Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2017

Dân chủ đến từ đâu?




Thay vì mắc kẹt trong câu hỏi: "Dân chủ là gì?", cần đẩy nó đi một bước xa hơn về phía cội nguồn thông qua một câu hỏi mới: "Dân chủ đến từ đâu?". Khi biết được dân chủ đến từ đâu thì bản chất của dân chủ sẽ được sáng tỏ.
LTS: Những cuộc thảo luận về dân chủ - dù ở bất cứ mức độ nào, khía cạnh nào - cũng đều thu hút sự quan tâm của dư luận. Vì một lẽ, dân chủ được kì vọng như chìa khóa vàng để mở cánh cửa phát triển. Mới đây, một vị tướng Trung Quốc còn đặt vấn đề, dân chủ hay là chết.
Tuy nhiên, dân chủ là gì còn là một vấn đề gây tranh cãi và trên thực tế không dễ trả lời.
Trong bài viết này, tác giả Giáp Văn Dương tìm cách làm sáng tỏ bản chất của dân chủ bằng cách đặt một câu hỏi khác: Dân chủ đến từ đâu? Mời bạn đọc cùng tham gia thảo luận.
Nghịch lý dân chủ
Dân chủ thường được kỳ vọng như là một trong những động lực chính thúc đẩy sự phát triển, vì một thực tế hiển nhiên: Những nước phát triển trên thế giới đều là những nước theo thể chế dân chủ.
Nhưng dân chủ là gì lại là một vấn đề gây tranh cãi. Do ảnh hưởng của những yếu tố lịch sử, văn hóa, tôn giáo, hoàn cảnh sống... mà mỗi người, nhóm người, thậm chí quốc gia, hiểu dân chủ một cách khác nhau. Vì thế, tìm cách trả lời rốt ráo câu hỏi dân chủ là gì là một việc làm tối cần thiết.
Tối cần thiết, nhưng không dễ. Vì ở đây có một nghịch lý, có thể gọi là nghịch lý dân chủ: Bản thân việc định nghĩa hoặc diễn giải dân chủ là gì, từ bất kì chủ thể nào, đều đã chứa đựng trong nội tại của nó những yếu tố áp đặt, phi dân chủ. Nói cách khác, càng nhân danh dân chủ, anh càng trở nên phản dân chủ.

Ảnh: Việt Dũng

Đó chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng cho đến nay vẫn chưa có được sự thống nhất về cách hiểu dân chủ là gì giữa Đông và Tây, quốc gia và quốc gia, cá nhân và cá nhân. Lý do là bản thân mỗi diễn giải này đều mang trong nó những chủ kiến ít nhiều mang tính áp đặt phi dân chủ, nên không được chấp nhận bởi kẻ khác. Mỗi người, hoặc nhóm người, hiểu dân chủ một cách khác nhau và ra sức bảo vệ, thậm chí áp đặt cách hiểu của mình cho những người còn lại. Những cuộc thảo luận về dân chủ, dù là trong giới học thuật, chính trị gia hay quần chúng, vì thế đều có nguy cơ kéo dài bất tận mà không thu được sự đồng thuận.
Cho nên, thay vì mắc kẹt trong câu hỏi: "Dân chủ là gì?", cần đẩy nó đi một bước xa hơn về phía cội nguồn qua thông qua một câu hỏi mới: "Dân chủ đến từ đâu?".
Khi biết được dân chủ đến từ đâu thì bản chất của dân chủ sẽ được sáng tỏ. Quan trọng hơn, khái niệm dân chủ khi đó sẽ trở nên khả dụng vì mỗi người đều thấu hiểu nguồn gốc hình thành của nó, vì thế có thể làm chủ và chủ động khai thác nó, thay vì là đặt nó làm đối tượng cho những tranh luận mơ hồ bất tận ồn ào.
Dân chủ ở hành vi
Ở mức độ cơ bản nhất, dân chủ biểu hiện trong hành vi của chủ thể đang xem xét. Một cá nhân, một cộng đồng, hay một nhà nước, có được coi là dân chủ hay không phải được xét trên chính tập hợp những hành vi của cá nhân, cộng đồng hay nhà nước đó.
Hành vi chính là cơ sở duy nhất để đánh giá mức độ dân chủ của chủ thể. Một tuyên ngôn đẫy rẫy những mỹ từ về dân chủ nhưng đi kèm với một hành động áp đặt thì về bản chất, chủ thể của tuyên ngôn đó là phi dân chủ.
Mức độ dân chủ trong hành vi, vì thế, là thước đo mức độ dân chủ của chủ thể hành vi, dù chủ thể đó là ai, cá nhân hay bất kỳ tổ chức nào đi chăng nữa.
Do đó, hành vi phi dân chủ, và rộng hơn là tất cả những phương tiện phi dân chủ, không thể là, hoặc được biện minh là, biểu hiện của một mục đích dân chủ. Ở đây, mục đích không được phép biện minh cho phương tiện.
Nhưng hành vi lại xuất phát từ nhận thức. Vậy nhận thức nào sẽ mang lại hành vi dân chủ cho mỗi chủ thể?
Để trả lời câu hỏi này, hãy xem xét một cuộc thảo luận có tính dân chủ.
Nguyên tắc khiêm tốn
Trong cuộc thảo luận này, những người tham gia thảo luận trình bày, lắng nghe, thảo luận và phản biện ý kiến của nhau một cách tôn trọng, ôn hòa.
Mục đích của thảo luận dân chủ là để tìm ra ý tri thức đúng đắn nhất, lựa chọn hợp lý nhất trong số những đề xuất của những người tham gia thảo luận.
Nhưng vì sao những người tham gia thảo luận lại phải mất thời gian như vậy? Vì sao người có ưu thế cao nhất về kinh nghiệm, tri thức hoặc quyền lực không áp đặt ý kiến của mình cho những người còn lại?
Vì họ biết rằng, tri thức và lý tính có giới hạn và khiếm khuyết về bản chất.
Sự giới hạn và khiếm khuyết này không nằm ở sự yếu kém của cá nhân, mà thuộc về bản chất của tri thức, được minh họa hùng hồn qua Nguyên lý bất toàn của Toán học - tên nguyên thủy là Định lý bất toàn - và Nguyên lý bất định của Vật lý.

Để khắc phục chúng, họ phải nhờ đến sự giúp đỡ của một nguyên lý khác, cũng cơ bản không kém. Đó là nguyên lý bổ sung củaVật lý, được phát biểu ngắn gọn rằng: Đối lập là bổ trợ. Nói cách khác, đối lập không phải là triệt tiêu nhau, mà là bổ trợ cho nhau. Bộ ba nguyên lý này tạo ra ý thức khiêm tốn, tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhau một cách cầu thị giữa những người tham gia thảo luận.
Như thế, vô hình trung, trong suốt quá trình thảo luận, họ đã cùng nhau thực hành một nguyên tắc, có thể gọi là nguyên tắc khiêm tốn, như sau: Mỗi người tham gia thảo luận đều khiêm tốn và cầu thị một cách có ý thức vì biết rằng bản chất của tri thức và lý tính là có giới hạn và khiếm khuyết về bản chất.Và để khắc phục sự giới hạn và khiếm khuyết này, đối lập và khác biệt cần phải được tôn trọng vì chúng là nguồn bổ trợ cho tri thức và lý trí của bản thân mình.
Chính nguyên tắc khiêm tốn này đóng vai trò nhạc trưởng, chỉ huy cuộc thảo luận dân chủ đi đến đồng thuận cuối cùng mà không bị đổ vỡ giữa chừng vì những khác biệt.
Nhạc trưởng
Bây giờ mở rộng cuộc thảo luận dân chủ sang một trường hợp khác rộng hơn, như sự điều hành của một chính phủ dân chủ chẳng hạn.
Người quan sát ở đây sẽ thấy, sự điều hành của một chính phủ dân chủ có sự tương tự về bản chất so với một cuộc thảo luận có tính dân chủ.
Ở đó, chính phủ và những đại diện của dân chúng sẽ trình bày, lắng nghe, thảo luận và phản biện ý kiến của nhau một cách tôn trọng, ôn hòa.
Mục đích của việc này là để tìm ra những tri thức và lựa chọn, cụ thể là những kế hoạch, phương án, chiến lược phát triển hay quản lý và điều hành đất nước... tốt nhất.
Nhưng vì sao chính phủ dân chủ lại phải làm như vậy, trong khi họ có đủ phương tiện, thậm chí cả súng, để áp đặt ý kiến của mình?
Vì chính phủ dân chủ, cũng giống như những người tham gia cuộc thảo luận ở trên kia, biết được giới hạn và sự khiếm khuyết mang tính bản chất về tri thức và lý trí của mình. Do đó, họ khiêm tốn và cầu thị tham gia đối thoại với nhân dân để tìm ra những tri thức và lựa chọn tốt nhất có thể, nhằm giải quyết những vấn đề họ phải đương đầu.
Nói cách khác, chính phủ dân chủ cũng thực hành nguyên tắc khiêm tốn đã nêu trên.
Nếu đi xa hơn, mở rộng sự điều hành của một chính phủ dân chủ sang sự vận hành của một thiết chế dân chủ thì sao?
Người quan sát sẽ thấy nguyên tắc khiêm tốn vẫn đóng vai trò nhạc trưởng chỉ huy mọi hoạt động của thiết chế này.
Vì nhận thức được rằng, tri thức của con người nói chung và cá nhân nói riêng là có giới hạn và khiếm khuyết về bản chất, nên một thiết chế dân chủ sẽ được thiết kế sao cho có khả năng huy động tốt nhất trí tuệ của tập thể trong việc thu nhận tri thức, lựa chọn và ra quyết định.
Thiết chế đó sẽ đảm bảo sao cho mỗi người dân có quyền và trách nhiệm nói lên ý kiến của mình cũng như tham dự vào hoạt động của chính quyền ở mức độ thích hợp nhất.
Thiết chế đó sẽ đảm bảo cho người lãnh đạo là người có tài năng và uy tín nhất; mỗi quyết sách được đưa ra sẽ là quyết sách tối ưu nhất.
Dân chủ đến từ sự khiêm tốn
Như thế, nguyên tắc khiêm tốn đóng vai trò nền tảng chi phối sự vận hành của một thiết chế dân chủ, hoạt động của một chính phủ dân chủ hay đơn giản là diễn tiến của một cuộc thảo luận dân chủ.
Nói cách khác, nguyên tắc khiêm tốn là nền tảng cho mọi hoạt động mang tính dân chủ. Thiếu sự chỉ huy của nguyên tắc này, sự áp đặt và độc đoán sẽ bành trướng làm cho mọi diễn tiến sau đó trở thành áp đặt, phi dân chủ.
Như thế có kết luận: Nguồn gốc sâu xa của dân chủ là sự khiêm tốn một cách có ý thức về tri thức và lý tính của con người. Sự khiêm tốn này xuất phát từ nhận thức một cách khoa học về sự bất định và bất toàn của bản thân tri thức và lý tính.
Và để khắc phục sự bất toàn và bất định này, con người cần phải thực hành một nguyên lý khác là Nguyên lý bổ sung: Tôn trọng và chấp nhận những tri thức trái ngược như một sự bổ sung cho tri thức và lý trí của bản thân mình.
Làm được như thế, dân chủ sẽ tự đến, sống động và sáng rõ.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét