Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2017

Nữ nghệ sĩ Hương Thủy

huongthuy-200.jpg
Nữ nghệ sĩ Hương Thủy. Hình do soạn giả Nguyễn Phương cung cấp. Photo: RFA
Nữ nghệ sĩ Hương Thủy tên thật là Nguyễn Thị Thu Thảo, sinh năm 1971 tại Saigon, nhà ở đường Hoàng Diệu, quận 4. Song thân là ông Nguyễn Văn Phát và bà Nguyễn Thị Bảy. Cô Thu Thảo là em út trong gia đình, cô có hai anh Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Khanh và một chị Nguyễn thị Liên, các anh chị đều làm việc ở các xí nghiệp.
Thu Thảo học văn hóa ở trường Vĩnh Hội. Năm lên 10 tuổi, Thu Thảo theo cha mẹ về sống nơi quê ngoại, xã Bình Hòa Phước, Long Hồ, Vĩnh Long. Năm 1984 gia đình cô Thu Thảo trở về sống ở đường Hoàng Diệu, quận 4. Thu Thảo tiếp tục học văn hóa và xin cha mẹ cho em học đàn tranh với cô giáo Hường ở trong xóm. Cô Hường là giáo viên dạy đàn tranh ở Nhạc Viện thành phố. Sau sáu tháng theo học đàn tranh, Thu Thảo được cô giáo Hường khuyên nên theo học hát vì cô Hường thấy Thu Thảo có khả năng ca diễn nhiều hơn khiếu chơi đàn. Được sự đồng ý của song thân của Thu Thảo, cô Hường giới thiệu cho Thu Thảo vào học trường nghệ thuật sân khấu 2 ở đường Cống Quỳnh. Thu Thảo đăng ký học thêm về ca diễn của thầy nghệ sĩ Ngọc Ẩn ở đường Cao Đạt.

Khởi đầu từ đoàn hát Xuân Lộc

Năm 1986, Thu Thảo được thầy Ngọc Ẩn đặt cho nghệ danh là Hương Thủy và gởi gấm Hương Thủy cho hai nghệ sĩ Thanh Tú và Trang Bích Liễu, bầu đoàn hát cải lương Xuân Lộc, đăng ký ở tỉnh Long Khánh.
Đoàn Xuân Lộc tỉnh Long Khánh gồm có các nghệ sĩ Thanh Tú, Trang Bích Liễu, Vương Ngọc, Cẩm Tú, Cát Phương, Tú Thanh(con của Thanh Tú), Phương Thảo, hề nữ Kim Hoàng, Hương Thủy. Vào đoàn hát, Hương Thủy vai hát đầu tiên là vai Lưu Cẩm Chiêu tuồng Lâm Sanh Xuân Nương, hát tại rạp Cẩm Mỹ, nông trường cao su Long Khánh.
Hương Thủy được khán giả nhiệt liệt khen ngợi ngay suất hát đầu tiên, được hai nghệ sĩ - bầu gánh Thanh Tú và Trang Bích Liễu nhận làm con nuôi và cho hát các vai đào nhì tuồng Qua Cầu Thiên Mã, Lửa Hồng Đông Đô, Thạch Sanh Lý Thông.
Năm 1987, bầu gánh hát Hương Bình quận Tân Bình là nghệ sĩ Minh Cường mời Hương Thủy về hát chánh. Lúc đó ở thành phố có bốn đoàn cải lương quận đang hát rất ăn khách. Đó là đoàn cải lương Hương Bình quận Tân Bình với cặp đào kép chánh Minh Cường – Hương Thủy; đoàn cải lương Hoa Lan quận 6 với các diễn viên Tấn An, Xuân Lan, Linh Cường, Kim Chi(con gái của danh hề Kim Quang); đoàn cải lương quận 8 với cặp đào kép chánh Kiều Minh Trang – Minh Trung và cô đào trẻ đang lên Ngọc Huyền; đoàn cải lương Thủ Đức với cặp diễn viên chánh Ngân Linh và Phượng Hoa.
Nữ nghệ sĩ Hương Thủy hát ở đoàn Hương Bình quận Tân Bình với các nghệ sĩ Minh Cường, Trần Phương Thảo, Hoàng Mộng Ngọc, Bạch Thúy, Hương Xuân, hề Minh Nga, hát vai đào chánh qua các tuồng: 17 Năm Trường Hận, Thằng Gù Đi Hái Trái Mơ, Truy Ngư, Lưu Bình Dương Lễ, Hòn Vọng Phu.

Nổi danh từ Trung vô Nam

Năm 1989, các đoàn cải lương quận huyện đều bị giải tán, nghệ sĩ bầu gánh Minh Cường mang đoàn Hương Bình về đăng ký ở tỉnh Sông Bé, đổi tên bảng hiệu là đoàn cải lương Bình Dương. Hương Thủy vẫn hát chánh trên sân khấu đoàn hát Bình Dương.
Hương Thủy là diễn viên có sức thu hút khán giả rất mạnh nên nhiều bầu gánh hát tranh nhau mời cô về cộng tác.
Đến năm 1990. Hương Thủy muốn phát triển khả năng ca diễn nên cô nhận ký hợp đồng với đoàn cải lương Kiên Giang 289 do nghệ sĩ Ngọc Loan Anh làm bầu, về hát cho tỉnh Kiên Giang, gồm có các nghệ sĩ Ngọc Loan Anh, Minh Phương, Mộng Trinh, Ngọc Loan Em, Chí Long, Phương Hoài Thanh, hề Minh Tùng. Nữ nghệ sĩ Hương Thủy đã hát qua các tuồng Bụi Mờ Vó Ngựa, Kiếm Sĩ Áo Chàm, Đưa Em Về Quê Mẹ, Lan và Điệp…
Nữ nghệ sĩ Hương Thủy rất sáng sân khấu, khi hóa trang vào các vai tuồng cổ trang cũng như tuồng xã hội nữ nghệ sĩ Hương Thủy đều rất xinh đẹp, sang trọng. Giọng ca vọng cổ thật êm, quyến rũ và Hương Thủy ca bài bản cổ nhạc nào cũng đúng điệu thức, nghe rất hay.
Thưa quý thính giả, vừa rồi là giọng hát của nữ nghệ sĩ Hương Thủy.
Năm 1991, nữ nghệ sĩ Ngọc Loan Anh giao đoàn hát Kiên Giang 289 cho nghệ sĩ Minh Phương điều khiển, cô về làm việc ở nhà văn hóa Kiên Giang. Nghệ sĩ Minh Phương mang đoàn ra tỉnh Tuy Hòa đăng ký với tên bảng hiệu Đoàn Tiếng Hát Minh Phương. Nữ nghệ sĩ Hương Thủy hát chánh, nổi danh qua các vai Nhạc Linh San tuồng Giọt Tình Cay Đắng, vai Liên Hoa tuồng Máu Nhuộm Bến Đò Xưa, vai Bạch Thiên Nga tuồng Máu Nhuộm Sân Chùa. Khán giả từ kinh thành Huế và các tỉnh lần vô Nam đến Tuy Hòa đều ngợi khen giọng ca và lối diễn xuất của nữ nghệ sĩ Hương Thủy.
Năm 1992, đoàn Tiếng Hát Minh Phương lưu diễn miền Bắc, Hương Thủy không theo đoàn. Khi nghe tin nầy có ba đoàn hát đến tranh nhau ký hợp đồng mời Hương Thủy cộng tác. Đó là đoàn Kim Thanh của ông bầu Phi Bằng, đoàn Cao Vân Lầu của bầu Thanh Tài và đoàn Tiếng Hát Vương Linh của bầu gánh kiêm nghệ sĩ Vương Linh ở Đà Nẳng.
Vì khán giả miền Trung rất ái mộ Hương Thủy nên cô chọn ký hợp đồng hát cho đoàn Tiếng Hát Vương Linh Đà Nẳng. Đoàn có thành phần diễn viên Vương Linh, Hương Thủy, Thanh Thanh Tuấn, Tú Quyên, Linh Thanh, Châu Kiệt, Yến Oanh, Thanh Vân, Diễm Lan, hề Vũ Quốc.
Nữ nghệ sĩ Hương Thủy sáng chói trong vai đào chánh của đoàn Tiếng Hát Vương Linh, qua các vai Bạch Trang Đài tuồng Cuồng Đao Kiếm Khách, vai A Khắc Mỹ Xuyên tuồng Mạc Phong Sơn Đẩm Máu, vai Phương Liên tuồng Tình Yêu Tướng Cướp, vai Mộng Thu tuồng Nữ Sát Tinh, vai Hằng Nga tuồng Thằng Cuội Cung Trăng.
Đến năm 1993, Hương Thủy về cộng tác với đoàn hát Cao Văn Lầu của tỉnh Minh Hải. Đoàn Cao Văn Lầu có các diễn viên Thanh Tài, Thanh Tuấn, Hương Thủy, Ngân Linh, Vương Minh, Nhật Linh, Lan Châu, hề Bảo Chi, các nữ diễn viên Lan Châu, Lan Huệ, Ý Trinh, Tiểu My, Hương Thảo, Hoàng Long. Đóng vai đào chánh trong các tuồng Hồi Trống Kinh Hoàng, Lời Thề Bên Suối, Y Ban và Nàng Tiên. Nữ nghệ sĩ Hương Thủy chinh phục được khán giả hậu giang cũng như đã từng chinh phục khán giả miền Trung qua sắc đẹp sang trọng, lối diễn xuất sắc và giọng ca truyền cảm của Hương Thủy.
Năm 1994, nghệ sĩ kiêm bầu gánh Thanh Tài đưa đoàn Cao Văn Lầu về tỉnh Tiền Giang đăng ký, lấy bảng hiệu đoàn cải lương Tiền Giang, Hương Thủy vẫn được mời làm đào chánh đoàn hát Tiền Giang.
Đoàn cải lương Tiền Giang khai trương bảng hiệu tại rạp Vĩnh Lợi Mỹ Tho vào giữa tháng 4 năm 1994. Đoàn hát gồm có các nghệ sĩ Hương Thủy, kép chánh Chiêu Tuấn, Vương Kiệt, Linh Anh, Linh Kiều, Thanh Dũng, Thanh Tài. Đoàn cải lương có sự cộng tác của Hương Thủy trở thành đoàn cải lương ăn khách nhất ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.
Khi được hỏi vì sao Hương Thủy không ký hợp đồng về hát ở các đoàn hát ở Saigon như đoàn Trần Hữu Trang hay các nhóm nghệ sĩ Thắng Sáng Niềm Tin, Làn Điệu Phương Nam. Hương Thủy trả lời:
Cháu là người ham nghề nên bao giờ cũng muốn học hỏi thêm, mong được thành danh cho vui lòng cha mẹ và bảo đảm được cuộc sống của mình. Về thành phố hát ở nhóm Thắp Sáng Niềm Tin, Làn Điệu Phương Nam, Trần Hữu Trang thì mỗi tháng chỉ diễn được vài suất hát, lại còn phải bon chen, không bảo đảm được sinh kế bằng nghề hát. Theo đoàn tỉnh, tuy có cực khổ nhưng hát ở tỉnh, ở nông thôn, gần gũi khán giả, cháu được khán giả ái mộ, giúp đỡ cháu nhiều nên cháu hát để phục vụ lại khán giả, vừa có dịp hát được nhiều, số thu nhập cũng bảo đảm được cuộc sống và còn giúp đỡ được cho cha mẹ già.
Cháu chỉ mong sao Saigon trở lại cái thời hoàng kim của sân khấu, nếu ở Saigon mà hát được nhiều suất như ở tỉnh thì cháu sẽ về đó hát để gần gũi cha mẹ cháu.
Thưa quý thính giả, chương trình cổ nhạc kết thúc, Nguyễn Phương xin hẹn tái ngộ vào giờ này tuần sau.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét