Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Hai, 29 tháng 5, 2017

CẨM NANG LUẬT PHÁP HOA KỲ: LY THÂN & LY HÔN (SEPARATION & DIVORCE)

CẨM NANG LUẬT PHÁP HOA KỲ

LỜI MINH ĐỊNH: Mọi chi tiết trong Cẩm Nang này chỉ có tính cách thông tin nhằm giúp độc giả có thêm kiến thức về luật pháp Hoa Kỳ qua hình thức tóm lược và chuyển ngữ sang tiếng Việt những ý niệm căn bản về pháp chế Hợp Chúng Quốc.
Hữu sự, người gặp khó khăn về luật pháp, có nhu cầu cần được bảo vệ, hoặc bị thiệt thòi về mặt pháp lý, cần tham khảo luật sư nhiệm cách có đủ khả năng chuyên môn và được phép hành nghề tại tiểu bang liên hệ tới nội vụ.
IMPORTANT NOTE: This Publication and any forms in it are intented for informational and educational purposes only.  Nothing in this document is to be considered the rendering of any legal or professional advice.  Readers are responsible for obtaining advice from an attorney or other qualified professional. 
INTERNATIONAL LEGAL AID & FINANCIAL CENTER [ILAF]
TRUNG TÂM TRỢ DẪN LUẬT PHÁP & TÀI CHÍNH QUỐC TẾ
3111 Cranleigh Ct., Fairfax, VA 22031
Tel. [703] 876-2620
Lưu Nguyễn Đạt, PhD, LLB/JD, LLM
Herman M. Sawyer, JD, LLM

LY THÂN & LY HÔN TẠI HOA KỲ
(SEPARATION & DIVORCE)
LY THÂN
1. ĐỊNH NGHĨA LY THÂN (SEPARATION)
  • Ly thân (separation) là tình trạng hai vợ chồng sống riêng rẽ (ăn riêng/ở riêng/hai nơi khác nhau, dù trong cùng một nhà);
  • Trong giai đoạn ly thân, hai bên sống tự do, nhưng hôn thú vẫn còn, nên các đương sự không thể kết hôn với người khác;
  • Trong thời kỳ ly thân, tài sản hôn nhân (marital property) tạm chấm dứt, mọi việc mua bán, nợ nần, thuế má đều có tính cách riêng rẽ;
  • Sau giai đoạn ly thân, đương sự có thể lập thủ tục xin ly hôn trước tòa.
2. LY THÂN PHÁP ĐỊNH (LEGAL SEPARATION)
  • Ly thân pháp định (legal separation) là tình trạng hai vợ chồng sống riêng rẽ sau khi có án lệnh toà thụ lý cho ly thân.
  • Lý do xin ly thân pháp định có thể là: hành hạ, ngược đãi (abuse, crualty); trốn bỏ (abandonment); tù đầy (imprisonment); ngoại tình (adultery); bỏ bê gia đình (failure to support).
  • Đương sự có quyền chọn ly thân trước khi ly dị. Nhưng ly thân sẽ không cần thiết, nếu đương sự có lý do chính đáng (như liệt kê trên) để xin ly dị ngay.
3. THUẬN TÌNH LY THÂN (SEPARATION BY MUTUAL CONSENT)
  • Hai bên hôn phối có thể thuận tình ly thân. Họ chỉ cần có nhân chứng (họ hàng, bạn bè) xác nhận tình trạng và thời điểm ly thân;
  • Họ có thể hợp thức hóa tình trạng thuận tình ly thân khi hai bên thuận nhận ký kết khế ước ly thân và phân chia tài sản (Property Settlement Agreement/PSA). Khế ước này ấn định tình trạng tài chính, phân chia của cải và trách nhiệm riêng rẽ của hai bên đương sự, đồng thời ấn định trách nhiệm nuôi dưỡng và quyền giữ, thăm con cái của họ.
  • Nếu một bên không thi hành đúng khế ước PSA, bên kia có quyền kiện đối phương bội ước.
LY DỊ
4. ĐỊNH NGHĨA
  • Ly dị hay ly hôn (divorce) là tình trạng chấm dứt hôn nhân (dissolution of marriage) khi có án lệnh toà (decree) xác định hôn thú không còn nữa và hai bên đương sự có quyền kết hôn lại và lập gia thất khác.
  • Đa số (95%) các vụ ly dị thuộc loại không viện lỗi (no-fault divorce) hoặc thuận tình ly hôn (divorce by mutual consent).
5. LY DỊ TRANH CHẤP (CONTESTED DIVORCES)
Chỉ độ 5% các vụ ly dị kết thúc bằng tranh chấp (contested trial), căn cứ vào các lý do ly hôn được ấn định như sau tại các Tiểu Bang:
  • CALIFORNIA: Điên khùng; sung khắc trầm trọng (irreconcilable differences) làm cuộc hôn nhân đổ bể, bất khả hàn gắn [irrevocable breakdown].
  • MASSACHUSETTS: Bất lực, liệt dương; độc ác; không trợ giúp; ngoại tình; phạm tội đại hình.
  • CONNECTICUT: Ngoại tình; lập hôn thú gian trá; trốn bỏ cơ sở hôn nhân; thất tung; nghiện rượu; độc ác; phạm tội đại hình; điên khùng.
  • MICHIGAN: hôn nhân đổ bể, bất khả hàn gắn.
  • FLORIDA: Điên khùng; bất lực tâm trí; sung khắc trầm trọng, hôn nhân đổ bể, bất khả hàn gắn.
  • NEW JERSEY: Ngoại tình; trốn bỏ cơ sở hôn nhân; độc ác; điên khùng; phạm tội đại hình; loạn dâm.
  • GEORGIA: Điên khùng, lập hôn thú gian trá, ép hôn; ngoại tình; chửa hoang; trốn bỏ cơ sở hôn nhân; thất tung; nghiện rượu; phạm tội đại hình; hôn nhân đổ bể, bất khả hàn gắn.
  • NEW YORK: Ngoại tình; trốn bỏ cơ sở hôn nhân; độc ác; phạm tội đại hình; ly thân pháp định/ước định quá 1 năm.
  • LOUISIANA: Ngoại tình; trốn bỏ cơ sở hôn nhân; tại đào; phạm tội đại hình; công khai mạ lỵ, bỏ bê gia đình.
  • TEXAS: Ngoại tình; trốn bỏ cơ sở hôn nhân; độc ác; điên khùng; phạm tội đại hình; ly thân 3 năm; hôn nhân đổ bể.
  • MARYLAND: Bất lực, liệt dương; điên khùng; song hôn; ngoại tình; phạm tội đại hình; loạn luân.
  • VIGINIA: Ngoại tình; bỏ cơ sở hôn nhân; loạn dâm, độc ác; phạm tội đại hình; ly thân 1 năm.
6. LY DỊ KHÔNG VIỆN LỖI (NO-FAULT DIVORCES)
  • Đa số (95%) các vụ ly dị trên khắp Hợp Chúng Quốc thuộc loại không viện lỗi (no-fault divorces) căn cứ trên tình trạng “khác biệt bất khả hoà giải” (irreconcilable differences) hoặc “hôn nhân bất khả cứu vãn” (irretrievable marriage break-down).
  • Đó cũng là trường hợp “ly hôn hoán chuyển” (conversion divorces) tiếp nối cuộc ly thân pháp định, hoặc “thuận tình ly hôn” (divorce by mutual consent) tiếp nối các thủ tục thuận tình ly thân có trước. Bên nguyên đơn xin toà thụ lý chuẩn chấp những điều khoản ước định của khế ước ly thân và phân chia tài sản (Property Settlement Agreement/PSA) mà hai bên đã ký kết trước đây. Khế ước này có tính cách cưỡng bách khi được sát nhập vào lệnh công bố ly dị (decree) cũa toà thụ lý.
7. PHÂN CHIA TÀI SẢN (DISSOLUTION OF PROPERTIES)
  • Trong trường hợp “thuận tình ly hôn” (divorce by mutual consent), hai bên đương sự căn cứ vào khế ước ly thân và phân chia tài sản (Property Settlement Agreement/PSA) để ấn định việc phân chia của cải thuộc khối tài sản hôn nhân (marital property) gồn có tài sản thu hoạch trong thời kỳ hôn thú và của cải tuy trước riêng, sau này kết nhập (commingled) phần thu hoạch mới vào khối tài sản hôn nhân.
  • Mỗi bên ly dị có quyền giữ tài sản riêng mà họ có trước khi thành lập hôn nhân (gồm bất động sản mỗi bên có trước và vẫn đơn phương đứng tên sở hữu chủ; của cải hưởng thừa kế và các tặng dữ do đệ tam nhân trao tặng trong thời kỳ hôn thú).
  • Tại các tiểu bang theo chế độ Tài Sản Chung (Community Property system), mỗi bên ly hôn tự động [a] hưởng một nửa số tài sản chung [ngoại trừ trường hợp họ ký kết “khế ước tiền hôn nhân” trong đó có những khoản trái ngược với chế độ Tài Sản Chung]; [b] đồng thời cũng chịu một nựa tổng số nợ chung có trong thời kỳ hôn thú.  
8. PHÂN CHIA THEO CÔNG BẰNG (EQUITABLE DISTRIBUTION)
  • Trong trường hợp hai bên xin ly hôn không thuận tình phân chia tài sản, toà thụ lý có thể phân phối tài sản hôn nhân (marital property) cho họ theo công bằng [Equitable Distribution], một cách hợp tình, hợp lý.
  • Toà sẽ chia phần tài sản hôn nhân nhiều hơn (theo tỷ lệ 60/40, 70/30 v.v.) cho người hôn phối nào (1) có ít của riêng; (2) thiếu kém kế sinh nhai; (3) trước đây đóng góp nhiều vào khối của cải hôn nhân; (4) lạm lụng hy sinh trong cảnh nội trợ để người hôn phối kia trau dồi nghề nghiệp; (5) thu vén cằn cù trong khi người kia có lỗi phá của (economic fault) gây cảnh thất thoát tài sản chung; hoặc (6) người này già yếu, lâm bệnh nan giải, tàn tật, mất khả năng làm việc.
9. TIỀN CẤP DƯỠNG VỢ CHỒNG (ALIMONY OR SPOUSAL MAINTENANCE & SUPPORT)
  • Toà thụ lý có thể ra lệnh bắt bên ly hôn có nhiều khả năng tài chính cấp dưỡng bên ly hôn túng thiếu, dù là đàn ông hay đàn bà.
  • Người ly hôn cấp tiền nuôi dưỡng cho đối phương có thể khai khoản chi tiêu này để khai giảm thuế lợi tức trong năm trợ cấp.
  • Trong trường hợp một bên lạm lụng hy sinh trong cảnh nội trợ để người hôn phối kia tu nghiệp, toà thụ lý có thể ra lệnh bắt người có sự nghiệp vưng chắc “phát tài” phải trả tiền “cấp dưỡng bồi hoàn” (reimbursement alimony) cho người xuất lực đầu tư trước đây vào sự phồn thịnh của gia đình.
10. QUYỀN GÌN GIỮ TRÔNG NOM & THĂM VIẾNG CON CÁI (CHILD CUSTODY & VISITATION RIGHTS)
  • Vợ chồng ly thân hoặc ly dị được quyền ước định hoặc pháp định đơn phương (sole custody) hoặc song phương giữ con cái vị thành niên (dual custody), căn cứ vào “[a] nhu cầu thuận lợi nhất” của con cái (best interest of the child), [b] phương diện sức khoẻ, cá tính của đứa trẻ, [c] mối liên hệ tình cảm với bố hoặc mẹ, [d] khả năng và luân lý của bố hoặc mẹ có ảnh hưởng tới đời sống con cái.
  • Người cha hoặc mẹ ly thân hoặc ly dị không được giữ con (noncustodian parent) vẫn có quyền thăm viếng chúng, được tham khảo và có quyền quyết định về việc học vấn, tình trạng sức khoẻ, thủ tục y khoa liên can tới con cái vị thành niên.
  • Mọi hình thức vi phạm quyền gìn giữ hoặc thăm viếng con cái trên đều bị coi là bất tuân lệnh toà (contempt of court), có thể bị phạt vạ [fine/bằng tiền] hoặc phạt tù (jail term).
  • Người cha hoặc mẹ ly thân hoặc ly dị giữ con có quyền di chuyển sang tỉnh hoặc tiểu bang khác nếu thật tâm có lý do chính đáng (good-faith reasons) như công ăn việc làm tốt hơn, đoàn tụ đại gia đình để có thêm giúp đỡ v.v., dù tình trạng này có thể gây khó khăn cho việc thăm viếng của đối phương không được giữ con cái. Toà cũng cho phép di chuyển như vậy nếu người thăm viếng lơ là, thiếu bổn phận, kém tư cách.
11. TIỀN CẤP DƯỠNG CON CÁI (CHILD SUPPORT)
  • Theo luật pháp hiện hành, toà thụ lý thường ra lệnh bắt bên ly hôn không giữ con cái (noncustodian parent) phải cung ứng một khoản tiền tương xứng căn cứ vào bảng hướng dẫn cấp dưỡng nuối con cái chung (child support guidelines). Người này thường phải đóng góp khoảng từ 20% tới 40% số tiền lợi tức để cấp dưỡng từ 1 tới 4 đứa con.
  • Tiền cấp dưỡng con cái sẽ thay đổi căn cứ vào khả năng kiếm thêm tiền của người cung cấp. Số tiền cấp dưỡng được trao cho người giữ và trông nom đứa trẻ để người này tiêu dùng trong việc nuôi dưỡng đứa trẻ.
  • Tiền cấp dưỡng con cái chấm dứt sau khi con cái thành niên, hoặc mãn học và bắt đầu đi làm để tự nuôi thân.
  • Chính quyền tiểu bang và liên bang có những biện pháp đôn đốc và cưỡng bách thi hành cấp dưỡng con cái, như khấu trừ lương lậu, tiền thuế thặng dư, thu bằng lái xe, xiết nợ trên bằng khoán v.v. của đương sự không chiụ cấp dưỡng.
Lưu Nguyễn Đạt, PhD, LLB/JD, LLM
Herman M. Sawyer, JD, LLM

0 nhận xét:

Đăng nhận xét