Spotlight có 6 đề cử quan trọng tại Oscar 2016. Phim cũng mới có chiến thắng vang dội tại giải thưởng điện ảnh Tinh thần Độc lập năm nay. Ảnh: Open Road Films |
Điều gì đã khiến tờ Boston Globe quyết định điều tra nạn lạm dụng tình dục trẻ em trong giới Nhà thờ Công giáo La Mã tại Boston, Mỹ?
Cuối tháng 7/2001, biên tập viên Marty Baron của tờ báo (do Liev Schreiber thể hiện trong phim) đã kiên quyết tìm hiểu sâu hơn về những án kiện một tu sĩ tham gia lạm dụng tình dục được nhắc đến trong mục của nhà báo Eileen McNamara. Khi ấy, ông mới chuyển từ tờ Miami Herald đến công tác tại Boston Globe. Sau khi biết rằng tòa án đã niêm phong tài liệu xét xử để giữ kín thông tin cá nhân của vị tu sĩ, Baron càng quyết tâm đưa sự thật ra ánh sáng.
Hình ảnh biên tập viên Marty Baron trên phim do hôn phu của Naomi Watts thể hiện và ở ngoài đời thực. Ảnh: HistoryvsHollywood |
Sau khi tìm được thông tin, Marty Baron chỉ đạo đội phóng viên điều tra mang tên Spotlight theo sát vị cha xứ John Geoghan, kẻ đã lạm dụng nhiều giáo dân trẻ tuổi và bắt họ giữ bí mật trong suốt 30 năm trời. Song, Geoghan thực chất mới chỉ là phần nổi của tảng băng.
Bao nhiêu vị mục sư đã bị nhóm Spotlight phát hiện có nhiều năm dính líu tới nạn lạm dụng tình dục tại Boston?
“Khi đó rất nhiều, rất nhiều mục sư khác, khoảng 15 đến 20 người đã phạm tội tương tự”, Walter Robinson tiết lộ. “Nhưng Toà Giám mục đã che giấu tội ác của họ bằng những thoả thuận bí mật. Đến cuối cuộc điều tra, chúng tôi biết được có gần 250 mục sư ở Boston đã lạm dụng tình dục trẻ em suốt nhiều thập kỷ”. Nhà thờ đã thuyên chuyển nhiều tăng lữ sang các giáo phận khác để tránh bị chính quyền phát hiện.
Có đúng là một vị mục sư đã thú tội với Sacha Pfeiffer?
Giống như trong phim, Ronald H. Paquin đã thú nhận với phóng viên Sacha Pfeiffer (do Rachel McAdams thể hiện) về việc lạm dụng các bé trai ở hai giáo xứ cho đến năm 1989, tức một năm trước khi hắn bị Toà Giám mục cách chức.
Rachel McAdams bên cạnh nữ phóng viên Sacha Pfeiffer, người mà cô thể hiện trong bộ phim Spotlight. Ảnh: HistoryvsHollywood |
Nhà thờ Công giáo ở Boston có thực sự quyền lực như bộ phim miêu tả không?
Walter Robinson ngoài đời đã chứng thực về quyền lực chính trị to lớn của nhà thờ nơi đây. Ông tiết lộ: “Họ luôn gây áp lực với những cơ quan báo chí như tờ The Boston Globe. Bạn luôn phải rất, rất cẩn thận bởi sức mạnh của nhà thờ là cực kỳ khó lường. Chúng tôi gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận các tài liệu liên quan”.
Hồng y Giáo chủ của Boston là Sean P. O’Malley, người lên nắm quyền năm 2003 sau vị tiền nhiệm đáng xấu hổ Bernard F. Law, cho rằng Spotlight đã miêu tả “quãng thời gian vô cùng đau đớn” trong lịch sử nhà thờ. Chuỗi phóng sự hồi đầu thế kỷ từng khiến họ “phải xử lý những điều nhục nhã bị giấu kín.” Một phát ngôn viên của O’Malley cho biết ngài tổng giám mục không ngăn cản mọi người theo dõi bộ phim.
Vị Hồng y Giáo chủ cũng nhấn mạnh cam kết sẽ xoá sổ những mục sư phạm tội ra khỏi nhà thờ. Ông phát biểu: “Toà Giám mục Boston cam đoan sẽ không tha thứ cho bất cứ vụ lạm dụng trẻ em nào nữa”.
Tỷ lệ lạm dụng tình dục trong giới Nhà thờ Công giáo có cao hơn trong xã hội không?
Câu trả lời là không. Tỷ lệ nạn ấu dâm trong các Nhà thờ Công giáo là khoảng 6% vào năm 2002, tương đương với tỷ lệ bên ngoài xã hội như được nhắc tới trong phim. Song, những cố gắng che đậy của một số thành viên trong giới tăng lữ khiến sự việc thêm phần bi kịch.
Đúng vậy. Đội ngũ biên kịch nhận ra rằng nếu để một trong số các nhân vật phóng viên mang niềm tin tôn giáo sẽ giúp bộ phim trở nên kịch tính hơn. Nhưng trên thực tế, không ai trong nhóm Spotlight sùng đạo cả.
Tất cả các phóng viên điều tra đều theo Công giáo nhưng không đi lễ. Sau cuộc điều tra năm 2001, một số phóng viên cảm thấy không thể quay lại với tôn giáo nữa, như Walter Robinson cho biết: “Khi ấy, tôi là con chiên nhưng không đi nhà thờ. Còn hiện tại, tôi hoàn toàn cách xa tôn giáo”.
Michael Keaton bên cạnh Walter Robinson - trưởng nhóm phóng viên Spotlight ở ngoài đời thực. Ảnh: HistoryvsHollywood |
Nhóm phóng viên Spotlight ngoài đời đã phỏng vấn khoảng 30-40 nạn nhân trong quá trình điều tra, và những buổi phỏng vấn ấy đều gây tác động rất mạnh đến tâm tư người làm báo. Khi câu chuyện được nhắc tới trong những buổi đi lễ đầu năm 2002, nhiều nạn nhân khác đã ra mặt bởi họ cảm thấy mình không còn cô đơn.
“Trong vòng hai tháng, chúng tôi nhận được những cuộc gọi từ hơn 300 nạn nhân chỉ trong giáo phận Boston”, Robinson hồi tưởng. Họ đều là nạn nhân trong quá khứ và từng không dám nói ra sự thật vì quá sợ hãi.
Nhà thờ Công giáo đã cách chức những giám mục che đậy tội ác chưa?
Mặc dù biên tập viên Marty Baron khá hài lòng với những động thái ý nghĩa từ phía nhà thờ, nhưng ông vẫn cho rằng họ đã mất quá nhiều thời gian trước khi chỉ định một toà án để xử lý các giám mục tham gia bao che cho những tên mục sư lạm dụng trẻ em trong giáo khu của mình.
“Đã 14 năm trôi qua, chuyện này lẽ ra phải được quyết định từ lâu lắm rồi”, Baron phát biểu khi nói về quyết định chỉ định toà án hồi mùa hè 2015. “Rõ ràng đây là vấn đề mà nhà thờ vẫn đang cố ghìm lại”.
Thể hiện phóng viên
Michael Rezendes trên màn ảnh, Mark Ruffalo nhận đề cử Nam diễn viên phụ xuất sắc tại Oscar 2016. Ảnh: HistoryvsHollywood |
Ngoài đời thực, đội ngũ Spotlight đã nhận giải thưởng Pulitzer cao quý vào năm 2003 cho hàng loạt những bài báo về bê bối lạm dụng tình dục trẻ em tại các nhà thờ Công giáo, cũng như việc bao che có hệ thống cho những tội ác ấy.
Những phóng viên và biên tập viên tham gia cuộc điều tra có góp phần thực hiện bộ phim không?
Tất nhiên là có. Đạo diễn kiêm biên kịch của Spotlight là Tom McCarthy cho biết: “Chúng tôi phỏng vấn từng người trong số họ về những thời điểm giống nhau, để so sánh câu chuyện đã xảy ra từ 11 năm trước. Những gì trong phim được kể từ lời của họ, của chúng tôi, hoặc cả hai. Các phóng viên và biên tập viên ấy đều đã đọc tất cả những bản thảo được chúng tôi gửi tới”.
“Dĩ nhiên tôi rất lo lắng khi ý tưởng làm phim được đưa ra”, nữ phóng viên Sacha Pfeiffer ngoài đời thổ lộ. “Nhưng kịch bản theo rất sát những gì đã diễn ra, và có rất ít chi tiết bị thay đổi. Nên tôi nghĩ họ đã tạo ra một câu chuyện chân thực, đúng với lịch sử, và tôi rất trân trọng điều đó”.
01 tháng 5, 2010 |
Đức Giáo Hoàng Benedict XVI là một nhân vât quyền cao, chức trọng, ở vị thế tột đỉnh trong Giáo Hội La Mã. Tuy nhiên, trong tình cảnh hiện nay của Đức Thánh Cha, có lẽ chẳng có mấy người mong muốn được như Ngài. Giáo Hoàng đã 82 tuổi, là cái tuổi nhiều người đã qua, và đông hơn gấp bội người sẽ đến, nhưng đã qua hay chưa đến thì chẳng ai thú vị lắm cái tuổi mà sức khỏe thì suy yếu rõ rệt, sự minh mẫn đã giảm nhiều, chẳng có gì để làm và cũng chẳng làm được gì. Sự thư nhàn của tuổi già không đẩy lui được nỗi bất an canh cánh bên lòng khi nghĩ đến một mai này khi Ngài đến bờ. Như thế mà Giáo Hoàng đang không thể ngồi yên được. Ngài đang đứng trước những câu hỏi mà dư luận thúc bách Ngài phải lên tiếng trả lời trực tiếp. Chưa kể những việc mà Ngài phải làm cho đúng với trách nhiệm của người chủ chăn đối với cả tỉ rưỡi con chiên.
Ái Nhĩ Lan chỉ là “quê hương” của những ông cha ấu dâm, tai tiếng đang lan tràn khắp châu Âu. Cũng được nói đến nhiều là nước Áo, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ. Được bàn tán và gây xôn xao dư luận nhất là tình hình ở Đức, không chỉ vì đó là quê hương của Giáo Hoàng, mà vì chỉ trong ba tháng qua đã có hơn 160 người đứng ra tố cáo. Thủ tướng Đức Angela Merkel không giữ im lặng trong vụ này. Lên tiếng trước Quốc Hội, Bà đã yêu cầu phải có một tổng kết đầy đủ các vụ lạm dụng tình dục của các ông cha. Bà Merkel gọi đó là một “tội ác kinh tởm”. Tính ra có đến hơn 200 vụ người ta đã biết, có những vụ cách đây đến cả 50 năm. Bà Bộ trưởng Tư pháp Sabine Leutheusser-Schnarrenberger đã tố cáo Giáo hội của Đức đã “dựng lên một bức tượng bưng bít” thay vì công khai báo cáo những vụ lạm dụng này.
Ở Brazil, nơi dân số theo đạo Thiên Chúa đông nhất thế giới, người ta cũng đang làm ầm ĩ vụ một ông cha bị thu hình video mà không hay khi cha đang làm tình với một thanh niên đồng tính. Đoạn phim ngắn này đưọc đưa lên truyền hình của nước này, hấp dẫn hơn bất cứ trận đá banh nào. Tại Mexico, cũng là một nước đông dân và có đông người theo đạo, một “cha bề trên” sáng lập một họ đạo, nay cũng được bàn tán kịch liệt trong xã hội, ngay cả trong giới tập đoàn ma túy và tội ác băng đảng. Nhà thờ nay đã nhìn nhận Linh mục Marcial Maciel đã lạm dụng tình dục nhiều thiếu nhi và là cha “thật sự” của ba đứa trẻ mà ông có với hai phụ nữ. Đúng là trẻ không buông già không tha…
Người ta xem việc này như là một sự phản bội niềm tin. Con người ai cũng có thể lầm lỗi, và các cha cũng là con người, cho nên các cha cũng có thể lầm lỗi. Nhưng lạm dụng tình dục của con chiên, nhất là trẻ em, là chuyện quá tồi bại mà ta không thể tưởng tượng được một người đã khấn nguyện làm việc cho Chúa lại không giữ được mình để làm những chuyện nhơ nhuốc đó. Nếu con người đã biết mình là thế thì đừng bước chân vào nhà thờ, đừng mặc áo dòng. Đi làm chính trị tự do hơn. Nhưng tệ hơn nữa dưới mái nhà thờ người ta bao che, lấp liếm những chuyện đó. Con chiên đặt lòng tin vào các cha, vào nhà thờ, nhưng các cha làm bậy và nhà thờ đã gián tiếp tiếp tay. Và chuyện không xảy ra mới đây. Chuyện không xảy ra ở một vài giáo đường. Chuyện đã có cả thế kỷ, và trên khắp nước Ái Nhĩ Lan, nước vẫn được xem là đứng hàng đầu thế giới về xuất cảng linh mục, thị trường mạnh nhất là nước Mỹ.
Trong một nhận định có phần nghiệt ngã, người ta nói rằng sở dĩ ở Ái Nhĩ Lan nhiều người thích đi tu làm cha vì họ chắc rằng đi tu thì khỏi đi tù vì những chuyện lạm dụng tình dục trẻ em. Thế nhưng rất nhiều người suy nghĩ như thế về các cha ở Ái Nhĩ Lan, và không nên trách họ mà chỉ nên hỏi Giáo hội của nước này vì đâu nên nỗi. Đức Hồng y của Ái Nhĩ Lan đã thú nhận “hành động đáp ứng của Giáo hội Ái Nhĩ Lan trước vấn đề lạm dụng tính dục của các cha là không thỏa đáng đến mức tệ hại”.
Cách đây tám năm, khi cuộc khủng hoảng loại này nổ ra ở Giáo hội ở Mỹ tại Boston, Massachusetts, người ta cho rằng việc này chỉ ở Mỹ mới có. Nay thì, như nhân xét của ông John Allen, một nhà báo kỳ cựu của CNN chuyên theo dõi Vatican và bỉnh bút của tờ National Catholic Reporter, “Bây giờ đã có xự xác nhận rõ rệt đây là một cuộc khủng hoảng toàn cầu. Nơi nào có một dân số Thiên Chúa khá lớn là nơi đó có khả năng có loại tai tiếng này”. Người ta nói rằng bao nhiêu tiền của nhà thờ quyên được chỉ để đổ ra hàng trăm triệu đô la giải quyết các vụ kiện nhằm vào các cha ưa ấu dâm. Những người đấu tranh cho nhân quyền ở Ái Nhĩ Lan, ở châu Âu và châu Mỹ cho rằng sẽ có thêm nhiều nạn nhân ra mặt và tai tiếng sẽ càng lan rộng thêm thay vì thu hẹp lại.
Như đã nói, đây không phải là “chuyện đến bây giờ mới kể”, nhưng trong vụ tai tiếng này, chỉ rất gần đây người ta mới nhìn thẳng vào giáo hội La Mã để xét trách nhiệm của Tòa Thánh nói chung và của Giáo hoàng nói riêng. Theo đài BBC, “những cáo buộc là giáo hội đã tìm cách che đậy những vụ lạm dụng tình dục của các linh mục Thiên Chúa giáo ở châu Âu đã ám ảnh Giáo hội trong nhiều tháng qua”, và “Trong hơn 20 năm trước khi là Giáo hoàng, Hồng Y Joseph Ratzinger (tên của Giáo hoàng Benedict XVI) đã cầm đầu Thánh Bộ Tín Lý – là văn phòng của Vatican có trách nhiệm theo dõi và giải quyết những trường hợp lạm dụng trẻ em”.
1- Vụ thứ nhất, khi còn là Hồng Y Joseph Ratzinger, ông ký lệnh yêu cầu mọi vụ lạm dụng tình dục báo cáo về văn phòng của ông nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật nếu không sẽ bị mất phép thông công. Vì chuyện không đưa ra ánh sáng, không báo cho cảnh sát, cho nên bà Marie Collins bị một ông cha ở Dublin hiếp nhiều lần khi 13 tuổi, đến mức phải đi nhà thương năm 1960, nhưng đến năm 1997 – 37 năm sau – ông cha này mới bị đuổi ra khỏi giáo hội để vào tù! Trước tình hình đó, năm 2001 Hồng Y Joseph Ratzinger vẫn một mực xem đây là chuyện riêng của nhà thờ, không phải chuyện của luật pháp!
2- Trước đó khá lâu, khi đang còn làm tổng giám mục địa phận Munich ở nước Đức vào những năm từ 1977 đến 1982, theo tin tức gần đây, ông đã chấp thuận việc chuyển một linh mục bị tố cáo về tội lạm dụng tình dục trẻ em đi nơi khác đề “điều trị” thay vì báo cáo sự việc cho cảnh sát điều tra và đưa ông cha này ra tòa. Điều này có nghĩa là hơn 30 năm trước, Giáo Hoàng tương lai đã chủ trương đây là nhũng chuyện trong nhà phải đóng cửa lại để giải quyết, và sử dụng quyền của mình để thực hiện chủ trương đó. Ông cha này nhờ thế mà vẫn cai quản một họ đạo, cho đến về sau này mới bị truy tố về tội lạm dụng tình dục.
