Thứ Ba, 15 tháng 3, 2016
Bài học về phát triển từ Mexico
12:58
Hoàng Phong Nhã
No comments
Nguồn: “The two Mexicos”, The Economist, 19/09/2015.
Biên dịch: Đặng Tấn Phước Hiệu đính: Phạm Trang Nhung
Là sự kết hợp của cả tính hiện đại và sự nghèo đói, Mexico mang lại nhiều bài học cho tất cả các thị trường mới nổi.
“Trong quá trình thiết lập chế độ pháp quyền, năm trăm năm đầu tiên luôn là khó khăn nhất.” Câu nói trên của cựu thủ tướng Anh Gordon Brown dường như không chỉ quá cứng nhắc, mà có vẻ còn không chính xác trong suốt 2 thập niên qua. Được khích lệ bởi (thực tiễn của) Trung Quốc, với tăng trưởng thương mại và thu hút dòng vốn nước ngoài, với vấn đề tầng lớp trung lưu mới và cả tỉ người ở dưới đáy xã hội, người ta dễ dàng quên đi thực tiễn từ xa xưa rằng việc biến các nước nghèo thành các nước giàu khó như thế nào. Và người ta hồ hởi nhận định: các thị trường mới nổi chắc chắn sẽ tiếp bước Hàn Quốc hoặc Đài Loan trên con đường làm giàu.
Gần đây, quan điểm phát triển đó đã suy yếu, cùng với tốc độ tăng trưởng của các thị trường mới nổi. Trung Quốc, đầu tàu mà nhiều quốc gia đang bám vào, đang giảm tốc. Nga, Nam Phi và Brazil đang cài số lùi. Đồng tiền của các nước này mất giá theo mỗi lần sụt giá hàng hóa cơ bản. Chúng sẽ còn yếu hơn nữa nếu Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp sẽ kết thúc sau khi bài này được xuất bản. Thương mại đang tăng chậm hơn GDP toàn cầu, và xu hướng này có vẻ sẽ không sớm đảo chiều. Tất cả những điều này càng cho ta thấy quỹ đạo mà những con hổ Đông Á đã đi chỉ là trường hợp ngoại lệ mà thôi.
Một mô hình phát triển thực tế hơn là Mexico, một quốc gia đã biến những lợi thế đáng kể của mình thành một vài khu vực hiện đại nhưng lại thất bại thảm hại trong việc xóa bỏ nạn đói nghèo trên phạm vi toàn quốc. Nhiều người thất vọng về sai lầm của một vài chính sách cụ thể. Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy những khó khăn mà các quốc gia mới nổi phải đối mặt.
Song tấu một mình
Mexico hiện có rất nhiều lợi thế. Nền kinh tế có quan hệ mật thiết với Mỹ hơn là với Trung Quốc: kim ngạch xuất khẩu trong một tuần của nước này sang thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới lớn hơn kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc trong một năm. Từng phụ thuộc vào dầu mỏ, giờ Mexico có nền tảng công nghiệp lớn và tinh vi hơn bất cứ quốc gia Mỹ Latinh nào, xuất khẩu xe hơi chỉ đứng sau Đức, Nhật và Hàn Quốc. Trong 2 thập niên qua, việc quản lý kinh tế vĩ mô của Mexico chính thống đến hoàn hảo. Gần đây, nước này đã mở cửa ngành dầu khí cho đầu tư tư nhân và tìm cách giải quyết vấn đề độc quyền tư nhân. Mexico còn có một tầng lớp trung lưu đầy sức sống ngày càng giàu có và một hành lang công nghiệp chạy từ biên giới với Mỹ tới Mexico City. Hệ thống chính trị về cơ bản cũng ổn định.
Tuy vậy, sau nhiều thập niên cải cách- lúc nửa vời, lúc toàn lực- Mexico vẫn thất bại trong việc thu hẹp khoảng cách giữa một nhóm thiểu số đã kết nối với toàn cầu và nhóm đa số sống trong tình cảnh mà tổng thống Enrique Peña Nieto thừa nhận là “lạc hậu và nghèo đói”. Từ năm 1994, khi Mexico gia nhập Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, thu nhập bình quân đầu người chỉ tăng trung bình 1% mỗi năm. Khoảng một nửa dân số vẫn mắc kẹt trong nghèo khổ, một phần tư có nguy cơ quay trở lại cảnh bần hàn. Tình trạng không tôn trọng pháp luật, tham nhũng và mẫu thuẫn lợi ích tràn lan trong giới cảnh sát, tòa án và chính trị gia vốn được cho là phải chăm lo cho những người ở ngoài lề xã hội.
