Success is the ability to go from one failure to another with no loss of enthusiasm. Thành công là khả năng đi từ thất bại này đến thất bại khác mà không mất đi nhiệt huyết (Winston Churchill ). Khi người giàu ăn cắp, người ta bảo anh ta nhầm lẫn, khi người nghèo ăn cắp, người ta bảo anh ta ăn cắp. Tục ngữ IRan. Tiền thì có nghĩa lý gì nếu nó không thể mua hạnh phúc? Agatha Christie. Lý tưởng của đời tôi là làm những việc rất nhỏ mọn với một trái tim thật rộng lớn. Maggy. Tính ghen ghét làm mất đi sức mạnh của con người. Tục ngữ Nga. Men are born to succeed, not to fail. Con người sinh ra để thành công, không phải để thất bại. Henry David Thoreau. Thomas Paine đã viết: Bất lương không phải là TIN hay KHÔNG TIN. Mà bất lương là khi xác nhận rằng mình tin vào một việc mà thực sự mình không tin .

Chủ Nhật, 22 tháng 10, 2017

Người đẹp Bình Dương có liên hệ gì đến tỉnh Bình Dương?

Nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng.
Nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng.
File photo

Không xuất thân ở Bình Dương

Kể từ giữa thập niên 1950 cho đến sau này, khán giả hâm mộ hát bóng, cũng như rất nhiều người trong mọi giới đã không lạ gì với cái tên Thẩm Thúy Hằng, và người đời cũng đặt biệt danh cho nàng là người đẹp Bình Dương. Mới nghe qua thiên hạ tưởng đâu rằng Thẩm Thúy Hằng nếu không xuất thân ở tỉnh Bình Dương thì cũng có liên hệ gì đó đến cái đất địa cách Sài Gòn khoảng hơn 30 cây số về hướng Bắc, trừ phi những người từng biết căn cội của người nữ tài tử điện ảnh nổi tiếng là đẹp này.
Kể ra thì bên lãnh vực điện ảnh cũng có rất nhiều nữ tài tử, và luôn cả những người nổi tiếng, đóng nhiều phim Việt Nam, phim ngoại quốc, nhưng lại không có biệt danh, trừ trường hợp kỳ nữ Kim Cương đã sẵn có biệt danh bên địa hạt sân khấu từ lâu, ngoài ra chẳng thấy ai hết. Tóm lại trong làng điện ảnh chỉ duy nhứt Thẩm Thúy Hằng là có cái biệt danh “người đẹp Bình Dương”, một mỹ từ mà có lẽ không một người nữ nào lại chẳng muốn.
Thế nhưng, số đông thiên hạ đâu có biết Thẩm Thúy Hằng chẳng có liên hệ dính dáng gì đến vùng đất nổi tiếng có nhiều trái cây, sầu riêng măng cụt, chôm chôm như Lái Thiêu, hoặc là có nhiều đồn điền cao su như Lai Khê, Bến Cát của tỉnh Thủ Dầu Một, tức Bình Dương. Như vậy do đâu mà Thẩm Thúy Hằng lại mang biệt danh “người đẹp Bình Dương”?
Thật ra thì chẳng có mấy ai lại bỏ công tìm hiểu làm chi vấn đề “bao đồng” như thế, có ích lợi gì đâu chớ, mà chỉ những người hâm mộ nghệ thuật, muốn lưu lại cho thế hệ sau về lịch sử sân khấu, màn ảnh, cũng như sự thăng trầm ba chìm bảy nổi các bộ môn nghệ thuật nước nhà thì mới tìm hiểu ghi lại thành tài liệu lịch sử cho sau này.
Theo như tôi tìm hiểu thì nữ mình tinh Thẩm Thúy Hằng sinh quán ở miền Tây, tỉnh Long Xuyên, lên Sài Gòn đang học lớp Đệ Tứ ở trường Huỳnh Thị Ngà thì được hãng phim Mỹ Vân tuyển chọn đóng vai chánh cuốn phim có tên “Người Đẹp Bình Dương” để rồi sau đó người ta dùng nhân vật chính và địa danh trong cuốn phim để đặt biệt danh cho nàng. Có điều là Bình Dương trong cuốn phim kia lại không phải là Thủ Dầu Một, một trong 20 tỉnh của Nam Kỳ Việt Nam, mà là một địa danh ở... bên Tàu.
Năm 1957 nghệ sĩ Năm Châu, tức soạn giả Nguyễn Thành Châu hợp tác với hãng phim Mỹ Vân, đã dựa vào câu chuyện trong một cuốn sách của Tàu viết kịch bản cho phim, và dùng địa danh cùng nhân vật nữ chánh đặt tựa cho phim “Người Đẹp Bình Dương”. Đây là cuốn phim đầu tiên của minh tinh Thẩm Thúy Hằng, đã đưa nàng lên đài danh vọng, lại đồng thời được khán giả, thiên hạ đặt cho cái biệt danh nghe rất dễ thương.
tham_thuy_hang_250.jpg
Nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng. File photo. Photo: RFA
Vấn đề này về sau một ký giả kịch trường có hỏi Năm Châu tại sao lại lấy tên phim là Người Đẹp Bình Dương, để cho thiên hạ lầm lẫn với Bình Dương Thủ Dầu Một? Năm Châu trả lời, lúc ấy thời Đệ Nhứt Cộng Hòa, ông viết truyện phim dựa vào câu chuyện nhân gian bên Tàu, và lúc quay cuốn phim “Người Đẹp Bình Dương thì tỉnh Thủ Dầu Một chưa đổi tên. Thế nhưng, khi phim kiểm duyệt xong ra mắt khán giả, thì lại đúng vào lúc có sắc lệnh của chính phủ đổi tên nhiều tỉnh chứ không riêng gì Thủ Dầu Một. Thấy cũng chẳng hại gì, thì thôi để vậy luôn.
Cũng cần biết thêm lúc tỉnh Thủ Dầu Một đổi tên, thì cùng lúc nhiều tỉnh khác cũng đổi tên mới như: Bà Rịa đổi tên Phước Tuy, Cần Thơ đổi tên Phong Dinh, Long Xuyên mang tên mới An Giang, và Vĩnh Bình thì tên mới của Trà Vinh... Còn các tỉnh vẫn giữ nguyên tên cũ là Biên Hòa, Tây Ninh, Gia Định...
Vào thời thập niên 1950 phim Việt Nam rất hiếm, lâu lâu mới có một cuốn phim Việt ra đời, nên rất được khán giả ủng hộ. Lúc bấy giờ đối với khán giả bình dân thì phim Việt dù dở cũng thành hay, do bởi người ta nghe được tiếng nói, thay vì phải đọc phụ đề Việt ngữ của các phim ngoại quốc mà đa số người coi đã không đọc kịp.

“Đẹp như Thẩm Thúy Hằng”

Cái may mắn của nữ tài tử Thẩm Thúy Hằng thì ngoài việc gia nhập làng điện ảnh ở thời kỳ mà phim Việt Nam rất hiếm, lại cũng chẳng phải tranh đua tài nghệ với ai. Ngoài ra cô còn có sắc đẹp lộng lẫy mà hầu như khán giả nào cũng công nhận, bởi nếu như người ta muốn khen một cô gái đẹp nào đó là thường hay nói “đẹp như Thẩm Thúy Hằng” vậy!
Thời gian làm tài tử cho nhiều hãng phim, người ta chỉ thấy Thẩm Thúy Hằng đóng cặp với nam tài tử cùng nghề, nhưng đến khi làm chủ hãng Việt Nam Film thì người đẹp Bình Dương nhắm vào thương mại nhiều hơn, và cô đã nhờ soạn giả Năm Châu viết cho kịch bản cuốn phim “Chiều Kỷ Niệm”, đồng thời mời kép cải lương Thanh Tú đóng cặp với cô.
Dạo đó các nhà làm phim không biết bắt mạch từ đâu mà lại ùn ùn chạy đi tìm đào kép cải lương tên tuổi mời về đóng phim, mà lại còn giao cho các vai trò nòng cốt, khiến cho các tài tử chuyên nghiệp mặc nhiên xuống giá, nếu không muốn thất nghiệp thì phải bằng long chấp nhận đứng chung sân quay với đào kép cải lương và chịu lãnh vai trò thấp hơn.
Thực trạng trên đã gây bất mãn cho một số tài tử điện ảnh chuyên nghiệp, và trong lúc cuốn phim còn đang quay thì họ tung tin rằng đào kép cải lương đóng phim “rất ư là cải lương”, hoặc loan truyền rằng ai đó cho biết cải lương bị chết đứng rồi, giờ đây chạy sang điện ảnh làm sao khá nổi chớ!
Riêng Thẩm Thúy Hằng trong lúc đang quay cuốn phim “Chiều Kỷ Niệm”, mà tài tử chánh là kép Thanh Tú đóng cặp với cô, thì có người hỏi ngay rằng:
“Tại sao lại chọn kép cải lương cho đóng phim mà lại là vai chánh nữa, bộ không sợ mất tiếng hãng phim hay
sao?”
Thẩm Thúy Hằng trả lời:
“Lấy tiếng cũng phải lấy tiền chớ!”
tth-250.jpg
Nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng cùng chồng là TS Nguyễn Xuân Oánh. File photo. Photo: RFA
Rồi cô còn nói thêm rằng đào kép cải lương tên tuổi đương nhiên họ có một số khán giả, giờ đây họ đóng phim tức nhiên số khán giả từng ái mộ họ sẽ mua vé đi coi. Sản xuất phim là làm thương mại rồi, cái tiếng rất cần nhưng tiền cần hơn!
Thế là người hỏi đành chịu thua thôi, và đào kép bên cải lương ào ạt nhảy vào lãnh vực điện ảnh, thao túng sàn quay, khiến cho một số tài tử bên điện ảnh chịu thất nghiệp, bởi các vai nòng cốt bị cải lương nắm hết. Những người bỏ tiền ra làm phim như Thẩm Thúy Hằng mời Thanh Tú cộng tác, cũng như Cosunam mời Thanh Nga là họ đã nhắm vào con số khán giả cải lương đông đảo từng ủng hộ thần tượng của họ.
Người ta nói làm nghệ thuật điện ảnh không nên lầm lẫn với cải lương, ai mà không đồng ý như vậy chớ, nhưng đâu có ai bỏ tiền ra làm nghệ thuật mà lại chẳng muốn cơ lợi vào. Lấy tiếng đã đành nhưng cũng phải lấy tiền nữa, vì lẽ đó nên Thẩm Thúy Hằng không thể bỏ qua được Thanh Tú, Phùng Há, Năm Châu, Kim Cúc, dầu những người này lên màn ảnh họ vẫn còn các điệu bộ của sân khấu, như người ta đã xem qua phim “Chiều Kỷ Niệm”. Ấy thế mà phim này Thẩm Thúy Hằng đã lời trên 10 triệu bạc, trong vòng tuần lễ đầu trình chiếu ra mắt tại hai rạp ở Thủ Đô Sài Gòn. Tại sao? Vì phim “lô canh” mà không được khán giả bình dân ủng hộ thì chết đi một cửa tứ. Phim của Thẩm Thúy Hằng mà lời được là do phần lớn khán giả cải lương ào tới xem coi thần tượng sân khấu của họ lên màn ảnh ra sao. Họ chẳng cần biết tên của Huy Cường, của Đoàn Châu Mậu, của Tony Hiếu là ai cả!
Và đến Kim Cương cũng thế, quay cuốn phim “Mưa Trong Bình Minh” kỳ nữ đã mời cải lương chi bảo Bạch Tuyết về giao vai chánh, và hãng thì lấy tên Kim Cương. Như vậy khán giả thoại kịch, cải lương, truyền hình và điện ảnh cùng đi coi phim chớ không hề phân biệt là bên nào, phía nào. Kỳ nữ xuất thân từ cải lương nên biết rõ khán giả của môn nghệ thuật này đông đảo hơn bất cứ môn nào, do đó mà làm ăn khá tậu khách sạn ở Vĩnh Long, mua xe hơi, biệt thự... Có cái nhìn thực tế như vậy mới làm giàu.
Sau 1975, Thẩm Thúy Hằng vẫn tiếp tục đóng phim, đóng kịch, nhưng rồi lại vắng mặt một thời gian khá dài. Mãi đến năm 1990 mới xuất hiện trở lại cho biết là sẽ cộng tác với hãng phim Ấn Độ, vì cô muốn đi đến đất Phật. Muốn theo chân Đường Tăng đến đất Phật, vừa đóng phim vừa đi thăm những nơi nào mà Đường Tăng đã đi qua, nơi nào ông đến thỉnh kinh, và cô cũng muốn tự mình tìm học những kinh Phật nào mà cô chưa biết đến.
Ngoài ra hãng phim Ấn Độ còn hứa sẽ thỏa mãn yêu cầu của cô là đi thăm viếng ở bất cứ nơi nào trên đất Ấn Độ còn dấu tích của Phật Thích Ca như Cội Bồ Đề, Vườn Trúc Lâm, Kỳ Viên Tự, những vùng thánh địa...
Được biết nữ nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng là người thuộc khá nhiều kinh Phật, và cô đã nuôi mộng “theo chân Đường Tăng” đi Ấn Độ từ nhiều năm, chứ không phải đợi đến khi xem bộ phim Tây Du Ký rồi mới muốn đến đất Phật. Sự hứa hẹn đáp ứng yêu cầu của hãng phim Ấn Độ, khiến cô rất vui mừng, sẽ thực hiện được ước mơ... theo chân Đường Tăng đi Ấn Độ!
Nữ nghệ sĩ Thẩm Thúy Hằng còn cho biết trong phim Tây Du Ký. Tề Thiên Đại Thánh đã cân đẩu vân rất nhanh, nhưng là nhanh đối với phương tiện cổ điển ngày xưa, chớ bây giờ cô ngồi máy bay phản lực bay một vèo là đến đất Phật, có lẽ Tề Thiên Đại Thánh cũng khó nhanh hơn...
Có điều là khi xưa Đường Tăng đến Ấn Độ rồi thành Phật Bồ Tát, còn Thẩm Thúy Hằng thì chưa thành Phật, mà về nước tiếp tục sống với ông Nguyễn Xuân Oánh cho đến ngày ông qua đời. Và người ta không biết người đẹp Bình Dương khi về già ra sao...?

0 nhận xét:

Đăng nhận xét