Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

Nữ sĩ Mai Đình kể về mối tình với Hàn Mặc Tử


Tác giả: Đắc Trung

(Sưu Tìm: Ông Gìa Sa Đéc)

28 tuổi “ra đi” giữa lúc tài năng đang rộ nở, thi sĩ Hàn Mặc Tử không chỉ để lại “những vần thơ có cánh” mà còn để lại mối tình tuyệt vời với nữ sĩ Mai Đình. Đã có người viết về mối tình đầy thi cảm và đẫm nước mắt này, nhưng tài liệu có đôi phần chưa chính xác. Rất may trong một dịp từ thành phố Hồ Chí Minh, nữ sĩ Mai Đình ra du ngoạn Hà nội, tôi có hân hạnh được tiếp kiến bà tại căn phòng nhỏ bé của mình ở số 64 Bà Triệu. Trong cuộc tri ngộ qúy giá ấy, tôi đã được bà kể cho nghe về mối tình của bà thời xuân sắc với nhà thơ nổi tiếng Hàn Mặc Tử…
Đã sắp qua tuổi 78, mà nữ sĩ Mai Đình vẫn giữ được những nét đẹp kiêu sa, qúy phái. Mái tóc dài bạc trắng chải rất mượt, búi rất gọn. Da hồng, mắt sáng, miệng tươi, khăn hoa, áo lụa hảo hạng. Giọng nhỏ nhẹ mà đầy âm hưởng.
– Tôi sinh ra trong một gia đình quan lại nhỏ, chính quán ở Nông Cống, Thanh Hoá, nhưng thân phụ tôi lại nhận chức tại Phan Thiết. Mười sáu tuổi tôi đã theo sống bên cha và được cha hết mực cưng chiều. Tôi mê đọc sách, đặc biệt Đường thi. Tâm hồn đẫm thơ văn. Một lần trên mục Văn chương tờ “Sài Gòn” tình cờ tôi đọc được bài “Thức khuya” của Hàn Mặc Tử. Chất thơ, hồn thơ, tâm trí lự của tác giả làm tôi say, tôi cảm. Không hiểu sao cái tên Hàn Mặc Tử cứ án ảnh tôi hoài và từ đó tôi cố ý tìm đọc hàng loạt những bài khác của thi nhân này. Bài nào tôi cũng cảm thấy hay, thấy xúc động và trong tôi bỗng thấy hình thành bóng dáng một thi sĩ Hàn Mặc Tử thật tuyệt vời. Cũng từ đấy dường như có sự kỳ diệu nào thôi thúc tôi quyết định gửi những bản thảo thơ của mình cho mục Văn chương của tờ “Sài Gòn” cùng những niềm huy vọng rất mơ hồ, rất khó giải thích, bởi tôi biết rằng trong Ban Biên tập của tờ báo đáng kính đó có Hàn Mặc Tử… Thế rồi tôi nhận được thư anh. Lời thư thật tao nhã cao sang. Anh nói rằng anh thật sự xao xuyến trước vẻ đẹp và sự tinh túy của những bài thơ tôi viết với một bút danh rất mới: Mai Đình và anh lần lượt cho đăng. Dường như tiền định, hai tâm hồn thơ gặp nhau cảm trọng, mến mộ nhau, chỉ qua thư từ trao đổi thôi chứ chưa hề gặp mặt, vậy mà đã rất ý hợp tâm đồng.
Năm 1937, trong chuyến đi từ Thanh Hoá vào Phan Thiết, ngồi trên ô tô, tôi nghe mấy người bạn đồng hành trò chuyện. Họ nói về Văn chương, đặc biệt nhắc nhiều tơi Hàn Mặc Tử. Qua câu chuyện của họ tôi được biết hiện tại Hàn Mặc Tử đang ở Quy Nhơn. Bỗng nhiên trong đầu tôi nẩy ra ý định ghé Quy Nhơn thăm anh. Nhưng mà… phần e ngại mình là thiếu nữ con nhà gia giáo lại tự tìm đến một người con trai. Mà người đó mình chưa hề gặp mặt. Biết anh ở chỗ nào trong cái thành phố rộng lớn đó? Chẳng lẽ làm quen rồi hỏi thăm mấy người trên xe ư? Đâu có được. Tôi chợt nhớ ra được ở Quy Nhơn có một người bạn thơ. Đó là anh Trần Thông. Vợ chồng anh rất mến tôi. Ghé qua thăm anh chị đó rồi tính… Vợ chồng anh Thông đón tiếp tôi niềm nở. Trong câu chuyện tôi làm như đã quen biết Hàn Mặc Tử lắm và hỏi anh chị đó rằng hình như Hàn Mặc Tử đang ở Quy Nhơn, tôi muốn tới thăm ảnh. Cả anh chị đều buồn bã . Chị nói rằng Hàn Mặc Tử đang bệnh nặng, không nên tới. Tôi hỏi anh bệnh gì, tại sao lại không nên, trong lúc anh hoạn nạn thế cần tới thăm mới đúng chứ. Lát sau chị nói cho tôi hay rằng Hàn Mặc Tử mắc bệnh cùi, hiện ở nhà riêng tại số 20 đường Khải Định, anh từ chối mọi người, không muốn tiếp xúc với ai. Tôi đắn đo. Nhưng chiều đó tôi vẫn một mình tìm đến nhà anh. Căn nhà nhỏ nằm khiêm tốn đến vắng lặng. Tiếp tôi là một thanh niên tên là Hiếu, em trai của Hàn Mặc Tử, biết ý định của tôi, Hiếu tỏ ra cảm thông, nhưng gương mặt đợm buồn. Hàn Mặc Tử nằm trong buồng kín, nghe Hiếu vào nói lại, anh bảo Hiếu ra cho tôi hay rằng, anh rất cảm động về việc tôi tới thăm, nhưng anh bệnh không ra tiếp được, mong tôi hiểu cho, hẹn dịp khác tri âm. Tôi ra về lòng ngùi ngùi thương cảm. Ngay chiều gần tối hôm đó, trước khi tôi lên tàu vào Nam thì anh Nguyễn Minh Vỹ tìm gặp. Anh Vỹ đưa tôi tập “Gái quê”, nói rằng Hàn Mặc Tử nhờ chuyển. Mở ngay ra coi và tôi rất xúc động về dòng chữ Hàn Mặc Tử đề tặng tôi. Lên tàu tôi liền đọc một mạch hết tập thơ của anh. Qua thơ anh, tôi càng cảm mến anh. Xúc động tôi viết ngay bài “Biết anh”.
Tàu đến Nha Trang tôi xuống, tìm đến thăm anh Quách Tấn, một nhà thơ có tiếng bấy giờ. Anh em lâu ngày gặp nhau mừng lắm. Tôi kể lại việc đến thăm Hàn Mặc Tử, tất nhiên khoe với anh tập thơ “Gái quê” Hàn Mặc Tử mới tặng tôi. Vốn là bạn thân với Hàn Mặc Tử, anh kể cho tôi nghe nhiều chuện về Hàn Mặc Tử. Chẳng hạn tên thật của Hàn Mặc Tử là Nguyễn Trọng Trí. Ngoài bút danh Hàn Mặc Tử anh còn những bút hiện khác như: Phong Trần, Lệ Thanh, Minh Duệ Thị. Về bút danh Hàn Mặc Tử nguyên trước là Hàn Mặc Tử có nghĩa bức rèm lạnh. Anh Quách Tấn có lần bảo: “Đã có rèm thì thêm bóng nguyệt vào. Hỏi còn cảnh nào nên thơ hơn”. Nhà thơ hiểu ra, gật đầu và thay chữ ả vào chữ a thành Hàn Mặc Tử, có nghĩa là Chàng Bút Mực. Nâng niêu tập “Gái Quê” trên tay. Anh Quách Tấn nói rằng Hàn Mặc Tử cũng tặng anh một tập nhưng một người bạn đang mượn. Anh muốn viết một bài về tập “Gái quê” của Tử mong tôi cho anh mượn vài ngày. Tôi bằng lòng đưa anh, nhưng bẳng quên trong đó có kẹp bản thảo bài thơ “Biết anh” tôi làm tặng tác giả “Gái quê”. Trong bài ấy có mấy đoạn:
Còn anh em đã gặp anh đâu Chỉ cảm thấy thơ có những câu Âu yếm say sưa đầy cả mộng Xui lòng tơ tưởng lúc đêm thâu… Mộng hồn em gửi theo chiều gió Để em gần anh ngỏ ít lời
Chẳng hiểu nghỉ cách nào mà Quách Tấn chép liền bài thơ đó gửi ra Quy Nhơn cho Hàn Mặc Tử. Đọc “Biết anh” của tôi, Hàn Mặc Tử làm đáp lại ngay bằng bài “Lưu luyến” (nữ sĩ Mai Đình nheo nheo mắt, cười rất tươi. Tôi thấy bà trẻ lại như thời con gái). Tôi “chết” ở bài “ Lưu Luyến” này đây:
Chửa gặp nhau mà đã biệt ly Hồn anh theo dõi bóng em đi Hồn anh sẽ nhập trong hồn gió Lưu luyến bên em chẳng nói gì
Thơ em cũng giống lòng em vậy Nghĩa là thơm tho như ánh trăng Mềm mại như lời tơ liễu rủ Âm thầm trong ánh gió băn khoăn…
Vậy là “Biết anh” và “Lưu luyến” đã nói lên nỗi lòng của hai chúng tôi, từ đó chúng tôi thư từ cho nhau, gắn bó với nhau như cặp tình nhân trong mộng.
Sau đó tôi rời Phan Thiết vào Sài Gòn. Hàn Mặc Tử vẫn ở Quy Nhơn. Đầu năm 1939 tôi mới có dịp ra thăm anh. Lại tìm đến nhà anh ở 20 Khải Định. Nhưng lần này lòng tôi ngậm ngùi buồm tê tái. Anh không còn ở đây nữa. Bệnh cùi tàn phá cơ thể anh, vi trùng đã ăn lên đến mặt. Gia đình khánh kiệt để lo chạy chữa, nhưng bệnh tình anh không giảm. Chính quyền thành phố bắt đưa anh vào bệnh viện cùi Quy Hoà. Thân mẫu anh mếu máo nói cho tôi hay, khiến tôi không cầm nổi nước mắt. Thương anh gia đình giấu anh ở một nơi kín đáo dưỡng bệnh. Đó lá Gò Bồi. Gò Bồi nằm phía Tây thành phố Quy Nhơn, một khu cát rộng, trên đó là những túp lều cỏ sơ sài của những người nghèo khổ bần cùng đói rách. Muốn ra đấy phải lội bi bõm nước ngập lưng bắp chân, rồi đạp trên cát bỏng dưới nắng hè chói chang. Tôi xin phép bà cụ ra thăm Hàn Mặc Tử. Cụ bằng lòng và một chú bé dẫn tôi ra Gò Bồi. Đến trước túp lếu tranh xơ xác xiêu vẹo, chú bé bảo tôi dừng lại. Vén tấm màn che cửa, chú bé ra hiệu tôi chui vào. Một người đàn ông nhỏ bé, gầy yếu ngồi trên chiếc giường chõng, cạnh bàn viết. Bàn là một tấm gỗ thùng đặt trên một khung chân cũ. Người đàn ông ngước đôi mắt đen sáng long lanh nhìn tôi dò hỏi. Tôi đứng lặng đi. Hàn Mặc Tử đấy ư. Thật xa lạ với một thi sĩ mà tôi hằng tôn thờ trong mộng tưởng. Anh ốm yếu, tàn tạ, da mặt sần sùi, chỉ có đôi mắt làm tôi sững sốt: sáng như hai ngôi sao, đầm thắm, thông minh và có sức cám dỗ diệu kỳ. Từ đôi mắt ấy toát ra thứ ánh sáng huyền diệu, khiến tôi bỗng thấy thương, yêu anh vô cùng. Tôi nhìn xoái vào mắt anh, khẽ nói nhỏ chỉ đủ anh nghe: “em là Mai Đình đến thăm anh đây… Vâng, Mai Đình đây”. Anh chằm chằm nhìn tôi không nói và từ đôi mắt ấy bỗng rưng rưng lệ. Tôi buớc đến gần định ngồi xuống bên anh, nhưng Hàn Mặc Tử vội lắc đầu xua tay. Tôi hiểu vì trên đường ra đây chú bé có kể cho tôi hay rằng từ khi lâm chứng bệnh nan y này. Hàn Mặc Tử hết sức giữ gìn. Anh không bao giờ bắt tay ai, không để ai đến gần, khi giao tiếp, luôn giữ khoảng cách xa để bệnh tình của anh không lây sang người khác. Phút xúc động lặng xuống, chúng tôi bình tĩnh ngồi tâm sự với nhau. Càng trò chuyện càng tâm đồng ý hợp, chúng tôi nói về những người bạn mà cả hai chúng tôi đều quen, nói chuyện văn thơ, chuyện đạo, chuyện đời…
Từ ấy cứ mỗi lần thu xếp được công việc tôi lại từ Sài Gòn ra thăm anh, cố gắng được gần anh nhiều hơn. Vốn liếng tư trang chẳng đáng bao nhiêu, tôi cũng bán đi để có chút tiền đem ra chăm sóc anh. Chúng tôi ngồi suốt ngày say sưa đàm đạo, làm thơ xướng họa, quên cả nắng nóng như dội lửa, quên đói, quên khát. Lúc ấy Hàn Mặc Tử rất vui. Những bài thơ xướng hoạ, những bài thơ chúng tôi cùng làm, bài nào cũng dạt dào xúc cảm. Tôi chép vào một tập. Hàn Mặc Tử bảo tôi đặt tên. Tôi đặt là “Đôi hồn”. Hàn Mặc Tử gật đầu bằng lòng. Có thể nói chúng tôi yêu nhau say đắm. Đó là mối tình hoàn toàn trong sạch. Trọng nhau về đức, về tài, cảm phục nhau về thơ mà yêu chứ thậm chí cầm tay nhau cũng không. Lần đó ra thăm bệnh tình anh càng nặng hơn, sức khoẻ suy sụp. Nhìn anh tôi không cầm nổi nước mắt. Tôi bảo anh hay là anh cứ đi bệnh viện Quy Hoà tôi sẽ nghỉ việc theo anh ra đó chăm sóc anh, không muốn tôi phải khổ vì anh. Hôm sau, tôi chia tay anh về Sài Gòn. Và, đâu có ngờ rằng đó là lần gặp cuối cùng giữa hai chúng tôi.
Nữ sĩ Mai Đình lặng đi, lát sau tôi dè dặt hỏi:
 – Thưa bác, vậy bản thảo tập “Đôi hồn” bác còn lưu giữ được không? – Còn, tôi vẫn giữ, vẫn thuộc nữa – Giá mà…
Hiểu ý tôi bà nói luôn:
– Đã có người đến mượn, đến xin, đòi mua với giá đắt nữa, nhưng tôi từ chối. Bởi với tôi đó là những kỷ niệm vô gía thiêng liêng với Hàn Mặc Tử, không muốn chia sẻ cùng ai.
(Nhân dân hàng tháng.- 1997.- Số 6 (tháng 10) (1358); KHPL: BĐ.04(91))

0 nhận xét:

Đăng nhận xét