Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

Vấn đề Công giáo miền bắc Việt Nam qua tư liệu lưu trữ Ba Lan (1954-1956)

 Trần Thị Liên
Groupe d'Etude sur le Vietnam Contemporain  - IEP Paris
   
Wojciech Ketrzynski, thành viên phái đoàn Công giáo Ba Lan được Việt Nam mời qua thăm vào mùa xuân 1955, đã kết luận bản báo cáo như sau: "Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) phải đương đầu với một nhiệm vụ hết sức khó khăn: ngay từ bước đầu, phải tìm cách xây dựng Nhà nước, đồng thời tiến hành cuộc đấu tranh gian khổ nhằm thống nhất đất nước. Trong tổng thể các vấn đề chính trị của Việt Nam, yếu tố Công giáo không giữ một vai trò quan yếu. Tuy nhiên, là nhóm tôn giáo có tổ chức, thuần nhất và lớn mạnh nhất, có lẽ Công giáo có một trọng lượng nhất định trong cán cân quyền lực chung".[1]  Ketrzynski là một người Công giáo thuộc tổ chức Pax,[2] nhận định của ông tóm tắt khá chính xác vấn đề Công giáo đặt ra cho các nhà lãnh đạo VNDCCH trong những ngày tiếp theo chiến thắng Điện Biên Phủ.
Bài này có mục đích soi rọi vấn đề Công giáo trong những năm độc lập đầu tiên ở VNDCH dưới ánh sáng của những tư liệu tìm được trong thư khố Ba Lan. Tư liệu của một nước "anh em" là một nguồn bổ ích vì trước hết, cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thể tham khảo thư khố của Việt Nam về vấn đề này. Liên Xô và Trung Quốc đương nhiên là "hệ quy chiếu" và mô hình của VNDCCH trên những vấn đề quốc tế lớn. Nhưng ngay sau khi Hiệp định Genève được kí kết, nước Cộng hoà Nhân dân Ba Lan đã được VNDCCH yêu cầu giúp đỡ để giải quyết vấn đề gay go do thiểu số Công giáo đặt ra, nhất là vấn đề người Công giáo ồ ạt di cư vào Nam. Do tầm quan trọng của đạo Ki tô ở Ba Lan, các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam cho rằng các đồng chí Ba Lan là những người có khả năng nhất trong các nước anh em có thể làm cố vấn cho họ trong vấn đề hội nhập người Công giáo dưới chế độ xã hội chủ nghĩa.
Bài này chủ yếu khai thác những báo cáo của các đại sứ Ba Lan tại Hà Nội cũng như những báo cáo của phái đoàn Ba Lan trong Uỷ hội Quốc tế Giám sát và Kiểm soát[3] được lưu trữ tại Thư khố Bộ ngoại giao tại Warsaw (AMSZ). Trong bài này, tôi sẽ trình bày vấn đề Công giáo trong những năm đầu của VNDCCH độc lập nhìn từ quan điểm cộng sản (chính phủ Việt Nam cũng như các cố vấn Ba Lan). Quan điểm của thiểu số Công giáo cũng sẽ được đề cập.
Trước hết, tôi sẽ trình bày tóm gọn mối quan hệ giữa người Cộng sản và người Công giáo từ ngày thành lập nước VNDCCH, tức là những năm chiến tranh kháng Pháp. Điều này cần thiết vì không thể nào thấu hiểu tình hình hết sức căng thẳng năm 1954 nếu không có trong đầu lịch sử mối quan hệ phức tạp Cộng sản – Công giáo trong thời kì chiến tranh giành độc lập. Sau đó, theo trình tự thời gian, tôi sẽ trình bày: thứ nhất, phân tích vấn đề Công giáo của Đại sứ Ba Lan, đặc biệt trong năm 1955 ; thứ nhì, các báo cáo của Đoàn đại biểu Ba Lan đi thăm Việt Nam tháng 4 và 5.1955 theo lời mời của VNDCCH. Cuối cùng, tôi sẽ tìm hiểu quá trình hợp tác trong năm 1956 giữa hai nước, cũng như tác động của những biến cố Mùa thu 1956 ở Trung Âu vào sự hợp tác Ba Lan – Việt Nam.
Cộng sản và Công giáo trong cuộc Chiến tranh giành độc lập: từ liên minh đến bất khả hợp tác
Câu chữ của Wojciech Ketrzynski trong đoạn trích dẫn ở đầu bài cũng phản ánh quan điểm của người Cộng sản Việt Nam đối với thiểu số Công giáo trong thời kì chiến tranh giành độc lập. Tuy Công giáo không phải là vấn đề trọng tâm đối với nền độc lập, song tranh thủ được sự ủng hộ của người Công giáo là một quan tâm không nhỏ để giành chính quyền hay xây dựng chế độ cộng sản. Do di sản quá khứ xâm lăng của Pháp, và do tính chất chống tôn giáo của chủ nghĩa cộng sản, Việt Minh nghi ngại người Công giáo, song cho đến năm 1951, chính sách của họ nói chung là đoàn kết toàn dân, trong đó có người Công giáo. Thật vậy, đối với đảng cộng sản, đây là vấn đề chiến lược. Không muốn lộ diện cộng sản, Việt Minh muốn tập hợp mọi giai cấp trong cuộc đấu tranh vì độc lập, kẻ cả giai cấp tư sản và thiểu số Công giáo.[4] Sự tham gia của hai thành phần này sẽ đem lại cho Việt Minh một diện mạo tốt đẹp trên trường quốc tế, chứng tỏ Việt Minh là liên minh đa dạng của toàn thể dân tộc.
Hơn nữa, tranh thủ được Công giáo trong những năm 1945-1947 là điều quan trọng đối với Việt Minh vì đó là thời kì rất khó khăn: họ phải tính đến ảnh hưởng của Công giáo tại những vùng then chốt ở đồng bằng sông Hồng và tại một số vùng ở Nam Bộ là nơi Việt Minh vẫn còn yếu. Để thực hiện mục tiêu này, Việt Minh đã đẩy mạnh công tác Công giáo vận, như ta có thể nhận thấy qua rất nhiều những truyền đơn và sách báo mà Thư khố Quân đội ở Vincennes (Pháp) còn lưu trữ.
Hồ Chí Minh là người kiến trúc sư lớn của chính sách đoàn kết dân tộc đối với người Công giáo. Chính sách này đã mang lại kết quả ngay từ đầu tháng chín 1945, khi bốn vị giám mục Công giáo thừa nhận ông là chủ tịch chân chính của nước VNDCCH. Lên nắm chính quyền, ông không ngần ngại cử Nguyễn Mạnh Hà, người Công giáo, làm bộ trưởng Bộ kinh tế trong Chính phủ đoàn kết dân tộc đầu tiên. Trong phái đoàn Việt Nam sang thương lượng ở Fontainebleau, ông để cả Nguyễn Đệ tham gia vì Nguyễn Đệ có quan hệ tốt với người Pháp và giới Ngân hàng Đông Dương. Sự hiện diện của những nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Minh, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp, tại cuộc lễ tấn phong giám mục Lê Hữu Từ và lễ thành lập Liên Đoàn Công Giáo (không nằm trong Việt Minh) tháng mười 1945 ở Phát Diệm, cũng chứng tỏ ý muốn thu hút thiểu số Công giáo. Nhân dịp này, Hồ Chí Minh còn cử tân giám mục Phát Diệm làm Cố vấn Tối cao của Chính phủ ![5] Các cuộc tiếp xúc Công giáo – Cộng sản ở ngoài bắc, là vùng chủ yếu do Việt Minh kiểm soát, đều là những cuộc gặp trực tiếp, và ở cấp cao nhất, còn ở trong nam, là vùng sớm bị Pháp chiếm đóng, các cuộc tiếp xúc diễn ra một cách bán chính thức.
Không những thế, Việt Minh đã ban hành những chỉ thị nghiêm ngặt, cấm đoán mọi hành động xúc phạm tôn giáo, nhất là việc phá huỷ nơi thờ cúng, người phạm tội có thể bị xử tử hình.[6] Đây là một cố gắng thực sự nhằm hạn chế bất hoà đối với người Công giáo. Năm 1949, uỷ viên nội vụ Nam Bộ Ung Văn Khiêm nghiêm cấm "mọi hành động phẫn nộ hay khiêu khích đối với người Thiên chúa giáo".[7] Không những không cấm đoán việc thờ chúa, Việt Minh còn cho phép tổ chức những cuộc đại lễ nhân những ngày lễ đạo trọng đại. Mỗi năm vào dịp Nô-en, bao giờ Hồ Chí Minh cũng gửi thư chúc mừng đồng bào Công giáo. Các báo cáo của bề trên dòng Thừa sai Paris (MEP), vốn chống đối Việt Minh, đều ghi nhận rằng, mặc dầu chủ trương tiêu thổ kháng chiến, Việt Minh vẫn tôn trọng nhà cửa của giáo hội, khác hẳn Quân đội Viễn chinh Pháp không ngần ngại chiếm đóng hoặc phá huỷ cơ ngơi của các tôn giáo. Như một giáo sĩ thừa sai viết đầu năm 1949: "Nói chung, ít nhất là ở ngoài mặt, chính sách của VM tỏ ra khoan dung. Dường như người Công giáo, với tư cách người Công giáo, không bị khó dễ gì hơn là các thành phần khác trong dân chúng (...) Rõ ràng là có chỉ thị từ cấp cao (...) Thực sự đây là cả một chính sách nhằm tranh thủ người Công giáo."[8] Về phía Công giáo, họ tích cực tham gia phong trào dân tộc chủ nghĩa, vì muốn tiêu trừ lời lên án Công giáo là "phản quốc" đã đè nặng lên đầu cộng đồng tín đồ từ ngày Pháp xâm chiếm Việt Nam.[9] Có thể khẳng định rằng trong thòi kì đầu của cuộc kháng chiến, người Công giáo và người Cộng sản đã kinh qua một thử nghiệm cộng tác tương tự như tình hình ở Pháp trong Đại chiến Thế giới lần thứ II. Sự hợp tác được biện minh bằng sự nghiệp độc lập.
Nhưng với thời gian, người Công giáo đứng trước một lưỡng đề: những chiến sĩ kiên cường nhất trong cuộc đấu tranh giành độc lập là người Cộng sản, mà dự phóng xây dựng xã hội của Cộng sản lại không phù hợp với quan niệm của họ. Trong luận án tiến sĩ, tôi đã chứng minh rằng sự hợp tác của người Công giáo với cuộc kháng chiến của người Cộng sản (chủ yếu là ở các địa phận giám mục miền bắc) đã tiếp tục cho đến năm 1949.
Đối với người Công giáo, sự liên minh này đã quay ngược trong giai đoạn 1950-1951 là thời kì mà họ vẫn còn tìm cách giữ thế tự trị, không theo kháng chiến cộng sản và cùng không theo chính phủ Bảo Đại lệ thuộc Pháp.[10] Rõ ràng lúc đó họ không muốn bị sử dụng làm công cụ như phía Việt Minh cũng như phía Pháp muốn họ làm. Ngoại trừ một thiểu số tham gia hàng ngũ kháng chiến Việt Minh, từ năm 1952 trở đi, người Công giáo dứt khoát cự tuyệt sự liên minh với Cộng sản: cuộc sống dưới chính thể Việt Minh ở miền bắc, các sự kiện quốc tế ở Trung Quốc và Triều Tiên từng bước đưa họ tới chỗ nghi kị Việt Minh. Không tìm ra con đường thứ ba – không đi với Việt Minh, cũng không đi với Pháp – cuối cùng họ đã chọn giải pháp ít xấu nhất:  quy hồi chính phủ Bảo Đại lúc đó đang thương lượng với Ngô Đình Diệm.
Thực ra, chính sách bắt tay của VNDCCH là một chủ trương chiến lược, song người Cộng sản vẫn rất nghi ngại người Công giáo, kể cả những người Công giáo đã trở thành Cộng sản. Chẳng mấy lúc, các nhóm Công giáo tham gia kháng chiến đều bị Đảng kiểm soát chặt chẽ, mảnh đất hoạt động của họ bị thu hẹp. Sau thắng lợi của Cộng sản ở Trung Quốc, chế độ trở thành cứng rắn hơn. Sự có mặt của các cố vấn Trung Quốc nhất là từ 1953 trở đi, chủ trương tiến hành "đấu tranh giai cấp" và phát động cải cách ruộng đất trong những vùng kháng chiến kiểm soát (ở những nơi có nhiều giáo dân) dẫn tới sự li khai với Việt Minh lúc đó cũng không còn giấu giếm bản chất cộng sản của mình nữa. Song, đối với người Cộng sản, người Công giáo chọn lựa như vậy là phản bội.
Mối quan hệ sóng gió trong thời kì 1945-1954 cho ta hiểu tại sao trong những năm tiếp theo chiến thắng Điện Biên Phủ, tình hình trở nên căng thẳng giữa Công giáo và Cộng sản. Tuy không phải là vấn đề trung tâm, vấn nạn Công giáo có một trọng lượng không nhỏ trong đường lối chính sách chung của chế độ VNDCCH non trẻ. Đặt biệt trong hai lãnh vực: một là xây dựng Nhà nước xã hội chủ nghĩa, hai là thống nhất đất nước như Hiệp định Genève đã quy định.
Vấn đề Công giáo ở thời điểm 1954, nhìn từ góc độ Cộng sản, có thể tóm tắt như sau: hơn hẳn mọi tổ chức tôn giáo hay chính trị nào khác, Giáo hội Công giáo trước tiên là một lực lượng có tổ chức chặt chẽ, với những giá trị chống cộng, răm rắp vâng lời bề trên. Thứ nữa, điều nguy hiểm là về mặt địa lí, họ sống tập trung ở một số thôn xã và huyện thuộc những vùng có vị trí chiến lược. Thêm vào đó, việc họ phục tùng Vatican được xem như bằng chứng rằng họ là "tay sai của đế quốc ngoại bang", nhất là từ khi giáo hoàng Pie XII đọc bài diễn văn chống cộng. Cuối cùng, một bộ phận khá lớn giáo dân ở miền nam và ở cả miền bắc tin tưởng vào lãnh tụ miền nam là Ngô Đình Diệm, một người Công giáo. VNDCH vừa đại thắng thực dân Pháp, nay lại gặp phải sự đối nghịch mạnh mẽ của đa số người Công giáo chống lại Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Vì những lẽ trên, Giáo hội Công giáo khiến cho chính quyền VNDCCH e ngại và nghi kị, coi là đối thủ của chế độ mới.
Tuy các nhà lãnh đạo miền bắc ý thức được những khó khăn trong vấn đề chỗ đứng của người Công giáo trong Nhà nước xã hội chủ nghĩa sau Hiệp định Genève, họ vẫn bị bất ngờ trước là sóng di cư vào nam của đông đảo người Công giáo bắt đầu từ tháng bảy 1954 và kéo dài suốt một năm sau đó. Cuộc di cư ồ ạt, ngày càng đông đảo trở thành mối quan tâm lớn cho giới lãnh đạo VNDCCH. Nó có thể tác động tai hại vào ưu tiên chính trị số một trong đường lối của chính quyền: thống nhất đất nước thông qua cuộc tổng tuyển cử tự do ở cả hai miền nam bắc vào tháng bảy 1956, theo quy định của Tuyên bố cuối cùng Hội nghị Genève.[11]
Cuộc di cư sau Hiệp định Genève đã diễn ra như thế nào ? Ngoài việc tập kết lực lượng quân sự vào hai vùng trên và dưới vĩ tuyến 17, Hiệp định Genève còn quy định rằng thường dân có quyền chuyển vùng trong vòng 300 ngày (tức là cho đến ngày 18 tháng năm 1955). Biện pháp này hết sức cần thiết để miền bắc có thể đưa 85 000 bộ đội Việt Minh và thân nhân từ miền nam ra miền bắc, và để miền nam có thể đưa cả binh lính và thường dân Pháp lẫn quân đội và chính quyền Bảo Đại từ bắc vào nam.
Thoạt đầu, việc di cư thường dân từ bắc vào nam chủ yếu chỉ diễn ra ở thành thị (chủ yếu là các gia đình công chức). Nhưng rất nhanh chóng, nó lan ra vùng nông thôn, đặc biệt là vùng giáo dân sống tập trung. Các nhà lãnh đạo miền bắc cũng như quân đội Pháp[12] đều không tiên liệu một cuộc di cư ồ ạt như vậy, với đa số là giáo dân (78%). Phong trào này bắt đầu từ tháng bảy 1954, ngay sau ngày kí Hiệp định Genève, tăng vọt lên vào tháng chín – tháng mười rồi tiếp tục phát triển sau tháng năm 1955 là kì hạn chót. Khoảng 78% người di cư là giáo dân, vào nam cùng với một bộ phận quan trọng của hàng giáo phẩm (3 giám mục, 618 linh mục). Đến cuối năm 1955, ở lại miền bắc còn 40% giáo dân (456 720 người) và 37% giáo sĩ (375 người).
Quan điểm phê phán về vấn đề Công giáo của đại sứ Ba Lan
(tháng chạp 1954 – tháng tư 1955)
Ngay trước ngày đại sứ Ba Lan đầu tiên, Tomasz Pietka, đặt chân đến Hà Nội tháng chạp 1954[13] Ba Lan đã nhận được yêu cầu giúp đỡ. Thật vậy, chính phủ Hồ Chí Minh đã yêu cầu Liên Xô giúp đỡ trong việc tập kết các đơn vị Việt Minh và vũ khí trang bị từ nam ra bắc. Nhưng hàng hải dân sự Liên Xô không có ngay tàu chuyên chở, và đúng lúc đó thương thuyền Jan Kilinski lại có mặt ở Biển Đông, nên tàu này đã được trao nhiệm vụ vận chuyển người và vật tự quân sự trong suốt thời gian từ tháng mười 1954 đến tháng bảy 1955.[14]
Ngay khi đại sứ Ba Lan tới Hà Nội, các nhà lãnh đạo Cộng sản đã yêu cầu Ba Lan giúp đỡ giải quyết vấn đề Công giáo. Trong bản báo cáo đầu tiên, tháng giêng 1955, đại sứ Tomasz Pietka, trong phần nội trị, đã xếp vấn đề Công giáo lên hàng đầu và nói tới yêu cầu giúp đỡ của chính phủ Việt Nam: “Vấn đề di cư của người Công giáo vẫn tiếp diễn: ‘Chính phủ và Đảng đã làm tất cả những gì có thể để giảm bớt, nhưng vẫn gặp những khó khăn to lớn (...). Vấn đề giáo dân sẽ còn đè nặng lên chính sách nội trị của VNDCCH trong thời gian tới đây, vì vậy mà họ vẫn thường yêu cầu sứ quán giúp đỡ và tham vấn’[15]
Trong bài phân tích đầu tiên về nguyên nhân cuộc di cư ồ ạt, Pietka liệt kê sự tuyên truyền của Pháp và Mĩ, và nói đến cả các nhà lãnh đạo Việt Nam: “Một nhân tố khác có thể giải thích những khó khăn này là bệnh bè phái ở các cấp cơ sở trong Đảng. Những đồng chí đảng viên ở cơ sở nói rằng: ‘Tám năm dài trên rừng núi, tôi chịu bao nhiêu hi sinh gian khổ để giải phóng cho họ, mà bây giờ họ lại bỏ đi!’. Thế là họ dùng những biện pháp cứng rắn như bác đơn di cư mà không một lời giải thích ”. Pietka cũng phê bình “họ thiếu hiểu biết về những vấn đề Công giáo” trong lĩnh vực tuyên truyền: “Cho đến nay, chỉ có phía Đảng mới tiến hành công tác nâng cao ý thức (quần chúng và đảng viên), không huy động Mặt trận Tổ quốc tham gia vào việc này. Chúng tôi cũng đã góp ý kiến”. Trong bản báo cáo tiếp theo, Pietka hoan nghênh việc mở rộng Mặt trận Tổ quốc ra những giới xã hội khác, đặc biệt là chủ trương “bắt tay người Công giáo” thể hiện qua việc Linh mục Vũ Xuân Kỷ tham gia Đại hội Liên Việt tổ chức trong tháng giêng 1955 tại Hà Nội.
Theo Pietka, một nguyên nhân quan trọng khác của làn sóng di cư là tình hình kinh tế bi đát ở miền Bắc Việt Nam. Trong bản báo cáo tháng hai, ông viết: “Thị trường cần được cung cấp thêm lúa gạo và các nông sản khác đang bị thiếu hụt nghiêm trọng. Cần phải ngăn ngừa nạn đói có thể xảy ra ở khu 4 là nơi hội đủ những triệu chứng (hạn hán, ruộng đất bỏ hoang (...). Nông thôn quá đông dân. Nông dân bỏ ra thành phố nhưng không tìm ra việc làm (các nhà máy không hoạt động), chỉ còn cách buôn bán vặt trên vỉa hè hoặc đi bán rong...). Ở nông thôn, thấy rõ những dấu hiệu thiếu đói gây ra bất mãn, ngay trong những người đã tham gia kháng chiến, là những người đã quen ăn rễ ăn củ để tiếp tục chiến đấu giành lại tự do cho tổ quốc (...). Gặp những người phụ trách những bộ quan trọng của chính phủ, nhiều khi thấy họ rơm rớm nước mắt khi nói tới những vấn đề của họ.”  Pietka còn nhấn mạnh không chỉ có vấn đề người Công giáo mà còn có vấn đề những người không Công giáo: “Trong đời sống nội bộ của VNDCCH, tồn tại cuộc di cư của giáo dân. Có thể nói vấn đề di cư đã tăng lên trong thời gian vừa qua, không những người Công giáo mà cả người không Công giáo cũng xin đi vào nam. Nguyên nhân tình trạng này là nạn thiếu lương thực, thất nghiệp, và cả chiến dịch tuyên truyền Mĩ-Pháp vẫn tiếp tục khai triển”.[16] Sang tháng ba, tình hình vẫn tiếp tục nghiêm trọng.[17]
Tháng tư 1955, một báo cáo khác xác nhận bức tranh kinh tế bi thảm mà tháng trước đại sứ Pietka đã phác hoạ. Ông nêu lên nguy cơ xảy ra nạn đói ở miền bắc do sự kém cỏi của chính quyền: “Năm ngoái, các đồng chí Việt Nam đã không biết xử lí vấn đề với sự nghiêm chỉnh cần thiết. Người Pháp đã báo trước với họ về nguy cơ đói kém, song chính phủ bạn đã khẳng định sẽ giải quyết thành công bằng cách tăng suất, đẩy mạnh thuỷ lợi và nhất là trồng những loại cây sản lượng cao (khoai, sắn, đậu). Chính sách này đúng nhưng chỉ đúng về dài hạn. Nếu Việt Nam không nhận được viện trợ to lớn về lúa gạo, thì tình hình sẽ trở thành nguy ngập và cuộc bầu cử sẽ hết sức bấp bênh”.[18] Quả vậy, nhờ viện trợ Trung Quốc nên tháng năm 1955, VNDCCH đã tránh được nạn đói.[19]
Đại diện Ba Lan trong Uỷ hội Quốc tế Kiểm soát, Jerzy Grudzinsky, cũng nhất trí với phân tích tình hình kinh tế nói trên. Trong bản báo cáo đề ngày 27/4/1955, Grudzinsky coi việc người Công giáo di cư “là một trong những vấn đề lớn nhất đặt ra cho Uỷ hội Quốc tế trong thời gian qua”. Ông viết tiếp: “Một vài nhóm cực đoan trong dân chúng ra sức kích động di cư, phối hợp với cuộc vận động của giáo hội, của chính quyền Pháp, của bè lũ Bảo Đại. Tình hình này tiếp tục xấu đi do hạn hán, mất mùa đang đe doạ vùng Công giáo. Trên lãnh thổ của VNDCCH, giáo dân bắt đầu tổ chức những cuộc tập họp lớn, cả vạn người, yêu cầu được di cư vào nam”.[20] Chắc ông muốn nói tới sự kiện Ba Làng, nơi 10 000 giáo dân tụ tập lại đòi đi nam, bị Quân đội giải tán trong khi họ hoài công đứng đợi phái đoàn Uỷ hội Quốc tế.[21]
Đối với Grudzinski, tình hình những giáo dân muốn di cư tuyệt vọng tới mức Uỷ hội Quốc tế (thông qua đại diện Ba Lan) đã phải nhờ đến cả chiếc tàu Kilinski của Ba Lan từ tháng mười 1954 đã vận chuyển bộ đội Việt Minh và gia đình của họ từ nam ra bắc. “Hiện nay, tàu Kilinski của ta phải lo di chuyển giáo dân vào nam. Cho đến ngày 18 tháng năm, nó sẽ phải chở 10 000 người. Đang có tin đồn người Pháp muốn đề nghị kéo dài thời hạn 300 ngày cho dân chúng có thể chuyển vùng”. Trong báo cáo tháng hai 1955, đại sứ Pietka xác nhận: “chính phủ ta đồng ý để cho tàu Kilinski chở 5400 giáo dân từ bắc vào nam, trong tinh thần ‘bắt tay người Công giáo’.”[22]
Cuộc viếng thăm miền Bắc của Phái đoàn Ba Lan đặc biệt (tháng tư-năm 1955) và sự thất bại tương đối của chuyến đi
Thực ra, chính sách Công giáo của VNDCCH chỉ là một bộ phận trong đường lối chung của VNDCCH về vấn đề thống nhất đất nước. Và khi VNDCCH yêu cầu Ba Lan giúp đỡ thì mục tiêu cụ thể và ngắn hạn rất rõ ràng -- cuộc tổng tuyển cử tháng sáu 1956 -- như bản báo cáo tháng tư 1955 xác nhận: “Trong tương lai, có thể xem sự hợp tác Ba Lan - Việt Nam trong lãnh vực này là cần thiết, ít nhất cho đến khi thực hiện bầu cử năm 1956”.[23]
Cho nên mùa xuân 1955, đáp lời yêu cầu của phía Việt Nam, Ba Lan đã cử sang miền Bắc một phái đoàn gồm 3 thành viên, hai linh mục Josef Keller, Mieczylaw Suwala, và một biên tập viên, Wojciech Ketrzynski. Hai linh mục là hội viên Pax là tổ chức chủ trương hợp tác với chế độ cộng sản, còn người thứ ba, cư sĩ, chắc là người của Đảng Cộng sản. Phái đoàn đã làm việc khoảng 6 tuần lễ, từ ngày 13.4 đến ngày 30.5.1955.  Thời điểm của chuyến đi này chắc không ngẫu nhiên, vì trong thời gian đó, cụ thể ngày 16.5 là hạn chót của việc tập kết quân đội và dân chúng[24] phía bắc và phía nam vĩ tuyến 17. Đó là kỳ hạn cuối cùng cho những ai muốn di cư.
Trong báo cáo thứ nhất,[25] các thành viên phái đoàn nhắc lại nhiệm vụ chủ yếu của chuyến công tác: “Toàn bộ công việc của chúng tôi là góp phần vào việc bình thường hoá các quan hệ tôn giáo với mục tiêu là cuộc bầu cử sắp tới và mục đích là mang lại cho chính quyền dân chủ những nhân tố cần thiết cho đường lối chính sách trong lĩnh vực này”. Cụ thể hơn nữa, phái đoàn Ba Lan có ba nhiệm vụ: “1) trong phạm vi có thể, chấm dứt không khí hoảng loạn trong cuộc di cư, 2) hỗ trợ Uỷ ban Công giáo yêu nước yêu hoà bình mới thành lập nhằm củng cố uy tín và triển khai công tác Công giáo vận, 3) hợp tác với đại diện chính quyền dân chủ trong việc triển khai chính sách Công giáo”.
Phái đoàn Ba Lan đã làm được gì để thực hiện nhiệm vụ quan trong nhất, liên quan tới cuộc di cư của giáo dân ? Trong bản báo cáo đầu tiên, họ ghi nhận: “Tình hình trong giới Công giáo vẫn căng thẳng, không khí hoảng hốt và trốn chạy vẫn nặng nề, đặc biệt ở vùng Vinh”.[26] Chúng ta cần nhớ rằng kì hạn 18 tháng năm càng làm tăng không khí hoảng loạn. Trước tình hình này, W. Ketrzynski và Linh mục Suwala có nhiệm vụ tuyên truyền, và được cử đi các nơi để làm việc này. Họ đã phát biểu tại ít nhất 16 cuộc mít tinh, đề cao tình hình người Công giáo ở Ba Lan và nói tới viễn tượng tồn tại của đạo Thiên chúa được chế độ dân chủ bảo đảm.
Đối với W. Ketrzynski,[27]nỗ lực lớn nhất đã được tập trung ở khu Bốn, trong địa phận Vinh, là nơi tình hình nghiêm trọng nhất. Trong hai chuyến về đây, phái đoàn đã đọc sáu bài diễn văn trong các cuộc mít tinh quần chúng, đặc biệt trong cuộc đi thăm hai địa điểm tập trung những người muốn di cư (...) Ở khu Ba, chúng tôi đã tổ chức ba cuộc mít tinh, trong đó có cuộc mít tinh với dân chúng ở Ba Làng là nơi đã xảy ra xô xát đổ máu”.[28] Hai người đã đọc ba bài diễn văn ở Phát Diệm, hai ở Hải Phòng và hai ở Hà Nội, bài cuối cùng ở Nhà hát lớn Hà Nội ngay trước khi họ lên đường. Các bài nói của họ sau đó đã được in thành tập sách nhỏ bằng tiếng Việt và tán phát tại các vùng Công giáo. Trong các cuộc gặp gỡ với những cộng đồng giáo dân, phái đoàn Ba Lan cũng đã phân phát các dụng cụ lễ nghi (kể cả áo lễ) mà người Công giáo thiếu thốn.
Dễ thấy rằng những công việc kể trên không mang lại kết quả gì đáng kể, nếu không nói là vô hiệu. Trong phần kết của bản báo cáo, ta có thể đọc: “Phái đoàn đã tới quá muộn để có thể ngăn ngừa một cách hiệu quả một hoạt động đã được tiến hành từ lâu, nhằm tạo không khí xung đột giữa VNDCCH và những giới Công giáo. Hiển nhiên là lãnh đạo VNDCCH đã không được chuẩn bị để ngăn ngừa hoạt động này một cách hiệu quả, tuy rằng mùa đông năm ngoái còn có thể làm được gì”. Phải nói rằng trái ngược với nhận xét này của phái viên Ba Lan, chính quyền Việt Nam tuy bị bất ngờ vốn đã đẩy mạnh công tác Công giáo vận. Ngay từ đầu tháng bảy 1954, đặc biệt là Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh chính sách bắt tay với người Công giáo, kêu gọi giáo dân, và khẳng định chính sách của VNDCCH là bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng.[29]
Phái đoàn thừa nhận đã thất bại vì ở cuối bản báo cáo, họ cho biết “để phản ứng lại chuyến đi thăm của phái đoàn, một chiến dịch tuyên truyền chống Ba Lan đã được đẩy mạnh trong giới Công giáo Việt Nam”. Đúng là họ đã sang Việt Nam quá muộn để hi vọng có thể  thuyết phục được ai trong khi mà hàng chục vạn người đã ra đi. Vả lại, hai người ngoại quốc, không biết tiếng Việt, lại do một chính quyền đang tìm cách ngăn cản giáo dân ra đi gửi tới, thử hỏi họ làm gì được? Tất nhiên là không, ngoài sự phản đối mạnh mẽ.
Nhiệm vụ thứ nhì của phái đoàn là giúp Uỷ ban toàn quốc những người Công giáo yêu Tổ quốc yêu Hoà bình.[30] Tổ chức này được thành lập ngày mồng 3 tháng ba 1955 theo quyết định của Mặt trận Tổ quốc, giữa lúc mà giáo dân ồ ạt rời bỏ miền bắc.[31] Cuộc họp bàu ra một Ban chấp hành, với Linh mục Vũ Xuân Kỷ làm chủ tịch, luật sư Dương Văn Đàm làm phó chủ tịch.[32] Đây không phải là một tổ chức quần chúng, chỉ là một uỷ ban có chức năng “phổ biến chính sách của nhà nước trong đồng bào Công giáo, động viên đồng bào ủng hộ chế độ và tham gia các tổ chưcc quần chúng trong Mặt trận Tổ quốc”.[33] Ngay ngày hôm sau, khâm mạng Toà thánh John Dooley và các giám mục giáo tỉnh miền bắc, trong một lá thư đề ngày 12 tháng ba, đã lên án uỷ ban này, coi đó là “một hiểm hoạ cho sự thống nhất của Giáo hội Việt Nam”.
Ngay trong bản báo cáo đầu tiên, các thành viên phái đoàn đã nhận định rằng “uỷ ban này quá hạn hẹp và quá xa cách những giới Công giáo có ảnh hưởng. Họ cần phải tìm cách mở rộng cơ sở để tăng thêm tính cách đại diện của mình”.[34] Phái đoàn cho rằng muốn mở rộng ảnh hưởng, cần phải có một nhóm cư sĩ được đào tạo để triển khai Công giáo vận. Họ đã cung cấp cho Uỷ ban những tư liệu tuyên truyền trong giới Công giáo của Ba Lan. Ngoài ra, họ cũng tìm cách đưa Uỷ ban tiếp cận Toà giám mục Hà Nội. Họ xếp đặt một cuộc gặp giữa hai linh mục lãnh đạo uỷ ban với Giám mục Trịnh Như Khuê là người đã treo chén hai linh mục này. Quan hệ giữa Uỷ ban và Toà giám mục vẫn tiếp tục căng thẳng.
Trong thời gian ở Việt Nam, họ đã có mười một buổi làm việc với Uỷ ban, xem ra cũng không mang lại kết quả. Trong bản báo cáo cuối cùng của phái đoàn, Wojciech Ketrzynski kết luận như sau: “Một trong những mục đích chính của phái đoàn là tổ chức tại chỗ một phong trào xã hội Công giáo về lâu về dài có thể đi theo đường lối hợp tác giữa Giáo hội và chính quyền. Trên thực tế, Việt Nam chưa hề có một phong trào như vậy. Uỷ ban Công giáo toàn quốc liên lạc với Mặt trận Tổ quốc hiện nay hết sức thiếu đoàn kết và không có khả năng công tác”.[35]
Ngoài các cuộc gặp Uỷ ban Công giáo, phái đoàn Ba Lan dành nhiều thời gian để gặp hàng giáo phẩm, nhất là ở Hà Nội và ở các giáo phận Vinh, Thanh Hoá và Thái Bình là những nơi quan hệ đặc biệt khó khăn giữa Giáo hội và chính quyền sở tại. Những cuộc gặp gỡ giữa Giáo hội và Nhà nước đã được tổ chức nhằm “ ngăn ngừa những cuộc xung đột công khai có thể tác động tai hại về mặt quốc tế ”;[36] Nói chuyện với hàng giáo phẩm, phái đoàn cố gắng thuyết phục họ tin ở khả năng Giáo hội sống chung với chế độ: phái đoàn thông báo cho họ về tình hình ở Cộng hoà Nhân dân Ba Lan và trả lời những câu hỏi về “thái độ của người Công giáo Ba Lan đối với Giáo hoàng, cuộc sống vật chất của hàng giáo phẩm, của các dòng tu, về khả năng giảng dạy tôn giáo cho con em”.
Cuối cùng và quan trọng hơn cả, phái đoàn còn có nhiệm vụ thuyết phục các giám mục còn rất lần khân hãy tiếp xúc với Nhà nước. Trong thời gian ở Việt Nam, các phái viên Ba Lan đã tổ chức chín cuộc gặp những chức sắc của Giáo hội, cụ thể là giám mục Hà Nội Trịnh Như Khuê, giám mục Vinh, Trần Hữu Đức, các linh mục Tân, Liêm và Hiệp, cai quản những địa hạt mà giám mục đã bỏ vào nam (Thanh Hoá, Phát Diệm và Hải Phòng), và cả hai giám mục người Pháp thuộc dòng Đa Minh (Hedde và Jacq). Dường như họ không được đón tiếp niềm nở gì cho lắm, nhất là ở Hà Nội, Vinh và Thanh Hoá. Giám mục Hà Nội đã tỏ thái độ lạnh nhạt nếu không nói là ác cảm ngay từ lúc đầu: “Giám mục đã tỏ thái độ thù nghịch đối với phái đoàn, chỉ cho phép hai linh mục cử hành lễ thánh trong một nhà nguyện đóng kín ‘sine assistentia populi’ [không có giáo dân dự lễ]!”. Với giám mục Vinh cũng thế. Các giám mục này – phái đoàn đánh giá họ là “phản động” – đã quyết định ở lại và cương quyết kêu gọi giáo dân đừng bỏ đi.[37]
Nhiệm vụ “góp phần vào sự bình thường hoá quan hệ tôn giáo” của phái đoàn cũng không thành. Họ đã thất bại trong việc đưa Uỷ ban Công giáo xích lại gần hàng giáo phẩm. Người đã tổ chức được cuộc gặp gỡ chính thức tháng tư 1955 giữa phó thủ tướng Phạm Văn Đồng và giám mục Hà Nội không phải là phái đoàn Ba Lan mà là Nguyễn Mạnh Hà và thư kí của Giám mục là linh mục Phạm Hân Quynh.[38] Ông Nguyễn Mạnh Hà là một nhân sĩ công giáo miền Bắc. Người Pháp coi ông là người đứng đầu phe công giáo cấp tiến, có phần khuynh tả nữa.[39]  Khi Hồ Chí Minh thành lập chính phủ lâm thời liên hiệp dân tộc vào hồi thàng 8 năm 1945, thì theo đề nghị của Võ Nguyên Giáp, ông Hà đã nhận lời tham gia vào chính phủ và giữ chức bộ trưởng bộ kinh tế.[40] Sau khi chiến tranh bùng nổ vào tháng 12 năm 1946, ông vẫn giữ quan hệ tốt với các nhà lãnh đạo Việt Minh (Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp). Trong thời kì chiến tranh, nhiều lần chính quyền Pháp đã tiếp cận Nguyễn Mạnh Hà để tìm cách tiếp xúc với lãnh đạo Việt Minh. Năm 1951, ông bị tướng De Lattre trục xuất (vì không dung thứ lập trường của ông là chủ trương phải thương lượng với Việt Minh) và từ đó trở đi, sống ở Paris với bà vợ người Pháp. Quan tâm cho tình trạng Giáo hội sống dưới chế độ Cộng sản, tháng bảy 1954, ông sang Genève gặp các nhà lãnh đạo Việt Minh. Ông đề nghị đứng ra làm trung gian giữa VNDCCH và Giáo hội. Sau đó, ban lãnh đạo chính phủ có mời ông về Hà Nội hai lần trong năm 1955. Ông có chơi thân với linh mục Phạm Hân Quynh, là bí thư tòa giám mục, lại được giám mục Hà Nội là Trịnh Như Khuê nể vì, cho nên ông đã thuyết phục được giám mục đi gặp ban lãnh đạo chính phủ, để xác định mối tương quan sau này giữa giáo hội và nhà nước. Về điểm này ta chắc được rằng ông nguyễn Mạnh Hà đã đóng một vai trò quan trọng, vì thực ra phái đoàng Ba lan không có ảnh hưởng gì cả tới hàng giáo phẩm Việt Nam.
Cuối cùng, phái đoàn Ba Lan đã tác động thế nào đến pháp chế quy định mối quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước ? Họ đã có mấy lần gặp những nhà lãnh đạo chính quyền, Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, nhất là Hoàng Quốc Việt, uỷ viên Thường vụ Đảng Lao động phụ trách các vấn đề Công giáo. Khi mới tới Việt Nam, phái đoàn đã than phiền là đảng anh em “thiếu một chỉ thị chính trị rõ ràng về vấn đề Công giáo”.[41] Rồi họ đưa ra đề nghị thành lập một hội đồng phụ trách các vấn đề thờ cúng và tôn giáo. Họ cũng tham gia soạn thảo những đạo luật cùng với Bộ tư pháp và luật sư Dương Văn Đàm. Ít nhất đó là điều Wojciech Ketrzynski viết trong báo cáo: “phái đoàn đã tích cực tham gia soạn thảo văn bản sắc lệnh về tự do tôn giáo và tự do tín ngưỡng. Văn bản này đã được phái đoàn sửa đi sửa lại nhiều lần, và về đại thể mà nói, văn bản cuối cùng là kết quả việc làm của phái đoàn (...). Phái đoàn cũng đã tham gia việc soạn thảo những điều khoản về Cải cách ruộng đất liên quan tới tài sản của nhà thờ, và việc giải quyết toàn bộ cơ sở tài chính của hoạt động Công giáo tại Việt Nam”.[42]
Đúng là ngày 14.6.1955,[43] sắc lệnh số 234 về vấn đề tôn giáo đã được Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng ban hành. Sắc lệnh này bảo đảm “quyền tự do tín ngưỡng và thờ cúng” cũng như các hoạt động kinh tế, văn hoá và xã hội của các tổ chức tôn giáo (kể cả việc giảng dạy đạo), và quy định cả cách đối xử đặc biệt cho các tổ chức tôn giáo trong cải cách ruộng đất. Đúng là có đôi chút cởi mở đối với việc hành đạo (nhất là ở Hà Nội) năm 1955, nhưng tình trạng này kéo dài không lâu. Hơn nữa, tình hình khác hẳn ở nông thôn, là nơi Đợt 5 của cuộc Cải cách ruộng đất được tiến hành một cách quyết liệt.[44]
Còn đối với phái đoàn Ba Lan, có thể đặt câu hỏi: “họ thực sự đã đóng góp được gì trong việc soạn thảo các văn bản?”. Chỉ khi nào hồ sơ về công việc chuẩn bị sắc lệnh về tôn giáo được mở ra công khai ở Thư khố Việt Nam, ta mới có câu trả lời dứt khoát. Theo ý kiến của người viết bài, thì đó chủ yếu là công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thật vậy, Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm tới việc đoàn kết tôn giáo, đặc biệt là Công giáo. Mặt khác, đóng góp của phái đoàn Ba Lan dù sao cũng hạn chế: các nước Dân chủ Nhân dân đều bảo đảm các quyền tự do tín ngưỡng theo mô hình của Hiến pháp Liên Xô.[45] Trong tác phẩm La Société retrouvée. Politique et religion dans l’Europe sovietisée (Xã hội tìm lại được mình. Chính trị và tôn giáo ở Châu Âu xô-viết hoá), nhà xã hội học Patrick Michel cho rằng tất cả vấn đề tuỳ thuộc cách diễn giải và áp dụng đạo luật này. "Thái độ của các chế độ (kiểu Xô viết) đối với tôn giáo ở mọi nơi đều tuân theo một nguyên tắc đơn giản: không cho phép bất cứ một sinh hoạt tôn giáo nào ở ngoài vòng kiểm soát của Nhà nước".[46]
Sự hợp tác Ba Lan - Việt Nam về những vấn đề tôn giáo và những hạn chế của nó(tháng chín 1955 – tháng chạp 1956)
Còn sự hợp tác của Ba Lan trong thời gian sau đó ? Thật ra mà nói, các đề nghị của cố vấn Ba Lan cũng không mang lại kết quả đáng kể nào. Chẳng hạn phía Việt Nam yêu cầu đại sứ Ba Lan Pietka kín đáo gửi sang (với cương vị phóng viên một tờ báo Công giáo, tránh dùng một chức vị quan phương) “ một cư sĩ Ba Lan từng trải có khả năng giúp lãnh đạo và Uỷ ban Công giáo trong vấn đề quan hệ Giáo hội – Nhà nước, tổ chức Uỷ ban Công giáo và trong công tác Công giáo vận ”, hình như không đi tới đâu. Tương tự, phía Ba Lan đề nghị mời những linh mục Việt Nam “chín chắn và tiến bộ ” sang Ba Lan học ở Trường đại học Thần học, cũng như đề nghị gửi sang Việt Nam những linh mục “ tiến bộ để giúp đào tạo linh mục Việt Nam trong tinh thần dân chủ[47] cũng không có kết quả.
Về phía Ba Lan có thể đơn giản là vì khó tìm ra những người sẵn sàng đi Việt Nam mà lại có khả năng, nhất là mùa xuân 1955 hàng giáo phẩm cũng như giáo dân Việt Nam đã tỏ ra nghi kị phái đoàn Ba Lan như thế nào. Về phía Việt Nam, sau tháng bảy 1956 không còn hi vọng sớm thống nhất đất nước, và làn sóng di cư cũng giảm đi, nên vấn đề Công giáo bớt quan trọng như trước. Sự hợp tác về tôn giáo với người Công giáo Ba Lan có lẽ bị coi là không đáng kể, so với sự hợp tác kinh tế hết sức quan trong với toàn bộ khối cộng sản.
Duy nhất có kết quả là đề nghị gửi sang Việt Nam tài liệu tuyên truyền về quan hệ giữa Giáo hội và Nhà nước Ba Lan, và đề nghị gửi sách thần học tiếng Latinh, đồ lễ như rượu lễ, bánh thánh. Song quan trọng nhất còn lại là sự trao đổi giữa Uỷ ban Công giáo Yêu nước của hai nước. Thật vậy, mùa thu năm 1955 (từ 7 tháng mười đến 5 tháng chạp 1955), một phái đoàn Việt Nam đã sang thăm Ba Lan. Năm sau, dự án gửi một phái đoàn chuyên gia về vấn đề tôn giáo sang Ba Lan vào mùa thu đã không thành.[48] Ba thành viên của Uỷ ban Công giáo Yêu nước (luật sư Dương Văn Đàm, linh mục Nguyễn Thành Tiến, linh mục Võ Thành Trinh) và thư kí Nguyễn Văn Đạt (chắc là người của Đảng có nhiệm vụ theo dõi họ) đã được hội Pax Ba Lan tiếp đón. Ngoài các cuộc gặp gỡ giữa hai tổ chức, phái đoàn Việt Nam đi thăm những thành phố lớn và các thánh đường.
Năm 1956, dự án gửi “một phái đoàn cán bộ Việt Nam chuyên gia về vấn đề tôn giáo[49] sang Ba Lan vào tháng 10 và 11 để làm việc về tư liệu Công giáo vận rốt không được thực hiện. Cuối cùng, một phái đoàn Uỷ ban Công giáo đã sang thăm Ba Lan vào tháng 10, sau khi đi thăm Cộng hoà Dân chủ Đức. Trong một bản ghi đề ngày 26.9.1956, vụ trưởng Vụ V Bộ ngoại giao ở Warszawa, Jerzy Gora tường trình cuộc gặp Hoàng Lương, Bí thư Đại sứ quán Việt Nam: phía Việt Nam than phiền về hai linh mục Hồ Thành Biên và Vương Đình Hải. Hai linh mục thuộc Uỷ ban Công giáo bị quy kết là trong thời gian ở Berlin, “họ đã tìm cách liên lạc với những linh mục (người Đức) chỉ trích tình hình tôn giáo ở Cộng hoà Dân chủ Đức . Đối với phía Việt Nam, đây là một sai phạm nghiêm trọng, nên họ yêu cầu phía Ba Lan thu xếp để cho hai linh mục này tiếp xúc với những linh mục Ba Lan yêu nước “tốt”.[50] Tôi không tìm ra một bản báo cáo nào về chuyến đi này. Song, trong một bản ghi đề ngày 22.11.1956 về cuộc gặp Hoàng Lương, bí thư Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan, Bộ ngoại giao Ba Lan được thông báo “ nhà cầm quyền Việt Nam đã quyết định hoãn lại cuộc đi thăm Việt Nam của phái đoàn Công giáo Ba Lan. Lí do bí thư sứ quán Việt Nam đưa ra là ông chưa lên được chương trình thăm viếng, và sứ quán sẽ thông báo cho Bộ ngoại giao ngay khi vấn đề trở thành hiện thực”.[51]
Qua bản báo cáo này, ta có thể cảm thấy tình hình chính trị ở miền Bắc đã căng hơn, khi vai trò của Đảng bị đặt thành vấn đề sau Đại hội thứ XX của Đảng Cộng sản Liên Xô (tháng 2.1956). Thật vậy, từ mùa thu 1956 trở đi, chính phủ VNDCCH bị phê bình mạnh mẽ về những bạo hành trong cải cách ruộng đất. Nhà báo Pháp Georges Chaffard đã viết về thời điểm 1956 hết sức nguy kịch của VNDCCH như sau: “1956 được đánh dấu bằng cuộc khủng hoảng cải cách ruộng đất đã làm rúng động và suy yếu nghiêm trọng  những cơ cấu chưa vững mạnh gì cho lắm của chế độ. (...) Ở khắp nơi, cuộc cải cách ruộng đất đã được tiến hành một cách thô bạo và thiếu hiểu biết, làm cho làn sóng bất mãn lan tràn cả nước, có nơi đã biến thành nổi dậy (...). Sự bất mãn đạt tới cao điểm đúng vào lúc nổ ra biến cố Budapest và “ tháng mười Ba Lan ” làm chấn động cả Thế giới Cộng sản”.[52] Trong bối cảnh ấy, có lẽ các linh mục nghĩ họ có thể đi gặp những người có quan điểm phê phán về tình hình tôn giáo và chính trị ở Trung Âu. Đúng là lúc đó, tình hình châu Âu đang sôi sục với cuộc nổi dậy ở Berlin tháng sáu 1953, cuộc nổi dậy ở Poznan tháng sáu 1956, cuộc khởi nghĩa ở Budapest tháng mười 1956, tất cả đều bị thẳng tay đàn áp.
Chính phủ Việt Nam đã chọn giải pháp hoãn lại cuộc đi thăm của phái đoàn Công giáo Ba Lan. Trong thư khố, tôi không tìm ra thêm hồ sơ nào về sự giao lưu giữa Uỷ ban Công giáo của hai nước. Tuy đang là thời kì Trăm hoa đua nở và áp dụng chính sách tương đối cởi mở đối với Giáo hội Công giáo năm 1957,[53] chính quyền đã quyết định chấm dứt cuộc thử nghiệm giao lưu của người Công giáo. Họ lo ngại truyền nhiễm mầm mống nổi dậy và phản kháng  từ Trung Âu. Vả lại, với tình hình nguy hiểm ở miền Bắc Việt Nam vào cuối năm 1956, đặc biệt ở các vùng Công giáo, khó có thể tính tới chuyện mời một phái đoàn Ba Lan sang thăm.
Thật vậy, tháng 11.1956, một số báo cáo đã nói tới những sự cố xảy ra ở những vùng đông giáo dân. Cuộc nổi dậy được biết đến nhiều nhất xảy ra vào tháng 11.1956 ở Quỳnh Lưu, thuộc tỉnh Nghệ An, quê quán Hồ Chí Minh, có nguy cơ lan truyền sang các vùng chung quanh.  Vì bị phân biệt đối xử trong cải cách ruộng đất, một số giáo dân đã đem bán ruộng đất và súc vật. Theo chính quyền, giáo dân do sức ép của hàng giáo phẩm đã tập hợp đông đảo, nơi 300 người, nơi 500 người, có mặt nhiều thanh niên. Ngày 12 và 13 tháng 11, hàng trăm người Công giáo đã tụ tập đòi quyền di cư vào nam, hô khẩu hiệu “Đả đảo cải cách ruộng đất!”, “Đả đảo Cộng sản, đả đảo Trung Cộng!”, “Đả đảo Nga Sô!”, “Đức Mẹ muôn năm!”. Vẫn theo báo cáo này, đã xảy ra đụng độ với bộ đội, kết quả là mỗi bên có 5 người chết và nhiều người bị thương.[54] Vài ngày sau, Hồ Chí Minh công bố quyết định sửa sai (cuộc sửa sai sẽ kéo dài đến cuối năm 1957) và thừa nhận đã có nhiều sai phạm trong cuộc cải cách ruộng đất.

 

Kết luận

Để kết luận, tôi muốn nhấn mạnh trên hai điểm quan trọng. Điểm thứ nhất là tính đặc thù của chính sách tôn giáo của VNDCCH, nhất là so với Trung Quốc.  Điểm thứ nhì là quan điểm độc đáo của Ba Lan về một giai đoạn then chốt của lịch sử VNDCCH.
Câu hỏi thứ nhất là: trong chừng mực nào người Ba Lan đã ảnh hưởng tới Đảng Lao động Việt Nam trong chính sách tôn giáo và trong chừng mực nào VNDCCH khác chính sách của Trung Quốc đối với Giáo hội Công giáo? Qua hồ sơ lưu trữ của Ba Lan, có thể nói ảnh hưởng của Ba Lan trên sinh hoạt tôn giáo ở miền bắc Việt Nam rất là giới hạn. Thực vậy, cái trọng trách mà chính phủ VNDCCH giao cho phái đoàn Ba Lan là làm sao cho người công giáo miền Bắc thôi không di cư vào Nam nữa. Về điểm này họ đã thất bại. Họ lại không thành công trong việc giúp cho Ủy ban người công giáo yêu nước và yêu hòa bình được thêm uy tín trong giới công giáo và liên lạc được với hàng giáo phẩm một cách ổn thỏa hơn. Sau cùng thì vai trò của họ trong việc lập ra các luật về tôn giáo xem ra có kết quả đáng kể, nhưng ta còn cần tham khảo các bản văn dự thảo còn chứa trong văn khố Việt Nam, mới có thể đánh giá được cho đúng.
Hiển nhiên, việc chính quyền VNDCCH kiểm soát hết sức chặt chẽ sinh hoạt tôn giáo chẳng có gì là độc đáo trong khối các nước cộng sản: kiểm soát các giáo phẩm và linh mục, thành lập Uỷ ban Công giáo Yêu nước, hạn chế việc giảng dạy giáo lí, hạn chế báo chí...
Nhưng về mặt pháp chế, VNDCCH có chính sách tôn giáo riêng của mình. Chính quyền Việt Nam có kinh nghiệm lâu năm trong cuộc chiến tranh chống Pháp giành độc lập. Những quy định pháp luật năm 1955 về quan hệ Giáo hội / Nhà nước tỏ ra khá phóng khoáng so với các nước cộng sản khác. Văn kiện này do người Việt Nam viết ra, trong đó có thể thấy rõ dấu ấn của Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng là những người luôn luôn tỏ ra thông hiểu và cởi mở đối với tôn giáo.[55] Trong hoàn cảnh đó dĩ nhiên là ý kiến của của người Ba lan cũng có ảnh hưởng thuận theo một chiều như thế.  Tất nhiên, giữa văn bản và thực tiễn, có cả một khoảng cách !
Như nhà xã hội học Patrick Michel đã chỉ rõ, các nước cộng sản đều có cùng một hệ tư tưởng về tôn giáo nhưng mỗi nước thích nghi nó vào hoàn cảnh riêng của mình. Đồng thời, các giáo hội cũng “ý thức là nhất thiết phải có tầm nhìn dài hạn và chấp nhận sự thoả hiệp tối thiểu trong giai đoạn chuyển tiếp. Ông còn thêm: “Thái độ của chính quyền cũng tuỳ vào suy tính của họ xem Giáo hội có lợi cho họ như thế nào so với những mục tiêu mà Đảng đề ra. Nếu Giáo hội không mang lại lợi ích gì đối với các mục tiêu ấy thì nên thủ tiêu Giáo hội. Ngược lại, thì Giáo hội hoặc là phải chấp nhận hợp tác và như thế sẽ được bảo vệ, hoặc là từ chối hợp tác hoặc hợp tác miễn cưỡng, và sẽ bị đàn áp ”. Theo Michel, quan hệ Giáo hội / Nhà nước ở các nước Đông Âu đã đi theo lô-gic thứ nhì.[56]
>Trong trường hợp VNDCCH, tôi cho rằng các mục tiêu của Đảng cộng sản trong thập niên 50 đòi hỏi phải tranh thủ người Công giáo, ít nhất hai lần: lần thứ nhất là trong cuộc kháng chiến giành độc lập, lần thứ nhì trong giai đoạn đấu tranh thống nhất đất nước 1954-1956. Chính quyền không có ý định đặt Giáo hội ra ngoài vòng pháp luật, nhưng mục tiêu dài hạn là nhằm biến Giáo hội thành công cụ của Nhà nước, tiếp tục chính sách của thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Vì Giáo hội Công giáo còn “có ích”, nên chính sách của VNDCCH đối với Công giáo là cởi mở về mặt lí thuyết, như thể hiện trong sắc lệnh tháng sáu 1955.
Vì vậy có thể nói chính sách tôn giáo của VNDCCH gần gũi chính sách của các nước Đông Âu cũ hơn là với Trung Quốc. VNDCCH theo mô hình mác xít Trung Quốc trong việc tổ chức đảng, trong cải cách ruộng đất, nhưng không theo mô hình Trung Quốc trong chính sách tôn giáo. Thật vậy, Trung Quốc là quốc gia duy nhất đã lập ra được một Giáo hội độc lập (với Vatican). Vả lại, như Eric O. Hanson nhận xét, Trung Quốc mênh mông rộng lớn, nên “Giáo hội Công giáo tuyệt đối không có ý nghĩa gì cả trong chính sách nội trị quốc gia của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa”.[57] Trong khi đó, Giáo hội Công giáo Việt Nam có một trọng lượng lớn hơn trong lịch sử Việt Nam, cho dù người Cộng sản vẫn luôn luôn coi nó như một công cụ, chứ không coi là một đối tác. Về vấn đề này các đồng chí Ba lan xem ra cũng có chút ảnh hưởng nào đó. 
Cuối cùng, điểm thứ nhì tôi muốn nhấn mạnh là thư khố Ba Lan soi một tia sáng mới vào những năm độc lập đầu tiên của VNDCCH. Trong thời kì 1955-1956, các nhà ngoại giao Ba Lan ở Hà Nội đã cố gắng khách quan và không ngần ngại phê phán các đồng chí Việt Nam của họ. Các bản báo cáo của họ mô tả một cách cân bằng tình hình nội trị miền Bắc Việt Nam. Điều đáng chú ý là họ đã muốn tìm hiểu nguyên nhân tại sao dân chúng miền bắc đã ồ ạt di cư vào nam. Cố nhiên, họ đã nhấn mạnh vào chiến dịch tuyên truyền của Mĩ-Pháp cũng như ảnh hưởng xấu của “hàng giáo phẩm phản động”. Như nguyên nhân kinh tế của cuộc di cư cũng được chú trọng. Họ nhấn mạnh tới tình hình kinh tế nguy ngập của vụ đông-xuân 1955 và trách nhiệm của các đồng chí Việt Nam.
Cũng nên ghi nhận rằng những nhận định có tính chất phê phán nói trên (về chính sách tôn giáo cũng như về chính sách nói chung của VNDCCH) được phát biểu từ đầu năm 1955, tức là một thời gian dài trước Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô. Đó là một bằng chứng về cách nhìn thoáng của các đại diện Ba Lan. Nghiên cứu thư khố Ba Lan về giai đoạn sau đó chắc sẽ giúp chúng ta thêm hiểu biết về lịch sử Việt Nam đương đại, về mặt nội trị cũng như trên bình diện quốc tế.
(bài do Nguyễn Ngọc Giao dịch từ nguyên văn tiếng Pháp)

 


[1] Archiwum Ministerstwa Spraw Zagranicznych (AMSZ), Lưu trữ Bộ Ngoại giao, Vụ V, Zespol 12, Teczka 613, Wiazka 26:  Báo cáo về hoạt động của phái đoàn Công giáo tại Việt Nam từ ngày 13.04 đến ngày 30.05.1955, Hà Nội, mang chữ kí của Wojciech Ketrzynski.
[2] Pax là một hội đoàn tập hợp những linh mục và tín đồ Công giáo Ba Lan tán thành chính sách mới của chế độ Cộng sản Ba Lan, ra đời ngay sau Chiến tranh Thế giới thứ II. Boleslaw Piasecki (1915-1979), người sáng lập Pax, cho rằng hợp tác với Cộng sản là cách để cải tổ chế độ từ bên trong.
[3] Phần lớn là báo cáo của những đại biểu Ba Lan trong Uỷ hội Quốc tế Giám sát và Kiểm soát (ICSC). Ba Lan được Hội nghị Genève cử vào Uỷ hội. ICSC có nhiệm vụ bảo đảm việc thi hành hiệp định quân sự, đặc biệt là việc tập kết quân đội hai bên ở miền bắc và miền nam vĩ tuyến 17. Nó còn có nhiệm vụ giám sát giải pháp chính trị quy định trong Bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị, theo đó một cuộc tổng tuyển cử tự do sẽ được tổ chức vào tháng 7.1956 để thống nhất đất nước. Ba thành phần Uỷ hội quốc tế phản ánh tương quan lực lượng quốc tế lúc đó: Ba Lan đại diện cho khối cộng sản, Canada khối tư bản, và Ấn Độ quốc gia “đang trỗi dậy“, lãnh đạo các nước trung lập. Do đó, sự có mặt tại chỗ của người Ba Lan trong Uỷ hội là nguồn thông tin quý báu của đại sứ quán Ba Lan. Tháng ba 1955, phái đoàn Ba Lan có tổng cộng 160 nhân viên. Về ICSC, có thể xem Ramesh Thakur, Peacekeeping and Foreign Policy: Canada, India, and the International Commission in Vietnam 1954-1965, Brit. J International Studies 6 (1980), 125-153, song vì thiếu tư liệu, tác giả ít nói gì về Ba Lan.
[4] Song song với chính sách đoàn kết dân tộc này, VM không ngần ngại áp dụng những phương pháp triệt để đập tan những đảng phái quốc gia đối thủ. Xem bài của François Guillemot, "Au coeur de la fracture vietnamienne: l’élimination de l’opposition nationaliste et anti-colonialiste dans le Nord-Vietnam (1945-1946)" (Trung tâm điểm của sự chia rẽ giữa người Việt Nam: việc tiêu diệt phe đối lập quốc gia chủ nghĩa và chống thực dân ở Bắc-Việt (1945-1946), trong The birth of a Party-State, Vietnam since 1945, do Benoît de Treglodé và Christopher Goscha chủ biên, Paris, Les Indes Savantes, 2004, tr. 175-216.
[5] Về quan hệ giữa những nhân vật Công giáo và những nhà lãnh đạo Việt Minh, xem Trần Thị Liên, “ Les catholiques vietnamiens et la RDVN (1945-1954): une approche biographique ” (Người Công giáo Việt Nam và VNDCCH (1945-1954): tiếp cận qua những tiểu sử nhân vật) trong The birth of a Party-State, Vietnam since 1945, do Benoît de Treglodé và Christopher Goscha chủ biên, Paris, Les Indes Savantes, 2004, tr. 253-276.
[6] ASHAT INDO 10 H 4191: Chỉ thị cấm xung công nơi thờ cúng vì mục đích chiến tranh, Nguyễn Bình, số 413/TS, 14/7/1947.
[7] ASHAT INDO 10 H 4191: SDECE BR n° 15699/8, 9/9/1949, truyền đơn mang chữ kí của Ung Văn Khiêm, uỷ viên Uỷ ban Hành chính Kháng chiến Nam Bộ, phụ trách nội vụ.
[8] Bulletin de la Société des MEP, 4/1949, n°10, Đoàn thừa sai Bắc Kì, G. LEBOURDAIS, 14/2/1949, tr. 208-209.
[9] Theo cùng một đạo với thực dân, người Công giáo bị coi là nguyên nhân của cuộc xâm lược. Song đạo Ki tô không vào Việt Nam cùng một lúc với quân đội Pháp, mà từ thế kỉ XVI với những giáo sĩ Dòng Tên người Bồ Đào Nha. Từ thế kỉ XVII trở đi, Ki tô giáo lan truyền ở Việt Nam nhờ hoạt động của giáo sĩ Dòng Tên của thành phố Avignon, Alexandre de Rhodes, và của những linh mục dòng Đa Minh người Tây Ban Nha. Trước sự thù nghịch của chính quyền quân chủ Việt Nam đối với một tôn giáo ngoại lai, Vatican cố gắng làm thế nào để Giáo hội không bị đồng hoá với hai thế lực thực dân lớn của thời đó (Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha). Theo đề nghị của Dòng Tên, Vatican trao cho Dòng Thừa sai Paris (một dòng tu Pháp) nhiệm vụ truyền giáo ở Việt Nam. Nhưng một thế kỉ sau, chính các giáo sĩ Thừa sai đã cầu cứu quân đội Pháp để chấm dứt việc đàn áp Công giáo. Vì vậy mà người Công giáo Việt Nam bị mang tiếng. Về vấn đề này, xin xem bài phát biểu của tôi tại cuộc họp Réseau Asie tại Paris, 25-26/9/2003: "De la notion loyauté/déloyauté à la notion d’engagement politique: les catholiques vietnamiens en période coloniale" (Từ khái niệm trung/bất trung đến khái niệm dấn thân chính trị: người Công giáo Việt Nam dưới thời thực dân).
[10] Phải nói thêm rằng người Công giáo không họp thành một khối "nhất phiến". Năm 1945, họ tham gia nhiều đảng phái chính trị khác nhau, từ quốc gia đến Cộng sản. Năm 1949, có 3 xu hướng: xu hướng chủ đạo tập hợp chung quanh Ngô Đình Diệm và các giám mục miền bắc, một nhóm thiểu số ủng hộ Bảo Đại, và một thiểu số ủng hộ Việt Nam (đặc biệt ở miền nam). Về vấn để này, xem luận án của tôi: Trần Thị Liên, Les catholiques vietnamiens pednant la guerre d’indépendance (1945-1954). Entre la reconquête coloniale et la résistance communiste, luận án tiến sĩ sử học, Viện khoa học chính trị Paris, 1997, 1177 trang.
[11] Xem Ralph B. Smith, An International History of the Vietnam War, Vol 1 Revolution versus Containment, 1955-1961, Macmillan Press, London, 1983, tr 55-69: Hanoi and Reunification.
[12] ASHAT Fonds Gambiez, 1 K 540 Carton 16, Báo cáo về tình hình người tị nạn ở Bắc Việt của Giám mục Phạm Ngọc Chi, cai quản địa phận Bùi Chu, phụ trách về ngươì di cư Bắc Việt, tháng mười 1955, gửi Bộ truyền giáo Roma, 14 trang. Trong tổng số 860 206 người di cư vào nam, 676 348 là giáo dân.
[13] Cộng hoà Nhân dân Ba Lan đã thừa nhận VNDCCH từ năm 1950, như phần lớn các nước xã hội chủ nghĩa, nhưng mãi sau Hiệp định Genève, Ba Lan mới gửi đại sứ đầu tiên sang Việt Nam. AMSZ, Departament V, Z11, T675, W47, Bangkok ; 30/1/1950, N° PV/511-NG, Đại diện Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Đức Quỳ gửi Bộ ngoại giao CHND Ba Lan – Thư của Hoàng Minh Giám, 23/1/1950.
[14] AMSZ, Departament V, Z12, T612, W26, AH 36 14 W55, Báo cáo của R. Cielewicz, thuyền trưởng tầu Jan Kilinski, 7/4/55. Xem thêm Miroslaw Jurdzinski, Transport zolnierzy Wietcongu na statku ss „Kilinski” w latach 1954-1955 (Chuyên chở bộ đội Việt Cộng trên tàu Kilinski 1954-1955), Nautologia 2001 n°1-2 (136), tr.18-21. Tổng cộng, chiếc tàu Ba Lan đã chở khoảng 85 000 người, 3 500 tấn thiết bị quân sự và 250 tấn đạn dược.
[15] AMSZ, Departament V, Z12, T608, W25: AH/242/1/W/55 Hanoi, 14/5/1955, Đại sứ Pietka: Báo cáo chính trị từ 20/12/1954 đến 10/1/1955.
[16] Phái viên trong phái đoàn Ba Lan đi thăm Việt Nam tháng tư-năm 1955 cũng nhận định tương tự: “ Cuộc sống vật chất, và trước hết là tình hình lương thực nguy kịch là một trong những nguyên nhân của cuộc di cư (cho dù tuyên truyền rất hiệu quả của Mĩ-Pháp là nguyên nhân quan trọng nhất) ”. AMSZ, Departament V, Z12, T613, W26: Báo cáo hoạt động của Đoàn đại biểu Công giáo Ba Lan đi thăm Việt Nam (từ 13 đến 19/4/1955), Hà Nội, 19/4/1955, mang chữ kí của P. J. Keller, P. Suwala và W. Ketrzynski.
[17] AMSZ, Departament V, Z12, T608, W25: Đại sứ Pietka, Hà Nội, 10/4/1955 Báo cáo tháng ba: “ Một trong những khó khăn lớn nhất mà các đồng chí của chúng ta gặp phải, là nguy cơ xảy ra nạn đói (...) Hiện nay, viện trợ của CHNDTH đã tới nơi, nhưng không đủ đáp ứng nhu cầu. Vụ mùa tháng năm không khả quan vì hạn hán kéo dài ”.
[18] AMSZ, Departament V, Z12, T606, W25, Tel n°101050, Hà Nội, 20/4/1955, kí tên Ogrodzinski.
[19] AMSZ, Departament V, Z12, T608, W25 Đại sứ Pietka, Hà Nội, 2/5/1955, Báo cáo tình hình tháng tư: “Cuối tháng tư tình hình được cải thiện một chút nhờ gạo, gà và khoai lang gửi từ Trung Quốc đã sang tới nơi ”.
[20] AMSZ, Departament V, Z12, T1235, W63: Đại sứ Jerzy Grudzinski, New Delhi, 27/4/1955, Báo cáo số 243/10/55 gửi Bộ ngoại giao Warsaw. Ngoài ra, đại sứ Ba Lan còn báo cáo yêu cầu của một số giáo dân đã di cư vào nam “ thất vọng vì không được cấp phát ruộng đất và trầu cày như chính quyền Bảo Đại đã hứa hẹn, yêu cầu được trở lại miền bắc ”.
[21] ASHAT Fonds Gambiez, 1 K 540 Carton 16, Báo cáo không kí tên, Hải Phòng, 25/2/1955: Người di cư ở Bắc Việt, tr. 5. Báo nói tới một cuộc xô xát có đổ máu, trong đó số giáo dân bị chết hoặc bị thương có thể lên tới 50 người.
[22] AMSZ, Departament V, Z12, T608, W25, AH/242/4/W/55 Đại sứ Pietka, Báo cáo chính trị.
[23] AMSZ, Departament V, Z12, T613, W26: Báo cáo hoạt động của Phái đoàn Công giáo Ba Lan ở Việt Nam, từ ngày 13 tháng tư đến ngày 30 tháng năm 1955, Hà Nội, kí tên Wojciech Ketrzynski: “ Cần phải li gián người Công giáo với miền Nam, giữ họ trong phe dân chủ, điều này rất quan trọng đối với cuộc đấu tranh thống nhất đất nước ”.
[24] Về Hiệp định Genève và bối cảnh quốc tế của việc chia cắt Việt Nam, xem Ralph B. Smith, An International History of the Vietnam War, Vol. I, Revolution versus Containment, 1955-1961, Macmillan Press, London, 1983, tr. 19-33: The Geneva Partition.
[25] AMSZ, Departament V, Z12, T613, W26: Báo cáo hoạt động của Phái đoàn Công giáo Ba Lan tại Việt Nam (từ 13 đến 19/4/1955), Hà Nội, 19/4/1955, kí tên P. J. Keller, P. Suwala và W. Ketrzynski.
[26] như trên.
[27] AMSZ, Departament V, Z12, T613, W26: Báo cáo hoạt động của phái đoàn Công giáo Ba Lan ở Việt Nam từ ngỳa 13.4 đến 30.5.1955, Hà Nội, kí tên Wojciech Ketrzynski.
[28] Xem phần dưới.
[29] Pierre Gheddo, Catholiques et bouddhistes au Vietnam, Paris, Alsatia, 1970, tr. 108. Hồ Chí Minh đã lên tiếng về vấn đề này vào tháng bảy, tháng mười rồi tháng chạp 1954. Nhân dịp lễ Giáng sinh, ông gửi thư cho người Công giáo, cam kết bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và hứa huỷ bỏ lệnh thiết quân luật trong để giáo dân có thể dự lễ thánh nửa đêm.
[30] Trong bản báo cáo đầu tiên, đại sứ Ba Lan viết chính ông đã gợi ý với các quan chức Việt Nam khi họ yêu cầu Ba Lan giúp đỡ, là nên "thành lập một hội những người Công giáo Yêu nước nhằm kích thích long yêu nước trong giới linh mục Việt Nam". AMSZ, Departament V, Z12, T608, W25, Hà Nội, 14/1/1955, Đại sứ Pietka: Báo cáo chính trị từ 20/12/1954 đến 10/1/1955.
[31] AMSZ, Departament V, Z12, T608, W25, Hà Nội, 10/4/1955, Đại sứ Pietka, Báo cáo chính trị tháng ba.
[32] Ban thường vụ gồm 8 linh mục và 21 cư sĩ. Uỷ ban ra tờ báo Chính Nghĩa.
[33] Stephen Denney, "The Catholic Church in Vietnam" trong Pedro Ramet, Catholicism and Politics in Communist Societies, Duke University Press, London, 1990, tr. 273.
[34] AMSZ, Departament V, Z12, T613, W26: Báo cáo hoạt động của phái đoàn Công giáo Ba Lan ở Việt Nam (từ 13 đến 19/4/1955), Hà Nội, 19/4/1955, kí tên LM J. Keller, LM Suwala và W. Ketrzynski.
[35] AMSZ, Departament V, Z12, T613, W26: Báo cáo hoạt động của phái đoàn Công giáo ở Việt Nam từ ngày 13.4 đến ngày 30.5.1955, Hà Nội, kí tên Wojciech Ketrzynski.
[36] Xem những trang sau.
[37] AMSZ, Departament V, Z12, T613, W26: Báo cáo hoạt động của phái đoàn Công giáo ở Việt Nam từ ngày 13.4 đến ngày 30.5.1955, Hà Nội, kí tên Wojciech Ketrzynski. Về giám mục Vinh: "Đây là một linh mục tuổi khá cao, với quá khứ chính trị rất phản động. Ngày nay ông tỏ ra biết điều và thận trọng (...) Ông đã tuyên bố dứt khoát là sẽ ở lại cai quản giám phận, và khẳng định là ông chống lại việc di cư", đặc biệt là nói với với các chủng sinh Đại chủng viện Vinh, là chủng viện duy nhất còn mở cửa.
[38] Phỏng vấn Nguyễn Mạnh Hà và linh mục Phạm Hân Quynh (Ivry, ngày 15/5/1989).
[39] Vào thời chế độ bảo hộ, thì năm 1945 ông Hà còn làm thanh tra lao động ở Hải phòng. Người công giáo biết ông là người sáng lập ra phong trào Thanh niên Lao động Công giáo (Jeunesse Ouvrière Chrétienne) tại Hải Phòng. Trước đó vào những năm 20 và 30, khi còn là sinh viên, ông đã tham gia vào phong trào Công giáo Tiến hành bên Pháp, cho nên khi tốt nghiệp trường Luật, ông về Việt Nam năm 1937, thì rất chú trọng đến vấn đề xã hội. Ong tìm cách truyền bá học thuyết xã hộ của Giáo hội trong giới công giáo, đồng thời hoạt đông để cho công giáo có mặt trong giới thợ thuyền ở Hải phòng là thành phố hải cảng (Xem: "Nguyen Manh Ha: A voice for neutral solution in South Vietnam (1954-1957)", AAS Annual Meeting, Chicago, March 2001, chưa in)
[40] Có nhiều lý do giải thích vì sao ban lãnh đạo cộng sản đã lựa chọn như thế. Vì muốn kéo người công giáo đi theo, cho nên họ chọn một nhân vật công giáo cấp tiến. Lại vì muốn đi đến độc lập bằng phương pháp ưu tiên là điều đình với chính quyền Pháp, cho nên họ nhận ra ông Hà là người có thể giúp họ tiếp xúc với chính phủ Pháp do thủ tướng Georges Bidault lãnh đạo, mà ông này lại là một người dân chủ công giáo, chủ tịch đảng Cộng hòa Nhân dân (Mouvement Républicain Populaire). Năm 1946, ông Hà được cử đi dự hội nghị Fontainebleau, vai trò của ông là móc nối, vì một đàng thì ông có nhiều liên lạc với giới công giáo, một đàng thì vì bà Nguyễn Mạnh Hà là người Pháp, là con gái ông Georges Marrane, là một nhân vật quan trọng trong đảng Cộng sản Pháp: ông là nghị sĩ và làm bộ trưởng bộ Y tế năm 1946 ( Xem: Trần thị Liên, "Les catholiques vietnamiens et la République démocratique du Vietnam (1945-1954): une approche biographique", Naissance d’un parti-Etat, le Vietnam depuis 1945, dir. Par Benoit Treglodé et Chirstopher Goscha, Paris, Les Indes Savantes, 2004, p. 258-260).
[41] AMSZ, Departament V, Z12, T613, W26: Báo cáo hoạt động của Phái đoàn Công giáo ở Việt Nam (từ ngày 13 đến ngày 19/4/1955), Hà Nội, 19/4/1955, kí tên Cha J. Keller, Cha Suwala và W. Ketrzynski.
[42] AMSZ, Departament V, Z12, T613, W26: Báo cáo hoạt động của phái đoàn Công giáo ở Việt Nam từ ngày 13.4 đến ngày 30.5.1955, Hà Nội, kí tên Wojciech Ketrzynski.
[43] AMSZ, Departament V, Z12, T608, W25: AH/242/7/W/55 Hà Nội, 15/8/1955, Đại sứ Tomasz Pietka, Báo cáo chính trị tháng ba.
Xem Les Catholiques en République Démocratique du Viet Nam, Editions en Langues Etrangères, Hanoi, 1963, tr 19 và 32.
[44] Pierre Gheddo, Catholiques et Bouddhistes au Vietnam, Paris, Alsatia, 1970, tr. 108-112.
[45] Hiến pháp năm 1936 của Liên Xô, điều 124: "Nhằm bảo đảm cho công dân quyền tự do tín ngưỡng, Giáo hội ở Liên Xô tách biệt khỏi Nhà nước, trường học tách biệt khỏi Giáo hội. Mọi công dân đều có quyền tự do thờ cúng theo tín ngưỡng và có quyền tuyên truyền chống tôn giáo" trong Cécile Vaisse, Le prix de la survie. Les relations entre l’Eglise russe orthodoxe et le pouvoir politique depuis 1917, luận văn cao học Nghiên cứu về Liên Xô và Đông Âu, IEP, Paris, 1993, tr.121.
[46] Patrick Michel, La Société retrouvée. Politique et religion dans l’Europe soviétisée, Paris, Fayard, 1988, tr. 38.
[47] AMSZ, Departament V, Z12, T613, W26: Wojciech Ketrzynski, Warszawa, 13/12/1955 Báo cáo.
[48] AMSZ, Departament V, Z12, T613, W26: Wojciech Ketrzynski, Warszawa, 13/12/1955 Báo cáo.
[49] AMSZ, Departament V, Z12, T617, W26 DV Indoch 086/13/56, Ghi lại cuộc gặp Bí thư Đại sứ quán VNDCCH tại Warszawa, đồng chí Hoàng Lương, ngày 26/7/1956.
[50] AMSZ, Departament V, Z12, T613, W26 DV Indoch 086/24/56, Ghi lại cuộc gặp Bí thư Đại sứ quán VNDCCH tại Warszawa, đồng chí Hoàng Lương, ngày 24/9/1956.
[51] AMSZ, Departament V, Z12, T617, W26 DV Indoch 086/25/56, Ghi lại cuộc gặp Bí thư Đại sứ quán VNDCCH tại Warszawa, đồng chí Hoàng Lương, ngày 22/11/1956.
[52] Georges Chaffard, Indochine, dix ans d’indépendance, Calman-Lévy, Paris, 1964, tr. 138-140.
[53] Về việc nới rộng chính sách trong thời kì Trăm hoa đua nở, xem Pierre Gheddo, Catholiques et Bouddhistes au Vietnam, Paris, Alsatia, 1970, tr. 121-122.
[54] AMSZ, Departament V, Z12, T619, W26 tình hình nội trị -- Hội nghị Ban chấp hành Trung ương về Cải cách ruộng đất 1956: báo cáo 14/242/57, Florian Ratajczak, Hà Nội, 10/12/1956. Bản ghi về hội nghị Trung ương ngày 30/11/1956, do Bộ ngoại giao VNDCCH tổ chức.
[55] Ông Nguyễn Mạnh Hà, người Công giáo, sau thời gian cộng tác với họ trong năm 1945, vẫn giữ một ấn tượng sâu sắc về sự cởi mở của Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng trong vấn đề tôn giáo. Vì vậy mà năm 1955, ông đã đồng ý trở về Hà Nội để tìm cách cải thiện quan hệ Giáo hội / Nhà nước.
[56] Patrick Michel, La Société retrouvée. Politique et religion dans l’Europe soviétisée, Paris, Fayard, 1988, tr. 37-39.
[57] Eric O Hanson, The Catholic Church in China, trong Pedro Ramet, Catholicism and Politics in Communist Societies, Duke University Press, London, 1990, tr. 256-257.
©  Thời Đại Mới

0 nhận xét:

Đăng nhận xét