3- Tuy nhiên, gây chấn động nhất là phanh phui ngày 25-3 của tờ New York Times, khi họ trưng ra những văn thư cho thấy những viên chức lãnh đạo ở Vatican, trong đó có cả vị giáo hoàng tương lai, đã không cởi áo một linh mục, Lawrence Murphy, từng xâm phạm đến cả 200 trẻ em bị điếc, dù rằng nhiều giám mục người Mỹ đã nhiều lần cảnh giác rằng không có biện pháp kỷ luật với ông cha này sẽ làm cho giáo hội bị tai tiếng nghiêm trọng. Theo những hồ sơ của giáo hội được tiết lộ gần đây trong một vụ kiện, những quan hệ thư tín nội bộ từ những giám mục ở Wisconsin trực tiếp gởi cho Hồng Y Joseph Ratzinger, vị Giáo hoàng tương lai, cho thấy trong khi các viên chức Vatican đang cãi nhau có nên đuổi ông cha này đi hay chăng, thì ưu tiên cao nhất của họ là tìm cách ém nhẹm vì sợ nổ ra tai tiếng. Năm 1996, Hồng Y Joseph Ratzinger đã không trả lời cho hai văn thư về vụ này từ ông Rembert G. Weakland, là tổng giám mục của địa phận Milwaukee vào lúc đó. Ông linh mục tội lỗi này chết vào năm 1998, trong 24 năm cuối đời vì tai tiếng nên ông được đổi từ Wisconsin đến một nơi còn cho ông phỉ chí tang bồng hơn nữa, vẩy vùng với toàn là trẻ em ở các trường và nhà dòng của ông quản lý. Khi chết nằm trong quan tài ông vẫn mặc áo dòng với thánh giá để trên ngực.
Ông Anderson đã gởi “hàng ngàn đơn kiện” cho các thân chủ của mình nhằm vào các linh mục, và đã lấy được ít nhất 60 triệu cho thân chủ của mình. Nhưng nay ông nhất quyết nhằm vào người đứng đầu Giáo Hội để truy cứu trách nhiệm. Bởi vậy mà ông tiết lộ cho tờ New York Times hồ sơ của cha Lawrence Murphy để cho thấy “trách nhiệm xuất phát từ vị Giáo Hoàng tương lai của chúng ta thời đó” (tức Giáo Hoàng bây giờ).
Về phía Tòa Thánh, với những lời phủ nhận ngắn gọn, họ nói rằng không có trách nhiệm phải đôi co với báo chí và cả với một phần dư luận “chống Chúa”. Về mặt pháp lý, những luật sư của Vatican đang nêu lên tính đặc miễn tài phán của Đức Giáo Hoàng là người đứng đầu của một nước, Vatican chẳng dính líu gì đến một việc xảy ra ở Mỹ, …
Chưa ai đoán được hồi kết cuộc sẽ như thế nào và vào khi nào, nhưng dư luận thật ra đang phân hóa: người thì cho rằng phải để Giáo Hoàng yên, kẻ thì muốn ông phải xuống và cho rằng sự im lặng đồng nghĩa với sự xác nhận trách nhiệm. Tuy nhiên, có người lại nhìn một hướng khác, vẩn vơ đặt câu hỏi thực sự con người được sinh ra có phải để đi tu hay chăng và ai đi tu được. Không thiếu người cho rằng đàn bà dễ đi tu hơn đàn ông, vì đàn ông thường đi tu khi chưa hiểu đời, do đó sau khi đi tu còn muốn hiểu đời, còn phụ nữ thường chọn cuộc sống thoát tục sau khi đã ít nhiều chiêm nghiệm được cuộc đời, nghĩ rằng cuộc đời chỉ có toàn nghiệp chướng, tục lụy.
Đây không phải là “hiện tượng” chỉ riêng có ở đạo Thiên Chúa. Mất niềm tin vào tôn giáo là chuyện xảy ra ở nơi nơi. Đi nhà thờ, có người thấy lạnh lẽo, khiếp sợ. Đi chùa, người ta cũng không còn cảm giác thoải mái đến một nơi thanh tịnh thoát tục. Bởi vì tục lụy ngày càng xâm nhập vào các nơi tôn giáo. Uy quyền vô hình, vật chất, tiền tài cụ thể, ngày nay internet cũng đã có con đường vào chỗ thờ phượng để trở thành công cụ quyên góp và quảng cáo cho nhà thờ, cho chùa trong một “xã hội tiêu thụ” của một nền kinh tế thị trường… Cho nên nhiều người ngẫm nghĩ, dân gian nói thế mà đúng “Thứ nhất là tu tại gia…”
0 nhận xét:
Đăng nhận xét