Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2017

MAI ĐÌNH, NGƯỜI TÌNH CHUNG THUỶ CỦA HÀN MẶC TỬ


Nhà thơ của trăng, của gió, của sóng gào, của bệnh tật và bất hạnh ấy, trong đời đã có những mối tình thơ, những cái bóng tình nhân ảo mộng đã gợi cho chàng trăm thương ngàn nhớ, để dệt nên những bản tình ca bất hủ, vần điệu còn lưu dấu mãi trên thi đàn, không những thời tiền chiến, mà cả thời đương đại thơ Hàn Mặc Tử vẫn chiếm ngự trong trái tim hàng triệu người yêu thơ...

MAI ĐÌNH, NGƯỜI TÌNH CHUNG THUỶ CỦA HÀN MẶC TỬ

HOÀNG HƯƠNG TRANG

Nhà thơ của trăng, của gió, của sóng gào, của bệnh tật và bất hạnh ấy, trong đời đã có những mối tình thơ, những cái bóng tình nhân ảo mộng đã gợi cho chàng trăm thương ngàn nhớ, để dệt nên những bản tình ca bất hủ, vần điệu còn lưu dấu mãi trên thi đàn, không những thời tiền chiến, mà cả thời đương đại thơ Hàn Mặc Tử vẫn chiếm ngự trong trái tim hàng triệu người yêu thơ.

Đầu tiên là bóng giai nhân Hoàng Cúc, tức Hoàng Thị Kim Cúc, một cô nữ sinh Đồng Khánh Huế đoan trang dung hạnh, Hàn chỉ chiêm ngưỡng từ xa mà chẳng dám ngõ lời từ khi quen biết ở đất Qui Nhơn. Cho đến khi nàng theo cha về nghỉ hưu ở thôn Vĩ Dạ xứ Huế, Hàn mới thấy nhớ nhung mà dệt thành bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ bất hủ đề tặng nàng, "Sao anh không về thăm thôn Vỹ ?" chỉ là lời mời gọi trong thơ của hồn thơ tương tư nàng, Hoàng Cúc vẫn chỉ là cái bống thơ xa vời chưa một lần mời gọi.

Rồi Thương Thương bé bỏng, mà từ đất Qui Nhơn mộng về xứ Huế, Hàn cứ ngỡ là người tình mười tám, đôi mươi, cái bóng thơ trong trẻo Thương Thương đã để lại dấu ấn trong thơ Hàn khá đậm.

Rồi người tình đối diện bằng xương bằng thịt với Hàn, phải kể Mộng Cầm, hai người đã thề non hẹn nước, đã cùng nhau đi chơi bao thắng cảnh, Lầu Ông Hoàng đất Phan Thiết đã từng  in dấu chân hai người. Thế mà… đến lúc nghe tin Hàn vướng bệnh nan y, nàng đã vội lấy chồng, để lại cho chàng biết bao đớn đau tan nát.

Rồi một người con gái khác đã đến với Hàn, lấp đầy khoảng trống vừa qua. Nàng tha thiết, đậm đà, biết Hàn không yêu mình bằng Mộng Cầm, nhưng nàng vẫn yêu Hàn bằng trái tim bỏng cháy. Biết Hàn mắc bệnh nan y, ai cũng tránh xa, nhưng nàng vẫn yêu, vẫn đến giúp đỡ chàng tận tụy, chí tình. Trước đó nàng đang là một cô giáo dạy nữ công ở Sài Gòn, nghe tin Hàn bệnh, nàng đã bỏ tất cả để về Qui Nhơn gặp Hàn. Hơn thế nữa, thực lòng xin Hàn coi mình như một người vợ, một người tình, nàng giúp đỡ Hàn không tiếc công, không tiếc của, bất chấp tất cả lời can gián của gia đình. Hàn cảm vì ơn vì nghĩa nhiều hơn là vì tình, nàng vẫn chấp nhận, đó là Mai Đình, người tình cuối của Hàn.

Cho đến lúc Hàn qua đời, mãi lâu sau, Mai Đình mới "bước đi bước nữa" vì sự ép buộc của gia đình. Nhưng tận cùng trái tim yêu, Mai Đình vẫn tôn thờ Hàn Mặc Tử là người yêu lý tưởng, là người chồng trong mơ ước, là người bạn tình duy nhất của nàng.

Đã có nhiều người hỏi: "Bà đã lấy chồng, có con, có cháu, vẫn thờ người tình, vẫn treo ảnh người tình, thế có phải là ngoại tình không? Và ông nhà không ghen tức sao?".

Mai Đình đã thẳng thắn trả lời: "Lúc tôi lấy chồng đã có giao hẹn, không được ghen với Hàn, phải chấp nhận cho tôi lập bàn thờ Hàn, và phải ghi nhớ Hàn là người yêu lý tưởng của tôi. Có bằng lòng những điều kiện ấy tôi mới chịu lấy ông ta. Chồng tôi đã phóng khoáng, độ lượng chấp nhận, nên suốt mấy chục năm trời, chúng tôi vẫn sống êm thấm, không ai vi phạm lời đã hứa, tôi rất cảm ơn chồng tôi".

Sau ngày đất nước thống nhất (30/4/1975), nữ sĩ Mai Đình từ miền Bắc vào sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Việc đầu tiên là bà trở lại Qui Nhơn, lên tận trại phong Qui Hòa thăm lại nơi Hàn đã dưỡng bệnh, nơi phòng lưu niệm Hàn đã qua đời, thăm lại nơi ngôi mộ cũ của Hàn, và thăm ngôi mộ cải táng ở Gành Ráng (do nhà thơ Quách Tấn phụng lập). Đi đến đâu bà cũng khóc đến lả người. Bà thả bộ dưới những hàng cây trong trại Qui Hòa, thì thầm đọc thơ cho Hàn nghe, tưởng chừng ngày xưa bà đã cùng Hàn đi dạo dưới hàng cây. Bà đã đọc thơ trong hai hàng nước mắt đầm đìa trước mộ Hàn, tưởng chừng trong gió khơi Gành Ráng, Hàn đã bay về nghe thơ Mai Đình đọc trước mộ chàng.

Mai Đình chưa bao giờ che dấu tình cảm của mình với Hàn Mặc Tử. Với bất kỳ ai, ở bất cứ nơi đâu, bà cũng thẳng thắn xác nhận bà yêu Hàn và luôn luôn coi Hàn là người tình trong mộng của bà.
Xưa nay có lẽ hiếm có người tình chung thủy như thế. Ở một thế giới xa vời nào đó, dù đã cách biệt với thế gian, chắc chắn nhà thơ Hàn Mặc Tử cũng vui sướng, tự hào rằng mình đã có một người tình chung thủy là Mai Đình nữ sĩ.

Khoảng ba, bốn năm nay bà dần yếu sức, trí nhớ mất hẳn, bà không còn nhận ra người thân quen đến thăm bà, nói năng không còn kiểm soát được, tuy nhiên nhắc đến Hàn Mặc Tử thì đôi lúc bà như tỉnh táo lại, gọi tên Hàn rất âu yếm, và đọc thơ Hàn như đọc từ cõi tiềm thức xa xăm nào…

Bà qua đời ngày 16 /10/1999, bà ra đi nhẹ nhàng như một vần thơ, hưởng thọ tuổi 83. Người gần gũi nhất là người chồng bằng xương bằng thịt đã hết lòng chăm sóc bà trong những ngày đau yếu cuối đời. Tên thật của bà là Lê Thi Mai, quê gốc ở Thanh Hóa.

                   
Tan Rã
Tặng hương hồn Hàn Mặc Tử
Đã trót hai năm em cố quên
Một hình ảnh cũ một người quen
Mà em tự thấy đời không xứng
Để được cùng người kết lứa duyên

Nhưng em khổ quá vì em tiếc
Cuộc gặp gỡ nhau đã muộn màng
Em đã dấn thân trong gió bụi
Còn mong chi nữa kết uyên ương

Những lời em hứa lúc anh đau
Là giải cho anh bớt khổ sầu
Trong lúc đời anh không thể sống
Nửa hồn thì chết nửa hồn đau

Hôm nay bỗng được tin anh mất
Khắp cả thân em lạnh rồi
Anh chết là hồn em đã chết
Não nùng chi lắm hỡi anh ơi!

Em khấn cùng anh thấu nỗi lòng
Xem tình em có phụ anh không
Tình em đã chết muôn năm trước
Nào có còn đâu để ước mong

Thôi nhé từ đây miền cực lạc
Hồn anh theo với cảnh tiêu diêu
Xác anh vùi lấp trong muôn kiếp
Để lại cho người hận mến yêu

Còn có khi nào nhớ tới nhau
Hồn anh hãy kiếm buổi ban đầu
Một người sắp chết trong tăm tối
Giữa lúc bầu trời vẫn đêm thâu.
                                                            Mai Ðình – 1940
Tìm Kiếm

Ta sẽ nhập hồn ta trong bóng nguyệt
Để bay lên cho đến tận ngàn khơi
Tình cho ra một bóng hình đã chết
Kẻo não nùng đau khổ cả hồn tôi

Lệ Thanh hỡi, Chàng thấu tình chăng hỡi?
Nhớ tới chàng lòng thiếp khổ sầu thay
Buồn hơn nữa trong những đêm mộng mi.
Mộng tan rồi, hồn thiếp cũng xa bay

Khắp trung gian thiếp đã đi tìm kiếm
Mong gặp chàng cho thỏa nỗi nhớ mong
Nhưng chỉ khổ sầu  thêm cho lòng thiếp
Chẳng gặp chàng thiếp đành trở về không

Bao ngày tháng trôi qua rồi đi hẳn
Biết bao giờ chàng mới trở lại đây?
Thiếp chỉ đợi trong một đêm im lặng
Thiếp theo chàng cho thoát nợ trần ai

Bên cõi thế chàng đã yên phận số
Trong giờ này chàng còn nhớ thiếp chăng?
Thiếp đã chết bởi tấm lòng đau khồ
Hận chung tình muôn kiếp vẫn chưa tan

Thiếp nhớ chàng, thiếp nhớ chàng khôn ta
Dẫu muôn ngày thiếp còn ở thế gian
Không phút nào thiếp quên chàng được cả
Một thiên tài đã ngủ giấc bình an

Lời chàng hứa thuở chàng còn bên thiếp
Dẫu không thành nhưng thiếp chẳng hề quên
Thôi từ đây đành ngàn thu vĩnh biệt
Mà bóng chàng thiếp đã khắc trong tim!
Mai Đình - Tháng 6/1941
Ảnh Người Xưa

Tặng hương hồn Hàn Mặc Tử
Cảm đề một buổi chiều chơi biển Quy Nhơn

Ta chỉ yêu thương có một người
Bên bờ cát trắng giữa chơi vơi
Mà nơi ấy chỉ chôn sầu thảm
Đầy vẻ đau thương với ngậm ngùi

Cảnh vật hôm nay trông khác lạ
Mà hồn ta cũng thấy nao nao
À thôi,  người ngọc đà tan mất
Nào thấy yên chi ở chốn nào?

Ảo não ta nhìn tận chốn xa
Trời ơi! Điên một buổi Quy Hoà
Nơi chôn tất cả niềm tâm sự
Để lại cho lòng những thiết tha

Kìa nơi nhà ngói cao cao ngất
Bức tượng Giê-su vẻ thảm sầu
Ta cố tìm ra trên bãi cát
Nấm mồ tưởng tượng của thương đau

Này hỡi thuyền ai ở góc trời
Hãy xin ghé lại chở dùm tôi
Đến bên bãi cát bên hồ ấy
Thêm hộ dùm cho một bóng người     

Tôi đang điên chết vì đau khổ
Trời cướp của tôi một nửa hồn
Giấc mộng năm xưa nào trở lại
Nửa hồn đây nữa, gửi theo luôn

Này kẻ qua đường hãy đứng im
Đừng thêm bước nữa để tôi tìm
Đừng cho mây gió xôn xao quá
Mà bóng người yêu phải đắm chìm

Trong mây như dấu hình ai đó
Có phải hình người mất đã lâu?
Hơn một năm trời tôi vẫn kiếm
Nhưng chưa hề gặp phút nào đâu…

Này thôi mây gió
Rung chuyển đi nào
Hình người rơi xuống
Ta hớp hình vào trong đáy hồn ta
A ha! A ha!
Ta là Tiên Nga
Được thu tất cả sơn hà
Vào lòng vào mắt vào xa tận trời
Lệ Thanh ơi! Lệ Thanh ơi!
Anh đã chết rồi
Nhưng anh chỉ chết với người
Với em anh vẫn sống hoài ngàn năm!

6/9/1941- Mai Đình

0 nhận xét:

Đăng nhận xét