Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014
Bàn về nỗi sợ của con người
23:15
Hoàng Phong Nhã
No comments
Có những người vì sợ gãy chân mà không dám bước đi. Nhưng không dám bước đi thì khác nào chân đã gãy?
Napoleon từng nói “Kẻ nào sợ bị khuất
phục, kẻ đó sẽ thất bại.” Bởi thế nên trong cuộc sống hàng ngày, chúng
ta luôn được khích lệ động viên bằng những câu nói “Đừng sợ thất bại”,
“Chớ sợ khó khăn”… Có lẽ trong suy nghĩ của nhiều người, cái sợ dường
như thật vô ích, cái sợ trở thành một thứ ngăn trở con người tiến lên,
thành công.
Vậy mà trả lời phỏng vấn một tờ báo, khi được hỏi sợ điều gì, diễn
viên Lương Mạnh Hải lại nói :”Tôi chỉ sợ luật pháp.” “- Ngoan hiền thế
kia sao phải sợ luật pháp?” “- Chính vì sợ luật pháp nên mới ngoan
hiền.” Phải chăng bên cạnh sự can đảm thì cái sợ ở một khía cạnh nào đó
cũng thật cần thiết?
Sợ là cảm xúc lo lắng, bất an khi đối
diện với một nỗi nguy hiểm hoặc một mối đe dọa nào đó có thể xảy đến với
mình. Sợ là một biểu hiện tâm lý mà bất kỳ ai cũng sẽ gặp phải trong
cuộc sống, nó luôn hiện diện thật phong phú. Một đứa bé có thể sợ không
có mẹ ở bên, một học sinh sợ bị điểm kém, một cô gái nhút nhát có thể sợ
khi đối diện với đám đông, một người bán rong sợ trời mưa gánh hàng bị
ế, một người sắp rời khỏi cuộc đời sợ cái chết,…. Theo các nhà tâm lý
học thì sợ là một cảm xúc thuộc về bẩm sinh, bản năng của mỗi con người,
nó là một điều rất đỗi bình thường.
Đa phần ta vẫn thường cho rằng sợ hãi là
một cảm xúc không tốt, nó khiến con người trở nên nhụt chí, trở nên hèn
nhát và cản trở thành công. Kinh Phật cũng đề cao cái “vô úy”, “vô sở
úy” (Tức là không sợ hãi) mà răn rằng: “Đừng nên để lòng vào chỗ sợ hãi
lắm mới xa lìa trong trường chiêm bao tráo trác”.
Nếu sợ thất bại mà không dám đối diện
với khó khăn, không dám thử, không dám khám phá những cái mới, cái sợ đó
sẽ khiến con người trở nên nhỏ bé và giới hạn khả năng của chính mình.
Turgot nói: “Có những người vì sợ gãy chân mà không dám bước đi. Nhưng
không dám bước đi thì khác nào chân đã gãy?” Quả thực, với cuộc sống
phong phú này thì một lần dám đối diện với thử thách, một lần dám “liều”
thì con người sẽ khám phá và mở rộng hơn rất nhiều cuộc sống vốn ngắn
ngủi, đó là khi thành công đến, là khi tìm thấy và khẳng định được chính
mình.
Nếu sợ cường quyền mà khuất phục, cúi
đầu để được sống, để đạt được mục đích đê hèn thì nỗi sợ hãi đó cũng
thật đáng khinh. Sợ cấp trên nên nịnh nọt để được thăng tiến, để không
bị trù dập, sợ mất cơ hội mà tranh giành, đấu đá dẫm đạp nên mọi giá
trị. Những nỗi sợ đó khiến con người vốn nhỏ bé lại càng bị kéo xuống
thấp hơn.
Nhưng không phải vì thế mà cứ sống một
cách ngang tàng, không biết sợ bởi lẽ có những nỗi sợ lại rất cần thiết
trong cuộc sống. Nếu biết tiết chế nỗi sợ hãi và biết sợ hãi đúng lúc,
đó có khi lại là một cách hay để sống tốt cuộc sống của mình.
Bởi lẽ đối diện với bất kỳ một vấn đề
nào trong cuộc sống, cái sợ sẽ khiến con người trở nên cẩn trọng hơn.
Cuộc sống luôn ẩn chứa những khó lường, những thay đổi mà con người
không thể biết hết, sợ những hiểm nguy đó cũng giống như một người đi
trong đêm sợ bóng tối vậy. Để từ nỗi sợ đó, ta sẽ tính toán cẩn thận và
có những bước đi đúng đắn. Sợ thất bại, ta sẽ cẩn trọng để không phải
mắc sai lầm, để đi đến thành công nhanh chóng hơn. Nếu không biết sợ, ai
cũng có thể nhắm mắt làm liều, làm bừa thì hậu quả sẽ khôn cùng. Vụ sập
cầu Cần Thơ năm 2008 chẳng phải cũng là biểu hiện của sự thiếu cẩn
trọng mà căn nguyên của nó cũng chỉ vì không biết sợ hay sao?
Hơn nữa, đôi khi cái sợ lại là biểu hiện trái chiều của thái độ trân trọng với cuộc đời. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết: “Mỗi một con người vì ngại chết mà muốn sống. Mỗi một con người vì sợ mất tình mà giữ mãi một lòng nhớ nhung.”
Một ví dụ giản dị nhất của nỗi sợ, đó là sợ cái chết. Sợ cái chết không
chỉ là một nỗi sợ bản năng của con người mà với những người biết trân
trọng cuộc sống, sợ cái chết vì còn nhiều điều chưa hoàn thành, vì còn
nhiều dự định còn ấp ủ. Không yêu đời sao phải ngại chết, không trân
trọng tình người sao phải sợ mất tình?
Ta vẫn thường nhìn nhận sự sợ hãi đồng
nghĩa với hèn nhát, thiếu can đảm, từ đó mà xem nhẹ, coi khinh cái sợ.
Nhưng đôi khi, có những nỗi sợ hãi lại tôn con người lên, khẳng định
phẩm giá của con người, như nhân vật Huấn Cao trong tác phẩm “Chữ người
tử tù” của nhà văn Nguyễn Tuân, nhân vật Huấn Cao - một con người không
biết sợ bất cứ thế lực nào nhưng lại có một nỗi sợ thật cao quý “sợ phụ
mất một tấm lòng trong thiên hạ.” Chính cái sợ đó đã tôn vinh Huấn Cao
lên thêm một bậc của kẻ anh hùng.
Trở lại với cuộc đối thoại ngắn của diễn
viên Lương Mạnh Hải để thấy được một trong những điều con người nên sợ
hãi, đó là sợ pháp luật. Người ta thường nói, nếu không làm điều gian
tà, độc ác, sao phải sợ sự trừng trị của pháp luật? Nhưng Lương Mạnh Hải
lại cho rằng người thiện lương mới là người sợ pháp luật. Bởi lẽ cái sợ
sự trừng trị nghiêm minh của pháp luật với những kẻ gian tà thực chất
chỉ là cái sợ bề ngoài, cái sợ thuộc về bản năng khi phải đón nhận một
bản án không tốt dành cho mình. Còn cái sợ pháp luật của người lương
thiện đó không chỉ là cái sợ để hướng con người biết giới hạn, biết hành
xử đúng mực mà đó là cái sợ khi phải đối diện với tòa án lương tâm
trong chính mỗi con người.
Xã hội sẽ ra sao nếu như ai ai cũng
không biết sợ pháp luật? Đó là khi những quy tắc, chuẩn mực, giới hạn bị
phá vỡ, khi mọi quyền của con người bị xâm phạm một cách ngang nhiên.
Đó là khi ai cũng có thể lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để gây tội
ác, như những dư chấn sau vụ án Lê Văn Luyện, đó là tội ác của Lê Anh
Tuấn, không biết sợ pháp luật vì biết mình chưa đủ độ tuổi luật định để
nhận bản án thích đáng của pháp luật đối với tội ác dã man của mình.
Bởi thế mà cái sợ không phải lúc nào
cũng là vô ích, vô nghĩa. Sợ để biết sống đúng mực, sợ để biết trân
trọng những gì đáng quý trong cuộc đời, sợ để biết cẩn trọng hơn. Đó là
cái sợ nên có trong cuộc đời.
Cuối cùng, thực chất, sợ và không sợ
cũng chỉ tồn tại trong cùng một mối quan hệ mà thôi, vì sợ cái này mà
không sợ cái kia. Nó giống như sự can đảm của người lính, không sợ cái
chết bởi sợ sống một cuộc sống còn tồi tệ hơn cái chết, đó là cuộc sống
của một dân tộc đã chết. Nó cũng giống như nhà bác học Ga-li-lê không sợ
giáo hội Thiên Chúa giáo thế kỉ XVIII vì sợ chân lý bị đánh cắp khi bảo
vệ quan điểm Trái Đất quay quanh mặt trời của mình. Bởi vậy sợ và không
sợ, cái nào nên, cái nào không nên thực chất không có ranh giới rõ
rãng, ranh giới đó do chính mỗi người tự đặt ra khi đối diện với mọi vấn
đề trong cuộc sống. Để làm sao, dù không sợ hay sợ thì ta vẫn luôn hành
xử một cách đúng mực.
Còn tôi, tôi sợ một ngày tôi đánh mất chính mình…
BÙI THỊ KIM ANH (VIETNAMNET)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét