Thương! ỷ thuơng, không ngớt cơn sầu
Chủ Nhật, 14 tháng 5, 2017
Tiếng Việt lang thang trên dòng sân khấu cải lương
15:53
Hoàng Phong Nhã
No comments
(CLVN.VN) - Tôi không phải là một nhà nghiên cứu văn học sử,
cũng không là một người trong giới sư phạm chuyên dạy văn phạm hoặc dạy
cách viết thơ, văn, từ ngữ… mà chỉ là một soạn giả viết tuồng sân khấu
cải lương nên những gì tôi ghi lại liên quan tới “sự thay hình đổi dạng
của Tiếng Việt trên dòng sân khấu cải lương trong vòng 100 năm qua”, chỉ
là một chút tư liệu đóng góp thêm để quý vị học giả và chuyên viên biên
khảo có tài liệu tham khảo để sử dụng trong khi viết về văn học sử Việt
Nam trong thế kỷ qua.
Nhiều
người có thành kiến cho là các tác phẩm sân khấu cải lương chỉ là những
thứ văn chương bình dân dành cho độc giả và khán giả bình dân, không
được dự vào dòng văn học sử của nước nhà. Đó là những ý kiến thiên lệch,
phiếm diện vì người có ý kiến đó chưa đọc được nhiều tác phẩm sân khấu,
chưa xem được nhiều tuồng hát, có khi chỉ xem được một hai vở tuồng của
các đoàn hát nhỏ ở tỉnh lẻ mà đã vội phê bình, giống như ngày trước có
nhiều học giả đã khẳng định rằng “văn học miền Nam vào cuối thế kỷ 19,
đầu thế kỷ 20, chỉ có lưu hành vài tờ báo đăng thông tư, nghị định của
chánh quyền thuộc địa, chỉ có dịch mấy quyển truyện Tàu tầm thường cho
những độc giả cũng tầm thường!” Nhận xét nầy không đúng vì hai nhà học
giả Nguyễn Văn Y và Nguyễn Văn Trung đã mở một cuộc triển lãm sách năm
1965 tại Saigon, trưng bày nhiều tác phẩm về dịch thuật, về các sách
quốc ngữ được chuyển ra Pháp ngữ và ngược lại, nhiều tài liệu nghiên cứu
văn học của các học giả miền Nam. nhiều sách, tiểu thuyết của các ông
Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Hồ Biểu Chánh, Nguyễn Chánh Sắt, Trần
Chánh Chiếu, Đặng Công Danh… Tôi may mắn sưu tầm được một bảng thư tịch
về hơn một trăm tuồng hát đã được các nhà xuất bản Xưa Nay, Phạm Văn
Thìn, Saigon Imprimerie d’ Union ấn hành từ năm 1905 đến 1937.
Sở dĩ tôi nhắc đến các nhà văn và các tác phẩm văn học vào cuối thế kỷ
19 đến đầu thế kỷ 20 là vì nghệ thuật sân khấu là một nghệ thuật tổng
hợp các ngành văn học nghệ thuật khác như văn, thơ, âm nhạc, ca múa, hội
họa, kiến trúc và các kỹ thuật thuộc lãnh vực nghe, nhìn, ánh sáng, âm
thanh, v.v…
Những thành tựu của các ngành văn học nghệ thuật như văn, thơ, âm nhạc,
ca múa, hội họa… đều được các soạn giả và nghệ sĩ trình diễn đem áp
dụng vào các tác phẩm sân khấu, vì vậy khi nghiên cứu về văn học tổng
thể, người ta sẽ thấy một sự tương quan chặt chẽ giữa nghệ thuật sân
khấu và các loại hình nghệ thuật văn, thơ, âm nhạc, ca múa…
Tuy nhiên cũng cần nói rõ là không phải bất cứ quyển tiểu thuyết nào
cũng có thể đưa lên sân khấu để trình diễn được và cũng cần nên biết
rằng một vở tuồng cải lương, hát bội hay kịch nói cũng chỉ đưa ra được
một khía cạnh nào đó của cốt truyện hoặc một nhân vật trung tâm nào đó
của cuốn tiều thuyết mà thôi.
Các soạn giả cải lương, hát bội và kịch nói cũng có sáng tác ra những
chuyện kịch, những tuồng cải lương hay mà không dựa vào một quyển tiểu
thuyết.
Để ghi nhận “Tiếng Việt trên sân khấu Cải Lương trong vòng một thế kỷ
qua”, tôi xin mời quý vị quan sát sự thay đổi văn phong trong tuồng hát
và sự tác động của truyện Tàu, của tiểu thuyết Pháp và tiểu thuyết Việt
Nam trong lãnh vực sáng tác của các soạn giả cải lương.
Trong những thập niên 20, 30, lối văn biền ngẫu và văn vần được áp dụng
trong các tác phẩm sân khấu cải lương vì nói theo một cách khác thì
nghệ thuật hát cải lương nối tiếp con đường của nghệ thuật sân khấu hát
bội.
Nhân vật tuồng hát bội xưng danh (tuồng Hộ Sanh Đàn của cụ Đào Tấn):
Lan Anh: (Xướng)
Trăng lồng, gió lộng, thú vô biên
Một động đào hoa, một cõi riêng
Dám hỏi phúc này tu mấy kiếp?
Phu quân ơi! Ngày ngày xiêm áo đổi bao phen.
(Lối) Cùng Tiết gia công tử vầy duyên
Thiếp Trần thị, Lan Anh là hiệu
Từ phu tướng về kinh viếng mộ
Chốn buồng the vò võ thâu canh
Thương oanh vàng thánh thót đầu cành
Xót liễu biếc loi thoi trước ngõ
Tuồng Bội Phu Quả Báo, một tuồng tâm lý xã hội của soạn giả Phạm Công Bình năm 1923, nhân vật Hai Vận xưng tên:
Thuận Thành là quê quán
Ta, con đại phú gia
Tay ăn chơi bốn biển là nhà
Danh tiếng khắp, tên ta Hai Vận
Tuổi đã lớn song chưa danh phận
Tay ròng nghề sớm mận tối đào…
Tuồng Hát Bội hay Cải Lương tuồng Tàu hay tuồng Xã Hội, trong những năm
1920 đến 1936 đều dùng lối văn vần trong những lúc xưng danh hoặc các
đoạn đối thoại quan trọng giữa nhân vật chánh diện và nhân vật phản
diện. Còn những đoạn nói lối ngắn khác như để dẫn chuyện thì dùng văn
xuôi bình thường.
Mãi đến năm 1936, soạn giả Tư Trang viết vở Đời Cô Lựu, ông
vẫn còn viết những đoạn văn vừa có tính chất sáo ngữ vừa có những đoạn
văn vần với nhau, tuy rằng hình thức câu văn đã đi gần đến lối viết văn
xuôi:
Hai Thành nói với cô Lựu:
Biển
cả mò nghêu, rừng sâu đập đá, bao nhiêu năm đã thay đổi quan niệm của
tôi nay là một thằng Thành đội trên đầu 19 năm tù chớ chẳng phải là
thằng Thành quá tin đời là chân thật như ngày xưa. Cô ơi, cô nào có biết
cho tôi lắm khi chan cơm bằng nước mắt, tắm mát bằng mồ hôi, nai lưng
hứng những trận đá thoi, cắm cổ chịu đủ lằn roi vọt, dẫu rằng gian lao
khổ sở cực nhục trăm điều mà canh cánh bên lòng, lúc nào cũng nhớ tới
hai tiếng “vợ con”, là cái nguồn an ủi của những kẻ trong lúc khốn cùng,
nhìn cái chết sướng hơn mà vẫn gượng sống.
Cùng
bước chân ra khỏi cửa, tôi thì chui đầu vào chốn khám đường tối tăm bẩn
thỉu, mà cô thì đi vào một tòa nhà mát mẻ cao sang. Rồi từ đấy trở đi
những lúc tôi nuốt những cơm hẩm cá ươn thì cô lại nếm cao lương mỹ vị.
Hai cổ tay tôi đã hưởng thọ những xiềng gông xích sắt thì hai cổ tay cô
cũng thay vào những chuỗi ngọc xuyến vàng.”
Soạn giả Phạm Công Bình đã đưa tiếng Pháp xen lẫn với tiếng Việt trong
bài ca để kiêu ngạo bọn công tử bột có chút đỉnh Tây học, đưa tiếng Tây
ra để loè người và dụ dỗ gái tơ trong tuồng Tối độc Phụ Nhơn Tâm năm 1923:
Bài ca Tứ đại oán
Thương! ỷ thuơng, không ngớt cơn sầu
Thương! ỷ thuơng, không ngớt cơn sầu
Sông Ngân dạ muốn bắc cầu
Trách bấy nguời chẳng có lòng em – mê (aimer)
Năm canh sầu ủ ê,
Cái niềm phu thê
Sao mà muốn kít – tê (quitter) hỡi nàng,
Vì tại ai mà la luy – nơ (la lune) soi tỏ dạ,
Mấy lồi nguyền
Tôi hổ với nuớc non
Son hỡi môi son
Bổ – cu (beaucoup) ròng rơi lụy
Phát – sê(fâcher) người không nghĩ
đôi đứa mình còn bớ – tí (petit)
Trách trời vội rẽ phân đôi đàng!
Lối viết đưa tiếng Tây vào bài ca hay đối thoại trong tuồng của ông
Phạm Công Bình là nhắm vào việc đả kích những kẻ biết chút đỉnh tiếng
Tây rồi làm phách, lòe người chớ không phải ý của tác giả là muốn pha
trộn tiếng Tây với tiếng Việt trong tuồng hát. Tuy nhiên khán giả không
thưởng thức lối đả kích nầy nên ông Phạm Công Bình và các soạn giả khác
không dùng lối viết văn như đã kể trên nữa.
Nên biết là trong những năm cuối thế kỷ 19, Pháp bãi bỏ lối thi hương,
bỏ lối thi dùng chữ nho và chữ nôm, thay vào đó là chữ quốc ngữ, xem đó
là một phương tiện giao tế giữa nhà cầm quyền Pháp với dân chúng, giữa
dân chúng với nhau. Việc này đã ảnh huởng tai hại không nhỏ đến ngành
hát bội vì văn chương hát bội vốn có nhiều chữ nho, nhiều điển tích Tàu.
Khi bãi bỏ chử nho trong các trường học và trong việc giao tiếp thì
người dân đua nhau học chữ quốc ngữ thay cho chữ Nho vốn là một thứ chữ
rất khó học, khó nhớ, khó hiểu.
Lan Anh (tuồng Hộ Sanh Đàn của cụ Đào Tấn)
Nhàn lai phong nguyệt cộng vô biên
Nhất động đào hoa biệt hữu thiên,
Vi vấn kỷ sinh tu đắc đáo
La thường túy trục nhật phiên phiên.
(dịch: ) Thanh nhàn trăng gió thú vô biên
Một động hoa đào cõi trời riêng
Hỏi mấy kiếp tu mà được như thế ?
Quần là áo lượt ngày ngày thay đổi.
Hát bội vì thế ngày càng ít khán giả, nghệ thuật sân khấu cải lương tuy
sinh sau đẻ muộn nhưng nhờ ở sự phát triển chữ quốc ngữ, nhờ ở sự mở
mang dân trí, nhiều người biết đọc biết viết nên người ta đọc báo, xem
truyện, xem tiểu thuyết cũng nhiều hơn lên và họ cũng xem hát cải lương
vì mỗi tuồng cải lương là một câu chuyện được thu ngắn và cô đọng lại,
thích hợp với cảm quan của khán giả.
Trong giai đoạn này ở miền Nam có rất nhiều truyện Tàu được dịch ra chữ
quốc ngữ. Gần như trong mỗi nhà có người biết chữ quốc ngữ thì đều có
đọc truyện Tam Quốc Chí hay truyện Đông Chu Liệt Quốc hoặc nhiều truyện Tàu khác như Tây Du Tam Tạng, đông Du Bát Tiên, hoặc truyện Ngũ Hổ Bình Tây, Thuyết đường… Truyện Tàu cũng có những chuyện nhảm nhí nhưng hầu hết những truyện Tàu được đa số dân chúng thích như Tam Quốc Chí, Đông Châu Liệt Quốc , được xem như là những túi khôn để lấy đó mà ứng xử với người đời, soi gương tốt, răn mình bằng những gương người xấu.
Sân khấu cải lương trong giai đoạn này dựng nhiều tuồng lấy từ cốt truyện Tàu, hình thành một dòng cải lương tuồng Tàu.
Khán giả thích xem cải lương tuồng Tàu không phải chỉ vì trong tuồng
Tàu có mũ mảng y trang đẹp mắt, đào kép hóa trang ăn mặc cổ trang lộng
lẫy mà chính vì dân chúng biết trước cốt truyện nhờ có đọc truyện Tàu,
họ lại tìm thấy trong tuồng Tàu những hình tượng nhân vật mà họ ưa thích
nhờ ở những đức tính như trung hiếu, tiết nghĩa, trí dũng, tín lễ,
cương trực, anh hùng… những đức tín mà gia đình và xã hội đương thời tôn
trọng.
Hơn nữa cốt truyện tuồng Tàu rất sôi động, có từng cặp nhân vật đối
kháng nhau như Tần Cối với Nhạc Phi, La Thành với Đơn Hùng Tín, Bàng
Quyên với Tôn Tẩn, Tào Tháo với Lưu Bị, Khổng Minh với Châu Du…
Tính cách của mỗi nhân vật tuồng đều được khắc họa rất sắc nét, rõ ràng
không ai giống ai nhưng lại đọng trong lòng của khán giả đến độ những
hình tượng nhân vật đó đi vào thành ngữ trong cuộc sống của dân mình.
Người ta nói: nóng như Trương Phi, khóc như Lưu Bị, gian manh như Tào
Tháo, mưu kế như Khổng Minh, trung dũng tiết nghĩa như Quan Công, phản
bạn như Bàng Quyên, bán nước như Tần Cối, gian thần xiễm nịnh như Bàng
Hồng – Tôn Tú.
Tiếng Việt lang thang trên sân khấu tuồng Tàu thì phải mang phong cách
Tàu, phải dùng văn vần và văn biền ngẫu, văn lục bát và nói lối với lối
ngâm thơ tứ tuyệt, lối thán theo thơ đường, có nhiều điển tích Tàu, thậm
chí câu ca, cách ca cũng mang âm hưởng Tàu. Nhiều bài bản Tàu được dùng
trong giai đoạn này làm giàu thêm cho cổ nhạc Việt Nam vì cũng bài bản
đó nhưng được các nghệ sĩ chuyển dần qua âm điệu Việt. Các bài bản Tàu
đến nay vẫn còn được sử dụng trong sân khấu như bài Xang xừ líu, Khốc
hoàng thiên, Lạc âm thiều, Tân xái phỉ, Ú liu ú xáng, Dì Phảnh, Phảnh
Phá, Xách xủi, Tây Thi Quảng…
Khi ca các bài bản nầy trong các tuồng Tàu (Phụng Nghi đình, Quan Công phục Huê Dung đạo, Lữ Bố thất Bạch Mã Thành ),
tiếng ngân dài sau câu ca phải dùng tiếng a a à á a a… các diễn viên
khi ca những đoạn ngân hơi dài nầy thường cũng phải quậy quậy cái đầu
của mình như kiểu các học trò Tàu ca lúc học bài trong phim Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài.
Cũng nên biết là khi ca cổ nhạc trong các tuồng xã hội Việt Nam, những
tiếng ngân dài đưa hơi sau câu ca, diễn viên dùng chữ “Ờ… Ơ… Ớ… Ơ…” chớ
không dùng chữ À Á A.. À…A….
Bài ca Hoàng Mai trong tuồng Chức Nữ Ngưu Lang:
Tình chàng Ngưu cách biệt đôi đàng
Nhớ thương ai suối lệ đầm đìa
Chờ mùa thu mới mong gần nhau
Sầu biệt ly, sầu sông Ngân Hà.
Chức Nữ kia cũng mong mong chờ
Cho qua mau ngày tháng trông chờ
để nhìn nhau nói lên lời thơ
Giòng sông Ngân còn xa xa mờ.
Dẫu nắng mưa cũng không phai nhòa
Tình Chức Nữ Ngưu Lang á a á a a à à.
Như trên đã kể, ngoài dòng sân khấu cải lương tuồng Tàu với văn phong
gần với thi thơ đường và cổ văn, một dòng sân khấu tuồng Tây được hình
thành và người soạn giả tiền phong trong hướng sáng tác mới này là soạn
giả kiêm diễn viên Nguyễn Thành Châu tức nghệ sĩ Năm Châu.
Nhờ có chữ quốc ngữ dễ học, người mình ham đọc sách, đọc báo, đọc
truyện nên tiếp xúc mau lẹ với lịch sử, văn chương, chính trị và tư
tưởng Tây Phương qua các sách dịch Les aventures de Télémaque, Le Comte
de Monte Cristo, Les trois mousquetaires, Contes des mille et une nuits,
Robinson Crusoé, nhà văn Hồ Biểu Chánh đã đọc các tiểu thuyết Pháp rồi
cảm tác, viết thành các cuốn tiểu thuyết:
– Chúa tàu Kim Quy (cảm tác Le comte de Monte Cristo của A . Dumas)
– Cay đắng mùi đời (Sanh famille của H . Malot)
– Chút phận linh đinh(En Famille của H . Malot)
– Thầy thông ngôn (Les amours d’ Estève của A. Theuriet)
– Ngọn cỏ gió đùa (Les misérables của V. Hugo )
– Kẻ làm người chịu (Les deux gosses của P. Decourcelle)
– Ở theo thời (Topage của M . Pagnol)
Các soạn giả có Tây học: Năm Châu, Tư Chơi, Tư Trang, Năm Nở, Đào Hồng
Châu, Duy Lân, Giáo Út, Mộng Vân… dựa vào các tiểu thuyết Pháp đang được
độc giả ưa thích, viết thành những tuồng cải lương như Giá trị và danh dự(Le Cid) , Bằng hữu binh nhung(Les trois Mousquetaires), Tơ Vương đến thác(La dame aux camélias), Gió ngược chiều(Ruy Blas), Hàm Lệ, thái tử nước Đan Mạch(Hamlet), Giai nhân và ác quỷ(La belle et la bête), Kích Tôn Sơn Bá tước(Le comte de Monte Cristo), …
Tiếng Việt lang thang trên sân khấu tuồng Tây bèn bỏ lối viết văn biền
ngẩu, lối văn đối từng câu từng vế, có vẻ kênh kiệu để hoà nhập vào dòng
văn xuôi, lối văn mới thích hợp với đời mới ngày nay. Thơ trong tuồng
cũng giã từ lối làm thơ theo luật thơ đường, thơ Tứ Tuyệt, mà thơ dùng
trong tuồng được sáng tác theo lối thơ mới, tư tưởng, tình cảm, ý thơ
không còn bị gò bó vì niêm luật của thơ đường, thơ cổ phong nên soạn
phẩm càng gần gũi với cảm quan của khán giả khiến cho sân khấu cải lương
càng được đại đa số dân chúng trong cả nước ưa thích.
Nhờ rời bỏ lối văn biền ngẩu cùng các niệm luật theo loại thơ đường,
các câu thơ gác vô vọng cổ cho các tuồng có xuất xứ từ truyện Tàu cũng
được viết như thơ mới dùng cho tuồng xã hội Việt Nam.
Dưới đây là những câu nói lối và thơ Tao đàn trong tuồng Hán đế biệt Chiêu Quân:
Hán Vương (nói lối):
Ái khanh ôi! Buổi đưa tiễn thêm ngỡ ngàng dạ trẫm,
Vạt cẩm bào ướt đẵm lệ quân vương
Nén tim đau khanh cất bước lên đường,
Ôm đoạn thảm trẫm ngày đêm thương nhớ.
Chiêu Quân: (thơ Tao đàn)
Hán, Hồ đôi ngả tình dang dở,
Duyên kiếp ngàn năm cách biệt rồi,
Mấy tiếng tỳ bà bao ngấn lệ,
Bên bờ biển thẩm, gió chơi vơi.
Hán Vương (vô vọng cổ) 1.-
Ái khanh ôi Nhạn môn quan chia tay đầy nước mắt, trẫm xót đau như cắt
đoạn can tràng… Nhìn mặt khanh trẫm càng thêm tủi thẹn với chiếc ngai
vàng… Mấy thu qua mỏi mòn trong cung lạnh, trẩm để cho nàng vò võ kiếp
hồng nhan, năm canh sầu mộng, sáu khắc tư lương, đốt đỉnh trầm hương soi
lại dung nhan gầy héo võ vàng, khi nghe tiếng trống sang canh liên hồi
khởi điểm.
Thơ văn vừa kể là thơ văn viết cho một tuồng Tàu trong thập niên 60.
Văn chương vẫn còn chịu ảnh hưởng của cốt truyện vua chúa Tàu nhưng đã
thoát ra khỏi lối văn biền ngẩu, văn vần có vế đối ứng nhau
Trong tuồng xã hội, dù văn vọng cổ viết có vần để ca sĩ dễ ca nhưng văn
chương đã thoát khỏi những điển tích cổ điển Tàu và không chú trọng văn
phải có vế đối ứng nhau. Xin giời thiệu vài câu vọng cổ trong tuồng Chuyện Tình Lan và Điệp:
Lan: Lá bàng ngoài kia cũng ngập ngừng rơi trong gió, như nỗi buồn xưa chồng chất giữa tim…
(vọng cổ câu 5) …sầu…Mỗi
một giọt mưa là một dòng lệ nghẹn ngào…Mỗi chiếc lá vàng rơi như con
thuyền nhỏ bơi ngược dòng về bến hẹn năm xưa. Bến sông buồn chắc vắng
bóng con đò đưa và khách sang sông không bao giờ trở lại. Mái tranh xưa
chắc u buồn quạnh quẽ vì người con gái tên Lan không về nữa bao giờ.
Điệp: Và
hàng điệp ven sông im lìm soi đáy nước. Chiếc cầu tre gãy nhịp đứng
chênh vênh. Con đường đất đỏ quanh co những buổi chiều vàng. Vắng bóng
người con gái quảy hàng trên đường về khi tan chợ.
Lan: (chập choạng giữa cơn mê, chưa nhận ra Điệp trong chiếc áo cà sa giả ngưởi tu hành để được vào hậu liêu gặp nàng )
(ca câu 6) Thầy
là bậc chân tu mà khi nghe trời chớm sang thu còn gợi trong lòng nhiều
kỷ niệm. Huống chi con là kẻ trót mang nhiều khổ lụy, tuy khoác áo nâu
sòng mà còn nặng nợ thế gian,. Câu kệ lời kinh không khuây khỏa được
chuyện lòng. Tiếng mõ hồi chuông thêm gợi buồn gợi nhớ(… ) Điệp ơi, em
đã cắt đứt giây chuông, sao tơ lòng không đứt với thời gian … Kìa, có
phải tiếng ma kêu quỷ khóc hay tiếng quỷ thần đang chờ rước hồn con!
Trên đây người viết chỉ lược kê những vở tuồng viết cảm tác theo tiểu
thuyết Tây, Tàu, Việt để giới thiệu giai đoạn đầu tiên khi chuyễn tiếp
từ nghệ thuật hát bội qua nghệ thuật sân khấu cải lương, các soạn giả
cải lương thế hệ tiền phong vừa sáng tác vừa thể nghiệm, để rồi sau đó
mỗi người chọn cho mình một phong cách, sáng tác những tác phẩm sân khấu
theo nhân sinh quan riêng của mình mà không còn dựa theo các tiểu
thuyết.
Các soạn giả cải lương thuộc về thế hệ thứ ba có: Thiếu Linh, Nguyễn
Phương, Hà Triều – Hoa Phượng, Kiên Giang Hà Huy Hà, Quy Sắc, Lê Khanh,
Mộc Linh, Hoàng Khâm, Thu An, Tám Cao, Ngọc Văn, Vạn Lý, Viễn Châu, Yên
Ba, Ngọc Huyền Lan, Thể Hà Vân, Thế Châu, Nhị Kiều, Bạch Diệp, Minh
Nguyên, Bảy Cao, Tuấn Khanh, Loan Thảo, Hoàng Việt, Yên Lang,… đa số
soạn giả thế hệ thứ ba có trình độ học thức từ Tiểu học đến bằng Thành
Chung, ít chịu ảnh hưởng của Nho học nên những các soạn giả nầy dùng văn
xuôi và thơ mới để viết những vở tuồng lịch sử, dã sử và xã hội cận đại
Việt Nam.
Trong những thập niên 60, 70, các soạn giả kể trên đã sáng tác những
tuồng mà đến nay giới ái mộ sân khấu cải lương còn nhắc nhở:
Nửa đời hương phấn, Con gái chị Hằng, Tấm lòng của biển, Tần nương thất của Hà Triều Hoa Phượng;
Đôi Mắt Người Xưa, Bóng chim tăm cá, Ngả rẽ tâm tình, Chuyện tình 17, Bọt Biển, Tiền rừng bạc biển , Chén trà Của Quỷ của Nguyễn Phương;
Chiếc quạt trầm hương, Sầu quan ải, Núi Liễu Sông Bằng, Áo Gấm Khôi Nguyên của Thiếu Linh;
Vàng sáu bạc mười, Người đẹp Bạch Hoa thôn của Hoàng Khâm,
Người đẹp bán tơ, Người vợ không bao giờ cưới của Kiên Giang;
Bên cầu dệt lụa của Thế Châu vân, vân…
Vấn đề quan trọng đối với một tác phẩm sân khấu không phải chỉ là vấn
đề văn chương, dùng văn xuôi hay thi thơ mà còn ở cách bố cục câu
chuyện, cách xây dựng tính cách điển hình nhân vật, cách phát triển và
giải quyết các mâu thuẫn trong cốt chuyện., trong tuyến các nhân vật,
trong cách viết đối thoại. Quan trọng hơn nữa là do các nghệ sĩ trình
diễn có làm tác phẩm đó có thật sự sống trên sân khấu hay không.
Phê bình một tác phẩm sân khấu, chỉ phân tích kịch bản văn học không
thôi thì chưa đủ mà còn phải được xem các nghệ sĩ trình diễn, được nghe
đàn và ca cổ nhạc vì con người nghệ sĩ mới chính là phương tiện sáng tạo
ra tác phẩm sân khấu.
Trong một bài báo ngắn mà mời quý độc giả theo con đường của Tiếng Việt
lang thang trong một trăm năm theo dòng sân khấu cải lương thì thật là
không thế nào người viết có thể trình bày đầy đủ được. Tôi vẫn kỳ vọng
bằng một bài báo ngắn nầy, tôi góp được chút tài liệu đến với các nhà
học giả, các nhà biên khảo văn học để ghi nhận sự hình thành và phát
triển của nghệ thuật sân khấu cải lương trong dòng văn học sử Việt Nam.
Soạn giả Nguyễn Phương
Tháng 2 năm 2017
0 nhận xét:
Đăng nhận xét