Tính hai mặt của tình hình ở Mexico chỉ ra rằng có chính sách kinh tế vĩ mô hợp lý là cần thiết để thành công, nhưng chỉ vậy là chưa đủ. Những khó khăn nước này đang phải đương đầu chính là một hồi chuông cảnh báo. Bài học đầu tiên và dễ học nhất, là vai trò trung tâm của đô thị hóa. Các thành phố mang lại cho người dân những cơ hội phát đạt không thể tìm thấy ở thôn quê: ở châu Á, mỗi ngày có khoảng 120.000 người di cư tới các thành phố. Nhưng nếu những thành phố này không thể cung cấp phương tiện giao thông, năng lượng, vệ sinh và an ninh, chúng sẽ không thể phát huy được tiềm năng kinh tế. Bạo lực, tội phạm liên quan tới ma túy đeo bám các khu dân cư tồi tàn ở các thành phố của Mexico. Ở Nam Phi, việc thiếu các phương tiện giao thông công cộng buộc cư dân các khu ổ chuột phải đi làm bằng dịch vụ xe taxi kiểu minibus đắt đỏ. Các thành phố ở Pakistan và Phillipines thường xuyên chịu cảnh mất điện. Các khu ổ chuột nên là ưu tiên của bất cứ chính trị gia theo chủ trương hiện đại hóa nào. Đó là nơi nhiều người sống nhất, và cũng là nơi công việc, trường học và công nghệ nằm gần tầm tay nhất.
Đường bộ và đường sắt
Thứ hai là tầm quan trọng của cơ sở hạ tầng cả trong và ngoài thành phố. Rất nhiều nền tảng cho nền kinh tế Mexico hiện đại đã được lập nên từ một thế kỷ trước, dưới dạng đường bộ và đường sắt, kết nối trung tâm công nghiệp với các cảng biển và biên giới phía bắc. Điều này khiến nhiều vùng đất trong quốc gia này thiếu kết nối. Tập trung hóa tạo ra những điều kỳ cục: các khu nghỉ mát ven biển thường mua hải sản từ chợ buôn sỉ cách xa bờ biển hàng trăm dặm ở Mexico City. Tuy nhiên, việc nối kết các vùng trong một quốc gia không dễ dàng. Cần có những nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm và các chính trị gia sẵng sàng thay đổi nguyên trạng. Ví dụ như tại Ấn Độ, các tranh chấp về đất đai và sự khan hiếm nguồn tài chính dài hạn đã cản trở các kế hoạch cho các dự án cơ sở hạ tầng lớn.
Bài học thứ ba từ Mexico là nhu cầu đưa nền kinh tế không chính thức ra ánh sáng. Các công ty nhỏ và chưa đăng ký là nhóm cung cấp công việc cho hầu hết lực lượng lao động, nhưng lại bị các ngân hàng ghẻ lạnh và suốt ngày tìm cách trốn thuế. Điều này hút cạn nhựa sống của nền kinh tế. Trong một thập niên rưỡi vừa qua, trong khi năng suất của các công ty lớn nhất ở Mexico tăng 5,8% một năm thì năng suất của các công ty nhỏ nhất lại sụt 6,5% một năm. Điều này rất phổ biến ở các cửa hàng tạp hóa nhỏ ở Mexico, nơi mà bánh tacos được làm và bán ở tất cả các điểm dừng xe buýt, cũng như ở các hàng quán tại Ấn Độ, nơi mà chỉ 2% doanh số bán lẻ đồ ăn và tạp hóa nằm trong khu vực chính thức. Hóa đơn điện tử, thứ sẽ tạo ra các dấu vết điện tử cho sở thuế, và dịch vụ ngân hàng trên điện thoại di động, cái đưa người nghèo ra khỏi nền kinh tế tiền mặt, đều là những biện pháp đầy hứa hẹn.
Tuy nhiên, sự hiện diện ở khắp mọi nơi của các công ty chìm cũng chỉ ra bài học cuối cùng- sự thiếu tin cậy có tác hại ăn mòn. Nếu thiếu các đạo luật và các hợp đồng có thể thực thi, hoặc nếu không có các dịch vụ công khiến người dân thấy đóng thuế là hợp lý và một tổ chức chính trị phục vụ cho lợi ích quốc gia, thì thể chế duy nhất mà mọi người có thể dựa vào chỉ còn gia đình. Như ông Brown đã gợi ý, sẽ mất hàng thế hệ để gây dựng những thể chế cho phép người dân tin vào những giao dịch độc lập. Tuy nhiên điều đó không phải là bất khả thi. Điển hình là niềm tin người ta đặt vào ngân hàng trung ương Mexico và Brazil, hay hệ thống thuế ở Nam Phi hiện nay.
Kể cả nhà cải cách táo bạo nhất cũng không thể giải quyết tất cả những vấn đề này trong một sớm một chiều. Vấn đề hai Mexico mang đến một thông điệp ảm đạm hơn: ngoại trừ một số ít quốc gia, con đường đi tới thịnh vượng của các nước sẽ dài lâu và khó khăn. Tuy vậy những thành công của Mexico cũng cho ta thấy rằng con đường đó thực sự tồn tại. Dù cho thành quả phải được đo bằng nhiều thập kỷ, sự kiên trì cuối cũng sẽ cho ra quả ngọt./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét