Như vậy giải Thanh Tâm hoạt động đúng 10 năm. Và cho đến năm Mậu Thân 1968 thì đình chỉ luôn cho tới bấy giờ. Và theo như nhận định của nhiều người, thì giải này sẽ không
bao giờ sống lại bởi hai lý do chính:
1) Tình trạng cải lương ngày một xuống dốc và cho đến ngày nay thì chưa thấy có dấu hiệu nào khôi phục trở lại.
2) Chủ giải là ông Trần Tấn Quốc, tức ký giả Thanh Tâm thì đã qua đời. Khó có ai đủ tư cách đứng lên dựng lại giải.
Sự ra đời của giải Thanh Tâm
Số là thời thập niên 1940-1950 ở Sài Gòn có tờ nhựt báo Tiếng Dội do ông Trần Tấn Quốc làm chủ nhiệm kiêm chủ bút. Sau nhiều năm mở trang kịch trường nói về hoạt động nghệ thuật cải lương, được độc giả yêu thích nghệ thuật sân khấu hoan nghinh và ủng hộ. Báo bán khá chạy, mỗi ngày một tăng, nhờ con số độc giả cải lương phần nhiều là giới nữ mà vốn ít khi đọc báo. Do vậy mà đến năm 1958 ông Quốc nghĩ đến chuyện cần phải có một giải thưởng cho bộ môn nghệ thuật này, bởi lúc ấy trường Quốc Gia Âm Nhạc đã không có lớp dạy về cổ nhạc cải lương, và các cơ quan văn hóa chính quyền cũng chưa chính thức ra một giải thưởng nào về bộ môn nghệ thuật này.Thế là ông Trần Tấn Quốc loan báo trên tờ Tiếng Dội, rằng ông cũng như tờ báo chủ trương một giải thưởng nghệ thuật lấy tên “Thanh Tâm”, tức bút hiệu viết báo của ông. Cái buổi đầu tiên nầy rất đơn giản, ban tổ chức chỉ có mỗi một mình ông Quốc đảm trách, và ban tuyển chọn, tức ban giám khảo cũng chỉ có 5 người: Bà Phùng Há, Năm Châu, Bảy Nhiêu là 3 nghệ sĩ kỳ cựu, ông Trần Tấn Quốc (chủ giải), và ông Nguyễn Hoàng Minh (ông Minh là công chức tham gia ban tuyển chọn với tư cách khán giả ái mộ).
Năm người chấm giải Thanh Tâm 1958 đầu tiên trên đây thì các nghệ sĩ tiền phong Phùng Há, Năm Châu, Bảy Nhiêu và ký giả Trần Tấn Quốc đã qua đời. Riêng ông công chức Nguyễn Hoàng Minh tham gia ban tuyển chọn thì về sau không thấy xuất hiện lần nào nữa.
Năm đầu tiên giải phát cho nữ nghệ sĩ Thanh Nga được tổ chức tại Bồng Lai tửu quán, một nhà hàng Tàu ở ngay trung tâm Thủ Đô Sài Gòn.
Lúc bấy giờ rất nhiều người trong giới báo chí cũng như giới cải lương đã thắc mắc nói rằng phát giải tổ chức ở nhà hàng sang trọng như vậy, ông Quốc lấy tiền đâu để tổ chức chớ, bởi tờ Tiếng Dội đâu phải là tờ báo giàu, thì tiền đâu đãi đằng thiên hạ ở tửu lầu Bồng Lai?
Lúc ấy có nhiều người cố tình tìm hiểu sự việc nhưng chẳng hề có câu trả lời, bởi nếu có ai đó hỏi thì ông Quốc chỉ cười trừ mà thôi chớ chẳng đi vào vấn đề. Cũng có người nói tiền ấy là của đoàn Thanh Minh, nhưng lý lẽ này đã không vững, bởi thời điểm ấy bầu gánh đoàn Thanh Minh là nghệ sĩ Năm Nghĩa bị bệnh trầm kha, thuốc thang mỗi ngày, hát đêm nào đủ tiền phát cho đào kép, công nhân và chủ nợ là mừng rồi.
Đang nợ nần thì có ai đâu tiền vay bạc hỏi thêm để đi làm cái chuyện mà theo quan niệm lúc ấy chẳng có gì thiết thực, người ta chưa có một ý niệm nào về một giải thưởng cho cải lương, giải Thanh Tâm chỉ nổi tiếng ở những năm về sau mà thôi. Bởi vậy sau này có hai lập luận, kẻ thì nói Thanh Nga nổi tiếng nhờ giải Thanh Tâm, người thì bảo giải Thanh Tâm nổi tiếng nhờ Thanh Nga, không biết cái nào đúng. Có người nói rằng cả hai lập luận trên đều đúng vậy!
Như đã nói giải Thanh Tâm 1958 phát cho Thanh Nga ở Bồng Lai tửu quán đã gây bất ngờ cho giới sân khấu cải lương, cho mọi giới, bởi một rừng ký giả các báo tham dự, vì tờ báo nào ở thời điểm đó cũng được giấy mời. Lâu lắm mới có dịp được mời đi ăn cao lâu thì đâu có báo nào bỏ qua. Ngoài ra còn có các cơ quan truyền thông của chính quyền cũng hiện diện như Đài Phát Thanh Sài Gòn và Nha Điện Ảnh đến quay phim (lúc bấy giờ chưa có truyền hình).
Mấy ngày sau đoạn phim quay cảnh giải Thanh Tâm được cho vào cuốn phim Thời Sự Việt Nam, để rồi dân chúng Thủ Đô Sài Gòn và luôn cả các tỉnh trên toàn quốc, từ thành thị đến thôn quê thiên hạ phần đông đều biết rằng Thanh Nga lãnh giải Thanh Tâm.
Điều cần nói rõ thêm là khi xưa, thời Đệ Nhất Cộng Hòa khán giả đi coi chiếu bóng, lúc đèn vừa tắt thì tất cả được yêu cầu đứng lên chào cờ, và kế đó thì phim thời sự được chiếu trước, sau đó mới tới phim chính. Phim thời sự không những được chiếu ở hầu hết các rạp chiếu bóng trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, mà còn được mấy chục xe chiếu bóng lưu động của Ty Thông Tin các tỉnh hằng đêm chạy đến các bãi đất trống ở vùng quê, chiếu miễn phí cho bà con nông thôn xem.
Nhờ được vô cuốn phim thời sự này mà tên tuổi Thanh Nga nổi như cồn (lúc ấy cô mới 17 tuổi), cũng như nhờ vậy mà giải Thanh Tâm được nhiều người biết đến. Do phát giải Thanh Tâm lần đầu tiên quá long trọng, lại tổ chức ở tửu lầu, nên đã gây ấn tượng tốt đẹp cho những người đang hoạt động trong lãnh vực sân khấu cải lương.
Giới thiệu 2 câu vọng cổ dĩa hát “Hồi Chuông Thiên Mụ” do Thanh Nga ca.
Chương trình hôm nay đã hết, xin hẹn lại kỳ tới. Tôi là Ngành Mai xin kính chào tất cả quý thính giả Đài Á Châu Tự Do.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét