng theo những cách phi tự do. Cuối cùng, sự tập trung vào văn hóa chính trị giúp dễ hiểu hơn (dầu không phải để tha thức cho) khuynh hướng các nhà cầm quyền đối xử một cách gay gắt với các nhà bất đồng chính kiến và những người chỉ trích khác. Các quyền, theo lối tư duy của những người cầm quyền, bắt nguồn từ việc phải tuân theo nếp suy nghĩ gia trưởng, lấy giới tinh hoa làm trung tâm này. Vì vậy, không có sự tuân thủ cũng đồng nghĩa với không có quyền.11
Ngoài một nền văn hóa chính trị không thân thiện, một trở ngại lớn khác mà nền chính trị tự do đang vấp phải tại Việt Nam, Campuchia và Lào có thể được quy cho sự trỗi dậy của “chính trị tiền bạc” cùng với kết quả kéo theo của nó là sự thương mại hóa nhà nước. Cải cách ở Đông Nam Á thường được cho là gắn liền (một cách ngấm ngầm hoặc rõ ràng) với tự do hóa kinh tế và sự thoái lui của Nhà nước. Nhưng đó không phải là những gì đã diễn ra. Những năm tháng cải cách ở Việt Nam, Lào, Campuchia đã thực sự chứng kiến quá trình thị trường hóa, cùng với đó là một dạng thăng tiến của nhà nước hơn là sự thoái lui, khi mà các chính trị gia, các quan chức và những người có quan hệ mật thiết với họ đã tranh thủ lợi dụng những người trong cuộc tiếp cận các cơ hội kinh doanh gắn liền với quá trình thị trường hóa và toàn cầu hóa để làm giàu cho bản thân.
Ở Việt Nam, quá trình này được ghi nhận lần đầu liên quan đến sự gia tăng của các nhóm lợi ích doanh nghiệp nhà nước từ những năm 1980, khi mà những người có các mối quan hệ chính trị bắt đầu tích lũy tư bản thông qua việc tham gia vào các giao dịch thị trường, ngay cả trong thời kỳ kế hoạch hóa tập trung. Ở Lào, sự thương mại hóa nhà nước là rõ ràng có liên hệ khá thường xuyên đến các chính trị gia và họ hàng của họ, được biết đến như những người nắm giữ các vị trí cao đầy uy quyền của nền kinh tế Lào. Ở Campuchia, quá trình này bắt đầu vào cuối những năm 1980 với việc bán tháo các tài sản nhà nước, chủ yếu bởi đảng CPP, khi mà Hunsen cố lôi kéo thêm đồng minh và gây ảnh hưởng đối với người dân nhằm chuẩn bị cho những thay đổi được dự báo sẽ diễn ra trong môi trường chính trị nước này.
Những đặc trưng của nền kính tế chính trị trong “kỷ nguyên cải cách” này đều tương đồng nhau ở cả Việt Nam, Campuchia và Lào. Trước hết, như đã được đề cập thì các mối liên kết hoặc quan hệ chính trị thường đóng vai trò cốt yếu. Đây là những điều cần thiết cho sự bảo đảm về mặt chính trị cũng như tiếp cận nguồn đất đai, vốn, các hợp đồng, hoặc có được (nếu không né tránh) những giấy phép cần thiết. Xung đột lợi ích là phổ biến, với việc các cán bộ công chức (thường thực hiện các hành động thông qua bạn bè hoặc họ hàng) hoạt động trong các lĩnh vực của nền kinh tế mà họ chịu trách nhiệm điều hành. Hoạt động đầu cơ trục lợi dựa trên các thông tin tay trong có được nhờ làm việc trong các cơ quan nhà nước là khá thường xuyên. Đầu cơ đất – hay việc thâu tóm đất trực tiếp ở Campuchia – rất phổ biến ở cả 3 nước và đã chứng tỏ là con đường màu mỡ để giàu có nhanh chóng đối với các quan chức, nhất là kể từ khi đất đai bắt đầu khôi phục lại thành hàng hóa có thể chuyển nhượng vào cuối những năm 1980.
Trong tâm trí nhiều người ở cả 3 nước tồn tại một sự liên kết chặt chẽ giữa việc nắm giữ các chức vụ nhà nước với việc vun vén tài sản cá nhân. Giống như trường hợp về nền văn hóa chính trị của giới tinh hoa, trường hợp này cũng có nguồn gốc lịch sử lâu đời, đồng thời tiếp nhận những động lực mới từ những hoàn cảnh mới – trong trường hợp này, đó là những yếu tố mà gắn liền với cải cách kinh tế dựa theo thị trường. Ở Việt Nam, Campuchia và Lào, lương công chức đều thấp, nhưng những người có tham vọng sẽ trả nhiều tiền để có được chức vụ và qua đó tiếp cận dễ dàng đến các lợi ích cá nhân mà chức vụ đó mang lại. Vì vậy, đối với người đưa hối lộ, lượng tiền hối lộ để được đề bạt dường như là một khoản đầu tư mà có thể dễ dàng thu lại được nhờ những khoản tiền tô (rents) và các cơ hội khác mà một quan chức ở cương vị tốt có thể nhận được.12
Ở cả 3 nước trên, nền kinh tế chính trị này đang có những tác động sâu sắc đối với chính trị. Sự bất bình đẳng cao không chỉ về mặt thu nhập mà cả về sở hữu đất tập trung. Ví dụ như ở Campuchia, nơi mà quá trình tích lũy đất đai là kinh khủng nhất, thì chỉ một phần mười dân số thường sở hữu đến gần hai phần ba diện tích đất và một phần mười giàu nhất trong số đó – tương đương một phần trăm dân số nước này – được ước tính sở hữu từ 20% đến 30%. Cứ năm hộ gia đình ở nông thôn thì có một hộ là không có đất và con số này tiếp tục gia tăng 2% mỗi năm.13 Các lợi ích kinh doanh đang có ảnh hưởng ngày càng lớn lên chính trị, đôi khi đến mức thâu tóm nhà nước. Vận động hành lang sau hậu trường đối với chính phủ tăng mạnh khi mà các doanh nghiệp cố định hình các luật lệ theo hướng có lợi cho mình. Các đảng cộng sản cầm quyền hiện cho phép những người kinh doanh, các nhân vật có tiếng thuộc thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào quốc hội. Sự gắn kết ngày càng chặt chẽ giữa chính phủ và các doanh nghiệp đang thúc đẩy khuynh hướng thiên vị của nhà nước đối với giới tư bản khi các tranh chấp thương mại phát sinh, đồng thời khiến cho giới tinh hoa chính trị gia tăng thái độ thù địch bản năng đối với các công đoàn độc lập.
Cuối cùng, có mối liên hệ trực tiếp giữa nền kinh tế chính trị của “kỉ nguyên cải cách” này với việc nền quản trị tự do không thể đạt được nhiều tiến bộ. Trong lĩnh vực cải cách hành chính công, vốn từ lâu đã là một trụ cột chính trong các nỗ lực tài trợ cho các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, nỗ lực nhằm loại bỏ các thủ tục hành chính rườm rà thường không đạt được những cắt giảm toàn diện, bởi vì các chức vụ hoặc cơ quan bị loại bỏ ở nơi này lại được thay thế bởi những chức vị hoặc các vụ cục mới ở nơi khác. Điều này thường gây khó hiểu đối với những người bên ngoài, nhưng nó hoàn toàn có lý đối với những người nào hiểu được việc nắm giữ các chức vụ công và việc thu vén cá nhân gắn kết với nhau như thế nào trong xã hội các nước nói trên. Việc dừng hoạt động các bộ ngành hoặc làm rõ các mô tả công việc sẽ trực tiếp đánh vào cách cư xử tùy tiện mà các quan chức thường dựa vào đó để kiếm thêm thu nhập, và vì vậy những biện pháp này phải bị lãng tránh.
Biểu tình tự phát và xã hội dân sự
Hướng đến tương lai
Chú thích
http://nghiencuuquocte.net/2014/01/19/cai-cach-lao-cpp-vn/
0 nhận xét:
Đăng nhận xét